Top 30 Chọn phân tích một tác phẩm thơ song thất lục bát mà em yêu thích

Tổng hợp trên 30 bài văn phân tích một tác phẩm thơ song thất lục bát mà em yêu thích hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 30 Chọn phân tích một tác phẩm thơ song thất lục bát mà em yêu thích

Quảng cáo

Chọn phân tích một tác phẩm thơ song thất lục bát mà em yêu thích - mẫu 1

Cảnh chia ly của những cặp vợ chồng trẻ luôn chạm đến trái tim người đọc một cảm giác đau thắt, hiu quanh. Nếu như trong Tống biệt hành, người con gái đang tiễn người chồng đi tìm cái lí tưởng cao đẹp: “Đưa người ta không đưa sang sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng?” thì trong 12 khổ thơ cuối của đoạn trích Nỗi niềm chinh phụ của Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm dịch, cũng là người vợ ấy, cũng là người con trai đang tìm công danh ấy, nhưng sao thật đắng cay, bởi người chồng đang cất bước ra chiến trường. Cả đoạn thơ là lời than thở, buồn đau, hi vọng được gặp chồng của người chinh phụ khi “tống biệt” chồng ra trận:

“Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.

Ngàn dâu xanh ngắt một màu,

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”

Mười hai câu thơ trên thuộc phần cuối của đoạn trích Nỗi niềm chinh phụ, trích trong tác phảm Chinh phụ ngâm, nguyên tác của Đặng Trần Côn, bản dịch của Đoàn Thị Điểm. Tuy nhiên, cho đến nay, bản dịch này chắc chắn của Đoàn Thị Điểm không lại là vấn đề mà chưa ai dám khẳng định, nhưng phần đông các nhà nghiên cứu đều cho rằng bà là người dịch nguyên tác của Đặng Trần Côn ra chữ Nôm. Tác phẩm Chinh phụ ngâm (hay Khúc ngâm của người phụ nữ có chồng ra trận) được Đặng Trần Côn sáng tác trong khoảng năm 1710 - 1712 bằng chữ Hán. Cả bài ngâm khúc là lời tâm sự, giãi bày của người chinh phụ tiễn chồng ra trận. Trong mười hai câu thơ cuối bài, nỗi niềm ai oán, nhớ nhung của người chinh phụ càng đậm nét hơn cả.

Quảng cáo

Người chinh phụ mang nỗi hờn tủi, cô quạnh sau khi tiễn chồng đi:

“Chàng thì đi cõi xa mưa gió,

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.”

Thủ pháp đối được tác giả sử dụng vô cùng tài tình và ý nhị. Chàng thì “đi”, còn thiếp thì “về”, nơi chàng đi là ‘cõi xa mưa gió”, nơi nàng về là “buồng cũ chiếu chăn”. Khoảnh cách giữa người chinh phụ và người chinh phu ngày càng bị kéo dài ra. “cõi xa mưa gió” là hình ảnh ẩn dụ, chỉ nơi chiến trường mà người chinh phu phải đến, hoặc cũng có thể, đây là hình ảnh chỉ sự hi sinh của người chinh phu trên trận mạc. Còn hình ảnh “buồng cũ chiếu chăn” ý chỉ nơi mà hai vợ chồng từng mặn nồng với nhau, giờ đây chỉ còn lại mình nàng. Người chinh phụ phải cô đơn lẻ bóng, lo lắng chồng mình ở chiến trường, không biết rồi mai, liệu chồng còn trở về bên mình.

Người chinh phụ nhìn mãi, ngóng theo chồng nơi xa, nhưng càng trông theo lại càng không thấy bóng dáng chồng:

Quảng cáo

Đoái trông theo đã cách ngăn,

Tuôn màu mây biếc trải ngần núi xanh.”

Nàng nhìn về phía chồng, không thấy đạn khói của chiến tranh, chỉ thấy “mây biếc” và “núi xanh”. Màu xanh bao trùm lấy hai câu thơ, không chỉ miêu tả khung cảnh trước mắt người chinh phụ, mà còn gợi cảm giác heo hút, lãnh lẽo, cô đơn trong cõi lòng của nàng. Biện pháp đảo ngữ “tuôn màu mây biếc” và “trải ngần núi xanh” khiến không gian thiên nhiên như trải dài vô tận.

Xa mặt nhưng không cách lòng, người chinh phụ và người chinh phu luôn nhớ đến nhau:

“Chốn Hàm Kinh chàng còn ngoảnh lại.

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.”

Quảng cáo

Hàm Dương và bến Tiêu Tương “cách mấy trùng”, nhưng hai người ở hai bên luôn gửi những nỗi nhớ mong, hi vọng cho nhau. Người chinh phu “ngoảnh lại”, nhìn về phía quê nhà, nơi vợ con đang ngóng chông chàng. Trước khi lên ngựa đi xa, chàng bịn rịn vợ con: “Nhủ rồi nhủ lại cầm tay,/ Bước đi một bước dây dây lại dừng”, chàng đi một bước, lại ngoảnh đầu nhìn người vợ một lúc. Và giờ đây, khi đã ra chiến trường, chàng cũng vẫn ngoảnh đầu nhớ thương vợ. Còn người chinh phụ ở nhà luôn “trông sang”, trông đến nơi chiến trường đổ máu. Biện pháp đối tài tình vẫn tiếp tục được sử dụng trong các câu thơ, như đang thể hiện sự đối lập giữa hoàn cảnh của hai người, nhưng lại có sợi dây vô hình gắn kết trái tim của người chinh phu và người chinh phụ.

Niềm hi vọng chồng trở về của người chinh phụ ngày càng le lói, thay vào đó là nỗi nhớ đến đỉnh điểm, nỗi đau đớn dâng trào:

“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.

Ngàn dâu xanh ngắt một màu,

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”

Màu xanh lại xuất hiện trong mắt người chinh phụ, nhưng đây không phải màu xanh tươi mát của bầu trời, mà là màu xanh ngắt trải dài của ruộng dâu. Biện pháp điệp ngữ ‘cùng…”, điệp từ “thấy”, “ngàn dâu” như đang diễn tả sự luẩn quẩn, sự sầu đau không thể diễn tả của người chinh phụ. Nàng nhìn ra xa, ngóng chồng mãi, nhưng chỉ thấy ruộng dâu xanh ngắt. Một cảm giác cô đơn, hiu quạnh ngập tràn trong lòng người đọc. Cũng dùng màu sắc để diễn tả cuộc chia tay, nhưng có lẽ, sắc đỏ trong bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn My phần nào mang cảm giác hi vọng hơn: “Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ/ Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa.” Kết thúc đoạn thơ là một câu hỏi tu từ mà mãi sẽ không bao giờ có câu trả lời: “Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”. Thiếp và chàng đều mang trong mình những nỗi đau khắc khoải, không biết chàng hay thiếp, ai mang nỗi sầu đau hơn? Câu hỏi cất lên như giãi bày hết mọi sầu đau, như tiếng thét đau đớn tột cùng cất lên.

Như vậy, với cách sử dụng biện pháp đảo ngữ, phép đối, câu hỏi tu từ hết sức khéo léo, ngôn ngữ bình dân kết hợp với ngôn ngữ bác học, Đặng Trần Côn đã diễn tả sâu sắc hơn nỗi niềm xót thương, lo lắng, nhớ nhung chồng và ai oán cho thân phận mình của người chinh phụ. Qua đó, ta càng hiểu hơn về những mất mát mà chiến tranh đã gây ra với nhân dân ta.

Dàn ý Chọn phân tích một tác phẩm thơ song thất lục bát mà em yêu thích

- Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác phẩm thơ song thất lục bát (nhan đề, tên tác giả) và nêu ý kiến chung về tác phẩm.

- Thân bài: Lần lượt phân tích các phần theo bố cục tác phẩm thơ:

+ Phần 1 (từ câu…đến câu…): phân tích những tâm tư, nỗi niềm, khát vọng,…và một số nét đặc sắc về nghệ thuật.

+ Phần 2 (từ câu…đến câu…): phân tích những tâm tư, nỗi niềm, khát vọng,…và một số nét đặc sắc về nghệ thuật.

+…

Ngoài cách phân tích tác phẩm theo bố cục, có thể phân tích theo lần lượt đi từ nội dung đến hình thức nghệ thuật hoặc ngược lại.

- Kết bài: Khẳng định ý nghĩa, giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm thơ.

Top 30 Chọn phân tích một tác phẩm thơ song thất lục bát mà em yêu thích

Chọn phân tích một tác phẩm thơ song thất lục bát mà em yêu thích - mẫu 2

Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) để lại khoảng 800 bài thơ chữ Nôm và chữ Hán trong đó có ngót một trăm bài thơ viết về tình bạn. Có bài như "Bạn đến chơi nhà" thì hầu như ai cũng biết. Viết về Dương Khuê (1839 - 1902) bạn chí thân của mình, Nguyễn Khuyến đã có bốn bài thơ chữ Hán. Riêng bài thơ thứ tư "Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương Thượng thư" (Viếng bạn đồng khoa là Vân Đình tiến sĩ Dương Thượng thư) được tác giả dịch ra chữ Nôm thành bài "Khóc Dương Khuê".

Đây là bài thơ khóc bạn rất tha thiết cảm động của Nguyễn Khuyến cũng là bài thơ khóc bạn rất nổi tiếng trong nền thơ ca dân tộc. Dương Khuê là bạn đồng khoa với Nguyễn Khuyến tại khoa thi Hương năm 1864. Dương Khuê đỗ tiến sĩ, làm quan to, để lại nhiều bài thơ hát nói tuyệt bút. Từ bạn đồng khoa đã phát triển thành bạn tri âm tri kỉ nên Nguyễn Khuyến mới có thơ khóc bạn cảm động và tha thiết như vậy. Có thể xem đây cũng là một bài văn tế được viết bằng thể thơ song thất lục bát, giọng thơ réo rắt thấm đầy lệ, gồm có 38 câu thơ. Hai câu thơ mở đầu:

"Bác Dương thôi đã thôi rồi.

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta"

Phong cách và bút pháp Nguyễn Khuyến vốn thâm thuý, cảm xúc lắng đọng. Tất cả nỗi đau mất bạn dường như dồn nén vào câu thơ lực bát mở đầu này. Dòng lục (Bác Dương thôi đã thôi rồi) ngắn gọn cất lên tiếng kêu thương đột ngột. Tin dữ về người bạn tri âm tri kỉ đến bất ngờ quá khiến cho Nguyễn Khuyến bàng hoàng, đau đớn và thất vọng. Biện pháp nghệ thuật nói giảm “thôi đã thôi rồi”, với từ “thôi” được lặp lại hai lần có tác dụng gợi nỗi đau đột ngột, sự thảng thốt, sự trống vắng không gì bù đắp nổi.

Dòng bát (Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta) dàn trải, diễn tả về sự mất mát đau thương ấy của Nguyễn Khuyến. Từ láy “man mác” đã diễn tả được cả không gian cũng nhuộm màu tang tóc. Có lẽ, lòng người đau đến quặn thắt như đứt ra từng khúc ruột “ngậm ngùi” nên nỗi đau ấy lan toả cùng mây trời non nước. Người bạn tri âm tri kỉ vừa ra đi làm cho nhà thơ thấy hẫng hụt, trống vắng đến khôn cùng.

Tác giả nhắc lại, nhớ lại những kỉ niệm sâu sắc với người đã quá cố. Với nhà nho thì bạn đồng khoa là bạn đẹp nhất, tự hào nhất. Nguyễn Khuyến và Dương Khuê cùng đỗ đạt, cùng làm quan, tình bạn ấy là "duyên trời" tác hợp nên:

"Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,

Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau.

Kính yêu từ trước đến sau,

Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời"

Các từ ngữ "sớm hôm", "cùng nhau", "từ trước đến sau" thể hiện một tình bạn vô cùng thân thiết, chung thuỷ. Mỗi một kỉ niệm là một mảnh tâm hồn của nhà thơ được nhắc lại với bao nhiêu giọt lệ. Nguyễn Khuyến như vẫn thấy Dương Khuê đang cùng mình hiển hiện. Phải là bạn tâm đầu ý hợp, phải là những tao nhân mặc khách mới có những kỉ niệm cầm ca, thi tửu đẹp và đáng nhớ như vậy.

Nhớ những cuộc du ngoạn, thăm thú nơi "dặm khách" chan hoà với thiên nhiên, thảnh thơi giữa chốn lâm tuyền: "Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo". Nhớ những lần cùng nhau đi hát ả đào nơi lầu cao, thưởng thức cung đàn, giọng hát:

"Có khi từng gác cheo leo,

Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang"

Nguyễn Khuyến và Dương Khuê không chỉ chuyên cần học tập mà hai người cùng có những thú vui thật tao nhã: cầm, kì, thi, hoạ... Tình bạn ấy thật trong sáng và cao đẹp. Đó là tình bạn của những nhà nho chân chính. Cả hai ông đều là những người chăm chỉ dùi mài kinh sử mong được ghi tên vào bảng vàng bia đá, lưu danh muôn thuở. Cả hai ông đều đậu đại khoa dưới triều Nguyễn. Với biết bao kỉ niệm êm đẹp như vậy nên khi nhận tin Dương Khuê mất tâm trạng nhà thơ thảng thốt và đau đớn đến bàng hoàng.

Có kỉ niệm vui, có kỉ niệm buồn. Nguyễn Khuyến và Dương Khuê cùng làm quan to dưới thời nhà Nguyễn. Nhưng rồi đất nước ta bị xâm lăng, dân tộc ta bị giặc Pháp thống trị, là kẻ sĩ, là nhà nho "cùng nhau hoạn nạn". Cách ứng xử của mỗi người đểu có chỗ khác nhau. Nguyễn Khuyến đã cáo bệnh, từ quan về sống cuộc đời bình dị giữa xóm làng quê hương. Không tham miếng "đẩu thăng", lương bổng của triều đình. Còn Dương Khuê vẫn làm quan. Trong bài thơ chữ Hán "Gửi thăm quan Thượng thư họ Dương", Nguyễn Khuyến tỏ ra rất thông cảm với bạn: "Tôi biết bác vì cha mẹ phải làm quan để lấy tấm lụa - Bác biết tôi nghèo phải làm quan để kiếm đấu gạo lương". Cảnh ngộ và cách ứng xử tuy có khác nhau, kẻ làm quan, người từ quan, nhưng Tam nguyên Yên Đổ vẫn tỏ ra bao dung bạn, vẫn "kính yêu từ trước đến sau", không bao giờ thay lòng đổi dạ:

"Bác già tôi cũng già rồi,

Biết thôi, thôi thế, thì thôi, mới là"

Chữ "rồi" vần với ba chữ "thôi" liên tiếp như một tiếng thở dài, tự an ủi mình, như muốn quên đi thật nhanh những điều bất đắc chí. Không nỡ, không muốn nhắc đến nữa mới là bạn bè tâm giao! Lời than khóc trở nên xót xa khi nhà thơ nhắc lại điển tích Tử Kỳ - Bá Nha và Trần Phồn - Từ Trĩ. Chiếc giường dành riêng tiếp bạn nay đã trở nên "hững hờ". Tiếng đàn cũng "ngẩn ngơ" mất hồn vì lẻ bạn. Một cách nói thậm xưng để cực tả nỗi đau tê tái khi bạn thân qua đời. Khi còn sống thì đôi bạn cùng đi chơi "dặm khách", cùng "lựa chiều cầm xoang", "rượu ngon cùng nhắp", cùng "bàn soạn câu văn"... Lúc bạn qua đời chẳng còn người tri âm tri kỉ để cùng nhau uống rượu, làm thơ, nghe đàn, năng lui tới thăm nom, chia ngọt sẻ bùi cùng nhau. Nguyễn Khuyến đã có nhiều cách nói rất sâu sắc, cảm động diễn tả sự thương xót bạn và nỗi buồn cô đơn của mình.

Trải qua bao mưa nắng, bao thăng trầm hoạn nạn, Tam nguyên Yên Đổ còn đâu nhiêu nước mắt để khóc bạn, chí còn biết "lấy nhớ làm thương". Tuy nhiên cả bài thơ, nhất là bốn câu kết đã "chứa chan" nước mắt đau xót. Hai câu thơ: "Bác chẳng ở dẫu vẫn chẳng ở - Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương" với cách diễn đạt trùng điệp và tăng cấp đã tạo nên giọng thơ buồn thê thiết, Nguyễn Khuyến để lại nhiều tiếng khóc: khóc cho đất nước và dân tộc, khóc vợ, khóc con, khóc bạn,… Tiếng khóc nào cũng xúc động, tê tái, nặng tình, nặng nghĩa. Riêng bài "Khóc Dương Khuê" lại được viết bằng thể thơ song thất lục bát, lời khóc bạn càng trở nên thiết tha, não nùng, lúc thì nức nở, thảng thốt, lúc thì kể lể thở than, lúc thì phân trần, lúc thì trách móc, lời thơ thủ thỉ như nói với người còn sống, rất cảm động. Giọng thơ liền mạch, lời thơ tinh tế, biểu cảm đã thể hiện nghệ thuật vừa bình dị, vừa điêu luyện.

Qua bài thơ, ta thấy Nguyễn Khuyến không chỉ là người tài cao học rộng mà còn là người rất nghĩa tình. Ông thuỷ chung trong tình bạn. Tình cảm đối với bạn của tác giả thật đáng trân trọng, đáng cho chúng ta học tập.

Chọn phân tích một tác phẩm thơ song thất lục bát mà em yêu thích - mẫu 3

Hai chữ nước nhà là bài thơ mở đầu tập Bút quan hoài I của Trần Tuấn Khải, được sáng tác vào năm 1926. Bài thơ lấy đề tài lịch sử thời kì nước ta bị quân Minh xâm lược (thế kỉ XV). Cha con Nguyễn Trãi đã bị thất thế trong cuộc xâm lược này của quân giặc. Nguyễn Phi Khanh bị giặc bắt giải về Trung Quốc, Nguyễn Trãi định theo cha nhưng tới biên giới phía Bắc, Nguyễn Phi Khanh khuyên Nguyễn Trãi nên quay trở về để tính chuyện trả thù cho cha, cho dân tộc.

Tác giả bài thơ đã mượn lời người cha căn dặn con để viết nên tác phẩm mang tinh thần yêu nước sâu sắc và ý nguyện độc lập dân tộc. Đoạn trích “Hai chữ nước nhà” gồm 36 câu thơ được Trấn Tuấn Khải sáng tác vào năm 1926, in trong tập Bút quan hoài I. Những đề tài lịch sử, những gương anh hùng dân tộc đã được Trần Tuấn Khải ghi lại nhằm khích lệ tinh thần yêu nước, nói lên nỗi nhục của những người mất nước, qua đó thể hiện khác vọng độc lập, tự do của tác giả.

Trong lời đề từ của bài thơ, tác giả nói rõ cảm hứng của mình là Nghĩ lời ông Phi Khanh dặn ông Nguyễn Trãi khi ông bị quân Minh bắt giải sang Tàu. Từ chi tiết này, ta có thể thấy Hai chữ nước nhà là bài thơ mượn đề tài lịch sử để thể hiện tinh thần yêu nước của tác giả.

Phần đầu của bài thơ, tác giả gợi lên cảnh đau thương của đất nước khi bị quân Minh xâm lược. Những hình ảnh nhân hóa rất gợi cảm như mây sầu ảm đạm, gió thảm đìu hiu, hổ thét chim kêu đã cho thấy sự đau thương của đất nước dưới ách đô hộ của nhà Minh. Sông núi cũng mang một nỗi đau như con người. Cả một không gian rộng lớn từ chốn ải Bắc đến cõi giời Nam và khắp bốn bể đều thấm máu và nước mắt của bao con người Việt Nam.

Chốn ải Bắc mây sầu ảm đạm,

Cõi giời Nam gió thảm đìu hiu,…

Chút thân tàn lần bước dặm khơi,

Trông con tầm tã châu rơi

Trước cảnh đất nước bị đô hộ người cha trên đường đi đày vẫn còn ngỗn ngang nỗi niềm. Các chữ trong đoạn thơ đã thể hiện niềm uất hận của người anh hùng thất thế, một bi kịch mà người cha đang gặp. Câu thơ thấm đầy nỗi niềm, giọng thơ vừa thiết tha vừa nào nùng: Con ơi, con nhớ lấy lời cha khuyên. Trước khi ra đi, người cha chỉ kịp nhắn gửi đến con những nỗi niềm của mình giao phó trách nhiệm trọng đại lại cho con

Giống Hồng Lạc hoàng tiên đã định,

Mấy ngàn năm suy thịnh đổi thay

Giời Nam riêng một cõi này,

Anh hùng hiệp nữ xưa nay kém gì!

Câu Anh hùng hiệp nữ xưa nay kém gì! như muốn nhắc người con khắc ghi lòng tự tôn dân tộc, nối tiếp truyền thống của những người đi trước quên mình vì độc lập của dân tộc. Những câu thơ sau trở nên đầy hận khí khi người cha nói về những tội ác tày trời của quân giặ

Bốn phương khói lửa bừng bừng,

Xiết bao thảm họa xương rừng máu sông

Những hình ảnh như khói lửa bừng bừng, xương rừng máu sông, thành tung quách vỡ, đất khóc giời than… tuy mang tính ước lệ nhưng vẫn có sức truyền cảm mạnh mẽ vì đã gợi lên bao nỗi nhục mất nước, lòng căm thù đối với quân giặc. Người cha trước khi đi nhìn cảnh đất nước mà đau đớn lòng. Càng lo cho vận mệnh của đất nước thì nỗi đau ấy càng thêm chất chứa. Câu cảm thán kết hợp với câu hỏi tu từ cất lên vô cùng thống thiết:

Con ơi! càng nói càng đau,

Lấy ai tế độ đàn sau đó mà

Lời thơ như chứa đầy lệ, có lời than, có tiếng nức nở. Ở đây không còn là lời cha dặn con đơn thuần mà là lời của cả một dân tộc. Những câu cuối cùng trong bài thơ vừa nói lên bi kịch của người cha: tuổi già sức yếu, sa cơ đành chịu bó tay, vừa đặt niềm tin vào người con trong việc trả thù nhà, gánh nợ nước: Giang sơn gánh vác sau này cậy con. Những lời tha thiết dặn con lần cuối như vì nước, nhớ tổ tông mệnh lệnh cho người con trong hoàn cảnh đau buồn của đất nước.

Con nên nhớ tổ tông khi trước

Đã từng phen vì nước gian lao,

Bắc Nam bờ cõi phân mao

Ngọn cờ độc lập máu đào còn đây…

Hai chữ nước nhà là bài thơ hay và cảm động. Bài thơ thể hiện một cách cô đọng nỗi đau mất nước, đồng thời khích lệ tinh thần yêu nước của nhân dân ta, nêu cao khát vọng độc lập tự do của cả dân tộc. Hai chữ nước nhà không còn là lời giữa hai cha con với nhau mà là lời của Tổ quốc, của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp.

Xem thêm các bài Soạn văn 9 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH ĐỀ THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và sách dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Soạn văn 9 Kết nối tri thức của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Ngữ văn 9 Tập 1 và Tập 2 (NXB Giáo dục).

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 9 Kết nối tri thức khác
Tài liệu giáo viên