5+ Nghị luận phân tích một truyện ngắn được sáng tác trong những năm gần đây

Viết bài văn nghị luận phân tích một truyện ngắn được sáng tác trong những năm gần đây lớp 9 hay nhất, ngắn gọn giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

5+ Nghị luận phân tích một truyện ngắn được sáng tác trong những năm gần đây

Quảng cáo

Nghị luận phân tích một truyện ngắn được sáng tác trong những năm gần đây - mẫu 1

Nguyễn Ngọc Thuần là nhà văn trẻ đầy triển vọng của nền văn xuôi đương đại. Với ông, văn chương phải đẹp và nhân văn, hướng đến những giá trị Chân – Thiện – Mỹ của đời sống, bồi đắp thế giới, tầm hồn cho con người. Truyện ngắn “Bố tôi” là một câu chuyện về tình cảm gia đình đầy ấm áp và tình thương, tình cha con sâu đậm.

“Nguyễn Ngọc Thuần đến với văn chương chỉ là tình cờ, nhưng sự tính cờ ấy đã đem đến cho nhà văn một cánh cửa mới”. Nguyễn Ngọc Thuần xuất thân là một nhà mỹ thuật tài hoa, thế hệ nhà văn 7X ở Sài Gòn không hẹn mà gặp xuất thân từ mỹ thuật khá nhiều, cứ như học mỹ thuật để viết văn, làm thơ. Văn chương của Nguyễn Ngọc Thuần chạm đến tâm hồn bạn đọc bởi sự trong trẻo, dễ thương, khi viết cho người lớn phải là từ những trải nghiệm thực tế của cuộc sống, còn khi viết cho thiếu nhi, ông thường đặt mình vào đứa trẻ, vẽ nên một thế giới đầy trong sáng và niềm tin. 

Quảng cáo

“Bố tôi” là truyện ngắn về tình cha con ấm áp. Người bố được miêu tả là một người cha yêu thương con hết mực, tận tình chăm sóc con, trân trọng từng món quá, từng bức thư mà con gửi. Ông rất yêu con, yêu từng nét chữ của con dù không biết đó là chữ gì. Dù cuộc sống có thay đổi, thì ông vẫn luôn đồng hành cùng con trên hành trình trưởng thành của mình.

Nhân vật người bố được khắc họa là một người cha yêu thương con hết mực. Vì có cách biệt về địa lý, ông không thể bên cạnh, đồng hành sát bên khi con trưởng thành. Thế nhưng, ông vẫn luôn theo dõi và quan tâm đến cuộc sống của con. Hai cha con giao tiếp với nhau qua từng bức thư con gửi. Ông trân trọng điều đó, trân trọng từng nét chữ của con. Vào mỗi cuối tuần, khi đi nhận thư, ông đều mặc chiếc áo phẳng phiu nhất, đi chân đất xuống núi, nhận bức thư của con. Dù không thể hiểu được nội dung của bức thư, ông vẫn cảm nhận được từng nét chữ, nghĩ suy, tâm tư của con qua từng cái “chạm tay vào nó, ép nó vào khuôn mặt đầy râu”. 

Quảng cáo

Khi người vợ hỏi ông tại sao lại không nhờ người đọc hộ bức thư, ông liền bảo rằng: “Nó là con tôi, nó viết gì tôi biết cả”. Có thể thấy, ông như một người bạn đồng hành của con, tôn trọng quyền riêng tư và độc lập của con. Ông không muốn người khác đọc bức thư của con gửi, vì ông hiểu con hơn bao giờ hết, hiểu con qua từng con chữ giản đơn. Những lá thứ được ông giữ một cách cẩn thận, ngắm nhìn nó từng ngày “những lá thư được bóc ra nhìn ngắm, chạm vào mặt rồi cất đi, không thiếu một lá, ngay cả những lá thư đầu tiên nét chữ còn non nớt”.

Sau này, trên hành trình trưởng thành của “tôi” đã không còn bố nữa, ngày đầu tiên bước chân vào trường đại học đã không còn bố dìu dắt cạnh bên. Thế nhưng, chỉ riêng “tôi” mới có thể cảm nhận được, rằng bố luôn “đi cùng tôi trên những con đường mà tôi sẽ đi, suốt cả cuộc đời”.

Quảng cáo

Truyện ngắn “Bố tôi” của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần là một câu chuyện nhẹ nhàng mang đầy ý nghĩa về tình cảm gia đình, sự hy sinh cao của người bố. Ngay cả khi bố không còn bên cạnh, thì tình cảm, sự gắn kết giữa hai bố con vẫn không hề nhạt phai, đồng hành cùng năm tháng trưởng thành của con.

Cha ơi bóng cả cây cao

Chở che con những lao đao cuộc đời

Cha cho con tình yêu thương và cuộc sống

Là mây trời lồng lộng chở che con.

Dàn ý Nghị luận phân tích một truyện ngắn được sáng tác trong những năm gần đây

a. Mở bài

- Truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi” (Tạ Duy Anh) in trong tập “Con dế ma” được trao giải Nhì cuộc thi viết cho thiếu nhi do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức.

- Qua câu chuyện của hai anh em cô bé Kiều Phương (có năng khiếu vẽ, có tranh được giải Nhất cuộc thi vẽ), tác giả kín đáo lồng vào bài học đạo đức: Đố kỵ, nhỏ nhen là một tính xấu không nên có; phải nhân hậu và độ lượng, nhất là trong tình cảm anh em ruột thịt.

b. Thân bài

* Tính cách của anh trai Kiều Phương:

- Thường tỏ ra khó chịu khi thấy em hay lục lọi đồ vật trong nhà.

- Thấy em gái mày mò tự chế ra màu vẽ, cậu ta âm thầm theo dõi nhưng coi đó chỉ là trò nghịch ngợm của trẻ con. Mỗi khi nói với em, cậu hay trêu chọc, châm biếm.

- Khi tài năng hội hoạ của em gái được phát hiện, bố mẹ vui mừng, riêng cậu ta lại buồn vì ganh tị và tủi thân.

- Em gái tham dự cuộc thi vẽ tranh và khi biết tin được giải Nhất, sung sướng ôm cổ anh trai để chia sẻ thì bị lạnh lùng gạt ra.

- Em vui vẻ mời anh đi dự lễ trao giải thưởng, anh tỏ ra không mặn mà gì.

- Trước bức chân dung của mình do em gái vẽ, cậu ta xúc động và ân hận vì mình đã đối xử không tốt với em gái, cảm thấy mình không xứng đáng với tấm lòng nhân hậu và cao thượng của em.

* Tính cách của Kiều Phương:

- Say mê vẽ, có năng khiếu vẽ.

- Hiếu động, thích mày mò, tìm hiểu, sáng tạo.

- Yêu thương anh rất chân thành.

- Biết anh không thiện cảm với mình nhưng vẫn vui vẻ, muốn chia sẻ với anh niềm sung sướng, hạnh phúc của mình.

- Bức chân dung với dòng chữ nắn nót: Anh trai tôi chứng minh cho tình cảm quý mến mà cô bé dành cho anh.

c. Kết bài

- Bài học đặt ra trong truyện là trước thành công của người khác, ta không nên ganh ghét, đố kị vì đó là thói xấu.

- Lòng nhân hậu và độ lượng giúp con người hoàn thiện nhân cách và sống thanh thản, tốt đẹp hơn.

Nghị luận phân tích một truyện ngắn được sáng tác trong những năm gần đây - mẫu 2

Tác phẩm “Bức tranh của em gái tôi” xoay quanh câu chuyện của hai đứa trẻ. Nhưng nó mang tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn, có thể nhận thấy qua câu chuyện tác giả muốn gửi đến chúng ta một thông điệp hãy luôn chiến thắng thói đố kỵ tầm thường bằng lòng khiêm tốn của chính mình.

Qua câu chuyện dù không quá dài nhưng người đọc có thể thấy được tài xây dựng nhân vật và kể chuyện của Tạ Duy Anh vô cùng ấn tượng. Tác giả đã sử dụng ngôi thứ nhất để kể chuyện, tác giả vào vai người anh trai để kể về cô em gái của mình cũng như bộc lộ tâm trạng và tình cảm một cách sâu kín nhất. Đồng thời vẻ đẹp của cô em gái đã được thể hiện một cách rõ nét hơn.

Với ngôi kể thứ nhất diễn biến tâm trạng của anh trai được dẫn dắt rất từ từ và tự nhiên qua từng tình huống làm người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tâm trạng theo mạch của câu chuyện rất cụ thể. Thoạt đầu khi thấy em gái vẽ và tự chế màu vẽ người anh coi đó chỉ là trò nghịch của em mình, sự coi thường đó thể hiện qua từ cách gọi cô em gái của người anh. Khi tài năng vẽ tranh của cô em gái được phát hiện thì tâm trạng người anh trai cũng biến đổi theo. Chú Tiến Lê bất ngờ phát hiện ra tài năng vẽ tranh của em gái, bố mẹ cảm thấy vui mừng, duy chỉ có người anh thấy buồn vì ngay lúc đó người anh nghĩ rằng mình bị cho ra ngoài, cả nhà đã quên mất mình. Chính vì thế tình cảm của người anh trai không còn như trước đến mức chỉ cần em gái mắc một lỗi nhỏ người anh cũng gắt um lên… Đây là một dạng tâm lý thường thấy ở nhiều người đó chính là lòng tự ái khi thấy người khác hơn mình. Chắc chắn Tạ Duy Anh là một người rất am hiểu tâm lý trẻ em nên mới có thể mô tả được tâm trạng của người anh một cách tự nhiên là liên kết như vậy.

Đến cuối truyện khi người anh được tặng bức tranh đoạt giải của người em và điều bất ngờ là người trong bức tranh chính là mình thì người anh trai đã thực sự bất ngờ. Và bất ngờ hơn khi trong mắt em gái, mình không đáng ghét mà lại rất đỗi thân thương, với đôi mắt như tỏa ra một thứ ánh sáng lạ. Lúc này bỗng chốc con người cậu trở nên mềm nhũn, cậu bé bất ngờ, hãnh diện và rồi tự thấy xấu hổ. Tâm trạng xấu hổ của người anh lúc này cũng chính là lúc để nhân vật tự thức tỉnh con người ích kỷ của mình. Câu hỏi bỏ lửng “dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo đến kia ư?” như nói lên sự dằn vặt, sự tỉnh giấc trong con người của cậu bé.

Qua câu chuyện “Bức tranh của em gái tôi” ngoài cảm nhận được vẻ đẹp của cô em gái Kiều Phương, sự thức tỉnh của người anh cũng nhắn nhủ chúng ta rằng hãy tự nhìn lại bản thân. Quả là một bài học về nhân cách rất sâu sắc mà tác giả muốn truyền đạt lại.

Nghị luận phân tích một truyện ngắn được sáng tác trong những năm gần đây - mẫu 3

Truyện Tầng hai là một truyện ngắn đầy cảm xúc của tác giả Phong Điệp, mô tả cuộc sống đơn độc và sự khao khát hạnh phúc của nhân vật chính. Qua đó, tác giả thể hiện được hình ảnh cuộc sống cùng với những bài học quan trọng về giá trị gia đình và sự đơn giản trong cuộc sống.

Bối cảnh của truyện xoay quanh một căn nhà hai tầng màu xanh biển ở Hà Nội, nơi mà Phan, một cô gái tỉnh lẻ, thuê phòng ở tầng dưới. Cuộc sống của cô đơn độc và tẻ nhạt, cô luôn mơ ước làm giàu để thoát khỏi cảm giác nhàm chán này. Cô thường ngồi suy nghĩ trước khi đi ngủ, theo dõi cuộc sống của gia đình ba người ở tầng hai. Từ tầng dưới, Phan có thể nghe thấy mọi âm thanh từ tầng trên, từ âm thanh mê ngủ của người mẹ đến tiếng chạy nhảy của người con trai, đến cuộc trò chuyện giữa các thành viên gia đình. Cô cảm thấy ngượng ngùng khi nghe được những cuộc trò chuyện riêng tư của người khác, nhận ra cuộc sống của họ hoàn toàn trái ngược với cuộc sống tẻ nhạt của cô. Cô luôn tìm kiếm hạnh phúc và giàu có, tin rằng chỉ có khi thành công và giàu có, cô mới được tôn trọng và hạnh phúc.

Khi cặp vợ chồng ở tầng trên sinh con, Phan muốn chúc mừng họ, nhưng lại cảm thấy rụt rè. Cuối cùng, cô bị bà chủ nhà phát hiện và cô bước lên tầng hai, nhìn thấy thế giới mà cô luôn tưởng tượng. Khi đối diện với cuộc sống hạnh phúc của gia đình trên tầng hai, cô nhận ra rằng hạnh phúc không phải điều xa xôi mà cô tìm kiếm. Thay vào đó, nó tồn tại trong gia đình cô, mà cô đã lâu không quan tâm đến. Tầng hai mang đến cho độc giả nhiều suy nghĩ về cuộc sống và giá trị của gia đình. Phan, như một biểu tượng cho sự tìm kiếm hạnh phúc và thành công, bị mắc kẹt trong khao khát này và bỏ qua những điều giản đơn như tình yêu, quan tâm và sự chia sẻ trong gia đình. Nhân vật “bà mẹ” sống trên tầng hai là một hình mẫu của tình yêu gia đình và sự hòa đồng. Bà không chỉ thương yêu con dâu và cháu mình, mà còn là một người mẹ chồng tâm lý, lo lắng và chăm sóc. Bà sống hòa đồng và mở lòng mời Phan lên tầng hai khi nhìn thấy cô rụt rè.

Tác giả sử dụng cách viết theo diễn biến thời gian, đan xen giữa các sự việc hiện tại và các hồi ức, suy nghĩ của nhân vật chính. Qua việc sắp xếp cốt truyện theo trình tự thời gian, tác giả tạo ra sự liên kết logic giữa các sự kiện, giúp người đọc theo dõi và hiểu rõ hơn về cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật chính. Điều này tạo nên một cái nhìn tổng quan về cuộc sống của Phan và gia đình tầng hai, từ đó gợi mở những suy nghĩ và cảm xúc sâu sắc về hạnh phúc và giá trị của gia đình. Tác phẩm cũng chứa đựng một thông điệp sâu sắc về giá trị gia đình và sự quan trọng của sự đơn giản trong cuộc sống. Nhân vật chính Phan thông qua cuộc sống trên tầng hai và quan sát cuộc sống của gia đình đó, nhận ra rằng hạnh phúc không nằm ở những thứ xa xôi mà nó tồn tại trong những điều giản đơn, trong tình yêu, quan tâm và sự chia sẻ trong gia đình. Tác giả đã truyền đạt thông điệp này một cách tinh tế, khiến người đọc cảm nhận được giá trị đích thực của những thứ nhỏ bé nhưng quan trọng trong cuộc sống hàng ngày.

Tác phẩm này cũng đặt câu hỏi về định hướng cuộc sống và định nghĩa của hạnh phúc. Phan nhận ra rằng hạnh phúc không phải là những thứ lớn lao và xa xỉ, mà thực ra nó đã ở ngay bên cạnh cô suốt thời gian dài mà cô đã không chú ý. Bài học từ Tầng hai là một lời nhắc nhở cho chúng ta để trân trọng những giá trị đơn giản, những mảnh ghép nhỏ của cuộc sống và tình yêu gia đình.

Nghị luận phân tích một truyện ngắn được sáng tác trong những năm gần đây - mẫu 4

Truyện ngắn “Đau gì như thể…” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có lẽ là một truyện ngắn xúc động và xót xa nhất viết về đề tài cha con. Câu chuyện đã xây dựng nên một tình huống truyện thật đặc biệt, từ đó cho chúng ta thấy được những khía cạnh, những hoàn cảnh xót xa của cuộc sống.

Là một nữ nhà văn trẻ của đất nước, những tác phẩm của cô được nhiều người chú ý và yêu thích. Các tác phẩm của cô thường viết về những điều bình dị xoay quanh cuộc sống thường ngày. Giọng văn cô đậm chất Nam bộ, tuy nhẹ nhàng, mềm mại như tâm tình với độc giả nhưng qua đó lại khiến chúng ta cảm nhận được sự sâu cay, éo le của những câu truyện sau đó. Chất tình, chất nghệ của giọng văn nơi miền quê sông nước ngấm vào các tác phẩm, thấm đẫm cái tình của làng, của đất, của những con người chân chất hồn hậu nhưng ít nhiều gặp những bất hạnh. Truyện ngắn “Đau gì như thể…” của cô là một truyện ngắn trong số ít những tác phẩm viết về đề tài tình cha con. Nội dung của tác phẩm là câu truyện của cha con Nga và ông Tư Nhỏ khi ông bị án oan la loạn luân làm cho con mình có bầu. Qua đó, tác giả Vũ Ngọc Tư đã cho chúng ta thấy được sự thiêng liêng của người cha khi sẵn sàng hi sinh tất cả để bảo vệ con mình.

Tình huống truyện đã khiến chúng ta có cái nhìn toàn cảnh về thực tế xã hội của chúng ta hiện đại. Chỉ cần có một câu chuyện bất bình được lên tiếng, chưa kể đúng sai người bị lên tiếng vẫn sẽ là người phải hứng chịu những lời chỉ trích. Điều đó không chỉ làm ảnh hưởng tới danh dự, mà còn khiến cho người bị lên án bị tổn thất về tinh thần không hề nhỏ. Tuy vậy, nhân vật chính của câu truyện - ông Tư Nhỏ không vì vậy mà đánh mất đi bản thân mình. Ông vẫn mạnh mẽ chống lại những lời lên án vô căn cứ đó và kêu oan cho bản thân mình. Ông vẫn luôn không ngừng hi vọng vào tương lai khi dù không được bên trên trả lời nhưng ông vẫn kiên quyết kêu oan tới cùng. Đó không chỉ là quyền lợi mà ông xứng đáng được hưởng, đó còn là danh dự của ông đối với mọi người, đối với bà con chòm xóm xung quanh, cũng như là đối với tương lai của cháu ngoại ông.

Trên con đường đi tìm lại công bằng cho bản thân, ông không hề đơn độc một mình. Ông vẫn còn sự ủng hộ, quan tâm cũng như cổ vũ từ phía người thân - cô con gái Nga của mình. Nhìn thấy con và cháu mình sống khỏe mạnh và hạnh phúc có lẽ đã là nguồn động lực sống lớn nhất của ông. Qua đó, ta cũng có thể nhận ra được lời nhắn nhủ của tác giả Nguyễn Ngọc Tư  chính là gia đình sẽ là nguồn động lực lớn giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách. Ngay cả với Nga, khi cô lỡ mang lỗi lầm tuổi trẻ, gia đình vẫn luôn ở bên, động viên và giúp cô vượt qua những lời đàm tiếu từ mọi người xung quanh. Nếu không có sự an ủi, động viên của cha mình, có lẽ Nga cũng đã không có đủ can đảm để sinh con ra và nuôi nấng đứa trẻ ấy lớn lên.

Tình huống truyện cũng đã mở ra cho chúng ta một câu hỏi: Ý nghĩa thật sự của những khó khăn mà chúng ta phải trải qua trong cuộc sống là gì? Có lẽ, đối với những người phải trải qua hoàn cảnh ấy, sự việc ấy họ mới có thể thấu hiểu được nỗi đau đớn ấy. Sự vô tâm, mù quáng của những người xung quanh cũng chính là một nhân tố tác động tiêu cực đến suy nghĩ cũng như cảm xúc của họ. Chính những khó khăn đó là cơ hội để chúng ta trưởng thành, thay đổi bản thân cũng như để bản thân trở thành một phiên bản tốt hơn của bản thân mình. Tuy tác giả không có câu trả lời cho câu hỏi được đặt ra, thế nhưng sau khi đọc xong câu truyện, có lẽ trong suy nghĩ của mỗi người đều có câu trả lời cho riêng mình.

Bằng cách sử dụng kỹ thuật viết tưởng tượng, tác giả đã đưa người đọc vào thế giới tâm lý của nhân vật, để họ có thể cảm nhận được những đau đớn, những mất mát mà nhân vật đang trải qua. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đã đưa độc giả tới gần hơn với những suy nghĩ của những người đã vô tình vướng phải hoàn cảnh éo le giống như vậy.

Truyện ngắn “Đau gì như thể…" của tác giả Nguyễn Ngọc Tư có lẽ đã phản ánh cho chúng ta thấy một cách chân thực và sâu sắc về những đau đớn trong cuộc sống. Cũng như đó là lời nhắc nhở, gửi gắm chúng ta rằng hãy lí trí khi đứng trước một sự việc, cũng như phải mạnh mẽ và bình tĩnh để vượt qua những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Nghị luận phân tích một truyện ngắn được sáng tác trong những năm gần đây - mẫu 5

- Nín đi em, bố mẹ bận ra tòa!

Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi

Thằng bé khóc, bụng chưa quen chịu đói

Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm.

Lời bài thơ “Hai chị em” của nhà thơ Vương Trọng cứ khiến tôi vẩn vơ mãi. Trong cuộc đời này, bất cứ cuộc chia tay nào cũng khiến người ta phải đau lòng và thổn thức, trong đó có lẽ đau đớn nhất là viễn cảnh cuộc chia tay của các bậc làm cha, làm mẹ đã vô tình khiến con cái của họ - những đứa trẻ ngây thơ chưa hiểu thế nào là chia ly phải đau đớn, phải chịu cú sốc lớn trong cuộc đời. Thành và Thủy trong Cuộc chia tay của những con búp bê là những nhân vật vô tội như vậy.

Câu chuyện diễn ra trong hoàn cảnh hết sức buồn bã, bố mẹ của hai đứa trẻ ly hôn, người mẹ được quyền nuôi đứa em là Thủy, còn Thành vì lớn hơn nên ở với bố. Hai đứa trẻ đáng thương chẳng có quyền lựa chọn cuộc sống cho riêng mình, phải chia cắt trong nước mắt. Tờ giấy li hôn như chiếc cưa xẻ ngang tình đoàn tụ. Đứa có mẹ thì thôi không còn bố, hai anh em rồi sẽ mất nhau.

Nhan đề "Cuộc chia tay của những con búp bê", chính là sự ẩn dụ cho sự chia tay của hai đứa trẻ, búp bê cũng như hai đứa trẻ ấy, chúng chẳng có lỗi lầm gì, lỗi là ở người lớn nhưng tai họa lại đổ lên đầu trẻ con, búp bê vô tri, nhưng vì Thành và Thủy chia tay nên chúng cũng phải xa nhau. Đó chính là mối quan hệ liên hoàn nối tiếp các sự việc. Đặt nhan đề như thế vừa gây ấn tượng với độc giả, vừa gây nên cho người ta những suy nghĩ thật sâu xa, về hành động của con người, của những bậc làm cha làm mẹ đã gián tiếp để lại những đau khổ cho con em của mình như thế nào.

Câu chuyện có sự xuất hiện của hai nhân vật chính là người anh tên Thành, đứa em gái tên Thủy, toàn bộ câu chuyện và diễn biến tâm lý nhân vật đều được thể hiện thông qua cái nhìn của người anh với ngôi kể thứ nhất. Điều đó là hoàn toàn hợp lý vì Thành đã lớn, đã hiểu chuyện, dưới sự quan sát của cậu, nhân vật Thủy được bộc lộ rõ hơn cả về nội tâm và hành động, khiến câu chuyện trở nên chân thực và cảm động hơn.

Thành là người có tình yêu thương em sâu sắc. Trong những ngay gia đình hòa thuận, êm ấm, cậu luôn yêu thương, chiều chuộng em, chiều nào cũng đón em đi học về, cùng nắm tay nhau đi và trò chuyện. Cho đến những ngày gia đình sắp phải li tán, anh em mỗi người đôi ngả, tình cảm cậu dành cho em lại càng sâu đậm hơn. Với tâm hồn của một đứa trẻ nhạy cảm, dù đã gắng gượng nhưng cả đêm Thành vẫn khóc, đến mức ướt đầm cả hai gối. Khi chia đồ chơi, Thành nhường tất cả cho em: “Không phải chia nữa, anh cho em tất”. Rồi cậu mong sao tất cả những điều này chỉ là một giấc mơ, sau giấc mơ này mọi việc sẽ trở lại như cũ. Thành còn là một cậu bé có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế. Chi tiết Thành nhận xét sự thay đổi của cảnh vật xung quanh: “cảnh vật vẫn như hôm qua, hôm kia thôi mà sao tai họa giáng xuống đầu anh em tôi nặng nề thế này” hay “Ra khỏi trường tôi kinh ngạc khi thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”. Những suy nghĩ đó càng cho thấy rõ hơn sự nhạy cảm tinh tế của Thành, đồng thời sự đối lập giữa ngoại cảnh và tâm cảnh khiến cho người đọc thêm xót xa và cảm thương hơn cho số phận bất hạnh của hai anh em.

Ta không chỉ ấn tượng với một người anh – Thành yêu thương, chiều chuộng em, mà còn nhớ về một Thủy – người em có tâm hồn, tấm lòng nhân hậu trong sáng và cũng hết sức yêu thương, quan tâm anh.

Thủy là cô bé chu đáo, luôn quan tâm và yêu thương anh. Bằng đôi bàn tay khéo léo, cô bé đã vá lại chiếc áo rách cho anh thật hoàn hảo; tối tối sau khi học bài xong lại “võ trang” cho con Vệ Sĩ và đem đặt lên đầu giường để canh giấc ngủ cho anh. Cô bé cũng là đứa trẻ có tâm hồn nhạy cảm, trước tình cảnh gia đình phải chia lìa, anh em phải rời xa nhau, Thủy đã khóc cả đêm, đôi mắt em sưng húp lên, như mất hồn, người loạng choạng như sắp ngã khi mẹ yêu cầu chia đồ chơi. Làm sao em có thể sống một cách bình thường khi mà em sắp phải chia tay người anh cùng chung dòng máu. Tác giả đã thật tinh tế và sâu sắc khi nắm bắt chính xác những cung bậc cảm xúc của nhân vật.

Khi chia đồ chơi trong tâm trạng Thủy xảy ra sự mâu thuẫn: một mặt, Thủy tru tréo giận giữ khi anh để con búp bê ra hai phía, mặt khác lại lo lắng nếu để hai con búp bê theo mình, thì lấy ai gác đêm cho anh ngủ ngon. Rồi cuối cùng em quyết định để hai con búp bê lại cho anh, để chúng không bao giờ phải xa nhau. Những suy nghĩ, hành động của Thủy trong việc chia búp bê cho thấy em là một đứa trẻ hồn nhiên, trong sáng, không chỉ yêu thương anh mà còn có tấm lòng vị tha cao cả. Trong hoàn cảnh này, Thủy là một đứa bé vô cùng đáng thương, em không suy nghĩ cho bản thân, mà chỉ suy nghĩ đến người khác, vì người khác. Trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chia li, Thủy đã có hành động vô cùng bất ngờ Thủy tụt xuống xe và chạy về chiếc giường đặt con Em Nhỏ cạnh con Vệ Sĩ. Dù hai anh em phải chia tay nhưng tình cảm của hai em thì mãi không thể chia cắt.

Số phận của Thủy còn có phần bất hạnh hơn anh trai, có lẽ người anh ở với bố vẫn được tiếp tục học tập, còn với Thủy điều ấy không thể xảy ra. Trong cuộc chia tay với lớp học, khi cô giáo tặng em bút và vở, Thủy đã từ chối không nhận, lí do em đưa ra khiến người đọc ứa nước mắt: “Thưa cô em không dám nhận … em không được đi học nữa. Nhà bà ngoại em ở xa trường học lắm. Mẹ em bảo sẽ sắm cho em một thúng hoa quả để ra chợ ngồi bán”. Tình cảnh của em thật đáng thương, Thủy không chỉ bị cướp đi cuộc sống gia đình hạnh phúc, cướp đi người anh trai yêu quý mà em còn bị cướp đi quyền học tập, vui chơi – quyền cơ bản nhất của mỗi đứa trẻ. Em sớm phải lao vào đời kiếm sống.

Để tạo nên thành công của tác phẩm, Khánh Hoài đã kết hợp linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật. Trước hết là việc lựa chọn ngôi kể, lấy người anh một người trong cuộc chứng kiến và thấu hiểu nỗi đau chia li, qua đó thể hiện một cách chân thành và cảm động những suy nghĩ, tâm trạng đau đớn, xót xa của nhân vật. Xây dựng tình huống truyện đặc sắc, mượn câu chuyện hai anh em Thành và Thủy phải chia lìa vừa thể hiện tâm hồn trẻ thơ trong sáng, vừa thể hiện được nỗi đau của trẻ em khi tổ ấm gia đình tan vỡ. Nghệ thuật phân tích, miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc, phù hợp với tâm lí trẻ em.

Thành và Thủy là hình ảnh đại diện của rất nhiều đứa trẻ trong xã hội, sớm phải chịu cảnh gia đình li tán. Qua hai nhân vật này, tác giả Khánh Hoài cũng gửi gắm đến người đọc những thông điệp ý nghĩa: Tổ ấm gia đình mỗi người là điều vô cùng quý giá và đáng trân trọng. Bởi vậy, mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là các bậc cha mẹ phải cố gắng gìn giữ, không nên vì bất cứ lí do nào mà làm tổn hại những tình cảm tự nhiên, trong sáng ấy.

Đoạn kết truyện mãi để lại cho độc giả những cảm xúc không thể nói thành lời, nỗi xót xa, cảm động cho tình cảm của hai anh em trước cuộc chia ly bất đắc dĩ, mà thủ phạm lại là những người lớn trong gia đình.

Lời tạm biệt nào cũng khó nói như nhau và lời tạm biệt của những đứa trẻ trên bờ vực cha mẹ chia cắt có lẽ là lời tạm biệt khắc khoải, đớn nhau nhất. Cuộc chia tay của những con búp bê là một truyện ngắn rất sâu sắc và cảm động về tình cảm anh em ruột thịt trong gia đình, về nỗi đau đớn, xót xa khi phải chia lìa nhau. Từ đó mỗi người chúng ta đều rút ra được bài học sâu sắc về tình cảm gia đình, hãy biết trân trọng những người thân yêu ở bên cạnh bạn. Đồng thời các bậc cha mẹ phải ý thức được việc mình làm, đừng vì sự ích kỷ của bản thân mà khiến con trẻ phải chịu tổn thương sâu sắc như hai nhân vật Thành và Thủy trong câu chuyện.

Xem thêm các bài văn mẫu 9 Kết nối tri thức hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH ĐỀ THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và sách dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Soạn văn 9 Kết nối tri thức của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Ngữ văn 9 Tập 1 và Tập 2 (NXB Giáo dục).

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 9 Kết nối tri thức khác
Tài liệu giáo viên