Bài 2: Thi nhạc - Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức

Lời giải Tiếng Việt lớp 4 Bài 2: Thi nhạc sách Kết nối tri thức giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 1 Bài 2.

Bài 2: Thi nhạc - Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức

Quảng cáo

Video Giải Tiếng Việt lớp 4 Bài 2: Thi nhạc - Cô Ngọc Hà (Giáo viên VietJack)

Đọc: Thi nhạc trang 12, 13

* Nội dung chính Thi nhạc: Văn bản kể về cuộc thi nhạc trong ngày tốt nghiệp của các học trò thầy giáo vàng anh. Mỗi người đều rất thành công, đã tạo dựng cho mình một phong cách độc đáo không ai bắt chước ai.

* Khởi động

Câu hỏi trang 12 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Kể về tiết mục văn nghệ đáng nhớ nhất mà em đã được xem hoặc tham gia.

Trả lời:

Tiết mục văn nghệ đáng nhớ nhất mà em đã được tham gia là: tiết mục múa “Nhật kí của mẹ” đã giúp lớp em giành giải nhất trong Hội thi văn nghệ.

* Đọc văn bản

Văn bản: Thi nhạc

Hôm nay là ngày thi tốt nghiệp của các học trò thầy giáo vàng anh.

Quảng cáo

Ve sầu được thầy mời trình bày tác phẩm trước tiên. Mặc áo măng tô trong suốt, đôi mắt nâu lấp lánh, đầy vẻ tự tin, ve sầu biểu diễn bản nhạc “Mùa hè”. Gian phòng tràn ngập âm thanh sáng chói. Tiếng vi-ô-lông réo rắt, tiếng cla-ri-nét trong sáng, xen-lô ấm áp,… Tiếng nhạc gợi màu hoa phượng đỏ rực, nắng sáng trắng, bầu trời xanh mênh mông. Bên hàng giậu, hoa mướp vàng và những cánh ong rù rì. Thầy giáo xúc động, cúi xuống ghi điểm.

Sau ve sầu, gà trống đĩnh đạc bước lên, kiêu hãnh ngẩng đầu với cái mũ đỏ chói. Gà mở đầu khúc nhạc “Bình minh” bằng tiết tấu nhanh, khỏe, đầy hứng khởi: Tờ-réc…Tờ-re-te-te-te… Phần cuối bản nhạc là niềm mãn nguyện khi thấy mặt trời lên rực rỡ. Tiết tấu trở nên vui nhộn khi gà sử dụng bộ gõ: Cục – cục!... Cục – cục!... Cục – cục!...

Đến lượt dế mèn. Dế bước chân ra khỏe khoắn và trang nhã trong chiếc áo nâu bóng. Bản nhạc “Mùa thu” gợi hình ảnh những chiếc lá khô xoay tròn, rơi rơi trong nắng. Tiếng gió xào xạc thầm thì với lá… Đôi mắt thầy vàng anh nhòa đi.

Trong tà áo dài tha thướt, họa mi trông thật dịu dàng, uyển chuyển. Bản nhạc “Mùa xuân” vang lên réo rắt, say đắm, rồi dần chuyển sang tiết tấu rạo rực, tưng bừng. Những giọt mưa xuân rơi trên đôi má nóng rực. Những chiếc mầm bật khỏi cành. Hoa đào rộ lên hoa mắt…

Quảng cáo

Thấy vàng ánh đứng dậy, vẻ nghiêm trang. Các học trò im lặng, hồi hộp.

- Thầy rất vui vì sự thành công của các em. Các em đã tạo dựng cho mình một phong cách độc đáo, không ai bắt chước ai. Cảm ơn các em đã cho thầy niềm vui này.

(Theo Nguyễn Phan Hách)

Thi nhạc lớp 4 (trang 12, 13) | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 4

Quảng cáo

* Trả lời câu hỏi:

Câu 1 trang 13 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Câu chuyện có những nhân vật nào? Những nhân vật đó có điểm gì giống nhau?

Trả lời:

- Câu chuyện có các nhân vật: thầy giáo vàng anh, ve sầu, gà trống, dế mèn, họa mi.

- Những nhân vật này có điểm giống nhau là: đều tham gia ngày thi tốt nghiệp với những bản nhạc độc đáo của mình.

Câu 2 trang 13 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Giới thiệu về tiết mục của một nhân vật em yêu thích trong câu chuyện.

- Tên nhân vật

- Ngoại hình, trang phục của nhân vật

- Những hình ảnh được gợi ra từ bản nhạc mà nhân vật biểu diễn

Trả lời:

Tiết mục của nhân vật em yêu thích trong truyện là tiết mục của họa mi.

 - Tên nhân vật: họa mi

- Ngoại hình, trang phục: Trong tà áo dài tha thướt, họa mi trông thật dịu dàng, uyển chuyển.

- Những hình ảnh được gợi ra: Bản nhạc “Mùa xuân” vang lên réo rắt, say đắm, rồi dần chuyển sang tiết tấu rạo rực, tưng bừng. Những giọt mưa xuân rơi trên đôi má nóng rực. Những chiếc mầm bật khỏi cành. Hoa đào rộ lên hoa mắt…

Câu 3 trang 13 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Vì sao thầy vàng anh rất vui và xúc động khi xem các học trò biểu diễn?

Trả lời:

Thầy vàng anh rất vui và xúc động khi xem các học trò biểu diễn vì: các học trò đã thành công, tự tạo dựng cho mình một phong cách độc đáo, không ai bắt chước ai.

Câu 4 trang 13 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Tác giả muốn nói với chúng ta điều gì qua câu chuyện trên? Tìm câu trả lời đúng.

A. Nhiều loài vật có tiếng kêu, tiếng gáy, tiếng hót rất hay.

B. Thế giới của các loài vật muôn màu, muôn vẻ.

C. Mỗi người hãy tạo cho mình nét đẹp riêng.

D. Muốn hát hay, đàn giỏi phải tập luyện chăm chỉ.

Trả lời:

C. Mỗi người hãy tạo cho mình nét đẹp riêng.

* Luyện tập theo văn bản đọc

Câu 1 trang 13 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Tìm danh từ trong các câu dưới đây:

a. Sau ve sầu, gà trống đĩnh đạc bước lên, kiêu hãnh ngẩng đầu với cái mũ đỏ chói.

b. Dế bước ra khỏe khoắn và trang nhã trong chiếc áo nâu óng.

c. Trong tà áo dài tha thướt, họa mi trông thật dịu dàng, uyển chuyển.

Trả lời:

a. ve sầu, gà trống, đầu, cái mũ.

b. dế, chiếc áo.

c. tà áo dài, họa mi.

Câu 2 trang 13 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Đặt 1 – 2 câu về nhân vật yêu thích trong bài đọc Thi nhạc. Chỉ ra danh từ trong câu em đặt.

Trả lời:

Đặt câu: Chú gà trống với cái mũ đỏ chói đã biểu diễn khúc nhạc “Bình minh” thật đặc sắc.

Danh từ: chú gà trống, cái mũ, khúc nhạc.

Viết: Tìm hiểu cách viết đoạn văn nêu ý kiến trang 14, 15

Câu 1 trang 14 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Đọc đoạn văn dưới đây và trả lời câu hỏi.

Câu chuyện Thi nhạc của nhà văn Nguyễn Phan Hách cuốn tôi vào một thế giới đầy thú vị. Những con vật quen thuộc như ve sầu, gà trống, dế mèn, chim họa mi,… hóa thành những nghệ sĩ tài năng. Tiếng kêu, tiếng gáy, tiếng hót của chúng gợi lên trong tâm trí người nghe những cảnh vật có âm thanh, ánh sáng, sắc màu, hương vị,… Nhân vật thầy giáo vàng anh cũng để lại ấn tượng khó quên. Việc làm và lời nói của thầy thể hiện tình yêu thương, sự trân trọng đối với học trò. Câu chuyện đã kết thúc, nhưng các nhân vật đáng yêu ấy vẫn mãi hiện trong tâm trí tôi.

(Tùng Anh)

a. Người viết muốn nói gì qua đoạn văn trên? Tìm câu trả lời đúng.

A. Nêu lí do người viết yêu thích câu chuyện Thi nhạc.

B. Thuật lại diễn biến buổi thi nhạc trong câu chuyện.

C. Tả hình dáng, điệu bộ của các nhân vật trong câu chuyện.

b. Câu mở đầu đoạn văn cho biết điều gì?

c. Người viết yêu thích những gì ở câu chuyện? Từ ngữ, câu văn nào cho biết điều đó?

Tìm hiểu cách viết đoạn văn nêu ý kiến trang 14, 15 lớp 4 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 4

d. Câu kết thúc đoạn nói gì?

Trả lời:

a. A. Nêu lí do người viết yêu thích câu chuyện Thi nhạc.

b. Câu mở đầu đoạn văn nêu lên chủ đề của đoạn: lí do người viết yêu thích câu chuyện Thi nhạc là do câu chuyện cuốn tác giả vào thế giới đầy thú vị.

c. Người viết yêu thích các nhân vật của câu chuyện và tiếng kêu, tiếng gáy, tiếng hót của chúng. Từ ngữ, câu văn cho biết điều đó: tiếng kêu, tiếng gáy, tiếng hót của chúng gợi lên trong tâm trí người nghe những cảnh vật có âm thanh, ánh sáng, sắc màu, hương vị,…

d. Câu kết đoạn nói lên tình cảm và ấn tượng của nhà văn với các nhân vật trong truyện.

Câu 2 trang 14 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Đọc đoạn văn dưới đây và trả lời câu hỏi:

Hồi bé, tôi nghe mẹ kể câu chuyện Bà cháu của Trần Hoài Dương nhiều lần mà vẫn thấy thích. Ban đầu, tôi thích xứ sở thần tiên, nơi có cây đào lấp lánh trái vàng trái bạc và cô tiên có phép nhiệm màu… Rồi sau đó, tôi rưng rưng xúc động trước cuộc sống nghèo khổ nhưng đầm ấm của ba bà cháu. Với hai người cháu, vàng bạc, châu báu,… nhiều đến mấy cũng không bằng tình yêu thương của bà. Thế nên, khi bà mất, hai người cháu đã xin cô tiên hóa phép cho bà sống lại, sẵn sàng sống cảnh đạm bạc như xưa nhưng có bà ở bên. Kết thúc câu chuyện là cảnh sum họp ấm áp: “Bà hiện ra móm mém, hiền từ, dang tay ôm hai đứa cháu hiếu thảo vào lòng”.

(Vĩnh Nga)

a. Câu mở đầu có điểm nào giống với câu mở đầu của đoạn văn ở bài tập 1?

b. Những lí do người viết yêu thích câu chuyện là gì?

c. Đoạn văn trình bày các ý theo cách nào dưới đây?

Tìm hiểu cách viết đoạn văn nêu ý kiến trang 14, 15 lớp 4 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 4

Trả lời:

a. Điểm giống nhau của câu mở đầu với câu mở đầu của đoạn văn ở bài tập 1 là:

Cả 2 câu văn đều khái quát nội dung của văn bản, nêu tình cảm thái độ của người viết với văn bản.

b. Lí do người viết yêu thích câu chuyện:

- Ban đầu thích xứ sở thần tiên nơi có cây đào lấp lánh trái vàng, trái bạc và cô tiên phép nhiệm màu…

- Sau đó, rưng rưng xúc động về tình cảm của ba bà cháu.

c. Đoạn văn trình bày theo cách 1.

Câu 3 trang 15 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Trao đổi về những điểm cần lưu ý khi viết đoạn văn nêu ý kiến về câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe.

- Cách sắp xếp ý trong đoạn (mở đầu, triển khai,…)

- Cách nêu lí do yêu thích câu chuyện

- Cách thức trình bày đoạn văn

Trả lời:

Những điểm cần lưu ý khi viết đoạn văn nêu ý kiến về câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe:

- Các ý trong đoạn cần được sắp xếp theo một trình tự nhất định: mở đầu, triển khai…

- Cách nêu lí do câu chuyện nên ngắn gọn, thể hiện được ý kiến cá nhân thích hoặc không thích, bao quát được nội dung sắp triển khai.

- Đoạn văn thường gồm một số câu được viết liên tục, không xuống dòng, trình bày một ý nhất định. Câu đầu tiên được viết lùi đầu dòng. Câu nêu chủ đề thường đặt ở đầu hoặc cuối đoạn văn.

* Ghi nhớ: Khi viết đoạn văn nêu ý kiến về một câu chuyện, cần nói rõ mình thích hoặc không thích câu chuyện đó và giải thích lí do.

Nói và nghe: Tôi và bạn trang 15

* Yêu cầu: Giới thiệu đặc điểm nổi bật của bản thân.

Câu 1 trang 15 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Giới thiệu những điểm nổi bật của bản thân

a. Giới thiệu bức chân dung tự họa (nếu có).

b. Nêu đặc điểm nổi bật của bản thân (giải thích rõ từng đặc điểm hoặc đưa ví dụ minh họa).

Trả lời:

a. Xin chào tất cả các bạn. Mình tên là Hồng Anh. Đây là bức ảnh chụp cá nhân mình hồi dịp Tết đầu năm nay.

b. Mình thích buộc tóc 2 bên. Nước da của mình trắng hồng và đặc biệt mình có 1 chiếc răng khểnh rất đáng yêu đấy nhé.  

Câu 2 trang 15 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Trao đổi.

a. Nêu những điểm tốt của một người bạn mà em muốn học tập.

b. Nói điều em mong muốn ở bạn.

Trả lời:

a. Những điểm tốt của một người bạn mà em mong muốn học tập: bạn A là một học sinh giỏi, tích cực tham gia các hoạt động đoàn đội, hay giúp đỡ người khác.

b. Điều em mong muốn ở bạn: Mong rằng tình bạn của chúng em sẽ ngày càng bền chặt, cùng giúp đỡ nhau trong học tập.

* Vận dụng

Câu 1 trang 15 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Giới thiệu với người thân về điểm nổi bật của những người bạn mà em yêu quý

Trả lời:

HS tự giới thiệu với người thân về đặc điểm nổi bật của những người bạn mà em yêu quý. Tham khảo:

Bạn A: là một học sinh giỏi, có năng khiếu về âm nhạc.

Bạn B: là một học sinh nghèo vượt khó, có tinh thần vươn lên trong học tập.

Bạn C: là một học sinh chăm chỉ, có tấm lòng nhân hậu, hay giúp đỡ những người xung quanh.

Câu 2 trang 15 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Tìm đọc câu chuyện về những người có năng khiếu nổi bật

Trả lời:

Bài tham khảo: Thành tích học tập "hơn người"

Nói đến những trẻ Việt Nam có khả năng đặc biệt gần đây không thể không nói đến thần đồng Đỗ Nhật Nam. Sinh ra tại Nhật Bản, 4 tuổi Đỗ Nhật Nam cùng gia đình trở về Việt Nam, trong con mắt của những người thân, cậu chững chạc, già trước tuổi nên được gọi với cái tên trìu mến “ông cụ non”.

Nhật Nam từng là gương mặt quen thuộc trong nhiều chương trình dành cho thiếu nhi như Chúc bé ngủ ngon (VTV3), Quả chuông nhỏ, Trò chuyện cùng bé (VTV2).

7 tuổi, Đỗ Nhật Nam đạt kỉ lục là “Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam” với hai cuốn sách Nạpđiện và Câu chuyện của ngày và đêm. Sinh ra trong một gia đình có bố là Đỗ Xuân Thảo là tiến sĩ ngôn ngữ học, mẹ Phan Thị Hồ Điệp là giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt nên ngay từ nhỏ, Đỗ Nhật Nam đã đạt được nhiều kì tích trong học tập vì nhờ phương pháp giáo dục phát triển năng lực tư duy toàn diện cùng kỹ năng và kiến thức sư phạm của mẹ. Đồng thời, ở độ tuổi này, Nam cũng đạt điểm tuyệt đối trong các kỳ thi Đại học của Cambridge như Starter, Movers, Flyers khiến nhiều người ngưỡng mộ và đặt cho cậu danh xưng "thần đồng".

Sinh năm 2001 tại Nhật Bản, lên 4 tuổi, Nam cùng gia đình trở về Việt Nam sinh sống và học tập. Từ 8 - 10 tuổi, Nam thường xuyên đạt những điểm số "hơn người", cụ thể 940/990 điểm Toeic, lớp 3 thi ITP đạt 617 điểm, lớp 4 thi Toeic iBT đạt 107 điểm. 11 tuổi, cậu đã viết tự truyện song ngữ Tớ đã học tiếng Anh như thế nào? và trở thành "Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất". Ở độ tuổi còn nhỏ nhưng Nam đã có những bài phát biểu trên những sân khấu lớn của thế giới, cụ thể là đại diện châu Á tham dự Hội nghị Chủ đề ''Khoa học về nụ cười'' tại Mỹ và tại hội nghị Nha khoa khác do FDI tổ chức tại Ấn Độ.

13 tuổi, Nam du học tại trường Saint Paul (Mỹ), sau đó học tại trường THPT Church Farm School (Bang Pennsylvania). Đặc biệt điểm tổng kết học kỳ của Nhật Nam đều gần như đạt con số tuyệt đối là 99/100. Bên cạnh đó, Nam còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa như: chơi bóng rổ, tham gia vào ban nhạc Thánh ca của trường. Trong quá trình học tại Mỹ, Nam liên tục đạt nhiều thành tích học tập và nhận được thư chúc mừng của cựu Tổng thống Barack Obama.

Năm 2015, mẹ của Đỗ Nhật Nam đã vui mừng thông báo trên trang cá nhân con trai đã lọt vào danh sách những học sinh có điểm cao nhất của trường Đại học Johns Hopkins, trong đó điểm Đọc được lọt vào top 5% học sinh chuẩn bị vào đại học có điểm cao nhất nước Mỹ của kì thi ACT (32 điểm). 

Tháng 3/2017, Nam đạt giải Ba hạng mục “Nguyên tắc quản trị kinh doanh” trong kỳ thi DECA - sân chơi quy mô toàn quốc dành cho những học sinh, sinh viên đang sống và học tập tại Mỹ trong lĩnh vực tài chính kinh doanh, khách sạn, quản lý. Cuối năm 2018, cậu trúng tuyển Đại học Pomona (Mỹ) với mức hỗ trợ tài chính 71.900 USD/năm (khoảng 6,6 tỷ đồng) cho 4 năm học tại ngôi trường Top 5 tốt nhất tại nước Mỹ. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Nam theo đuổi ngành học Âm nhạc

Xem thêm lời giải bài tập Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 4 hay khác:

ĐỀ THI, BÀI TẬP CUỐI TUẦN, SÁCH ÔN TẬP DÀNH CHO KHỐI TIỂU HỌC

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và bài tập cuối tuần, gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Soạn, giải Tiếng Việt lớp 4 của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1 và Tập 2 Kết nối tri thức (NXB Giáo dục).

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên