Phân tích tư tưởng trọng người hiền tài (hay, ngắn gọn)



Tổng hợp bài văn Phân tích tư tưởng trọng người hiền tài trong bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Phân tích tư tưởng trọng người hiền tài (hay, ngắn gọn)

Quảng cáo

Bài giảng: Hiền tài là nguyên khí quốc gia - Cô Trương Khánh Linh (Giáo viên VietJack)

Phân tích tư tưởng trọng người hiền tài trong bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia - mẫu 1

     Thân Nhân Trung là người học rộng tài cao, có tầm nhìn xa trông rộng. Trong văn bản Hiền tài là nguyên khí của quốc gia ông đã thể hiện rất rõ tầm nhìn của mình thông qua việc thể hiện tư tưởng coi trọng người hiền tài đối với sự nghiệp xây dựng đất nước.

     Hiền tài là nguyên khí của quốc gia được trích từ bài văn bia Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Bảo Đại thứ ba. Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh đất nước phồn thịnh, xã hội ổn định, văn hóa giáo dục đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Để có được những thành tựu như vậy sự đóng góp của người hiền tài là vô cùng lớn.

     Ngay từ đầu văn bản Thân Nhân Trung đã nêu cao tư tưởng trọng dụng người hiền tài với câu văn khẳng định: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Hiền tài ở đây được hiểu là những người học rộng, tài cao, có đạo đức và sống có lí tưởng. Nguyên khí là khí chất ban đầu làm nên sự sống của mỗi sự vật. Và sự vật ở đây chính là quốc gia, vận mệnh đất nước. Như vậy, người hiền tài chính là nhân tố quyết định đến sự sống còn, tồn vong của đất nước.

Quảng cáo

     Sau câu văn mở đầu khẳng định tầm quan trọng của người hiền tài đối với đất nước, Thân Nhân Trung đã đưa ra hàng loạt các lí lẽ để chứng minh cho nhận định ấy. Nếu nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Với quan điểm đó đã có thấy tư tưởng đề cao, trân trọng đối với những người hiền tài vì tác giả cho rằng người hiền tài có ảnh hưởng tới quốc gia dân tộc, quyết định sự sống còn của đất nước ấy. Người hiền tài quả chẳng khác gì báu vật của mỗi đất nước.

     Tiếp đó, ông ghi lại thái độ của các đấng minh quân đối với những người hiền tài. Với những con người tài giỏi những vị vua anh minh luôn có thái độ trọng đãi, bồi dưỡng và vun trồng làm việc trước tiên, tức là đặt việc bồi dưỡng họ lên hàng đầu. Có được người hiền tài, nhà vua lại lấy việc quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng. Các vị vua đều có những hành động cụ thể để thể hiện lòng yêu quý và đề cao đối với những người hiền tài như xướng danh lớn sau khi họ thi đỗ, cho làm quan cao trong triều, tên tuổi được khắc ghi và được hưởng những bữa tiệc linh đình, trang trọng. Thái độ trọng đãi với người tài được Thân Nhân Trung đánh giá: Triều đình mừng được người tài, không có việc gì không làm đến mức cao nhất.

Quảng cáo

     Nhưng như vậy có lẽ vẫn là chưa đủ bởi vậy ở cuối phần một, tác giả đã nêu lên lí do vì sao lại cho khắc lên bia đá tên của những người hiền tài: dựng đá đề danh ở cửa Hiền Quang để tiếng thơm lưu vẻ sáng lâu dài cho và cho kẻ sĩ trông vào mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết. Như vậy việc khắc tên của người hiền tài lên bia đá là hết sức cần thiết nó không chỉ làm cho tiếng thơm của những người tài được lưu với núi sông muôn đời mà còn có tác dụng khích lệ tinh thần học tập, noi gương ở những người khác.

     Thân Nhân Trung đã có cách nhìn, cách đánh giá đúng đắn về vai trò của những người hiền tài đối với vận mệnh của đất nước. Tư tưởng trọng người hiền tài được ông thể hiện trong văn bản cũng chính là tư tưởng của vị minh quân Lê Thánh Tông, bởi vậy, trong đoạn văn này ông luôn gọi nhà vua là thánh minh, thánh đế minh vương. Đoạn văn đã thể hiện mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa vua sáng và tôi hiền.

     Đoạn trích có giá trị lớn về phương diện nghệ thuật, với ý văn táo bại, cứng cỏi, lập luận sắc bén, dẫn chứng thuyết phục đã thể hiện quan điểm đúng đắng đối với người hiền tài. Bài văn là lời khuyến khích động viên người hiền tài ra giúp đời, giúp nước. Dù sáng tác cách đây đã hàng thế kỉ nhưng cho đến ngày này văn bản vẫn giữ nguyên giá trị của nó.

Quảng cáo

Dàn ý Phân tích tư tưởng trọng người hiền tài trong bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia

A. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Thân Nhân Trung: Nổi tiếng với tài năng văn chương và được Lê Thánh Tông tin dùng.

- Khát quát và đánh giá về tư tưởng tác phẩm: Tư tưởng trọng người tài - đó là tư tưởng lớn mang tầm thời đại và có ý nghĩa vượt thời gian.

B. Thân bài

1. Tầm quan trọng của hiền tài với đất nước

a. Coi hiền tài là nguyên khí của quốc gia

- Hiền tài: Vừa là người có tài vừa là người có đức. Đức thể hiện ở lòng yêu nước, yêu dân tận tâm với công việc. Tài thể hiện ở học vấn uyên thâm, óc xử trí linh hoạt. Tài và đức là những phẩm chất cần có của người lãnh đạo đất nước.

- Nguyên khí: Là khí chất ban đầu làm nên sự phát triển sống còn của sự vật, cũng là khí chất bên trong còn nguyên lành chưa pha tạp.

→ Coi hiền tài là nguyên khí quốc gia có nghĩa là tác giả đề cao hiền tài, coi họ là điểm xuất phát làm nên sự hưng vong của quốc gia.

- Cách lập luận của tác giả: Nguyên khí thịnh thế nước mạnh, nguyên khí suy thế nước suy yếu

→ Bằng cách lập luận so sánh đã làm rõ chân lí hiển nhiên hiền tài là nguyên khí quốc gia

b. Chính sách đối đãi với người hiền tài.

- Trước kia: Bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, quý chuộng kẻ sĩ đề cao bằng tước trật, nêu tên ở tháp Nhạn, ban danh hiệu Long Hổ, bày tiệc văn hỉ. Tuy nhiên, các chính sách ấy không lưu danh lại được đến đời sau

- Ngày nay: Dựng đá đề văn ở cửa Hiền Quan.

→ Ca ngợi những vị vua tài năng, chúa suốt khi nhận ra vai trò và mối quan hệ của hiền tài với đất nước.

c. Tác dụng của việc lập văn bia

- Thể hiện sự tôn trọng của xã hội và triều đại đối với hiền tài

- Khuyến khích hiền tài, nhắc nhở những ai có chí tiến thủ để cho lòng thiện tràn đầy, ý xấu bị ngăn.

- Những kẻ xấu lấy đó làm răn, người tốt theo đó mà gắng, dẫn việc dĩ vãng, chỉ lối cho tương lai.

- Làm cho đất nước được hưng thịnh, bền lâu.

→ Cần thiết phải lập văn bia đề danh tiến sĩ.

2. Nghệ thuật của tác phẩm

- Do khắc vào bia đá nên bài kí ngắn gọn, hàm súc

- Là ý chỉ của vua nên lời lẽ trang trọng, thiêng liêng

- Do phải để lại cho muôn đời nên ý tứ sâu sắc, triết lí hàm chứa sự suy ngẫm

3. Bài học lịch sử

- Ở thời nào “hiền tài cũng là nguyên khí quốc gia” cho nên phải biết phát hiện và trân trọng hiền tài.

- Giáo dục được xem là quốc sách hàng đầu

- Biết đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, không để chảy máu chất xám.

C. Kết bài

- Khái quát lại tư tưởng trọng người hiền tài trong tác phẩm.

- Liên hệ với thực tiễn cuộc sống hiện nay.

Phân tích tư tưởng trọng người hiền tài trong bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia - mẫu 2

Tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” của Thân Nhân Trung không chỉ có giá trị đối với thệ hệ ông đang sống mà cho đến ngày nay nó vẫn giữ nguyên ý nghĩa. Đối với một đất nước, muốn phát triển giàu mạnh vững bền thì yếu tố con người vô cùng cần thiết. Cần phải tìm người giỏi và giáo dục người giỏi để họ có thể gánh trên vai trọng trách nước nhà.

“Hiền tài” được hiểu chính là những người tài giỏi, có đức độ, đầu óc sáng tạo và tấm lòng sáng trong có những ý kiến và định hướng đúng đắn cho sự phát triển đi lên của quốc gia. Những người tài giỏi sẽ đóng góp công lao không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng và phát triền quốc gia.

Thân Nhân Trung từng nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, rồi lên cao, nguyên khí yếu thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Đây chính là một quy luật có từ lâu đời trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Theo ý kiến của ông thì việc coi trọng hiền tài cũng như phát hiện, phát triển hiện tài để ‘đầu tư” là điều cần thiết, không thể lơ là đối với những người lãnh đạo. Người tài đã khó tìm, người hiền tài lại càng khó tìm hơn nữa. Vì hai chữ “hiền tài” đã bao hàm trong nó tài năng và đức độ. Điều cần thiết của mỗi quốc gia dính là trận trọng và phát triển những người có khả năng đưa đất nước đi lên vững bền.

Nhật Bản là một quốc gia coi trọng con người, luôn đặt giáo dục con người lên hàng đầu. Vì từ thời kỳ Thiên Hoàng Minh Trị, tự tưởng này đã được xem trọng. Bởi xem trọng con người, xem trọng người tài sẽ là đòn bẩy giúp cho đất nước đó có thể phát triển bền vững. Nhật Bản trong những thập kỉ qua đã khẳng định mình là quốc gia vững mạnh trên tất cả mọi mặt, bởi họ luôn lấy hiền tài làm trọng để phát huy những thế mạnh khác.

Thân Nhân Trung khẳng định “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” không phải không có lý do. Đất nước ta đã phải trải qua bao nhiêu mất mát, hi sinh vì chiến tranh. Lúc đó nếu không có những bậc vĩ nhân như Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Trần Quốc Tuấn, Lý Thường Kiệt… thì liệu đất nước ta có được sự vững bền như ngày hôm nay không. Hiền tài là người đủ đức, đủ tài để gánh vác những trọng trách được giao. Đó mới là điều đáng quan tâm hơn hết. Họ sẵn sàng hi sinh lợi ích cả nhân, hi sinh tuổi thanh xuân, hi sinh bản thân mình để sống và cống hiến.

Đó là những người đáng ngưỡng mộ và khâm phục, không những có tài mà còn có tấm lòng nhân ái, vị tha bao la.

Ở thời kì nào cũng vậy, nếu xem hiền tài chính là “nguyên khí”, là trụ cột thì đất nước đó sẽ có những bước tiến mới. Thân Nhân Trung không chỉ nhấn mạnh khía cạnh ‘coi trọng” mà còn nhấn mạnh việc “phát hiện, phát triển” những người đủ chí và lực để gánh vác những việc trọng đại của quốc gia. Đây chính là tư tưởng tiến bộ, có sức ảnh hưởng lớn đến với sự sinh tồn của quốc gia đó.

Có một thực tế đáng buồn hiện nay chính là nhiều người tài không có môi trường để phát triển. Họ không được tạo cơ hội, điều kiện, không có định hướng cụ thể nên tài năng bị thui chột là điều không hiếm có. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng phát hiện ra những người có đủ nhân cách như vậy để đào tạo và tạo cho họ cơ hội để khẳng định mình. Đây là một trong những cách trọng dụng người tài có tính nhân văn sâu sắc. Và đây cũng chính là cách níu giữ nhân tài mà đất nước ta cần áp dụng. Như thế mới không để lãng phí nguồn tài nguyên nhân lực.

Như vậy, đối với một đất nước thì việc xem trọng hiền tài chính là việc vô cùng quan trọng và cần thiết để có thể tạo nên sự chuyển mình mạnh mẽ. Hiền tài sẽ là những người cống hiến, vạch đường đi để cho nhân dân ta có thể tiến bước đi lên.

Phân tích tư tưởng trọng người hiền tài trong bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia - mẫu 3

Vị vua anh minh, lỗi lạc của dân tộc - Nguyễn Huệ - đã từng nói: "Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc." Cùng chung quan điểm với Nguyễn Huệ là Mặc Tự. Ông khẳng định: "Đất nước có nhiều người tài, đất nước càng hưng thịnh". Không phải tự nhiên những vị vua, những vị quan của đất nước trong các triều đại đi trước đưa ra lời khẳng định này, mà bởi vì nó chính là một yếu tố cốt lõi trong quá trình dựng nước, giữ nước họ đúc kết ra được.

Mặc dù còn có rất nhiều người cùng chung quan điểm với Mặc Tự và Nguyễn Huệ nhưng khi nhắc đến vấn đề này, ta không thể không nói đến Trần Nhân Tông với câu nói: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia". Lời tóm lược vừa hay, vừa rõ ràng, thâu đủ các ý từ những người đi trước. Thông qua đó mà ta có thể hiểu rõ được tầm quan trọng của người tài đối với mỗi quốc gia, dân tộc.

Trước hết, ta cần phải làm rõ khái niệm "hiền tài". Hiền tài có nghĩa là gì? Hiền có nghĩa là người hiền lương, người sống có đạo đức, lương thiện. Còn tài ở đây là tài năng, là phẩm chất, là cốt cách của một con người. Vậy nên ta có thể suy ra được hiền tài là những người vừa có tài, vừa có đức như triết lí của Hồ Chủ tịch. Họ là những người có phẩm chất cao quý, có một sự tinh anh, tinh thông, nhìn nhận và đóng góp cho đất nước một cách trung thành, yêu nước thương dân.

Tại sao Trần Nhân Tông lại cho rằng: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia"? Nguyên khí là những sức mạnh tiềm tàng, những sức mạnh ẩn sâu bên trong của đất nước để giúp cho đất nước trở nên hưng thịnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Những người hiền tài là yếu tố quan trọng để thực hiện sứ mệnh ấy.

Nhìn lại cả một thời kì lịch sử chói lọi của dân tộc với quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, ta có thể khẳng định rằng câu nói của Trần Nhân Tông là hoàn toàn đúng đắn. Các vị vua như Quang Trung, Lí Thái Tổ, Lê Lợi đều là những minh chứng rõ ràng và thuyết phục cho việc sử dụng tài năng, sự mưu trí và đức độ khi trị vì đất nước.

Những người như họ đã góp phần làm nên sự độc lập và phát triển của nước ta trong những thời kì đó. Nhưng không chỉ có những người đứng đầu đất nước mới là những người tài giỏi, ta thấy được ở cấp bậc thấp hơn đó là những vị tướng quân trong triều đình, họ còn góp một phần không nhỏ trong việc bảo vệ đất nước.

Tiêu biểu có thể kể đến như: Lí Thường Kiệt - người đầu tiên đem quân sang Bắc phạt - hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng xuất sắc nhất trong lịch sử Việt Nam… Chính bởi vì có sự hiện diện của họ mà ta mới được như ngày hôm nay.

Tạm gác lại cái nhìn về lịch sử, ta phóng tầm mắt đến hiện tại, Đảng và nhà nước ta vẫn đang nỗ lực không ngừng vì một Việt Nam phát triển, một đất nước đang trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chân lí: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia vẫn luôn là yếu tố tiên phong để phát triển đất nước.

Hằng năm, chúng ta tổ chức biết bao nhiêu cuộc thi để tìm kiếm những người tài giỏi, tạo cơ hội cho họ thể hiện tài năng và phát triển bản thân như: Cuộc thi sáng tạo robocon, thi đấu các giải đấu toán học quốc tế, chương trình Đường lên đỉnh Olympia... Nhà nước luôn chú trọng vào việc phát triển tài năng, phát triển và đầu tư vào giáo dục.

Nhưng song song cùng với quá trình đi lên này vẫn còn không ít những người tài giỏi đã sang nước ngoài học tập, sinh sống và không quay trở về quê hương nữa. Họ được đất nước tạo điều kiện để nâng cao khả năng, để ra nước ngoài học tập ấy thế mà khi ở trong một môi trường tốt, họ không còn muốn trở về quê hương để cống hiến nữa.

Dù thế giới ngày hôm nay và ngày mai có xoay chuyển và diễn biến phức tạp thì những người hiền tài vẫn sẽ là nhân tố quan trọng trong những hoàn cảnh ấy. Vậy nên, mỗi chúng ta cần không ngừng học tập, trau dồi và nâng cao vốn hiểu biết của bản thân để trở thành một người có ích cho xã hội, khiến cho đất nước đi lên, ngày càng giàu mạnh.

Phân tích tư tưởng trọng người hiền tài trong bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia - mẫu 4

Bài "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" được trích trong bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) do Thân Nhân Trung soạn năm 1484 thời Hồng Đức. Bài kí này được khắc đá hiện còn ở Văn miếu (Hà Nội).

Thân Nhân Trung tự là Hậu Phủ quê ở Yên Dũng, Bắc Giang, đỗ Tiến Sĩ làm quan dưới thời Hồng Đức có văn tài lỗi lạc, đức trọng tài cao từng được vua Lê Thánh Tông tin dùng ban chức "Tao đàn phó nguyên súy". Câu mở đầu cho ta biết Thân Nhân Trung được vua Lê Thánh Tông uỷ thác cho trọng trách. Một cách nói vừa kính cẩn, vừa khiêm nhường:

"Tôi dẫu nông cạn, vụng về, nhưng đâu dám từ chối, xin kính cẩn chắp tay cúi đầu mà làm bài kí rằng …".

Các tiến sĩ được khắc tên vào bia đá ở Văn Miếu là những hiền tài, những người học rộng, tài cao và có đạo đức. Tác giả coi "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" khẳng định nguyên khí có hệ trọng với sự thịnh suy, hưng vong của đất nước. Cách lập luận của tác giả rất chặt chẽ và đầy sức thuyết phục:

"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp".

Câu văn đẹp, ý tưởng sâu sắc, ngôn từ trang nhã, phép đối của thể văn cổ biền ngẫu được vận dụng tài tình. Từ xưa đến nay, câu văn này được nhiều nhà viết sử nhắc lại, được nhiều người ghi nhớ và truyền tụng, càng đọc càng suy ngẫm, ta càng thấy rõ: khi hiền tài xuất hiện như hoa mùa xuân thì quốc gia cường thịnh, khi "tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu" thì vận nước khó khăn, yếu hèn.

Tiếp theo Thân Nhân Trung nói về sự quan tâm đào tạo nhân tài là chính sách hàng đầu, là điều quan tâm đặc biệt: 'Vì vậy, các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí" làm việc đầu tiên. Triều đình nhà Lê, từ năm 1439 trở đi đã có nhiều việc làm biệt đãi và quý trọng kẻ sĩ. Nào là "đã yêu mến cho khoa danh, lại đề cao bằng tước trật". Nào là "Nêu tên ở tháp Nhạn, ban cho danh hiệu Long hổ, bày tiệc Văn hỉ". Sau mỗi khoa thi kén được nhiều tiến sĩ, trạng nguyên, "Triều đình mừng được người tài, không có việc gì không làm đến mức cao nhất". Đó là các việc như đặt ra lệ xướng danh, yết bảng, ban mũ áo, cấp ngựa, đãi yến và vinh quy bái tổ cho những người đỗ đạt cao.

Làm thế vẫn chưa đủ, nên vua Lê Thánh Tông, vị thánh minh lại cho khắc tên các tiến sĩ vào bia đá đặt ở cửa Hiền Quan (Quốc Tử Giám) nhằm mục đích "khiến cho kẻ sĩ trông vào mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết, gắng sức giúp vua". ý nghĩa sâu xa của việc "dựng đá đề danh ở cửa Hiền Quan" thể hiện việc đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, ươm nguồn nguyên khí quốc gia, được tổ tiên ông cha ta đặc biệt coi trọng, đâu phải là "chuộng văn suông, ham tiếng hão".Trách nhiệm, nghĩa vụ của "Kẻ sĩ chốn trường ốc lều tranh" phải như thế nào? Phải "Tự trọng tấm thân" rèn đức rèn tài, phải "Ra sức báo đáp' ân đức minh quân thánh đế.

Sau khi ca ngợi những tiến sĩ "đã đem văn học, chính sự ra tô điểm cho cảnh trị bình suốt mấy chục năm, được quốc gia tin dùng", Thân Nhân Trung đã nghiêm khắc chỉ trích "những kẻ vì nhận hối lộ mà hư hỏng, hoặc rơi vào hàng ngũ bọn gian ác".

Cuối bài văn, tác giả nói lên lợi ích to lớn, tác dụng to lớn của việc dựng bia tiến sĩ ở Văn Miếu: "Kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện theo đó mà gắng, dẫn việc dĩ vãng, chỉ lối tương lai, vừa để rèn giũa danh tiếng cho sĩ phu, vừa để củng cố mệnh mạch cho nhà nước". Lí lẽ sắc sảo, lập luận chặt chẽ, đối ý đối lời mạch lạc, giọng văn trang trọng, càng đọc ta càng thấy ý nghĩa tốt đẹp của việc tổ tiên ông cha ta ngày xưa dựng bia đá đề danh tiến sĩ.

Trong "Bình Ngô đại cáo" Nguyễn Trãi tự hào viết:

"Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến từ lâu".

Đọc bài "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" ta càng hiểu rõ sâu hơn nền văn hiến của dân tộc. Chính việc "bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí, (dựng bia tiến sĩ đã góp phần to lớn xây nền văn hiến ngày thêm rạng rỡ). Bài học lịch sử được rút ra từ việc khắc bia ghi tên tiến sĩ là lấy việc giáo dục làm quốc sách, coi trọng việc đào tạo nhân tài, biệt đãi kẻ sĩ để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phân tích tư tưởng trọng người hiền tài trong bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia - mẫu 5

Nguyễn Huệ đã từng khẳng định: “Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc.” Quả thật, sự trường tồn của một quốc gia nằm ở chính tài năng của mỗi người trong quốc gia đó. Để nhấn mạnh điều ấy, một nhà giáo mẫu mực của thời đại là Thân Nhân Trung cũng đã viết nên “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” nhằm khẳng định vai trò quan trọng của hiền tài đối với sự phồn vinh của một đất nước. Quan niệm như vậy đã khẳng định hiền tài định đoạt vận mệnh đất nước, dân tộc. Tư tưởng này dẫn đến sự cầu hiền. Đồng thời nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc “chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo hiền tài bồi đắp thêm nguyên khí”.

Thân Nhân Trung tự là Hậu Phủ quê ở Yên Dũng, Bắc Giang, đỗ Tiến Sĩ làm quan dưới thời Hồng Đức có văn tài lỗi lạc, đức trọng tài cao từng được vua Lê Thánh Tông tin dùng ban chức “Tao đàn phó nguyên suý”. Ông là một vị quan đại triều có uy tín về đức độ, tài năng và là một nhà giáo mẫu mực của thời đại. Thân Nhân Trung còn là người mở đầu cho một gia tộc khoa bảng, ba đời liên tiếp với bốn vị đỗ tiến sĩ và đều làm quan dưới thời vua Lê Thánh Tông. Vua Lê Thánh Tông từng ca ngợi gia tộc này bằng câu thơ:

“Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển,

Nhị Cha tử mộc ân vinh.” (nói Thân Nhân Trung và Thân Nhân Vũ)

tức là:

“Mười anh em nhà họ Trịnh nối nhau quý hiển,

Hai cha con nhà họ Thân tắm gội ân vinh.”

Năm Hồng Đức thứ 15 (1484), Thân Nhân Trung cùng các quan bộ lễ khác tiến hành viết các bài văn bia để khắc vào các bia tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam, các bia này hiện đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ghi lại mục đích lập mỗi khoa thi nho học, hoàn cảnh lịch sử các khoa thi được khắc bia, hoàn cảnh ra đời của văn bia, và nội dung quan trọng nhất là đề danh các tiến sĩ đỗ đại khoa trong khoa thi đó. Thân Nhân Trung được giao soạn bài văn bia cho bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442). Khi viết về mục đích các khoa thi nho học, trong bài văn bia này, Thân Nhân Trung đã nêu bật được tầm quan trọng của giáo dục nhân tài đối với việc hưng thịnh của đất nước: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”.

Văn bia là thuật ngữ chỉ văn tự khắc trên đá, được phân thành 3 loại: văn bia ghi công đức, bia ghi việc xây dựng các công trình kiến trúc, bia lăng mộ với mục đích: ghi chép những sự việc trọng đại hoặc tên tuổi, cuộc đời của những người có công đức lớn để lưu truyền cho đời sau. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” là đoạn trích từ bài văn bia. Nội dung nhằm giải thích ý nghĩa của việc dựng bia tiến sĩ: vừa để ghi công những tên tuổi của các bậc hiền tài để cống hiến cả đời mình cho đất nước đồng thời còn là cách động viên để mọi người có thêm động lực để cùng nhau xây dựng đất nước giúp cho nhân dân có được cuộc sống ấm no.

Câu mở đầu tác phẩm đã cho ta biết Thân Nhân Trung được vua Lê Thánh Tông uỷ thác cho trọng trách. Một cách nói vừa kính cẩn, vừa khiêm nhường: “Tôi dẫu nông cạn, vụng về, nhưng đâu dám từ chối, xin kính cẩn chắp tay cúi đầu mà làm bài kí rằng …”. Sau đó ông khẳng định tầm quan trọng của hiền tài đối với sự suy vong của đất nước. Các tiến sĩ được khắc tên vào bia đá ở Văn Miếu là những hiền tài, những người học rộng, tài cao và có đạo đức. Tác giả coi “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” khẳng định nguyên khí có hệ trọng với sự thịnh suy, hưng vong của đất nước. Cách lập luận của tác giả rất chặt chẽ và đầy sức thuyết phục: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”.

Trong bài kí, Thân Nhân Trung không nói nhân tài mà nói “hiền tài”. Hiền tài theo quan niệm người xưa, cũng như của tác giả là người có cả tài năng không những học rộng hiểu nhiều, có đủ tài giúp vua trị nước, đem lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân; có cả đức hạnh, là người gương mẫu về đạo đức, suốt đời chăm lo tu dưỡng phẩm hạnh cho bản thân, đem hết tài năng và đức hạnh phục vụ cho đất nước. Đó là người “lấy trung nghĩa mà rèn cho danh thực hợp nhau, thực hành điều sở học, làm nên sự nghiệp vĩ đại sáng ngời, khiến cho mọi người đời sau kính trọng thành danh, mến mộ khí tiết…”. Còn nguyên khí là gì? Nguyên khí là khí chất ban đầu làm nên sự sống và quá trình phát triển của sự vật. Hiểu rộng ra, nguyên khí là nền tảng làm nên sự sống còn và phát triển của xã hội và đất nước. Hiền tài là nguyên khí nghĩa là khẳng định những người có tài cao học rộng và có đạo đức sẽ làm nên vận mệnh của đất nước. Người hiền tài có vai trò quyết định đến sự suy thịnh của đất nước. Hiền tài dồi dào thì đất nước hưng thịnh, hiền tài cạn kiệt thì đất nước suy yếu, người hiền tài chính là sự kết tụ của tinh hoa đất trời và của dân tộc.

Dân tộc ta sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai và địch họa. Dân tộc ta không thể tồn tại và phát triển nếu như không có tinh thần yêu nước và khí phách anh hùng của toàn thể nhân dân. Trên nền tảng vật chất và tinh thần ấy, trong lịch sử đã thường xuyên xuất hiện những tài năng lỗi lạc, đem thêm niềm tin và sức mạnh cho nhân dân và cùng nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Họ chính là những hiền tài của đất nước. Họ là nguyên khí của quốc gia, thể hiện tinh hoa của phẩm chất và tâm hồn được chắt lọc và nâng cao từ trong nhân dân. Không có hiền tài thì không thể có những thành công rực rỡ của nhân dân. Không có nền tảng vật chất và tinh thần từ trong nhân dân cũng không thể có hiền tài. Từ trong mối quan hệ giữa nhân dân và hiền tài, nảy sinh sức mạnh trường tồn của dân tộc.

Nguyễn Trãi khái quát ý nghĩa trên trong Đại cáo bình Ngô:

“Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau

Song hào kiệt đời nào cũng có”

Nước Đại Việt không thể tồn tại và phát triển nếu nhân dân ta không trở thành nhân dân một nước có văn hiến. Nguyễn Trãi không dùng khái niệm văn hóa mà dùng khái niệm văn hiến bởi văn hiến mang một nội dung rộng hơn. Văn hiến chứa đựng hai nhân tố: nền tảng văn hóa của toàn thể nhân dân; sự xuất hiện những hiền tài của đất nước.

Một đất nước nếu không có hiền tài không thể giữ vững được độc lập, kinh tế, phát triển của dân tộc. Hiền tài là sự kết tụ tinh hoa của đất trời, của khí thiêng sông núi, của truyền thống dân tộc. Người xưa đã nói: Địa linh sinh nhân kiệt, nên hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Những người được coi là “hiền tài” có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hưng vong của một triều đại nói riêng và của quốc gia nói chung. Có thể lấy rất nhiều ví dụ trong lịch sử nước ta để chứng minh cho điều đó như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Giang Văn Minh, Tô Hiến Thành, Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huệ… ở những thế kỉ trước và nhân vật nổi tiếng của thế kỉ XX là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – người đã lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của thực dân, phong kiến, giành lại chủ quyền độc lập, tự do cho đất nước và khẳng định tên tuổi Việt Nam trước toàn thế giới.

Có thể nói, trong lịch sử văn hoá, giáo dục trước đời Lê Thánh Tông, chưa có ai đặt vấn đề một cách chỉn chu, rõ ràng, sâu sắc như Thân Nhân Trung. Người ta không ai là không biết mối quan hệ giữa hiền tài và sự thịnh suy của một triều đại, một quốc gia. Nhưng còn coi người “hiền tài là nguyên khí quốc gia” thì phải ghi nhận bắt đầu từ Thân Nhân Trung một câu tổng kết chính xác cho cả một đường lối chiến lược về văn hoá, giáo dục của bất cứ một thời đại nào, một chính thể nào.

Sau đó ông khẳng định việc đào tạo nhân tài là một việc rất quan trọng “Vì vậy các đấng thánh đế minh chẳng ai là không lấy việc bồi dưỡng nhân tài kén chọn kẻ sĩ vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên”. Tiếp đó để làm sáng hơn cho luận điểm, ông viết “đã yêu mến cho khoa danh lại đỗ cao bằng tước trật. Ban ân rất lớn mà vẫn cho là chưa đủ. Lại nêu tên tháp ở Pháp Nhạn ban cho Danh hiệu Long hổ bày tiệc Văn hỉ”. Triều đình nhà Lê, từ năm 1439 trở đi đã có nhiều việc làm biệt đãi và quý trọng kẻ sĩ. Nào là “đã yêu mến cho khoa danh, lại đề cao bằng tước trật”. Nào là “nêu tên ở tháp Nhạn, ban cho danh hiệu Long hổ, bày tiệc Vân hỉ”. Sau mỗi khoa thi kén được nhiều tiến sĩ, trạng nguyên, “Triều đình mừng được người tài, không có việc gì không làm đến mức cao nhất”. Đó là các việc như đặt ra lệ xướng danh, yết bảng, ban mũ áo, cấp ngựa, đãi yến và vinh quy bái tổ cho những người đỗ đạt cao. Làm thế vẫn chưa đủ, nên vua Lê Thánh Tông, vị thánh minh lại cho khắc tên các tiến sĩ vào bia đá đặt ở cửa Hiền Quan (Quốc Tử Giám) nhằm mục đích “khiến cho kẻ sĩ trông vào mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết, gắng sức giúp vua”.

Tư tưởng của Thân Nhân Trung không chỉ khẳng định vai trò quan trọng của hiền tài đối với quốc gia mà còn nêu cao sự cần thiết của việc quan tâm, đào tạo và tạo nhiều cơ hội phát triển cho hiền tài. Đất nước nào, xã hội nào cũng có những người hiền tài, tuy nhiên những người hiền tài đó có được phát huy hết những gì mà họ có hay không còn phụ thuộc vào việc có trọng dụng hay không trọng dụng của xã hội, đất nước đó. Theo ý kiến của ông thì việc coi trọng hiền tài cũng như phát hiện, phát triển hiện tài để “đầu tư” là điều cần thiết, không thể lơ là đối với những người lãnh đạo. Người tài đã khó tìm, người hiền tài lại càng khó tìm hơn nữa. Vì hai chữ “hiền tài” đã bao hàm trong nó tài năng và đức độ. Điều cần thiết của mỗi quốc gia dính là trận trọng và phát triển những người có khả năng đưa đất nước đi lên vững bền.

Làm thế nào để có những bậc hiền tài như thế? Trước hết theo Thân Nhân Trung phải có một hoàn cảnh khách quan thuận lợi. Ông nói: “Nhân tài phồn thịnh vốn có quan hệ đến khí hóa của trời đất và cốt ở cái gốc giáo hóa của thánh nhân” (Văn bia 1487). Có khí hóa của trời đất tức là nói hoàn cảnh thịnh trị của đất nước trong đó mọi sự, mọi vật đều phát triển tốt đẹp. Theo Thân Nhân Trung, đó là thời đại Lê Thánh Tông. Có sự giáo hóa của thánh nhân là nói về sự quan tâm đặc biệt của nhà vua đối với việc giáo dưỡng, tuyển chọn và đãi ngộ hiền tài. Lê Thánh Tông tiếp tục sự nghiệp của Lê Thái Tổ và các vua tiền triều. Ông lấy việc xây dựng nhà học, bồi dưỡng nhân tài làm nhiệm vụ hàng đầu. Hơn thế nữa, Lê Thánh Tông còn mở rộng quy mô giáo dục ra toàn quốc. Đặc biệt, ông quý trọng hiền tài và sử dụng hiền tài trong xây dựng nền thịnh trị cho đất nước. Một đất nước, một xã hội muốn phát triển cần thiết phải chăm lo bồi dưỡng, trọng dụng hiền tài, cần trân trọng, tôn vinh những cống hiến, những đóng góp của họ, cần bảo vệ, phát huy những giá trị quý giá mà họ đã đem lại cho xã hội, cần tạo một môi trường trong sạch, lành mạnh để người hiền tài được phát huy hết tiềm năng.

Thân Nhân Trung tiếp tục ngợi ca các bậc hiền tài đức độ “Có người đã đem văn học, chính sự ra tô điểm cho cảnh trị bình suốt mấy chục năm, được quốc gia tin dùng” bên cạnh đó tác giả cũng đem lời chỉ trích với những kẻ âm mưu, mưu đồ hại nước “cũng không phải có những kẻ vì nhận hối lộ mà hư hỏng hoặc rơi vào hàng ngũ bọn gian ác”. Nhìn về kẻ sĩ, tác giả phân tích quy luật tâm lý: Việc đặt bia đá có ý nghĩa “khiến kẻ sĩ trông vào mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết, gắng sức giúp vua”. Mặt khác, kẻ sĩ vốn nghèo hèn, khi được triều đình tôn vinh, tất nhiên ra sức báo đáp “kẻ sĩ chốn trường ốc lều tranh, phận thật nhỏ mọn mà được triều đình đề rất mực như thế thì họ phải làm thế nào đẻ tự trọng tấm thân mà ra sức báo đáp?”. Một điểm nữa là nếu những người đỗ đạt thấy tên mình trên bia “lòng thiện tràn đầy, ý xấu bị ngăn chặn” thì không thể làm điều xấu, điều ác được. Bia đá sẽ là lời nhắc nhở hiền tài có ý thức rõ ràng hơn về trách nhiệm của mình đối với sự hưng vong của đất nước và dân tộc. Trách nhiệm, nghĩa vụ của “kẻ sĩ chốn trường ốc lều tranh” phải như thế nào? Phải “tự trọng tấm thân” rèn đức rèn tài, phải “ra sức báo đáp” ân đức minh quân thánh đế.

Thân Nhân Trung đã chỉ ra ý nghĩa của việc khắc bia tiến sĩ: Đầu tiên là để khuyến khích hiền tài: kẻ sĩ trông vào mà phấn chấn, hâm mộ, ra sức rèn luyện danh tiết, gắng sức giúp vua, giúp nước. Tiếp theo là ngăn ngừa điều ác, kẻ ác, ý xấu bị ngăn chặn, lòng thiện tràn đầy, kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện xem đó mà cố gắng. Cuối cùng là dẫn việc dĩ vãng, chỉ lối tương lai, góp phần rèn rũa danh tiếng cho sĩ phu, vừa để củng cố mệnh mạch cho đất nước. Vận mệnh dân tộc, số phận đất nước đặt lên vai hiền tài. Với lối liệt kê trùng điệp, đối lập kết hợp giọng văn trang trọng cùng lối nói mạch lạc rõ ràng, dễ hiểu đã khiến cho chúng ta thấy được tác dụng to lớn của việc khắc bia mộ và những ý nghĩa to lớn của việc làm này.

Với bài văn bia ngắn gọn, Thân Nhân Trung đã để lại cho đời sau những ý kiến vô cùng sâu sắc về vai trò của người trí thức, về chính sách đối với hiền tài, nhắc nhở đời sau một chân lý lịch sử: “Kẻ sĩ có mối quan hệ thật là quan trọng đối với sự phát triển của đất nước” (Văn bia 1487). Tấm bia vẫn tồn tại ở Văn Miếu trên 500 năm nay, thường xuyên nhắc nhở các triều đại về chính sách đối với kẻ sĩ và đã luôn luôn chứng minh lời nói bất hủ của ông về sự thịnh suy của đất nước gắn liền với sự thịnh suy của hiền tài.

“Hiền tài” không phải tự nhiên mà có. Ngoài năng khiếu bẩm sinh mang tính chất truyền thống của gia đình, dòng họ, quê hương… thì người tài phải được phát hiện, giáo dục, đào tạo một cách nghiêm túc và bài bản để thực sự trở thành “hiền tài” của đất nước. Nhân tài của một đất nước không nhiều nhưng cũng không quá hiếm hoi. Để có được “hiền tài”, Nhà nước phải có chính sách đào tạo và sử dụng đúng đắn cùng chính sách đãi ngộ trân trọng, hợp lí. Tạo điều kiện thuận lợi để “hiền tài” phát triển tài năng và cống hiến có hiệu quả nhất cho sự nghiệp phát triển đất nước giàu mạnh.

Trong xã hội ngày nay, một câu hỏi lớn được đặt ra là làm thế nào để phát huy vai trò của người tài trong sự phát triển chung của đất nước?

Việt Nam hiện nay là một quốc gia đang phát triển mà tình trạng làm lãng phí một nguồn chất xám lớn đã vô tình tạo nên khoảng cách giàu nghèo rõ rệt giữa nước ta với các cường quốc khác. Bên cạnh đó, một lực lượng lớn trí thức trẻ đang tìm kiếm cơ hội cho bản thân ở những quốc gia khác có điều kiện sống và phát triển năng lực bản thân mạnh mẽ hơn. Nhiều người sau một thời gian học tập và làm việc tại một số quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Mĩ,… đã quyết định định cư lâu dài, không quay trở lại làm việc trong nước. Như vậy, đất nước muốn giữ được người hiền tài thì phải có những phương án lâu dài và hợp lý trọng dụng người tài. Nhà nước phải có chính sách đào tạo và sử dụng đúng đắn cùng chính sách đãi ngộ trân trọng, hợp lý. Tạo điều kiện thuận lợi để hiền tài phát triển tài năng và cống hiến có hiệu quả nhất cho sự nghiệp phát triển đất nước giàu mạnh, tạo được nhiều môi trường làm việc xứng đáng, phù hợp. Ngoài ra, mỗi cá nhân phải không ngừng phát triển, bồi dưỡng kiến thức và đạo đức để trở thành hiền tài đất nước, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

Tuy vậy, ngày nay, Đảng và Nhà nước ta cũng đã có nhiều chính sách trọng dụng người tài để họ có cơ hội được phát triển bản thân, cống hiến sức lực của mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Những sinh viên xuất sắc, cán bộ có năng lực, đều được chính phủ trợ cấp chi phí sinh hoạt và học tập ở nước ngoài để mai này phục vụ đất nước. Bên cạnh đó, những cải cách giáo dục luôn được đưa ra để phù hợp với từng thời kì phát triển. Các trường học được xây dựng tạo điều kiện cho trẻ em mọi vùng miền đều có cơ hội học tập, các chính sách miễn giảm học phí cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đưa ra, những quỹ học bổng dành cho những em có thành tích cao trong học tập cũng được xây dựng và duy trì…

Bằng phương pháp lập luận chặt chẽ và nghệ thuật sử dụng từ ngữ chính xác, tác giả Thân Nhân Trung đã để lại cho người đời sau bài học thiết thực về cách nhìn nhận, đánh giá, sử dụng nhân tài đúng đắn và hợp lí. Biết phát hiện, đầu tư đào tạo và tôn trọng nhân tài – đặc biệt là hiền tài thì sự nghiệp dân giàu nước mạnh mới mau chóng trở thành hiện thực. Nhận định của Thân Nhân Trung đúng với mọi quốc gia và mọi thời đại. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, yêu cầu phát triển đất nước càng đặt ra một cách bức thiết. Để sánh vai cùng các nước mạnh trong khu vực và trên thế giới, chúng ta cần có nhiều hơn nữa những người tài đức. Chính bởi vậy tư tường của Thân Nhân Trung thêm một lần nữa cần được khẳng định tính đúng đắn và tiến bộ của nó. Đó chính là kim chi nam không chỉ của một thời đại để xây dựng một quốc gia phồn vinh, thịnh vượng thực sự.

Phân tích tư tưởng trọng người hiền tài trong bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia - mẫu 6

Tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” của Thân Nhân Trung không chỉ có giá trị đối với thế hệ ông đang sống mà cho đến ngày nay nó vẫn giữ nguyên ý nghĩa. Đối với một đất nước, muốn phát triển giàu mạnh vững bền thì yếu tố con người vô cùng cần thiết. Cần phải tìm người giỏi và giáo dục người giỏi để họ có thể gánh trên vai trọng trách nước nhà.

“Hiền tài” được hiểu chính là những người tài giỏi, có đức độ, đầu óc sáng tạo và tấm lòng sáng trong có những ý kiến và định hướng đúng đắn cho sự phát triển đi lên của quốc gia. Những người tài giỏi sẽ đóng góp công lao không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng và phát triền quốc gia.

Thân Nhân Trung từng nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, rồi lên cao, nguyên khí yếu thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Đây chính là một quy luật có từ lâu đời trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Theo ý kiến của ông thì việc coi trọng hiền tài cũng như phát hiện, phát triển hiện tài để ‘đầu tư” là điều cần thiết, không thể lơ là đối với những người lãnh đạo. Người tài đã khó tìm, người hiền tài lại càng khó tìm hơn nữa. Vì hai chữ “hiền tài” đã bao hàm trong nó tài năng và đức độ. Điều cần thiết của mỗi quốc gia dính là trận trọng và phát triển những người có khả năng đưa đất nước đi lên vững bền.

Nhật Bản là một quốc gia coi trọng con người, luôn đặt giáo dục con người lên hàng đầu. Vì từ thời kỳ Thiên Hoàng Minh Trị, tự tưởng này đã được xem trọng. Bởi xem trọng con người, xem trọng người tài sẽ là đòn bẩy giúp cho đất nước đó có thể phát triển bền vững. Nhật Bản trong những thập kỉ qua đã khẳng định mình là quốc gia vững mạnh trên tất cả mọi mặt, bởi họ luôn lấy hiền tài làm trọng để phát huy những thế mạnh khác.

Thân Nhân Trung khẳng định “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” không phải không có lý do. Đất nước ta đã phải trải qua bao nhiêu mất mát, hi sinh vì chiến tranh. Lúc đó nếu không có những bậc vĩ nhân như Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Trần Quốc Tuấn, Lý Thường Kiệt… thì liệu đất nước ta có được sự vững bền như ngày hôm nay không. Hiền tài là người đủ đức, đủ tài để gánh vác những trọng trách được giao. Đó mới là điều đáng quan tâm hơn hết. Họ sẵn sàng hi sinh lợi ích cả nhân, hi sinh tuổi thanh xuân, hi sinh bản thân mình để sống và cống hiến.

Đó là những người đáng ngưỡng mộ và khâm phục, không những có tài mà còn có tấm lòng nhân ái, vị tha bao la.

Ở thời kì nào cũng vậy, nếu xem hiền tài chính là “nguyên khí”, là trụ cột thì đất nước đó sẽ có những bước tiến mới. Thân Nhân Trung không chỉ nhấn mạnh khía cạnh ‘coi trọng” mà còn nhấn mạnh việc “phát hiện, phát triển” những người đủ chí và lực để gánh vác những việc trọng đại của quốc gia. Đây chính là tư tưởng tiến bộ, có sức ảnh hưởng lớn đến với sự sinh tồn của quốc gia đó.

Có một thực tế đáng buồn hiện nay chính là nhiều người tài không có môi trường để phát triển. Họ không được tạo cơ hội, điều kiện, không có định hướng cụ thể nên tài năng bị thui chột là điều không hiếm có. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng phát hiện ra những người có đủ nhân cách như vậy để đào tạo và tạo cho họ cơ hội để khẳng định mình. Đây là một trong những cách trọng dụng người tài có tính nhân văn sâu sắc. Và đây cũng chính là cách níu giữ nhân tài mà đất nước ta cần áp dụng. Như thế mới không để lãng phí nguồn tài nguyên nhân lực.

Như vậy, đối với một đất nước thì việc xem trọng hiền tài chính là việc vô cùng quan trọng và cần thiết để có thể tạo nên sự chuyển mình mạnh mẽ. Hiền tài sẽ là những người cống hiến, vạch đường đi để cho nhân dân ta có thể tiến bước đi lên.

Xem thêm các bài Văn mẫu phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 10 khác:

Đã có lời giải bài tập lớp 10 sách mới:

Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 10

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


hien-tai-la-nguyen-khi-cua-quoc-gia.jsp


Giải bài tập lớp 10 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên