Hình tượng sóng trong bài thơ Sóng (điểm cao)

Đề bài: Phân tích hình tượng sóng trong bài Sóng của Xuân Quỳnh

Hình tượng sóng trong bài thơ Sóng (điểm cao)

Bài giảng: Sóng (Xuân Quỳnh) - Cô Nguyễn Ngọc Anh (Giáo viên VietJack)

Dàn ý Hình tượng sóng trong bài thơ Sóng

Quảng cáo

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Xuân Quỳnh: là nhà thơ tiêu biểu thuộc thế hệ nhà thơ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ, tiếng thơ của chị giàu chất nữ tính, trăn trở với những khát khao hạnh phúc đời thường, giản dị.

- Giới thiệu bài thơ và hình tượng sóng: Sóng là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của chị, hình tượng đặc đặc sắc làm nên giá trị bài thơ chính là hình tượng sóng.

Quảng cáo

II. Thân bài

1. Sóng – bản chất và quy luật của người phụ nữ khi yêu

- Khổ 1: + Sóng mang trong mình những tính chất đối lập: dữ dội – dịu em, ồn ào – lặng lẽ, đó cũng là bản tính của phụ nữ khi yêu (mãnh liệt nhưng sâu lắng).

    + Sóng không bằng lòng sống ở một nơi chật hẹp, “không hiểu mình” nên luôn khát khao, quyết liệt “tìm ra tận bể” rộng lớn, đó là khát vọng vươn tới sự tuyệt đích trong tình yêu của người phụ nữ.

- Khổ 2: + Trước thời gian “ngày xưa – ngày sau”, những con sóng vẫn luôn dạt dào, sôi nổi, khát khao không gian bao la.

    + Cũng như sóng, trái tim của tuổi trẻ luôn khát khao tình yêu mãnh liệt, “bồi hồi trong ngực”, đó là quy luật vĩnh hằng.

2. Sóng – những suy nghĩ trăn trở về cội nguồn tình yêu

- Khổ 3: Xuân Quỳnh tìm kiếm nguồn cội của sóng “Từ nơi nào sóng lên”, đồng thời thể hiện sự trăn trở, muốn khám phá chính bản thân mình, người mình yêu và tình yêu (“em”, “anh”, “biển lớn”)

- Khổ 4: Nữ sĩ tự đặt câu hỏi và tự lí giải bằng quy luật của tự nhiên: “sóng bắt đầu từ gió ...” nhưng nguồn gốc của sóng cũng như tình yêu đều bí ẩn, khó lí giải.

3. Sóng – nỗi nhớ, lòng thủy chung của người phụ nữ khi yêu

- Khổ 5: Nỗi nhớ bờ của sóng bao trùm mọi phạm vi không gian: “dưới lòng sâu – trên mặt nước”, phạm vi thời gian “ngày - đêm”, biện pháp nhân hóa “không ngủ được” càng nhấn mạnh nỗi nhớ.

    + Không chỉ bày tỏ gián tiếp nỗi nhớ qua sóng mà người phụ nữ bày tỏ trực tiếp nỗi nhớ của mình “lòng em nhớ đến anh”, nỗi nhớ luôn thường trực trong suy nghĩ, ăn sâu vào tiềm thức “cả trong mơ còn thức”.

Quảng cáo

- Khổ 6: : + Nghệ thuật tương phản “xuôi – ngược”, điệp ngữ “dẫu”, “vẫn”, “về” gợi hành trình của sóng ngoài biển lớn cũng như hành trình tình yêu của người phụ nữ giữa cuộc đời.

    + Tấm lòng thủy chung của người phụ nữ, niềm tin chờ đợi trong tình yêu, dù ở đâu cũng “hướng về anh một phương”, nghĩ về “phương anh” bằng cả trái tim.

- Khổ 7: + Quy luật tất yếu của “trăm ngàn con sóng” là tìm đến “bờ” dù có “muôn vời cách trở” cũng như người phụ nữ khi yêu luôn hướng đến người mình yêu, tìm kiếm tình yêu đích thực dù phải trải qua bao khó khăn thử thách.

4. Sóng – khát vọng tình yêu vĩnh cửu

- Khổ 8: + Sóng là sự lo âu, trăn trở của người phụ nữ về sự nhỏ bé của mình trước cuộc đời rộng lớn, sự hữu hạn của tình yêu trước thời gian vô hạn, sự dễ đổi thay của lòng người trước dòng đời đầy biến động.

    + Ẩn sâu trong ý thơ vẫn là niềm tin, hi vọng mãnh liệt vào sức mạnh của tình yêu như mây có thể vượt qua biển rộng “Như biển kia dẫu rộng ... bay về xa.”

- Khổ 9: + Sóng chính là biểu tượng cho tình yêu mãnh liệt, trường tồn: khát vọng được “tan ra” “thành trăm con sóng nhỏ” để được sống hết mình trong “biển lớn tình yêu”, để tình yêu bất diệt, vĩnh cửu.

    + Đó cũng là khát khao chia sẻ và tan tình yêu nhỏ bé với tình yêu chung rộng lớn của cuộc đời.

III. Kết bài

- Nêu suy nghĩ về hình tượng sóng và nội dung bài thơ: bằng sự kết hợp hài hòa giữa hình tượng sóng và em, bài thơ là tiếng lòng khát khao tình yêu mãnh liệt, chân thành của người phụ nữ muốn vượt qua mọi giới hạn của không gian, sự hữu hạn của đời người để hướng đến cái tuyệt đích của tình yêu.

- Khái quát giá trị nghệ thuật: xây dựng hình tượng sóng song hành với hình tượng em, nhịp điệu tự nhiên, ngôn ngữ giản dị, trong sáng, ...

Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng - mẫu 1

   Xuân Quỳnh nhà thơ của tình yêu và hạnh phúc đời thường. Những vần thơ của bà rất dung dị, nhưng lại diễn tả chính xác những cung bậc tình cảm, cảm xúc của người con gái khi yêu, khi có gia đình. Đó là nỗi băn khoăn, thắc thỏm, là tình yêu da diết, bùng cháy. Trong các thi phẩm của mình, ngày từ khi mới ra đời Sóng đã gây được tiếng vang lớn, với hình tượng sóng, tác giả đã góp phần thể hiện khát khao tình yêu mãnh liệt, bền bỉ của mỗi con người.

    Sóng xuất hiện ngay từ nhan đề của tác phẩm. Sóng ở đây không chỉ là những lớp sóng ào ạt của biển khơi, mà con là sóng lòng trong tâm hồn con người, có lẽ đây mới là lớp sóng mà Xuân Quỳnh muốn hướng đến. Đọc cả chiều dài tác phẩm ta có thể thấy, sóng tồn tại hai lớp nghĩa song song, sóng biển và sóng là những khát vọng tình yêu, hạnh phúc của “em”.

    Mở đầu bài thơ là những lớp sóng vừa dữ dội, vừa êm dịu đan cài vào nhau:

    “Dữ dội và dịu êm

    ồn ào và lặng lẽ...

    Nỗi khát vọng tình yêu

    Bồi hồi trong ngực trẻ”

Quảng cáo

    “Dữ dội” và “dịu êm”, “ồn ào” và “lặng lẽ” hàng loạt các trạng thái trái ngược nhau được diễn tả chỉ trong hai câu thơ. Đây trước hết là hình ảnh của những con sóng thật, khi dữ dội, mạnh mẽ khi lại êm đềm. Nhưng nếu chỉ có vậy, thì hình tượng sóng lại trở nên quá tầm thường. Đằng sau lớp nghĩa tả thực đó chính là những cung bậc cảm xúc của người con gái khi yêu, khi nồng nàn, tha thiết, cuồng nhiệt, có khi lại dịu dàng, êm đềm, lặng lẽ.

    Người con gái không chịu bó mình trong không gian nhỏ hẹp mà vươn mình ra biển lớn để có thể lí giải mọi điều mình thắc mắc. Hành trình ấy chính là hành trình khám phá để tự hiểu mình hơn, để có thể hiểu được những khát vọng cháy bỏng đang tồn tại trong bản thân: “Nỗi khát vọng tình yêu/ Bồi hồi trong ngực trẻ”.

    Giữa muôn trùng sóng biển, người con gái nghĩ về chuyện tình yêu của mình và tự hỏi: “Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu/ Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau”. Nếu như sóng có thể truy nguyên được nguồn gốc, sóng bắt đầu từ những cơn gió, nhưng tình yêu em dành cho em không thể cắt nghĩa, lí giải. Xuân Diệu cũng đã từng tìm cách cắt nghĩa tình yêu: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu/ Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều/ Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/ Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu...”. Nhưng dường như cả hai thi sĩ đều bất lực trước hành trình cắt nghĩa lí giải đó. Tình yêu là thế vừa thực, vừa hư, vừa trong tay mà phút chốc đã xã tầm với.

    Con sóng dưới lòng sâu

    Con sóng trên mặt nước

    Ôi con sóng nhớ bờ

    Ngày đêm không ngủ được

    Lòng em nhớ đến anh

    Cả trong mơ còn thức

    Đoạn thơ được Xuân Quỳnh vận dụng linh hoạt các biện pháp điệp từ, nhân hóa “sóng nhớ bờ” “ngày đêm không ở được” đã diễn tả nỗi nhớ da diết, cồn cào, mãnh liệt, có sức lan tỏa rộng trong không gian của làn sóng cũng là nỗi lòng của người con gái khi yêu. Để rồi câu thơ tiếp theo, nỗi nhớ ấy không bộc bạch qua hình ảnh ẩn dụ nữa mà chính bằng lời thổ lộ của người con gái: “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. Cụm từ “cả trong mơ còn thức” thực tế là vô lí, nhưng lại là logic hợp lí trong tình yêu.

    Ông cha ta đã từng nói rằng, yêu nhau “tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cùng qua”. Có tình yêu sẽ đem lại sức mạnh cho con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách, dù muôn vàn cách trở như phương Bắc, phương Nam cũng không thể chia tách được tình yêu đôi lứa: “Dẫu xuôi về phương Bắc/ Dẫu ngược về phương Nam/ Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương”. Và như để khẳng định thêm về tình yêu thủy chung, về hạnh phúc tất yếu của lứa đôi, Xuân Quỳnh lại tiếp tục mượn hình tượng sóng:

    “Ở ngoài kia đại dương

    Trăm ngàn con sóng đó

    Con nào chẳng tới bờ

    Dù muôn vời cách trở”

    Trong hai khổ thơ cuối cùng, tác giả đã sử dụng sóng để nói lên những khát vọng của mình trong tình yêu: “Cuộc đời tuy dài thế/.../ Để ngàn năm còn vỗ”. Cuộc đời tuy dài rộng, tuy nhiều thăng trầm, biến đổi nhưng tình yêu nhất định sẽ còn lại mãi, và ai cũng sẽ tìm được bến bờ hạnh phúc của mình. Cấu trúc “Tuy...vẫn...” “Dẫu ...vẫn” như một lần nữa khẳng định chân lí đó của Xuân Quỳnh. Khép lại bài thơ là nguyện ước chân thành của trái tim tha thiếu yêu đương, muốn được tan ra, muốn được tận hiến cho tình yêu. Tan ra ở đây không có nghĩa là mất đi mà là hòa nhập trọn vẹn trong tình yêu, và sống vững bền với tình yêu đó. Đây là mơ ước hết sức nhân văn, cao cả.

    Với hình tượng sóng giàu giá trị biểu đạt, đã cho thấy sự sáng tạo của Xuân Quỳnh, tài năng nghệ thuật của bà. Thông qua hình tượng này, tác giả giãi bày một cách trọn vẹn tình yêu mạnh mẽ, táo bạo của người con gái khi yêu. Không còn là cái e ấp, rụt rè của những người con gái trong ca dao, mà là một trái tim mãnh liệt, khát khao và dám cống hiến trong tình yêu. Hình tượng sóng đã góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm.

Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng - mẫu 2

   Xuân Quỳnh được biết đến là một nhà thơ của hạnh phúc đời thường. Những tác phẩm, những câu chuyện của bà xoay quanh cuộc sống thường nhật, cuộc đời, tình yêu, gia đình nhỏ của bà. Những câu chuyện dung dị mà sâu lắng, được thể hiện qua giọng thơ hết sức hồn hồn, sâu sắc. Nhắc đến Xuân Quỳnh ta cũng không thể không nhắc đến bài Sóng với hình tượng sóng nổi bật, chứa đựng nhiều giá trị, ý nghĩa

    Viết về tình yêu, nói về tình yêu là đề tài muôn thuở của thơ ca. Có rất nhiều hình tượng khác nhau được lựa chọn để nói lên những cung bậc cảm xúc khác nhau. Riêng đối với Xuân Quỳnh bà lựa chọn “sóng” để nói lên những cũng bậc tình yêu mãnh liệt của mình. Có một điều rất đặc biệt trong kết cấu bài thơ ấy là bài thơ gồm có tất cả 9 khổ, bốn khổ đầu và 4 khổ cuối số lượng câu trong một khổ bằng nhau là những con sóng dồn dập, tới tấp ùa về. Còn riêng khổ thơ giữa lại có tận những sáu câu, nhưng những làn sóng vươn cao mãnh liệt, diễn tả tình cảm cuộn dâng của người con gái khi yêu. Kết hợp với kết cấu các khổ thơ là nhịp điệu dạt dào những những con sóng đồng điệu với nhịp đập của trái tim người con gái khi yêu. Với tất cả những điều đó, hình tượng sóng đã làm tròn nhiệm vụ biểu đạt những cung bậc tình cảm mãnh liệt của bà, của những người con gái khi yêu.

    Bài thơ mở đầu bằng nỗi băn khoăn, thao thức của một trái tim khao khát yêu và được yêu:

    Dữ dội và dịu êm

    Ồn ào và lặng lẽ

    Sông không hiểu nổi mình

    Sóng tìm ra tận bể

    Hai trạng thái đối lập, đầy mâu thuẫn, nhưng ấy cũng chính là trạng thái của những con người khi yêu. Câu thơ được ngắt nhịp 2/3 cùng với sự đối ứng của thanh điệu: dữ dội - ồn ào, dịu êm – lặng lẽ đã cho thấy sự đối nghịch của những con sóng đồng thời cũng chính là những nhịp đập bất thường của trái tim. Trong cái dữ dội vẫn có cái dịu êm, trong cái ồn ào vẫn có cái lặng lẽ. Cũng như trái tim người con gái, dù yêu đương nồng nàn vẫn còn những khoảng lặng thâm trầm, sâu sắc. Nhẹ nhàng mà lắng sâu trong trái tim, tâm hồn họ. Đồng thời con song nhỏ bé ấy cũng mang trong mình khát vọng lớn, muốn truy nguyên, cắt nghĩa lí giải tình yêu, bởi vậy cô gái tuy nhỏ bé ấy đã “ra tận bể” để tìm thấy cho mình câu trả lời.

    Để rồi khổ thơ tiếp theo, hình tượng sóng tiếp tục ẩn hiện trong từng câu chữ, khẳng định tình yêu mãnh liệt:

    Ôi con sóng ngày xưa

    Và ngày sau vẫn thế

    Nỗi khát vọng tình yêu

    Bồi hồi trong ngực trẻ.

    Trước cái chảy trôi vô hạn của thời gian “ngày xưa” “ngày sau” nhưng người còn gái ấy “vẫn thế”. Vẫn khao khát yêu đương, trái tim vẫn không thôi nhiệt huyết, cháy bỏng. Cũng từ đó, Xuân Quỳnh bước đầu tìm hiểu, tìm cách cắt nghĩa lí giải về tình yêu. Đã từ ngàn đời nay người ta vẫn truy nguyên, lí giải của tình yêu, ấy vậy nhưng đã có ai làm được, đã có ai truy nguyên được, tình yêu là gì. Con sóng từ chỗ để cảm, để hiểu đã trở thành đối tượng để suy tư, triết lí. Mải miết để suy tư, để cắt nghĩa về tình yêu, để rồi cuối cùng chính Xuân Quỳnh cũng phải tự thừa nhận: “Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau”. Bởi tình yêu là như vậy, là sự ngự trị của con tim, là sự thúc đẩy của cảm xúc, làm sao có thể triết tự, có thể cắt nghĩa rạch ròi. Nếu tình yêu như một bài toán có lẽ lúc ấy đã không còn là tình yêu nữa, đúng như Pascal đã từng nói: “Trái tim có quy luật riêng mà lí trí không thể hiểu nổi”.

    Dù đã thừa nhận rằng trái tim không thể lí giải khi nào ta yêu nhau, nhưng Xuân Quỳnh vẫn không ngừng tìm tòi và nhận ra: biểu hiện dạt dào mãnh liệt nhất của tình yêu chính là nỗi nhớ:

    Con sóng dưới lòng sâu

    Con sóng trên mặt nước

    Ôi con sóng nhớ bờ

    Ngày đêm không ngủ được

    Lòng em nhớ đến anh

    Cả trong mơ còn thức

    Đây chính là những lớp sóng cuộn trào, đẩy tình cảm của nhân vật trữ tình lên đến đỉnh điểm. Quả thực trong tình yêu còn gì dễ dàng nhận thấy hơn là nỗi nhớ, nỗi nhớ chìm trong đáy mắt u buồn, trong tâm khảm khắc khoải. Đó là những biểu hiện mà không ai có thể che giấu được. Và Xuân Quỳnh đã diễn tả vô cùng xuất sắc nỗi nhớ ấy trong từng câu chữ của mình, và biến nó trở thành khổ thơ hay nhất của bài. Chị đã diễn tả thật xúc động, nỗi nhớ “cả trong mơ còn thức” là nỗi nhớ đã ăn sâu, đã hằn lên trong nếp cảm, nếp nghĩ của người con gái. Đồng thời cũng cho thấy nỗi nhớ da diết, cồn ào, triền miên, như sóng biển lúc nào cũng dội vào bờ.

    Sóng bắt đầu từ gió, cũng như tình yêu bắt nguồn từ nỗi nhớ. Lấy hình tượng song để diễn tả tình yêu, Xuân Quỳnh đã hoàn chỉnh quan niệm, chân dung về tình yêu. Sóng và em chính là nhịp đập trái tim của người con gái khi yêu, là tình yêu chân thành, mãnh liệt. Nhưng cũng đầy thủy chung, nữ tính, e ấp của người con gái.

    Những khổ thơ cuối cùng của mình, bà không ngần ngại bộc lộ những ước mơ của một người con gái: “Ở ngoài kia đại dương/…/Mây vẫn bay về xa”. Bài thơ kết thúc bằng niềm khao khát cháy bỏng, mãnh liệt được sống, cống hiến hết mình cho tình yêu. Không chỉ cống hiến mà cò muốn được tan ra thành trăm ngàn con sóng nhỏ, để hòa vào biển lớn tình yêu: “Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ”.

    Với hình tượng sóng người đọc có thể cảm nhận một cách sâu sắc, toàn diện nhất về một tâm hồn nữ tính đầy khao khát yêu thương và được yêu thương, hướng đến một tình yêu trong sáng, vĩnh cửu. Bài thơ Sóng đã trở thành một tượng đài bất tử khi viết về tình yêu đôi lứa, đặc biệt là tình yêu của những người phụ nữ trong những ngày tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, cháy bỏng.

Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng - mẫu 3

   Xuân Quỳnh (1942-1988) là nhà thơ nữ giàu bản sắc trong nền thi ca Việt Nam hiện đại. Chị nổi tiếng với những bài thơ tình: "Hoa cúc xanh", "Sóng", "Thuyền và biển", "Nói cùng anh", "Mùa hoa doi", v.v...

    ... "Tình anh đối với em là xứ sở

    Là bóng rợp trên đường nắng lửa

    Trái cây thơm trên miền đất khô cằn

    Đó tình yêu, em muốn nói cùng anh

    Nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng

    Lòng tốt để duy trì sự sống

    Cho con người thực sự Người hơn".(Nói cùng anh)

    Với Xuân Quỳnh thì tình yêu là "nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng", làm nảy nở bao đức tính tốt, làm cho con người "thực sự Người hơn". Thơ tình của Xuân Quỳnh lúc nào cũng đằm thắm, nồng nàn, ngọt ngào, mê say. "Sóng" là bài thơ tình đặc sắc, thể hiện khát vọng tỉnh yêu đắm say của người con gái trong mối tình đầu. Bài thơ được viết bằng thể thơ ngũ ngôn trường thiên, hình tượng "sóng" là ẩn dụ về "em", về người con gái đang mang trong trái tim mình một tình yêu đẹp.

    Trạng thái của sóng trên biển, lúc thì "dữ dội", lúc thì "dịu êm", có lúc lại "ồn ào", có khi rất lặng lẽ. .Và đó cũng là trạng huống tâm tình của lứa đối trong tình yêu:

    "Dữ dội và dịu êm

    Ồn ào và lặng lẽ".

    Hành trình của sóng từ sông ra biển cũng là khát vọng của "muốn vươn tới mọi chân trời mơ ước thương yêu. Sóng trường tồn với đại dương mênh mỏng cũng như tình yêu là chuyện muôn đời của gái, trai, của lứa đôi xưa nay. Bời lẽ " Làm sao sống được mà không yêu — Không nhớ không thương một kẻ nào" (Xuân Diệu), nên tình yêu đã trở thành khát vọng của tuổi trẻ. Lời giãi bày về tình yêu của người thiếu nữ rất chân thực và nồng nàn:

    "Sông không hiểu nổi mình

    Sóng tìm ra tận bể

    Ôi con sóng ngày xưa

    Và ngày sau vẫn thế

    Nỗi khát vọng tình yêu

    Bồi hồi trong ngực trẻ".

    Con sóng tình yêu có vồ triền miên, vỗ xôn xao trong lòng "Những cô gái da mịn màng như lụa - Những chàng trai đang độ hai mươi" (Hoa cúc vàng) thì mới xúc động "bồi hồi" như vậy. Có yêu đời thiết tha, có yêu cuộc sống một cách nồng hậu, "Không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần" (Xuân Diệu) thì mới tìm thấy vị ngọt của tình yêu, khi tình yêu trở thành khát vọng.

    Nhìn trùng dương sóng bể, người thiếu nữ bâng khuâng nghĩ về mối tình đầu, nghĩ về duyên số, "em nghĩ về anh, em",và tự hỏi: "Từ kh nào sóng lên". Cái huyền diệu của vũ trụ, của sóng đại dương cũng như cái huyền diệu của tình yêu thật vô cùng. Thiếu nữ hỏi sóng hay tự hỏi mình, một câu hối tràn ngập tình thương yêu:

    "Sóng bắt đầu từ gió

    Gió bắt đầu từ đâu?

    Em cũng không biết nữa

    Khi nào ta yêu nhau".

    Tình yêu là sự sống muôn đời nơi "vườn trần" nhưng "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu" (Xuân Diệu). Câu thơ "Khi nào ta yêu nhau" diễn tả đúng nỗi niềm những lứa đôi đã chớm vị ngọt của tình yêu nồng nàn, say đám. Cái giây phút "thắm lại" của lứa đôi trong mối tình đẩu, tuy không xác định được, nhưng không bao giờ có thể quên. Thi sĩ Thế Lữ, 70 năm về trước gọi đó là "cái thuở ban đâu lưu luyến" vô cùng đắm đuối và thiêng liêng:

    "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy

    Nghìn năm chưa dễ đã ai quên?".

    Sóng được nhân hóa, "sóng nhớ bờ", sóng "ngày đêm không ngủ được", dù ở "dưới lòng sâu", hay "ở trên mặt nước". Sóng ru, sóng reo, sóng hát ca, sóng vỗ suốt đêm ngày trên đại dương mênh mông. Cũng như bến đợi thuyền, thuyền nhớ bến, "thôn Đoài thì nhớ thôn Đông..." người con gái lúc nào cũng bồi hồi thương nhớ:

    "Lòng em nhớ đến anh

    Cả trong mơ còn thức".

    Đây là câu thơ rất hay nói lên một tình yêu nồng nàn, say đắm. Thiếu nữ đã giãi bày rất chân thực về khát vọng tình yêu của mình. Em nhớ anh triền miên, bổi hổi bồi hồi suốt ngày đêm "cả trong mơ" và cả trong lúc "còn thức". Một chữ "nhớ" tràn ngập tình yêu thương.

    Thủy chung là một trong những phẩm chất cao đẹp của tình yêu lứa đôi. Tinh yêu cho lứa đôi sức mạnh để vượt qua mọi thử thách "tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua", chiến thắng mọi cách trở về không gian và thời gian. Phương Bắc và phương Nam, dẫu xuôi và ngược... nhưng tình em vẫn thiết tha mặn nồng:

    "Dẫu xuôi về phương Bắc

    Dầu ngược về phương nam

    Nơi nào em cũng nghĩ

    Hướng vê anh - một phương

    Cấu trúc đoạn thơ: "dẫu ... cũng...",chữ "dẫu" được điệp lại hai lần cho ý thơ được nhấn mạnh, đó là lòng son sắt thủy chung. Các vị ngữ: "cũng nghĩ", "hướng về" liên kết với số từ "một" (một phương) là sự khẳng định một lời thề đinh ninh, như thi sĩ Tản Đà đã nói trong "Thề non nước":

    "Dù cho sông cạn đá mòn,

    Còn non còn nước hãy cồn thề xưa".

    Tình yêu đẹp đem đến cho "em" một niềm tin mãnh liệt. Sóng nhất định tới bờ dù trùng dương có "muôn vời cách trở". Sóng đã nói hộ lòng về niềm tin, con thuyền tình nhất định sẽ cập bến bờ hạnh phúc:

    "Ở ngoài kia đại dương

    Trăm ngàn con sóng đó

    Con nào chẳng tới bờ

    Dù muôn vời cách

    Xuân Quỳnh trong đời thường tuy đã uống bao vị ngọt tình yêu, nhưng chị cũng đã từng nếm ít nhiều cay đắng trong tình ái. Có điều, mỗi lần đối diện với những thử thách, chị vẫn hổn hậu dào dạt niềm tin về hạnh phúc mà tình yêu nhất định sẽ đem đến. Đây là một khổ thơ giàu ý vị và sáng ngời niềm tin:

    "Cuộc đời tuy dài thế

    Năm tháng vẫn đi qua

    Như biển kia dẫu rộng

    Mây vẫn bay về xa".

    "Tuy... vẫn...", "dẫu... vẫn", cấu trúc ấy làm cho ý thơ được khẳng định, niềm tin được khẳng định. "Năm tháng" và "mây" là hai hình ảnh ẩn dụ về niềm tin trong tình yêu. Năm tháng sẽ đi qua cuộc đời dài, mây sẽ vượt biển rộng để bay về xa. Có thời gian nào, không gian nào mà con thuyền tình không vượt qua để vươn tới hạnh phúc?

    Khổ cuối là lời ước nguyện của em, của người thiếu nữ trong mối tình đầu. Em muốn được "tan ra", muốn được hóa thân thành "Trăm sóng nhỏ - Giữa biển lớn tình yêu - Để ngàn năm còn vỗ". Tình yêu không làm cho em bé nhỏ và ích kỉ. Em mơ ước về tình yêu đẹp , bền vững trong hạnh phúc, được yêu và được sống "giữa biển lớn tình yêu" đến ngàn năm "còn vỗ"... Ước nguyện ấy mang tính nhân văn cao đẹp.

    "Sóng" cũng như nhiều bài thơ tình khác của Xuân Quỳnh phản chiếu một tâm hồn trung hậu, rất yêu đời, sống hết mình với tình yêu, coi tình yêu và hạnh phúc là khát vọng. Lấy hình tượng "sóng", Xuân Quỳnh đã giãi bày rất chân thực về khát vọng tình yêu của người con gái: đinh ninh lời thề, thương nhớ bồi hồi, thủy chung sắt đá, tin tưởng về hạnh phúc tình yêu trọn vẹn vững bền.

    Bài thơ cho thấy cái mới và tính sáng tạo trong thơ tình của Xuân Quỳnh. Người con gái giãi bày về tình yêu chứ không phải người con gái "được yêu" như trong ca dao, trong nhiều bài thơ tình khác. Cũng là "sóng" ẩn dụ, nhưng trong bài thơ tình "Biển"của thi sĩ Xuân Diệu "sóng" lại là hình ảnh người con trai đa tình:

    "Anh xin làm sóng biếc

    Hôn mãi cát vàng em

    Hôn thật khẽ thật êm

    Hôn êm đềm mãi mãi

    Đã hôn rồi hôn lại

    Hôn mãi đến muôn đời

    Đến tan cả đất trời

    Anh mới thôi dào dạt...".

    Qua đó, ta thấy rõ cá tính sáng tạo trong thơ tình của Xuân Quỳnh. Hình tượng sóng, nhịp điệu sóng, và tiếng xôn xao "bồi hồi trong ngực trẻ" về khát vọng tình yêu trong bài thơ tình này đã từng ru biết bao chàng trai cô gái thời áo trắng trong những giấc mộng đẹp!

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 12 Ôn thi THPT Quốc gia khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 12

Bộ giáo án, đề thi, bài giảng powerpoint, khóa học dành cho các thầy cô và học sinh lớp 12, đẩy đủ các bộ sách cánh diều, kết nối tri thức, chân trời sáng tạo tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

song.jsp

Giải bài tập lớp 12 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên