Top 36 bài Nghị luận xã hội, dàn ý Viết bài làm văn số 1 lớp 12 (hay, ngắn gọn)
Phần dưới tổng hợp 36 bài văn mẫu, dàn ý Viết bài làm văn số 1 - Nghị luận xã hội Ngữ văn lớp 12 hay nhất giúp các sĩ tử học tốt môn Văn lớp 12 và tự tin bước vào kì thi THPT Quốc gia môn Văn.
Mục lục Viết bài làm văn số 1 lớp 12
Dàn ý Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động (6 mẫu)
Nghị luận Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động (dàn ý + 6 mẫu)
Nghị luận Tình thương là hạnh phúc của con người (dàn ý + 12 mẫu)
Nghị luận Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình (dàn ý + 5 mẫu)
Dàn ý Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động
I. Mở bài
- Nêu vấn đề: Cách để mỗi người tự bộc lộ, tự khẳng định giá trị của bản thân nhanh nhất chính là hành động. M. Xi-xê-rông cũng đã từng nói: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”.
II. Thân bài
1. Giải thích
- Trong câu nói trên “đức hạnh” là khái niệm dùng để chỉ những tính nết và đạo đức nói chung của con người.
- “Hành động” là việc làm cụ thể, có mục đích, có ý thức.
- Có thể câu nói trên có nghĩa là:
+ Chỉ hành động cụ thể mới là minh chứng chân thực nhất cho phẩm chất tốt đẹp của mỗi người.
+ Mặt khác, điều tạo nên giá trị tốt đẹp của mỗi con người chính là những việc làm cụ thể, có mục đích tốt đẹp, có ý thức rõ ràng. Cũng nhờ có đức hạnh trong tâm mới có những hành động tốt đẹp.
2. Phân tích
- Những suy nghĩ, tình cảm của con người đều tồn tại ở dạng trừu tượng bởi vậy, khó có thể biết được những phẩm chất tốt của con người thông qua suy nghĩ, tình cảm của họ. Hành động chính là thước đo chân thực của mọi phẩm chất tốt đẹp.
- Mặt khác, nếu có những suy nghĩ, tình cảm tốt đẹp mà chỉ giữ trong lòng, hoặc nói suông không thể hiện ra bằng hành động thì đó chỉ là sự huyễn hoặc người khác và tự huyễn hoặc bản thân về phẩm chất tốt của mình. VD: một bộ phận giới trẻ là những “anh hùng bàn phím” trên các rang mạng xã hội, chỉ biết nói những diều hay nhưng thực tế lại không thực hiện.
- Đức hạnh là nguồn cội, là động lực để thúc đẩy mỗi con người tạo ra những hành động có ích. VD: Vì có tinh thần tương thân tương ái nên hàng triệu người cùng chung tay ủng hộ dồng ba miền Trung trong mùa bão lũ,
3. Bác bỏ
- Không chỉ là những hành động lớn lao mới thể hiện phẩm chất tốt đẹp của con người, phẩm chất tốt ở ngay trong những hành dộng nhỏ bé, bình dị: ánh mắt yêu thương, cái nắm tay ủng hộ, ...
- Cần xem xét trước mọi hành động để đánh giá con người. Đôi khi, có những hành động nhìn bề ngoài là tốt nhưng sâu bên trong lại mang bản chất xấu xa, chứa những âm mưu không tốt.
- Bên cạnh những người có đạo đức tốt vẫn có những kẻ chỉ biết nói suông, không đáng được tin tưởng, thực chất những điều họ nói chỉ là sáo rỗng.
4. Suy nghĩ về việc tu dưỡng đạo đức
- Đây là quan điểm đúng đắn về quan hệ thống nhất giữa đạo đức và hành động thực tiễn.
- Cần tích cực rèn luyện, tu dưỡng đạo đức bản thân bằng việc thực hiện những hành động có ý nghĩa cho xã hội, gia đình và bản thân.
- Phải có lí tưởng sống cao đẹp, tích cực, khắc phục những khó khăn để biến những suy nghĩ thành hành động thực tiễn.
- Lên án những kẻ đạo đức giả, có hành động ích kỉ, độc ác, chỉ biết nói suông.
II. Kết bài
- Đánh giá của bản thân: những hành động cao đẹp không chỉ thể hiện được đức hạnh của bản thân mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với xã hội: tạo ra một xã hội văn minh, người gần người hơn, ...
Bài văn mẫu Nghị luận Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động
Danh ngôn có câu:
" Ý nghĩa là nụ hoa
Lời nói là bông hoa
Việc làm là quả ngọt".
Thật đúng như vậy, cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa như thế nào là tùy thuộc vào cách thể hiện của mỗi con người. Một quan niệm có nội dung tương tự: "Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động".Vậy "đức hạnh" là gì? Và tại sao hành động lại là nơi chứa đựng mọi phẩm chất của đức hạnh?
Trước hết cần phải hiểu " đức hạnh" là những đức tính tốt đẹp của con người. "Phẩm chất" có thể hiểu nôm na là những tính cách, tính chất bên trong của con người. Nó có ý nghĩa trái ngược hoàn toàn với "hành động", là những cử chỉ việc làm bên ngoài. Như vậy, ta có thể hiểu câu nói trên như là một lời nhân xét, một kinh nghiệm của M. Xi-xê-rông: những đức tính tốt đẹp của con người đều được thể hiện qua hành động. Nếu những cử chỉ và hành động của bạn là đúng, điều đó đồng nghĩa với việc bạn là người có nhân cách tốt, có đức hạnh. Ngược lại, nếu bạn có những cử chỉ, hành động không đẹp, thì có thể lắm bạn là một người chưa hoàn thiện về nhân cách, bạn còn cái lối sông ích kỉ, chỉ nghĩ cho riêng mình.
Nhiều người đã tự hỏi làm thế nào để có thể làm được như câu nói trên. Thật ra câu trả lời rất đơn giản. Bạn không cần phải làm những việc lớn lao hay hy sinh những thứ quí giá của mình thì mới gọi là nhưng cử chỉ, hành động đẹp. Mỗi buổi sáng đi học, bạn không sợ trễ học mà dắt một cụ già qua đường. Mỗi tháng, bạn gom góp báo cũ đem bán để ủng hộ "Quỹ vì người nghèo".
Ở nhà, bạn quan tâm, giúp đỡ và chăm sóc cho những người thân của mình. Khi đến trường, bạn cố gắng học tập và cư xử lễ phép với thầy cô, quan tâm đến bạn bè. Tất cả những điều đó thể hiện bạn là một người có những đức tính tốt và cao đẹp.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt phải còn có những mặt trái của vấn đề. Đôi lúc, những hành động, cử chỉ đẹp lại không chứa đựng những đức tính tốt đẹp. Có những người làm những điều đó vì những mục đích không tốt, để qua mặt người khác. Lại cũng có những người không hề có những đức tính tốt đẹp, nhưng họ giả vờ có những cử chỉ hành động cao đẹp để chiếm lấy trái tim của người khác. Những việc làm của họ không nói lên họ là những người có đức tính tốt mà ngược lại họ còn làm cho người khác cảm thấy khinh bỉ và ghê tởm. Những con người đó rất đáng bị phê phán vì nếu cứ để họ tồn tại như vậy sẽ gây nên những tổn hại không đáng có cho người khác và cho xã hội.
Tóm lại, mỗi học sinh chúng ta phải cố gắng rèn luyện đạo đức và trau dồi kiến thức. Hãy nhìn mọi người bằng con mắt yêu thương, trìu mến. Bạn sẽ thấy cuộc sống tươi đẹp hơn và muốn hành động, cư xử đẹp hơn. Qua đó, bạn sẽ cảm nhận được những đức tính tốt đẹp của mình.
Dàn ý Nghị luận Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường
I. Mở bài
- Dẫn dắt vào vấn đề: Để tồn tại trong một cuộc sống phức tạp, biến đổi không ngừng, mỗi người cần phải có lí tường của riêng mình. L. Tôn – xtôi đã từng nói, “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”
II. Thân bài
1. Giải thích câu nói
- “Lí tưởng” là mục đích cao cả nhất mà mỗi con người luôn mong muốn thực hiện được.
- Ý nghĩa của câu nói: lí tưởng chính là yếu tố giúp định hướng cách sống của mỗi người trong cuộc đời. Nếu không có lí tưởng sẽ không có lối sống kiên định rõ ràng, không có mục đích sống cụ thể và như vậy cuộc sống không còn ý nghĩa.
- Đánh giá về tính đúng đắn của câu nói.
2. Vai trò của lí tưởng
- Lí tưởng không chỉ là ngọn đèn chỉ lối, là yếu tố chỉ dẫn mà nó còn chính là đích đến cuối cùng trong cuộc đời mỗi người.
- Khi có lí tưởng mỗi người luôn cố gắng hết mình để thực hiện tốt những công việc cần làm, luôn cố gắng hoàn thiện bản thân.
- Khi hoàn thành tốt mọi công việc, bản thân ngày càng hoàn thiện thì thành công là điều tất yếu, lí tưởng dẫn dắt mỗi con người đến thành công,
- Là động lực để con người vượt qua khó khăn, vấp ngã để hướng đến tương lai
- Nhờ lí tưởng cao đẹp, của mỗi cá nhân mà xã hội trở nên tốt đẹp hơn bởi khi đó sẽ có tập hợp những lí tưởng tíc cực, mỗi người đều hành động vì lí tưởng của mình.
- Lí tưởng là cái cốt lõi thể hiện vai trò, giá trị mục đích sống của con người. Sống mà không có lí tưởng đơn thuần là sự tồn tại vô nghĩa. “Linh hồn của con người cần lí tưởng hơn thực tế. Chúng ta tồn tại nhờ thực tế nhưng chúng ta sống vì lí tưởng” (Vích – to Huy - go).
3. Phản đề, mở rộng
- Không phải chỉ khát khao những điều cao xa mới là có lí tưởng đẹp, lí tưởng cao cả. Lí tưởng cao cả còn là những suy nghĩ chân thành, tích cực, hướng con người ta đến cái thiện, cái đẹp.
- Nếu không có lí tưởng, con người sẽ sống mà không có mục đích, lãng phí thời gian vào những điều vô bổ, dễ sa vào những hành động tội lỗi.
- Cần phân biệt đâu là lí tưởng cao đẹp, tích cực đâu là những dục vọng tầm thường, những ham muốn phi nhân tính ảnh hưởng đến cộng đồng.
4. Nhận thức của bản thân
- Cần có thái độ lên án những người sống không có lí tưởng để họ tự nhận thức lại bản thân, tự xác định mục đích sống.
- Mặt khác, cần biết trân trọng những người có lí tưởng sống tích cực, lấy đó làm tấm gương để tự hoàn thiện mình.
- Bản thân cần phải tự xác định đâu mới thực sự là lí tưởng sống tích cực, lấy đó làm kim chỉ nam để thực hiện mọi công việc, có như vậy cuộc sống mới có ý nghĩa.
- “Tuổi trẻ không có lí tưởng giống như buổi sáng không có mặt trời” (Bê – lin - ski), nghĩa là lí tưởng sống là yếu tố tất yếu phải có trong mỗi người trẻ, không có lí tưởng sống sẽ không có cuộc sống thực sự.
III. Kết bài
- Nêu nhận định chung về vấn đề lí tưởng sống của mỗi người.
- Mỗi người cần xác định cho mình một lí tưởng sống tích cực để cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Bài văn mẫu Nghị luận Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường
Nhà văn thiên tài nước Nga, L.Tôi-xtôi đã từng nói: “Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lý tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống”. Quả thật đúng như vây, trong cuộc sống của chúng ta có muôn vàn ngã rẽ khác nhau, nếu không có lí tưởng làm ngọn đèn chỉ đường chắc chắn chúng ta sẽ đi chệch hướng, uổng phí cả cuộc đời.
Lí tưởng có thể hiểu là những điều cao cả, đẹp đẽ được hình thành trong mỗi người, nhắm hướng tới và đạt được một mục tiêu nào đó trong cuộc sống. Ở đây L.Tôi-xtôi, đã sử dụng hình ảnh ngọn đèn – soi đường, chỉ lối để làm rõ vai trò của lí tưởng trong cuộc đời mỗi con người. “Không có lí tưởng thì không có phương hướng” tức để khẳng định, nếu mỗi chúng ta không xác định được lí tưởng đúng đắn cho mình sẽ không có mục tiêu để phấn đấu, cố gắng. Câu nói của nhà văn L.Tôi-xtôi đã khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của lí tưởng trong bước đường tương lai của mỗi con người.
Trong cuộc sống, lí tưởng là vô cùng quan trọng đối với mỗi chúng ta. Khi chúng ta sống có lí tưởng sẽ xác định được mục tiêu sống, mục tiêu phấn đấu về những gì mình đã đề ra. Những người sống có lí tưởng thường kiên quyết, mạnh mẽ hơn trong hành động. Họ không ngại khó khăn, gian khổ, họ không màng những thử thách, bằng sức trẻ, sự kiên cường, bền bỉ họ sẵn sàng vượt qua để vươn tới cái đích mà mình đang hướng tới. Không chỉ vậy, lí tưởng còn như một ngọn đèn chỉ đường cho mỗi chúng ta, giúp chúng ta biết đâu là những việc cần làm, nên làm, đâu là những việc xấu, nên trách. Ngoài ra, lí tưởng cũng như là một nguồn động lực to lớn, trong bước đường đời không tránh khỏi cũng lúc khó khăn, vấp ngã và lí tưởng chính là người bạn luôn cổ vũ, động viên chúng ta tiếp tục đựng dậy chinh phục khó khăn và về đích.
Không có lí tưởng nào là cao quý, lí tưởng nào là thấp hèn. Có những người mang trong mình lí tưởng chinh phục vũ trụ bao la, đầy bí ẩn, nhưng cũng có những người lí tưởng là sống một đời an yên, hạnh phúc, giúp đỡ những người xung quanh. Lí tưởng không phân biệt to nhỏ, miễn nó đem lại niềm vui cho bản thân, hạnh phúc cho cộng đồng và không làm ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Trong cuộc sống này có biết bao người, đang hàng ngày hàng giờ sống và phấn đấu vì lí tưởng cao đẹp của mình. Bác Hồ mang trong mình lí tưởng lớn lao tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Và bằng ý chí, nghị lực kiên cường, bao năm bôn ba vất vả Bác đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Nếu không có ánh sáng của lí tưởng soi đường, chắc chắn Bác sẽ không thể tìm ra con đường cứu nước đúng đắn.
Vậy tại sao, L.Tôi-xtôi lại nói không có lí tưởng sẽ không có cuộc sống. Ngay ban đầu L.Tôi-xtôi đã khẳng định lí tưởng chính là ngọn đèn soi đường, vậy nếu không có ngọn đèn ấy chỉ lối chắc chắn chúng ta sẽ bị lạc hướng, không có mục tiêu phấn đấu, cố gắng, cuộc sống sẽ thật nhàm chán, tẻ nhạt. Không có lí tưởng sống con người dễ sa vào tệ nạn xã hội, có những hành động mù quáng, trái với pháp luật, luân thường đạo lí. Hơn nữa, những người sống không có lí tưởng thường dễ nản lòng khi gặp phải những khó khăn, vấp ngã trong cuộc sống.
Bên cạnh những người luôn sống có mục tiêu, lí tưởng sống cao đẹp lại có những kẻ sống tầm thường, không có lí tưởng, mục đích phấn đấu. Và chúng ta cùng cần phân biệt giữa lí tưởng cao đẹp với những dục vọng tầm thường, thấp kém. Lí tưởng là khi chúng ta biết phấn đấu cho những thứ tốt đẹp, vì cộng đồng, xã hội, làm cho mối quan hệ giữa người và người trở nên đẹp hơn, xã hội văn minh, tiến bộ hơn. Còn dục vọng là lối sống ích kỉ, tầm thường, chỉ lo nghĩ đến lợi ích bản thân mà quên đi lợi ích chung của cộng đồng, đất nước. Đây là lối sống xấu, đáng lên án và phê phán.
Là một học sinh, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em cần xác định cho bản thân mục đích, lí tưởng đúng đắn, cao đẹp. Học vì ngày mai lập nghiệp, phấn đấu vì tương lai tươi sáng không chỉ cho bản thân mà còn cho cả cộng đồng, xã hội. Để đạt được lí tưởng đó các em cần chăm chỉ học tập, chuyên cần ở lớp, cần mẫn khi về nhà. Không ngại khó khăn, gian khổ, không chùn bước trước những thử thách. Khi đã hội tụ đầy đủ những kĩ năng, phẩm chất đó chắc chắn sẽ đạt được thành công, vươn đến lí tưởng của bản thân.
Quả thật “Mỗi người phải kiên trì đường đi mình đã mở ra, không bị quyền uy dọa ngã, không bị quan điểm đương thời khống chế, cũng không bị thời thượng cám dỗ”. Trong cuộc đời đầy chông gai, bão tố, lí tưởng đúng đắn chính là ngọn đèn bất diệt soi đường để mỗi chúng ta vượt qua khó khăn, không chùn bước và đạt được thành công nhanh hơn, sớm hơn.
Dàn ý Nghị luận Ôi Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn
I. Mở bài
- Dẫn dắt vào vấn đề: lựa chọn lối sống là vấn đề khó khăn đối với nhiều bạn trẻ.
- Giải thích mục đích, ý nghĩa câu thơ: là sự băn khoăn, trăn trở về một lẽ sống đẹp, đó là câu hỏi cả nhiều người không riêng gì nhà thơ Tố Hữu.
II. Thân bài
1. Sống đẹp là như thế nào
- Sống đẹp là sống thật con người mình, sống là mình một cách chân thành, sống không trái với lương tâm của một con người.
- Sống đẹp là sống yêu thương, trân trọng, sẻ chia với mọi người, trân trọng những gì mình có, đồng thời cũng biết căm ghét những điều xấu xa
- Sống đẹp là biết cố gắng, nỗ lực hoàn thiện bản thân, có ước mơ, có nghị lực thực hiện ước mơ.
- Sống đẹp không chỉ là sống cho riêng mình mà là dùng tài năng, công sức của mình để cống hiến làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
2. Ý nghĩa của việc sống đẹp
- Sống đẹp khiến cuộc sống trở nên ý nghĩa, “sống” theo đúng nghĩa chứ không phải sự tồn tại đơn thuần: đời sống tinh thần phong phong phú hơn.
- Khi ta có một cách sống đẹp, bản thân mới thực sự có giá trị, ta sẽ nhận được sự yêu thương, giúp đỡ từ người khác.
- Nếu mỗi người đều có một lối sống tích cực thì sẽ không còn khoảng cách giữa người nữa.
3. Bàn luận, mở rộng
- Bên cạnh những người có lối sống đẹp lại có những người sống tiêu cực: ích kỉ, chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, sống vô cảm, thờ ơ, sa vào tệ nạn, ...
- Sống đẹp không phải chỉ ngày một ngày hai có thể làm được, nó thể hiện ở nhũng hành động nhỏ nhất trong suốt đời người.
4. Liên hệ bản thân
- Có thái độ phê phán, lên án với những người có lối sống tiêu cực.
- Luôn mở rộng lòng mình để yêu thương, sẻ chia nhiều hơn với người thân, gia đình và những người xung quanh.
- Là học sinh cần phải biết định hướng lối sống lành mạnh, không ngừng nỗ lực học tập để hoàn thiện bản thân góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp.
- Cần tỉnh táo để tránh xa lối sống ăn chơi, xa đọa
III. Kết bài
- “Khi bạn ra đời, bạn khóc, mọi người cười” nhưng hãy sống sao để “khi chết đi mọi người khóc còn bạn cười”.
Bài văn mẫu Nghị luận Ôi Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn
“Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn”. Có bao giờ bạn tự hỏi lòng mình thế nào là sống đẹp? Vì sao phải sống đẹp? Hẳn một lần trong đời ai cũng nghĩ đến và cố công sống sao cho xứng đáng với những tháng ngày mình được sinh ra.
Sống đẹp là gì? Sống đẹp là thái độ sống ôn hòa, luôn luôn giúp đỡ những người gặp khó khăn. Là thái độ sống chân thành, không giả dối, không trái với đạo đức, pháp luật. Sống đẹp còn là khi biết yêu thương, sẻ chia với những người có số phận bất hạnh hơn mình. Và cuối cùng sống đẹp là không ngừng hoàn thiện bản thân, có mơ ước, có ý chí nghị lực để vươn đến những ước mơ, những điều tốt đẹp. Sống đẹp chính là để hoàn thiện tâm cách bản thân, là đem sức mình giúp đỡ những người khác.
Sống đẹp là một thái độ sống tích cực mà chúng ta ai cũng cần có. Bởi khi bạn sống hòa đồng, thân thiện với mọi người sẽ luôn được mọi người yêu quý, kính trọng. Không chỉ vậy, khi giúp đỡ được ai đó gặp hoạn nạn khó khan thi tân an, bình thản, sẽ đem lại hạnh phúc cho chính bạn. Trong cuộc sống không tránh khỏi có những biến cố, bất chắc, khi bạn có một lối sống đẹp, lòng bao dung, nhân hậu có thể cảm hóa những con người lầm đường lạc lối. Ngoài ra, sống đẹp cũng là cái đích mà bất cứ ai cũng muốn vươn đến, nó đưa con người đến cái đích của chân – thiện – mĩ. Cuối cùng lối sống tích cực, là phương thức hữu hiệu nhất giúp chúng ta hòa hợp cộng đồng, xã hội.
Nói đến biểu hiện của lối sống đẹp thật quả có vô hình vạn trạng. Đôi khi chỉ là những biểu hiện nhỏ bé, nhưng cũng có khi rất lớn lao vĩ. Sống đẹp là khi chúng ta sống có mục đích, có mơ ước, hình thành được đức tính tự lập. Khi đã có mục tiêu của bản thân phải kiên trì, nhẫn nại thực hiện đến cùng dù có vấp phải bao nhiêu khó khăn, trở ngại cũng không được ngã gục.
Những người có lối sống đẹp là những người có trái tim nhân hậu, hiếu thảo, luôn giúp đỡ những người xung quanh kém may mắn hơn mình. Hằng năm có biết bao tấm lòng hảo tâm, đã dang tay giúp đỡ những người gặp hoạn nạn, khó khăn, là những bạn thanh niên trẻ tuổi, đem sức trẻ đến những bản làng xa xôi mang cái chữ đến cho mọi người, mang lương thực, tình thương đến những gia đình bị lũ cuốn trôi. Đó chẳng phải là sống đẹp đó sao.
Sống đẹp còn là khi bạn không ngừng trau dồi, mở manng tri thức của bản thân. Mang những điều mình đã học được góp phần xây dựng đất nước.
Nhưng bên cạnh những người có lối sống đẹp, vẫn còn rất nhiều kẻ sống vụ lợi, ích kỉ, nhỏ nhen. Hoặc sống vô tâm, vô phế, không có mục đích cho tương lai, sống vô trách nhiệm với bản thân và với xã hội. Đây là lối sống cần phải lên án và loại trừ.
Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta phải hình thành cho mình một lối sống đẹp, tu dưỡng rèn luyện nhân tâm. Để đem trí tuệ và long nhân ái giúp đất nước phát triển, giúp đỡ những người có hoàn cảnh thiếu may mắn.
Dàn ý Tình thương là hạnh phúc của con người
Mở bài:
- Hạnh phúc là một khái niệm tinh thần trừu tượng. Tùy theo vai trò, vị trí của từng cá nhân, từ giai cấp trong xã hội mà có những quan niệm khác nhau về hạnh phúc.
- Nhân dân ta quan niệm: Tình thương là hạnh phúc của con người.
Thân Bài:
a. Giải thích câu nói: Tình thương là hạnh phúc của con người.
- Tình thương: là tình cảm nồng nhiệt làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người, với vật (Từ điển tiếng Việt)
- Hạnh phúc: là trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện. (Từ điển tiếng Việt)
- Tại sao Tình thương là hạnh phúc của con người?
+ Tình thương khiến cho người ta luôn hướng về nhau để chia sẻ, thông cảm, đùm bọc lẫn nhau.
+ Như vậy là thỏa mãn mọi ý nguyện, đã được hưởng sung sướng, hạnh phúc mà tình thương mang lại.
b. Phân tích để khẳng định, chứng minh các biểu hiện, ý nghĩa của tình thương:
- Trong phạm vi gia đình:
+ Cha mẹ yêu thương con cái, chấp nhận bao vất vả, cực nhọc, hi sinh bản thân để nuôi dạy con cái nên người. Con cái ngoan ngoãn, trưởng thành, cha mẹ coi đó là hạnh phúc nhất của đời mình.
+ Trong đời người có nhiều nỗi khổ, nhưng con cái không nên danh nên phận hoặc hư hỏng là nỗi đau lớn nhất của cha mẹ.
+ Con cái biết nghe lời dạy bảo của cha mẹ, biết đem lại niềm vui cho cha mẹ, đó là hiếu thảo, là tình thương và hạnh phúc.
+ Tình thương yêu, sự hòa thuận giữa anh em, giữa cha mẹ và con cái tạo nên sự bền vững của hạnh phúc gia đình.
- Trong phạm vi xã hội:
+ Tình thương chân thành là cơ sở của tình yêu đôi lứa.
+ Tình thương là truyền thống đạo lí: Thương người như thể thương thân; tạo nên sự gắn bó chặt chẽ trong quan hệ cộng đồng giai cấp, dân tộc.
+ Tình thương mở rộng, nâng cao thành tình yêu nhân loại.
- Những tấm gương sáng trong lịch sử coi Tình thương là hạnh phúc của con người:
+ Vua Trần Nhân Tông trong một chuyến đi thăm quân sĩ đã cởi áo bào khoác cho một người lính giữa đêm đông lạnh giá.
+ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng chia sẻ ngọt bùi, cùng vào sinh ra tử với tướng sĩ dưới quyền trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông, giành thắng lợi vẻ vang cho dân tộc.
+ Người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi suốt đời đeo đuổi lí tưởng vì dân vì nước, gác sang một bên những oan ức, bất hạnh của riêng mình.
+ Người thanh niên Nguyễn Tất Thành xuất phát từ lòng yêu nước thương dân trong tình cảnh nô lệ nên đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Phương châm sống đúng đắn của Người là: Mình vì mọi người. Bác luôn lấy tình yêu thương con người là mục đích và hạnh phúc cao nhất của cuộc đời mình.
c. Phê phán, bác bỏ: Lối sống thờ ơ, vô cảm, thiếu tình thương, không biết quan tâm, chia sẻ, đồng cảm và giúp đỡ người khác…
d. Liên hệ bản thân: Rút ra bài học về phương châm sống xứng đáng là con người có đạo đức, có nhân cách và hành động vì tình thương.
Kết Luận:
- Khẳng định lại vai trò, và tầm quan trọng của tình thương, ý nghĩa của nó đối với mỗi con người.
- Khẳng định câu nói trên là đúng đắn.
Bài văn mẫu Tình thương là hạnh phúc của con người
Hoa trái của tĩnh lặng là cầu nguyện
Hoa trái của nguyện cầu là niềm tin
Hoa trái của niềm tin là hạnh phúc
Hoa trái của hạnh phúc là tình yêu thương
Những dòng thơ trên những khúc hát ru nhẹ nhàng gieo vào lòng người bao cảm xúc. Có khi nào bạn đã băng qua đường quá vội vã? Có bao giờ bạn đã không kịp ngắm nhìn vẻ đẹp của một đóa hoa? Có món quà nào của cuộc sống mà bạn không nâng niu cất giữ? Đừng đợi đến ngày mai mới nhận ra cuộc sống đã yêu thương bạn biết nhường nào. Con người chúng ta không sống đơn độc. Chúng ta sinh ra để yêu thương lẫn nhau. Và tình yêu thương là hạnh phúc của con người.
Tình yêu thương là gì, bạn biết không? Từ lúc mới sinh ra chúng ta đã được yêu thương rồi. Khi bạn còn nằm trong bụng mẹ, có phải bạn đã cảm nhận được bàn tay dịu dàng của mẹ vỗ về, nghe được những lời thủ thỉ ngọt ngào không? Đó chính là tình yêu thương! Rồi khi bạn cất tiếng khóc đầu tiên, có phải bạn đã thấy gương mặt sung sướng của bố, nghe được tiếng reo vui mừng của mọi người không? Đó chính là tình yêu thương! Rồi bạn trải qua thời thơ ấu trong vòng tay ấm áp, trong tiếng ru hời của mẹ, nghe được những câu chuyện cổ tích đẹp đẽ của bà. Đó cũng chính là tình yêu thương! Khi bạn đi học, có phải bạn bè luôn ở bên cạnh chia sẻ buồn vui với bạn? Đó cũng chính là tình yêu thương!
Những điều bình dị ấy khiến bạn luôn mỉm cười. Và tình yêu thương làm cho bạn được hạnh phúc. Yêu thương là món quà duy nhất làm giàu cho người nhận nhưng không làm nghèo đi người đã sẻ chia nó. Trong đêm tối tăm đến mức bạn không thể thoát ra được, hãy tin rằng yêu thương là ánh sáng tràn về soi rọi khắp nơi, cho bạn thấy được cánh cửa của hạnh phúc. Trong lúc bạn đớn đau nhất vì đánh mất những thứ vô cùng quan trọng, hãy tin rằng yêu thương là liều thuốc hữu hiệu nhất để xoa dịu vết thương. Trong lúc bạn vấp ngã trong cuộc sống hãy tin rằng yêu thương là cái nắm tay đỡ bạn dậy và dìu bạn đi tiếp trong cuộc đời. Khi bạn cảm thấy cô đơn chán chường hãy tin rằng yêu thương là khúc nhạc dịu êm xua tan đi đêm trống vắng. Hãy cứ tin rằng yêu thương là chìa khóa mang đến hạnh phúc cho bạn. Hạnh phúc là khi bạn nghe tiếng chim hót mỗi sớm. Hạnh phúc là được ở bên cạnh những người mà bạn yêu thương. Hạnh phúc là được tự do, được làm những gì có ích cho đời. Hạnh phúc có đôi khi chỉ là cái siết tay, là ánh mắt nhìn nhau lưu luyến, là cái ôm thật chặt khi sắp chia xa. Hạnh phúc là những điều rất bình dị, rất nhỏ nhoi, nhưng tất cả đều bắt đầu từ tình thương yêu to lớn. Thật hạnh phúc khi người ta biết cho đi tình yêu thương mà không cần nhớ đến, biết nhận và không hề quên. Tình thương yêu chỉ đẹp, chỉ thật sự có ý nghĩa khi chúng ta biết cho đi chứ không phải cố gắng níu giữ lại thật chặt. Bởi khi níu giữ lại tình yêu thương là chúng ta vô tình níu giữ lại hạnh phúc đã qua, mà hạnh phúc miễn cưỡng có bao giờ vui, có bao giờ ý nghĩa? Hãy cứ để mọi thứ trôi qua, cho dù theo thời gian, mọi thứ rồi sẽ tàn phai nhưng tình yêu thương vẫn luôn còn đó, và hạnh phúc mới luôn được sinh ra.
Vì sao chúng ta phải yêu thương lẫn nhau? Vì chúng ta là con người, và vì Thượng Đế luôn rất công bằng. Người có thể ban cho ai đó giọng hát ngọt ngào như chim sơn ca, nhưng cũng có quyền lấy đi của họ ánh sáng của đôi mắt. Người có thể ban cho người nghệ sĩ đôi tay lả lướt trên những phím đàn, nhưng cũng có quyền tước đi khả năng nghe được âm thanh của sự sống. Người có thể ban cho bạn tài năng xuất chúng nhưng cũng có quyền đẩy bạn vào bể khổ của cuộc đời. Người không ban tặng cho ai sự hoàn hảo. Bởi thế, con người chúng ta ai cũng có khiếm khuyết, ai cũng có khó khăn, ai cũng cần một bờ vai để tựa khi mệt mỏi, ai cũng cần một lời động viên chân thành. Và ai cũng cần có tình yêu thương để chia sẻ. Để đêm sẽ qua và ngày mới lại đến, để ánh sao kia vẫn chiếu sáng cho bầu trời đêm, để thời gian vẫn cứ trôi, để con người vẫn cảm nhận được hạnh phúc.
Đừng bao giờ nói không còn yêu thương khi bạn vẫn còn bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của cuộc sống. Đừng bao giờ nói không còn yêu thương khi bạn vẫn còn cảm thấy hạnh phúc bên cạnh người thân. Đừng bao giờ nói không còn yêu thương khi ánh mắt của ai đó vẫn có thể níu giữ được bạn. Đừng bao giờ nói không còn yêu thương khi bạn vẫn cảm nhận được trái tim mình muốn đem lại hạnh phúc cho ai đó. Hãy cứ yêu thương chân thành dù biết có thể không được đáp lại, vì biết đâu bạn sẽ tìm được hạnh phúc cho riêng mình trong chính hành động ấy? Bởi yêu thương là món quà mà Thượng Đế chia đều cho mỗi người, ai cũng tình yêu thương, ai cũng có quyền được hạnh phúc.
Có người hỏi tôi: "Phải yêu thương thế nào?". Cuộc sống bây giờ quá vội vã, ai ai cũng nghĩ chỉ có tiền bạc, quyền lực, danh vọng mới có thể đem lại hạnh phúc cho mình và người xung quanh. Như vậy quả thực là sai lầm. Bởi những thứ đó chỉ có thể đem lại hạnh phúc về vật chất, chứ không giúp gì cho tinh thần. Hãy cứ trải lòng mình ra với cuộc sống và cứ yêu thương. Hãy đi chậm lại để cảm nhận được vẻ đẹp của giọt sương mai buổi sớm. Hãy ngừng bước để lắng nghe tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ. Hãy dắt tay một bà lão qua đường. Hãy ôm chặt mẹ và nói: "Con yêu mẹ!" mỗi ngày. Yêu cuộc sống, yêu những sự vật xung quanh, yêu người thân bè bạn cũng chính là yêu thương bản thân mình, cũng chính là cho mình một cơ hội để khám phá nét đẹp của cuộc sống, cho mình một cơ hội để biết thế nào là hạnh phúc.
Nguyện cho bạn đủ sự thanh thản để yêu thương. Nguyện cho bạn có đủ sự can đảm để yêu thương cả những người gây đau khổ cho bạn. Nguyện cho bạn có đủ sự thông thái để hiểu rằng yêu thương là sức mạnh của niềm tin, là cánh cửa dẫn đến hạnh phúc. Khi bạn tìm thấy niềm vui của mình trong hạnh phúc của người khác nghĩa là bạn đã biết yêu thương. Hãy cứ yêu thương đi, và bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình. Không bao giờ là quá trễ để nói lời yêu thương, để mang lại hạnh phúc cho mình và cho người khác.
Dàn ý Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình
1. Mở bài:
Con người ai cũng trải qua việc học, nhưng không phải ai cũng có ý thức xác định mục đích và mục đích đúng đắn của việc học.
Mỗi thời đại, con người có mục đích học tập không giống nhau. Tổ chức UNESCO đã đề xướng... nhằm xác định mục đích học tập có tính toàn cầu.
2. Thân bài:
a. Giải thích và làm rõ từng nội dung trong đề xướng của UNESCO:
Học để biết:
Học là quá trình tiếp thu tri thức từ sách vở, trường học, từ thực tế cuộc sống "trường đời".
"Học để biết" là mục đích đầu tiên của việc học. "Biết" là tiếp thu, mở mang, có thêm kiến thức về đời sống, tự nhiên, xã hội và con người. Con người từ chỗ chưa biết đến biết, biết ít đến biết nhiều, biết sơ sài đến biết sâu sắc, biết một lĩnh vực đến hiểu biết về nhiều lĩnh vực đời sống...
Nhờ học, con người có những hiểu biết phong phú, tự làm giàu kho tri thức khoa học của mình, tạo được vốn sống sâu sắc...
Quan trọng hơn, qua những tri thức đó, con người có khả năng hiểu biết về bản chất con người và tự nhận thức bản thân, "biết người", "biết mình", biết giao tiếp, ứng xử với nhau sao cho "Đắc nhân tâm"...
Học để làm:
"Học để làm" là mục đích tiếp theo của việc học. "Làm" là vận dụng kiến thức có được vào thực tế cuộc sống. Đây là mục đích thiết thực nhất của việc học – "Học đi đôi với hành".
Làm để tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần phục vụ nhu cầu cuộc sống của bản thân và góp phần tạo nên của cải cho xã hội
Ví dụ: Người nông dân, kĩ sư, bác sĩ... đều mang kiến thức đã học được áp dụng vào thực tế, để tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội.
Học mà không làm thì kiến thức có được không có ích, không bền vững, không được sàng lọc.
Học để chung sống:
Một trong những mục đích quan trọng nhất của việc học. "Chung sống" là khả năng hòa nhập xã hội, kĩ năng giao tiếp, ứng xử... để tự thích nghi với mọi môi trường sống, các quan hệ phức tạp của con người trong quá trình sống để không bị tụt hậu, lạc lõng. Đây là hệ quả tất yếu của việc "biết", "làm".
Bởi lẽ, "con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội". Bản chất, giá trị, nhân cách của con người được hình thành, nuôi dưỡng, khẳng định, thử thách trong các mối quan hệ đó.
Học để tự khẳng định mình:
Là mục đích sau cùng của việc học. "Tự khẳng định mình" là tạo được vị trí, chỗ đứng vững vàng trong xã hội, thể hiện sự tồn tại có ý nghĩa của cá nhân mình trong cuộc đời. Mỗi con người chỉ có thể khẳng định mình khi có hiểu biết, có năng lực hành động, có khả năng chung sống.
Từ việc học, mỗi người có cơ hội khẳng định tri thức mình tích lũy được; khẳng định khả năng lao động, sáng tạo; khẳng định nhân cách, phẩm chất...
b. Bàn bạc, mở rộng vấn đề:
Nội dung đề xướng về mục đích học tập của UNESCO thật sự đúng đắn, đầy đủ, toàn diện.
Mục đích học tập này thực sự đáp ứng, hoàn toàn phù hợp với yêu cầu giáo dục, đào tạo con người trong thời đại ngày nay. Mục đích này không chỉ dành riêng cho học sinh, sinh viên mà còn dành cho tất cả những ai là người học. Vì thế, có thể coi đây là mục đích học tập chung, có tính chất toàn cầu.
Từ mục đích học tập đúng đắn này, mỗi người học thấy rõ những sai lầm nhận thức về việc học: học không có mục đích; coi việc học là thực hiện nghĩa vụ với người khác; học vì bằng cấp; học vì thành tích; học mà không có khả năng làm, không biết chung sống, không thể khẳng định mình. Ví dụ: Học sinh không biết viết đơn xin nghỉ học đúng quy cách; kĩ sư giỏi, được đào tạo bài bản mà không chế tạo được những công cụ trong sản xuất nông nghiệp; có học vị, bằng cấp nhưng cách ứng xử thì vụng về, lối sống lại thiếu văn hóa...
c. Bài học về nhận thức và hành động của bản thân:
Mục đích học tập giúp con người, xã hội điều chỉnh được nhận thức về thời gian học: không chỉ học ở một giai đoạn mà phải học suốt đời; không chỉ học trong nhà trường mà cần phải học ngoài xã hội; người dạy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy "làm người"...
Mục đích học tập này giúp người học:
Xác định rõ mục đích, động cơ và thái độ học tập.
Ra sức học tập và rèn luyện, trang bị kiến thức về mọi mặt để có trình độ chuyên môn vững vàng, có khả năng hội nhập quốc tế.
Học phải đi đôi với hành để khẳng định mình. Sống có ích cho cuộc đời và cho gia đình, xã hội.
3. Kết bài:
Khẳng định vai trò của học tập: học để không bị ngu dốt, nghèo nàn và lạc hậu. Học để khẳng định sự thành đạt của cá nhân và sự tiến bộ của nhân loại.
Liên hệ bản thân: Đã xác định được mục đích đúng đắn cho việc học của mình chưa? Cần phải làm gì để đạt được mục tiêu ấy?
Bài văn mẫu Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình
Nước ta là nước ngàn năm văn hiến, luôn luôn đề cao vai trò của việc học. Song mỗi người lại có những phương pháp, mục đích học tập khác nhau. Nói về cách xác định đúng đắn mục đích của việc học, UNESCO đã từng đề xướng: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình". Lời nhận định trên của UNESCO đã một lần nữa khẳng định vai trò to lớn của việc xác định mục đích học tập đúng đắn đối với mỗi cá nhân.
Học là quá trình con người lĩnh hội kiến thức về khoa học kĩ thuật, văn hóa xã hội và nhất là học để con người học cách chung sống cùng cộng đồng. Quá trình học của con người diễn ra một cách liên tục, người ta học ở mọi lúc và mọi nơi. Như nhà cách mạng vĩ đại nước Nga đã từng nói: "Học, học nữa, học mãi" (Lê-nin). "Học để biết" là quá trình con người tiếp nhận tri thức để mở mang hiểu biết cá nhân. "Học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình" là cách con người ta áp dụng những lí thuyết vào trong thực tế lao động và sản xuất, học cách đối nhân, xử thế trong cuộc sống thường nhật. Và từ việc học để biết, học để làm, học để chung sống sẽ tạo cho mỗi cá nhân một vị thế, một chỗ đứng riêng trong xã hội để tự khẳng định mình.
UNESCO đã khẳng định vai trò to lớn của việc xác định mục tiêu học tập đúng đắn của mỗi cá nhân. Chỉ khi có được mục tiêu học tập đúng đắn con người mới xác định rõ phương pháp học tập để mang lại kết quả tốt nhất. Điều đó đặc biệt quan trọng đối với những thế hệ thanh, thiếu niên, những chủ nhân tương lai của đất nước. Hơn thế nữa điều này còn phù hợp với đất nước ta khi đang trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.
Mục đích đầu tiên của việc học mà UNESCO đề cập tới là "học để biết". Mục tiêu này được đặt lên hàng đầu là bởi: Kho tàng trí tuệ của nhân loại là vô tận mà con người chỉ như một hạt cát giữa sa mạc hay một giọt nước giữa đại dương mênh mông. Con người phải không ngừng học tập để tiếp nhận và bắt kịp với những tri thức đang ngày càng mở rộng của nhân loại. Học mở mang trí tuệ, hiểu biết cho ta, dẫn dắt ta vào những chỗ sâu sắc, bí ẩn của thế giới xung quanh, từ sông ngòi, rừng núi cho tới vũ trụ bao la. Học đưa ta vào những thế giới cực lớn như thiên hà, hoặc cực nhỏ, như thế giới của các hạt vật chất. Học đưa ta vượt thời gian, tìm về với những biến cố lịch sử xa xưa hoặc chắp cánh cho ta tới ngày mai, và để hiểu sâu sắc hơn về thực tại. Quan trọng hơn cả việc học để biết sẽ tạo nền tảng cho việc thực hiện và áp dụng vào công việc sau này. Vậy nên con người phải không ngừng lĩnh hội những tri thức của nhân loại để làm giàu thêm hiểu biết cá nhân.
Chỉ khi con người đã lĩnh hội tri thức và vận dụng nó một cách thuần thục vào đời sống thì việc học tập đó mới thực sự là có ý nghĩa: "học để làm". Thực hành bằng chính sức lực của mình sẽ giúp con người kiểm tra được mức độ hiểu biết của bản thân. Không phải bất kì ai học giỏi là sẽ làm tốt. Khi các đề án, dự thảo của những giáo sư, tiến sĩ không được áp dụng vào thực tế thì đó chỉ là những lí thuyết xuông. Những thứ ấy trở nên vô giá trị khi chỉ được lưu giữ trong bảo tàng, trong thư viện như một kỉ niệm lịch sử. Bởi việc học và hành phải đi liền với nhau mới mang lại kết quả cao. "Học để biết" sẽ giúp cho "học để làm" được thuần thục và tránh được những sai sót không đáng có trong việc áp dụng lí thuyết vào thực tế.
Mặc dù không được học tập một cách bài bản như những giáo sư hay tiến sĩ, song những người nông dân lại biết vận dụng một cách sáng tạo những gì họ chứng kiến và họ hiểu rõ mục đích , cái mà họ thực sự cần trong đời sống sản xuất. Họ học trên chính ruộng đồng, trên những luống cày, họ học bằng chính mồ hôi và nước mắt. Họ đúc rút từ quá trình lao động và tự đi tìm kiếm những giải pháp giúp cho cuộc sống đỡ vất vả, khó khăn, để sản lượng nông nghiệp đạt hiệu quả cao mà lại ít tốn công sức hơn. Nhà khoa học Lương Định Của đã tạo ra những giống lúa mới có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt cho những người nông dân. Không những vậy ông còn là người biết áp dụng những gì đã nghiên cứu vào đời sống thực tại. Trong một lần đi trên đường, ông nhìn thấy bà con cấy dưới ruộng ông đã khuyên mọi người cấy ngửa tay cho nhanh và cây lúa sẽ nhanh bén rễ. Mọi người tưởng rằng đó chỉ là những lí thuyết xuông nên đã mời ông xuống cấy thi. Nhà khoa học nhận lời, bước xuống ô tô rồi ông xuống ruộng và cấy. Ông cấy thi với một chị cấy nhanh nhất ở đó. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn ông đã bỏ xa chị kia, ông không chỉ cấy rất nhanh mà còn rất thẳng. Từ đó bà con đều khâm phục ông bởi ông không chỉ là nhà khoa học giỏi mà hơn thế nữa ông còn biết áp dụng những điều đó vào trong thực tế một cách thành thạo. Ông thực sự đã trở thành tấm gương cho việc "học để làm" để người khác học tập.
Khi đã học để biết và áp dụng được những điều đó vào trong thực tế cũng là lúc con người phải học cách chung sống với cộng đồng. "Học để chung sống" là cách con người điều hòa các mối quan hệ trong cuộc sống hằng ngày và điều đó chỉ thực hiện được khi mỗi cá nhân biết lắng nghe và thấu hiểu cùng mọi người. "Học để chung sống" thực sự thành công khi bạn có khả năng làm cho người khác hiểu, tôn trọng mình. Chắc hẳn bạn đọc vẫn chưa quên hình ảnh của nhân vật Giăng Van-giăng trong tiểu thuyết "Những người cùng khổ" với câu nói nổi tiếng: "Trên đời, chỉ có một điều ấy thôi, đó là yêu thương nhau". Chính tình yêu thương, sự hi sinh cao cả của Giăng Van-giăng dành cho Cô-dét và Ma-ri-úyt đã khiến cho Gia-ve - một gã thanh tra cảnh sát độc đoán, lần đầu tiên cảm thấy mất phương hướng, nhảy xuống sông Xen tự tử. Không chỉ vậy, tình cảm cao quý ấy của ông đã giúp cho Phăng-tin, một người mẹ nghèo thất lạc con, được ra đi trong sự yên bình và thanh thản. Bằng ánh sáng của tình yêu thương Giăng Van-giăng đã đẩy lùi bóng tối của cường quyền và nhen nhóm niềm tin vào tương lai. Giăng Van-giăng là hiện thân cao đẹp nhất của lẽ sống tình thương, của sự chung sống hết mình vì cộng đồng, vì người khác. Chính vì vậy, tác giả Huy-gô đã tạo cho tiểu thuyết sức sống mạnh mẽ vượt qua mọi giới hạn về không gian và thời gian.
Quá trình học tập diễn ra một cách liên tục và lâu dài vì thế đòi hỏi người học phải không ngừng tích lũy kiến thức, làm mới bản thân, và đặc biệt là không bao giờ được bằng lòng với những gì mà mình đã biết. "Học để tự khẳng định mình" là cách con người khẳng định bản thân với chính mình, mới có thể khẳng định mình với mọi người. Khi con người tự khẳng định được mình thì mới được mọi người công nhận, ngưỡng mộ, tôn trọng nhân cách của mình. Năm 2010, giáo sư Ngô Bảo Châu đã mang về vinh quang cho đất nước Việt Nam khi nhận giải thưởng Field về toán học tại Ấn Độ. Đây là giải thưởng cao quý nhất dành cho toán học thế giới. Trước khi giành được giải thưởng này, giáo sư Ngô Bảo Châu cũng là một trong những nhà toán học hàng đầu thế giới. Song để khẳng định chính mình với bản thân, với cộng đồng giáo sư vẫn không ngừng học tập và để mang về vinh quang cho Tổ quốc như ngày hôm nay. Mục đích là ngọn đèn chỉ đường cho những việc làm, hành động cho con người. Chỉ khi có mục đích rõ ràng mọi người mới có thể tránh được những thiếu sót, sai lầm, điều chỉnh hành vi của thân. Việc học cũng như vậy, khi con người xác định được mục tiêu học tập đúng đắn là bước đầu cho sự thành công của con đường học vấn.
Ở trên đời có nhiều người đi học, nhưng ít người biết học cho thành tài là do họ thiếu hoặc vẫn chưa xác định được mục đích học tập đúng đắn. Do không xác định được mục tiêu học tập nên những người này dễ cảm thấy mệt mỏi, chán ngán với việc học, với họ học chỉ mang tính chất chống đối. Tác hại của việc không xác định được mục tiêu học tập đã dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc đang diễn ra trong xã hội hiện nay. Đó là hành vi quay cóp, sử dụng tài liệu trong thi cử hay cách sống buông thả của một bộ phận học sinh, sinh viên gây ra những tệ nạn xã hội hiện nay. Đây thực sự là tình trạng đáng báo động, khi đất nước ta đang trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất cần đến những thanh niên tri thức, giàu hiểu biết về khoa học-kĩ thuật. Họ đang không làm đúng với bổn phận của công dân. Qua đó, ta lại càng thấy được vai trò to lớn của việc xác định mục đích học tập đúng đắn mà UNESCO đã đề xướng.
Là một học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường tôi càng thấu hiểu vai trò của cách xác định mục đích học tập đúng đắn. Chỉ khi có được điều này ta mới có thể xác định phương pháp và cách thức học tốt nhất để mang lại hiệu quả học tập cao. Những bạn chưa xác định được mục đích học tập thì thường chán nản, bỏ bê việc học điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của họ sau này.
Tục ngữ Nga có câu: "Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học". Con người được đi học sẽ mở mang thêm hiểu biết làm giàu thêm tri thức nhân loại. Nên để cho việc học có hiệu quả cao thì mỗi người cần xác định cho mình một mục đích học tập đúng đắn có thể như UNESCO đã đề xướng: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình".
Tổng hợp các bài văn mẫu khác:
- 3 bài văn mẫu văn mẫu Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động
- 2 bài văn mẫu văn mẫu Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường
- 2 bài văn mẫu văn nghị luận Ôi sống đẹp là thế nào, hỡi bạn
Xem thêm các bài văn mẫu lớp 12 Ôn thi THPT Quốc gia khác:
- Văn mẫu: Tuyên Ngôn Độc Lập (Hồ Chí Minh)
- Văn mẫu: Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc
- Văn mẫu: Mấy ý nghĩ về thơ (Nguyễn Đình Thi)
- Văn mẫu: Đô-xtôi-ép-xki (X.Xvai-Gơ)
Sách VietJack thi THPT quốc gia 2025 cho học sinh 2k7:
- Giải Tiếng Anh 12 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Friends Global
- Lớp 12 Kết nối tri thức
- Soạn văn 12 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 12 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 12 - KNTT
- Giải sgk Vật Lí 12 - KNTT
- Giải sgk Hóa học 12 - KNTT
- Giải sgk Sinh học 12 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 12 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 12 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - KNTT
- Giải sgk Tin học 12 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 12 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 12 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 12 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 12 - KNTT
- Lớp 12 Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 12 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 12 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 12 - CTST
- Giải sgk Vật Lí 12 - CTST
- Giải sgk Hóa học 12 - CTST
- Giải sgk Sinh học 12 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 12 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 12 - CTST
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - CTST
- Giải sgk Tin học 12 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 12 - CTST
- Lớp 12 Cánh diều
- Soạn văn 12 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 12 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 12 Cánh diều
- Giải sgk Vật Lí 12 - Cánh diều
- Giải sgk Hóa học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Sinh học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 12 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 12 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 12 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 12 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 12 - Cánh diều