20+ Dàn ý 2 khổ đầu bài Sang thu (hay, ngắn gọn)



Tổng hợp Dàn ý 2 khổ đầu bài Sang thu của Hữu Thỉnh (hay phân tích khổ 1, 2 bài Sang thu) hay nhất, ngắn gọn giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

20+ Dàn ý 2 khổ đầu bài Sang thu (hay, ngắn gọn)

Quảng cáo

Bài giảng: Sang thu - Cô Nguyễn Ngọc Anh (Giáo viên VietJack)

Dàn ý 2 khổ đầu bài Sang thu - mẫu 1

1, Mở bài:

    - Giới thiệu bài thơ: là một tác phẩm hay, độc đáo, mới lạ về đề tài mùa thu.

    - Giới thiệu 2 khổ thơ đầu: Cảnh sắc giao mùa khi đất trời chuyển từ mùa hạ sang mùa thu.

2, Thân bài:

a, Những biểu hiện đầu tiên của mùa thu

    - Những tín hiệu vô hình trong thiên nhiên:

    + Hương ổi: mùi hương bình dị, dân dã đặc trưng của mùa thu miền Bắc khi mùa ổi chín.

    + Động từ “phả”: sự lan tỏa, trộn lẫn: gợi tả về một không gian dường như mang cả hương thơm của mùa thu, của sự trong lành

    + Gió se: gió hơi lạnh, khô, là gió heo may của mùa thu, không phải cơn gió nam của mùa xuân hay gió bắc mùa đông.

    + Sương: hiện tượng ngưng tụ hơi nước khi thời tiết chuyển lạnh vào buổi tối và sáng sớm.

Quảng cáo

    + Động từ “chùng chình”: chuyển động chậm rãi, thong thả, nhân hóa cho hình ảnh, sương như có tâm hồn.

    - Cảm xúc của tác giả:

    + Giật mình nhận ra mùa thu đang về qua từ “bỗng”

    + Câu hỏi tu từ “Hình như thu đã về”: sự ngỡ ngàng, khó tin, tâm hồn thi sĩ cũng như biến chuyển cùng đất trời.

⇒ Tác giả sử dụng những hình tượng vô hình, chỉ cảm nhận được qua khứu giác, cảm giác chứ không nhìn thấy, không cầm nắm được. Đây là một điểm đặc biệt so với việc dùng những hình ảnh quen thuộc để nói về mùa thu như hoa sữa, quả hồng, cốm non,… cho thấy sự tinh tế trong cảm xúc của tác giả.

b, Vẻ đẹp của thiên nhiên trong thời khắc giao mùa

    - Hình ảnh đối lập: sông “dềnh dàng” với chim “vội vã”. Dòng sông vào mùa thu bắt đầu chảy chậm rãi, đã qua rồi những cơn bão hè khiến sông cuộn trào. Chim thì lại vội vã bay về phương Nam tránh rét

Quảng cáo

    - Hình ảnh đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu: một hình ảnh liên tưởng sự níu kéo, lưu luyến của mùa hạ, gợi tả vẻ đẹp bầu trời đặc biệt. Một sắc mây không còn nóng bỏng đầy nắng của mùa hè nhưng cũng chưa nhẹ nhàng thanh thoát của mùa thu.

⇒ Thiên nhiên giao mùa đẹp kì lạ, độc đáo

3, Kết bài:

    - Hai khổ thơ cho thấy: tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ, vẻ đẹp của khoảnh khắc giao mùa.

    - Nghệ thuật: sử dụng hình ảnh, nhân hóa, liên tưởng.

Phân tích hai khổ thơ đầu bài thơ Sang thu

Dàn ý 2 khổ đầu bài Sang thu - mẫu 2

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Hữu Thỉnh và bài thơ Sang thu.

2. Thân bài

a. Khổ thơ đầu

Quảng cáo

- Bỗng: chợt giật mình, không có sự chuẩn bị từ trước, cảm giác sững sờ, ngạc nhiên.

- Hương ổi: đặc trưng của mùa thu, báo hiệu mùa thu đã về.

- Phả: động từ chỉ hành động mạnh mẽ.

- Chùng chình: tính từ, tạo cảm giác chậm chạp, lững thững.

- Bức tranh mùa thu được tác giả Hữu Thỉnh khắc họa qua hình ảnh, cách nhìn, cảm nhận và cả tận hưởng: hương ổi, gió, sương,… đây là sự kết hợp của nhiều giác quan khác nhau mang qua bốn câu thơ ngắn ngủi nhưng cũng đủ làm cho bạn đọc hình dung ra những đặc trưng của mùa thu và bức tranh mùa thu nơi quê nhà thanh bình như được hiện ra rõ nét hơn, đẹp đẽ hơn.

b. Khổ thơ thứ hai

- Dòng sông: không còn mang dòng chảy vội vã, hối hả mà giờ đây đi chậm lại để cảm nhận, tận hưởng vẻ đẹp yên bình của mùa thu.

- Đàn chim: trong mùa thu tươi đẹp này, hình ảnh đàn chim nang nét đối lập với dòng sông. Nếu dòng sông lững thững, dềnh dàng để cảm nhận thời tiết mát mẻ, dịu dàng thì đàn chim lại vội vã, hối hả đi tìm thức ăn và sửa soạn lại tổ ấm của mình để đón chờ mùa đông khắc nghiệt sắp đến.

- Đám mây: không còn mang màu xanh biếc của mùa hè oi bức, mây như trở nên dịu dàng hơn, hiền hòa hơn và uốn mình thành một đường cong mềm mại để chuyển dần sang mùa thu.

- Động từ “vắt” thể hiện sư nghịch ngợm, dí dỏm của đám mây đồng thời làm cho đám mây như có hồn hơn, hình ảnh chuyển đổi như mềm mại hơn, thú vị hơn. Đám mây mới chỉ “nửa mình sang thu” vì vẫn còn lưu luyến mùa hè rộn rã.

→ Bốn câu thơ đã khắc họa những biến chuyển tinh tế của cảnh vật từ mùa hè sang mùa thu. Mỗi cảnh vật lại có một đặc trưng riêng nhưng tất cả đã làm cho bức tranh mùa thu thêm thi vị hơn.

3. Kết bài

- Khái quát lại nội dung, nghệ thuật của hai đoạn thơ cũng như bài thơ bài thơ đồng thời nêu cảm nghĩ về giá trị của tác phẩm.

Dàn ý 2 khổ đầu bài Sang thu - mẫu 3

1. Mở bài:

Giới thiệu tác giả: Hữu Thỉnh.

Giới thiệu vấn đề: phân tích hai khổ đầu bài thơ “Sang thu”.

2. Thân bài:

* Những tín hiệu rằng mùa thu đã đến: (khổ thơ 1):

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”

- Những hình ảnh, dấu hiệu vô cùng quen thuộc của mùa thu: mùi ổi, những cơn gió thu, sương.

- Tín hiệu đầu tiên – mùi thơm của ổi:

mùi hương thân thuộc quê nhà, gần gũi đối với những người con sinh ra và lớn lên ở làng quê bắc bộ.

hương thơm phảng phất trong không khí, “phả” đếm làn gió thu se lạnh.

Từ “phả”: diễn tả một sự chủ đích, hương ổi như lan trong gió.

- Một dấu hiệu nữa là “ gió se”: cơn gió khô lạnh không còn mang theo hơi nóng mùa hè.

- Dấu hiệu thứ ba là sương mù bao phủ cả làng.

Động từ “chùng chình”: có nghĩa là cố tình làm chậm, một sự di chuyển hết sức nhẹ nhàng chủ có chủ đích.

Tác giả đã nhân cách hóa sương mù như một linh hồn, từ từ phủ lên các ngõ xóm, làng xóm gợi một không khí tĩnh lặng, yên bình.

- Cảm xúc của tác giả:

“bỗng”: là một từ thể hiện sự ngạc nhiên, bất ngờ của nhà thơ khi bắt gặp những dấu hiệu của mùa thu.

“Hình như”: trạng ngữ chỉ sự bất định thể hiện sự ngỡ ngàng của người viết trước mùa thu sắp đến.Dường như nhà thơ còn e dè, chưa dám khẳng định rằng mùa thu thực sự đã về.

* Vẻ đẹp của thiên nhiên khi chuyển mùa từ hè sang thu (khổ thơ thứ 2):

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”.

- Hình ảnh mang tính đối lập:

Dòng sông thì mang dáng vẻ “dềnh dàng”: tả sự chậm rãi, êm đềm, chảy chậm của dòng sông

Những chú chim thì ngược lại có phần “vội vã” chuẩn bị cho phía nam để tránh băng giá.

- Một đám mây “vắt nửa mình sang thu”: hình ảnh liên tưởng độc đáo thể hiện nỗi nhớ mùa hè khi đất trời sang thu.

* Đặc điểm nghệ thuật:

Sử dụng biện pháp nhân hoá, so sánh nối tiếp nhau trên cơ sở hình tượng đã xây dựng.

Thơ nhiều gợi tả lên nhiều hình ảnh.

Dùng từ rất khéo khéo léo của nhà thơ.

3. Kết bài:

Khẳng định lại vị trí và đưa ra đánh giá chung về 2 đoạn thơ.

Liên hệ bản thân.

Dàn ý 2 khổ đầu bài Sang thu - mẫu 4

1. Mở bài:

- Bài thơ "Sang thu" của nhà thơ Hữu Thỉnh là một bài thơ hay về mùa thu.
- Hai khổ đầu là bức tranh cảnh sắc thiên nhiên khi trời đất giao mùa từ hạ sang thu.

2. Thân bài:

a. Khổ 1: Dấu hiệu của mùa thu:

Những hình ảnh, tín hiệu vô cùng quen thuộc báo hiệu mùa thu: hương ổi, gió se, sương.

- Tín hiệu thứ nhất - "Hương ổi":
+ Hương vị quen thuộc của quê nhà, mộc mạc, giản dị.
+ Mùi hương ấy bay thoảng trong không gian, "phả" vào làn gió thu se se lạnh.
+ Từ "phả": diễn tả sự chủ động, dường như hương ổi tự chủ động lan tỏa vào trong gió.

- Dấu hiệu thứ hai là "gió se": cơn gió khô, lạnh không còn mang hơi nóng của mùa hè.

- Dấu hiệu thứ ba là màn sương mù, bao phủ khắp xóm làng.
+ "Chùng chình": diễn tả sự chậm rãi một cách cố ý.
+ Tác giả đã nhân hóa màn sương như có linh hồn, chậm chạp bao phủ khắp ngõ xóm, làng quê, gợi lên không khí yên bình, tĩnh mịch.

- Cảm xúc của tác giả:
+ Từ "bỗng": diễn tả sự ngạc nhiên, bất ngờ của nhà thơ khi bắt gặp "hương ổi".
+ "Hình như": tình thái từ chỉ sự chưa chắc chắn, thể hiện sự ngạc nhiên khi mùa thu tới của tác giả.

b. Khổ 2: Vẻ đẹp của thiên nhiên khi giao mùa từ hạ sang thu:

- Hình ảnh đối lập:
+ Sông "dềnh dàng": diễn tả sự chậm chạp, thong thả, lững lờ chảy của dòng sông
+ Những đàn chim thì "vội vã" chuẩn bị về phương Nam tránh rét.

- Hình ảnh đám mây "vắt nửa mình sang thu": hình ảnh liên tưởng độc đáo, thể hiện sự lưu luyến mùa hạ khi đất trời chuyển mình sang thu.

c. Đặc sắc nghệ thuật:

- Sử dụng liên tiếp các biện pháp nhân hoá, so sánh để vẽ lên bức tranh thu.
- Hình ảnh thơ giàu sức gợi,
- Sử dụng các từ láy rất khéo léo.

3. Kết bài:

Khẳng định lại giá trị hai khổ thơ, bài thơ

Dàn ý 2 khổ đầu bài Sang thu - mẫu 5

1.Mở bài phân tích khổ 1 2 bài Sang thu:

Giới thiệu tác giả Hữu Thỉnh và bài thơ Sang thu.

Giới thiệu nội dung cần phân tích – khổ 1 2 bài Sang thu.

2.Thân bài phân tích khổ 1 2 bài Sang thu:

a. Những biểu hiện đầu tiên của mùa thu (khổ 1):

-Những tín hiệu vô hình trong thiên nhiên:

Hương ổi: mùi hương bình dị, dân dã đặc trưng của mùa thu miền Bắc khi mùa ổi chín.

Động từ “phả”: sự lan tỏa, trộn lẫn: gợi tả về một không gian dường như mang cả hương thơm của mùa thu, của sự trong lành

Gió se: gió hơi lạnh, khô, là gió heo may của mùa thu, không phải cơn gió nam của mùa xuân hay gió bắc mùa đông.

Sương: hiện tượng ngưng tụ hơi nước khi thời tiết chuyển lạnh vào buổi tối và sáng sớm.

Động từ “chùng chình”: chuyển động chậm rãi, thong thả, nhân hóa cho hình ảnh, sương như có tâm hồn.

-Cảm xúc của tác giả:

Giật mình nhận ra mùa thu đang về qua từ “bỗng”

Câu hỏi tu từ “Hình như thu đã về”: sự ngỡ ngàng, khó tin, tâm hồn thi sĩ cũng như biến chuyển cùng đất trời.

Tác giả sử dụng những hình tượng vô hình, chỉ cảm nhận được qua khứu giác, cảm giác chứ không nhìn thấy, không cầm nắm được. Đây là một điểm đặc biệt so với việc dùng những hình ảnh quen thuộc để nói về mùa thu như hoa sữa, quả hồng, cốm non,… cho thấy sự tinh tế trong cảm xúc của tác giả.

b. Vẻ đẹp của thiên nhiên trong thời khắc giao mùa (khổ 2):

Hình ảnh đối lập: sông “dềnh dàng” với chim “vội vã”. Dòng sông vào mùa thu bắt đầu chảy chậm rãi, đã qua rồi những cơn bão hè khiến sông cuộn trào. Chim thì lại vội vã bay về phương Nam tránh rét

Hình ảnh đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu: một hình ảnh liên tưởng sự níu kéo, lưu luyến của mùa hạ, gợi tả vẻ đẹp bầu trời đặc biệt. Một sắc mây không còn nóng bỏng đầy nắng của mùa hè nhưng cũng chưa nhẹ nhàng thanh thoát của mùa thu.

Thiên nhiên giao mùa đẹp kì lạ, độc đáo

3.Kết bài phân tích khổ 1 2 bài Sang thu:

Khái quát lại nội dung, nghệ thuật của hai đoạn thơ và nêu cảm nghĩ của bản thân.

Phân tích 2 khổ đầu bài Sang thu - mẫu 1

     Có lẽ trong bốn mùa xuân hạ thu đông thì mùa thu luôn là mùa được ưu ái hơn cả khi bước vào địa hạt thi ca. Xoay quanh đề tài mùa thu, cổ kim đông tây có biết bao bài thơ hay, gửi gắm những suy nghĩ, tâm tình khác nhau. Nằm trong nguồn mạch chung của văn học, Hữu Thỉnh cũng góp một tâm tình, một bức tranh đẹp đẽ, bình dị của mùa thu Bắc Bộ Việt Nam với bài thơ Sang thu.

     Sang thu là thời điểm mở đầu, như một bông hoa chớm nở, nét thu còn chưa rõ, mà mùa hạ vẫn còn vấn vương. Bởi vậy để cảm biết được trọn vẹn tín hiệu, vẻ đẹp của mùa thu cần phải có một tâm hồn rất đỗi tinh tế, nhạy cảm. Và hồn thơ Hữu Thỉnh là một hồn thơ nhạy cảm như vậy.

     Mở đầu bài thơ là mùi hương vô cùng quen thuộc – hương ổi:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

     Nếu như mùa thu trước đây đều được cảm nhận bằng những tín hiệu cổ điển như: hoa cúc, cây phong, cây ngô đồng, mới hơn thì có Xuân Diệu, với hình ảnh rặng liễu: “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng” thì Hữu Thỉnh lại tìm đến một mùi hương hết sức giản dị, thân thương của đồng quê, ấy là hương ổi. Hương ổi đậm sánh phả vào trong gió se, lan rộng vào khắp không gian. Và tác giả “bỗng nhận ra” – trạng thái không chuẩn bị, vô cùng bất ngờ, sửng sốt. Bởi hương thơm ấy, bởi mùa thu tác giả đã chờ đợi biết bao lâu nay cũng đã về. Nó là tiếng kêu vang thích thú, hào hứng khi bất chợt nhận ra khoảnh khắc thu sang. Bằng những cảm nhận hết sức tinh tế, Hữu Thỉnh đã đem đến cho người đọc một vẻ đẹp rất khác, rất bình dị, dân dã của mùa thu Bắc Bộ.

     Sau sự ngỡ ngàng khi bất chợt nhận ra tín hiệu của mùa thu, Hữu Thỉnh tiếp tục nhận thấy một tín hiệu khác đó chính là những làn sương mỏng, nhẹ đang chùng chình đi qua ngõ:

Sương chùng chình qua ngõ

     Sương mỏng nhẹ, chậm chạp đi qua ngõ, như cố nương lại, cố để báo cho thi nhân biết rằng bản thân cũng là một tín hiệu mỗi khi thu sang. Hình ảnh sương thu xuất hiện làm cho cả không gian ngõ xóm thêm phần mát mẻ, huyền ảo và bình yên. Đồng thời với biện pháp nhân hóa, khiến cho làn sương như có tâm trạng, nó đang chờ đợi và lưu luyến ai. Bằng sự nhạy cảm của các giác quan và sự tinh tế trong tâm hồn, Hữu Thỉnh đã cảm biết đầy đủ những tín hiệu thu về. Đây là biểu hiện của lòng yêu đời và yêu cuộc sống tha thiết.

     Sau những bất ngờ, ngỡ ngàng trước khoảnh khắc thu sang, thi nhân mở rộng mọi giác quan để thấy được sự thay đổi của từng sự vật, hiện tượng mỗi độ thu về:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

     Tầm mắt đã được mở ra với không gian rộng rãi, khoáng đạt hơn. Và ở không gian ấy, ông nhận ra biết bao sự thay đổi của các sự vật, hiện tượng. Khi thu về, sông không còn ồn ào, cuồn cuộn siết chảy mà thay vào đó là chậm chạp, lững lờ, khoan thai. Khi thu sang, thời tiết bắt đầu se lạnh, những chú chim cũng bắt đầu vội vàng đi về phương nam tránh rét. Hai câu thơ với hai sự vật có sự vật động trái ngược nhau: sông dềnh dàng, trên cao chim vội vã. Đó là khoảng khắc khác biệt của vạn vật, trong thời khác chuyển giao giữa hai mùa.

     Nhưng đặc biệt nhất trong khổ thơ này chính là hình ảnh đám mây. Trong thơ ca Việt Nam nói về đám mây có không ít, là tầng mây xanh ngắt trong thơ Nguyễn Khuyến: Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt; là lớp mây đùn núi bạc trong thơ Huy Cận: “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc”. Còn đám mây của Hữu Thỉnh lại có sự hồn nhiên, tinh nghịch, khi nửa vẫn còn ở mùa hạ, nửa lại đã bước chân sang mùa thu. Tác giả đã thật tinh tế khi sử dụng từ “vắt” để nói đến thời điểm giao mùa, đám mây vắt mình lên ranh giới mong manh giữa hai mùa, để rồi đến cuối cùng chỉ còn lại sắc thu đậm nét. Câu thơ cho thấy sự tìm tòi, khám phá và trường liên tưởng thú vị của Hữu Thỉnh khi thời tiết chuyển giao.

     Với thể thơ năm chữ giàu nhịp điệu kết hợp với hình ảnh nhân hóa đặc sắc, Hữu Thỉnh đã đem đến cho thơ ca một mùa thu thật đẹp, thật mộc mạc giản dị. Mùa thu ấy là những rung cảm tinh tế và tài hoa, được cảm nhận qua lăng kính của người nghệ sĩ tha thiết yêu đời, yêu thiên nhiên vạn vật và yêu cuộc sống.

Phân tích 2 khổ đầu bài Sang thu - mẫu 2

     Với một đoạn thơ ngắn vẻn vẹn hai khổ mà nhà thơ đã dựng lại một bức tranh nồng đượm hơi ấm cuộc đời, hơi ấm quê nhà. Những hình ảnh sang thu thân quen, giản dị mà tươi tắn, sống động.

     Nếu mùa xuân là mùa hội tụ của những bàn tay nghệ sĩ tài hoa thì mùa thu bước vào trong thơ ca cũng tự nhiên và gần gũi. Trước đây, Nguyễn Khuyến nổi tiếng với ba bài thơ thu: “Thu điếu”, “Thu vịnh, Thu ẩm", sau này Xuân Diệu có “Đây mùa thu tới”. Nhỏ nhẹ, khiêm nhường, Hữu Thỉnh cũng góp vào cho mùa thu đất nước một góc quê hương sang thu:

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về.

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu."

     Đoạn thơ có cái hương vị ấm nồng của chớm thu ở một miền quê nhỏ. Tín hiệu đầu tiên để tác giả nhận ra là hương vị ổi pha trong gió. Mùi hương quê nhà mộc mạc được gió đưa trong không gian cứ lan tỏa, thoang thoảng bay. Cảm giác bất chợt đến với nhà thơ: “bỗng nhận ra". Một sự bất ngờ mà như đã đợi sẵn, đợi từ lâu rồi, để giờ đây có dịp là buông ra ngay. Trong số chúng ta chắc chắn không ai chưa một lần nếm vị ổi: giòn ngọt, chua chua nơi đầu lưỡi. Cái dư vị của hương thơm đó cứ vấn vít vương lại trong ta khi chợt đọc câu thơ của Hữu Thỉnh. Có hương ổi, và gió, và sương. Những hạt sương thu mềm mại, ươn ướt giăng màn qua ngõ. Mùa thu lại về. Mùa thu mang theo hương quê và mang theo sương mờ ướt lạnh. Dường như có thêm sương nên thu dễ nhận ra hơn. “Sương chùng chình qua ngõ", “chùng chình" hay là đợi chờ gì đây? Cứ dần dần như thế, cứ nhẹ nhàng, mềm mại như thế, thu đến tự lúc nào không hay. “Hình như thu đã về" nhà thơ giật mình, hơi bối rối. Tự bao giờ nhỉ? Thu về? Từ hương ổi hay từ gió, hay từ sương ? Hữu Thỉnh cũng hơi ngỡ ngàng trước thoáng đi bất chợt của mùa thu. Thu về, thu lại về trên quê hương, trên những con đường bờ đê và trên cả những con sông, cánh chim trời.

     Cái bỡ ngỡ ban đầu vụt tan biến đi nhường chỗ cho sự rung cảm mãnh liệt trước mùa thu:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám máy mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu."

     Con sông quê hương dâng nước chở mùa thu. Những cánh chim bay vội vã. Thật lạ lùng mùa thu! Nơi thì “chùng chình”, "dềnh dàng”, mà nơi thì “vội vã", hối hả... Nhưng tất cả đều với một cảm giác mới mẻ, xôn xao khi mùa thu về. Không còn cái gay gắt của mùa hè nóng nực, chỉ còn lại một bầu không gian ẩm ướt và se lạnh. Một thoáng rối lòng để rồi nhường lại cho thu. Mùa thu vừa chớm rất nhẹ, rất dịu, rất êm, mơ hồ như cả đất trời đang rùng mình thay áo mới. Hữu Thỉnh không tả trời thu “xanh ngắt mấy tầng cao” như Nguyễn Khuyến mà chỉ điểm vào bức tranh thu một chút mây vương lại của mùa hè vừa qua:

“Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu"

     Mây trời vắt nửa mình sang thu. Lối diễn đạt của nhà thơ thật độc đáo. Hình như trong đám mây đó còn lại một vài làn nắng ấm mùa hè nên mới "vắt nửa mình” thu về làm cho bao cảnh vật đổi thay và đám mây cũng khác lạ.

     Với một đoạn thơ ngắn vẻn vẹn hai khổ mà nhà thơ đã dựng lại một bức tranh nồng đượm hơi ấm cuộc đời, hơi ấm quê nhà. Những hình ảnh sang thu thân quen, giản dị mà tươi tắn, sống động. Với những từ ngữ lấp láy: “chùng chình", “vội vã", “dềnh dàng”, và một giọng thơ vừa có thoáng ngỡ ngàng, vừa vui sướng. Hữu Thỉnh đã đưa ta về một miền quê dân dã mà ấm áp tình người.

     “Sang thu” - một hình ảnh quê hương tự nó đã tôn thêm vẻ đẹp cho đất nước, cho quê nhà, cho đồng quê trong mùa thu chung của cả đất trời Việt Nam.

Phân tích 2 khổ đầu bài Sang thu - mẫu 3

Những hiện tượng, sự vật của tự nhiên luôn khiến cho những tâm hồn nhạy cảm, thơ mộng rung động trước vẻ đẹp của nó, và nhà thơ Hữu Thỉnh cũng không ngoại lệ. Ông là một nhà thơ viết rất hay, rất cảm xúc về cuộc sống, về con người với những vần thơ mềm mại, tinh tế chỉ riêng ông có được.

Sự chuyển mình từ mùa hạ sang mùa thu là một trong những thay đổi của tự nhiên đã lọt vào trái tim đa cảm của nhà thi sĩ này. Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh cho đến nay vẫn được đánh giá là một trong những bài thơ miêu tả hay nhất về mùa thu.

Mở đầu bài thơ là cảm xúc ngạc nhiên, ngỡ ngàng của tác giả khi thấy sự chuyển mình từ hạ sang thu:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se”

Nếu như nhà thơ Xuân Diệu cảm nhận mùa thu qua những chiếc lá vàng, nhà thơ Xuân Quỳnh cảm nhận mùa thu bằng vẻ đẹp của hoa cúc và làn gió heo may thì cách cảm nhận của Hữu Thỉnh lại vô cùng đặc biệt: hương ổi. Ở đây, tác giả đã đón nhận mùa thu bằng khứu giác. Thu đến, những chùm ổi chín phất phơ trong gió tỏa hương thơm vô cùng quyến rũ.

Hương thơm này không quá ngào ngạt, cũng không quá nhẹ mà nó thoang thoảng, hòa cùng làn gió như đánh thức xúc cảm trong lòng người. Nhà thơ đảo những động từ “Bỗng” và “Phả” lên đầu câu như để nhấn mạnh rằng mùa thu đến thật tự nhiên, không báo trước, làm cho tác giả ngạc nhiên, thảng thốt. Sự chuyển mình của đất trời không chỉ được tác giả cảm nhận bằng khứu giác mà còn bằng thị giác:

Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”

Từ láy “chùng chình” cho thấy sự quyến luyến, không nỡ rời đi của màn sương. Sự chùng chình của màn sương hay chính là sự luyến lưu của tác giả khi không muốn mùa hạ đi qua mà cũng lỡ yêu mùa thu mất rồi. Hẳn không có gì là lạ khi Hữu Thỉnh cảm nhận mùa thu bằng cả tâm hồn như vậy, bởi bài thơ được ông sáng tác vào năm 1977 – một trong những mùa thu độc lập đầu tiên của đất nước.

Mỗi một thay đổi của đất trời đều khiến cho con người ta để ý và rung động đến mức khó quên. Đầu tiên là hương ổi và bây giờ là cả màn sương, tất cả cho thấy một mùa thu đang về rồi. Từ “hình như” là một nhận định không rõ ràng của tác giả, trước những thay đổi ấy, nhà thơ đã bắt đầu cảm nhận được sự xuất hiện của mùa thu.

Ở khổ thơ thứ hai, ta thấy mùa thu đến rõ ràng hơn trước sự chứng kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh:

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”

Thu đến, dòng sông không còn phải gồng mình lên trước những cơn mưa lũ của mùa hạ, những cánh chim đã bắt đầu đi tìm nơi trú ẩn cho mình trước khi một mùa đông lạnh giá ghé thăm. Và cả những đám mây trắng trên bầu trời cao vợi cũng đã đến lúc nói lời chào tạm biệt mùa hè rồi.

Đoạn thơ được tác giả sử dụng một loạt các từ láy “dềnh dàng”, “vội vã” là những động từ thể hiện sự chuyển động của sự vật. Những sự vật của tự nhiên được nhân hóa với những hành động khi nhanh, khi chậm, vô cùng sinh động trong con mắt của tác giả. Lại một lần nữa động từ được đặt lên đầu câu. Động từ “Vắt” cho thấy hình ảnh một đám mây mềm mại, vắt ngang trên bầu trời, một nửa còn vấn vương mùa hạ, nửa còn lại đã bước chân sang mùa thu.

Bằng những câu chữ mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần tinh tế, 2 khổ đầu trong bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh đã mở ra trước mắt bạn đọc một bức tranh thiên nhiên vô cùng đẹp và sinh động. Tất cả đều đến từ mạch cảm xúc tự nhiên của tác giả. Qua đó, ta có thể thấy được tình yêu thiên nhiên sâu sắc của nhà thơ, hiểu được vì sao Hữu Thỉnh được coi là một trong những cây bút xuất sắc khi viết về tự nhiên, về cuộc sống.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 9 hay khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH ĐỀ THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và sách dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 9 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 9Những bài văn hay lớp 9 đạt điểm cao.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


sang-thu.jsp


Giải bài tập lớp 9 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên