5+ Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong văn học trung đại (hay, ngắn gọn)



Tổng hợp 5+ Phân tích Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong văn học trung đại hay, chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh lớp 9 trên cả nước giúp học sinh lớp 9 có thêm tài liệu tham khảo từ đó biết cách viết văn dễ dàng hơn.

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong văn học trung đại

Bài giảng: Truyện Kiều - Cô Nguyễn Dung (Giáo viên VietJack)

Dàn ý Phân tích Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong văn học trung đại

Quảng cáo

1. Mở bài

Giới thiệu hình ảnh người phụ nữ nói chung và người phụ nữ trong văn học trung đại nói riêng.

2. Thân bài

a. Hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại

Người phụ nữ trong xã hội trung đại tuy đã có nhiều sự đổi mới nhưng vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của người phụ nữ phong kiến.

Họ vẫn là những người có đầy đủ công - dung - ngôn - hạnh, vẫn bị phụ thuộc vào số phận và chịu nhiều bất hạnh, tổn thương.

Họ không chỉ là những người có ngoại hình xinh đẹp mà còn là những con người tài giỏi, có nhiều tài lẻ không thua kém bất cứ ai.

Người phụ nữ trong xã hội trung đại luôn nhận được sự yêu thương, đồng cảm, thậm chí là xót xa của bao thế hệ bạn đọc cũng như tác giả. Họ là nguồn cảm hứng bất tận cho những tác phẩm thơ văn.

b. Hình ảnh người phụ nữ trung đại qua một số tác phẩm văn học trung đại

- Vũ Nương: là một người vợ, người mẹ xinh đẹp, đảm đang, một lòng một dạ yêu chồng thương con, chăm lo vun vén cho nhà chồng nhưng lại bị chồng hiểu lầm dẫn đến cái chết đầy oan uổng.

- Thúy Kiều: là cô gái tài sắc vẹn toàn hiếm thấy nhưng lại sống một cuộc đời long đong, lận đận, chịu nhiều biến cố, tổn thương, nhiều lần bị bán vào lầu xanh,… khiến người đọc không khỏi đau xót.

- Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương: bà là tiếng nói mạnh mẽ của người phụ nữ lúc bấy giờ, khi chịu tổn thương đã dám đứng lên bộc bạch tâm tư của mình, mang hình ảnh, ước mơ của người phụ nữ đi vào thơ văn để lại nhiều giá trị cả về nghệ thuật lẫn nội dung.

3. Kết bài

Khái quát lại hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến, đồng thời rút ra bài học và liên hệ đến ngày nay.

Phân tích Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong văn học trung đại - mẫu 1

1. Phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ.

Trong xã hội phong kiến, dường như tất cả mọi thứ đều bất công với người phụ nữ. Tình yêu không, hạnh phúc không, tiếng nói cũng không. Nhưng, chính những áp bức đó đã làm sáng ngời lên những đức tính, phẩm hạnh đáng quý, đáng trân quý của người phụ nữ. Người phụ nữ ngày xưa xuất hiện trong văn học thường là những người phụ nữ đẹp. Từ vẻ đẹp ngoại hình cho đến tính cách.

Đọc Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, ta thấy Vũ Nương đúng là một mẫu mực của phụ nữ phong kiến với những phẩm chất đáng quý. Nàng «thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp», là chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam. Trong đạo vợ chồng, nàng hết sức khôn khéo, hết sức chú trọng «giữ gìn khuôn phép» để hy vọng có được một mái ấm gia đình hạnh phúc.

Rồi chiến tranh loạn lạc, nàng tiễn chồng ra trận với lời tống biệt dịu dàng, thiết tha mà chân thành: «Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi … ». Đó là một tấm lòng của người phụ nữ Việt Nam dung dị, không màng danh lợi, chỉ mong vun quén cho một mái ấm gia đình. Trong những năm tháng đằng đẵn chồng còn ngoài nơi chiến địa, người thiếu phụ đáng thương ấy đã ra sức tần tảo nuôi con thơ, phụng dưỡng mẹ chồng, ngày đêm giữ gìn tiết hạnh hầu vun đắp dưỡng nuôi cho cái nguồn hạnh phúc mà nàng đang mong đợi. Đối với mẹ chồng, nàng giữ vẹn đạo làm dâu thảo. Vũ Nương hết lòng săn sóc, lo thuốc thang khi mẹ ốm đau và cả việc lo ma chay tế lễ khi mẹ chồng mất… Còn gì quý hơn là lời của người mẹ chồng nhận xét về tấm lòng thơm thảo của nàng trước khi bà cụ qua đời. Trong đôi mắt của người mẹ chồng, nàng là người có «lòng lành». Sự đảm đang hiếu nghĩa ấy cũng biểu hiện phần nào tấm lòng son sắt của nàng đối với Trương Sinh. Có thể nói, đạo làm con, làm vợ, làm mẹ tất cả đều được Vũ Nương thực hiện trọn vẹn… Và có lẽ vẻ đẹp tâm hồn nàng đẩy lên đến cao độ qua hình ảnh chiếc bóng trên vách. Một chi tiết tưởng đơn giản ấy nhưng bao hàm biết bao ý nghĩa về lòng yêu thương, thủy chung son sắt của nàng đối với chồng. Dù chiến tranh ngăn cách nhưng trong tâm hồn nàng, hình bóng Trương Sinh vẫn khắng khít, gắn bó với nàng như hình với bóng không rời nhau.

Quảng cáo

Đến với Nàng Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, một trang tuyệt sắc giai nhân, một người con có hiếu, một tấm lòng vị tha bao dung.

khi gia đình gặp tai biến Kiều đã quyết định hy sinh mối tình riêng để cứu cha và em. Hành động đó khiến người đọc thật cảm phục:

“Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,

Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân.”

Sống nơi đất khách quê người, nỗi nhớ về người yêu- biểu hiện của tình cảm chung thuỷ không hề vơi đi trong tâm hồn người con gái đáng thương này: «Tấm som gột rửa bao giờ cho phai? ». Kiều đã không giấu nỗi nhớ nhung da diết mãnh liệt của mình đối với chàng Kim. Vừa mới hôm nào cùng với Kim Trọng nặng lời ước hẹn trăm năm mà nay Kiều đã phải cắt đứt mối tình duyên ấy một cách đột ngột. Ngòi bút Tố Như thật tinh tế khi kể về tình cảm Thúy Kiều nhớ về người yêu cũng phù hợp với qui luật tâm lí và bộc lộ cảm hứng nhân đạo sâu sắc. Chén rượu thề nguyền hôm nào dư vị còn đọng trên bờ môi, vầng trăng như vẫn còn kia, mà lại xa xôi cách trở. Kiều đau đớn nhớ tới người yêu, tưởng như lúc này chàng vẫn chưa hay biết việc nàng đã phải trầm luân trong gió bụi cuộc đời nên đang mong ngóng chờ đợi tin tức của nàng một cách uổng công vô ích!

Còn về phần nàng thì “Bên trời góc bể bơ vơ”, biết đến bao giờ mới phai được tấm lòng son mà nàng đã quyết định dành cho chàng từ cái buổi “thề non hẹn biển” hôm ấy. Câu thơ “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai” có thể hiểu là tấm lòng son sắt, nỗi nhớ thương kim Trọng không bao giờ nguôi hoặc có thể hiểu là tấm lòng son sắt, nỗi nhớ thương Kim Trọng không bao giờ nguôi hoặc có thể hiểu tấm lòng son của Kiều đã bị dập vùi hoen ố biết bao giờ mới gột rửa được. Càng thương nhớ người yêu, Kiều càng thấm thía tình cảnh bơ vơ trống trải của mình, nàng càng nuối tiếc những kỉ niệm đẹp đẽ của mối tình đầu thơ ngây trong sáng.

Kiều còn quên hết nỗi đau riêng của mình mà dành tất cả tình cảm thương nhớ cho cha mẹ, nàng thật là người có long vị tha:

“Xót người tựa cửa hôm mai,

Quạt nồng ấm lạnh những ai đó giờ ?”

Những câu hỏi tu từ cứ sâu xoáy trong lòng người đọc về đắng cay cuộc đời.

Trong Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa vẻ đep của Kiều Nguyệt Nga nết na, ân tình, son sắt của một cô gái khuê. Cách xưng hô “quân tử”, “tiện thiếp”, cách nói năng văn vẻ, dịu dàng, mực thước: “Làm con đâu dàm cãi cha”, “Chút tôi liễu yếu đào thơ - Giữa đường gặp phải bụi dơ đã phần”, cách trình bày vấn đề rõ ràng, khúc chiết thể hiện chân thành niềm cảm kích, xúc động của mình:

“Trước xe quân tử tạm ngồi,

Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.”

Nguyệt Nga là một con người rất mực đằm thắm, ân tình. “Ơn ai một chút chẳng quên”, huống hồ đây lại là một cái ơn rất lớn, không chỉ là ơn cứu mạng mà còn cứu cả cuộc đời con gái trong trắng của nàng:

“Lâm nguy chẳng gặp giải nguy,

Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi.”

Và cuối cùng nàng tự nguyện gắn bó cuộc đời với chàng trai khẳng khái, hào hiệp đó, và đã dám liều mình để giữ trọn ân tình thuỷ chung với chàng. Sự thuỷ chung ấy còn khắc hoạ đậm nét con người ân tình của Kiều Nguyệt Nga.

2. Số phận bất hạnh, bi kịch:

"Đau đớn thay phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung."

Lời ai oán trên đã hơn một lần xuất hiện trong sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du giống như một điệp khúc rùng rợn. Đây không phải là một lời nói quá mà điều này lại được thể hiện khá phổ biến trong văn học Việt Nam. Trong một xã hội phong kiến suy tàn lúc bấy giờ, số phận của người phụ nữ thật bé nhỏ, long đong, lận đận. Văn học thời ấy cũng đã nhắc nhiều đến kiếp đời của người phụ nữ, mà có lẽ điển hình trong số ấy là nhân vật Vũ Nương (Chuyện người con gái Nam Xương – Nguyễn Dữ). Vũ Nương là một bi kịch của gia đình, của số phận phũ phàng của người phụ nữ trong xã hội đầy bất công oan trái. Niềm vui hạnh phúc gia đình không được bao lâu, rồi chiến tranh loạn lạc, nàng phải một mình một bóng âm thầm nuôi già dạy trẻ, những nỗi khổ về vật chất đề nặng lên đôi vai mà nàng phải vượt qua hết. Những tưởng khi giặc tan, chồng về, gia đình được sum vầy thì không ngờ giông bão đã ập đến, bóng đen của cơn ghen đã làm cho Trương Sinh mù quáng. Chỉ nghe một đứa trẻ nói những lời ngây thơ vô tình mà anh đã tưởng vợ mình hư hỏng. Trương Sinh chẳng những không hỏi cho rõ ràng mà đánh đập phũ phàng rồi ruồng rẫy đuổi nàng đi, không cho nàng thanh minh.Bị dồn vào bước đường cùng, Vũ Nương phải tìm đến cái chết để kết thúc một kiếp người trong oan khuất. Bi kịch của Vũ Nương là bi kịch gia đình.

Bên cạnh Vũ Nương, một hình ảnh nổi bật nữa là nhân vật Thuý Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ngay từ đầu tác phẩm, nhận định của tác giả "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen" đã dự báo cho điều đau đớn này. Thuý Kiều mang một vẻ đẹp đằm thắm, mảnh mai là thế, tài sắc lại vẹn toàn hiếu nghĩa, đáng ra nàng phải được sống hạnh phúc, êm ấm, vậy mà do một biến cố trong gia đình nàng đã phải bán mình chuộc cha. Bất hạnh này mở đầu cho hàng loạt bất hạnh khác mãi cho tới khi nàng tìm tới sông Tiền Đường để chấm dứt số kiếp trầm luân. Dẫu biết kết chuyện Thúy Kiều được về sum họp với gia đình nhưng cả một kiếp người trôi nổi truân chuyên ấy đã vùi dập cả một giai nhân tài sắc vẹn toàn. Độc giả đã khóc cho bao lần chia phôi vĩnh viễn, những tháng ngày sống không bằng chết trong lầu Ngưng Bích, những nỗi tủi nhục vò xé thân mình của Thuý Kiều. Số phận bi đát ấy. Bi kịch tình yêu của người con gái tài sắc đã khiến muôn đời sau phải thốt lên "Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều” (Tố Hữu).

Còn Kiều Nguyệt Nga trong Truyện Lục Vân Tiên, một cô gái thủy chung son sắt, một tấm lòng trọng nghĩa, hiền thục thì bị cường quyền hãm hại phải đi cống giặc Ô Qua, đến đỗi nàng phải trầm mình tự vẫn.

Có lẽ bi kịch của Vũ Nương và Thúy Kiều hay Kiều Nguyệt Nga không phải là trường hợp cá biệt mà khủng khiếp thay là số phận của bao chị em phụ nữ, là kết quả của bao nhiêu nguyên nhân mà chế độ phong kiến đã sản sinh ra làm số phận của họ thật bi đát.

Đó không chỉ là tiếng kêu thương mà còn là lời tố cáo, vạch trần thực trạng xã hội đen tối, thế lực và tiền bạc lộng hành, đồng thời cũng gián tiếp lên án thế lực phong kiến đã đẩy con người vào tình cảnh đau đớn. Với chế độ nam quyền: "Trọng nam khinh nữ", người phụ nữ đã bị tước đoạt mọi quyền lợi chính đáng, nhân phẩm họ bị rẻ rúng. Họ bị ràng buộc bởi những lễ giáo phong kiến khắc nghiệt như đạo "tam tòng ", hay các quan niệm lạc hậu như "nữ nhân ngoại tộc"… Số phận của người phụ nữ hoàn toàn bị phụ thuộc, chà đạp, thậm chí còn bị coi như món hàng trong bi kịch cuộc đời.

Điểm hội tụ nét đẹp của văn chương chính là sự đồng điệu trong tâm hồn của trái tim nhà nghệ sĩ đó chính là tinh thần nhân đạo cao đẹp, là ước mơ về hạnh phúc cuộc đời. Nguyễn Dữ đã thể hiện thế giới thủy cung tuy huyền bí, hoang đường nhưng vẫn đầy ấp nhân nghĩa thủy chung, Nguyễn Du tái hợp Kim – Kiều trong “mang duyên cầm sắt đổi duyên cầm kỳ” dẫu có đôi chút gượng gạo nhưng vẫn ánh lên tình đời bao dung, Nguyễn Đình Chiểu đã để Lục Vân Tiên đoàn tụ Kiều Nguyệt Nga cũng là điểm son nhân hậu.

III. Đánh giá chung:

Thời gian đã lùi xa hàng bao thế kỉ nhưng những tác phẩm tâm huyết trên vẫn gây xúc động sâu xa, nhức nhối trong lòng người dọc. Bởi lẽ các tác phẩm đã lên tiếng phản ánh xã hội phong kiến bất công gây đau khổ cho người phụ nữ. Song song đó, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện lên thật đáng trân trọng và tự hào về người phụ nữ Việt với những phẩm chất tuyệt vời. Đó là vẻ đẹp truyền thống: đảm đang, vị tha, thủy chung son sắt, giàu đức hi sinh. Vẻ đẹp đó mãi mãi là hạt ngọc đáng trân quý./.

Quảng cáo

Phân tích Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong văn học trung đại - mẫu 2

Trong vô số những nạn nhân của xã hội phong kiến có một tầng lớp mà hết thảy các nhà văn nhân đạo đều đau xót, trân trọng và tập trung viết về họ, đó là người phụ nữ. Họ là Hình tượng tiêu biểu cho những số kiếp bi đát, cho những con người trong cuộc đời bế tắc. Họ là những con người có đủ tài năng, có đức hạnh thanh cao nhưng lại bị cuộc đời vùi dập xô đẩy. Trong số những tác phẩm viết về đề tài này, nổi bật nhất phải kể đến sáng tác thuộc trào lưu nhân đạo thế kỉ XVII – XVIII, những tác phẩm của những tác giả nổi tiếng như Nguyễn Dữ với Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn du với Truyện Kiều, Hồ Xuân Hương với Làm lẽ, Bánh trôi nước vv ... Đó là những tác phẩm mà đến nay như vẫn còn vang vọng tiếng kêu cứu não nùng đau đớn của những con người quằn quại trong vũng lầy xã hội cũ.

"Hồng nhan đa truân" – câu ấy có lẽ lại là một lời nhận xét rút ra từ hiện thực cuộc sống của người xưa. Có lẽ lời nhận xét ấy cũng phần nào đúng với thực tế vì trong hầu hết các tác phẩm, những người phụ nữ bất hạnh lại thường là những người phụ nữ đẹp. Đấy là những người có vẻ đẹp trung hậu, dịu dàng của người phụ nữ nông thôn như nàng Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, có " tư dung tốt đẹp " hay vẻ đẹp khỏe mạnh tràn đầy sức sống của cô gái đương độ nhan sắc với nước da trắng và thân hình khỏe mạnh.

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Đến những người con gái có sắc đẹp khuynh nước khuynh thành như nàng Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Làn thu thủy nét xuân sơn

Hoa ghen đua thắm, liễu hờn kém xanh

Một hai nghiêng nước nghiêng thành...

Vẻ đẹp của nàng làm lu mờ tất cả những gì được gọi là thanh cao nhất, đẹp nhất của thiên nhiên, đôi mắt trong thăm thẳm như làn nước mùa thu, nét mày thanh tú mơn mởn như rặng núi mùa xuân. Và vẻ tươi thắm của hoa, dáng vẻ yêu kiều mềm mại của liễu cũng phải "hờn" phải "ghen" với người con gái tuyệt sắc đó.

Không chỉ đẹp ở tư dung bên ngoài, họ còn có đủ tài năng đức hạnh. Đó là Vũ Nương tính thùy mị, nết na, giữ gìn khuôn phép. Chồng đi lính xã nhà, nàng ở nhà nuôi con, phụng dưỡng mẹ già và chung thủy đợi chồng. Đó là nàng Kiều với lòng hiếu thảo cao cả. Nàng sẵn sàng hi sinh thân mình cứu lấy gia đình khỏi cơn nguy biến, chấp nhận mọi sóng gió cuộc đời.

Với nhan sắc và phẩm hạnh cao quý như thế, đáng lẽ họ phải được sống cuộc đời êm đềm, hạnh phúc. Nhưng trớ trêu thay, bất hạnh lại ập đến với họ. Nỗi đau đớn nhất của người phụ nữ là gia đình tan vỡ và họ phải chịu nỗi giày vò cả thể xác lẫn tinh thần. Nỗi oan nghiệt đã đổ ập xuống đầu Vũ Nương. Khi chồng nàng trở về, chỉ vì lòng ghen tuông mù quáng, nghi vợ con tư tình, bèn đuổi nàng đi, để nàng nhục nhã đến nỗi phải tìm tới cái chết. Đến khi chồng nàng hiểu ra thì đã quá muộn màng. Ước mơ lớn nhất của nàng là được sống bình dị, nhưng hạnh phúc mãi mãi không bao giờ trở thành hiện thực đối với nàng.

Với Kiều, Người con gái "sắc đành đòi một, tài đành họa hai", cuộc đời nàng con gian truân lận đận hơn nữa. Mối tình tuyệt đẹp giữa nàng và Kim Trọng, một văn nhân hào hoa, phong nhã, vừa mới chớm nở cũng là lúc nàng đau đớn dứt bỏ với tiếng gọi xé lòng :

Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây

Chỉ sau một cơn gia biến, vì sự vu oan trắng trợn của thằng bán tơ, vì "ba trăm lạng bạc việc này mới xong", mà nàng trở thành một món hàng để cho bọn buôn thịt bán người cò kè ngã giá:

Cò kè bớt một thêm hai

Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm

Người đọc đã không nén được xúc động trước nỗi đau khổ dằn vặt của người con gái liễu yếu đào tơ ấy "Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng". Nhưng đó chỉ mới mở đầu cho cả những chuỗi ngày đau khổ nhất cuộc đời nàng. Trong những chuỗi ngày ấy, nàng đã khóc không biết bao nhiêu lần. Từ tay Mã Giám Sinh, Kiều rơi vào tay Tú Bà, vốn nổi tiếng là mụ chủ của làng thanh lâu. Là con gái của gia đình Vương viên ngoại "Gia tư nghi cũng thường thường bậc trung", vốn có dòng dõi cao quý, là một cô gái con nhà gia giáo. Thúy Kiều không thể chấp nhận trở thành gái thanh lâu. Nàng đã chịu bao trận đòn tàn khốc của Tú Bà, sau cùng Tú Bà lại bày mưu thuê Sở Khanh lừa nàng để buộc nàng trở thành một cô gái lầu xanh thực thụ. Bắt đầu những ngày ảm đạm nhất trong cuộc đời của nàng Kiều. Từ một cô gái trinh trắng, đức hạnh, nàng trở thành món đồ cho bọn khách làng chơi. Nàng xót xa thay cho số phận mình.

Mặt sao dày gió dạn sương

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân

Không phải không có lúc dịp may đến với nàng. Nhưng đó là một chút ánh sáng lóe lên rồi chợt tắt ngấm khiến cho cuộc đời tối tăm của nàng tưởng hửng sáng nhưng rồi lại càng tối tăm mịt mù hơn. Ấy là nàng được Thúc Sinh một khách làng chơi hào phóng, ái mộ tài sắc của nàng chuộc nàng ra khỏi lầu xanh và cưới nàng làm vợ. Nhưng nàng lại rơi vào tay vợ cả của Thúc Sinh là Hoạn Thư, một tiểu thư con nhà quan, lại có thừa mưu mô xảo quyệt. Nàng đã bị tra tấn thật tàn nhẫn:

Làm cho cho mệt cho mê

Làm cho đau đớn ê chề cho coi

Quảng cáo

Hoạn Thư bày ra một cách thật ngang trái. "Ngay trong đêm hàn huyên của hai vợ chồng mụ, nàng đã phải đánh đàn, hầu rượu mua vui cho cả hai vợ chồng, để cho nàng đau đớn cả cõi lòng", "Người ngoài cười nụ" mà "người trong khóc thầm".

Đau khổ đến cùng cự, nàng đã định nương nhờ cửa Phật nhưng món nợ trần gian còn mãi đeo đẳng nàng. Nàng lại rơi vào lầu xanh lần thứ hai và lại được Từ Hải – vị anh hùng của cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình cứu ra khỏi lầu xanh. Cuộc hôn nhân của hai con người "trai anh hùng, gái thuyền quyên" đó đã tưởng được bền lâu. Cho đến khi công thành danh toại "Triều đình riêng một góc trời", đã báo ân báo oán, nàng lại rơi vào cái bẫy hiểm độc của Hồ Tôn Hiến khiến cho nàng vô tình tiếp tay cho kẻ giết chồng mình. Lúc đó Từ Hải chết cũng là lúc Kiều tắt hết niềm hi vọng. "Sống thừa tôi đã nên liều mình tôi". Ngay sau cái chết của chồng, nàng bị ép gảy đàn mua vui cho chiến thắng của chúng. Tên tổng đốc Hồ Tôn Hiến bỉ ổi làm nhục nàng, và khi chợt tỉnh hẳn đã không ngại gả nàng cho một viên thổ quan. Lần này nàng tự tử và lại được cứu thoát. Nàng may mắn trở về gặp gia đình, gặp lại người tình xưa nhưng đối với nàng, cuộc sống lứa đôi không còn ý nghĩa. Đó là niềm an ủi cuối cùng của nàng Kiều như một lời nhận xét của nhà phê bình văn học. Đối với những người phụ nữ bình dân, thân phận của họ cũng không hạnh phúc. Bao người con gái đã chịu cảnh sống mà như chết trên cõi đời. Trẻ trung, có chồng nhưng sống như những góa phụ, thực chất họ chỉ là những đầy tớ không công, không hơn không kém. Hồ Xuân Hương có lần chua xót thốt lên:

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Người con gái trong xã hội phong kiến không được quyền định đoạt bất kì một vấn đề gì. Thông qua hình tượng chiếc bánh trôi bập bềnh, trôi nổi. Hồ Xuân Hương đã nói đến cuộc sống cũng như đức hạnh của người phụ nữ:

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Như chiếc bánh trôi nước, thân phận người phụ nữ tùy thuộc vào bàn tay của người khác, họ đành cam chịu số phận đã sắp đặt sẵn và cố giữ lấy cho mình một phẩm chất tốt đẹp đó là tấm lòng kiên định trong sáng.

Phản ánh những bi thảm của người phụ nữ, các nhà văn nhân đạo không thể giấu nổi tình cảm xót xa, đau đớn của mình. Nhiều khi tác giả đóng vai trò người ngoài cuộc nhưng cũng không thể không bộc lộ những cảm xúc:

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Với nàng Kiều người con gái được coi là biểu tượng của một nỗi đau khổ. Nguyễn Du dành cho tình cảm đặc biệt. Ông cũng nức nở như nàng khi mối tình đầu của nàng tan vỡ, cũng đau đớn khi những lằn roi quất lên làn da thịt nàng, cũng bao đêm cùng nàng thao thức: "Đĩa dầu vơi, nước mắt đầy, năm canh" Tình yêu thương con người đã khiến nàng vượt lên chính bản thân mình. Sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc ở một chừng mực nào đó, ông cũng là đại diện cho từng lớp quý tộc phong kiến, nhưng ông đã thẳng thừng lên án bọn quan lại, những kẻ gây lên cuộc đời đau khổ cho nàng Kiều. Đối với những phường buôn thịt, bán người ông chủ trương trừng trị đích đáng tội ác của chúng ngay tại kiếp này, chứ không cho đến kiếp sau.

Hồ Xuân Hương và một số nhà thơ khác cũng có thái độ tương tự. Chưa bao giờ cuộc sống gia đình và hạnh phúc riêng tư được đề cập đến nhiều như giai đoạn này. Thông qua hình ảnh một người phụ nữ chịu kiếp làm lẽ hẩm hiu, khao khát hạnh phúc. Hồ Xuân Hương đã nói lên tiếng nói đòi quyền được hưởng hạnh phúc, được sống trong mái ấm gia đình của người phụ nữ. Mặt khác bà cũng lột trần bộ mặt của những kẻ được gọi là văn nhân, tài tử trong xã hội phong kiến, chúng mang bộ mặt đạo đức giả luôn tỏ ra cao đạo nhưng thực chất là những kẻ dâm ô nhất. Lên tiếng đòi quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của người phụ nữ, đồng thời các nhà văn, nhà thơ cũng lên tiếng đả phá chế độ đa thê đã từng chôn vùi cuộc sống của nhiều cô gái trẻ. Đó là dấu hiệu của sự rạn nứt ý thức hệ phong kiến nặng nề đã tồn tại từ bao đời nay.

Viết về người phụ nữ là một sự tiến bộ vượt bậc của các tá giả văn học cổ Việt Nam. Khi phản ánh số phận của những người phụ nữ bất hạnh, các nhà văn đã không khỏi băn khoăn và tìm đến cách lý giải những nỗi khổ của người phụ nữ không tránh khỏi những sai lệch. Nguyễn Du đã lý giải nỗi đau khổ của nàng Kiều là bởi "tài mệnh tương đồ", vì "trời xanh quen thói má hồng đánh ghen" "Ông trời một thế lực tối cao vô hình vốn ghen ghét đối với những người đàn bà đẹp. Nhưng bằng hiện thực tác phẩm, Nguyễn Du đã lý giải, những kẻ đê tiện, bỉ ổi từng hãm hại cuộc đời nàng Kiều đã hiện lên rất thực rất sinh động. Từ tên bán tơ xảo quyệt, mụ Tú Bà buôn thịt bán người hay tên quan xử vụ kiện họ Vương ăn đút lót "Có ba trăm lạng việc này mới xong", tới tên tổng đốc trọng thần dâm ô, bỉ ổi Hồ Tôn Hiến ... cả xã hội hỗn loạn đó đã vùi dập cuộc đời nàng Kiều chứ không phải ai khác. Một thế lực tuy vo hình nhưng vô cùng tàn bạo cũng là nguyên nhân dẫn đến khổ đau của người phụ nữ. Đó là thế lực của đồng tiền. Đồng tiền làm đảo lộn mọi người phụ nữ. Đó là thế lực của đồng tiền. Đồng tiền làm đảo lộn mọi sinh hoạt của xã hội. Chẳng thế mà đã bao lần nhà thơ đau đớn thốt lên:

- Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền

- Tiền lưng đã có việc gì chẳng xong

Những hủ tục phong kiến như nam quyền, chế độ đa thê cũng tạo nên đau khổ cho người phụ nữ. Đứng trước nỗi đau đớn ấy, nhiều nhà văn không thể né tránh trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Văn học thời kỳ này đã góp cho nền văn học Việt Nam một trào lưu văn học nhân đạo cao cả với nhiều tác phẩm có giá trị. Đó cũng là khởi đầu cho mọi trào lưu nhân đạo sau này.

Nhưng tác phẩm văn học đó cho ta thấy lại cả một quãng đời đau thương, tủi nhục của cả một tầng lớp người xưa trong xã hội và nỗi cảm thương sâu sắc với họ, của những nhà văn nhân đạo. Đó là những tác phẩm nghệ thuật chân chính cần được gìn giữ và lưu truyền.

Phân tích Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong văn học trung đại - mẫu 3

Trong bất cứ thời đại nào, người phụ nữ vẫn luôn đóng vai trò quan trọng đối với xã hội loài người. Tuy nhiên, đã có những giai đoạn người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi, không được đối xử công bằng, trong đó chúng ta không thể không nhắc đến hình ảnh người phụ nữ thời trung đại qua góc nhìn văn học. Người phụ nữ trong xã hội trung đại tuy đã có nhiều sự đổi mới nhưng vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của người phụ nữ phong kiến. Họ vẫn là những người có đầy đủ công - dung - ngôn - hạnh, vẫn bị phụ thuộc vào số phận và chịu nhiều bất hạnh, tổn thương. Nhưng họ cũng là những người có ngoại hình xinh đẹp và là những con người tài giỏi, có nhiều tài lẻ không thua kém bất cứ ai. Người phụ nữ trong xã hội trung đại luôn nhận được sự yêu thương, đồng cảm, thậm chí là xót xa của bao thế hệ bạn đọc cũng như tác giả. Họ là nguồn cảm hứng bất tận cho những tác phẩm thơ văn. Hình ảnh người phụ nữ trung đại đã được nhiều nhà thơ, nhà văn tái hiện lại qua nhiều tác phẩm văn học. Nổi bật trong số đó là hình ảnh Vũ Nương, Thúy Kiều hay chính cuộc đời của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương. Vũ Nương được biếtđến là một người vợ, người mẹ xinh đẹp, đảm đang, một lòng một dạ yêu chồng thương con, chăm lo vun vén cho nhà chồng nhưng lại bị chồng hiểu lầm cho là nàng không chung thủy dẫn đến cái chết đầy oan uổng. Hay Thúy Kiều là cô gái tài sắc vẹn toàn hiếm thấy nhưng lại sống một cuộc đời long đong, lận đận, chịu nhiều biến cố, tổn thương, nhiều lần bị bán vào lầu xanh,… khiến người đọc không khỏi đau xót. Hoặc chính cuộc đời của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương: bà là tiếng nói mạnh mẽ của người phụ nữ lúc bấy giờ, khi chịu tổn thương với đường tình duyên hẩm hiu nhưng đã dám đứng lên bộc bạch tâm tư của mình, mang hình ảnh, ước mơ của người phụ nữ đi vào thơ văn để lại nhiều giá trị cả về nghệ thuật lẫn nội dung. Với những nhân vật này, chúng ta hiểu thêm phần nào về những thiệt thòi, mất mát mà người phụ nữ phải gánh chịu. Sống trong thời hiện đại ngày nay, chúng ta càng phải trân trọng và biết ơn nhiều hơn nữa sự hi sinh to lớn của những người phụ nữ quanh mình.

Phân tích Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong văn học trung đại - mẫu 4

(1) Người phụ nữ mang vẻ đẹp về ngoại hình, tài năng, nhân cách

Hình ảnh của người phụ nữ trong văn học thời Trung đại được thể hiện với vẻ đẹp, tài năng và phẩm cách đầy thu hút. Trong tác phẩm của Nguyễn Dữ, nhân vật Vũ Nương được tác giả mô tả rất tôn trọng qua những lời giới thiệu đầy thiện cảm: "Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp." Chính nhờ vào những đặc điểm đẹp của Vũ Nương mà Trương Sinh đã yêu mến nàng và "xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về." Từ lời giới thiệu của tác giả, ta có thể cảm nhận được vẻ đẹp của Vũ Nương mang sự thuần khiết, trong sáng, như một biểu tượng, một mẫu hình của vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ trong tư tưởng của dân tộc.

Khi đến với bài thơ của Hồ Xuân Hương, hình ảnh người phụ nữ trong văn học Trung đại lại được mô tả bằng những nét vẽ hoàn mỹ, tràn đầy sức sống: "Thân em vừa trắng lại vừa tròn." Chỉ với hai từ "trắng" và "tròn," nữ sĩ Xuân Hương đã khéo léo vẽ nên một bức chân dung của người phụ nữ với vẻ đẹp hoàn hảo, đầy đặn. Trong một tác phẩm khác, bà tiếp tục tái hiện nét đẹp tươi sáng, trong trắng của người con gái, không cần biết bao nhiêu tuổi, nhưng vẫn toát lên vẻ xuân sắc:

“Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình?

Chị cũng xinh mà em cũng xinh

Đôi lứa như in tờ giấy trắng

Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh.”

(“Đề nhị mỹ nhân đồ” – Hồ Xuân Hương)

Khi đề cập đến tài năng miêu tả vẻ đẹp chân dung, không thể bỏ qua Nguyễn Du. Thông qua những dòng mở đầu, ông đã vẽ nên hai nhân vật Thúy Vân và Thúy Kiều. Điều này làm cho đại thi hào Nguyễn Du trở thành người để lại tuyệt phẩm về vẻ đẹp. Vân đã rạng ngời:

“Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”

Kiều lại càng thêm bừng sáng:

“Kiều càng sắc sảo mặn mà,

So bề tài sắc lại là phần hơn:

Làn thu thủy, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.”

Không chỉ nổi bật về ngoại hình, những nhân vật nữ trong văn học Trung đại còn ghi dấu ấn về phẩm cách và tài năng, tạo nên một hình ảnh hoàn thiện về người phụ nữ. Ví dụ, trong lời giới thiệu về Vũ Nương, tác giả đã không chỉ nhấn mạnh vẻ đẹp bề ngoại mà còn giới thiệu về tính cách đáng kính của Vũ Nương trước khi đề cập đến "tư dung tốt đẹp" của cô ấy.

Trong tác phẩm "Bánh trôi nước," hình ảnh của người phụ nữ trong văn học Trung đại hiện lên với phẩm cách vượt trội, lòng trung thành và sự kiên định, như được thể hiện qua câu thơ: "Mà em vẫn giữ tấm lòng son." Nét đẹp của những người phụ nữ này thường đi đôi với tài năng, và Thúy Kiều chính là một trong những gương mặt tiêu biểu của sự hoàn hảo, với tài năng bao gồm cả âm nhạc, thi ca, và hội họa.

“Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.

Cung thương làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.”

(2) Người phụ nữ chịu nhiều bi kịch, đắng cay của cuộc đời

Hình ảnh của người phụ nữ trong văn học Trung đại thường phản ánh sự bi thảm trong cuộc sống, thể hiện qua khái niệm "hồng nhan bạc phận." Bất kể họ có ngoại hình xinh đẹp, tài năng, và có những phẩm chất cao quý, họ thường trở thành những nạn nhân của bi kịch cuộc đời, phải chịu đựng những khổ đau và thử thách khó khăn. Điều này là do xã hội thường coi nam giới trọng hơn và coi thường vai trò của phụ nữ. Trong hôn nhân, phụ nữ thường phải hi sinh và chấp nhận sống theo lẽ để tạo hạnh phúc cho gia đình. Tuy vậy, đối với họ, hạnh phúc thường chỉ là một khái niệm mỏng manh và không dễ dàng đạt được.

Những người phụ nữ này thấu hiểu rằng số phận bi thảm không chỉ của họ mà còn của nhiều phụ nữ khác khi họ phải sống trong xã hội ưa chuộng nam giới và kì thị phụ nữ. Thay vì trách móc những người phụ nữ khác, họ thường chỉ trích sự khắc nghiệt của quan niệm xã hội và lễ giáo:

“Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Năm chừng mười họa hay chăng chớ

Một tháng đôi lần có cũng không

Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng

Cầm bằng làm mướn mướn không công”

(“Lấy chồng chung” – Hồ Xuân Hương)

Nếu được chồng yêu thương, thì họ lại phải chịu cảnh xa cách, chia lìa bởi hoàn cảnh chiến tranh. Ngày tiễn biệt thấy sao đầy lưu luyến:

“Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.”

(“Chinh phụ ngâm” – Đặng Trần Côn)

(3) Người phụ nữ ý thức về phẩm giá của mình và có khát vọng vươn lên

Bất kể cuộc đời khắc nghiệt và bi kịch, những người phụ nữ trong văn học Trung đại luôn thể hiện ý thức sâu sắc về giá trị bản thân và khao khát sự tươi sáng trong tương lai. Họ không bao giờ từ bỏ hy vọng. Hình ảnh của những người phụ nữ này sáng lên qua tình huống của Thúy Kiều, khi cô bị đưa đến nhà chứa của Tú Bà, và phải chứng kiến cảnh "bướm lả ong lơi." Dù trong tình cảnh khó khăn, Thúy Kiều vẫn thể hiện sự đau xót cho bản thân và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

Giật mình mình lại thương mình xót xa.”

Và mặc cho lớp bùn hôi tanh có vùi dập, Kiều vẫn giữ vững tấm lòng sáng trong, tâm hồn thanh khiết:

“Mặc người mưa Sở mây Tần,

Những mình nào biết có xuân là gì.

Đòi phen gió tựa hoa kề,

Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.”

Còn người cung nữ nơi cung cấm, ý thức về thân phận, về phẩm giá đôi khi như có lúc như hóa thành hành động muốn tự tháo cũi sổ lồng để giải thoát cho bản thân:

“Đang tay muốn dứt tơ hồng,

Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra!”

Đó là những khát vọng và mong đợi, và thông qua những hành động này, phụ nữ đã tỏ ra kiên quyết và phản đối trước những thế lực tàn nhẫn, những kẻ đã cố tình đè nát hoài bão của họ, buộc họ phải trải qua những ngày tháng đau khổ và bi thương.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 9 hay khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH ĐỀ THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và sách dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 9 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 9Những bài văn hay lớp 9 đạt điểm cao.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.




Giải bài tập lớp 9 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên