(dễ nhớ, ngắn gọn)

Sơ đồ tư duy bài thơ Viếng lăng Bác (dễ nhớ, ngắn gọn)

Nhằm mục đích giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa được kiến thức, nội dung các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9, chúng tôi biên soạn bài viết Sơ đồ tư duy bài thơ Viếng lăng Bác dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ các nội dung như tìm hiểu chung về tác phẩm, tác giả, bố cục, dàn ý phân tích, bài văn mẫu phân tích, .... Hi vọng qua Sơ đồ tư duy bài thơ Viếng lăng Bác sẽ giúp học sinh nắm được nội dung cơ bản của bài thơ Viếng lăng Bác.

Sơ đồ tư duy bài thơ Viếng lăng Bác (dễ nhớ, ngắn gọn)

Quảng cáo

Bài giảng: Viếng lăng Bác - Cô Nguyễn Ngọc Anh (Giáo viên VietJack)

Sơ đồ tư duy bài thơ Viếng lăng Bác - mẫu 1

A. Sơ đồ tư duy bài thơ Viếng lăng Bác

1

Quảng cáo

B. Tìm hiểu bài thơ Viếng lăng Bác

I. Tác giả

- Viễn Phương (1928 – 2005) tên khai sinh là Phan Thanh Viễn, quê ở tỉnh An Giang.

- Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông hoạt động ở Nam Bộ, là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời chống Mỹ cứu nước.

- Thơ Viễn Phương tập trung khám phá, ngợi ca vẻ đẹp của nhân dân, đất nước trong công cuộc chiến đấu trường kì, gian khổ của dân tộc.

- Phong cách sáng tác: cảm xúc sâu lắng, thiết tha; giọng thơ nhỏ nhẹ, trong sáng; ngôn ngữ đậm đà màu sắc dân tộc.

II. Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Thể loại: thơ 8 chữ

2. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác

Năm 1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, đất nước thống nhất, lăng chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa khánh thành, tác giả ra thăm miền Bắc, vào lăng viếng Bác Hồ. Bài thơ “Viếng lăng Bác” được sáng tác trong dịp đó, và in trong tập “Như mây mùa xuân” (1978).

Quảng cáo

3. Bố cục

- K1,2: Cảm xúc khi ở trước lăng

- K3: Cảm xúc trước đoàn người vào lăng

- K4: Cảm xúc trước lúc ra về

4. Giá trị nội dung

Bài thơ thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác.

5. Giá trị nghệ thuật

Bài thơ có giọng điệu trang trọng và tha thiết, nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp và gợi cảm, ngôn ngữ bình dị mà cô đúc.

III. Dàn ý phân tích tác phẩm

1. Cảm xúc khi ở trước lăng

- Tình cảm chân thành giản dị, chân thành của tác giả Viễn Phương cũng chính là tấm lòng đau đáu thương nhớ Bác của người con miền Nam nói chung

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”

 + Câu thơ gợi ra tâm trạng xúc động của một người từ chiến trường miền Nam bao nhiêu năm mong mỏi bây giờ được ra lăng viếng Bác

 + Đại từ xưng hô “con” rất gần gũi, thân thiết, ấm áp tình thân mật, diễn tả tâm trạng của người con ra thăm cha sau nhiều năm mong mỏi

Quảng cáo

 + Cách nói giảm nói tránh, cùng việc sử dụng từ “thăm” để giảm nhẹ nỗi đau mất mát, cũng là cách nói thân tình của diễn tả tâm trạng mong mỏi của tác giả

- Hình ảnh hàng tre là hình ảnh ẩn dụ đa nghĩa

 + Với tính chất tượng trưng, hình ảnh hàng tre gợi lên những liên tưởng thân thuộc của hình ảnh làng quê, đất nước đã thành biểu tượng của dân tộc

 + Cây tre tượng trưng cho khí chất, tâm hồn, sự thẳng thắn, kiên trung của con người Việt Nam

 + Từ “Ôi” cảm thán, biểu thị niềm xúc động tự hào về phẩm chất ngay thẳng, mạnh mẽ của dân tộc ta

2. Sự thương nhớ của đoàn người khi vào lăng 

- Ở khổ thơ thứ hai tác giả tạo ra được cặp hình ảnh thực và ẩn dụ song đôi: mặt trời thiên nhiên rực rỡ và hình ảnh Người

 + Tác giả ẩn dụ hình ảnh mặt trời nói về Bác, người mang lại nguồn sống, ánh sáng hạnh phúc, ấm no cho dân tộc

- Hình ảnh dòng người đi trong thương nhớ, đây là hình ảnh thực diễn tả nỗi xúc động bồi hồi trong lòng tiếc thương kính cẩn của người dân khi vào lăng

- Hình ảnh thể hiện sự kết tinh đẹp đẽ “kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”

 + Đoàn người vào viếng Bác là hình ảnh thực, đây còn là hình ảnh ẩn dụ đẹp đẽ, sáng tạo của nhà thơ: cuộc đời của dân tộc ta nở hoa dưới ánh sáng cách mạng của Bác

 + Bảy mươi chín mùa xuân: là hình ảnh hoán dụ chỉ số tuổi của Bác, cuộc đời Bác tận hiến cho sự phát triển của đất nước dân tộc

- Niềm biết ơn thành kính dần chuyển sang sự xúc động nghẹn ngào khi tác giả nhìn thấy Bác

+ Ánh sáng dịu nhẹ trong lăng gợi lên sự liên tưởng thú vị: “vầng trăng sáng dịu hiền”

 + Những vần thơ của Bác luôn gắn chặt với ánh trăng, hình ảnh “vầng trăng” gợi lên niềm xúc động, và khiến ta nghĩ tới tâm hồn thanh cao của Bác

 + Ở Người là sự hòa quyện giữa sự vĩ đại thanh cao với sự giản dị gần gũi

- Nhà thơ xúc động, đau xót trước sự ra đi mãi mãi của Người:

 + Dù Người ra đi, nhưng sự ra đi đó hóa thân vào thiên nhiên, vào dáng hình xứ sở, giống như Tố Hữu có viết “Bác sống như trời đất của ta”

 + Nỗi lòng “nghe nhói ở trong tim” của tác giả chính là sự quặn thắt tê tái trong đáy sâu tâm hồn khi đứng trước di hài của Người, đó chính là sự rung cảm chân thành của nhà thơ.

3. Cảm xúc khi rời lăng của nhà thơ

- Cuộc chia ly lưu luyến bịn rịn, thấm đẫm nước mắt của tác giả

+ Mai về miền Nam thương trào nước mắt: như một lời giã từ đặc biệt, lời nói diễn tả tình cảm sâu lắng, giản dị

+ Cảm xúc “dâng trào” nỗi luyến tiếc, bịn rịn, không muốn xa rời

+ Ước nguyện chân thành muốn được hóa thân thành “chim”, cây tre”, “đóa hoa” để được ở gần bên Bác

+ Điệp từ “muốn làm” diễn tả trực tiếp và gián tiếp tâm trạng lưu luyến của nhà thơ

- Hình ảnh cây tre kết thúc bài thơ như một cách kết thúc khéo léo, hình ảnh cây tre trung hiếu được nhân hóa mang phẩm chất trung hiếu như con người

+ “Cây tre trung hiếu” mang bản chất của con người Việt Nam trung hiếu, thẳng thắn, bất khuất đó cũng là sự tự hứa sống có trách nhiệm với sự nghiệp của Người.

⇒ Chủ thể “con” đến đây không xuất hiện thể hiện ước nguyện này không phải của riêng tác giả mà là của tất cả mọi người, của dân tộc ta đối với Bác.

IV. Bài phân tích

   Mỗi khi nghĩ về Bác Hồ, mỗi người trong chúng ta đều có cho mình những cảm xúc riêng. Sẽ có không ít người rơi lệ mỗi khi nghĩ về Bác, cả cuộc đời Người đã dành trọn vẹn cho non sông, gấm vóc. Khi Người ra đi, không chỉ có nhân dân Việt Nam mà nhân dân trên thế giới cũng vô cùng tiếc thương. Nhà thơ Viễn Phương, một người con của miền Nam xa xôi trong một lần ra thủ đô Hà Nội viếng thăm lăng Bác đã không thể giấu nổi sự xúc động của mình và đã viết nên bài thơ Viếng lăng Bác.

   Bài thơ được sáng tác năm 1976 tại một thời điểm rất đặc biệt. Đây là năm đánh dấu sự kiện lăng Bác được hoàn thành và những người con miền Nam trong đó có Viễn Phương, lần đầu được đến thăm, gặp gỡ người cha già của cả dân tộc. Với bốn khổ thơ tự do, một chỉnh thể không quá dài nhưng tất cả là kết tinh cho niềm yêu, nỗi nhớ, sự kính trọng khôn cùng của người con miền Nam dành cho Bác. 

   Cảm xúc chủ đạo của bài thơ Viếng lăng Bác chính là nỗi xúc động và lòng thành kính của một người con Việt Nam dành cho vị cha già dân tộc. Đây không phải cảm xúc riêng của tác giả mà tác giả đã nói chung cho cả dân tộc Việt. Lần đầu được đặt chân tới lăng Bác, nhà thơ không khỏi xúc động. Những câu thơ bật lên đầy tha thiết. Câu thơ mở đầu như một lời chào, một lời tự sự của nhà thơ đối với Bác:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Ngay từ câu thơ đầu tiên thì khi từ chiến trường miền Nam, nhà thơ Viễn Phương cũng đã mang theo trong mình với biết bao tình cảm thắm thiết của đồng bào và chiến sĩ ra viếng lăng Bác Hồ kính yêu. Cách mà nhà thơ xưng hô một tiếng con nghe mới thật thân thương và gần gũi làm sao. Nó khiến cho người đọc có cảm giác như con và Bác có mối quan hệ máu thịt. Phải, đối với mỗi người Việt Nam thì “Người là cha, là bác, là anh”. Nỗi xúc động vẫn tiếp tục dâng lên trong lòng tác giả khi nhìn thấy những hàng tre xanh rì rào trong gió. Hàng tre xanh xanh Việt Nam, hàng tre biểu tượng cho nhân dân, cho sự kiên cường của một dân tộc quật khởi đã đánh bại rất nhiều kẻ thù. Từ xa, nhà thơ đã nhìn thấy hàng tre ẩn hiện trong sương khói trên quảng trường Ba Đình lịch sử. Khi mà màn sương trong câu thơ gợi lên một không khí thiêng liêng gợi một miền cổ tích xa xưa. Cây tre với dáng đứng thẳng cũng vô cùng quen thuộc với chúng ta và đặc biệt cây tre lại còn có đặc tính đứng thẳng, sống được ở nơi đất sỏi và đất bạc màu nữa. Hình ảnh hàng tre như tượng trưng cho sự cần cù, chịu thương chịu khó của người nông dân của con người Việt Nam. Viễn Phương cũng thật tài tình khi ông cũng đã miêu tả cảnh quan (phía ngoài) lăng Bác, nhà thơ lúc này đây thật tinh tế khi ông tạo nên những suy nghĩ sâu sắc về phẩm chất tốt đẹp của nhân dân ta. Với khổ thơ tiếp theo nói về Bác. Bác Hồ cũng chính là một người con ưu tú của dân tộc và nói như Phạm Văn Đồng thì Bác là tinh hoa và khí phách của nhân dân Việt Nam.

   Vẫn tiếp tục với mạch cảm xúc kính yêu dành cho Bác, nhà thơ Viễn Phương đã liên tưởng tới hình ảnh mặt trời. Bầu trời rộng lớn ngoài kia có một mặt trời, đó là mặt trời của tự nhiên vẫn ngày ngày chiếu sáng cho trái đất. Và đây, chúng ta cũng có một mặt trời của riêng mình, đó chính là Bác:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Hình ảnh ẩn dụ mặt trời càng khiến cho người đọc thấy được tấm lòng của nhà thơ dành cho Bác. Ví Bác như mặt trời, ý của nhà thơ đang muốn nói đến cuộc đời Bác đã chiếu soi cho dân tộc Việt Nam và cũng như mặt trời kia Bác sẽ tồn tại vĩnh hằng, sẽ sống mãi trong lòng người Việt Nam. Đó cũng là lý do vì sao mà mỗi ngày có hàng ngàn người tới đây để viếng thăm lăng Bác.  Để có thể hòa nhập vào “dòng người” đến lăng viếng Bác, lúc này đây thì nhà thơ xúc động bồi hồi rồi thành kính cũng như nghiêm trang. Dòng người lúc này đây cũng như đang nối tiếp nhau đi viếng lăng Bác chẳng khác nào những tràng hoa có muôn sắc để có thể bày tỏ được lòng biết ơn, sự thành kính của nhân dân đối với Bác Hồ vĩ đại:

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.

Điệp từ ngày ngày cho chúng ta cảm nhận được sự liên tục, sự tiếp diễn và dường như không có hồi kết. Những con người tới đây, mang theo những tràng hoa để dâng lên bảy mươi chín mùa xuân. Hình ảnh ẩn dụ bảy mươi chín mùa xuân tác giả dùng để nói về Bác. Cả cuộc đời 79 tuổi xuân của mình Bác đã dành để cống hiến trọn vẹn cho đất nước. Tràng hoa ở đây không chỉ là những tràng hoa theo nghĩa đen mà nó còn là những thành quả mà người dân đã đạt được nay đem dâng lên Người, báo cáo thành tích đối với Người. Viễn Phương thật tài tình biết bao nhiêu như cũng đã sử dụng từ “dâng” như cũng đã lại chứa đựng bao tình cảm, bao tình nghĩa. Nhà thơ Viễn Phương không nói “bảy chín tuổi” mà lại nói rằng “bảy mươi chín mùa xuân” có thể nhận thấy được đây chính là một cách nói rất thơ nữa.

   Bước từ phía ngoài vào trong lăng Bác, nhà thơ trào dâng một nỗi niềm xúc động khi nhìn thấy Bác đang nằm yên giấc ngủ:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim

Nói về sự vĩnh hằng bất diệt của Bác, Bác như chỉ đang nằm ngủ một giấc ngủ vô cùng bình yên trong một khung cảnh thơ mộng. Bác vốn yêu trăng lắm, nhà thơ Viễn Phương bằng những cảm thấy “Bác yên ngủ” một cách thanh thản ở giữa một vầng trăng dịu hiền. Khi nhìn thấy Bác ngủ mà nhà thơ đau đớn, xúc động. Độc giả khi đọc thấy câu thơ “mà sao nghe nhói ở trong tim” diễn tả sự đau đớn, như quặn thắt và tiếc thương đến cực độ. Tác giả Viễn Phương dường như cũng lại có một lối viết hàm súc, đầy thi vị và có những câu chữ để lại nhiều ám ảnh trong lòng người đọc. Ở khổ thơ này, nhà thơ Viễn Phương đã so sánh Bác với trời xanh để nói lên sự trường tồn vĩnh hằng của Bác. Trời xanh là mãi mãi đấy nhưng cũng khiến người ta xa xót. Đó là một cảm giác nhói đau ở trong tim. Từ nỗi đau ấy, nhà thơ không muốn xa Bác, không muốn rời chân khỏi nơi này. Vì vậy mà ở khổ thơ cuối cùng nhà thơ đã muốn hoá thân thành chim, thành hoa, thành cây tre để được ở mãi bên lăng Bác:
Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này

Điệp ngữ “muốn làm” khiến cho nhịp thơ nhanh, dồn dập, giúp tác giả thể hiện được khát vọng mãnh liệt của mình. Khát vọng đó được bộc lộ qua những hình ảnh thơ vừa đẹp vừa gợi cảm “con chim hót”, “đóa hoa tỏa hương”, “cây tre trung hiếu” tất cả để làm đẹp cho nơi Bác nằm, cũng như tác giả muốn dâng lên Bác những gì tinh hoa nhất của mình để Bác bình yên, thanh thản trong giấc ngủ ngàn thu. Các từ “đâu đây”, “trong lăng”, “chốn này” càng nhấn mạnh thêm cái ước mơ của tác giả được ở mãi bên Bác, lưu luyến không muốn rời. Sự khát khao này của nhà thơ cũng là khát khao chung của rất nhiều người, bởi vì Ta bên người, người tỏa sáng bên ta, /Ta bỗng lớn ở bên người một chút. Viễn Phương cũng cảm nhận được điều đó khi được ở bên Bác Hồ. Ấn tượng nhất trong khổ cuối là hình ảnh “cây tre trung hiếu”, cây tre này khiến cho chúng ta nhớ lại hình ảnh “hàng tre” ở đầu bài thơ. Hai hình ảnh “hàng tre” và “cây tre trung hiếu” đã làm nên kết cấu đầu cuối tương ứng rất chặt chẽ. Nếu như mỗi người là một cây tre trung hiếu thì cả dân tộc sẽ là hàng tre trung hiếu với Bác. Tác giả nhắc lại một lần nữa hình ảnh “cây tre” để nhấn mạnh tình cảm gắn bó, trung thành với Bác, nguyện suốt đời thực hiện lý tưởng của người và đây cũng chính là ước nguyện của cả dân tộc. Theo bước chân của nhà thơ Viễn Phương từ khi đến lăng cho tới khi ra về chúng ta nhận ra được dòng cảm xúc của nhà thơ thể hiện một cách liền mạch và càng lúc càng phát triển. Nỗi đau cứ được dâng cao và đến khổ cuối thì dâng lên tới đỉnh điểm, nỗi đau ấy cũng chính là tiếng lòng của tất cả người dân Việt Nam. Tác giả chưa bao giờ có ước muốn sẽ làm điều gì đó cao cả, kỳ vĩ mà chỉ là “con chim hót”, “đóa hoa tỏa hương” mà thôi, đó là những hình ảnh vô cùng nhỏ bé, bình dị nhưng đó là tất cả những gì tác giả muốn, miễn sao được ở bên Bác.

   Với hình ảnh “cây tre” ở khổ đầu là hình ảnh bất khuất, kiên cường thì đến khổ thơ cuối này hình ảnh “cây tre trung hiếu chốn này” là hình ảnh nghệ thuật nhân hóa, đó là tấm lòng thành kính, trung thành của tác giả dâng lên Bác, hay nói rộng ra đó là tình cảm của toàn dân tộc kính dâng lên người.

   Nếu như ở mấy khổ trên đại từ nhân xưng, chủ thể nói tới là tác giả, là “con” thì ở khổ cuối chủ thể đó bị ẩn đi, không phải tác giả không nhắc tới nữa mà lúc này chủ thể là tất cả người con Việt Nam chứ không riêng gì tác giả nữa. Khổ cuối khép lại đó là cảm giác chia tay, xa cách về không gian địa lý, thời gian nhưng nó lại gần gũi trong ý chí và tình cảm, lòng trung hiếu.

   Bài thơ Viếng lăng Bác, bài thơ ngắn mà ý thơ, hình tượng thơ, cảm xúc thơ sâu lắng. Nhà thơ Viễn Phương đã chọn thể thơ mỗi câu tám chữ, trong mỗi khổ bốn câu, toàn bài bốn khổ – một sự cân đối và vô cùng hài hòa để biểu hiện một giọng điệu thơ nghiêm trang, kính cẩn với Bác. Thực sự đây là một bài thơ hay, một bài ca ngân vang ca ngợi về Bác Hồ và thể hiện được một nỗi niềm của chính nhà thơ với Bác.

V. Một số lời bình về tác phẩm

Bài thơ tả lại một ngày ra thăm lăng Bác, từ sáng sớm tinh sương đến trưa, đến chiều. Nhưng thời gian trong tưởng niệm là thời gian vĩnh viễn của vũ trụ, của tâm hồn. Cả bài thơ bốn câu, khổ nào cũng dâng trào một niềm thương nhớ bao la và xót thương vô hạn. Bốn khổ thơ, khổ nào cũng đầy ắp ẩn dụ đẹp và trang nhã, thể hiện sự thăng hoa của tình cảm cao cả, nâng cao tâm hồn con người. Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương là một đóng góp quý báu vào kho tàng thi ca viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại, kính yêu của dân tộc.

(Theo Trần Đình Sử, Đọc văn học văn)

Sơ đồ tư duy bài thơ Viếng lăng Bác - mẫu 2

Sơ đồ tư duy bài thơ Viếng lăng Bác (dễ nhớ, ngắn gọn)

Sơ đồ tư duy bài thơ Viếng lăng Bác - mẫu 3

Sơ đồ tư duy bài thơ Viếng lăng Bác (dễ nhớ, ngắn gọn)

Sơ đồ tư duy bài thơ Viếng lăng Bác - mẫu 4

Sơ đồ tư duy bài thơ Viếng lăng Bác (dễ nhớ, ngắn gọn)

Sơ đồ tư duy bài thơ Viếng lăng Bác - mẫu 5

Sơ đồ tư duy bài thơ Viếng lăng Bác (dễ nhớ, ngắn gọn)

Sơ đồ tư duy bài thơ Viếng lăng Bác - mẫu 6

Sơ đồ tư duy bài thơ Viếng lăng Bác (dễ nhớ, ngắn gọn)

Sơ đồ tư duy bài thơ Viếng lăng Bác - mẫu 7

Sơ đồ tư duy bài thơ Viếng lăng Bác (dễ nhớ, ngắn gọn)

Xem thêm sơ đồ tư duy của các tác phẩm, văn bản lớp 9 hay, chi tiết khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, KHÓA HỌC DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và khóa học dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 9 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 9Những bài văn hay lớp 9 đạt điểm cao.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên