Trắc nghiệm Địa Lí 10 Bài 20 năm 2024 (có đáp án)

Trắc nghiệm Địa Lí 10 Bài 20 năm 2024 (có đáp án)

Để giúp học sinh có thêm tài liệu tự luyện môn Địa Lí lớp 10 năm 2021 đạt kết quả cao, chúng tôi biên soạn Trắc nghiệm Địa Lí 10 Bài 20 có đáp án mới nhất gồm các câu hỏi trắc nghiệm đầy đủ các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.

BÀI 20: LỚP VỎ ĐỊA LÍ. QUY LUẬT THỐNG NHẤT VÀ HOÀN CHỈNH CỦA LỚP VỎ ĐỊA LÍ

Câu 1: Lớp vỏ địa lí (lớp vỏ cảnh quan) bao gồm

A. Toàn bộ vỏ trái đất

B. Vỏ trái đất và khí quyển bên trên

C. Toàn bộ các địa quyển

D. Các lớp vỏ bộ phận xâm nhập và tác động lẫn nhau.

Lời giải:

Lớp vỏ địa lí ( lớp vỏ cảnh quan ) bao gồm các lớp vỏ bộ phận xâm nhập và tác động lẫn nhau.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 2: Giới hạn trên của lớp vỏ địa lí là

A. Giới hạn trên của tầng đối lưu trong khí quyển.

B. Giới hạn dưới của lớp ôdôn trong khí quyển.

C. Giới hạn trên của tầng bình lưu trong khí quyển.

D. Toàn bộ khí quyển của trái đất.

Lời giải:

Giới hạn trên của lớp vỏ địa lí là giới hạn dưới của lớp ôdôn trong khí quyển.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 3: Giới hạn dưới của lớp vỏ địa lí ở đại dương là: 

A. Đáy thềm lục địa

B. Độ sâu khoảng 5000m

C. Độ sâu khoảng 8000m

D. Đáy vực thẳm đại dương

Lời giải:

Giới hạn dưới của lớp vỏ địa lí ở đại dương là đáy vực thẳm đại dương 

Đáp án cần chọn là: D

Câu 4: Giới hạn dưới của lớp vỏ địa lí ở lục địa là:

A. Đáy của lớp vỏ Trái Đất.

B. Đáy của lớp vỏ phong hóa.

C. Đáy của tầng trầm tích.

D. Đáy của tầng bazan.

Lời giải:

Giới hạn dưới của lớp vỏ địa lí ở lục địa là đáy của lớp vỏ phong hóa. 

Đáp án cần chọn là: B

Câu 5: Nguyên nhân tạo nên sự thống nhất và hoàn chỉnh của lớp vỏ địa lí là

A. Lớp vỏ địa lí được hình thành với sự góp mặt từ thành phần của tất cả các địa quyển.

B. Lớp vỏ địa lí là một thể liên tục, không cắt rời trên bề mặt trái đất.

C. Các thành phần của lớp vỏ địa lí luôn xâm nhập vào nhau, trao đổi vật chất và năng lượng với nhau.

D. Các thành phần và toàn bộ lớp vỏ địa lí không ngừng biến đổi.

Lời giải:

Mỗi thành phần của lớp vỏ địa lí đều đồng thời chịu tác động trực tiếp hay gián tiếp của nội lực và ngoại lực, vì thế chúng không tồn tại và phát triển một cách cô lập. Các thành phần của lớp vỏ địa lí luôn xâm nhập vào nhau, trao đổi vật chất và năng lượng với nhau.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 6: Đâu là tác động tiêu cực của con người tới các thành phần tự nhiên?

A. Con người chặt phá rừng bừa bãi.

B. Bón phân, cày xới đất.

C. Trồng rừng ngập mặn ven biển.

D. Phát triển mô hình nông – lâm kết hợp.

Lời giải:

Con người chặt phá rừng bừa bãi ⇒ là tác động tiêu cực của con người tới sinh quyển, thổ nhưỡng quyển (diện tích rừng thu hẹp làm mất nơi cư trú của động vật và xói mòn sạt lở đất.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 7: Về đặc điểm của lớp vỏ địa lí, nhận định nào dưới đây là chưa chính xác?

A. Tầng badan nằm trong giới hạn của lớp vỏ địa lí

B. Giới hạn trên của lớp vỏ địa lí là phía dưới của lớp ô - dôn

C. Lớp vỏ địa lí ở lục địa không bao gồm tất cả các lớp của vỏ lục địa

D. Trong lớp vỏ địa lí, các quyển có sự xâm nhập và tác động lẫn nhau

Lời giải:

- Giới hạn của lớp vỏ Trái Đất:

+ Là lớp vỏ cứng, độ dày từ 5 – 70km (ở lục địa).

+ Cấu tạo bởi các tầng đá khác nhau (thứ tự các tầng đá từ ngoài vào là: trầm tích, granit, badan)

- Giới hạn của lớp vỏ Địa lí là:

+ Trên: Phía dưới của lớp ô zôn.

+ Dưới: Đáy vực thẩm đại dương và đáy lớp vỏ phong hóa ở lục địa.

+ Chiều dày khoảng 30 - 35km.

⇒ Chiều dày lớp vỏ địa lí ở lục địa là đến hết lớp vỏ phong hóa

Như vậy, lớp vỏ địa lí ở lục địa không bao gồm tất cả các lớp của vỏ lục địa (không bao gồm tầng badan, trầm tích và lớp manti)

⇒ Nhận xét: Tầng badan nằm trong giới hạn của lớp vỏ địa lí là chưa chính xác

Đáp án cần chọn là: A

Câu 8: Nhận nào dưới đây chưa chính xác về quy luật thống nhất và hoàn chỉnh lớp vỏ địa lí?

A. Tất cả các thành phần của lớp vỏ địa lí đều đồng thời chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của ngoại lực và nội lực.

B. Trong tự nhiên, bất cứ lãnh thổ nào cũng gồm nhiều thành phần của lớp vỏ địa lí ảnh hưởng qua lại phụ thuộc nhau.

C. Lớp vỏ địa lí chỉ thay đổi khi tất cả các thành phần của nó có sự biển đổi.

D. Một thành phần của lớp vỏ địa lí biến đổi sẽ kéo theo sự biến đổi của tất cả các thành phần khác.

Lời giải:

Mỗi thành phần của lớp vỏ địa lí đều đồng thời chịu tác động trực tiếp hay gián tiếp của nội lực và ngoại lực, vì thế chúng không tồn tại và phát triển một cách cô lập. Các thành phần tự nhiên luôn có sự tác động qua lại và gắn bó mật thiết với nhau.

⇒ Khi một thành phần của của lớp vỏ địa lí biến đổi sẽ kéo theo sự biến đổi của tất cả các thành phần khác. 

⇒ Nhận xét C: Lớp vỏ địa lí chỉ thay đổi khi tất cả các thành phần của nó có sự biển đổi là chưa chính xác

Đáp án cần chọn là: C

Câu 9: Biểu hiện nào dưới đây không thể hiện qui luật thống nhất và hoàn chỉnh của lớp vỏ địa lí:

A. Nhiệt độ và độ ẩm lớn thúc đẩy quá trình phong hóa hình thành đất.

B. Gió thổi từ nơi có khí áp cao về nơi có khí áp thấp.

C. Rừng đầu nguồn bị mất làm cho chế độ nước sông trở nên thất thường.

D. Mùa lũ của sông diễn ra trùng với mùa mưa.

Lời giải:

Xét lần lượt các biểu hiện

- A. Nhiệt độ và độ ẩm lớn thúc đẩy quá trình phong hóa hình thành đất → khí quyển tác động lên thổ nhưỡng quyển

- C. Rừng đầu nguồn bị mất làm cho chế độ nước sông trở nên thất thường → sinh quyển tác động lên thủy quyển.

-  D. Mùa lũ của sông diễn ra trùng với mùa mưa → khí quyển tác động thủy quyển.

⇒ Các nhận xét A, C, D đều thể hiện mối quan hệ tác động giữa các quyển thành phần → Loại.

- B. Gió thổi từ nơi có khí áp cao về nơi có khí áp thấp là nguyên nhân hình thành gió xảy ra trong tầng khí quyển (do sự chênh lệch khí áp giữa các vùng làm cho không khí di chuyển từ vùng khí áp cao về vùng khí áp thấp ->sự di chuyển của khối không khí sinh ra gió)

⇒ Đây không phải là biểu hiện của quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của lớp vỏ địa lí.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 10: Đâu là biểu hiện về sự tác động của khí quyển tới thổ nhưỡng quyển

A. Mưa lớn, mang lại nguồn nước dồi dào thúc đẩy sinh vật phát triển xanh tốt.

B. Ở vùng xích đạo ẩm, lượng mưa lớn mang lại nguồn nước dồi dào cho các con sông.

C. Nhiệt độ, độ ẩm lớn thúc đẩy quá trình phá hủy đá và hình thành đất nhanh hơn.

D. Diện tích rừng đầu nguồn thu hẹp sẽ gia tăng các thiên tai lũ quét, sạt lở đất vùng núi.

Lời giải:

Khí quyển là lớp không khí bao quanh Trái Đất. Thổ nhưỡng quyển là lớp vật chất tơi xốp ở bề mặt lúc địa, đặc trưng bởi độ phì đất.

- Nhiệt độ, độ ẩm lớn thúc đẩy quá trình phá hủy đá và hình thành đất nhanh hơn.

⇒ Nhiệt độ, độ ẩm là đặc trưng của khí hậu → thuộc khí quyển; quá trình phân hủy đá và hình thành đất → thổ nhưỡng quyển.

⇒ Khí quyển ảnh hưởng đến quá trình hình thành thổ nhưỡng.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 11: Đâu là biểu hiện về sự tác động của sinh quyển tới thủy quyển?

A. Diện tích rừng giảm làm mất nơi cư trú của nhiều loài động vật.

B. Vùng ôn đới, vào mùa xuân băng tuyết tan cung cấp nước cho sông ngòi.

C. Lá cây phân hủy cung cấp chất hữu cơ cho đất trồng.

D. Rừng cây có vai trò giữ nguồn nước ngầm, hạn chế tình trạng khô hạn.

Lời giải:

Sinh quyển gồm toàn bộ động thực vật; thủy quyển gồm sông ngòi, ao hồ, biển, nước ngầm...

- Rừng cây có vai trò giữ nguồn nước ngầm, hạn chế tình trạng khô hạn.

⇒ Rừng cây (sinh quyển) có tác động bảo vệ nguồn nước ngầm (thủy quyển)

Đáp án cần chọn là: D

Câu 12: Ở vùng đồi núi, khi thảm thực vật rừng bị phá hủy, vào mùa mưa lượng nước chảy tràn trên mặt đất tăng lên và với cường độ mạnh hơn khiến đất bị xói mòn nhanh chóng . Trong tình huống trên, có sự tác động lẫn nhau của các thành phần nào trong lớp vỏ địa lí ?

A. Khí quyển, sinh quyển, thổ nhưỡng quyển.

B. Sinh quyển, khí quyển, thạch quyển.

C. Sinh quyển, thủy quyển, thổ nhưỡng quyển.

D. Sinh quyển, khí quyển, thạch quyển.

Lời giải:

- Thảm thực vật rừng bị phá hủy → sinh quyển

- Nước mưa chảy nhanh và mạnh hơn làm xói mòn đất → thủy quyển tác động lên thổ nhưỡng quyển.

⇒ Như vậy trong tình huống này, có sự tác động lẫn nhau của các quyển: sinh quyển, thủy quyển, thổ nhưỡng quyển.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 13: Vào mùa mưa, lượng nước mưa tăng nhanh khiến mực nước sông ngòi dâng cao . Sông trở nên chảy xiết ,tăng cường phá hủy các lớp đất đá ở thượng lưu . Con sông mang nặng phù sa đưa về bồi đắp cho các cánh đồng ở hạ lưu . Trong tình huống này, có sự tác động lẫn nhau của các thành phần nào trong lớp vỏ địa lí ?

A. Khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thổ nhưỡng quyển .

B. Thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển, thổ nhưỡng quyển.

C. Khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển.

D. Khí quyển, thủy quyển, thạch quyển, thổ nhưỡng quyển.

Lời giải:

- Vào mùa mưa → mưa là hiện tượng thời tiết liên quan đến khí hậu → thuộc khí quyển.

- Mưa lớn → làm tăng mực nước sông ngòi → tác động đến thủy quyển.

- Nước sông chảy xiết làm phá hủy đất đá → tác động đến thạch quyển.

- Sông vận chuyển phù sa bồi đắp nên các đồng bằng màu mỡ → thổ nhưỡng quyển.

⇒ Như vậy trong tình huống này, có sự tác động lẫn nhau của các quyển: khí quyển, thủy quyển, thạch quyển, thổ nhưỡng quyển.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 14: Hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản ở nước ta nếu không được chú ý đúng mức về vấn đề môi trường, sẽ có thể làm tổn hại đến những quyển thành phần nào sau đây?

A. Khí quyển, thạch quyển, thổ nhưỡng quyển, sinh quyển, thủy quyển.

B. Thạch quyển, thổ nhưỡng quyển, sinh quyển.

C. Thạch quyển, thổ nhưỡng quyển, sinh quyển, thủy quyển.

D. Khí quyển, thạch quyển, thổ nhưỡng quyển, thủy quyển.

Lời giải:

Khai thác và chế biến khoáng sản gồm các hoạt động: khai thác trực tiếp các mỏ khoáng sản lộ thiên hoặc ở lòng đất; sàng lọc chế biến khoáng sản (sàng lọc, nung đốt các mỏ quặng).

- Khai thác khoáng sản:

+ khai thác trực tiếp vào các mỏ quặng ở lòng đất → tạo thành các hố sâu khổng lồ, đường hầm trong lòng đất → tác động tới lớp đất đá phía dưới thuộc thạch quyển.

+ hoạt động đào sâu lòng đất đồng thời ảnh hưởng đến lớp phủ thực vật phía trên, làm thu hẹp diện tích rừng, mất nơi cư trú của nhiều loài động vật, đất đai dễ bị xói mòn rửa-> tác động đến sinh quyển, thổ nhưỡng quyển.

+ con người sử dụng nguồn nước sông để sàng lọc (than, đãi vàng, quặng…) đồng thời thải ra sông ngòi các chất độc hại làm ô nhiễm sông ngòi → tác động thủy quyển.

- Chế biến khoáng sản:  Sử dụng nhiệt năng (từ than, điện) đốt cháy quặng để tinh chế thành sản phẩm sắt, thép, vàng, đồng….-> quá trình này nếu không được xử lý đúng mức sẽ thải ra môi trường nhiều khí độc hại (C02, Nitơ…) và nước thải chứa chất độc vào sông ngòi đổ ra biển ⇒ tác động đến khí quyển, thủy quyển.

⇒ Như vậy, hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản ở nước ta nếu không được chú ý đúng mức về vấn đề môi trường, sẽ có thể làm tổn hại đến khí quyển, thạch quyển, thổ nhưỡng quyển, sinh quyển, thủy quyển

Đáp án cần chọn là: A

Xem thêm bộ câu hỏi trắc nghiệm Địa Lí lớp 10 chọn lọc, có đáp án khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 10

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 10 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên