Giải Lịch Sử 12 trang 53 Kết nối tri thức
Với Giải Lịch Sử 12 trang 53 trong Bài 8: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) Sử 12 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi & làm bài tập Lịch Sử 12 trang 53.
Giải Lịch Sử 12 trang 53 Kết nối tri thức
Câu hỏi trang 53 Lịch Sử 12: Khai thác thông tin và Tư liệu 2 trong mục, hãy phân tích ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Lời giải:
♦ Đối với Việt Nam
- Kết thúc 21 năm chiến đấu chống Mỹ, 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.
- Chấm dứt hoàn toàn ách thống trị của chủ nghĩa thực dân - đế quốc ở Việt Nam, trên cơ sở đó hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước.
- Mở ra kỉ nguyên mới của Việt Nam: kỉ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
♦ Đối với thế giới
- Tác động mạnh mẽ đến tình hình nước Mỹ và thế giới.
- Cổ vũ to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới nửa sau thế kỉ XX, đặc biệt là phong trào giải phóng dân tộc.
Luyện tập 1 trang 53 Lịch Sử 12: Lập sơ đồ tư duy thể hiện nội dung chính các giai đoạn phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Lời giải:
(*) Tham khảo sơ đồ sau:
Luyện tập 2 trang 53 Lịch Sử 12: Hãy nêu một số sự kiện tiêu biểu thể hiện bước phát triển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Lời giải:
- Một số sự kiện tiêu biểu thể hiện bước phát triển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam:
+ Thắng lợi của phong trào Đồng khởi (1959-1960) đã đánh dấu bước phát triển của cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.
+ Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) đã: buộc Mĩ phải “xuống thang” chiến tranh xâm lược; chuyển cách mạng miền Nam sang cục diện “vừa đánh - vừa đàm”
+ Sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969) đã: phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân miền Nam trong đấu tranh thống nhất đất nước; tạo thuận lợi để lực lượng cách mạng tăng cường đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.
+ Hiệp định Pa-ri về Việt Nam được kí kết (1973) đánh dấu: nhân dân Việt Nam đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mĩ cút”; đưa tới sự thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng Việt Nam
+ Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3/1975) đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước sang giai đoạn mới: từ tiến công chiến lược ở Tây Nguyên sang tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam.
+ Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4/1975) đã kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ và phát huy được thành quả của Cách mạng tháng Tám (1945-1975)
Vận dụng 1 trang 53 Lịch Sử 12: Hãy sưu tầm tư liệu từ sách, báo và internet, xây dựng bài giới thiệu (theo ý tưởng của em) về một trong hai chủ đề sau:
a) Về một sự kiện hoặc nhân vật lịch sử tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
b) Về một phong trào phản chiến, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược trên thế giới.
Lời giải:
(*) Lựa chọn: Thực hiện nhiệm vụ a)
(*) Tham khảo: Điện Biên Phủ trên không - Một đỉnh cao chiến thắng của văn hóa quân sự Việt Nam hiện đại
Chiến dịch Điện Biên Phủ với chiến thắng "lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (7-5-1954) đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm của quân và dân ta. Từ đó, Điện Biên Phủ trở thành một biểu tượng chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam thời hiện đại.
Và không phải ngẫu nhiên, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, báo chí và công luận đã mệnh danh chiến thắng của quân, dân ta đối với cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của chính quyền Richard Nixon vào Hà Nội, Hải Phòng tháng 12-1972 là Điện Biên Phủ trên không.
Đây là cuộc đụng đầu trực diện, mang ý nghĩa chiến lược của quân và dân ta với lực lượng không quân chiến lược vô cùng hiện đại và mạnh mẽ của Mỹ. Những phương tiện chiến tranh tối tân bậc nhất đã thất bại trước sức mạnh to lớn của ý chí Việt Nam, của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam. Sức mạnh ấy một phần được làm nên nhờ quân và dân ta đã bước vào cuộc chiến với tư thế sẵn sàng quyết chiến, tinh thần cảnh giác, vững vàng về tư tưởng.
I. NHÌN THẤU ÂM MƯU ĐỊCH, CHUẨN BỊ ĐÒN GIÁNG TRẢ
Cho đến tháng 10-1972, cuộc tiến công chiến lược của quân, dân ta ở miền Nam đã diễn ra hơn nửa năm và giành được một số thắng lợi to lớn, làm thay đổi cục diện chiến trường. Trên miền Bắc, kể từ tháng 4-1972, quân, dân ta đã đánh bại một bước quan trọng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của không quân và hải quân Mỹ; không ngừng tăng cường sức người, sức của vào tiền tuyến lớn, cùng quân, dân miền Nam phát triển cuộc tiến công chiến lược.
Paris, cuộc đàm phán giữa ta và Mỹ kéo dài đã bốn năm. Ngày 8-10-1972, Chính phủ ta đưa ra bản dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hai bên đã thỏa thuận hầu hết các nội dung trong văn kiện, ấn định ngày 20-10-1972 sẽ ký tắt tại Hà Nội và ngày 31-10-1972 sẽ ký chính thức tại Paris. Nhưng chính quyền Nixon cố tình dây dưa, muốn đợi qua cuộc bầu cử tổng thống, đồng thời chuẩn bị bước phiêu lưu quân sự mới, nhằm giành lại thế mạnh cả về quân sự và ngoại giao, ép ta phải nhân nhượng theo những điều kiện có lợi cho Mỹ.
Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong trận 12 ngày đêm
Phân tích những âm mưu và hành động của đối phương, Bộ Chính trị nhận định, Mỹ sẽ đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, có nhiều khả năng, chúng sẽ dùng máy bay B52 đánh ồ ạt Hà Nội, Hải Phòng... Nhiệm vụ của Quân chủng Phòng không - Không quân là tập trung mọi khả năng, nhắm trúng máy bay B52 mà tiêu diệt. Kế hoạch chuẩn bị đánh trả và phòng tránh máy bay B52 được quân và dân ta triển khai khẩn trương, tích cực, chủ động, kiên quyết; trong đó, lực lượng nòng cốt là quân chủng Phòng không - Không quân.
Thực tế là, không phải đến cuối năm 1972, mà ngay từ 7 năm trước đó - năm 1965, khi đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam, tiến hành "chiến tranh cục bộ” và bắt đầu sử dụng lực lượng ném bom chiến lược B52 trên chiến trường, trong một lần đến thăm bộ đội phòng không Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay "bê” gì đi chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa, ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”(1).
Để chuẩn bị đánh B52, trước tiên là phải tìm hiểu tính năng, kỹ thuật, đặc điểm và quy luật hoạt động của nó, trên cơ sở đó, tìm ra cách đánh phù hợp. Nhằm thực hiện đầy đủ mục đích trên, đồng thời, chấp hành chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu, tháng 5-1966, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức cho trung đoàn tên lửa 238 cơ động vào Vĩnh Linh, nghiên cứu cách đánh B52. Ngày 17-9-1967, tại trận địa T5, Nông trường Quyết Thắng (Vĩnh Linh), tiểu đoàn 84, trung đoàn 238 đã bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên. Từ đó, chúng ta luôn luôn duy trì một lực lượng ở chiến trường để đánh B52, với phương châm là vừa đánh địch, vừa nghiên cứu địch.
Cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”(2).
Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt là sự nhắc nhở thường xuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đầu năm 1968, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân bắt tay vào xây dựng kế hoạch đánh trả một cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội trong vòng 5 năm tới.
Có thể nói, đây là một bản kế hoạch rất độc đáo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Bởi lẽ, lúc bấy giờ, ngay cả phía Mỹ cũng chưa có chút manh nha gì về kế hoạch tiến công ồ ạt miền Bắc bằng máy bay B52. Lúc đầu, tuy còn sơ lược, nhưng qua chiến đấu thực tiễn và từng bước rút kinh nghiệm, bản kế hoạch được hoàn chỉnh dần.
Đáng chú ý nhất là cuốn sách cẩm nang bìa đỏ mang tên "Cách đánh B52” của bộ đội tên lửa. Tuy chỉ có 30 trang đánh máy, nhưng đó là sự tổng hợp, đúc kết kinh nghiệm trong quá trình gần 7 năm chiến đấu với B52 và các thủ đoạn của không quân Mỹ, nhất là những kinh nghiệm và phương pháp mới nhất, được rút ra sau trận tập kích ngày 16-4-1972 bằng B52 của địch vào Hà Nội và Hải Phòng.
Những phương pháp đánh B52 trong cuốn cẩm nang đó đã được quân chủng phổ biến tỉ mỉ cho từng kíp chiến đấu. Bởi thế, sau này bước vào chiến dịch, bộ đội tên lửa của ta đã bình tĩnh, tự tin, bẻ gãy các đợt tiến công của không quân Mỹ. Thậm chí, có những đơn vị chưa từng chạm trán với máy bay B52, như trung đoàn tên lửa 257 và trung đoàn tên lửa 261, nhưng từ kinh nghiệm và phương cách trong cuốn sách "Cách đánh B52”, các trung đoàn đó đã bắn rơi 24 máy bay B52, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ.
Như đã nêu ở trên, lúc đầu bản kế hoạch tuy còn sơ lược nhưng ít nhiều quân ta cũng đã dự đoán được các hướng tiến công chủ yếu của địch. Đối với Hà Nội, các nhà lập kế hoạch quân sự đã phán đoán máy bay B52 sẽ bay vào theo 5 hướng chủ yếu là từ Tây Bắc và Đông Bắc xuống, từ Tây Nam vào, từ Nam và Đông Nam lên. Thực tế sau này, trong 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội, 70% số máy bay địch đều lợi dụng địa hình địa vật và từ hướng Tây Bắc đi xuống. Phán đoán chính xác hướng tiến công, nhất là hướng tiến công chủ yếu, đã giúp ta có biện pháp sử dụng các lực lượng hợp lý. Có như vậy, việc dàn thế trận mới đạt tới độ hiểm hóc để đánh thắng địch.
Đúng như ta phán đoán, ngày 17-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon đã ra lệnh mở cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52, mang tên Linebacker II vào Hà Nội và Hải Phòng.
Vào hồi 19 giờ 20 phút ngày 18-12-1972, ra đa của ta phát hiện máy bay B52 của địch bay vào vùng trời miền Bắc. Được chuẩn bị chu đáo từ trước đó, một lực lượng lớn đã tham gia chiến dịch với 6 trung đoàn tên lửa phòng không (SAM-2), 3 trung đoàn không quân tiêm kích, 4 trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo cao xạ, 356 đơn vị pháo, súng máy cao xạ, toàn mạng ra đa và các lực lượng phục vụ khác. Không quân ta đón đánh địch ở vòng ngoài. Bộ đội cao xạ và lưới lửa tầm thấp của dân quân tự vệ hất máy bay chiến thuật của địch lên cao. Ra đa, tên lửa, vừa khắc phục các loại nhiễu, vừa phát sóng, bắt mục tiêu B52 và phóng đạn tiêu diệt.
Xác B52 rơi ở đường Hoàng Hoa Thám - Hà Nội
Với thái độ ngạo mạn và coi thường, chính quyền Mỹ cho rằng, cùng với tàu ngầm nguyên tử, tên lửa vượt đại châu mang đầu đạn hạt nhân và những loại vũ khí chiến lược như siêu pháo đài bay B52, có thể ép được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Paris theo những điều khoản có lợi cho Mỹ. Nhưng trái lại, chỉ sau ba ngày Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược, đã có tới 12 máy bay B52 bị bắn rơi. Và "nếu B52 cứ rơi với tốc độ này thì sau hai tuần lễ sẽ không còn máy bay ở Đông Nam Á để chiến đấu nữa”(3). Điều dự kiến đó không phải là thiếu căn cứ. Bởi trước đó bảy tháng, từ tháng 5-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cán bộ tham mưu tác chiến của Quân chủng Phòng không - Không quân đã đặt vấn đề: "Tỷ lệ B52 bị bắn rơi ở mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển? Mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?”. Sau mấy tuần lễ, câu trả lời đã được đưa ra: N1: Tỷ lệ chịu đựng được là 1 - 2% (trên tổng số B52 tham chiến của Mỹ); N2: Tỷ lệ Nhà Trắng rung chuyển là 6 - 7%; N3: Tỷ lệ buộc Mỹ phải thua cuộc là trên 10%.
Quân chủng Phòng không - Không quân loại trừ N1, quyết tâm đạt N2 và vươn tới N3. Không những thế, trên thực tế chiến trường, bộ đội ta còn thực hiện vượt mức chỉ tiêu N3. Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, tỷ lệ B52 bị bắn rơi là 17,6% (34/147 chiếc, trong đó Hà Nội góp công 23 chiếc).
Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn nhất bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng đã hoàn toàn bị đánh bại. Trong 12 ngày đêm, địch đã xuất kích 663 lần/chiếc máy bay chiến lược B52 và hơn 3.800 lần/chiếc máy bay chiến thuật các loại.
Đây là lần đầu tiên, quân và dân ta tổ chức và thực hành thắng lợi một chiến dịch phòng không - một loại hình chiến dịch của chiến tranh hiện đại - đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của địch, một chiến dịch phòng không độc nhất trong 30 năm chiến tranh giải phóng. Ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52 và 5 máy bay F111, giáng đòn quyết định vào cố gắng cuối cùng - đồng thời là cố gắng cao nhất của Mỹ trong năm 1972, và cũng là trong toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược, buộc chính quyền Nixon phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Với lý do thất bại nặng nề như vậy, đúng 7 giờ ngày 30-12-1972, Chính phủ Hoa Kỳ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp đại biểu Chính phủ ta tại Paris, bàn việc ký kết Hiệp định.
II. BẰNG TRÍ TUỆ QUÂN SỰ THÔNG MINH, SÁNG TẠO, CHIẾN ĐẤU GIÀNH THẮNG LỢI TO LỚN
Từ chỗ dám đánh, biết đánh rồi biết thắng, trong 12 ngày đêm chiến đấu chống cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, quân và dân ta đã giành được một thắng lợi to lớn chưa từng thấy.
Với yêu cầu tập trung, bắn rơi tại chỗ nhiều B52, thì vấn đề cơ bản nhất là phải tách cho được B52 ra khỏi nền nhiễu và ra khỏi khối liên kết với các loại máy bay chiến thuật làm nhiệm vụ hộ tống, gây nhiễu trong đội hình chiến đấu để nâng cao hiệu quả tiêu diệt. Một công việc thật không dễ dàng chút nào nhưng đây lại là vấn đề sáng tạo nhất trong cách đánh của ta.
Việc đưa B52 ra khỏi nền nhiễu là một vấn đề rất khó khăn, nhưng cuối cùng, mọi biện pháp kỹ thuật hiện đại của đối phương đều bị các chiến sĩ phòng không phát hiện trên màn hiện sóng. Trong việc vạch nhiễu, tìm thù, đâu là máy bay B52, đâu là máy bay cường kích, tiêm kích, hay tiêm kích làm giả B52, đều được phơi trần trước cặp mắt tinh tường của bộ đội ra đa và bộ đội tên lửa.
Qua quá trình nghiên cứu, nhóm cán bộ tiểu đoàn trinh sát nhiễu của Quân chủng Phòng không - Không quân lại phát hiện được một hiện tượng khá đặc biệt là trong số ra đa quân ta đang sử dụng, có một loại mà máy bay B52 không phát hiện được. Trên cơ sở đó, cuối năm 1971, tổ cán bộ nghiên cứu đã đề xuất một công trình cải tiến kỹ thuật: dùng loại ra đa không bị máy bay B52 gây nhiễu, ghép với đài điều khiển, phục vụ bộ đội tên lửa đánh B52. Bộ khí tài mới này mang ký hiệu là KX. Tháng 1-1972, bộ khí tài đưa ra ứng dụng, đã thu được kết quả tốt và được đánh giá là đủ khả năng chỉ ra chính xác mục tiêu, giúp đài điều khiển tên lửa phát hiện máy bay B52 để tiêu diệt.
Vì vậy, trong 12 ngày đêm, cùng với bộ khí tài KX, phối hợp với các lực lượng phòng không ba thứ quân, bộ đội tên lửa đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay B52. Đêm 22-12-1972, trung đoàn tên lửa 257 đã phóng 4 quả đạn, diệt 2 chiếc B52. Trong 7 ngày đêm (từ 18 đến 24-12-1972), với chỉ dẫn mục tiêu của bộ khí tài KX, tiểu đoàn 57, trung đoàn 261 cũng đã bắn rơi 4 máy bay B52.
Trong cuộc tập kích đường không chiến lược tháng 12-1972, để bảo đảm an toàn cho B52 vào đánh phá, các nhà quân sự Mỹ đã sử dụng một lực lượng hùng hậu, gồm các loại máy bay tiêm kích, bay phía trước, phía sau, bay hai bên sườn, làm nhiệm vụ hộ tống (chặn đánh gần); các máy bay tiêm kích làm nhiệm vụ thả nhiễu và chặn đánh xa; máy bay chế áp hệ thống phòng không ở mặt đất; máy bay tạo giả B52; các máy bay tác chiến điện tử phát nhiễu, tạo một vùng nhiễu rộng, ngụy trang cho lực lượng máy bay vào đánh phá.
Thực chất của cách tổ chức đội hình này là sự liên kết chặt chẽ chức năng và phát huy tối đa tính ưu việt của từng loại máy bay, với những trang bị kỹ thuật hiện đại, tạo thành một cơ cấu vững chắc, đảm bảo an toàn cho B52 trong quá trình làm nhiệm vụ rải thảm bom hủy diệt mục tiêu. Như vậy, sức mạnh của B52 chỉ có thể phát huy tác dụng khi duy trì được khối liên kết chặt chẽ giữa B52 với các loại máy bay khác trong đội hình chiến dấn. Nếu sự liên kết đó bị phá vỡ, B52 khó lọt qua được lưới lửa phòng không của ta (đặc biệt là tên lửa và máy bay MIG). Đây là điểm yếu chí mạng của phương pháp liên kết chức năng và cũng là mắt xích quan trọng nhất.
Quân đội ta xác định, muốn giành được thắng lợi cho chiến dịch, vấn đề đặt ra là phải chuyển hóa lực lượng, tập trung mọi nỗ lực, vận dụng cách đánh sáng tạo, linh hoạt, liên tục phá hỏng sự liên kết giữa các thành tố trong đội hình bay của địch, làm bộc lộ lực lượng, tách B52 ra để tiêu diệt. Cùng với việc tổ chức lực lượng đánh trả, phá hỏng sự liên kết của đối phương từ xa, bộ đội tên lửa thực hiện đánh tập trung, đánh hiệp đồng liên tiếp trên đường bay của chúng, làm rối loạn đội hình, tạo điều kiện thuận lợi để bắn trúng B52.
Để giữ vững và phát huy sức mạnh đánh địch trong quá trình chiến dịch, việc giữ gìn lực lượng ta cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì sức mạnh của ta cũng dựa trên cơ sở xây dựng thế trận và sự liên kết chức năng của các lực lượng, các binh chủng. Lực lượng nào bị sứt mẻ cũng đều ảnh hưởng đến sức mạnh của cả chiến dịch. Vì vậy, ngay sau khi các sân bay của ta bị đánh hỏng, quân, dân ta đã kịp thời khôi phục lại, tạo điều kiện để không quân xuất kích chiến đấu cùng với các lực lượng khác. Đặc biệt, việc huy động sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân đối phó với những thủ đoạn nham hiểm của địch tại các địa bàn trọng yếu ở trong và các vùng lân cận Hà Nội, Hải Phòng đã góp sức cho thắng lợi của cuộc chiến đấu 12 ngày đêm này.
Sau những đêm đầu bị giáng trả quyết liệt, nhiều B52 bị bắn rơi, địch phát hiện ra đối thủ nguy hiểm nhất chính là tên lửa và tìm mọi cách tập trung đánh phá. Để tiêu diệt lực lượng nòng cốt của cuộc tập kích, ta cũng chủ trương chỉ tập trung tên lửa đánh B52. Do đó, việc bảo vệ an toàn cho tên lửa là rất bức thiết. Một số đơn vị pháo cao xạ, từ Thanh Hóa, Nam Định được điều về bảo vệ tên lửa ở Hà Nội. Mặt khác, ta cũng tập trung không quân, pháo cao xạ tiêu diệt máy bay cường kích để bảo vệ tên lửa. Nhờ cách tổ chức lực lượng, bố trí thế trận hợp lý, khoa học, ta đã duy trì được sức mạnh đánh địch liên tục, rộng khắp trên những địa bàn trọng điểm và đã giành được chiến thắng lớn, đặc biệt là trong các đêm 20 và 26-12-1972.
Chiến thắng của quân và dân ta đối với cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, tháng 12-1972, có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Chiến thắng oanh liệt của trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời này đã góp phần kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược lâu dài, hao người tốn của của một đạo quân viễn chinh. Âm hưởng của nó đã vượt ra khỏi phạm vi của một chiến dịch, góp phần quyết định "đánh cho Mỹ cút” sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tạo tiền đề "đánh cho ngụy nhào” vào mùa Xuân năm 1975. "Điện Biên Phủ trên không” là sự kế thừa và phát triển truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh lịch sử; xứng đáng là một đỉnh cao chiến thắng của văn hóa quân sự Việt Nam hiện đại.
(*) Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1996, t.11, tr.467.
(2) Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Hồ Chí Minh Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1990, tr. 203.
(3) Tạp chí Air Force, số 7-1977.
Vận dụng 2 trang 53 Lịch Sử 12: Nêu những việc mà em có thể thực hiện để thể hiện lòng biết ơn đối với các thương binh, liệt sĩ và những người có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Lời giải:
- Những việc mà em có thể thực hiện để thể hiện lòng biết ơn đối với các thương binh, liệt sĩ và những người có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975):
+ Tham gia các sự kiện tưởng nhớ: Thường xuyên tham gia các lễ tưởng nhớ và kỷ niệm để tri ân, ghi nhớ đóng góp của thương binh, liệt sĩ và những người có công trong cuộc kháng chiến.
+ Thăm mộ và duy trì khu di tích: Dành thời gian thăm nghĩa trang liệt sĩ và tham gia vào hoạt động duy trì khu di tích, giúp bảo tồn và tôn vinh ký ức lịch sử.
+ Tham gia vào các chiến dịch quyên góp hoặc ủng hộ tài chính cho các tổ chức hỗ trợ thương binh và gia đình liệt sĩ.
+ Sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin và câu chuyện về cuộc kháng chiến, giúp nâng cao ý thức cộng đồng trong việc tri ân các anh hùng, liệt sĩ
+…
Lời giải bài tập Lịch Sử 12 Bài 8: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) hay khác:
Xem thêm lời giải bài tập Lịch Sử lớp 12 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn khác:
Lịch Sử 12 Bài 10: Khái quát về công cuộc Đổi mới từ năm 1986 đến nay
Lịch Sử 12 Bài 11: Thành tựu cơ bản và bài học của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 12 hay khác:
- Giải sgk Lịch Sử 12 Kết nối tri thức
- Giải Chuyên đề học tập Lịch Sử 12 Kết nối tri thức
- Giải SBT Lịch Sử 12 Kết nối tri thức
- Giải lớp 12 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 12 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 12 Cánh diều (các môn học)
Sách VietJack thi THPT quốc gia 2025 cho học sinh 2k7:
- Soạn văn 12 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 12 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 12 - KNTT
- Giải Tiếng Anh 12 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Friends Global
- Giải sgk Vật Lí 12 - KNTT
- Giải sgk Hóa học 12 - KNTT
- Giải sgk Sinh học 12 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 12 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 12 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - KNTT
- Giải sgk Tin học 12 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 12 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 12 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 12 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 12 - KNTT