Viết đoạn văn trình bày luận điểm - Ngữ văn lớp 8

Viết đoạn văn trình bày luận điểm - Ngữ văn lớp 8

A. Củng cố kiến thức

   Trình bày luận điểm trong đoạn văn nghị luận cần chú ý:

   - Thể hiện rõ ràng chính xác nội dung của luận điểm trong câu chủ đề

   - Đoạn văn diễn dịch: Câu chủ đề ở vị trí đầu tiên

   - Đoạn văn quy nạp: Câu chủ đề ở vị trí cuối cùng

   - Tìm đủ các luận cứ cần thiết, tổ chức lập luận theo một trình tự hợp lí để làm nổi bật luận điểm

   - Diễn đạt trong sáng, hấp dẫn để sự trình bày luận điểm có sức thuyết phục

B. Ví dụ minh họa

   a. Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: Ở vào nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

(Lí Công Uẩn, Chiếu dời đô)

   ⇒ Câu chủ đề: Thật là chốn tụ hội trọng yếu của 4 phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

   ⇒ Đoạn văn quy nạp

   b. Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ,… Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.

(Hồ Chí Minh, Tinh thần yêu nước của nhân dân ta)

   ⇒ Câu chủ đề: Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước.

   ⇒ Đoạn văn diễn dịch

C. BÀI TẬP CỦNG CỐ

Bài 1: Xác định câu chủ đề và cho biết đoạn văn đó thuộc đoạn văn diễn dịch hay quy nạp

   a. Một chiếc lá rụng có linh hồn riêng, một tâm tình riêng, một cảm giác riêng. Có chiếc tựa như mũi tên nhọn, từ cành cây rơi cắm phập xuống đất như cho xong chuyện, cho xong một đời lạnh lùng thản nhiên, không thương tiếc, không do dự vẩn vơ. Có chiếc lá như con chim bị lảo đảo mấy vòng trên không rồi cố gượng ngoi đầu lên, hay giữ thăng bằng cho tận tới cái giây nằm phơi trên mặt đất. Có chiếc lá nhẹ nhàng khoan khoái đùa bỡn, hay múa may với làn gió thoảng như thầm bảo rằng vẻ đẹp của vạn vật chỉ ở hiện tại: cả thời quá khứ dài dằng dặc của chiếc lá trên cành cây không bằng một vài giây bay lượn, nếu sự bay lượn ấy có vẻ đẹp nên thơ. Có chiếc lá như sợ hãi, ngần ngại rụt rè, rồi như gần tới mặt đất, còn cất mình muốn bay trở lại cành. Có chiếc lá đầy âu yếm rơi bám vào một bông hoa thơm, hay đến mơn trớn một ngọn cỏ xanh mềm mại.

(Khái Hưng)

   b. Những đứa con từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, phần lớn thời gian là gần gũi và thường là chịu ảnh hưởng từ người mẹ hơn từ cha. Chúng được mẹ cho bú sữa, bồng ẵm, dỗ dành, tắm giặt, ru ngủ, cho ăn uống, chăm sóc rất nhiều khi ốm đau…Với việc nhận thức thông qua quá trình bé tự quan sát, học hỏi tự nhiên hàng ngày và ảnh hưởng đặc biệt các đức của người mẹ, đã hình thành dần dần bản tính của đứa con theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu”. Ngoài ra, những đứa trẻ thường là thích bắt chước người khác thông qua những hành động của người gần gũi nhất chủ yếu là người mẹ. Chính người phụ nữ là người chăm sóc và giáo dục con cái chủ yếu trong gia đình.

(Trần Thanh Thảo)

Hướng dẫn làm bài

   a. Câu chủ đề: Một chiếc lá rụng có linh hồn riêng, một tâm tình riêng, một cảm giác riêng.

   ⇒ Đoạn văn diễn dịch

   b. Câu chủ đề: Chính người phụ nữ là người chăm sóc và giáo dục con cái chủ yếu trong gia đình.

   ⇒ Đoạn văn quy nạp

Bài 2: Viết đoạn văn triển khai luận điểm “Tá hại của sự cẩu thả”:

Hướng dẫn làm bài

   Cẩu thả là thái độ làm việc thiếu trách nhiệm, vội vàng, hời hợt, không chú ý đến chất lượng, kết quả. Đây là thái độ sống đáng phê phán, gây ra những tác hại nghiêm trọng. Trong bất cứ nghề nghiệp, công việc gì, sự cẩu thả, vội vàng cũng đồng nghĩa với gian dối, thiếu ý thức. Nó là biểu hiện của thái độ vô trách nhiệm, của sự bất lương. Sự cẩu thả dẫn đến những kết quả thấp kém, những tác hại khôn lường cho bản thân và cả những người xung quanh. Ở mỗi lĩnh vực, sự cẩu thả lại mang lại những hậu quả với mức độ khác nhau. Trong lĩnh vực y học, sự cẩu thả của bác sĩ có thể ảnh hưởng đến tính mạng của một con người. Sự cẩu thả trong khâu xử lí rác thải của nhà máy ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Vì vậy, mỗi người trên bất cứ lĩnh vực, công việc gì cũng cần cẩn trọng, có tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì việc mình làm, coi kết quả công việc là thước đo lương tâm, phẩm giá của con người.

Xem thêm các bài viết về Lý thuyết Tiếng Việt, Tập làm văn lớp 8 hay khác:

Xem thêm các loạt bài Để học tốt Ngữ văn 8 hay khác:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 8

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Các bài Soạn văn lớp 8 siêu ngắn được biên soạn bám sát câu hỏi sgk Ngữ Văn lớp 8 Tập 1, Tập 2 giúp bạn dễ dàng soạn bài Ngữ Văn 8 hơn.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 8 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên