SBT Ngữ văn 12 Cánh diều Bài tập viết và nói - nghe trang 48, 49

Với giải sách bài tập Văn 12 Bài tập viết và nói - nghe trang 48, 49 sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 12.

Giải SBT Ngữ văn 12 Cánh diều Bài tập viết và nói - nghe trang 48, 49

Quảng cáo

Câu 1 trang 48 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Nhận định sau đây có điểm nào cần điều chỉnh? Vì sao?

Khi viết bài nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ, người viết không cần đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng cụ thể, tin cậy mà chỉ cần diễn đạt một cách tướng mính, hung hồn những nhận định, quan điểm, suy nghĩ của mình về khía cạnh tích cực hoặc tiêu cực của vấn đề bản luận, trong đó, cần chú ý những vấn đề chung của thời đại, chưa cần quan tâm đến yếu tố vùng miền, địa lí, dân tộc, lịch sử.

Trả lời:

Nhận định có hai điểm cần điều chỉnh:

- “Khi viết bài nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ, người viết không cần đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng cụ thể, tin cậy...”. Ý này không đúng vì nếu không có lí lẽ, dẫn chứng cụ thê, tin cậy thì nhận định, đánh giá của người viết khó có tính thuyết phục, đó chỉ là những nhận xét chủ quan, tư biện, thiếu căn cứ.

- “... chưa cần quan tâm đến yếu tố vùng miền, địa lí, dân tộc, lịch sử.”. Ý này không chặt chẽ vì tuỳ theo vấn đề bàn luận mà cần hay không cần quan tâm đến yếu tố vùng miền, địa lí, dân tộc, lịch sử. Tuy nhiên, khi đưa ra các nhận định, đánh giá, người viết phải xem xét các yếu tố lịch sử, địa lí, văn hoá,... để tránh áp đặt, cào bằng bởi mỗi thời đại, khu vực, vấn đề bàn luận có thể có những tính chất khác nhau, cần được thấu hiểu, chia sẻ.

Quảng cáo

Câu 2 trang 48 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Từ các câu thơ sau, hãy xác định một vấn đề chung, liên quan đến tuổi trẻ có thể đưa ra bàn luận

- Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm

(Xuân Diệu)

- Người và trời lấp bể

Kẻ đắp luỹ xây thành

Ta chỉ là chiếc lá

Việc của mình là xanh

 (Nguyễn Sĩ Đại)

Trả lời:

Vấn đề sống có ý nghĩa của tuổi trẻ.

Câu 3 trang 48 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Với trải nghiệm học tập của bản thân, em hãy viết đoạn văn giải thích câu ngạn ngữ sau: Học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến sẽ phải lui.

Trả lời:

Đã bao giờ bạn nhìn một con thuyền bơi ngược nước trên sông và người lái phải gò mình chèo thật mạnh thì con thuyền mới tiến lên được? Chỉ cần dừng tay chèo một chút thôi là con thuyền sẽ trôi theo dòng nước. Dòng nước luôn chuyển động và con thuyền không thể đứng yên một chỗ bởi nó sẽ bị lực kéo của dòng nước đẩy đi. Sự học cũng như vậy. Việc học gian khổ như “bơi thuyền ngược nước”. Có biết bao nhiêu lực cản sẽ ngáng trở, gây khó khăn cho con người trong quá trình lĩnh hội kiến thức. Nếu mỗi cá nhân không có ý chí, nỗ lực và phương pháp để vượt qua những gian nan và thử thách của việc học thì sẽ không thể tiếp nhận được những tri thức, kĩ năng mới, theo đó, chẳng những không thể tiến bộ mà tất yếu sẽ tụt hậu so với những người xung quanh.

Quảng cáo

Câu 4 trang 48 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Đoạn văn sau giải thích cho vấn đề gì?

Theo Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), “thành công” là “đạt được kết quả, mục đích như dự định”. Thành công gần nghĩa với thành đạt “đạt được kết quả tốt đẹp, đạt được mục đích về sự nghiệp”. Nói khác đi, thành công là những thành tích, thành tựu mà con người đạt được sau những nỗ lực, cố gắng. “Tích số” là phép nhân của các số, ở đây được hiểu là sự phối kết, nhân lên của các yếu tố “làm việc, may mắn và tài năng”. Nếu “làm việc” là hành động suy nghĩ hoặc thể chất tiến hành một công việc nào đó thì “may mắn” là những yếu tố thuận lợi do khách quan đem lại, nhờ đó mà con người có được thành công. Còn “tài năng” là khả năng đặc biệt, sự khéo léo hơn người, trí sáng tạo vượt trội của con người. Từ đây, ta hiểu tác giả của câu nói muốn khẳng định: thành công không tự nhiên mà có, nó là sự phối kết, nhân lên của nhiều yếu tố như làm việc, may mắn và tài năng.

Trả lời:

Đoạn văn giải thích cho vấn đề: Thành công là tích số của: làm việc, may mắn và tài năng.

Quảng cáo

Câu 5 trang 49 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Trong buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 12, một diễn giả đã dẫn câu nói sau: “Không phải nghề nghiệp làm danh giá cho con người mà chính con người làm danh giá cho nghề nghiệp.”. Em hiểu câu nói trên thế nào? Hãy viết bài văn nghị luận giải thích, bình luận về ý nghĩa của câu nói đó và liên hệ với tuổi trẻ.

Trả lời:

“Trên hành trình lập thân, lập nghiệp, dường như mỗi bạn trẻ đều đã từng một lần đứng trước câu hỏi: Mình sẽ làm nghề gì ? Đâu là nghề nghiệp tốt nhất mà mình có thể lựa chọn? Để góp phần trả lời câu hỏi đó, ta hãy thử nghe lời khuyên: “Không phải nghề nghiệp làm danh giá cho con người mà chính con người làm danh giá cho nghề nghiệp”.

Nghề nghiệp, hiểu theo nghĩa phổ biến nhất là công việc, hoạt động lao động của con người theo một hình thức đặc trưng nào đó mà xã hội phân công và các cá nhân đã lựa chọn. Đi sâu hơn, đó là công việc chuyên môn theo từng lĩnh vực cụ thể gắn với hệ thống kiến thức, kĩ năng mang tính đặc thù. Còn danh giá là tên tuổi (danh) và giá trị (giá) của mỗi người, mỗi nghề nghiệp. trong cộng đồng, xã hội. Nói đến danh giá là nói đến vị thế, sự vẻ vang, đến một “thương hiệu” gắn với niềm tin và sự ngưỡng mộ của nhiều người. Như vậy, theo ý kiến trên thì nghề nghiệp không thể tự làm nên vị thế, tên tuổi và giá trị của mỗi người trong cuộc sống mà chính con người mới là chủ thể làm cho nghề nghiệp trở nên vẻ vang và bản thân mình có chỗ đứng trong xã hội.

Nghề nghiệp do con người tạo ra, duy trì và phát triển thông qua bàn tay, khối ốc và tình yêu của mình. Từ những nghề thủ công truyền thống như chạm khắc đá, dệt lụa, đúc đồng, chạm bạc,... đến những nghề hiện đại đòi hỏi vận hành máy móc tỉnh xảo như sản xuất phần mềm, vi mạch điện tử, lái máy bay... tất cả đều là sản phẩm của trí tuệ và tài năng của con người trong quá trình lịch sử. Cũng như bao sự vật, hiện tượng khác, nghề nghiệp chỉ là một tồn tại khách quan, chứa đựng các yếu tố giá trị ở dạng tiềm năng. Vị thế và đóng góp của nó đối với sự phát triển của xã hội chỉ được hiện thực hoá khi có sự tác động, cải tiến của con người. Không có con người vận hành máy móc hay lao động chân tay để tạo ra sản phẩm sẽ không ai biết đến sự tồn tại của một nghề nào đó, càng không thể biết ý nghĩa của nó với cộng đồng. Cho nên, nghề nghiệp không thể tự làm nên bất cứ điều gì cho con người mà chính con người đã sản sinh nghề nghiệp và làm cho nghề ấy trở thành một phần của lịch sử và thời đại.

Nghề nào trong xã hội cũng quan trọng, cần thiết như nhau. Mỗi nghề có một vai trò riêng đóng góp vào sự vận hành của đời sống. Không thể nói nghề dạy học danh giá hơn nghề y hay nghề kinh doanh đáng kính trọng hơn nghề nông, nghề vệ sinh đường phố,... mà bất cứ ai làm bất kì công việc gì nếu góp phần vào sự tồn tại và phát triển của xã hội thì cả người ấy lẫn nghề ấy đều đáng được coi trọng và đều có vị thế, ý nghĩa trong đời sống cộng đồng. Lúc sinh thời, trong bài viết Lao động nào cũng vẻ vang, Bác Hồ đã kể câu chuyện về “cô Bín làm vệ sinh” và “cô Thơm làm việc mọi cống”. Sau khi kể chuyện, Bác phân tích: “Nếu không có cô Bin thì anh em ở nhà máy tắc tị hết. Có ăn có nhập mà không có xuất thì rồi ốm hết. Nếu không có cô Thơm thì thành phố Hải Phòng có sạch không? – Không. Không sạch sẽ thì bẩn thỉu, bẩn thỉu thì sinh bệnh.”. Rồi Người kết luận và nhắc nhở: “Vì vậy, cho nên tất cả đồng bào Hải Phòng chúng ta phải biết ơn và kính trọng những người như cô Bín và cô Thơm... Bất kì công việc nào ích quốc lợi dân, có ích cho đồng bào, cho xã hội đều là vẻ vang cả”.

Không chỉ là chủ thể sáng tạo nghề nghiệp, con người còn là nhân tố thúc đẩy sự tiến bộ của nghề nghiệp. Bằng tâm huyết, tình yêu với nghề, bằng đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, bằng khối óc mẫn tiệp, con người không ngừng đổi mới cung cách làm việc, nâng cao chất lượng sản phẩm, khiến cho nghề nghiệp mà mình theo đuổi đem lại nhiều lợi ích, giá trị cho cộng đồng, được xã hội thừa nhận, tôn vinh. Lúc ấy, chẳng những nghề đó sẽ trở thành một công việc hấp dẫn trong mắt của nhiều người mà còn thành một nghề “danh giá” được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Đấy chẳng phải là chính con người đã làm cho nghề nghiệp trở nên vẻ vang! Nhân loại những thập kỉ qua và có lẽ mãi về sau sẽ còn nhắc đến tên tuổi của Bin Ghết (Bill Gates, không chỉ bởi ông từng là người giàu nhất thế giới, là một nhà từ thiện lớn mà bởi trước hết ông là nhà sáng lập ra hãng máy tính Microsoft, “ông vua phần mềm” của thế giới công nghệ thông tin. Nhưng bằng nỗ lực và trí tuệ của mình, Bin Ghết cùng các cộng sự của ông đã đưa ngành công nghiệp máy tính lên thành một nghề có “thương hiệu” trong đời sống xã hội. Ngày nay, không ai không thấy ý nghĩa của máy tính điện tử cùng các phần mềm của nó đối với xã hội loài người. Và cùng với sự thành đạt cả trên phương diện danh tiếng và tài chính của tỉ phú Bin Ghết, nghề sản xuất kinh doanh máy tính điện tử và các phần mềm ứng dụng đã trở thành một công việc có tầm ảnh hưởng to lớn trong xã hội hiện đại. Nhiều khoa công nghệ thông tin đã được mở ở nhiều trường đại học để đào tạo những kĩ sư, cử nhân công nghệ cho hoạt động của nghề này trong tương lai. Những người như Bản Ghết có phải đã làm rạng danh cho nghề của mình?!

Đúng là con người đã làm danh giá cho nghề nghiệp. Tuy nhiên, ta cũng cần phải thấy nghề nghiệp vẫn có những ý nghĩa và giá trị nội tại riêng của nó. Dù không trực tiếp tạo ra sự vinh quang cho con người nhưng nó là cơ hội, hoàn cảnh, môi trường công tác không thể thiếu để mỗi người có thể tiến thân, tạo dựng sự nghiệp cho bản thân, thậm chí làm vẻ vang cho gia đình, đất nước.

Có thể thấy việc lựa chọn nghề nghiệp vô cùng quan trọng. Song trên thực tế, nhiều người nhất là các bạn trẻ đang bị lệch hướng trong việc chọn nghề. Một bộ phận không nhỏ thanh niên hiện nay đang có xu hướng chạy theo các nghề “thời thượng” như kinh tế, ngân hàng, tài chính, xây dựng, ngoại giao,... Thực ra, đây là quyền lợi chính đáng của mỗi các bạn trẻ, thậm chí nó còn rất đáng khuyến khích nếu đó là ước mơ, là niềm say mê, và những khả năng lao động có thật của các bạn. Thế nhưng, vì quan niệm phải chọn nghề “danh giá” nên nhiều bạn trẻ “chạy theo” phong trào, theo “mốt” để đến với các nghề trên mà không hề tính đến sở thích, sở trường, khả năng thực tế,... của bản thân. Thực tiễn cuộc sống đã cho thấy nhiều bạn trẻ đã vấp ngã và để lại những bài học đau xót, thấm thía.... Nếu tuổi trẻ hiểu rằng chính con người chứ không phải ai khác sẽ làm nên sự vẻ vang cho nghề, sự vinh quang cho bản thân thì các bạn sẽ thấy điều quan trọng trước tiên chưa phải là tên gọi hay tính chất của nghề (thời thượng hay không thời thượng, quan phương hay bình dị, lao động trí óc hay lao động chân tay, môi trường công tác nhiều độc

tố hay sạch sẽ, vô trùng,..) mà ở chỗ nghề nghiệp ấy có phù hợp với bản thân, có khơi dậy, phát huy hết nhiệt tình, sở trường hay không. Do đó, chọn đúng nghề và làm tốt nghề nghiệp tức là bạn đã tạo lập vị trí, tiếng tăm cho bản thân và cho chính công việc mà bạn đang theo đuổi. Về điều này, cha ông ta đã từng răn dạy: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” hay “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”.

Tóm lại, chọn nghề là một trong những việc trọng đại trong cuộc đời mỗi người. Lời khuyên trên rất hữu ích đối với thanh niên, học sinh, sinh viên – những người đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Mỗi bạn trẻ cần có ý thức chọn lựa nghề nghiệp sao cho phù hợp với bản thân đồng thời kết hợp với nhu cầu của đất nước. Không nên chạy theo hư danh mà phải chú ý đến thực chất trong việc lựa chọn ngành nghề cho mình. Hiện tại, mỗi học sinh, sinh viên cần cố gắng học tập, rèn luyện để có lí tưởng đẹp, hiểu biết đúng, quyết định sáng suốt, bản lĩnh vững vàng (một cái đầu lạnh, một trái tim nóng, đôi bàn tay vàng, đôi bàn chân thép) nhằm chọn đúng nghề và sau này làm nghề một cách hiệu quả”.

Câu 6 trang 49 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Hãy xác định và nêu lí lẽ giải thích về một (một số) vấn đề của tuổi trẻ Việt Nam hiện nay có liên quan đến cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của đất nước.

Trả lời:

- Vấn đề năng lực ngoại ngữ của tuổi trẻ. Vấn đề này liên quan đến quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước. Nếu các bạn trẻ — những chủ nhân tương lai yếu kém về ngoại ngữ sẽ khiến cho đất nước gặp khó khăn trong hội nhập quốc tế, từ đó, có nguy cơ đánh mất các cơ hội hợp tác để phát triển.

- Vấn đề năng lực công nghệ thông tin và truyền thông của giới trẻ. Đây là vấn đề có tác động lớn đối với đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra như vũ bão trên phạm vi toàn cầu. Giỏi công nghệ thông tin và truyền thông sẽ là một trong những lợi thế của nguồn nhân lực mới đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước những thập kỉ tới.

- Vấn đề ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của các bạn trẻ. Đất nước cần hoà nhập với bạn bè năm châu nhưng không được phép hoà tan trong một “thế giới phẳng”. Việt Nam cần tiếp cận và ứng dụng các giá trị văn minh của nhân loại nhưng cũng cần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống. Vấn để thách thức này đang đòi hỏi mọi công dân, nhất là các bạn trẻ, phải có hiểu biết đúng đắn, sâu sắc về bản sắc văn hoá của dân tộc, đất nước và ý thức bảo tồn, phát triển những giá trị văn hoá ấy trong cuộc sống ngày nay.

Câu 7 trang 49 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Lập dàn ý cho bài thuyết trình về một trong những vấn đề đã xác định ở câu 6.

Trả lời:

- Mở bài:  Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: việc giữ gìn bản sắc dân tộc.

- Thân bài:

+ Giải thích: Bản sắc văn hóa dân tộc: những nét văn hóa từ lâu đời của dân tộc được truyền từ đời này sang đời khác đã trở thành những phong tục tập quán, những đặc trưng vùng miền của cả đất nước ta.

+ Tầm quan trọng của bản sắc văn hóa dân tộc: Bản sắc văn hóa dân tộc hay cụ thể hơn là văn hóa vùng miền là nơi con người giao lưu văn hóa, cùng nhau tôn vinh vẻ đẹp của quê hương mình, cũng là nơi con người gắn kết với nhau, vui đùa chan hòa sau. Bản sắc văn hóa dân tộc là những đặc trưng về văn hóa của quốc gia đó, là nét làm cho đất nước mình không bị nhầm lẫn với bất kì đất nước nào khác.

+  Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc: Mỗi cá nhân đặc biệt là học sinh chúng ta phải tìm hiểu những bản sắc văn hóa vốn có của dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị đó với bạn bè năm châu. Nhà trường cần tổ chức nhiều hơn những hoạt động để tuyên truyền, mang đến cho học sinh nguồn tri thức về bản sắc văn hóa dân tộc. Học sinh cần phải đặt trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc lên hàng đầu.

- Kết bài: Khẳng định lại tầm quan trọng của bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời rút ra bài học cho bản thân.

Câu 8 trang 49 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Trình bày với bạn bè, người thân những nội dung theo dàn ý đã lập ở câu 7.

Trả lời:

Đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là vấn đề vô cùng quan trọng.

Ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của thanh thiếu niên Việt Nam được biểu hiện ở nhiều phương diện: cách sống, lối sống, quan niệm, suy nghĩ, ở hoạt động, nói năng, ăn mặc, ứng xử.... Văn hoá dân tộc là cội rễ bền vững của tâm hồn mỗi con người, không lớn lên và bám chắc vào cội rễ đó, mỗi con người chỉ còn là một cá nhân lạc loài giữa cộng đồng của mình. Bản sắc văn hoá là linh hồn, là gương mặt riêng của mỗi dân tộc, là yếu tố quan trọng để khẳng định vị thế của dân tộc đó ở giữa cộng đồng thế giới. Đánh mất bản sắc riêng trong nền văn hoá của mình là đánh mất quá khứ, mất lịch sử, mất cội nguồn và chúng ta chỉ còn là một con số không ở giữa nhân loại. Rất nhiều thanh, thiếu niên Việt Nam không nắm được lịch sử dân tộc dù đã được học rất nhiều, trong khi đó lại thuộc lòng vanh vách tiểu sử, đời tư của các diễn viên, ca sĩ. Tất cả đều là biểu hiện của một sự thiếu ý thức trong giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Có hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên. Về phía khách quan, đó chính là tác động của môi trường sống, của bối cảnh thời đại. Thời đại đất nước mở cửa giao lưu, hội nhập với thế giới cho nên văn hoá bên ngoài theo đó mà tràn vào Việt Nam. Đâu đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh của một thứ văn hoá mới, hiện đại và đầy quyến rũ. Về chủ quan, thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm để ý đến vấn đề bản sắc văn hoá. Họ thiếu ý thức giữ gìn, bởi thực chất là họ không hiểu được bản sắc văn hoá dân tộc là gì và cũng không cần hiểu.

Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là đóng góp có ý nghĩa đầu tiên cho đất nước mà mỗi thanh thiếu niên có thể làm và hãy làm bắt đầu từ việc điều chỉnh, uốn nắn chính những hành vi, ý thức của bản thân mình.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 12 Bài 4: Văn tế, thơ hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Săn shopee giá ưu đãi :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 12

Bộ giáo án, đề thi, bài giảng powerpoint, khóa học dành cho các thầy cô và học sinh lớp 12, đẩy đủ các bộ sách cánh diều, kết nối tri thức, chân trời sáng tạo tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official


Giải bài tập lớp 12 Cánh diều khác
Tài liệu giáo viên