SBT Ngữ văn 7 Ếch ngồi đáy giếng - Cánh diều

Với giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Ếch ngồi đáy giếng sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 7.

Giải SBT Ngữ văn 7 Ếch ngồi đáy giếng - Cánh diều

Câu 1 trang 3 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Nội dung nào sau đây là khái niệm của truyện ngụ ngôn?

A. Truyện dân gian, thể hiện ước mơ, niềm tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác, nhằm giáo dục con người.

B. Truyện cổ dân gian, kể về các sự kiện và nhân vật liên quan đến lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc phong tục, cảnh vật địa phương.

C. Truyện kể bằng văn xuôi hoặc văn vần, thường mượn chuyện về loài vật, đồ vật, cây cỏ, … hoặc về chính con người để nêu lên triết lí nhân sinh và những bài học kinh nghiệm về cuộc sống.

D. Truyện dân gian, kể về cuộc đời của nhân vật bất hạnh, nhân vật có tài năng kì lạ, nhân vật thông minh, nhân vật ngốc nghếch, nhằm phản ánh xã hội.

Quảng cáo

Trả lời:

Chọn đáp án: C. Truyện kể bằng văn xuôi hoặc văn vần, thường mượn chuyện về loài vật, đồ vật, cây cỏ, … hoặc về chính con người để nêu lên triết lí nhân sinh và những bài học kinh nghiệm về cuộc sống.

Câu 2 trang 3 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Mục đích chính của truyện ngụ ngôn là gì?

A. Ngợi ca, cổ vũ

B. Bộc lộ cảm xúc

C. Đúc kết kinh nghiệm

D. Gửi gắm ý tưởng, bài học

Quảng cáo

Trả lời:

Chọn đáp án: D. Gửi gắm ý tưởng, bài học

Câu 3 trang 3 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Phương án nào không phải là yêu cầu khi đọc truyện ngụ ngôn?

A. Truyện kể về những nhân vật nào? Ai là nhân vật chính?

B. Truyện liên quan đến sự thật lịch sử nào?

C. Bối cảnh của truyện có gì độc đáo?

D. Truyện nêu lên được bài học gì?

Quảng cáo

Trả lời:

Chọn đáp án: B. Truyện liên quan đến sự thật lịch sử nào?

Câu 4 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Nhan đề Ếch ngồi đáy giếng có tác dụng gì trong việc thể hiện chủ đề của văn bản?

Quảng cáo

Trả lời:

Nhan đề Ếch ngồi đáy giếng góp phần làm nổi bật chủ đề của văn bản: phê phán những kẻ thiếu hiểu biết, tầm nhìn hạn hẹp nhưng luôn tự cao tự đại, đồng thời, khuyên răn mọi người cần biết khiêm tốn, học hỏi để nâng cao nhận thức của bản thân.

Câu 5 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Mỗi truyện ngụ ngôn có thể đem tới nhiều bài học, em hãy nêu lên những bài học có thể rút ra từ câu chuyện này. Theo em, đâu là bài học chính của câu chuyện?

Trả lời:

- Có thể rút ra những bài học sau từ truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng:

+ Không được chủ quan, kiêu ngạo, coi thường những đối tượng xung quanh. Sự thiếu hiểu biết kết hợp với thói kiêu ngạo, huênh hoang không chỉ gây rạn nứt những mối quan hệ tốt đẹp mà còn dễ dẫn đến thất bại cho bản thân, thậm chí có thể phải trả bằng cả tính mạng.

+ Nếu không biết tường tận, thấu đáo về một sự vật, hiện tượng hay một vấn đề nào đó thì không nên đưa ra những đánh giá chủ quan, hồ đồ.

+ Thế giới vốn rất rộng lớn, phong phú và có những bí ẩn mà dù cả đời người cũng chưa chắc tìm hiểu, khám phá được hết. Do đó, để mở mang vốn hiểu biết của bản thân, chúng ta cần khiêm tốn, học hỏi không ngừng.

- Bài học chính của câu chuyện là khuyên mọi người không được chủ quan, kiêu ngạo, coi thường người khác, cố chấp, suy nghĩ thiển cận, không chịu mở rộng, nâng cao hiểu biết của bản thân.

Câu 6 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: (Câu hỏi 5) Trong cuộc sống, có nhiều câu chuyện tương tự truyện Ếch ngồi đáy giếng. Em hãy nêu lên một câu chuyện như thế?

Trả lời:

Có một bạn học chỉ mới là HS giỏi trong lớp nhưng cứ nghĩ rằng mình giỏi nhất cả khối lớp nên chủ quan, không tập trung vào việc học; đến cuối kì, kết quả lại thua xa các bạn cùng lớp.

Câu 7 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bên dưới:

Đeo nhạc cho mèo

Tự bao giờ đến giờ, mèo cứ xơi chuột mãi, nên chuột mới đẻ ra là đã sợ mèo rồi.

Nhưng, con giun xéo lắm cũng quằn, chuột ta lấy thế làm giận. Một hôm, mới hội cả nhau lại làm một làng chuột để chống mèo. Thôi thì đủ mặt: nào anh Chù, mùi hôi đến nỗi thành câu ca; nào chú Nhắt, có tính nhí nhắt đã nên câu ví; nào lại ông Cống, rung rinh béo tốt, quan trường lại chấm cho ở trên ông Đồ; …

Khi làng dài răng đã tề tựu đông đủ cả rồi, ông Cống mới lên giọng rằng:

- Cái giống quái kia sở dĩ nó chụp được anh em mình chỉ vì trời phú cho nó cái tài rình mò và khéo bắt lén mà thôi. Bây giờ, bà con ta nên mua một cái nhạc buộc vào cổ nó, để khi nào nó đến, nghe tiếng nhạc, ta biết đường chạy trước, thì nó còn làm gì nổi ta nữa.

Cả làng chuột nghe nói, dẩu mõm, quật đuôi, đều lấy làm phục cái câu chí lí của ông Cống và đồng thanh ưng thuận.

Khi nhạc đã kiếm được rồi, hội đồng chuột lại họp. Con nào con nấy lao xao hớn hở, bảo nhau đã sắp tới ngày thoát được cái ách ông Miu ranh mãnh rồi.

Nhưng kịp lúc hội đồng hỏi ai dám đem nhạc đeo vào cổ mèo, thì thấy cả hội đồng im phăng phắc, không một cái tai nào nhích, một cái răng nào nhe cả.

Không biết cử ai nào việc đại sự ấy, bất đắc dĩ làng cắt ông Cống phải đi, vì chính ông Cống đã xướng lên cái thuyết đeo nhạc vậy.

Ấy mới khốn! Nhưng Cống ta trong lòng tuy nao, mà ngoài mặt làm ra bộ bệ vệ kẻ cả, nói rằng:

- Tôi đây, chẳng gì nhờ tổ ấm cũng được vào bậc ông Cống, ông Nghè, ăn trên ngồi trước trong làng, có đâu làng lại cắt tôi đi làm cái việc tầm thường ấy được! Trong làng ta nào có thiếu chi người! Tôi xin cử anh Nhắt, anh ấy nhanh nhảu, chắc làm được việc.

Ấy mới hay! Nhưng Nhắt ta trở mặt láu, cãi lí rằng:

- Làng cắt tôi đi, tôi cũng xin vâng, không dám chối từ. Nhưng tôi, dù bé vậy, mà cũng còn ở chiếu trên, chưa đến nỗi nào. Ông Cống không đi, phải; tôi đây không đi, cũng phải. Để xin cắt anh Chù, anh ấy tuy chậm, nhưng chắc chắn, làng không lo hỏng việc.

Ấy mới không có gì lạ! Chù ta thật thà, không biết cãi sao, ụt ịt nói rằng:

- Tôi là đầy tớ làng, làng sai tôi đi là phải lắm. Nhưng tôi chỉ sợ, nếu tôi đến gần mèo mà mèo thịt tôi đi, thì rồi lấy ai thay tôi mà buộc nhạc được nữa.

Chuột Cống nhanh miệng bảo:

- Mèo nó có vờn là vờn chúng tao, vờn cái anh Nhắt kia, chớ chú mày hôi hám như thế, thì nó bắt mà thèm vào. Thôi cứ nhận đi ngay đi, không được nói lôi thôi gì nữa.

Chuột Chù ì ạch phải nhận, vác nhạc đi tìm mèo thật. Khốn chưa trông thấy mèo, mới nghe thấy tiếng, Chù đã sợ run cả mình, không dám tiến. Nhưng sợ lệ làng, sau đánh bạo, phải lại gần, thì thấy mèo quả nhiên không thèm vờn đến thật. Song mèo cũng nhe nanh, giương vuốt, làm cho Chù cắm đầu, vác cái thân ì ạch chạy không chạy khổ về báo cho làng hay. Cả làng nghe báo cũng sợ, bỏ chạy tán loạn, chẳng ai hỏi đến cái nhạc, nó bon đi đâu, và bon tự bao giờ không biết.

Thành ra từ đó, chuột vốn sợ mèo, vẫn hoàn sợ mèo mãi.

Theo Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc

(In trong sách Ngữ văn 6, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

a. Mục đích cuộc họp của cả làng chuột là gì?

A. Dạy cho mèo bài học thích đáng

B. Cùng nhau thương lượng với mèo

C. Tìm cách phát hiện được mèo và cắt cử người đeo nhạc cho mèo.

D. Đoàn kết đánh đuổi mèo, không cho đến gần làng chuột.

b. Nhân vật nào khởi xướng việc mua cái nhạc buộc vào cổ mèo?

A. Chuột Nhắt

B. Chuột Cống

C. Chuột Chù

D. Chuột Chũi

c. Mèo có biệt tài gì làm cho cả làng chuột phải khiếp sợ?

A. Mèo có võ nghệ cao cường, bắt chuột không để thoát.

B. Mèo có tài thức đêm rất hay và có đôi tai rất thính

C. Mèo có tài chạy rất nhanh nên chuột khó chạy thoát

D. Mèo có tài rinh mò và khéo bắt lén

d. Cuối cùng, ai là người nhận nhiệm vụ đi đeo nhạc cho mèo?

A. Chuột Nhắt

B. Chuột Cống

C. Chuột Chù

D. Chuột Chũi

e. Bài học rút ra từ truyện Đeo nhạc cho mèo là gì?

A. Ý tưởng phải có tính thực tiễn và tính khả thi cao.

B. Kế hoạch đề ra thì phải có người thực hiện, nếu không thì chẳng mang lại kết quả gì.

C. Trong cuộc họp, chỉ có một cá nhân thao túng dễ dấn đến quyết định ảo tưởng, viển vông

D. Tất cả A, B, C đều đúng

g. Trong truyện, tính cách của chuột Cống được bộc lộ như thế nào?

A. Là kẻ thích huênh hoang nhưng lại hèn nhát

B. Là kẻ dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách

C. Là kẻ có đầy mưu trí, không sợ bất cứ điều gì

D. Là kẻ có quyền thế nhưng rất tâm lí, yêu thương đồng loại.

h. Vì sao cả làng chuột không thực hiện được việc đeo nhạc cho mèo?

A. Vì chuột Chù quá nhút nhát

B. Vì ý tưởng đề ra không mang tính khả thi

C. Vì chuột Cống là người đứng đầu nhưng lại thoái thác.

D. Vì mèo hung dữ, đuổi lũ chuột chạy tán loạn

i. Truyện Đeo nhạc cho mèo nhằm phê phán ai?

A. kẻ đề ra những ý tưởng viển vông, ham sống sợ chết, chỉ bàn mà không dám hành động, trút công việc khó khăn, nguy hiểm cho những người khác

B. Kẻ yếu hèn, nhút nhát, bất tài, vô dụng, nhận nhiệm vụ gì cũng không thể hoàn thành như mong đợi của mọi người.

C. Kẻ mưu trí, đề ra những ý tưởng xuất sắc, tất cả vì cộng đồng, cùng bàn bạc để hành động, cổ vũ mọi người tham gia công việc dù có khó khăn, nguy hiểm.

D. Kẻ dám nói dám làm, không ham sống sợ chết, luôn bàn bạc để hành động, cùng chia sẻ công việc khó khăn, nguy hiểm với những người khác.

Trả lời:

Câu

a

b

c

d

e

g

h

i

Đáp án

C

B

D

C

D

A

B

A

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Cánh diều hay, chi tiết khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 7

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và khóa học dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Giải sách bài tập Ngữ văn 7 được biên soạn bám sát Sách bài tập Ngữ văn lớp 7 Cánh diều (NXB Đại học Sư phạm).

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 7 Cánh diều khác
Tài liệu giáo viên