Tiếng Việt 4 VNEN Bài 30B: Dòng sông mặc áo

A. Hoạt động cơ bản

1 (Trang 131 SGK Hướng dẫn học Tiếng Việt 4 Tập 1) Thi kể tên các dòng sông ở nước ta.

- Các nhóm viết vào bảng nhóm tên các dòng sông.

- Hết giờ, nhóm nào viết được nhiều tên sông đúng thì thắng cuộc.

Gợi ý trả lời:

Tiếng Việt 4 VNEN Bài 30B: Dòng sông mặc áo | Soạn Tiếng Việt lớp 4 VNEN hay nhất

Tiếng Việt 4 VNEN Bài 30B: Dòng sông mặc áo | Soạn Tiếng Việt lớp 4 VNEN hay nhất

Câu 2 (Trang 131 SGK Hướng dẫn học Tiếng Việt 4 Tập 1) Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài thơ sau: “Dòng sông mặc áo”.

Tiếng Việt 4 VNEN Bài 30B: Dòng sông mặc áo | Soạn Tiếng Việt lớp 4 VNEN hay nhất

Câu 3 (Trang 131 SGK Hướng dẫn học Tiếng Việt 4 Tập 1) Thay nhau đọc từ ngữ và lời giải nghĩa.

Câu 4 (Trang 131 SGK Hướng dẫn học Tiếng Việt 4 Tập 1) Cùng luyện đọc.

Câu 5 (Trang 132 SGK Hướng dẫn học Tiếng Việt 4 Tập 1) Thảo luận, trả lời câu hỏi:

1) Vì sao tác giả nói là dòng sông điệu? Chọn ý trả lời đúng.

    a. Vì dòng sông mặc áo lụa đào.

    b. Vì dòng sông mặc áo mới.

    c. Vì dòng sông luôn thay đổi màu sắc.

2) Màu sắc của dòng sông thay đổi như thế nào trong một ngày? Lần lượt mỗi bạn nói một thời điểm và màu áo của sông thời điểm ấy.

M: Nắng lên (buổi sớm) - áo lụa đào.

3) Cách nói dòng sông mặc áo đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Cách nói ấy có gì hay?

4) Em thích hình ảnh nào nhất trong bài thơ? Viết vào vở câu thơ có hình ảnh em thích.

Gợi ý trả lời:

1) Tác giả nói là dòng sông điệu vì: Vì dòng sông luôn thay đổi màu sắc.

Đáp án: c

2) Trong một ngày, màu sắc của dòng sông thay đổi:

- Sáng sớm: mặc áo lụa đào thướt tha.

- Trưa: áo xanh như mới may.

- Chiều: Màu áo hây hây ráng vàng.

- Đêm: Nền nhung tím trăm ngàn sao lên.

- Khuya: Áo đen nép trong rừng bưởi.

- Sáng ra: mặc áo hoa từ bao giờ.

(3) Cách nói dòng sông mặc áo đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa.

Cách nói ấy biến dòng sông thành thiếu nữ biết duyên dáng, biết điệu đà, liên tục thay đổi sắc áo trong một ngày để tô điểm cho cuộc sống thêm tươi đẹp.

4) Trong bài thơ, em thích nhất là hình ảnh:

"Dòng sông mới điệu làm sao

Nắng lên mặc áo lụa đào thướt tha".

Dòng sông hiện nên trong ánh nắng sớm mai đầy dịu dàng, thướt tha trong tấm áo lụa đào duyên dáng.

Câu 6 (Trang 132 SGK Hướng dẫn học Tiếng Việt 4 Tập 1) Học thuộc lòng bài thơ.

Câu 7 (Trang 132 SGK Hướng dẫn học Tiếng Việt 4 Tập 1) Thi đọc diễn cảm bài thơ “Dòng sông mặc áo”.

B. Hoạt động thực thành

Câu 1 (Trang 132 SGK Hướng dẫn học Tiếng Việt 4 Tập 1) Kể lại một câu chuyện em đã được nghe, được đọc về du lịch hay thám hiểm.

Gợi ý:

Xem các bức tranh sau để chọn câu chuyện:

a) Những câu chuyện có thật:

- Các cuộc thám hiểm của Cô-lôm-bô từ 1492 đến 1504 phát hiện ra Châu Mỹ.

- Chuyến đi vòng quanh thế giới của Ma-gien-lăng.

- Các cuộc thám hiểm Bắc Cực, Nam Cực, chinh phục đỉnh núi Ê-vơ-rét,... của nhiều nhà khoa học, thể thao…

b) Những câu chuyện tưởng tượng:

- Hai vạn dặm dưới đáy biển, Tám mươi ngày vòng quanh thế giới, Cuộc du hành vào lòng đất, Năm tuần trên khinh khí cầu của Véc-nơ,...

- Gu-li-vơ du kí của Xuýp, Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài,...

Gợi ý trả lời:

a) Những câu chuyện có thật: Chuyến đi vòng quanh thế giới của Ma-gien-lăng.

Mình đã được học một bài đọc rất thú vị về chuyến thám hiểm của Ma-gien-lăng. Sau đây con sẽ kể lại để cả lớp cùng nghe.

Ngày 20 tháng 9 năm 1519, từ cửa biển Xê-vi-la nước Tây Ban Nha, có năm chiếc thuyền lớn giong buồm ra khơi. Đó là hạm đội do Ma-gien-lăng chỉ huy, với nhiệm vụ khám phá ra con đường trên biển dẫn đến những vùng đất mới.

Vượt Đại Tây Dương, đoàn thuyền đi dọc theo bờ biển Nam Mĩ. Tới gần mỏm cực Nam thì phát hiện một eo biển dẫn tới một đại dương mênh mông. Thấy sóng yên biển lặng, Ma-gien-lăng đặt tên cho đại dương mới tìm được là Thái Bình Dương.

Thái Bình Dương mênh mông, bát ngát, đi mãi chẳng thấy bờ. Thức ăn đã hết, nước ngọt cạn sạch. Đoàn thuỷ thủ phải uống nước tiểu và ninh nhừ giày cùng thắt lưng da để ăn. Mỗi ngày, có vài ba người chết phải ném xác xuống biển. May sao, gặp một hòn đảo nhỏ, được tiếp tế thức ăn và nước ngọt nên đoàn thám hiểm lấy lại được tinh thần, sức lực.

Đoạn đường từ đó trở đi có nhiều đảo hơn. Đoàn thám hiểm không phải lo thiếu thức ăn và nước uống nhưng lại nảy sinh những khó khăn mới là những cuộc giao tranh với cư dân đảo. Trong một trận giao tranh với dân đảo Ma-tan, Ma-gien-lăng đã mất.

Những thuỷ thủ còn lại tiếp tục vượt Ấn Độ Dương tìm đường trở về châu Âu. Ngày 8 tháng 9 năm 1522, đoàn thám hiểm chỉ còn một chiếc thuyền với mười tám thuỷ thủ sống sót cập bờ biển Tây Ban Nha.

Chuyến đi đầu tiên vòng quanh thế giới của đoàn thám hiểm kéo dài 1083 ngày. Dù mất bốn chiếc thuyền lớn với gần hai trăm người bỏ mạng dọc đường,trong đó có nhà thám hiểm Ma-gien-lăng, nhưng đoàn thám hiểm đã hoàn thành sứ mạng quan trọng là khẳng định được trái đất hình cầu, đồng thời phát hiện ra Thái Bình Dương và nhiều vùng đất mới.

Qua câu chuyện mình hiểu rằng muốn trở thành một nhà thám hiểm mình phải rèn luyện được đức tính dũng cảm, không ngại vượt khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm, thử thách để thực hiện mơ ước khám phá của mình.

b) Những câu chuyện tưởng tượng: Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài.

Câu chuyện về hiệp sĩ Dế Mèn hào hiệp, tốt bụng, đứng ra bênh vực kẻ yếu đã khiến tôi có ấn tượng sâu sắc. Sau đây tôi xin kể lại câu chuyện ấy.

Vùng đồng cỏ ai cũng biết đến Dế Mèn hào hiệp và tốt bụng, thường giúp đỡ, bênh vực kẻ yếu. Dế Mèn thích phiêu lưu đây đó để thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên và tìm người kết bạn.

Một hôm, Dế Mèn đi qua vạt cỏ xước xanh mướt, chợt nghe thấy tiếng khóc tỉ tê. Đưa mắt nhìn quanh, Dế Mèn thấy chị Nhà Trò gục đầu bên tảng đá cuội. Chị Nhà Trò bé nhỏ, gầy yếu quá, lẩy bẩy như vừa mới lột. Dế Mèn thương tình, dừng chân hỏi:

- Có chuyện gì mà khóc lóc thế hả Nhà Trò?

Tủi thân, chị Nhà Trò càng nức nở. Dế Mèn gạn mãi, chị mới kể rằng năm ngoái, mẹ con chị đói quá phải đến gặp nhện để vay lương ăn. Thế rồi chẳng may mẹ chị ốm chết, còn chị thì kiếm chẳng đủ ăn nên vẫn chưa trả được nợ cho mụ nhện. Mấy hôm nay, mụ cho đám đàn em chặn đường, khăng khăng đòi món nợ cũ. Chị Nhà Trò xin khất thì chúng đánh chẳng tiếc tay. Ghê gớm hơn nữa là chúng chăng tơ chặn đường ở đằng kia, nếu Nhà Trò đến là chúng vặt cánh, vặt chân ăn thịt.

Nghe Nhà Trò kể xong, Dế Mèn giận lắm. Chú quyết tâm sẽ bảo vệ chị Nhà Trò.

Dế Mèn xoè hai chiếc càng mẫm bóng, thứ vũ khí lợi hại làm nhiều kẻ ác khiếp sợ, rồi bảo chị Nhà Trò:

- Em đừng sợ ! Hãy trở về với tôi đây. Đứa độc ác không thể cậy khoẻ mà ăn hiếp kẻ yếu được!

Rồi Dế Mèn dắt Nhà Trò đi. Chị Nhà Trò đã yên tâm nên thôi khóc. Hai người đi được một quãng thì đến chỗ mai phục của bọn nhện. Tại đây Dế Mèn đã thẳng thừng nói chuyện với bọn nhện:

- Đứa nào là chóp bu bọn mày ? Ra đây ta nói chuyện!

Từ trong hốc đá, nhện cái cong chân nhảy ra, hai bên có hai nhện vách đi kèm. Nhện cái chắc là chúa trùm nên vẻ mặt đanh đá, nặc nô lắm. Dế Mèn quay lưng, phóng càng đạp phanh phách ra oai. Bọn nhện sợ hãi, cúi xin Dế Mèn tha và hứa sẽ không làm hại chị Nhà Trò nữa.

Em cũng sẽ giống như chú Dế Mèn trong câu chuyện, luôn đứng ra bênh vực và bảo vệ các bạn yếu, đứng về phía lẽ phải.

Câu 2 (Trang 133 SGK Hướng dẫn học Tiếng Việt 4 Tập 1) Thay nhau kể cho bạn nghe câu chuyện của mình và trao đổi về ý nghĩa câu chuyện.

Gợi ý trả lời:

- Ý nghĩa câu chuyện chuyến đi vòng quanh thế giới của Ma-gien-lăng: Muốn trở thành một nhà thám hiểm mình phải rèn luyện được đức tính dũng cảm, không ngại vượt khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm, thử thách để thực hiện mơ ước khám phá của mình.

- Ý nghĩa câu chuyện Dế Mèn phiêu lưu ký: Làm người phải có lòng nghĩa hiệp,luôn đứng ra bênh vực và bảo vệ các bạn yếu, đứng về phía lẽ phải.

Câu 3 (Trang 133 SGK Hướng dẫn học Tiếng Việt 4 Tập 1) Thi kể chuyện trước lớp.

Câu 4 (Trang 133 SGK Hướng dẫn học Tiếng Việt 4 Tập 1) Luyện tập quan sát con vật.

1) Đọc đoạn văn sau:

Đàn ngan mới nở

Những con ngan nhỏ mới nở được ba hôm chỉ to hơn cái trứng một tí.

Chúng có bộ lông vàng óng. Một màu vàng đáng yêu như màu của những con tơ nõn mới guồng. Nhưng đẹp nhất là đôi mắt với cái mỏ. Đôi mắt chỉ bằng hột cườm, đen nhánh hạt huyền, lúc nào cũng long lanh đưa đi đưa lại như có nước, làm hoạt động hai con ngươi bóng mỡ. Một cái mỏ màu vàng nhung hươu, vừa bằng ngón tay đứa bé mới đẻ và có lẽ cũng mềm như thế, mọc ngăn ngắn đằng trước. Cái đầu xinh xinh, vàng nuột và ở dưới bụng, lủn chủn hai cái chân bé tí màu đỏ hồng.

(Tô Hoài)

2) Để miêu tả đàn ngan tác giả bài văn trên đã quan sát những bộ phận nào của chúng? Viết lại vào bảng nhóm những câu miêu tả em cho là hay.

Tiếng Việt 4 VNEN Bài 30B: Dòng sông mặc áo | Soạn Tiếng Việt lớp 4 VNEN hay nhất

Gợi ý trả lời:

Tiếng Việt 4 VNEN Bài 30B: Dòng sông mặc áo | Soạn Tiếng Việt lớp 4 VNEN hay nhất

C. Hoạt động ứng dụng

1 Đọc thuộc lòng bài thơ “Dòng sông mặc áo” cho người thân nghe.

2 Nghe người thân kể về một câu chuyện du lịch, thám hiểm.

Xem thêm các bài Soạn Tiếng Việt 4 chương trình VNEN hay khác:

Các chủ đề khác nhiều người xem

ĐỀ THI, BÀI TẬP CUỐI TUẦN, SÁCH ÔN TẬP DÀNH CHO KHỐI TIỂU HỌC

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và bài tập cuối tuần, gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Soạn, Giải bài tập Tiếng Việt lớp 4 VNEN của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 4 Tập 1, Tập 2 chương trình mới VNEN.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 4 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên