Top 30 Thuyết trình về một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ
Tổng hợp trên 30 bài thuyết trình về một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ với các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Thuyết trình về một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ (mẫu 1)
- Thuyết trình về một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ (mẫu 2)
- Thuyết trình về một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ (mẫu 3)
- Thuyết trình về một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ (mẫu 4)
- Thuyết trình về một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ (mẫu 5)
- Thuyết trình về một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ (mẫu 6)
- Thuyết trình về một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ (mẫu 7)
- Thuyết trình về một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ (mẫu 8)
Top 30 Thuyết trình về một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ (hay nhất)
Thuyết trình về một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ - mẫu 1
Các bạn thân mến! Học tập là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà mỗi người cần phải xác định cho mình, đặc biệt là với mỗi học sinh. Để việc học đạt hiệu quả mỗi người nên xác định cho mình một động cơ học tập đúng đắn. Vậy động cơ học tập là gì? động cơ học tập có vai trò quan trọng như thế nào với mỗi người?
Chúng ta hiểu động cơ học tập là việc xác định nhiệm vụ, mục tiêu học tập đúng đắn. Trên cơ sở có mục tiêu học tập đó, mỗi người sẽ có ý thức phấn đấu để hoàn thành mục tiêu và đạt được kết quả cao trong học tập. Mỗi người sẽ có mỗi động cơ học tập khác nhau, không ai giống ai cả. Dù động cơ học tập khác nhau nhưng đều giống nhau ở mục tiêu và kết quả đạt được, đó là kết quả học tập tốt. Trên thực tế không phải ai cũng xác định được mục tiêu học tập cả, có người có ý thức, trách nhiệm thì luôn luôn xác định được mục tiêu học tập đúng đắn, phấn đấu để đạt được mục tiêu đó. Trường hợp này thì lại thường rơi vào những người có sự chăm chỉ và có kết quả học tập tốt. Ngược lại những người có lực học kém, thường xuyên ỷ lại vào người khác sẽ không có động cơ học tập rõ ràng, hậu quả là việc học đã kém lại càng kém hơn, thành tích học tập không được như mong muốn.
Động cơ học tập hình thành từ khi nào? Chúng ta không thể ép học sinh mầm non, tiểu học mới chập chững đi học đã xác định được mục tiêu, động cơ học tập ngay được. Động cơ học tập hình thành trong quá trình lâu dài, được tích lũy dần dần và chỉ thực sự rõ ràng khi học sinh đã có những nhận thức, suy nghĩ đúng đắn, chính xác về việc học của mình. Có những bạn hình thành động cơ học tập từ rất sớm ngược lại lại có những người trải qua rất nhiều những thay đổi, biến động, đả kích về tinh thần hoặc nhiều lý do khác mới hình thành cho mình được động cơ học tập… Với động cơ học tập chúng ta có thể chia nó làm hai loại: một là động cơ bên trong hai là động cơ bên ngoài. Động cơ bên trong chính là mục tiêu phấn đấu mà người học đề ra để mình đạt được; động cơ bên ngoài là những ảnh hưởng, tiêu chí của xã hội đặt ra và nó cũng có tác động không nhỏ đến người học, là yếu tố thúc đẩy mỗi người hình thành được mục tiêu cho mình.
Như chúng ta đều biết động cơ học tập có vai trò vô cùng quan trọng với mỗi người. Nhờ có động cơ học tập người học có phương hướng, mục tiêu học tập để từ đó hoàn thành được giấc mơ của mình. Chẳng hạn một người có động cơ học tập là đạt học bổng để đi nước ngoài du học thì họ sẽ luôn có ý thức phấn đấu, nỗ lực để hoàn thành được mục tiêu đó. Nếu có được những động cơ học tập phù hợp, việc học sẽ không còn áp lực với mỗi học sinh, chúng sẽ thấy đó là điều thú vị cần phải chinh phục được. Từ đó, kết quả học tập sẽ được cải thiện rất nhiều.
Để có được động cơ học tập mỗi người cần phải xác định được tầm quan trọng của việc học, mục tiêu rõ ràng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó việc hỗ trợ của cha mẹ, thầy cô và bạn bè xung quanh cũng là những yếu tố cần thiết giúp mỗi người học nhận thức được đúng đắn nhiệm vụ của mình. Cha mẹ cũng không nên quá áp đặt, so sánh để tạo áp lực cho con cái. Mà hãy dành sự nhẫn nại, kiên trì, giảng giải từ từ để con em hiểu được tầm quan trọng của học tập.
Với mỗi học sinh xác định được động cơ học tập là điều vô cùng quan trọng, đó là bước đệm và là tiền đề để mỗi người có hướng phấn đấu trong học tập, hoàn thành được những mục tiêu đề ra, chinh phục được con đường học vấn của mình.
Thuyết trình về một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ - mẫu 2
Có thể nói, vấn đề lựa chọn nghề nghiệp là một trong những việc trọng đại và là bước ngoặt trong cuộc đời mà thanh niên hiện nay đang dành sự quan tâm ở mức độ cao. Ai trong số những thanh niên đều mang trong mình mong muốn có một nghề nghiệp ổn định, phù hợp với bản thân và có cơ hội phát triển bản thân. Tuy nhiên, đứng trước nhiều lựa chọn nghề nghiệp trong xã hội, thanh niên không dễ dàng để chọn lựa, rất khó để tránh khỏi sự phân vân, băn khoăn và lo lắng.
Có thể hiểu "nghề nghiệp" là một loại hình công việc mà người đi theo nghề nghiệp đó phải cố gắng làm tốt phần việc của mình sao cho phù hợp với khả năng, trình độ, yêu cầu của công việc. Nghề nghiệp bao gồm hai phần, là phần nghề và phần nghiệp. Nghề là việc làm mang tính ổn định, đem lại giá trị thu nhập phục vụ nhu cầu cuộc sống của người làm việc. Nghề đôi khi không chỉ làm vì kiếm sống và còn vì thực hiện ước mơ của bản thân, khẳng định giá trị của bản thân, có rất nhiều nghề, mỗi nghề gắn với chuyên môn khác nhau. Nghiệp chính là sự đam mê, sự gắn bó và đôi khi là "cái giá phải trả" của nghề, người ta thường có câu "nghề nào nghiệp đó", chuyên môn nào sẽ đi với nghề đó, có nghề chưa chắc đã có nghiệp mà nếu hành nghề mà không có nghiệp thì nghề cũng hành không bền lâu. Lựa chọn nghề nghiệp hay định hướng nghề nghiệp chính là việc hoạch định ra những khả năng, trình độ của bản thân so với những đặc điểm, yêu cầu và đòi hỏi của nghề nghiệp để từ đó có thể lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.
Lựa chọn nghề nghiệp hiện nay đang là mối quan tâm hàng đầu của thanh niên, bởi họ đang là những người đang đứng trước ngưỡng cửa bước ra ngoài xã hội, tự lập đương đầu với cuộc sống, gây dựng tương lai cho chính mình, nghề nghiệp chính là mục tiêu đầu tiên phải hướng đến. Việc lựa chọn nghề nghiệp có tầm ảnh hưởng rất lớn tới sự thành công và định hướng tương lai của thanh niên, bởi nghề nghiệp ta đã chọn có thể đòi hỏi ta phải gắn bó suốt đời, mọi vấn đề đời sống sinh hoạt vật chất và tinh thần của ta đều có thể bị nghề nghiệp tác động nhiều ít. Lựa chọn nghề phù hợp với bản thân sẽ là cơ hội cho chúng ta phát triển, có được sự say mê, nhiệt huyết với công việc, ngược lại nếu phải chọn nghề quá khả năng hoặc sai nghề sẽ dễ dẫn đến chán nản, công việc trở thành gánh nặng, không còn hứng thú làm việc và có thể bỏ nghề. Chính vì vậy, thanh niên đang đi những bước đầu tiên trong cuộc đời phải thật sáng suốt, cân nhắc kỹ càng trong vấn đề lựa chọn nghề nghiệp cho mình. Những bước đi đầu sẽ quyết định cả con đường phía trước của chúng ta, chọn đúng đường mở ra tương lai tươi sáng, chọn sai đường sẽ mất thời gian, mất cơ hội và mất đi tương lai.
Hiện nay thanh niên đứng trước rất nhiều những thuận lợi và khó khăn trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Về thuận lợi phải kể đến đầu tiên chính là sự phát triển của xã hội đã kéo theo sự đa dạng hóa ngành nghề, nghề nghiệp ngày càng mở rộng phong phú tạo ra nhiều việc làm, nhiều cơ hội cho thanh niên lựa chọn. Việc tiếp cận những thông tin về nghề nghiệp đối với thanh niên hiện nay lại rất dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện bởi có rất nhiều kênh thông tin luôn cập nhật đa dạng như internet, truyền thông, báo chí, hội thảo... Ngày nay cũng không còn vấn đề ép buộc hay bó hẹp người lao động trong một nghề nhất định mà thanh niên có thể tự do và chủ động chọn nghề, sáng lập nghề nghiệp cho chính mình.
Thanh niên có thể tự ý thức năng lực, trình độ của bản thân và nhu cầu của xã hội để vạch ra những nghề nghiệp mới. Tuy nhiên tồn tại song song thuận lợi cũng có rất nhiều những khó khăn, bởi xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu cũng theo đó đi lên, đòi hỏi nguồn nhân lực cho nghề nghiệp phải có chất lượng cao, muốn có chất lượng tốt thì phải đào tạo tốt, tuy nhiên, ở nước ta hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao này chưa thực sự đáp ứng được. Bên cạnh đó, tư duy và quan niệm của thanh niên hiện nay cũng mắc rất nhiều hạn chế, việc lựa chọn nghề nghiệp theo số đông, hướng đến danh tiếng và thu nhập của công việc mà không cân nhắc khả năng của bản thân dẫn đến việc chọn không đúng nghề. Quan niệm phải học đại học, cao đẳng mới là con đường dẫn đến tương lai là thiếu khách quan, bởi có nhiều con đường khác để lập thân lập nghiệp. Và để có thể đi đến những lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn, mỗi cá nhân thanh niên cần phải ý thức rõ ràng về thực lực và nguyện vọng của chính mình, cân nhắc kỹ càng trước những lựa chọn, phải biết nhìn ra những hướng đi khác ngoài đại học để mở cánh cửa tương lai của chính mình.
Là thanh niên đang phải lựa chọn nghề nghiệp hiện nay, mỗi học sinh chúng ta phải sớm có kế hoạch cho bản thân mình. Trước hết, chúng ta phải cố gắng học tập và rèn luyện hoàn thiện bản thân theo đòi hỏi chung của xã hội, sau đó tập trung vào những khả năng, năng lực ưu tú của bản thân để từ đó lựa chọn cho mình một nghề nghiệp phù hợp, đúng đắn.
Thuyết trình về một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ - mẫu 3
Mọi việc học tập suy cho cùng cũng là để tạo một nền tảng vững chắc cho lao động. Nói cách khác, sự tiếp thu, tích lũy tri thức trong quá trình học tập nhằm mục đích thực hành, làm việc, tạo ra của cải vật chất hoặc sản phẩm tinh thần. Ý thức được điều này nên rất nhiều bạn trẻ ngày nay đã có sự cân nhắc kĩ lưỡng khi lựa chọn một ngành nghề mình theo học sau khi tốt nghiệp phổ thông. Kết quả lựa chọn còn tùy thuộc vào tác động từ những yếu tố đam mê của bản thân, tích cách, sở trường, ý kiến gia đình, xu hướng thời đại,…Trên thực tế, trước sự phát triển có tốc độ nhanh chóng của công nghệ như hiện nay, các bạn trẻ khi lựa chọn nghề nghiệp đã nghiêng hẳn về nhu cầu của thị trường lao động.
Lựa chọn nghề nghiệp dựa trên nhu cầu thị trường lao động là dấu hiệu đáng mừng cho thấy các bạn ngày nay đã bắt nhịp rất tốt sự phát triển của thời đại, vượt ra ngoài lối mòn suy nghĩ trong cách lựa chọn nghề nghiệp trước đây. Sự bắt nhịp này mở ra cơ hội làm cho các bạn trẻ ở đa dạng những ngành nghề: máy tính, công nghệ thông tin, dịch vụ xã hội, nhà hàng, khách sạn, công nghệ kĩ thuật, kĩ thuật, du lịch, ẩm thực, dịch vụ cá nhân, kiến trúc và xây dựng, sản xuất và chế biến, nông, lâm và thủy sản, dịch vụ vận tải, thú ý,…Tránh được tình trạng đổ xô vào những ngành truyền thống để rồi khi ra trường với tấm bằng loại ưu nhưng không thể xin được chỗ làm vì cung lớn hơn cầu. Mấy năm gần đây cái nhìn về nhu cầu thị trường đã tác động không nhỏ đến việc phân phối ngành học và lao động. Không còn suy nghĩ cố định tốt nghiệp phổ thông phải học đại học hoặc học vào những ngành kỹ sư, sư phạm, y khoa,…Trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, thị trường, các bạn trẻ vẫn có thể có được một công việc phù hợp, có thu nhập tốt, không sợ thất nghiệp với các trường dạy nghề, cao đẳng, trung cấp ở đa dạn những ngành dịch vụ: chăm sóc sắc đẹp, thẩm mĩ,…
Tuy việc lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân dựa trên nhu cầu thị trường vẫn còn nhiều bất cập. Sự thay đổi trong nhịp sống thời đại luôn tạo ra những biến động về các ngành nghề. Một nghề nghiệp này là ngành hot của hôm nay nhưng khôn hoàn toàn chắc chắn nó là ngành hot của ngày mai. Không ít bạn trẻ cảm thấy hụt hẫng, ngỡ ngàng trước sự thay đổi này nản chí, bỏ cuộc hoặc nhảy ngành vừa mất tiền, thời gian, công sức. Ngay trong việc lựa chọn ngành hot theo thị trường cũng cần quan tâm đến vấn đề yêu cầu đầu vào năng lực sau khi tốt nghiệp, khả năng xin việc ở đâu…Điều quan trọng hơn cả là ngành nghề ấy có phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân, điều kiện phát triển của khu vực, kinh tế gia đình. Nếu bạn trẻ chạy theo nhu cầu thị trường mà không quan tâm đến niềm đam mê cá nhân thì dù cho có tìm được một công việc ổn định cũng khó mà thành công với nghề. Bất cứ công việc nào cũng sẽ có những cái khó, niềm đam mê, yêu thích, khả năng của bản thân chính là động lực để giúp chúng ta vượt qua khó khăn ấy. Tuy nhiên tìm nghề nghiệp chỉ dựa trên một điều duy nhất là nhu cầu xã hội thì sẽ không thể phát huy được năng lực, sở trường của từng cá nhân, chưa kể đến việc bản thân gò ép vào trong công việc mình không hứng thú thì cuộc sống sẽ mất đi niềm vui, lao động trở thành trách nhiệm, gánh nặng mà thôi.
Nghề nghiệp là một phần quan trọng làm nên cuộc sống cũng làm nên giá trị của bản thân. Vì vậy khi lựa chọn một nghề nghiệp nào đó để theo đuổi, các bạn trẻ nên cân nhắc nhiều chiều, dựa trên nhiều yếu tố. Nếu bạn đặt yếu tố nhu cầu thị trường lên hàng đầu không phải là không đúng. Tuy vậy hãy tự đặt cho mình câu hỏi: Liệu mình có năng lực học tập và yêu thích công việc này? Trong lúc khó khăn để đưa ra quyết định, bạn vẫn có thể tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè để nhìn nhận khách quan bản thân. Lựa chọn một nghề nghiệp theo cảm tính là mạo hiểm, lựa chọn nghề nghiệp theo xu hướng thời đại là điều ẩn chứa rủi ro, lựa chọn theo ý kiến sự mong mỏi nơi gia đình là lựa chọn bắt buộc. Thế nên để khắc phục được những hạn chế của các cách lựa chọn trên, các bạn trẻ hãy tìm cho ra điểm giao nhau giữa những vòng tròn yếu tố kia. Nghề nghiệp nào phù hợp nhu cầu xã hội, đúng với tình cẩm, sở nguyện bản thân cũng là phù hợp với hoàn cảnh gia đình, ấy là nghề nghiệp tốt nhất dành cho bạn.
Thuyết trình về một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ - mẫu 4
Chào thầy/ cô và các bạn. Chúng ta sau này ai rồi cũng phải trưởng thành, rời xa mãi trường cấp 3, đại học và chọn cho mình một định hướng nghề nghiệp riêng. Các bạn có những tiêu chí gì hay sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ hiện nay ra sao? Đó là vấn đề chính mình muốn chia sẻ trong bài thuyết trình ngày hôm nay.
Cùng với đà đi lên của xã hội là sự ra đời của nhiều ngành nghề khác nhau. Đặc biệt những ngành nghề này có sự hấp dẫn rất lớn đối với giới trẻ.
Giới trẻ Việt Nam giờ đây có rất nhiều cơ hội để giao lưu, học hỏi và tiếp cận với nhiều ngành nghề khác nhau. Họ sẵn sàng thay đổi bản thân bằng cách bổ sung thêm các kỹ năng mềm, kỹ năng vi tính, kỹ năng ngoại ngữ để có thể chạy kịp theo sự thay đổi nhanh chóng của thời đại. Họ bỏ qua các tư tưởng lạc hậu là “Đại học là con đường duy nhất đưa bạn trẻ đến với thành công”.
Chính sự tiếp cận này đã tạo nền tảng giúp cho các bạn trẻ có thể đưa ra những tiêu chí cho bản thân để có thể chọn lựa được những ngành nghề phù hợp.
Việc chọn nghề của giới trẻ được dựa vào những tiêu chí sau:
Thứ nhất, Công việc phải gắn với đam mê, sở thích và phù hợp với năng lực cá nhân. Ai sinh ra cũng sẽ một niềm đam mê hay thích thú với một ngành nghề nào đó. Vì vậy ưu tiên đầu tiên ở đây sẽ là một công việc có thể đáp ứng được sở thích cũng như năng lực mà bản thân cho phép. Thứ hai quan trọng không kém phần đó là phải Đáp ứng nguồn thu nhập ổn định. Suy nghĩ đơn giản rằng một công việc với mức lương ba cọc ba đồng không đủ chi trả cho sinh hoạt phí của mình thì hiển nhiên bạn sẽ không bao giờ lựa chọn công việc đó. Thời gian làm việc phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của cá nhân là tiêu chí thứ ba. Một công việc phân bổ thời gian hợp lý đáp ứng được thời gian làm việc cũng như có thời gian để nghỉ ngơi thư giãn sẽ luôn là một công việc lí tưởng để các bạn trẻ hướng tới. Tiếp theo, Có cơ hội thăng tiến. Không ai muốn một công việc mà bắt đầu ở đâu thì kết thúc ở đó, không có sự thăng tiến. Khi đã đi làm ai cũng muốn được khẳng định bản thân mình bằng việc cống hiến công sức trí tuệ của mình để hoàn thành công việc đó một cách tốt nhất. Bên cạnh đó họ cũng muốn được nhận công sức đền đáp xứng đáng cho những đóng góp mình bỏ ra bằng việc thăng chức, tăng lương.
Giới trẻ hiện nay có rất nhiều sự lựa chọn. Hãy hiểu rõ thực lực cũng như các kỹ năng mà bản thân mình có: Hãy luôn trang bị cho mình một nguồn thức dồi dào, những kỹ năng bài bản với một thái độ nhiệt tình kết hợp những thói quen tốt để có sẵn một hành trang bước vào nghề.
Bài thuyết trình của mình xin được kết thúc tại đây. Cảm ơn cả lớp đã chú ý lắng nghe và mình rất mong nhận được những ý kiến phản hồi từ mọi người.
Thuyết trình về một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ - mẫu 5
Cuộc sống sẽ trở nên ấm áp nếu chúng ta sống có tấm lòng. Có thể thấy, lòng vị tha có vai trò vô cùng quan trọng và góp phần làm cho cuộc sống trở nên đẹp đẽ hơn. Vị tha là tấm lòng rộng lượng, sẵn sàng tha thứ, bỏ qua cho lỗi lầm của người khác; đồng thời người có lòng vị tha là người có tấm lòng nhân hậu với mọi người. Mỗi người cần rèn luyện cho mình đức tính vị tha, vị tha để được sống trong tình yêu thương chân thành nhất. Người có lòng vị tha thường là những người không tính toán thiệt hơn, hơn thua với người khác, sẵn sàng nhường nhịn trong một cuộc tranh đấu. Bên cạnh đó, người có lòng vị tha cũng là người sẵn sàng tha thứ với lỗi lầm của người khác với mình để tiếp tục duy trì mối quan hệ hiện tại. Vị tha đóng vai trò quan trọng, cốt yếu trong cuộc sống: Việc vị tha, tha thứ cho lỗi lầm của người khác góp phần làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn, mối quan hệ sẽ vẫn có thể duy trì được. Vị tha với người khác sẽ làm chúng ta cảm thấy thanh thản, thoải mái hơn, đồng thời chúng ta cũng được người khác yêu thương, tôn trọng hơn. Nếu tất cả con người trong xã hội không có lòng vị tha thì xã hội sẽ thiếu đi tình thương của con người, con người sẽ trở nên xa lánh nhau. Bên cạnh đó, trong xã hội vẫn có không ít người có tính ích kỷ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, để đạt được mục tiêu của mình không ngại làm chuyện xấu; lại có những người quá vị tha không biết lựa chọn đúng sai mà tha thứ cho những lỗi lầm không xứng đáng để làm khổ bản thân mình hết lần này đến lần khác. Mỗi người cần có lòng vị tha, sống rộng lượng, tha thứ cho người khác nếu bản thân cảm thấy người ta xứng đáng. Chan hòa với mọi người xung quanh, sẵn sàng cho đi yêu thương, san sẻ với người khác để thấy bản thân mình tốt đẹp hơn. Mỗi người suy nghĩ tích cực một chút, biết san sẻ, vị tha một chút thì cuộc sống này sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.
Như vậy, lòng vị tha là điều tốt đẹp nên có ở mỗi người. Cảm ơn cô và cả lớp đã lắng nghe bài nói của em!
Thuyết trình về một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ - mẫu 6
Chào thầy/cô và các bạn. Mình tên là Nguyễn Văn A, hôm nay mình xin được phép thuyết trình về một vấn đề khá quan trọng đối với học sinh chúng ta.
Tôi từng nghe một câu chuyện rất hay như thế này. Chuyện xưa kể rằng, có đôi bạn rất thân, từ nhỏ đã sống và học hành bên nhau. Tuy nhiên hai người có chút khác biệt là một người thì siêng năng học hành, còn một người thì không chú tâm đủ cho việc học. Nên trong kỳ thi kén chọn nhân tài của nhà vua, người học trò siêng năng đã đậu trạng nguyên. Còn người bạn kia không được gì đành ôm nỗi buồn mà về quê nhà. Tân trạng nguyên rất vui vì thành quả sau bao năm đèn sách đã thu hoạch được. Tuy nhiên, anh cũng rất buồn vì người bạn chí cốt không đỗ đạt cùng mình. Với niềm hy vọng và lòng yêu mến bạn, anh đã dùng một cách rất độc đáo để khích lệ và tạo động lực cho bạn là không nhận người kia là bạn nữa, xa lánh, coi thường và kể cả việc dùng những lời lẽ thậm tệ để mạt sát anh bạn kia nữa.
Cách cư xử đó đã làm người bạn kia rất tức giận và tự nhủ : “ anh nghĩ anh được làm quan là ghê ghớm hả? Tôi cũng sẽ làm quan cho anh thấy.” Và quả như vậy, ba năm sau anh đã trong đợt thi trạng nguyên kế tiếp, anh đã ghi danh bảng vàng với danh hiệu Trạng nguyên cùng số điểm rất cao. Sau đó anh tìm cách gặp lại người bạn cũ năm nào đã phụ bạc mình để “trả đũa”. Nhưng rồi qua tiếp xúc, anh mới nhận ra tấm chân tình của người bạn giành cho anh. Thế là từ đó mối thâm tình của hai người lại càng sâu đậm hơn. Đây quả là một tình bạn đẹp mà ai trong chúng ta cũng muốn có. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây không phải là tình bạn mà là nguyên nhân tại sao sau ba năm, một thời gian không dài lắm đã biến một con người lười biếng, không có chí tiến thủ trở thành một trạng nguyên xuất chúng như vậy? Hay nói cách khác, câu chuyện trên đã phản ánh một vấn đề xã hội đó là tầm quan trọng của động cơ học tập.
Tôi xin phép được khảo sát một số bạn. Động cơ học tập của bạn là gì?; “Theo bạn, động cơ học tập có quan trọng không?
Theo J. Piaget, “Động cơ là tất cả các yếu tố thúc đẩy cá thể hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu và định hướng cho hoạt động đó”. Theo Phan Trọng Ngọ, “Động cơ học tập là cái mà việc học của họ phải đạt được để thỏa mãn nhu cầu của mình. Nói ngắn gọn, học viên học cái gì thì đó là động cơ học tập của học viên”. Từ một số kết quả tìm hiểu được, tóm lại, động cơ học tập chính là yếu tố định hướng, thúc đẩy hoạt động học tập, nó phản ánh đối tượng có khả năng thỏa mãn nhu cầu chiếm lĩnh tri thức của người đọc. Bởi vậy, động cơ học tập đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong suốt quá trình học tập của mỗi người.
Vậy, động cơ học tập được hình thành như thế nào? Động cơ học tập không có sẵn hay tự bộc phát mà được hình thành dần dần trong quá trình học tập của mỗi học sinh. Nhu cầu giải quyết mâu thuẫn giữa một bên là “phải hiểu biết” và một bên là “chưa hiểu biết” (hay hiểu biết chưa đủ, chưa đúng) là nguyên nhân chính để hình thành động cơ học tập. Ngoài ra, động cơ nói chung và động cơ học tập nói riêng cũng thường có mối liên hệ mật thiết với hứng thú của con người. Theo tôi, động cơ học tập được chia thành hai loại: động cơ bên ngoài (động cơ xã hội) và động cơ bên trong (động cơ hoàn thiện tri thức). Động cơ xã hội chính là những yếu tố bên ngoài tác động đến người học (bố mẹ, tương lai, thầy, cô giáo). Động cơ này thường mang yếu tố áp lực hơn bởi đôi khi có một số trường hợp sẽ mang tính chất cưỡng chế (ví dụ: kết quả học tập không đáp ứng được nhu cầu của bố mẹ). Động cơ bên trong là tự bản thân người học tạo ra hứng thú trong việc học của mình (cố gắng học để đạt điểm cao, để hiện thực hóa ước mơ). Trong từng hoàn cảnh cụ thể, hai động cơ này sẽ xuất hiện đồng thời bởi chúng có mối liên hệ với nhau. Động cơ xã hội “bám vào”, “hiện thân” trên động cơ hoàn thiện tri thức, trở thành một bộ phận của động cơ hoàn thiện tri thức. Tuy nhiên, động cơ hoàn thiện tri thức vẫn đóng vai trò chính.
Động cơ học tập có tầm quan trọng như thế nào? Đối với học sinh, việc học là quan trọng nhất. Bởi hành trang tri thức là hành trang vững chãi, thiết thực và cần thiết nhất trên con đường thành công. Bất kể làm việc gì, khi chúng ta có hứng thú, mọi việc mới được tiến hành một cách nhanh chóng nhất. Chính vì vậy, động cơ học tập chính là yếu tố then chốt tạo nên hứng thú học tập cho học sinh. Nếu có được những động cơ học tập phù hợp, việc học sẽ không còn áp lực với mỗi học sinh, chúng sẽ thấy đó là điều thú vị cần phải chinh phục được. Từ đó, kết quả học tập sẽ được cải thiện rất nhiều.
Tuy nhiên, để kích thích sự hứng thú ấy cũng cần những người “nghệ sĩ”. Trước hết, mỗi học sinh cần ý thức được tầm quan trọng của việc học, cần có mục tiêu rõ ràng (Đặt câu hỏi “Học để làm gì?”), có phương pháp học tập đúng đắn. Việc tự hoàn thiện mình như vậy cũng là yếu tố quan trọng để khơi dậy động cơ học tập cho học sinh. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ của phụ huynh và giáo viên cũng rất cần thiết. Cha mẹ cần giải thích rõ cho con hiểu về lợi ích của việc học và tác hại nếu như con người không có tri thức để tạo một động cơ học tập tích cực cho con. Đặc biệt, phụ huynh không nên sử dụng phương pháp “con nhà người ta” để giúp con tiến bộ hơn bởi phần lớn sẽ sinh ra mặt trái là sự đố kị chứ không phải sự cố gắng. Giáo viên hãy tăng hứng thú trong mỗi giờ học bằng lối giảng truyền cảm, đôi khi pha chút thú vị, thường xuyên thay đổi phương pháp dạy để học sinh tìm kiếm được những điều mới lạ trong những trang sách.
Với tất cả những điều đã phân tích ở trên, theo tôi, tự mỗi người hãy đề ra cho mình cách học và mục đích học đúng đắn, xác thực; cố gắng để đạt được thành công đó. Đồng thời, cha mẹ và giáo viên cũng chính là những bước đệm quan trọng để giúp con tìm ra động cơ học tập. Có như vậy, việc học đối với mỗi học sinh sẽ không còn là ác mộng.
Bài thuyết trình đến đây là kết thúc. Cảm ơn sự chú ý lắng nghe của thầy/cô và tất cả các bạn. Tôi rất mong nhận được sự góp ý của mọi người để phần thuyết trình của mình được hoàn thiện hơn.
Thuyết trình về một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ - mẫu 7
Helen Keller đã từng nói “Thành công và hạnh phúc nằm trong bạn. Quyết tâm hạnh phúc, và niềm vui sẽ đi cùng bạn để hình thành đạo quân bất khả chiến bại chống lại nghịch cảnh.” Không chỉ mình tôi mà tất cả mọi người đều hi vọng có một cuộc sống thành công và hạnh phúc. Thành công và hạnh phúc luôn là hai mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi con người chúng ta. Có thể mọi người sẽ nghĩ thành công và hạnh phúc là do sự may rủi, do số phận nhưng theo tôi, thành công và hạnh phúc là phụ thuộc vào bản thân mỗi chúng ta. Thành công và hạnh phúc nằm trong chính suy nghĩ và sự lựa chọn của bản thân.
Ta có thể hiểu đơn giản, thành công là khi ta có một mục đích nào đó và ta đạt được mục đích đó, đó chính là thành công. Hay xa hơn một chút, thì có lẽ mọi người trong chúng ta đều đồng ý, mục tiêu tối hậu của mỗi một người trên đời này chính là tìm được “niềm vui và bình an” trong lòng mình; có được những niềm vui và bình an trong tâm, đó cũng là thành công. Còn hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Thành công lớn nhất là đứng dậy sau mỗi lần bị vấp ngã và hạnh phúc không tùy thuộc vào bạn là ai, bạn làm gì mà tùy thuộc vào bạn nghĩ gì. Thành công và hạnh phúc không quá khó để đạt được, chỉ cần bạn đủ nỗ lực, đủ tự tin và hơn hết là phải có sự tập trung thì bạn sẽ thành công và hạnh phúc.
Sức tập trung là chìa khóa của thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. Những người thành công nhất trên thế giới này cũng chính là những người có khả năng tập trung cao độ, không bị chi phối bởi những thứ xung quanh. Trước hết muốn thành công thì không được phép để những phiền nhiễu làm xao nhãng công việc của mình. Những người thành công luôn có cách để loại bỏ mọi phiền phức sẽ cản trở họ hoàn thành công việc của mình, không bị ảnh hưởng bới những cám dỗ trong cuộc sống. Đừng để những thứ không quan trọng, những cuộc vui, trò giải trí ảnh hưởng đến việc ta đang làm, giữ sự tập trung cao độ để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Nhưng chúng ta cũng không nên làm quá nhiều công việc cùng lúc. Chúng ta nên tập trung vào một việc duy nhất để nâng cao năng suất và sự chính xác tỉ mỉ thay vì làm nhiều việc cùng lúc nhưng hiệu quả không cao. Nghiên cứu cho thấy não bộ con người có thể giải quyết hai công việc phức tạp cùng lúc mà không gặp nhiều khó khăn vì có hai thùy não để phân chia công việc một cách cân bằng. Tuy nhiên, chỉ cần làm thêm việc thứ ba là đã vượt quá khả năng não bộ và các sai lầm khi bạn làm việc bắt đầu tăng dần lên.
Né tránh rủi ro là điều chỉ có ở những người thất bại. Chúng ta phải biết rằng cuộc đời tự nó đã là một rủi ro vĩ đại rồi, thay vì thấy hối tiếc, ta cần phải nắm bắt thời cơ vì chẳng mấy chốc chúng sẽ biến mất và không xuất hiện lại nữa. Phải luôn giữ mình ở vòng an toàn có thể giúp bạn an tâm bây giờ nhưng trong dài hạn sẽ để lại nhiều nỗi đau. Khi đối mặt với khó khăn, với rủi ro, thì không được bỏ cuộc, không được thấy khó mà sợ. Không ai thành công nếu chấp nhận bỏ cuộc. Những người thành công và thực hiện được những giấc mơ của mình là những người luôn chăm chỉ làm việc và cố gắng vượt qua khó khăn. Những người không biết tập trung sẽ bỏ cuộc ngay khi gặp tí chút rắc rối; còn những người tập trung sẽ tiếp tục cố gắng khi người khác đã bỏ cuộc. Hơn tất cả, chỉ cần chúng ta thấy thỏa mãn với những thành quả gặt hái được thì chứng tỏ chúng ta đã thành công và hạnh phúc rồi.
Cuộc sống của con người không giống với sự sống của những hình thái sống khác trên trái đất, không như cây chỉ có mục đích phát triển, động vật chỉ có mục đích săn mồi. Con người có cho mình một đích đến hoàn mỹ và đầy ắp sự thỏa mãn, đó chính là thành công và hạnh phúc. Thành công và hạnh phúc không hề khó để đạt được, và yếu tố quan trọng nhất vẫn là ở chính bản thân bạn.
Thuyết trình về một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ - mẫu 8
Chào các bạn, hôm nay, tôi muốn chia sẻ cùng các bạn về một vấn đề trong cuộc sống. Trước khi bắt đầu phần chia sẻ của mình, tôi muốn các bạn hãy cùng tôi quan sát những bức ảnh sau và nêu cảm nhận nhé!
Những bức tranh trên gợi ra 2 thái độ sống trái ngược trong xã hội, theo các bạn, đó là gì? (người nghe trả lời)
Đúng vậy! Đó chính lẽ sống cống hiến, hi sinh cao đẹp và lối sống ích kỉ, vô cảm. Có lẽ tất cả chúng ta đều thấy rằng cuộc sống càng hiện đại phát triển, khoa học kĩ thuật càng cao thì con người lại càng xa lánh nhau. Con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, chúng ta đang thu nhỏ lại với bản tính cá nhân, sống vì bản thân mình mà đánh mất mối liên kết với xã hội. Đứng trước vấn đề nhức nhối trên, điều tôi muốn chia sẻ với các bạn ngày hôm nay đó là: Tuổi trẻ và lẽ sống cống hiến.
Chúng ta đều biết rằng, tuổi trẻ là độ tuổi năng nổ nhất, nhiệt huyết nhất, có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất. Thế nhưng tuổi trẻ cũng là giai đoạn con người hưởng thụ, xa hoa và sống vì bản thân nhất. Một thực trạng đáng buồn hiện nay đó là người trẻ Việt Nam đang trở nên mất phương hướng trước những lựa chọn của bản thân. Họ sẽ lựa chọn một con đường êm ái, phẳng lặng, đi theo lối mòn của biết bao người thay vì một con đường gồ ghề đầy thách thức vắng dấu chân người. Họ sẽ lựa chọn một con đường đã được định sẵn theo ý muốn của người khác thay vì mục tiêu đã đề ra cho chính mình. Người trẻ quen với lối sống hưởng thụ, cho rằng giá trị bản thân nằm ở những thứ vật chất giàu có được phơi bày ra bên ngoài. Do đó, họ chạy theo xu hướng mà đánh mất những giá trị đích thực của cuộc sống. Điều này đã làm nảy sinh trong một lớp người lối sống vô cảm và ích kỉ cá nhân. Họ lãnh đạm trước nỗi đau của người khác, thậm chí lợi dụng sự bất hạnh của người khác để chuộc lợi cho bản thân. Họ sống trong tập thể nhưng lại chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân. Họ đề cao lối sống tự do bằng cách sống buông thả bản thân, làm những gì mình muốn mà không quan tâm đến cái nhìn của người khác. Biết bao nam thanh nữ tú sa vào con đường tệ nạn xã hội, nghiện hút ma tuý để thoả mãn lối sống hưởng thụ của mình. Biết bao thanh thiếu niên trẻ tuổi hằng đêm tổ chức đua xe trái phép trên phố gây ra cái chết thương tâm cho người vô tội mà không hay biết lỗi. Và biết bao cô gái xinh đẹp bỏ nhà, bỏ quê, xa xứ với ước muốn được đổi đời mà không hay biết đó là chốn địa ngục trần gian. Vậy đấy! Một lớp người trẻ chúng ta đang sống buông thả và vô trách nhiệm như vậy đấy!
Tưởng rằng xã hội chúng ta đang sống sẽ thật tồi tệ, tối tăm, mù mịt. Nhưng không, bên cạnh những “con sâu làm rầu nồi canh” ấy, chúng ta vẫn còn biết bao tấm gương sáng, bao con người với lẽ sống thật cao đẹp, đáng trân trọng ngợi ca. Đó là những tấm gương cống hiến âm thầm lặng lẽ. Tuổi trẻ với tinh thần nhiệt huyết, năng nổ của bản thân chính là lực lượng có những đóng góp tích cực, nổi bật nhất trong xã hội. Họ có khả năng lao động, học tập và hơn cả là sức sáng tạo vượt bậc. Họ khẳng định giá trị bản thân không nằm ở những món đồ hàng hiệu đắt tiền mà nằm trong những cống hiến có ích mà họ đóng góp trong xã hội. Họ lan toả tình yêu thương trong cuộc sống, họ đấu tranh loại trừ cái xấu, tôn vinh cái đẹp. Chỉ khi đặt vào hoàn cảnh khó khăn, con người mới bộc lộ những bản chất thật trong con người mình. Như các bạn đã biết, đã hơn một năm nay, cả thế giới đã phải trải qua một đại hoạ – đó là dịch bệnh Covid-19. Đã có biết bao người hi sinh, biết bao bệnh nhân ra đi vì một thứ virus vô hình nhưng có sức tàn phá đáng kinh ngạc. Và giữa cái u ám của đại dịch, ta thấy ngời sáng vẻ đẹp của tình người. Những y bác sĩ ngày đêm làm việc, cứu chữa những bệnh nhân nhiễm virus. Những tình nguyện viên ngày ngày túc trực, hỗ trợ bệnh nhân và các cán bộ làm việc. Những chiến sĩ bộ đội ta từ các doanh trại đồng lòng hướng về tâm dịch: họ phụ bếp, nấu cơm, họ dọn dẹp, sắp xếp và thậm chí họ nhường cả nơi nằm nghỉ ngơi của mình cho các bệnh nhân điều trị. Những sinh viên trường Y xung phong vào tuyến đầu chống dịch, góp công góp sức vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh. Biết bao người trẻ từ mọi vùng miền Tổ quốc không ngại khó, ngại khổ cùng nhau kêu gọi quyên góp từ thiện, ủng hộ nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân. Đã có rất nhiều mô hình ứng phó dịch bệnh được áp dụng như: Siêu thị 0 đồng, Đi chợ hộ,... với tinh thần “không để một ai bị bỏ lại phía sau”, “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Họ chính là những người anh hùng đời thường là tấm gương sáng để thế hệ trẻ chúng ta noi theo. Và như vậy, với sự quyết tâm cao độ, Việt Nam chúng ta đã đồng hành cùng những y bác sĩ, những thiện nguyện viên, những cán bộ chiến sĩ,...tiến từng bước trên con đường chiến thắng đại dịch toàn cầu.
Các bạn thấy đấy, tất cả mọi người đều đang cống hiến, chung tay đóng góp một phần nhỏ bé của bản thân cho xã hội. Sống cống hiến giúp chúng ta có trách nhiệm hơn với chính bản thân mình và những người xung quanh. Lẽ sống cống hiến giúp gắn chặt tình người, tình đoàn kết giữa cá nhân với tập thể. Nếu biết cho đi, chúng ta sẽ được nhận lại. Cái nhận lại ấy có thể không giá trị nhưng nó là vô giá. Bởi “hạnh phúc là cho đi”. Và hơn hết, nó khiến cộng đồng, xã hội, đất nước trở nên tươi đẹp hơn, phát triển hơn. Các bạn thử nghĩ mà xem: Liệu xã hội sẽ ra sao, nhân loại sẽ như thế nào nếu một ngày cá nhân tách biệt với tập thể, con người xa lánh lẫn nhau? Có lẽ xã hội ấy thật đáng sợ mà tôi không thể tưởng tượng được hết.
Như vậy, tất cả chúng ta đều hiểu rằng: lẽ sống cống hiến có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người trong cuộc sống. Vậy chúng ta cần làm gì để lan toả lối sống đẹp đẽ ấy? Hãy biết yêu thương, hãy sẻ chia, hãy gieo mầm hạnh phúc ở mọi nẻo đường bạn đi qua. Hạnh phúc không phải điểm đến mà chính là hành trình mà bạn đã nỗ lực vượt qua. Mọi hi sinh đều nhận được sự đền đáp xứng đáng. Vì vậy, hãy cho đi mà không mong cầu được nhận lại, hãy san sẻ bằng tất cả tình yêu và sự chân thành. Hãy biết sống vì cộng đồng, hãy đóng góp những điều có ích cho xã hội. Và cụ thể bằng cách nào? Chúng ta có thể tham gia những hoạt động từ các tổ chức thiện nguyện uy tín, cũng có thể tự mình tạo ra những hoạt động ý nghĩa cho xã hội. Nhưng trước khi đóng góp cho xã hội, bạn hãy biết tự yêu thương và trân trọng chính bản thân mình và những người thân trong gia đình mình. Bởi chỉ khi có trách nhiệm với bản thân, bạn mới có thể hoàn thành nghĩa vụ với xã hội. Tuy nhiên, sống cống hiến không có nghĩa là luôn luôn phải cho đi, luôn luôn phải hi sinh bất chấp mọi ngăn cản. Bạn hãy nhớ rằng: lòng tốt cần có giới hạn và nguyên tắc. Chúng ta không thể cứ nhu nhược cho đi để rồi khiến lòng tốt bị đem ra trở thành một món hàng bị lợi dụng lúc nào không hay. Chúng ta cũng không thể lúc nào cũng phải nghĩ cho người khác mà đánh mất bản thân mình. Vì vậy, hãy cứ sống là mình, sống sao để bản thân cảm thấy thoải mái và để cuộc sống trở nên ý nghĩa, giá trị hơn bao giờ hết. Hãy sử dụng lòng tốt của bản thân đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh và đúng mục đích. Lòng tốt của chúng ta chỉ thực sự có nghĩa khi nó đem lại lợi ích cho cộng đồng mà không phải một món hàng lợi dụng.
Với tôi, dù còn là học sinh nhưng tôi nhận thức hơn ai hết, người trẻ chúng ta gánh vác trên vai trọng trách vô cùng cao cả đối với sự phát triển của xã hội. Vì vậy, bên cạnh học tập, tôi cần nỗ lực phấn đấu theo đuổi ước mơ hoài bão, sống có mục tiêu, biết cống hiến và hi sinh vì những điều có ích cho cộng đồng. Còn bạn, bạn sẽ làm gì để cống hiến cho xã hội? Hãy chia sẻ cùng tôi nhé!
Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 10 hay khác:
- Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay 1 quan niệm
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội
- Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch
- Giới thiệu, đánh giá nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch
- Viết bài luận về bản thân
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 10 hay khác:
- Soạn văn 10 Chân trời sáng tạo (hay nhất)
- Soạn văn 10 Chân trời sáng tạo (ngắn nhất)
- Soạn văn 10 Chân trời sáng tạo (siêu ngắn)
- Giải Chuyên đề học tập Văn 10 Chân trời sáng tạo
- Giải lớp 10 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 10 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 10 Cánh diều (các môn học)
Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Soạn văn 10 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 10 (ngắn nhất) - CTST
- Soạn văn 10 (siêu ngắn) - CTST
- Giải Toán 10 - CTST
- Giải Tiếng Anh 10 Global Success
- Giải Tiếng Anh 10 Friends Global
- Giải sgk Tiếng Anh 10 iLearn Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 10 Explore New Worlds
- Giải sgk Vật lí 10 - CTST
- Giải sgk Hóa học 10 - CTST
- Giải sgk Sinh học 10 - CTST
- Giải sgk Địa lí 10 - CTST
- Giải sgk Lịch sử 10 - CTST
- Giải sgk Kinh tế và Pháp luật 10 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 10 - CTST