Soạn bài Củng cố, mở rộng lớp 10 trang 70 Tập 1 - Kết nối tri thức

Với soạn bài Củng cố, mở rộng trang 70 Tập 1 Ngữ văn lớp 10 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

Soạn bài Củng cố, mở rộng lớp 10 trang 70 Tập 1 - Kết nối tri thức

Soạn bài: Củng cố, mở rộng trang 70 - Cô Bích Phương (Giáo viên VietJack)

Câu 1 (trang 70 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1)

Quảng cáo

- Một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên vẻ đẹp của thơ ca là sự tinh tế của ngôn từ nghệ thuật. Bởi ngôn từ là phương tiện để người nghệ sĩ sáng tác và truyền tải những tư tưởng nghệ thuật. Ngoài ra, vẻ đẹp của thơ ca còn nằm ở nhịp điệu, cách gieo vần, cách sáng tạo hình ảnh thơ, những biện pháp tu từ, giọng điệu thơ,....

Câu 2 (trang 70 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1)

Chủ đề (1): Tại sao nên đọc thơ? 

- Đọc thơ giúp:

+ Phát triển khả năng tư duy, kết nối ngôn ngữ và cảm xúc

+ Làm phong phú trí tưởng tượng, làm giàu vốn cảm xúc

+ Rèn luyện khả năng ngôn ngữ, đặc biệt là những ngôn từ nghệ thuật

+ Phát huy năng lực cảm thụ

+ Giúp thư giãn tinh thần

Quảng cáo

Chủ đề (2): Thế nào là một bài thơ hay?

- Một bài thơ hay có những yếu tố:

+ Giàu cảm xúc

+ Hình thức độc đáo

+ Ngôn từ tinh tế, mới lạ

+ Tư tưởng nghệ thuật sâu sắc

+ Chứa đựng phong cách nghệ thuật của người sáng tác

Câu 3 (trang 70 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1)

- Những bài thơ cùng đề tài mùa xuân

+ “Mùa xuân chín” (Hàn Mặc Tử): bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp, tràn đầy sức sống cùng tâm hồn khát khao giao cảm với cuộc đời của nhà thơ.

+ “Mùa xuân xanh” (Nguyễn Bính): sức sống mùa xuân đậm chất “chân quê”, niềm vui sống, sự chan hoà giữa con người với tạo vật. 

+ “Mùa xuân nho nhỏ” (Thanh Hải): bức tranh mùa xuân tươi đẹp của thiên nhiên, đất nước và con người, thể hiện những ước nguyện cống hiến khiêm nhường mà cao đẹp của nhà thơ.

+ “Nguyên tiêu” (Hồ Chí Minh): bức tranh thiên nhiên mùa xuân nơi núi rừng tràn ngập sức sống, thi vị, thể hiện tình yêu thiên nhiên, tinh thần lạc quan và ý thức trách nhiệm với dân tộc của Bác. 

Quảng cáo

Câu 4 (trang 70 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1)

- Khi cảm nhận và phân tích thơ ca cần lưu ý: 

+ Đặc trưng thể loại thơ ca: Thơ là sự thổ lộ tình cảm mãnh liệt đã được ý thức, Thơ là nghệ thuật của trí tưởng tượng, Tính cá thể hoá của tình cảm trong thơ, Chất thơ của thơ. 

+ cần biết rõ hoàn cảnh sáng tác bài thơ, tên tác giả, phong cách nghệ thuật của tác giả.

+ Đọc kỹ bài thơ, cảm nhận ý thơ qua câu chữ, hình ảnh, nhịp điệu, ý thơ ở đây là cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng, cảnh vật,.. Đồng cảm với nhà thơ, dùng liên tưởng tưởng tượng, phân tích khả năng biểu hiện của từ ngữ, chi tiết, vần điệu,... mới cảm nhận được ý thơ, cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình. 

+ Từ những câu thơ đẹp, ý thơ lạ, ý thơ hay, từ hình tượng thơ, cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình, hãy nhìn xa và lùi lại để lý giải, đánh giá toàn bài thơ về cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Bài thơ có nét gì độc đáo, sáng tạo gì,...

Câu 5 (trang 70 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1)

Quảng cáo

Mùa thu là một đề tài xuất hiện nhiều trong thi ca, là nguồn cảm hứng dồi dào đối với người nghệ sĩ. Mùa thu không chỉ gợi cảnh vật mà còn gợi những sắc thái trong lòng người. “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh là một bài thơ như vây. Được sáng tác năm 1977 – sau khi đất nước vừa bước ra từ cuộc kháng chiến hào hùng, khốc liệt, “Sang thu” của Hữu Thỉnh đã bày tỏ những chiêm nghiệm của tác giả về con người và cuộc đời.

Nhan  đề gây ấn tượng với bạn đọc bởi biện pháp đảo ngữ: “Sang thu”. Tác giả viết “Sang thu” chứ không phải “Thu sang” nhằm nhấn mạnh khoảnh khắc giao mùa mong manh từ hạ sang thu. Cái khoảnh khắc ấy khiến cho lòng người xao xuyến. Không chỉ thiên nhiên, đất trời đang vào thu mà dường như đó cũng là cái sang thu của con người, của cuộc đời.

Khổ thơ đầu là những cảm nhận tinh tế của tác giả về khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu:

 “Bỗng nhận ra hương ổi

 Phả vào trong gió se

 Sương chùng chình qua ngõ

 Hình như thu đã về”        

Đặt từ  “bỗng”  ở đầu khổ thơ, tác giả cho thấy, mùa thu đến khá bất ngờ và đột ngột, dường như không hẹn trước. Những tín hiệu báo mùa thu đã về được gợi ra qua hình ảnh “hương ổi”, “gió se” và “sương”. Tín hiệu mùa thu đầu tiên được nhà thơ cảm nhận bằng khứu giác - “hương ổi”, một mùi hương thơm dịu, bình dị, thân thuộc của làng quê Việt Nam. Mùa thu đến đã không chỉ được nhà thơ cảm nhận bằng khứu giác mà còn bằng cả xúc giác. “Gió se” là gió khô, hơi lành lạnh cũng là tín hiệu đặc trưng nhất báo thu về. Hương ổi nồng nàn trong làn gió se, lan tỏa khắp không gian như báo hiệu mùa thu đang đến. Hương ổi không hòa quyện trong gió mà lan tỏa một cách mãnh liệt – “phả vào trong gió se”. Động từ “phả” nhằm thể hiện sức sống mạnh mẽ, tỏa hương ra từng luồng khiến những tín hiệu mùa thu càng trở nên rõ nét. Hình ảnh “sương chùng chình qua ngõ” là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhà thơ. Làn sương được nhân hóa qua từ láy “chùng chình” như cố ý đi chậm lại bởi còn lưu luyến, vấn vương mùa hạ. Với cách quan sách độc đáo, người đọc có thể cảm nhận tâm hồn tinh tế và tình yêu thiên nhiên của nhà thơ. Mùa thu dường như đến quá đột ngột và bất ngờ nên dù vui sướng trước tín hiệu mùa thu nhưng nhà thơ vẫn còn dè dặt: “Hình như thu đã về”. Trước phút giây giao mùa đầy ngỡ ngàng, nhà thơ trở nên bối rối, xao xuyến trong chính tâm hồn mình. Qua đó, ta thấy bức tranh thiên nhiên vào thu đã hiện lên thật sống động của cảm nhận của người nghệ sĩ tinh tế, yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời.

Khổ thơ thứ hai chính là những cảm nhận về sự chuyển biến của thiên nhiên đất trời trong cái nhìn viễn cảnh:

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
 Vắt nửa mình sang thu”

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã mở ra một không gian cao rộng với những nét hữu hình cụ thể: dòng sông dềnh dàng, đàn chim vội vã và đám mây mùa hạ. Dòng sông được nhân hóa qua từ “dềnh dàng” gợi sự chậm chạp, thong thả, mềm mại như muốn được nghỉ ngơi. Phải chăng đó cũng là tâm trạng của con người như chậm lại để ngẫm ngợi nghĩ suy về những trải nghiệm trong cuộc đời. Đối lập với trạng thái dềnh dàng của dòng sông là sự vội vã của những cánh chim. Nghệ thuật nhân hóa khiến hình ảnh đàn chim trở nên thật sống động. Dường như chim cũng tinh tế như con người, cảm nhận được cái giao mùa thầm lặng đang đến mà nhanh chóng bay về phương nam tránh rét. Nhưng sự “vội vã” ấy cũng chỉ mới bắt đầu bởi thu cũng chỉ mới chớm đến với đất trời.  Hình ảnh được sáng tạo độc đáo, gợi cảm nhất trong bài thơ có lẽ chính là hình ảnh đám mây “vắt nửa mình sang thu”. Đám mây mềm mỏng, lững lờ trôi tựa như tấm khăn voan trắng xóa vắt ngang qua bầu trời xanh. Bầu trời ấy một nửa vẫn còn là mùa hạ, một nửa đã nghiêng mình sang thu. Đám mây cũng được nhân hóa như mang tình cảm, suy nghĩ của con người. Cũng giống như làn sương “chùng chình”, con sông “dềnh dàng”, đám mây “vắt nửa mình” như còn dùng dằng, bịn rịn, quyến luyến với mùa hạ. Nhà thơ đã mượn cái hữu hình là đám mây để gợi ra cái vô hình là khoảnh khắc giao mùa. Qua cách diễn tả độc đáo ấy, đám mây hiện lên như một cầu nối giữa mùa hạ và mùa thu.   Bằng những cảm nhận vô cùng tinh tế, Hữu Thỉnh đã diễn tả chính xác cái ranh giới mong manh hư ảo trong khoảnh khắc giao mùa.

Kết thức bài thơ “Sang thu”, nhà thơ Hữu Thỉnh đã gửi gắm những suy tư, chiêm nghiệm của mình về cuộc đời:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

   Đã vơi dần cơn mưa

   Sấm cũng bớt bất ngờ

   Trên hàng cây đứng tuổi”.

Từ mùa thu của thiên nhiên đất trời, tác giả kết thúc với hình ảnh mùa thu trong tâm tưởng con người. Vẫn là “nắng, mưa, sấm”-những hiện tượng đặc trưng của mùa hạ nhưng mức độ đã dần khác đi. Bằng phép đảo ngữ và tăng tiến, sử dụng những từ chỉ trạng thái, mức độ “vẫn còn”, “đã vơi”, tác giả càng nhấn mạnh vào sự dùng dằng, giao thoa giữa hạ và thu.  Hai câu thơ cuối kết thúc bài thơ mang đầy trăn trở, suy nghĩ của nhà thơ về mùa thu của cuộc đời với biện pháp ẩn dụ độc đáo. “Sấm” chính là ẩn dụ cho những vang động, những thử thách, khó khăn, vất vả của cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” chỉ những con người từng trải, đã vượt qua nhiều thử thách trong cuộc sống. Sang thu, sấm nhỏ dần, không còn đủ sức để lay động những hàng cây đã bao mùa thay lá hay phải chăng, chính con người khi bước vào tuổi xế chiều cũng không còn lo lắng, sợ hãi trước những biến cố của cuộc đời. Con người khi bước vào cái tuổi “sang thu” cũng trở nên sâu sắc hơn, chín chắn hơn và vững vàng hơn trước những khó khăn, thử thách bất ngờ của cuộc đời. “Sang thu” không chỉ là sự chuyển giao của thiên nhiên đất trời mà còn là sự chuyển giao cuộc đời mỗi con người. Đặt trong hoàn cảnh sáng tác của bài thơ, hàng cây đứng tuổi còn tượng trưng cho đất nước ta đã trải qua bao hy sinh, mất mát, thiếu thốn, gian khổ của cuộc chiến dựng nước và giữ nước. Bởi vậy, dù đất nước đã hòa bình, với những gian khó trước mắt, dân tộc ta sẽ càng trở nên kiên cường, bất khuất, vững vàng phát triển đi lên.

Với thể thơ năm chữ, cách ngắt nhịp linh hoạt, giọng điệu tự nhiên, nhẹ nhàng, ngôn ngữ hình ảnh trong sáng, tinh tế giàu sức gợi, sức biểu cảm, Hữu Thỉnh đã gửi đến người đọc một bức tranh thiên nhiên lúc sang thu thật sự đẹp, thật duyên, thật tinh tế của một tâm hồn yêu thiên nhiên, quê hương tha thiết. “Sang Thu” của Hữu Thỉnh đã góp vào bản hòa ca mùa thu của quê hương, đất nước một tiếng nói riêng, đầy thi vị, ám ảnh, xúc động.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 Kết nối tri thức với cuộc sống hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 10 hay khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 10

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 10 Kết nối tri thức khác
Tài liệu giáo viên