(Siêu ngắn) Soạn bài Củng cố, mở rộng lớp 10 trang 70 - Kết nối tri thức

Bài viết soạn bài Củng cố, mở rộng trang 70 siêu ngắn gọn sách Ngữ văn 10 Kết nối tri thức giúp học sinh lớp 10 dễ dàng soạn văn 10.

(Siêu ngắn) Soạn bài Củng cố, mở rộng trang 70 - Kết nối tri thức

Quảng cáo

Câu 1 (trang 70 sgk Ngữ văn 10 Tập 1): Qua bài học này, theo bạn, những điều gì làm nên vẻ đẹp của thơ ca?

Trả lời:

- Sự tinh tế của ngôn ngữ nghệ thuật. Nhờ ngôn từ, người nghệ sĩ có thể truyền tải tư tưởng của mình theo phong cách cá nhân và để lại dấu ấn đậm nét cho người đọc.

- Cách gieo vần, nhịp điệu, biện pháp tu từ cũng giúp làm nên vẻ đẹp riêng của thơ ca.

Câu 2 (trang 70 sgk Ngữ văn 10 Tập 1): Thảo luận nhóm về một trong các chủ đề: (1) Tại sao nên đọc thơ?; (2) Thế nào là một bài thơ hay?

Trả lời:

(1) Đọc thơ giúp thanh lọc tâm hồn, vốn từ mở rộng, cách biểu đạt cảm xúc phong phú, nhiều sắc thái hơn.

(2) Bài thơ hay là bài thơ sử dụng ngôn ngữ, âm điệu đặc sắc, giàu cảm xúc, dễ đi vào lòng người và có thông điệp ý nghĩa, nhân văn.

Câu 3 (trang 70 sgk Ngữ văn 10 Tập 1): Đọc lại tất cả tác phẩm thơ đã học trong bài. Sưu tầm, tập hợp một số bài thơ khác cùng thể thơ hoặc cùng đề tài và ghi chép ngắn gọn những điều bạn tâm đắc khi đọc những bài thơ đó.

Trả lời:

- Thu hứng (Đỗ Phủ): Bức tranh thu ảm đạm, u buồn, mang nặng tâm tư, nỗi niềm thân phận tha hương của Đỗ Phủ và những suy tư của ông về cuộc sống, số phận mỏng manh của đời người trong thời đại loạn lạc.

- Thu điếu (Nguyễn Khuyến): Vẻ đẹp bình dị của cảnh sắc mùa thu của thiên nhiên đồng bằng Bắc bộ, với khung cảnh thanh bình, yên ả của làng quê đã thể hiện tâm trạng thời thế của Nguyễn Khuyến, đó là bỏ lại nhiễu nhương của thời thế, để sống cuộc đời thanh thản, yên bình.

Quảng cáo

- Đây mùa thu tới (Xuân Diệu): Bức tranh thu rộng lớn, đa sắc, tái hiện tâm trạng bâng khuâng của con người trước những biến chuyển của trời đất, thiên nhiên khi thu đến.

- Sang thu (Hữu Thỉnh): Xúc cảm về thiên nhiên, đất trời trong khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu với sự giao thoa của trời đất và lòng người. Đất trời sang thu, đờ người cũng sang thu.

Câu 4 (trang 70 sgk Ngữ văn 10 Tập 1): Tìm đọc thêm một số bài phân tích thơ, từ đó rút ra những kinh nghiệm về cảm nhận và phân tích thơ ca.

Trả lời:

- Cần tìm những bài phân tích thơ của các tác giả uy tín, nguồn thông tin chính xác.

- Những kinh nghiệm về cảm nhận và phân tích thơ ca: cần đi theo các bước:

+ Khái quát tiểu sử tác giả, hoàn cảnh ra đời của bài thơ (có mối liên hệ gì đặc biệt của hoàn cảnh và tác giả không?)

+ Phân tích nội dung (ý thơ, tứ thơ, thông điệp của nhà thơ) và nghệ thuật (thể thơ, vần, nhịp, biện pháp tu từ đặc sắc,...)

Câu 5 (trang 70 sgk Ngữ văn 10 Tập 1): Hãy phân tích một bài thơ được bạn đánh giá là hay (ngoài bài đã được phân tích trong phần Viết của bài học).

Trả lời:

Quảng cáo

Bài viết tham khảo

Những hiện tượng, sự vật của tự nhiên luôn khiến cho những tâm hồn nhạy cảm, thơ mộng rung động trước vẻ đẹp của nó, và nhà thơ Hữu Thỉnh cũng không ngoại lệ. Ông là một nhà thơ viết rất hay, rất cảm xúc về cuộc sống, về con người với những vần thơ mềm mại, tinh tế chỉ riêng ông có được. Sự chuyển mình từ mùa hạ sang mùa thu là một trong những thay đổi của tự nhiên đã lọt vào trái tim đa cảm của nhà thi sĩ này. Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh cho đến nay vẫn được đánh giá là một trong những bài thơ miêu tả hay nhất về mùa thu.

Mở đầu bài thơ là cảm xúc ngạc nhiên, ngỡ ngàng của tác giả khi thấy sự chuyển mình từ hạ sang thu:

"Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se”

Nếu như nhà thơ Xuân Diệu cảm nhận mùa thu qua những chiếc lá vàng, nhà thơ Xuân Quỳnh cảm nhận mùa thu bằng vẻ đẹp của hoa cúc và làn gió heo may thì cách cảm nhận của Hữu Thỉnh lại vô cùng đặc biệt: hương ổi. Ở đây, tác giả đã đón nhận mùa thu bằng khứu giác. Thu đến, những chùm ổi chín phất phơ trong gió tỏa hương thơm vô cùng quyến rũ. Hương thơm này không quá ngào ngạt, cũng không quá nhẹ mà nó thoang thoảng, hòa cùng làn gió như đánh thức xúc cảm trong lòng người. Nhà thơ đảo những động từ "Bỗng" và "Phả" lên đầu câu như để nhấn mạnh rằng mùa thu đến thật tự nhiên, không báo trước, làm cho tác giả ngạc nhiên, thảng thốt. Sự chuyển mình của đất trời không chỉ được tác giả cảm nhận bằng khứu giác mà còn bằng thị giác:

Quảng cáo

"Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về"

Từ láy "chùng chình" cho thấy sự quyến luyến, không nỡ rời đi của màn sương. Sự chùng chình của màn sương hay chính là sự luyến lưu của tác giả khi không muốn mùa hạ đi qua mà cũng lỡ yêu mùa thu mất rồi. Hẳn không có gì là lạ khi Hữu Thỉnh cảm nhận mùa thu bằng cả tâm hồn như vậy, bởi bài thơ được ông sáng tác vào năm 1977 - một trong những mùa thu độc lập đầu tiên của đất nước. Mỗi một thay đổi của đất trời đều khiến cho con người ta để ý và rung động đến mức khó quên. Đầu tiên là hương ổi và bây giờ là cả màn sương, tất cả cho thấy một mùa thu đang về rồi. Từ "hình như" là một nhận định không rõ ràng của tác giả, trước những thay đổi ấy, nhà thơ đã bắt đầu cảm nhận được sự xuất hiện của mùa thu.

Ở khổ thơ thứ hai, ta thấy mùa thu đến rõ ràng hơn trước sự chứng kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh:

"Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu"

Thu đến, dòng sông không còn phải gồng mình lên trước những cơn mưa lũ của mùa hạ, những cánh chim đã bắt đầu đi tìm nơi trú ẩn cho mình trước khi một mùa đông lạnh giá ghé thăm. Và cả những đám mây trắng trên bầu trời cao vợi cũng đã đến lúc nói lời chào tạm biệt mùa hè rồi. Đoạn thơ được tác giả sử dụng một loạt các từ láy "dềnh dàng", "vội vã" là những động từ thể hiện sự chuyển động của sự vật. Những sự vật của tự nhiên được nhân hóa với những hành động khi nhanh, khi chậm, vô cùng sinh động trong con mắt của tác giả. Lại một lần nữa động từ được đặt lên đầu câu. Động từ "Vắt" cho thấy hình ảnh một đám mây mềm mại, vắt ngang trên bầu trời, một nửa còn vấn vương mùa hạ, nửa còn lại đã bước chân sang mùa thu.

Sang đến khổ thơ cuối, nhà thơ Hữu Thỉnh không còn cảm nhận mùa thu bằng những sự thay đổi của tự nhiên nữa mà thay vào đó là sự đan xen những chiêm nghiệm về cuộc đời:

"Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi"

Nắng cuối hạ vẫn còn hồng, vẫn còn sáng nhưng đã nhạt đi nhiều so với thời điểm giữa mùa hè chói chang. Bầu trời cũng không còn những cơn mưa ào ạt, sấm nổ vang trời khiến cho mọi người phải giật mình nữa bởi thu đã đến thật rồi! Hai dòng thơ cuối là sự chiêm nghiệm của tác giả về cuộc đời:

"Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi"

Hình ảnh ẩn dụ "hàng cây đứng tuổi" gợi cho người đọc nhiều liên tưởng. Ở đây, ta có thể hiểu "hàng cây đứng tuổi" tượng trưng cho một con người từng trải, đã đi qua bao giông bão của cuộc đời để trưởng thành hơn. Mùa thu của đất nước hay chính là mùa thu của đời người, khi đã đi qua những tháng năm xuân, hè của tuổi trẻ rực rỡ, bồng bột thì con người ta trở nên trưởng thành hơn, chín chắn hơn và không còn bị bất ngờ trước những tác động của ngoại cảnh. Có thể nói, đây là một hình ảnh ẩn dụ nhiều ý nghĩa, gợi liên tưởng sâu xa về cuộc đời. Phải là một người từng trải mới có thể có những xúc cảm như vậy.

Bằng những câu chữ mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần tinh tế, bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh đã mở ra trước mắt bạn đọc một bức tranh thiên nhiên vô cùng đẹp và sinh động. Tất cả đều đến từ mạch cảm xúc tự nhiên của tác giả. Qua đó, ta có thể thấy được tình yêu thiên nhiên sâu sắc của nhà thơ, hiểu được vì sao Hữu Thỉnh được coi là một trong những cây bút xuất sắc khi viết về tự nhiên, về cuộc sống.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 Kết nối tri thức siêu ngắn, hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 10 hay khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 10

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 10 Kết nối tri thức khác
Tài liệu giáo viên