10+ Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử ở nơi em sống

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử ở nơi em sống hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

10+ Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử ở nơi em sống

Quảng cáo

Đề bài: Viết bài văn thuyết minh (khoảng 600 chữ) về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử ở nơi em sống để tham gia cuộc thi “Danh thắng và di tích tôi yêu” do một tạp chí du lịch tổ chức.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử ở nơi em sống - mẫu 1

Chùa Thầy là một trong số những ngôi chùa cổ kính, nổi tiếng và linh thiêng nhất ở quê hương em.

Vị trí tọa độ và lịch sử hình thành

Chùa Thầy tọa lạc tại núi Thầy, ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Ban đầu, chùa Thầy chỉ là một am nhỏ được gọi là Hương Hải am, là nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh làm trụ trì. Về sau, chùa được vua Lý Nhân Tông, Dĩnh Quận Công cùng các hoàng tộc cho xây dựng thêm và chăm lo việc trùng tu. Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì có nghĩa là ao Rồng. Sân chùa như hàm rồng, thủy đình như viên ngọc rồng ngậm. Cây cầu Nguyệt Tiên Kiều và Nhật Tiên Kiều như hai chiếc râu rồng. Tất cả như tạo nên một vẻ đẹp cổ kính và thanh tịnh cho chùa Thầy.

Quảng cáo

Đặc điểm kiến trúc của chùa Thầy

Phần chính của chùa Thầy được xây dựng theo lối kiến trúc tiền Phật hậu Thánh. Chùa gồm ba tòa song song với nhau ứng với tên gọi lần lượt là: chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Phía trước chùa là một khoảng sân rộng nhìn ra hồ Long Chiểu, tạo thành hàm của rồng. Hai bên cạnh của sân có hai cây cầu cong bắc qua một phần hồ tạo thành hai chiếc râu rồng, một bên bắc sang một hòn đảo nhỏ nay đã thành khu dân cư, còn một cầu bắc sang đền thờ Tam Phủ. Hai câu cầu này do Phùng Khắc Khoan xây dựng vào năm 1602. Giữa áo chùa có một thủy đình, nhìn từ xa như đang nổi giữa mặt hồ xanh biếc. Thủy đình này rộng khoảng bốn mét vuông, được dựng nên bằng bốn bức tường có tạo kiểu lối vào mái vòm giống nhau. Trên nóc thủy đình là một lớp ngói nhuốm màu rêu phong. Đây cũng chính là nơi diễn ra trò múa rối nước – một hình thức biểu diễn dân gian mà Thiền sư Từ Đạo Hạnh tìm ra và truyền lại cho người dân nơi đây.

Di sản văn hóa

Quảng cáo

Nằm tại xứ Đoài yên bình, chùa Thầy ít phải chịu những tác động trong hàng ngàn năm của những cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, nên ngôi chùa đã giữ lại được bao vẻ bình dị, cổ kính, trở thành trung tâm phật giáo cổ và lớn nhất gần Kinh đô Thăng Long, lưu giữ nhiều di sản văn hóa của các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn. Ngày 31 tháng 12 năm 2014, chùa Thầy đã được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.

Cách tham quan chùa Thầy

Để đến chùa Thầy, các bạn có thể sử dụng Google map tra đường, đi theo hướng Đại Lộ Thăng Long rất dễ dàng. Khi tới xã Sài Sơn, cách chùa khoảng 500m có một biển chỉ dẫn lớn dẫn các bạn vào chùa. Trước khi vào, các bạn cần gửi phương tiện đi lại ở khu dân cư và mua vé vào tham quan chùa. Khi vào chùa, các bạn sẽ được các cô, các bác là những người dân địa phương dẫn đi tham quan và lí giải, cung cấp nhiều thông tin về chùa, về những vị Thánh, Phật được thờ phụng trong chùa…

Chùa Thầy là một ngôi chùa cổ kính, linh thiêng với lối kiến trúc vô cùng độc đáo. Đến với chùa Thầy chúng ta sẽ được trải nghiệm một không gian yên bình, tâm hồn ta vì thế cũng như được xoa dịu, chữa lành. Chắc chắn, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hối tiếc khi đặt chân tới ngôi chùa này. 

Quảng cáo

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử ở nơi em sống - mẫu 2

Chưa đi chưa biết Sa Pa

Đi rồi mới thấy mây ba bốn tầng

Nắng viền thác Bạc một vầng

Tình yêu xối xả trắng ngần bay bay

Sa Pa thành phố mờ hơi sương, với biết bao thắng cảnh đẹp đẽ làm say mê lòng người. Ta biết đến một Phanxiphang hùng vĩ, nóc nhà của Đông Dương, những triền đồi vàng óng khi đến mùa lúa được thu hoạch và cũng không thể không nhắc đến khu du lịch Hàm Rồng nổi tiếng vừa hùng vĩ mà cũng rất đỗi nên thơ, trữ tình.

Núi Hàm Rồng nằm ngay trung tâm thị trấn Sa Pa, điểm thấp nhất của núi lên đến 1450m, và cao nhất là 1850 m so với mực nước biển. Núi Hàm Rồng rất hùng vĩ, đan xen nó là các kiểu núi khác nhau, với màu xanh bạt ngàn của cây cối phủ kín bốn phương. Vì là địa hình núi cao, nên mỗi khi mùa đông về, nhiệt độ xuống thấp sẽ xuất hiện hiện tượng băng giá, thậm chí là tuyết gây hứng thú và tò mò với người dân cả nước.

Khu du lịch Hàm Rồng là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của Sa Pa. Nó được khởi công xây dựng vào năm 1996, với diện tích 148ha. Khu du lịch này khai thác chính những yếu tố thiên nhiên hoang sơ để tạo nên sự thu hút riêng cho mình. Đi từ chân núi lên đến đỉnh núi là những khung cảnh thiên nhiên khác nhau, vừa hùng vĩ lại vô cùng thơ mộng. Là những vườn lan rộng lớn với hơn 6000 giò lan của 194 loại phong lan khác nhau. Hoa thơm nở bốn mùa, ong bướm vây lượn ngày đêm. Bên cạnh vườn lan là những vườn hoa hết sức đa dạng, màu sắc rực rỡ: hoa cánh bướm, thược dược, cẩm tú cầu, hoa bất tử,… cùng hàng chục giống hoa lạ, độc đáo được đưa từ Nga, Pháp, Nhật về trồng thử nghiệm. Đường đi lên Hàm Rồng quanh co, uốn lượn, trước đây chưa được lát gạch quả là một thử thách với du khách, nhưng trong những năm gần đây đã được lát đá thành các bậc thềm tạo điều kiện thuận lợi để mọi người chinh phục đỉnh núi này. Trước khi lên đến đỉnh, chúng ta sẽ phải đi qua một con đường hẹp, dẫn vào hang Tam Môn. Con đường này chỉ vừa cho một người đi qua, và khi đã đi qua đó là cả một khoảng trời mênh mông mở ra trước mặt, với vườn cây ăn trái hết sức đa dạng: đào, lê, mận,…

Lên đến sân mây, tức đỉnh của Hàm Rồng một khung cảnh thiên nhiên kì vĩ mở ra trước mắt chúng ta. Ở độ cao 1800m chúng ta cảm nhận được cái lạnh thấu xương khi vừa mới dưới kia thôi nắng vàng vẫn trải rực rỡ, ta cảm nhận được mây trắng bồng bềnh vườn qua tóc. Một khung cảnh vô cùng lãng mạn.

Núi Hàm Rồng là một trong những tiềm năng du lịch lớn của thành phố Lào Cai. Đến với Sa Pa nếu ta chưa lên đến núi Hàm Rồng ấy là chưa đến Sa Pa vậy. Khu du lịch này có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của mảnh đất Lào Cai giàu có, phong phú về tài nguyên.

Sa Pa thơ mộng, hùng vĩ càng trở nên đẹp đẽ hơn khi có khu du lịch Hàm Rồng. Khu du lịch này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế lớn mà hơn thế còn cho con người không gian nghỉ dưỡng thoải mái, sảng khoái, bỏ lại sau lưng những khói bụi ồn ảo của thành phố. Để con người được hòa mình trọn vẹn vào khung cảnh thiên nhiên.

Không chỉ vậy, Sa Pa nói chung và Hàm Rồng nói riêng còn khơi nguồn cảm hứng sáng tác, sáng tạo cho biết bao thế hệ nghệ sĩ:

Chiều Sa Pa – Huyền Thanh

Hàm Rồng cổng đá chơ vơ

Vườn Lam khói tỏa trăng mờ cheo leo

Hút heo vương ánh tà chiều

Thôn nghèo cô tịch liêu xiêu mẹ già..

Cùng vô vàn những vần thơ hay và đặc sắc khác.

Một lần đến với Sa Pa ta sẽ còn nhớ mãi về hình ảnh những em bé H-mong đáng yêu, nụ cười giòn tan hòa trong cái nắng rực rỡ. Nhớ về một Hàm Rồng hùng vĩ, nhưng bên cạnh đó là nét nguyên sơ, tinh tế, mơ mộng. Sa Pa là thế đấy, cái lạnh thấu xương cũng không thể làm phai nhạt vẻ đẹp của thiên nhiên, sự nồng ấm của tình người.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử ở nơi em sống - mẫu 3

Quê hương em là huyện Đông Anh xinh đẹp với nhiều di tích lịch sử được nhiều người biết đến như đền Sái, đền Cổ Loa. Chắc hẳn khi nhắc đến đền Cổ Loa mọi người sẽ thấy rất quen thuộc bởi đây là một di tích lịch sử gắn liền với những truyền thuyết của dân tộc Việt Nam, như vua An Dương Vương định đô, xây thành, chiếc nỏ thần Kim Quy...

Được mệnh danh là tòa thành cổ lớn nhất Việt Nam, di tích Cổ Loa ngày nay thuộc địa phận xã Cổ Loa huyện Đông Anh. Hằng năm cứ đến ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch người dân trên cả nước lại trẩy hội Cổ Loa để chiêm ngưỡng các nghi lễ trang trọng cũng như những hoạt động nghệ thuật văn hóa dân gian đặc sắc.

Vào thời Âu Lạc, Cổ Loa nằm vị trí đỉnh của tam giác châu thổ sông hồng và là nơi giao lưu quan trọng của đường thủy và bộ. Về giao thông đường thủy, Cổ Loa có một vị trí vô cùng thuận lợi. Đó là vị trí nối liền mạng lưới đường thủy của sông Hồng cùng với mạng lưới đường thủy của sông Thái Bình.

Địa điểm Cổ Loa chính là đất Phong Khê, lúc đó là một vùng đồng bằng trù phú có xóm làng, dân cư đông đúc, sống bằng nghề làm ruộng, đánh cá và thủ công nghiệp. Việc dời đô từ Phong Châu về đây, đánh dấu một giai đoạn phát triển của dân cư Việt cổ, giai đoạn người Việt chuyển trung tâm quyền lực từ vùng Trung du bán sơn địa về định cư tại vùng đồng bằng.

Thành được xây dựng kiểu vòng ốc (nên gọi là Loa thành) tương truyền có tới 9 vòng, dưới thành ngoài là hào sâu ngập nước thuyền bè đi lại được. Ngày nay, ở Cổ Loa còn lại 3 vòng thành đất: thành ngoài (8km), thành giữa (hình đa giác, chu vi 6,5km) và thành trong (hình chữ nhật, chu vi 1,6km). Thân thành ngày nay còn có chiều cao trung bình từ 4 - 5m, có chỗ còn cao tới 12m, chân thành rộng tới 20 - 30m. Các cửa của ba vòng thành cũng được bố trí rất khéo; không hề nằm cùng trên một trục thẳng mà lệch chéo đi rất nhiều. Do đó đường nối hai cửa thành ở cùng một hướng đều là một đường quanh co, lại có ụ phòng ngự ở hai bên nên gây rất nhiều trở ngại cho quân địch khi tiến đánh thành.

Thành nội hình chữ nhật, cao trung bình 5m so với mặt đất, mặt thành rộng từ 6m - 12m, chân rộng từ 20m - 30m, chu vi 1.650 m và có một cửa nhìn vào tòa kiến trúc Ngự triều di quy. Thành trung là một vòng thành không có khuôn hình cân xứng, dài 6.500 m, nơi cao nhất là 10m, mặt thành rộng trung bình 10m, có năm cửa ở các hướng đông, nam, bắc, tây bắc và tây nam, trong đó cửa đông ăn thông với sông Hồng. Thành ngoại cũng không có hình dáng rõ ràng, dài hơn 8.000m, cao trung bình 3 m - 4 m (có chỗ tới hơn 8m).

Mỗi vòng thành đều có hào nước bao quanh bên ngoài, hào rộng trung bình từ 10m đến 30m, có chỗ còn rộng hơn. Các vòng hào đều thông với nhau và thông với sông Hoàng. Sự kết hợp của sông, hào và tường thành không có hình dạng nhất định, khiến thành như một mê cung, là một khu quân sự vừa thuận lợi cho tấn công vừa tốt cho phòng thủ..

Qua các giai đoạn lịch sử, Cổ Loa có rất nhiều tên: Loa thành (thành ốc), thành Côn Lôn, thành Tư Long, Cửu thành, Thành Việt Vương, thành Khả Lũ, Cổ Loa thành. Đến thế kỷ thứ X, thời kỳ Ngô Quyền làm vua, Cổ Loa lại trở thành kinh đô lần thứ hai. Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”.

Hiện nay Cổ Loa là một trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam, và Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đến với thành Cổ Loa, du khách không chỉ được tham quan tòa thành vĩ đại của lịch sử mà còn cảm nhận được khung cảnh vùng quê với những di tích về truyền thuyết xưa kia. Lịch sử đã qua đi nhưng những mốc lịch sử xưa kia sẽ còn sống mãi cùng Cổ Loa thành.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử ở nơi em sống - mẫu 4

Trong số hàng nghìn di tích lịch sử tại Hà Nội, có hơn 500 di tích đã được xếp hạng, và trong số này, Văn Miếu - Quốc Tử Giám nổi bật lên như một biểu tượng không thể tách rời với sự hình thành của kinh đô Thăng Long dưới triều đại Lý. Đây là một di tích có lịch sử gần nghìn năm, mang quy mô tinh tế và uy nghi, tượng trưng cho Hà Nội và là biểu tượng văn hóa và lịch sử của Việt Nam.

10+ Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử ở nơi em sống

Theo sử sách Đại Việt, vào mùa thu năm Canh Tuất - 1070, Vua Lý Thánh Tông đã quyết định khởi công xây dựng Văn Miếu để tôn vinh các tiền nhân, các học giả và những người đã có đóng góp to lớn cho đất nước. Trong danh sách những người được tôn thờ tại đây, không thể không nhắc đến Khổng Tử - người sáng lập nho giáo phương Đông và Chu Văn An - một trong những thầy giáo nổi tiếng, đạo đức và tri thức của nền giáo dục Việt Nam. Chỉ sau sáu năm, năm 1076, Vua Lý Nhân Tông đã quyết định xây dựng Quốc Tử Giám - một trường đại học Nho học hàng đầu thời bấy giờ, với mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước. Đây là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự lựa chọn đầu tiên của triều đình phong kiến Việt Nam trong việc đầu tư và quản lý giáo dục theo mô hình Nho học châu Á.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện nay vẫn lưu giữ 82 tấm bia đá, trên đó ghi tên của 1306 người đã đỗ tiến sĩ trong 82 kỳ thi từ năm 1484 đến năm 1780. Trong số những người này, người đỗ tiến sĩ ở tuổi cao nhất trong lịch sử là ông Bàn Tử Quang, khi đó đã 82 tuổi. Ngược lại, người trẻ nhất là Nguyễn Hiền, quê ở Nam Trực (Nam Định), đỗ trạng nguyên năm Đinh Mùi, tức là năm 1247, khi chỉ mới 13 tuổi. Từ đó, Văn Miếu và Quốc Tử Giám - được xem như trường đại học đầu tiên của Việt Nam đã tồn tại suốt đến thế kỷ 19.

Vị trí của Văn Miếu - Quốc Tử Giám tọa lạc trên một khuôn viên rộng hơn 54.000m2, nằm giữa bốn con đường: cổng chính ở đường Quốc Tử Giám (phía Nam), phía Bắc tiếp giáp đường Nguyễn Thái Học, phía Đông giáp phố Tôn Đức Thắng, và phía Tây là phố Văn Miếu. Khu di tích này được chia thành 5 khu vực. Khu vực 1 bao gồm Văn hồ, cổng tam quan ngoại cùng (cổng lớn) và Văn Miếu môn, với cổng lớn có ba cửa và hai tầng, tầng trên với ba chữ Văn Miếu môn. Khu vực thứ hai bao gồm Đại Trung môn, Thánh Dực môn bên trái và Đạt Tài môn bên phải. Khu vực 3 chứa giếng Thiên Quang (tên có nghĩa là giếng trời trong sáng), với 82 bia Tiến sĩ nằm ở hai hàng, mặt bia hướng về giếng, là một di tích có giá trị đặc biệt. Vượt qua cửa Đại Thành, bạn sẽ vào khu vực thứ 4, nơi có dãy Tả Vu và Hữu Vu, với một dãy đặc biệt giữa là Toà Đại Bái đường, tạo thành một kiến trúc hình chữ U truyền thống. Khu vực cuối cùng là nơi dùng để giảng dạy trong trường Quốc Tử Giám thời Lê, nơi đào tạo nhiều thế hệ người tài "nguyên khí của nước nhà."

Mặc dù đã trải qua nhiều biến động và biến cố trong lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không còn nguyên vẹn như xưa. Các công trình từ thời kỳ Lý và Lê hầu như không còn tồn tại. Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại với sự trang nghiêm và tôn kính của một trường đại học có gần 1000 năm lịch sử của Hà Nội. Đây chính là khu di tích văn hóa hàng đầu và nguồn tự hào của người dân Thủ đô khi nhắc đến truyền thống văn hiến hàng nghìn năm của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử ở nơi em sống - mẫu 5

Khi bạn đặt chân đến xứ Huế, một trong những điểm đến mơ màng, có ai có thể không ghé thăm quần thể di tích Cố đô Huế ít nhất một lần? Đây chính là chứng tích rạng ngời và thịnh vượng của triều đại Nguyễn, khi đây từng là trung tâm thủ đô của nước Việt Nam trong vòng 143 năm dài đẹp.

Nhìn lại lịch sử xa xưa, Huế đã từng được vị vua tài ba Nguyễn Huệ coi trọng vì tính chiến lược của vị trí địa lý và ông đã quyết định chọn nơi này để đặt đại bản doanh quan trọng. Vào năm 1802, vị vua Nguyễn Ánh, sau này là vua Gia Long, một lần nữa chọn Cố đô Huế làm thủ đô mới cho triều đại Nguyễn. Dự án xây dựng Kinh đô Huế kéo dài từ năm 1802 cho đến năm 1917 trước khi hoàn thành.

Kinh thành Huế nằm bên bờ hai nhánh của dòng sông Hương là Kim Long và Bạch Y, bao gồm 8 làng cổ đại, bao gồm Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phát, An Vân, An Hòa, An Mỹ, An Bảo và Thế Lại. Các công trình kiến trúc đồ sộ này được xây dựng theo phong cách truyền thống của Huế, đồng thời thể hiện sự tham khảo của nhiều mẫu kiến trúc Trung Quốc và một số yếu tố phương Tây. Tuy nhiên, vẫn tuân thủ theo nguyên tắc kiến trúc dân tộc Việt Nam theo triết lý Dịch Lý và thuật Phong Thủy để tạo ra sự hài hòa và cân đối với tự nhiên. Tất cả những công trình này tạo nên một quần thể kiến trúc độc đáo và tinh tế, kết hợp tinh hoa của văn hóa xây dựng Đông và Tây. Xung quanh kinh thành là một vòng tường dài 10.571 mét, bao gồm 24 pháo đài, 10 cửa chính cùng với 1 cửa phụ, và còn có một hệ thống kênh rạch phức tạp bao quanh để tăng độ phòng thủ của kinh thành.

Chức năng chính của Hoàng thành là bảo vệ và phục vụ cho cuộc sống của hoàng gia và triều đình. Khu vực Đại Nội bao gồm hệ thống Tử Cấm thành nằm bên trong Hoàng thành và có sự liên kết mật thiết với nhau. Vào năm 1804, vua Gia Long đã chỉ định người chịu trách nhiệm xây dựng Đại Nội. Cơ bản, dưới thời vua Gia Long, Đại Nội đã hoàn thành hầu hết. Khu vực này bao gồm các miếu, điện như Thế Miếu, Triệu Tổ Miếu, Hoàng Khảo Miếu, điện Hoàng Nhân, điện Cần Chánh, cung Trường Thọ, cung Khôn Thái, điện Thái Hòa, viện Thái Y, điện Quang Minh, Điện Trinh Minh, Điện Trung Hòa, Vạc đồng, Thái Bình Lâu, Duyệt Thị Đường và nhiều công trình khác. Tất cả đã được sắp xếp hài hòa với thiên nhiên, bao gồm vườn hoa, cây cầu đá, hồ sen và cây cối xanh mát. Tử Cấm thành nằm bên trong Đại Nội, nơi diễn ra cuộc sống hàng ngày của vua và hoàng tộc. Vùng này bao gồm nhiều công trình như điện Cần Chánh, cung Trường Thọ, cung Khôn Thái, điện Thái Hòa, viện Thái Y, điện Quang Minh, Điện Trinh Minh, và Điện Trung Hòa. Còn lại của khu vực này được xây dựng dưới triều đại của vua Minh Mạng, mang lại diện mạo kiến trúc đáng kinh ngạc cho Hoàng thành và Tử Cấm thành.

Kinh thành Huế có hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 600 mét, được xây dựng hoàn toàn bằng gạch, cao 4 mét và dày 1 mét. Nó được bảo vệ bởi các hào đào và có 4 cửa ra vào theo bốn hướng: Hiển Nhơn, Chương Đức, Ngọ Môn (cửa chính) và Hòa Bình. Bên trong, hệ thống được sắp xếp theo một trục đối xứng, với các công trình dành riêng cho vua nằm ở trục chính giữa. Tất cả đều được sắp xếp hài hòa với thiên nhiên, bao gồm vườn hoa, cầu đá, hồ sen và các cây cối xanh mát. Tử Cấm thành nằm bên trong Đại Nội, ngay sau điện Thái Hòa. Nơi này là nơi sinh hoạt hàng ngày của vua và hoàng tộc và bao gồm các công trình như điện Cần Chánh, nhà Tả Vu và Hữu Vu, điện Kiến Trung, Vạc đồng, Thái Bình Lâu, Duyệt Thị Đường và nhiều công trình khác.

Nhiều công trình khác như Văn miếu Quốc Tử Giam, Thượng Bạc Viện, và Trấn Hải Thành cũng được xây dựng để phục vụ mục đích học tập, ngoại giao và quân sự.

Vào ngày 2 tháng 8 năm 1994, Cố đô Huế đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Điều này là một niềm tự hào lớn của dân tộc Việt Nam, khi nền văn hóa của họ được thế giới công nhận và bảo vệ. Daniel Janicot, Phó Tổng Giám đốc UNESCO, đã đến Huế để trao tấm bằng chứng nhận này, có chữ ký của Tổng Giám đốc UNESCO, Fédérico Mayor Zaragoza, cùng dòng chữ: "Ghi tên vào danh mục công nhận giá trị toàn cầu đặc biệt của một tài sản văn hóa hoặc thiên nhiên để được bảo vệ vì lợi ích nhân loại".

Xem thêm các bài Soạn văn 8 Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH ĐỀ THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và sách dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Soạn văn 9 của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Ngữ văn 9 Tập 1 và Tập 2 Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục).

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 9 Chân trời sáng tạo khác
Tài liệu giáo viên