Top 30 Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học lớp 9 (học sinh giỏi)
Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học hay nhất, ngắn gọn được chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh lớp 9 trên cả nước giúp bạn có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (mẫu 1)
- Dàn ý Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học
- Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (mẫu 2)
- Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (mẫu 3)
- Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (mẫu 4)
- Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (mẫu 5)
- Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (mẫu 6)
- Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (mẫu 7)
- Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (mẫu 8)
Top 30 Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học lớp 9 (học sinh giỏi)
Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học - mẫu 1
Giống như những nhà thơ, nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, Bảo Ninh cũng viết về đề tài chiến tranh. Nhưng chiến tranh dưới góc nhìn của Bảo Ninh rất chân thực và khác biệt. Nó không mang màu sắc sử thi, hào hùng, thi vị, trái lại nó lại mang theo những nỗi buồn. Những nỗi buồn ấy là sản phẩm của chiến tranh, nó ăn sâu vào trong tâm hồn người để dần dà âm ỉ mà lan rộng ra, khiến con người ta đau đớn đến cùng cực. Có lẽ chính vì vậy mà các tác phẩm của Bảo Ninh luôn tác động mạnh mẽ đến người đọc, khiến bạn đọc cảm nhận được rõ nét cái nỗi đau ẩn sâu trong lòng nhân vật. Và nỗi đau ấy đã được Bảo Ninh khắc họa rất sâu sắc trong truyện ngắn Bí ẩn của làn nước.
Cũng xuất phát từ đề tài chiến tranh như truyện ngắn Giang hay tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, trong Bí ẩn của làn nước, Bảo Ninh tiếp tục nhìn chiến tranh dưới lăng kính của nỗi buồn. Ở đây, nhà văn không thể hiện nỗi đau của người lính khi phải chịu đựng những nỗi ám ảnh, kinh hoàng trên chiến trường, nỗi đau mất đi bạn bè, người thân, người yêu trong chiến tranh mà ông lựa chọn khắc họa nỗi đau của những người nông dân trong chiến tranh.
Chiến tranh là những cuộc biến thiên của lịch sử và đi kèm với nó luôn là những mất mát, đau thương. Trong Bí ẩn của làn nước, chiến tranh đã đem đến một ám ảnh kinh hoàng đối với người dân nơi hậu phương: “Năm ấy, nhằm trúng đỉnh lũ đêm Rằm tháng Bảy, một loạt bom Mỹ phá tan vệt canh giữ đằng trước làng tôi. Dứt dây nổ của bom và tiếng gầm ghê rợn của máy bay cường kích là chuỗi ầm ầm long lỡ của dòng sông phá bung đê tràn ngang vào đồng ruộng”. Bom đạn đã phá vỡ đê điều, nhấn chìm làng mạc, đồng ruộng của những người nông dân, đẩy họ vào cảnh khốn cùng: “Nước đã ngập làng. Tôi về, kịp dìu vợ leo lên mái thì vừa đợt dâng nước thứ hai. Mái nhà tranh của vợ chồng tôi bị lôi đi trong đêm. Đến khi mái rạ saows rã tan ra thì ơn trời nó vương vào thân đa trước đình làng. Đã cả một đám đông bám trên các cành… Vợ tôi ôm khư khư đứa con mới inh, nhất định không để tôi bế đỡ.” Không dừng lại ở đó, những người dân giờ đây lại càng rơi vào bế tắc hơn khi nhiều giờ trôi qua mà mưa vẫn tiếp tục tuôn, gió tiếp tục thổi, dòng nước ngày một xiết hơn. Dòng nước xiết ấy không chỉ nhấn chìm làng mạc, cuốn trôi mọi tài sản của người nông dân mà còn cướp đi số mệnh của những người xấu số như những người phụ nữ yếu ớt, những đứa bé non nớt: “Vợ tôi “ối” kêu một tiếng thảng thốt, và “ùm”, con trai tôi, đứa con sơ sinh tôi chưa được nhìn thấy mặt, tuột khỏi bọc ni lông trên tay mẹ nó, san xuống làn nước tối tăm.
- Trời ơi! Con tôi...! - Vợ tôi hét rú lên và lao ngay lập tức xuống hòng chụp lấy con.
Tôi phóng mình theo. Nước lạnh, ngầu bùn, sâu hút và cuốn mạnh. Tôi vớ kịp thằng con, nhao vội lên, trao nó cho những bàn tay đang chìa xuống, rồi lại lặn tiếp ngay để cứu vợ.” Chiến tranh đã cướp mất đi tài sản, người vợ và cả đứa con trai mà nhân vật “tôi” còn chưa kịp nhìn mặt. Thời gian và làn nước năm ấy vẫn cứ mang theo cái bí mật mà anh chôn vùi, giấu kín trong lòng: “Từ bấy tới nay, thời gian trôi qua và triền nước trôi đi, tôi đã có tuổi và con gái tôi đã thành một thiếu nữ đẹp nhất làng. Nó là đứa con của làn nước, mọi người đều nói thế bởi vì chuyện nó sa xuống dòng nước lụt rồi được cha nó cứu lên thì cả làng ai cũng biết. Nhưng điều bí mật kia thì không ai hay, kể cả con gái tôi nó cũng không thể biết. Chỉ có dòng sông biết.” Nỗi đau đớn, ám ảnh năm ấy đã trở thành ẩn ức và nỗi buồn cứ âm ỉ cháy trong lòng của anh. Nỗi đau mất vợ và mất con trong cái đêm vỡ đê ấy sẽ đeo bám anh đến hết đời mà chẳng có cách nào chối bỏ: “Có ngày nào mà tôi không ra đê ngắm làn nước trôi. Vợ tôi, con trai tôi và người đàn bà vô danh nhìn tôi từ đáy nước. Thời gian, năm tháng cứ trôi, dòng sông và lịch sử tất thảy đều đổi thay nhưng mà niềm đau của đời tôi thì khôn nguôi bởi vì ấy là một niềm đau không thể nói nên lời.” Như vậy, chỉ trong thời gian một đêm mà biết bao sự kiện, bao nỗi đau đớn đã túa ra, ngập tràn cả trên trang sách.
Bên cạnh thời gian nghệ thuật, cốt truyện biên niên và nhân vật, Bảo Ninh đã rất thành công khi tạo dựng nên một không gian nghệ thuật chứa đựng nhiều nỗi kinh hoàng, hoảng sợ, đau đớn. Và trong không gian đó, con người bị đẩy đến bi kịch thê thảm nhất, tồi tệ nhất. Trong đêm tối, lồng trong tiếng nổ của bom đạn và máy bay cường kích là “chuỗi ầm ầm long lở của dòng sống phá bung đê tràn ngang vào đồng ruộng.”. Trong khung cảnh hỗn loạn, dòng nước nhấn chìm hết nhà cửa, làng mạc, ruộng đồng, người dân chỉ còn cách bám trụ trên các cành đa trước đình làng. Và trong làn nước ngày một xiết, cảnh những người xấu số bị dòng nước nuốt chửng bắt đầu hiện ra. Như vậy, chiến tranh là một nỗi khiếp sợ, nó đem đến những tai ương, những nỗi đau khủng khiếp cho con người. Trong truyện ngắn này, thông qua lăng kính của nhân vật “tôi”, chúng ta thấy được một hiện thực nghiệt ngã rằng những người nông dân không chỉ mất hết nhà cửa, tài sản mà còn mất đi vợ con, những người mà họ yêu thương, trân quý nhất. Không gian đau thương này kết hợp với thời gian ngắn ngủi càng nhấn mạnh hơn số phận mỏng manh của con người trong thời chiến. Con người bị đẩy đến những nỗi đau thương, mất mát tận cùng mà chẳng thể nào cứu vãn hay chữa lành được. Những nỗi đau ấy dần dần trở thành những điều bí ẩn mà con người chôn chặt trong lòng giống như cái điều bí ẩn trong đời của người đàn ông kia, hay của đứa bé gái luôn nằm sâu trong làn nước, vẫn cứ chảy trôi theo thời gian mà chẳng mất đi.
“Các dòng sông trôi đi như thời gian, và cũng như thời gian, trên mặt nước các triền sông biết bao nhiêu là chuyện đời đã diễn ra.”. Thật vậy, chiến tranh dù đã đi qua nhưng những nỗi đau, những mất mát mà nó để lại trong tâm hồn, trong cuộc đời của mỗi người vẫn còn đó. Đặc biệt trong truyện ngắn Bí ẩn của làn nước, ta có thể thấy được Bảo Ninh không chỉ tiếp cận đề tài chiến tranh thông qua nỗi đau thương, mất mát của những người lính mà còn qua nỗi đau đớn trong tâm hồn của những người nông dân. Qua đó, ông không chỉ thể hiện tinh thần phê phán, tố cáo chiến tranh mà còn thể hiện sự đồng cảm đối với những con người phải chịu đựng sự giày vò của chiến tranh.
Dàn ý Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học
a. Mở bài
Giới thiệu tác giả, tác phẩm và dẫn dắt vào vấn đề: Phân tích truyện ngắn Bí ẩn của làn nước của Bảo Ninh.
b. Thân bài
* Hoàn cảnh diễn ra câu chuyện về sự mất mát và hy sinh của tác giả:
- Nhân vật “tôi” là người canh gác vị trí hộ đê trên điển, dù nghe tin vợ trở dạ nhưng vẫn vì trách nhiệm mà không hể quay về nhà.
- Năm ấy, vào đúng đỉnh lũ đêm Rằm tháng Bảy, Mỹ ném hàng loạt bom phá tan vệt đê canh giữ đằng trước làng, đê vỡ như cơn đại hồng thủy lấn vào làng.
- “Tôi” chạy vội về nhà, trong đầu chỉ có con và vợ. Hai người vật lộn với những làn nước dữ.
* Sự mất mát và đau thương với nhân vật “tôi”:
- “Tôi” và vợ níu chặt trên cành cây đa, cả hai cùng cố gắng hết sức níu giữ sự sống và ôm trọn các con vào trong lòng
- “Tôi” thấy được sự cầu cứu của một người phụ nữ, định giúp đỡ nhưng không kịp. Đồng thời cùng lúc đó, cành cây bị gãy, cả vợ, con trai và đứa con sơ sinh vừa chào đời rơi xuống nước.
- “Tôi” vội vã lao xuống nước, cứu được đứa con sơ sinh nhưng không thể cứu được vợ và con trai dù đã cố gắng hết sức cùng sự giúp đỡ của mọi người.
- Khi tỉnh dậy, “tôi” thấy mình nằm trong khoang cano cứu hộ chật ních người, nhìn người đàn bà lạ mặt đang chăm sóc con gái bé, nghe lời an ủi của cô mà lòng người cha, người chồng đau nhói.
- Dù thời gian đã trôi qua rất nhiều, dù dòng chảy đã thay đổi rất nhiều nhưng những nỗi đau thương trong lòng người vẫn không thể nào nguôi ngoai được hết.
c. Kết bài
- Khẳng định lại nội dung và nêu lên những cảm nhận của em với truyện ngắn.
Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học - mẫu 2
Tú Xương là bút danh của Trần Tế Xương. Học vị tú tài, lận đận mãi trên con đường khoa cử: "Tám khoa chửa khỏi phạm trường quy". Chỉ sống 37 năm, nhưng sự nghiệp thơ ca của ông thì bất tử. Quê ở làng Vị Xuyên, thành phố Nam Định. "Ăn chuối ngự, đọc thơ Xương" là câu nói tự hào của đồng bào quê ông.
Tú Xương để lại khoảng 150 bài thơ Nam, vài bài phú và văn tế. Có bài trào phúng. Có bài trữ tình. Có bài vừa trào phúng vừa trữ tình. Giọng thơ trào phúng của Tú Xương vô cùng cay độc, dữ dội mà xót xa. Ông là nhà thơ trào phúng bậc thầy trong nền văn học cận đại của dân tộc.
Bài thơ ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người vợ, của người phụ nữ đảm đang, chịu thương chịu khó vì hạnh phúc chồng con. Câu 1, 2 giới thiệu bà Tú là người giỏi buôn bán, tần tảo "quanh năm" buôn bán kiếm sống ở "mom sông" cảnh đầu chợ bến đò, buôn thúng bán mẹt. Chẳng có cửa hàng cửa hiệu. Vốn liếng chẳng có là bao. Thế mà vẫn "Nuôi đủ năm con với một chồng". Chồng đậu tú tài, chẳng là quan chẳng là cùng đinh "Ăn lương vợ". Một gia cảnh "Vợ quen dạ đẻ cách năm đôi". Các số từ "năm” (con), "một" (chồng) quả là đông đủ. Bà Tú vẫn cứ ''nuôi đủ", nghĩa là ông Tú vẫn có "Giày giôn anh dận, ô Tây anh cầm". Câu thứ hai rất hóm hỉnh.
Câu 3, 4 mượn hình ảnh con cò trong ca dao, tạo thành "thân cò" - thân phận lam lũ, vất vả "lặn lội". Cò thì kiếm ăn nơi đầu ghềnh, cuối bãi, bà tú thì lặn lội... khi quãng vắng, nơi mom sông. Cảnh lên đò xuống bến, cảnh cãi vã giành giật bán mua "eo sèo mặt nước buổi đò đông" để kiếm bát cơm manh áo cho chồng, con. Hình ảnh "thân cò" rất sáng tạo, vần thơ trở nên dân dã, bình dị. Hai cặp từ láy "lặn lội'' và "eo sèo" hô ứng, gợi tả một cuộc đời nhiều mồ hôi và nước mắt.
Câu 5, 6 tác giả vận dụng rất hay thành ngữ: ''một duyên hai nợ" và "năm nắng mười mưa". Ba tiếng đối ứng thượng, hạ: "âu đành phận", "dám quản công” như một tiếng thở dài. Có đức hi sinh. Có sự cam chịu số phận, có cả tấm lòng chịu đựng, lo toan vì nghĩa vụ người vợ, người mẹ trong gia đình. Tú Xương có tài dùng số từ tăng cấp (1-2-5-10) để nói lên đức hi sinh thầm lặng cao quý của bà Tú:
"Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công ".
Tóm lại, bà Tú hiện thân của cuộc đời vất vả lận đận, là hội tụ của bao đức tính tốt đẹp: tần tảo, gánh vác, đảm đang, nhẫn nại,... tất cả lo toan cho hạnh phúc chồng còn. Nhà thơ bộc lộ lòng cảm ơn, nể trọng.
Câu 7 là một tiếng chửi, đúng là cách nói của Tú Xương vừa cay đắng vừa phẫn nộ "Cha mẹ thói đời ăn ở bạc". "Cái thói đời" đó là xã hội dở tây dở ta, nửa phong kiến, nửa thực dân: khi mà đạo lí suy đồi, lòng người đảo điên. Tú Xương tự trách mình là kẻ "ăn ở bạc" vì thi mãi chẳng đỗ, chẳng giúp ích gì cho vợ con. Suốt đời vợ con phải khổ, như có bài thơ ông tự mỉa: "Vợ lăm le ở vú - Con tấp tểnh đi bồi - Khách hỏi nhà ông đến - Nhà ông đã bán rồi"
Câu 8 thấm thía một nỗi đau chua xót. Chỉ có Tú Xương mới nói được rung động và xót xa thế: "Có chồng hờ hững cũng như không?". "Như không" gì? Một cách nói buông thõng, ngao ngán. Nỗi buồn tâm sự gắn liền với nỗi đau thế sự. Một nhà nho bất đắc chí!
Bài thơ có cái hay riêng. Hay từ nhan đề. Hay ở cách vận dụng ca dao, thành ngữ và cả tiếng chửi. Chất thơ mộc mạc, bình dị mà trữ tình đằm thắm. Trong khuôn phép một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật, từ thanh điệu niêm và vần đến phép đối được thể hiện một cách chuẩn mực, tự nhiên, thanh thoát. Tác giả vừa tự trách mình, vừa biểu lộ tình thương vợ, biết ơn vợ. Bà Tú là một hình ảnh đẹp đẽ của người phụ nữ Việt Nam trong một gia đình đông con, nhiều khó khăn về kinh tế. Vì thế nhiều người cho rằng câu thơ "Nuôi đủ năm con với một chồng" là câu thơ hay nhất trong bài "Thương vợ".
Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học - mẫu 3
Văn Cao là một họa sĩ tài năng, những tác phẩm của ông thường đậm chất nghệ thuật, tinh tế và sâu sắc. Ngoài ra, đó còn là một nhà thơ xuất sắc, có nhiều bài thơ nổi tiếng và ý nghĩa. Trong đó, bài thơ "Thời gian" là một trong những tác phẩm nổi bật của ông, thể hiện sự tương tác giữa con người và thời gian.
Bài thơ "Thời gian" của Văn Cao không chỉ là một tác phẩm văn học, mà còn là biểu tượng cho tư duy sâu sắc về cuộc sống và thời gian. Văn Cao thường xuyên sử dụng hình ảnh và ngôn ngữ tượng trưng, tạo nên những câu thơ ghi chép về những trăn trở, lo âu và sự bất lực của con người trước sự trôi chảy của thời gian.
“Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi
như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em
như hai giếng nước”
Bài thơ "Thời Gian" của nhạc sĩ Văn Cao được sáng tác vào mùa xuân năm 1987, tại thời điểm ông đã trải qua những trải nghiệm đầy màu sắc và giàu kinh nghiệm trong cuộc đời. Dù bài thơ có kích thước ngắn gọn với chỉ 7 câu, 12 dòng và 42 chữ, nhưng bản chất của nó là một tác phẩm triết học sâu sắc, đầy ý nghĩa về nhân sinh và thời gian.
Bài thơ mở đầu bằng câu thoáng qua "Thời gian qua kẽ tay," ngay từ đầu đã khắc họa sự trôi chảy không ngừng, không thể kiểm soát của thời gian. Câu thơ này mang lại cảm giác về sự tàn phai, biến đổi của mọi thứ dưới tác động của thời gian. Tuy nhiên, ngay sau đó, nhà thơ quay ngược lại với sự đầy tớ, tự tin khi tuyên bố "Lá cây còn xanh."
Thành ngữ "qua kẽ tay" là hình ảnh mạnh mẽ, cho thấy sự mất mát, tiêu tan, nhưng câu thơ tiếp theo lại đưa ra hình ảnh "lá cây còn xanh," biểu tượng cho sự sống sót, bền vững. Đây có thể hiểu là một sự phản kháng, một tuyên bố về sức sống và giá trị bất diệt.
"Câu thơ còn mặn, bài hát không già" là những hình ảnh tượng trưng cho nghệ thuật, sáng tạo, và tình yêu. Trong thế giới của Văn Cao, nghệ thuật và tình yêu là những điều không bị thời gian làm mất đi giá trị. Hình ảnh của "đôi mắt em như hai giếng nước" là biểu tượng của tình yêu, và một lần nữa, nó được miêu tả là không chịu tác động của thời gian.
“Thời gian qua kẽ tay”
“Thời gian qua kẽ tay” là một hình ảnh tượng trưng sâu sắc, nhạy bén, đánh bại tại nền triết học và nghệ thuật của nhà thơ Văn Cao. Hình ảnh này không chỉ đơn thuần là miêu tả về sự trôi chảy của thời gian mà còn chứa đựng những ý nghĩa triết học sâu sắc về tính chất phù phiếm, vô hình của thời gian. Hình ảnh "qua kẽ tay" mô tả sự thoáng qua, không thể nắm bắt, không thể giữ lại được thời gian. Đây là biểu hiện của tính chất vô hình, vô hạn, và mong manh của thời gian. "Kẽ tay" ở đây có thể hiểu là một khoảng cách nhỏ nhưng lại đủ lớn để thời gian trôi qua mà không hề bị kiểm soát, một sự chảy trôi mà con người không thể ngăn chặn
Hình ảnh này tạo ra sự tương phản rõ ràng giữa cái vô hình và cái hữu hình, giữa điều vô hạn và điều hữu hạn. Thời gian, mặc dù vô hình nhưng lại có tác động mạnh mẽ lên thế giới và cuộc sống con người. Hình ảnh "qua kẽ tay" mang lại cảm giác mong manh, nhưng đồng thời cũng đầy chất triết lý về sự không chắc chắn, không dựa dẫm của mọi thứ trong cuộc sống. Ngậm ngùi xa xót của người thi nhân trước sự vô nghĩa của đời người là sự hiểu biết sâu sắc về tính chất phù phiếm và ngắn ngủi của cuộc sống. "Thời gian qua kẽ tay" không chỉ là một miêu tả đơn thuần mà là một cách nhìn nhận sâu sắc về sự tồn tại và hư ảo của thời gian trong cuộc sống con người.
“Trăm năm nào có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”
Thời gian, như một quà tặng kì diệu của tạo hóa, được nhà thơ Văn Cao mô tả qua bức tranh từ bài thơ "Thời gian". Đây không chỉ là một khía cạnh đẹp đẽ của cuộc sống mà còn là một trải nghiệm không ngừng biến đổi và làm giàu tâm hồn con người. Thế nhưng, trong cái kì diệu đó, thời gian lại là nguyên nhân chính của sự mất mát và biến đổi không ngừng. Nhà thơ thông điệp về sự vô tình, vô cảm của thời gian khi nó đi qua, lấy đi những giá trị quý báu nhất của cuộc sống con người. Thanh xuân, tuổi trẻ, những khoảnh khắc hạnh phúc, những kỷ niệm đáng quý, tất cả đều trở thành những đồ vật "qua kẽ tay", không thể giữ lại. Thời gian, mặc cho sự trân trọng và thương yêu, vẫn tiếp tục chảy đi, không ngừng và không chấp nhận sự kiểm soát của con người.
Nhà thơ chấm dứt sự mơ mộng về việc kiểm soát thời gian và đặt ra những câu hỏi về sự nghiệt ngã, tàn nhẫn của thời gian đối với con người. Sự mất mát và biến đổi không ngừng của những điều quan trọng nhất trong cuộc sống là những biểu hiện của sự tàn bạo của thời gian.
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi
như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn"
Bài thơ "Thời gian" của nhà thơ Văn Cao chạm vào đề tài vô cùng sâu sắc về qui luật vận động của thời gian và sự biến đổi của cuộc sống con người. Những câu thơ của ông như một lời nhắc nhở, đưa người đọc suy nghĩ về ý nghĩa của việc trân trọng từng khoảnh khắc hiện tại và ý thức về những gì quý giá trong cuộc sống. Thời gian được mô tả như một lực lượng vô tình, không phân biệt đối xử với mọi thứ trong cuộc sống. Những chiếc lá xanh tươi một ngày nào, dưới tác động của thời gian, cũng sẽ úa màu, mất đi sự tươi mới. Thông điệp này như một cảnh báo về sự phù phiếm của thế giới vật chất và những điều vụng trộm trôi qua trong cuộc sống.
Bài thơ thúc đẩy độc giả nhìn nhận về giá trị của những khoảnh khắc hiện tại và giữ gìn những kỷ niệm đáng quý. Bản thân chúng ta phải hành động, tận dụng mọi giây phút sống để không chỉ tồn tại mà còn là để thực sự sống. Sự hiện hữu của mỗi người trên thế giới này không chỉ là một sự tình cờ, mà là một cơ hội, và chúng ta cần biết trân trọng để tạo nên ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Bài thơ gửi gắm thông điệp về sự chấp nhận và nhìn nhận sự vụng trộm của thời gian trong cuộc sống, từ đó khích lệ người đọc tìm kiếm ý nghĩa thực sự, không chỉ đơn thuần là qua cửa sổ những tham vọng và vinh hoa.
“Và đôi mắt em
như hai giếng nước”
Bài thơ "Thời gian" của nhà thơ Văn Cao không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật tinh tế về ngôn ngữ mà còn là một cảm xúc sâu sắc về thời gian và tình yêu. Câu cuối của bạn chỉ rõ điều quan trọng nhất trong bài thơ - "đôi mắt em." Đây không chỉ là một bức tranh hình ảnh mà còn là một biểu tượng của tình yêu và sự bất tử.
Đôi mắt của người yêu được mô tả như là nơi bắt đầu của mọi tình cảm, là cửa sổ mở ra thế giới tâm hồn, và là điểm xuất phát của mọi thứ đẹp đẽ và trường tồn. Trong ngôn ngữ thơ, đó là nơi tình yêu bắt đầu và cũng là nơi nó được duy trì mãi mãi. Câu thơ "qua kẽ tay" là một biểu tượng tuyệt vời cho sự trôi qua của thời gian. Mặc dù thời gian vẫn luôn trôi đi và không ngừng, nhưng tình yêu thì "nguyên xanh." Điều này làm nổi bật sức mạnh của tình yêu, khả năng của nó để vượt qua thách thức của thời gian và duy trì sự tươi mới và tràn đầy năng lượng.
Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học - mẫu 4
Cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kì đã để lại bao đau thương, mất mát cho dân tộc Việt Nam. Đã có biết bao tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh khốc liệt ấy để ca ngợi tình người trong chiến tranh đồng thời phơi bày những giá trị hiện thực. Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng cũng là một tác phẩm như vậy. Là một nhà văn quê ở miền Tây Nam Bộ, hầu như ông chỉ viết về cuộc sống và con người của quê hương trong chiến tranh và sau hoà bình. Truyện ngắn này ra đời trong hoàn cảnh đạn bom ác liệt nhưng lại tập trung nói về tình người, cụ thể là tình cha con sâu sắc của người chiến sĩ cách mạng.
Anh Sáu xa nhà đi kháng chiến lúc đứa con gái đầu lòng mới một tuổi. Mãi đến khi nó lên tám tuổi, anh mới có dịp về thăm nhà. Con bé không nhận anh Sáu là cha vì vết sẹo trên mặt khiến anh không giống trong bức ảnh chụp cùng với vợ mà bé Thu đã được má cho xem. Đến lúc bé Thu nhận ra cha thì cũng là lúc anh Sáu phải ra đi. Tình cha con thiêng liêng trỗi dậy mãnh liệt trong em khiến cho mọi người xúc động. Ở khu căn cứ, người cha dồn hết tình cảm yêu quý, nhớ thương vào việc làm một chiếc lược bằng ngà để tặng cô con gái bé bỏng. Trong một trận càn của giặc, anh Sáu bị thương nặng. Trước lúc nhắm mắt, anh còn kịp trao cây lược ngà cho người bạn, với ý nhờ mang về quê trao tận tay con gái của mình.
Tình cha con sâu sắc được tác giả thể hiện qua hai tình huống: Tình huống thứ nhất là cuộc gặp gỡ của hai cha con sau tám năm xa cách. Thu đối xử với cha như đối với người xa lạ. Đến lúc em nhận ra và ôm riết lấy cha, thể hiện tình cảm mãnh liệt thì anh Sáu lại phải ra đi làm nhiệm vụ.
Tình huống thứ hai là ở khu căn cứ, anh Sáu dồn tất cả tình yêu thương, mong nhớ con vào việc làm cây lược ngà để tặng con, nhưng anh đã hi sinh và không kịp trao món quà ấy cho con gái. Tình huống này thể hiện tình cảm sâu nặng của người cha đối với con.
Sau nhiều năm xa cách, anh Sáu chỉ thấy con qua tấm ảnh nhỏ luôn mang bên người. Đến lúc được về thăm nhà, bao nỗi nhớ thương chất chứa từ lâu nên anh Sáu không kìm được niềm vui khi nhìn thấy bé Thu: Cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh. "Xuồng vào bến, thấy một đứa bé độ tám tuổi, tóc cắt ngang vai, mặc quần đen, áo bông đỏ đang chơi nhà chòi dưới bóng cây xoài trước sân nhà, đoán biết là con, không thể chờ xuồng cập lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra, khiến tôi bị chới với. Anh bước vội vàng với những bước dài, rồi dừng lại kêu to: Thu! Con!"
Nhưng thật trớ trêu, đáp lại tình cảm nồng nàn của người cha, bé Thu lại tỏ ra sợ hãi và ngờ vực. Anh Sáu càng muốn gần con để vỗ về yêu thương thì đứa con lại càng tỏ ra lạnh nhạt, xa lánh.
Diễn biến tâm lí và tình cảm của bé Thu trong lần gặp cha đầu tiên được tác giả miêu tả ở hai thời điểm trước và sau khi nhận ra cha.
Tâm lí và thái độ của bé Thu được tác giả thuật lại rất sinh động qua hàng loạt các chi tiết vừa cảm động, vừa buồn cười: Nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lùng. Lần đầu tiên nhìn thấy người đàn ông lạ, lại xưng là ba, con bé hết sức ngạc nhiên và sợ hãi, mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: “Má ! Má !"
Khi má bảo gọi cha vào ăn cơm, nó nhất quyết không chịu. Má ép quá, bé Thu chỉ gọi trống không: Vô ăn cơm! Kể cả lúc má đi vắng, nó lâm vào thế bí, muốn nhờ anh Sáu chắt bớt nước nồi cơm đang sôi mà cũng vẫn nói trổng, nhất định không gọi là cha. Anh Sáu lặng im xem nó làm cách nào. Bé Thu lấy vá (muôi) múc nước ra, vừa múc vừa lầu bầu tức giận. Bữa cơm, anh Sáu âu yếm gắp cho con cái trứng cá vàng ươm. Bé Thu bất ngờ lấy đũa hất rơi xuống đất. Anh Sáu không nén được tức giận, đánh con một cái vào mông. Bé "lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm" bỏ ăn, chèo xuồng về nhà bà ngoại bên kia sông. Lúc cởi dây xuồng, nó còn cố ý khua dây xích kêu rộn ràng để tỏ ý bất bình.
Sự ương ngạnh của bé Thu đúng là tâm lí và tính cách trẻ nhỏ nên không đáng trách. Trong hoàn cảnh chiến tranh, Thu còn quả nhỏ nên không thể hiểu được những tình thế khắc nghiệt, éo le. Phản ứng rất tự nhiên chứng tỏ bé Thu có cả tính mạnh mẽ, tình cảm sâu sắc và chân thật. Bé chỉ yêu khi tin chắc người đó đúng là ba của mình. Trong thái độ cứng đầu của bé ẩn chứa cả sự kiêu hãnh dành cho người cha thân yêu - tức là người đàn ông điển trai trong tấm hình chụp chung với má.
Khi đã nhận ra cha, cảm xúc và hành động của bé Thu biểu hiện thật mãnh liệt, khác hẳn lúc trước.
Ba ngày nghỉ phép đã hết. Trước lúc lên đường, anh Sáu đang bịn rịn chia tay thì bất chợt bé Thu cất tiếng gọi ba và tiếng kêu như xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba" mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba" như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó nhảy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa... Hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run.
Điều gì đã dẫn đến sự thay đổi đột ngột trong thái độ cùa bé Thu? Thì ra khi bỏ về nhà bà ngoại, Thu đã được bà giải thích về vết sẹo làm thay đổi vẻ mặt của cha là do giặc Pháp bắn bị thương. Sự nghi ngờ đã được giải toả và bé Thu ân hận, hối tiếc về cung cách cư xử lạnh nhạt của mình đối với cha: Nghe bà kể, nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn
Vì thế, trong phút chia tay, tình yêu và nỗi mong nhớ đối với người cha xa cách bấy lâu đã bùng ra thật mạnh mẽ khiến bé Thu bối rối, cuống quýt. Chứng kiến cảnh ngộ éo le của cha con anh Sáu, nhiều người không cầm được nước mắt. Lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu những hi sinh mà bạn mình phải chịu đựng khiến cho bác Ba tức người kể chuyện - thật sự xúc động. Diễn biến câu chuyện được trần thuật theo lời bác Ba, người bạn thân thiết của anh Sáu. Bác Ba đã chứng kiến tận mắt cảnh ngộ éo le của cha con anh Sáu và trong lòng bác dâng lên một nỗi xót xa. Bác bỗng thấy khó thở như có bàn tay nắm lấy trái tim.
Qua việc miêu tả diễn biến tâm lí, ngôn ngữ và hành động của bé Thu, tác giả đã làm nổi rõ một số nét trong tính cách nhân vật. Tình cảm cha con của bé Thu thật sâu sắc, mạnh mẽ, nhưng cũng thật dứt khoát, rạch ròi. Cá tính của bé Thu cứng cỏi đến mức ương ngạnh, nhưng thực ra Thu rất hồn nhiên, ngây thơ. Tác giả tỏ ra am hiểu và diễn tả rất sinh động tình cảm trẻ thơ trong sáng.
Tình cảm cha con sâu nặng đã được tác giả thể hiện phần nào trong chuyến anh Sáu về phép thăm nhà và được miêu tả kĩ lưỡng hơn khi anh Sáu vào căn cứ kháng chiến trong rừng sâu.
Sau khi chia tay với gia đình, nỗi day dứt, ân hận ám ảnh anh Sáu suốt nhiều ngày là việc anh đã lỡ tay đánh con. Lời dặn tha thiết của đứa con: Ba về! Ba mua cho con một cây lược nghe ba!", đã thôi thúc anh nghĩ đến việc làm một chiếc lược ngà nhỏ xinh dành tặng con gái.
Kiếm được một khúc ngà voi nhỏ, anh Sáu mừng rỡ vô cùng. Anh dành hết tâm trí vào việc làm cây lược: Anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc. Trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba".
Chiếc lược ngà đã thành một kỉ vật quý giá, thiêng liêng đối với anh Sáu. Nó làm dịu đi nỗi ân hận, dằn vặt bấy lâu và ấp ủ bao nhiêu tình cảm nhớ thương, mong đợi của người cha đối với đứa con xa cách. Cây lược ngà ấy chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh. Nhưng rồi một tình cảnh đau thương lại đến với cha con anh Sáu. Anh đã hi sinh khi chưa kịp trao tận tay đứa con gái chiếc lược ngà. Những lời kể lại của bác Ba, người trong cuộc, đã làm nổi bật giá trị thiêng liêng bền vững của tình cha con và tình đồng chí của những chiến sĩ cách mạng
Truyện Chiếc lược ngà có những đặc điểm khá tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng. Cốt truyện hấp dẫn, xoay quanh những tình huống bất ngờ nhưng vẫn tự nhiên, hợp lí. Giọng kể mộc mạc, tự nhiên. Ngôn ngữ gần với khẩu ngữ và đậm màu sắc Nam Bộ. Đặc sắc của truyện ngắn này còn thể hiện ở ngòi bút miêu tả tâm lí, đặc biệt là tâm lí trẻ em rất tinh tế và chính xác. Điều đó thể hiện sự nhạy cảm và tấm lòng yêu thương, trân trọng của nhà văn với con người và cuộc đời.
Một điểm đáng chú ý nữa và cũng là điều góp phần tạo nên thành công của truyện ngắn này là việc lựa chọn nhân vật kể chuyện. Người kể chuyện trong vai một người bạn chiến đấu thân thiết của anh Sáu không chỉ chứng kiến và kể lại mà còn bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với các nhân vật. Qua những quan sát và cảm xúc của người kể, các chi tiết, sự việc và nhân vật trong truyện đều được phản ánh chân thực, khắc hoạ rõ nét, góp phần nêu bật nội dung tư tưởng của tác phẩm.
Truyện Chiếc lược ngà đã diễn tả một cách xúc động tình cảm thắm thiết, sâu nặng của cha con anh Sáu. Trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh, tình cảm thiêng liêng ấy càng cao đẹp và ngời sáng. Câu chuyện không chỉ nói lên tình cha con thiêng liêng mà còn gợi cho người đọc suy ngẫm và thấm thía những éo le, đau thương, mất mát mà chiến tranh mang đến cho bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình. Vì vậy mà ý nghĩa tố cáo, lên án chiến tranh xâm lược của truyện khá sâu sắc.
Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học - mẫu 5
Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ lớn, một tài năng toàn diện đặc biệt bởi năng lực sáng tạo và thành công trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Ông viết tiểu tuyết, truyện ngắn, tiểu luận, phê bình văn học, viết kịch, soạn nhạc và sáng tác thơ, ở thể loại nào cũng tạo được dấu ấn đặc sắc. Trong bài thơ Lá đỏ, ông đã cho thấy những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật. “Lá đỏ” là một trong số những bài thơ như thế được viết trước khi những đoàn quân Việt Nam bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam nhưng đã tiên cảm được thắng lợi tất yếu của dân tộc.
Chỉ với 8 câu thơ mà Nguyễn Đình Thi đã tái hiện cả một cuộc hành quân vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc - cuộc hành quân trên đường Trường Sơn, tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bài thơ là một bức tranh đẹp, là một bản nhạc trầm hùng trong lòng người ra trận. Ba hình ảnh chủ đạo của bài thơ: lá đỏ, em gái tiền phương và đoàn quân là sự đặc tả có sức khái quát cao về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. Đặc biệt, hình ảnh lá đỏ tạo cảm giác mạnh, mang ý nghĩa biểu trưng cho những dự cảm, dự báo về thắng lợi tất yếu của dân tộc.
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
“Trên cao” trong câu thơ không chỉ nói về vị thế địa lý (dốc cao, đèo cao) mà còn hàm ý về vị thế trong tư tưởng, trong tình cảm. “Cao” ở đây còn là cao quý, cao cả.
Từ Trường Sơn ông đã nhận thức rõ mình và cũng chính là nhận thức được sức mạnh của nhân dân của dân tộc Việt Nam. Và hiển hiện trước mắt chính là một vẻ đẹp lạ lùng với ào ào lá đỏ. Và cũng chính là bao nhiêu lá đỏ cũng là bao nhiêu tâm tình. Chính những chiếc lá đỏ trên nền trời xanh ất đã chạm vào trái tim của nhà thơ. Nó làm nên trận mưa lá đỏ đổ xuống như chính sức sống của người Trường Sơn.
Câu tiếp theo “Rừng lạ, ào ào lá đỏ”. Từ “lạ” trong câu thơ đã gây ấn tượng mạnh, bởi lạ là vì mới gặp, lần đầu tiên thấy sắc đỏ rực lủa trong mùa Thu Tây Nguyên chăng? “Lạ” là một cảm giác rất đúng, rất chân thật”. “Lạ” vì giữa nơi chiến trường dữ dội như vậy lại xuất hiện những người em gái trẻ trung, mảnh mai nhưng rất đỗi kiên cường khi ngày đêm phải đối mặt với hiểm nguy dẫn đường cho xe băng qua những quảng đường khó và cái cảm giác lạ đó bỗng biến mất khi nhà thơ nhận ra hình của em thật gần gũi, thân thương bởi đó là em của quê hương, của nơi chốn ta quay về. Thêm nữa, hai từ “lộng gió” như lòng người rộng mở, niềm tin phơi phới chào đón những luồng gió cách mạng.
Nhân vật trữ tình đã đứng ở trên cao của dải Trường Sơn, nơi có thể nhìn được bao quát cả dãy Trường Sơn hùng vĩ và cảm nhận được sức mạnh của dân tộc Việt Nam: Rừng lạ ào ào lá đỏ. Ở đây có sự liên tưởng giữa lá đỏ và đoàn quân. Lá đỏ hay chính những trái tim rực lửa căm thù đang ào ào ra trận? Trường Sơn đại ngàn giữa mùa trở gió. Gió ào ạt thổi, trút lá đỏ rực trời. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn cuối, bước chân hành quân thần tốc của quân ta hối hả ra trận, bước chân đi mạnh mẽ, rung chuyển cả núi đồi, bụi đỏ bay mờ mịt nhòa trời lửa. Đoàn quân và lá đỏ hòa lẫn trong nhau, nhòa trong khói lửa Trường Sơn, đó là hình ảnh được khắc họa có tính mỹ thuật rất cao, thể hiện sự tài hoa của nhà thơ. Với ngôn ngữ chân thực và nhịp thơ mạnh mẽ, những câu thơ giản dị của Nguyễn Đình Thi đã khắc họa một quang cảnh, một không khí thật hào hùng, kỳ vĩ, mang màu sắc sử thi.
Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa
Con đường ấy đầy gian khổ, khắc nghiệt. “Đoàn quân vẫn đi vội vã” với muôn bước chân mạnh mẽ điệp trùng, hối hả, nối dài như rung chuyển núi rừng, làm “nhoà trời lửa”, đạp bằng khó khăn, vượt lên nắng nôi, lửa đạn để tiến lên phía trước. Câu thơ diễn tả quang cảnh cuộc hành quân hào hùng thần tốc, gợi lên một không khí sử thi ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chuẩn bị Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt giải phóng hoàn toàn miền Nam.Trong bối cảnh chung đó hiện lên một hình ảnh đẹp, một biểu tượng về cuộc chiến tranh nhân dân –“em gái tiền phương”, nữ chiến sĩ giao liên hay cô gái thanh niên xung phong. Sự có mặt của cô gái trên đỉnh Trường Sơn nơi tuyến đầu Tổ quốc đã nhắc với mai sau về cuộc chiến đấu toàn dân tham gia, trong đó có những người con gái trẻ trung xinh đẹp mảnh mai, mà lẽ ra họ sinh ra để được sống yên bình.
Trong không khí của cuộc cách mạng sục sôi và dưới ánh sáng của lý tưởng mới, hơn bao giờ hết hình ảnh người phụ nữ hiện lên với vẻ đẹp mới - vẻ đẹp của những con người đã được giải phóng, được tháo ra khỏi vòng cương tỏa của lễ giáo phong kiến, để hòa mình vào công cuộc chung của đất nước. Đó là những cô thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn: “Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường”. Hình ảnh “vai áo bạc” đã gợi ra biết bao tháng ngày mưa dầm nắng lửa ở núi rừng. Thế nhưng, những người con gái mảnh mai ấy vẫn vượt qua tất cả để có mặt chính tại đây, với súng trường quàng trên vai.
Nhưng đoàn quân nối dài vô tận không ngừng nghỉ, nhà thơ – người chiến sĩ chỉ kịp ghi nhận cái hình dáng quê hương rồi gửi lời chào và hẹn gặp:
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn
Người đứng lại bên đường như cột mốc, như điểm tựa và đoàn quân ra đi mang theo niềm vui phơi phới, niềm tin tất thắng. Sài Gòn, cái đích của cuộc tiến công đã rất gần, con đường đi đến chiến thắng chẳng còn bao xa. Sài Gòn, điểm hẹn của bao thế hệ Việt Nam. Lời chào, lời hẹn ấy chứa đựng nhiệt huyết của tuổi trẻ, của lý tưởng độc lập tự do, của niềm lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.
Những cuộc kháng chiến đã qua đi, thời gian cũng dần phủ bụi nhưng kí ức về những năm tháng ấy có lẽ không bao giờ có thể xóa nhòa. Nhiều năm sau, độc giả vẫn sẽ nhớ về những năm tháng ấy, nhớ về tuyến đường Trường Sơn “ào ào lá đỏ”, nhớ hình ảnh những cô gái tiền phương, những chàng trai chiến sĩ với những bước đi rung chuyển đất trời. Có lẽ vì vậy mà Balzac đã từng nói những người nghệ sĩ làm văn, viết thơ là “thư kí trung thành của thời đại”.
Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học - mẫu 6
Mỗi tác phẩm đều mang trong mình một ý nghĩa nhân sinh vượt thời đại mà nhà văn gửi gắm. Với lý tưởng cao đẹp ấy mà Bồ Tùng Linh, một văn sĩ nổi tiếng Trung Quốc đã viết nên Liêu Trai chí dị để vạch mặt tố cáo tầng lớp quan lại dưới thời kì nhà Thanh. Tiêu biểu trong tập truyện ấy, phải kể đến Dế chọi, trích trong thiên truyện nhưng lại được bao hàm nhiều nội dung quan trọng của mạch thiên truyện.
Dế chọi được trích trong tập truyện Liêu Trai chí dị (Những chuyện quái dị chép ở Liêu Trai) của Bùi Tùng Linh, một nhà văn nổi tiếng ở Trung Quốc thời nhà Thanh và dần đi sâu vào văn học Việt Nam và trở nên nổi tiếng từ đầu Thế kỉ mười chín đến nay với nhiều bản dịch khác nhau. Nhan đề “Dế chọi” mang đến nội dung mà tác phẩm đề cập đến. Là một trò chơi nhà vua yêu thích và cũng chính trò chơi ấy đã thay đổi cả một cuộc đời. Với nhan đề này, đã thay lời tóm tắt toàn bộ tác phẩm. Chuyện kể về bi kịch nhà Thành Danh, một chức dịch hiền lành bắt nguồn từ việc vì không muốn dân khổ mà tìm cách tự bắt dế nộp quan trên. Vì vua thích xem dế chọi, quan muốn làm hài lòng vua mà bắt nộp lên thường xuyên. Vì phải tìm được dế dâng vua mà đẩy gia đình Thành vào thảm cảnh. Hạn hết mà Thành không tìm được con dế đặt tiêu chuẩn nên bị đánh đập nặng nề và luôn có ý định tự tử. Vợ Thành đi xem bói và tìm ra nơi bắt được con dế tốt. Mừng rỡ chưa bao lâu thì con trai làm chết con dế và cũng vì sự cố, lo sợ mà nhảy xuống giếng chết. Trong một ngày Thành mất đi cả dế và con. Sau đó con Thành thoi thóp hơi thở, sống lại nhưng như mất hồn. Còn hồn người con lại hóa thành con dế nhanh nhẹn, chọi tốt và chiến đâu thắng đó. Con dế đó được mang dâng vua, chọi giỏi lại biết nhảy múa nên làm vua vui, quan được thưởng và Thành cũng được ban thưởng. Kết thúc, gia đình Thành được giàu sang, phú quý, con trai Thành sau một năm trở lại bình thường.
Mở đầu câu chuyện, mở ra không gian triều đình đời Tuyên Đức nhà Minh mê trò chọi dế, một thú vui chốn cung cấm. Vì để làm hài lòng vua, tốt cho việc thăng quan, tiến chức của mình mà hội quan lại, từ Tri huyện đến lý trưởng, du thủ du thực, tới lí dịch đã làm khổ dân chúng. Ép dân chúng không nộp được con dế tốt sẽ bị chịu mọi hình phạt khiến nhiều nhà khuynh gia bại sản. Chính những cái thói đời ấy mà khiến dân chúng chịu khổ. Chỉ vì lòng hư vinh của bọn quan lại, muốn làm vui lòng vua chúa mà ép người khác phải gánh chịu những bất công.
Một trong những nạn nhân của chế độ ấy là Thành, chất phác hiền lành, mỗi việc thi mãi không đỗ, bị ép làm lý chính. Đến hạn nộp dế mà không muốn nhiễu đến dân chúng nên bèn tự mình đi tìm. Tìm từ sáng đến đêm, từ ngày này sang ngày khác, lục tung mọi chỗ mà chỉ bắt được hai ba con nhỏ bé nên không đủ quy cách. Thành bị đánh đập dã man, lúc ấy chỉ nghĩ đến việc tự tử. Ta có thể thấy bi kịch của một người chất phác ở Thành xuất phát từ tình thương và sự lo lắng đến người khác. Gia đình nghèo, hiểu được sự đau khổ của dân chúng nên đành phải hy sinh thân mình. Bi kịch của gia đình thành chính ra cũng bắt nguồn từ thú vui chốn cung cấm
Để giải quyết nỗi lo sợ, muốn tự tử của Thành, vợ chàng phải nghe ngóng và tìm ra thầy bói giỏi, định bụng tìm đến để xem hướng giải quyết. Sau khi đến, vợ thành nhận được sự chỉ điểm từ bức vẽ: “trong vẽ điện gác là chùa chiền, phía sau có hòn núi nhỏ đầy những tảng đá hình thù kì quái, gai góc tua tủa, có con dế nằm dưới, bên cạnh có con ếch như sắp nhảy lên”. Tin rằng sẽ có kết quả và đoán được đó ở gác Đại Phật phía đông thôn, Thành liền lê cơ thể suy nhược tới đó tìm kiếm và thấy được con dế vô cùng khỏe mạnh, phù hợp với những yêu cầu đặt ra. Mừng rỡ vì có con dế, cả nhà sẽ thoát kiếp nạn, cả nhà ai nấy cũng đều vui mừng. Nếu soi chiếu trong hoàn cảnh ấy, con dế chính là “cọng rơm cứu mạng” của Thành. Trong cái thời đại, một con dế quyết định cuộc sống một con người ấy, ta thấy được sự khắc nghiệt của cuộc sống, sự thực về một xã hội coi tính mạng con người không bằng một sinh vật nhỏ bé.
Bi kịch lại tiếp tục xảy đến với gia đình khi nhân lúc cha mẹ không có nhà, đứa con trai chín tuổi lén mở chuồng, làm dế nhảy ra, vô tình làm chết con dế nên bị mẹ la. Sợ sau khi cha về bị trách phạt, đứa con trai đã tự nhảy xuống giếng tự tử mà chết. Trong một ngày, vừa mất dế lại mất cả con, gia đình Thành chìm trong nỗi đau không nói nên lời. May chăng đứa con còn chút hơi thở thoi thóp, cứu lại sống được nhưng lại như mất hồn, sống đơ như khúc gỗ. Vui sướng vì con tỉnh lại nhưng cũng lo sợ vì dế đã chết. Gia đình Thành vẫn không thể thoát ra khỏi kiếp sống đau khổ. Chi tiết tái sinh của con trai thành trong trạng thái đơ như khúc gỗ như báo hiệu sẽ xảy đến chi tiết kì quái nào đó và sự biến đổi trong chính cuộc sống gia đình thành. Và chắc hẳn đây chính là dụng ý nghệ thuật, tác giả đưa vào để giúp gia đình Thành có thể hóa giải bi kịch của hiện tại.
Sau khi con trai tỉnh dậy, sáng hôm sau Thành lại bắt được con dế có hình dạng kì quái: “hình dáng như con chó, cánh hoa mai, đầu vuông chân dài”, có vẻ đây là một con dế có thể giúp Thành thay đổi cuộc đời. May thay, nhờ có con dế này mà chọi đâu thắng đó. Thắng từ con dế tốt nhất làng, tới con gà cũng bị đánh bại. Có lẽ đây không phải là điều trùng hợp, không thể trùng hợp đến mức hôm trước mất dế hôm sau đổi lại một chú dế tốt hơn được. Chắc chắn sau đó đang ẩn chứa những chi tiết mà cần người đọc phải suy nghĩ. Suy nghĩ xem sự xuất hiện của dế có phải ngẫu nhiên hay có sự sắp đặt, phải chăng con dế ấy mang điểm bất thường mà những con dế khác không có. Và chắc hẳn con dế ấy sẽ thay đổi chính cuộc sống hiện tại của gia đình Thành.
Tiếng của con dế đồn xa, sau khi được mang vào cung đấu với các loài dế đặc biệt khác mà vua nhận được, từ “hồ điệp, đường lang, du lợi đạt, thanh ti đầu”, con nào cũng bị dế chọi đánh thắng. Đã vậy khi nghe tiếng nhạc, dế còn biết nhảy theo. Hài lòng vua, tri huyện mừng rỡ, thưởng cho cả nhà Thành. Từ đó gia đình Thành trở nên giàu có, được thăng quan tiến chức, “giàu sang hơn cả các nhà thế gia” . Đặc biệt, sau một năm, con trai gia đình Thành tỉnh táo lại như thường, nói về một năm trở thành dế chọi. Phải chăng phần hồn của người con đã hóa thành con dế, giúp cha có được ngày hôm nay. Đứa con trai tuy đưa câu chuyện trở nên kịch tính, làm mất đi con dế tốt, nhưng đổi lại lại biến thành con dế tốt nhất cứu được cả gia đình và thay đổi cuộc sống. Chi tiết này là một chi tiết kì ảo, thắt nút và mở nút cho câu chuyện. Cũng từ đó làm nổi bật lên hình ảnh, chỉ nhờ một con dế cũng làm thay đổi cả một cuộc đời. Dưới thời đại ấy, thú vui của chốn cung cấm, sẽ quyết định tính mạng của cả một tầng lớp dân chúng. Câu hỏi được đặt ra, liệu rằng khi của cải đã nhiều, chức tước đã đủ, liệu Thành còn giữ được sự chất phác hiền lành như xưa?
Cuối câu chuyện có trích lại câu nói của Dị Sử thị: “Họ Thành vì sâu mọt mà nghèo, nhờ dế chọi mà giàu, áo cừu ngựa tốt vênh vang, lúc làm lí chính bị trách phạt không nghĩ rằng mình được thế đâu. Trời đền đáp cho kẻ trưởng giả trọng hậu, tới nỗi tuần phủ tri huyện cũng được hưởng phúc ấm nhờ con dế. Thường nghe một người lên trời, gà chó cũng thành tiên, đúng lắm thay.” Có thể sau khi đọc tác phẩm, nghe câu bình này, ta nhận ra được kết thúc có hậu cho người hiền lành biết lo nghĩ cho người khác sẽ là những phần thưởng to lớn mà ông trời bạn tặng. Phúc khí của Thành còn được lan đến cả tri huyện, những vị quan trên. Có cái khen cũng có cái chê ở đây. Khen cho nhân vật sống một đời hiền lành chất phác. Chê cho cái xã hội tham quan không từ cách để hài lòng vua mà chà đạp lên nhân dân. Và cũng hướng tới một tương lai lo lắng, lo khi con người nhận và hưởng quá nhiều lợi ích, lương tâm cũng sẽ bị tha hóa.
Câu chuyện mang yếu tố hoang đường, kì ảo đúng với chất trong thiên truyện Liêu Trai chí dị. mang giá trị hiện thực sâu sắc, câu chuyện đi sâu tái hiện hiện thực thời kì xã hội đen tối. “Dế chọi” đã phản ánh bộ mặt của tầng lớp quan lại, vui lòng vua ham chơi, ham thú vui mà dẫn đến những thảm cảnh của dân chúng bằng ngôn từ dễ hiểu, gần gũi và dễ đọc. Ý nghĩa được truyền tải và bộc bạch rõ ràng theo trình tự thắt nút - cao trào - mở nút hoàn chỉnh mà không có xung đột mạnh. giúp cho người đọc có thể tiếp cận và thấy được rõ bối cảnh và cuộc sống của thời kỳ.
Câu chuyện dế chọi là một tấm gương phản chiếu hiện thực xã hội thời nhà Thanh. Phê phán, lên án hội tham quan vì vinh hoa phú quý mà chà đạp lên con người. Vua chúa vì trò vui chốn cung cấm mà sa đọa, xa hoa. Khổ thân tới những tầng lớp “thấp cổ bé họng” vì những thú vui của tầng lớp quan trên mà phải sống trong cảnh đau khổ, luôn lo sợ về cuộc sống. Một hiện thực tàn khốc của một thời kỳ đã được nêu ra một cch trần trụi và rõ nét. Giúp người đọc có thể thấy rõ bộ mặt quan xưa, xã hội thời kỳ xưa. Để từ đó thêm trân trọng cuộc sống của hiện tại.
Bồ Tùng Linh đã đưa Dế chọi đến gần với người đọc bởi sự chân thật cái xã hội đương thời với những ẩn tiết trong tác phẩm. Đây là một tác phẩm hay, đáng đọc bởi trong đó mang ý nghĩa của cả thời đại.
Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học - mẫu 7
Nguyễn Dữ là một gương mặt tiêu biểu điển hình cho nền văn học trung đại Việt Nam ở thế kỉ thứ XVI. Mặc dù, sự nghiệp sáng tác văn chương của Nguyễn Dữ chỉ vẻn vẹn có tập truyện "Truyền kì mạn lục" nhưng tập truyện lại có một vị trí đặc biệt, được đánh giá là "thiên cổ kì bút" (bút lạ nghìn đời), "là áng văn hay của bậc đại gia". Đây là tập truyện viết bằng chữ Hán, khai thác các truyện cổ dân gian và các truyền thuyết lịch sử, dã sử Việt Nam.
"Chuyện người con gái Nam Xương" là thiên thứ 16, trong tổng số 20 truyện của "Truyền kì mạn lục". Thông qua bi kịch Vũ Nương, truyện thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến, đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ. Tác phẩm là một áng văn độc đáo, đánh dấu sự thành công về nghệ thuật dựng truyện; khắc họa miêu tả nhân vật và sự kết hợp giữa tự sự với trữ tình, giữa yếu tố hiện thực và kì ảo.
Trước hết, "Chuyện người con gái Nam Xương" đã khắc họa thành công vẻ đẹp truyền thống và số phận oan nghiệt của người phụ nữ đương thời. Điều này được thể hiện qua nghệ thuật dựng truyện và xây dựng hình tượng nhân vật Vũ Nương. Vũ Nương là một người con gái đẹp người, đẹp nết, đại diện cho vẻ đẹp của người phụ nữ thời kì phong kiến: "tính đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp".
Trương Sinh vì cảm mến cái dung hạnh ấy nên đã xin mẹ trăm lạng vàng để cưới về làm vợ. Sau đó, nhà văn tập trung làm nổi bật vẻ đẹp đức hạnh của nàng, bằng việc đặt Vũ Nương vào rất nhiều hoàn cảnh, tình huống và các mối quan hệ xung quanh như với chồng, với mẹ chồng và với đứa con trai tên là Đản, từ đó góp phần bộc lộ trọn vẹn tính cách, phẩm hạnh của nàng.
Đầu tiên là Vũ Nương trong mối quan hệ với người chồng – Trương Sinh. Nàng hiện lên là một người vợ nhất mực thủy chung, yêu thương chồng tha thiết. Trong cuộc sống vợ chồng bình thường, khi mới lấy nhau, nàng hiểu tính chồng có thói đa nghi, thường đề phòng vợ quá mức nên Vũ Nương đã cư xử khéo léo, đúng mực, nhường nhịn và giữ đúng khuôn phép, không bao giờ để xảy ra nỗi bất hòa trong gia đình.
Vì thế, chúng ta có thể thấy, nàng là người phụ nữ hiểu chồng, biết mình và rất đức hạnh. Khi người chồng chuẩn bị đi lính, Vũ Nương rót chén rượu đầy và dặn dò Trương Sinh bằng những lời nói đầy nghĩa tình, thắm thiết. Nàng không mong vinh hiển, chỉ cần chồng mang về hai chữ "bình yên". Ở nhà, Vũ Nương nhớ thương chồng da diết. Mỗi lần thấy "bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi" nàng lại cảm thấy "thổn thức tâm tình", nhớ thương chồng nơi biên ải xã xôi.
Tiết hạnh của nàng còn được khẳng định khi nàng bị chồng nghi oan: "cách biệt ba năm, giữ trọn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót...". Khi Trương Sinh đi lính trở về, một mực khăng khăng cho rằng nàng thất tiết, Vũ Nương đã ra sức phân trần để cho chồng hiểu, nói lên thân phận của mình, nhắc tới tình nghĩa phu thê và khẳng định một lòng nhất mực thủy chung, son sắt với chồng.
Thậm chí, nàng còn cầu xin chồng "đừng nghi oan cho thiếp". Có nghĩa là Vũ Nương đang ra sức giữ gìn, hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ. Điều đó cho thấy nàng thực sự rất trân trọng hạnh phúc gia đình mà mình đang có và càng làm nổi bật lên niềm khát khát hướng tới hạnh phúc gia đình ấm êm của người phụ nữ Vũ Nương.Tiếp đến, Vũ Nương trong mối quan hệ với mẹ chồng và bé Đản. Nàng hiện lên là một người con hiếu thảo, một người mẹ rất mực tâm lí, yêu thương con cái.
Chồng đi lính, ở nhà, nàng một mình sinh con, nuôi dạy con, vừa đóng vai trò là một người mẹ, lại vừa đóng vai trò là một người cha. Nàng sợ con mình thiếu thốn tình cảm của người cha nên đêm đêm thường mượn bóng mình, chỉ vào tường mà bảo là cha Đản. Nàng thay chồng làm tròn bổn phận, trách nhiệm của một người con hiền, dâu thảo: chăm sóc, thuốc thang, lễ bái thần Phật, hết lòng khuyên lơn mẹ chồng.
Đến khi mẹ chồng mất, nàng tổ chức ma chay tế lễ chu đáo như với cha mẹ đẻ của mình vậy. Vì thế, bà mẹ chồng đã viện cả trời xanh để chứng minh cho lòng hiếu thảo của cô con dâu: "Xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ". Điều đó đã cho thấy nhân cách tuyệt vời và công lao to lớn của Vũ Nương đối với gia đình nhà chồng này.
Như vậy, một người phụ nữ đẹp người, đẹp nết đảm đang, hiếu thảo, nhất mực thủy chung và hết lòng vun vén, trân trọng hạnh phúc gia đình như thế, đáng lẽ ra phải được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, tìm được một người chồng tâm lí, cảm thông và sẻ chia những nỗi lo toan cho vợ, nhưng thật éo le và nghịch lí thay, nàng lại phải chịu một cuộc sống gia đình bất hạnh và phải chết trong đau đớn, xót xa, đầy nước mắt.
Đó là khi Trương Sinh sau ba năm đi lính trở về, bé Đản không chịu nhận cha, nghe lời nói của con "Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, những chẳng bao giờ bế Đản cả", Trương Sinh nhất nhất cho rằng "vợ hư". Mặc dù Vũ Nương đã tìm cách để giải thích lại thêm họ hàng, làng xóm bênh vực và biện bạch cho nàng nhưng mối nghi ngờ vợ của Trương Sinh ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được.
Cuối cùng "cái thú vui nghi gia nghi thất" đã không còn "bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió", cả nỗi đau chờ chồng đến hóa đá cũng không còn có thể được nữa "đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa". Nàng đã trẫm mình xuống dòng nước Hoàng Giang lạnh lẽo. Đó là hành động quyết liệt để bảo toàn danh dự, nhân phẩm trong một nỗi đau tuyệt vọng cùng cực, đau đớn.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới cái chết oan nghiệt của Vũ Nương. Đó trước hết là do chi tiết cái bóng và những lời nói ngây thơ của bé Đản. Nhưng nguyên nhân sâu sa đằng sau đó là từ người chồng đa nghi, thô bạo. Ngay từ đầu truyện, nhà văn đã giới thiệu Trương Sinh là " con nhà hào phú nhưng không có học", lại có tính đa nghi, đối với vợ thì hay phòng ngừa quá mức, thiếu cả lòng tin và tình thương với người tay ấp má kề với mình.
Đó chính là mầm mống của bi kịch để rồi trong hoàn cảnh đi lính ba năm xa nhà, xa vợ, thói ghen tuông, ích kỉ của bản thân chàng nổi lên và giết chết người vợ của mình. Đồng thời, chế độ phong kiến hà khắc, nam quyền độc đoán đã dung túng cho thói gia trưởng của người đàn ông, cho phép người đàn ông có thể đối xử tệ bạc với người phụ nữ của mình.
Và người phụ nữ không có quyền được lên tiếng, không có quyền tự bảo vệ ngay cả khi có "họ hàng, làng xóm bênh vực và biện bạch cho"...Tất cả đã đẩy Vũ Nương – người phụ nữ đẹp đương thời vào con đường bi kịch, phá tan đi những hạnh phúc gia đình của người phụ nữ, dồn đẩy họ vào con đường cùng không lối thoát.
Cũng cần nói thêm, sự thành công của "Chuyện người con gái Nam Xương" còn được thể hiện ở chỗ, Nguyễn Dữ đã khéo léo dẫn dắt câu chuyện trên cơ sở cốt truyện có sẵn, ông đã sắp xếp lại, tô đậm, thêm bớt làm cho câu chuyện trở nên sinh động, mang tính kịch và tăng cường tính bi kịch. Có thể nói, dưới ngòi bút của Nguyễn Dữ, "Chuyện người con gái Nam Xương" đã có sự thành công vượt bậc so với bản kể dân gian "Vợ chàng Trường".
Điều này được thể hiện qua chi tiết chiếc bóng và lời nói của bé Đản. Từ đó, tạo nên sự thắt nút và mở nút của câu chuyện, làm câu chuyện trở nên hấp dẫn, tình tiết lôi cuốn, chặt chẽ. Đầu tiên là "thắt nút" câu chuyện: chỉ một câu nói ngây thơ của một đứa trẻ lên ba nói với cha mà như một cơn bão dây chuyền, đã tạo nên biết bao nhiêu là giống lốc cuộc đời, lật nhào hết tất cả mọi sự bình yên thuở trước.
Để rồi, trong một chốc nóng giận, thói nghi kị trong lòng người đàn ông độc đoán, chuyên quyền đã phá tan đi hạnh phúc yên ấm mà mình đang có; đẩy cuộc đời của người phụ nữ đẹp người, đẹp nết vào cái chết thương tâm, thấm đẫm nước mắt. Và cũng thật bất ngờ thay, câu chuyện lại được "gỡ nút" bằng một câu nói trẻ thơ non dại. Khi thấy cái bóng của Trương Sinh in trên vách, bé Đản liền nói: "Cha Đản lại đến kia kìa!" thì bao nhiêu oan khuất lại được lật nhào sáng tỏ. Vũ Nương vô tội!.
Bên cạnh đó, truyện còn thành công trong việc sử dụng nghệ thuật đối thoại, lời tự bạch của nhân vật được sắp xếp đúng chỗ, làm cho câu chuyện trở nên sinh động, góp phần khắc họa diễn biến tâm lí và tính cách nhân vật: lời nói của bà mẹ Trương Sinh nhân hậu, từng trải; lời lẽ của Vũ Nương bao giờ cũng chân thành, dịu dàng, mềm mỏng, có lí, có tình – lời của người phụ nữ hiền thục, đoan chính; lời của Bé Đản hồn nhiên, ngây thơ, thật thà.
Cuối truyện, Vũ Nương hiện về thấp thoáng trên chiếc kiệu hoa giữa dòng, võng lọng, cờ kiệu rực rỡ đầy sông, nàng nói lời đa tạ Linh Phi và tạ từ Trương Sinh rồi biến mất. Đây là những chi tiết, hình ảnh thể hiện sự sáng tạo của Nguyễn Dữ về mặt kết cấu truyện bằng việc sử dụng yếu tố kì ảo, hoang đường, góp phần tăng thêm giá trị hiện thực và ý nghĩa nhân văn của tác phẩm, làm nên đặc trưng của thể loại truyền kì.
Nếu như trong truyện kể dân gian, sau khi Vũ Nương chết, Trương Sinh tỉnh ngộ, nhận ra sai lầm của mình thì cũng là lúc truyện cổ tích khép lại, điều đó đã để lại niềm xót xa đau đớn cho người đọc về thân phận bất hạnh oan khiên của người phụ nữ tiết hạnh, thì trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ, ông đã sáng tạo thêm phần đuôi của truyện, góp phần làm lên những giá trị thẩm mĩ và tư tưởng mới của truyện.
Đó là làm hoàn thiện thêm nét đẹp tính cách, phẩm chất của nhân vật và chứng tỏ được Vũ Nương trong sạch. Ở thế giới bên kia, nàng được đối xử xứng đáng với phẩm giá của mình. Vì thế, Nguyễn Dữ đã đáp ứng được ước mơ của con người về sự bất tử, sự chiến thắng của cái thiện, cái đẹp, thể hiện nỗi khát khao hạnh phúc trong một cuộc sống công bằng, hạnh phúc cho những con người lương thiện, đặc biệt là người phụ nữ đương thời.
Tóm lại, "Truyền kì mạn lục" nói chung và "Chuyện người con gái Nam Xương" nói riêng của Nguyễn Dữ là một tác phẩm độc đáo, đánh dấu một bước phát triển đột khởi của nền văn xuôi tự sự chữ Hán trong nền văn học trung đại Việt Nam. Tác phẩm đã đạt được thành tựu nghệ thuật nổi bật trên ba phương diện: xây dựng tình tiết, kết cấu; xây dựng nhân vật; sự kết hợp giữa yếu tố hiện thực và yếu tố kì ảo.
Thông qua cuộc đời và số phận bất hạnh của Vũ Nương, tác giả đã phản ánh số phận bi thương của người phụ nữ phong kiến, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của họ. Đồng thời, thể hiện thái độ phê phán đối với một xã hội phi nhân đã gây ra biết bao khổ đau cho con người. Mặc dù truyện cũng cách xa chúng ta vài thế kỉ rồi nhưng tính thời sự của truyện vẫn còn vang vọng tới ngày hôm nay!
Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học - mẫu 8
Trong cuộc đời mỗi con người chúng ta có thể quên đi nhiều điều, nhưng ký ức tuổi thơ thì khó có thể phai nhạt. Đối với Bằng Việt, kỷ niệm thơ gắn liền với hình ảnh người bà thân thương và bếp lửa nồng đượm. Tất cả kỷ niệm thời thơ ấu thật ấy được tác giả làm sống dậy trong bài thơ "Bếp lửa". Bài thơ được viết năm 1963 khi tác giả đang sinh sống và học tập xa đất nước.
Nhà thơ Bằng Việt thuộc thế hệ những nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Thơ Bằng Việt luôn mang tinh tế, trong trẻo. “Bếp lửa” là tác phẩm tiêu biểu của ông. Bài thơ được sáng tác năm 1963 - khi tác giả đang là sinh viên du học tại Liên Xô.
Mở đầu bài thơ, dòng cảm xúc của người cháu hướng về bà được khơi nguồn từ hình ảnh bếp lửa:
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.
Ba tiếng “một bếp lửa” lặp lại hai lần, được đặt ở đầu hai dòng thơ mang đến âm hưởng ngân vang, sâu lắng và nhấn mạnh rằng hình ảnh bếp lửa có ý nghĩa đặc biệt, luôn khắc sâu trong tâm hồn nhân vật trữ tình. Những từ “chờn vờn”, “ấp iu” khơi gợi rất nhiều cảm xúc. “chờn vờn” diễn tả một ngọn lửa cháy lúc to, lúc nhỏ nhưng vẫn tỏa sáng mạnh mẽ. Từ láy “ấp iu” là một sáng tạo độc đáo của nhà thơ, dường như được biến thể từ hai từ “ấp ủ” và “nâng niu”. Cách dùng từ “ấp iu” thật thân thương biết mấy! Nó gợi ra hình ảnh người bà tần tảo, bàn tay gom góp chắt chiu biết bao yêu thương dành cho cháu. Câu thơ cuối là sự thể hiện tình cảm một cách trực tiếp, chân thành, tự nhiên của người cháu: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”. Người cháu thương bà, nhớ về bà, tìm thấy bà trong ngọn lửa sớm mai kỉ niệm thân thuộc ấy.
Kỉ niệm tuổi thơ dần hiện về trong tâm trí nhân vật trữ tình. Đầu tiên là kí ức về năm bốn tuổi đầy gian khó, nhọc nhằn:
Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt chá
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay
Người cháu đã “quen mùi khói” từ khi còn là một đứa trẻ. Cụm từ “đói mòn đói mỏi” gợi ra hiện thực lịch sử đau thương về nạn đói năm 1945. Biết bao người dân cũng bị bóc lột bởi ách đô hộ của phát xít, thực dân. Hình ảnh người bố phải bươn chải, làm nghề đánh xe đến “khô rạc ngựa gầy” đã cho thấy sống khốn khổ, tiều tụy, bị vắt kiệt sức lao động của nhân dân Việt Nam. Trong những năm tháng đó, bà cháu vẫn cùng nhau nhóm lửa. Làn khói “hun nhèm mắt cháu” mang theo sự ám ảnh về thời kì đen tối đã đi qua. Nỗi xúc động của người cháu cùng cảm giác cay mắt vì khói bếp của người cháu đồng hiện trong câu thơ “Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”.
Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế
Mẹ cùng cha công tác bận không về
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa
Khoảng thời gian tám năm dẫu gian khổ nhưng rất hồn nhiên, hạnh phúc bởi cháu nhận được sự chở che, săn sóc của bà. Tiếng tu hú kêu văng vẳng trên những cánh đồng sao mà thân thương, tha thiết thế! Tiếng tu hú kêu khắc khoải trở thành điệp khúc cho cả đoạn thơ. Âm thanh quen thuộc của làng quê mỗi khi hè về đã gợi nhớ, gợi thương cho người chiến sĩ. Câu thơ “Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?” như một tiếng nói bộc phát, một lời tâm sự với bà từ tận đáy lòng của nhân vật trữ tình. Đây là câu hỏi nhưng lại bộc lộ cảm xúc nhớ nhung, trìu mến. Người cháu nhớ về những ngày tháng chiến gian lao mà kiên cường của dân tộc, mẹ và cha “công tác bận không về” nên bà vừa là cha, vừa là mẹ chăm sóc cháu. Các động từ “kể”, “bảo”, “dạy”, “chăm” cho thấy sự nâng niu, quan tâm hết mực mà bà dành cho cháu. Các từ “bà” - “cháu” được điệp lại bốn lần để diễn tả tình cảm gắn bó, đùm bọc, đầy thương mến của bà và cháu. Câu thơ “Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc” đã bộc lộ trực tiếp sự kính trọng, niềm biết ơn, lòng yêu thương của cháu dành cho bà. Người cháu biết cảm thông, thấu hiểu cho nỗi vất vả của bà nên đã cất tiếng gọi tu hú:
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?
Hình ảnh tu hú lại xuất hiện ở cuối khổ thơ cùng câu hỏi tu từ là một sáng tạo nghệ thuật rất tài tình của Bằng Việt. Chim tu hú dường như cũng côi cút, cô đơn, khát khao được sưởi ấm như đứa trẻ. Tác giả chạnh lòng mà thương tu hú bé nhỏ và cũng thương cả bà khi đã lớn tuổi mà vẫn phải vất vả nên đã gọi chú chim sao “Chẳng đến ở cùng bà”.
Sau nỗi nhớ về tuổi thơ dù khó khăn nhưng trong sáng, vô tư bên bà thì trong tâm trí của người cháu lại hiện nên một kí ức cụ thể về sự đau thương, mất mát mà chiến tranh mang lại:
Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Cụm từ “cháy tàn cháy rụi” cùng từ láy “lầm lụi” diễn tả tội ác khôn cùng của giặc và nỗi thống khổ của nhân dân ta trong những năm tháng chiến tranh. Giặc cướp phá, đốt làng, khiến bà con xóm làng không còn nơi nương tựa. Trong đó, cả bà và cháu cũng là nạn nhân của bom đạn chiến tranh, đến ngôi nhà nhỏ để che nắng che mưa cũng bị lửa đốt. Ngọn lửa của giặc là ngọn lửa của tội ác, không những không thắp lên hi vọng mà còn hủy diệt sự sống con người. Tuy nhiên, đối diện với hoàn cảnh gian nan ấy, người bà lại tỏa sáng hơn bao giờ hết với phẩm chất cao đẹp:
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”
Nhà thơ đã lựa chọn các từ ngữ đời thường làm chất liệu sáng tác, đem đến cho bài thơ chất hiện thực đậm đặc. Bà tần tảo, dịu dàng, giàu tình yêu thương nhưng cũng rất mạnh mẽ, kiên cường, bất khuất. Vì không muốn các con lo lắng mà mà âm thầm chịu đựng, gồng mình gánh vác việc gia đình. Sức mạnh tinh thần ấy của bà đã khiến người cháu vô cùng cảm phục nên bà cháu cùng nhau dựng lại túp lều tranh, lại nhen nhóm những bếp lửa mới với niềm hy vọng mới. Hình ảnh người bà là đại diện cho vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam với tám chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.
Khổ thơ tiếp theo chỉ có ba câu thơ ngắn nhưng đã tô đậm nét đẹp tâm hồn của bà:
Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng...
Cụm từ “Rồi sớm rồi chiều” cùng từ “lại” diễn tả vòng thời gian tuần hoàn, cho thấy sự chăm chỉ, không ngơi nghỉ của bà. Ở đây, tác giả đã sử dụng những liên tưởng độc đáo. Ngọn lửa bà nhen không chỉ là ngọn lửa cháy trong chiếc bếp lửa tả thực mà còn là ngọn lửa của niềm tin và sự sống, của tình yêu thương gia đình và đất nước vô bờ bến. Bà không chỉ nhóm lửa, giữ lửa mà còn truyền lửa sống của mình cho mình cho cả cháu. Điệp ngữ “Một ngọn lửa” được đặt ở đầu dòng và lặp lại hai lần trong hai câu thơ đã khẳng định sức sống bất diệt của ngọn lửa bà nhen cũng như sự cảm phục, tình yêu bao la mà cháu dành cho bà.
Khổ thơ thứ sau là những suy ngẫm rất sâu sắc của người cháu về bà và cuộc đời bà:
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ...
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!
Từ láy “lận đận” kết hợp cùng các cụm từ chỉ thời gian “mấy chục năm”, “bây giờ” và hình ảnh ẩn dụ “nắng mưa” đã diễn tả chân thực mà xúc động về cuộc đời vất vả của bà. Suốt mấy chục năm ròng, không lúc nào bàn tay bà ngơi làm lụng bởi cái khó nhọc luôn theo bà. Chính vì vậy mà bà luôn “giữ thói quen dậy sớm” để nhóm lửa, thắp lên tương lai cho cháu. Điệp từ “nhóm” được lặp lại bốn lần, thể hiện tính chất liên tục của công việc nhóm lửa. Trong đó, “Nhóm bếp lửa”, “Nhóm nồi xôi gạo” là những hình ảnh tả thực còn “Nhóm niềm yêu thương”, “Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ” lại mang ý nghĩa ẩn dụ về những giá trị mà bà và bếp lửa mang lại. Tác giả tìm thấy trong bếp lửa bà nhen sự ngọt bùi ấm no của hương khoai sắn, tình làng nghĩa xóm mặn nồng của nồi xôi gạo “chung vui” và biết bao ước mơ, hi vọng tong trẻo của tuổi nhỏ. Chỉ một bếp lửa, giản dị đơn sơ nhưng cũng thật “kỳ lạ và thiêng liêng”!
Cuối cùng, tất cả những cảm xúc của tác giả được lắng đọng lại trong khổ thơ cuối:
Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
- Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?...
Điệp từ “trăm”, “có” kết hợp cùng thủ pháp liệt kê nhằm diễn tả sự thay đổi, tìm thấy những niềm vui mới của người cháu. Thế nhưng, giữa thế giới bộn bề rộng lớn, cháu vẫn không bao giờ quên đi hình ảnh bà gắn với bếp lửa, những kỉ niệm thời sống bên bà, từng bài học mà bà dạy dỗ,.. Chính bàn tay gầy guộc của bà, bếp lửa nhỏ bé ngày nào đã chắp cánh cho cháu vươn đến ước mơ. Không chỉ vậy, bà còn chính là động lực để cháu phấn đấu học tập và cống hiến. Khổ thơ cho thấy niềm biết ơn vô hạn của cháu dành cho bà, nêu cao đạo lí ân nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Để khắc họa thành công những kỉ niệm thơ ấu cùng nỗi nhớ về bà, tác giả đã sử dụng thể thơ tự do kết hợp với các biện pháp nghệ thuật như điệp ngữ, ẩn dụ, nhân hóa, liệt kê và câu hỏi tu từ. Bài thơ còn kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm, tự sự, miêu tả cùng cách sáng tạo hình ảnh bếp lửa vô cùng độc đáo.
Những lời thơ ấm áp, đầy tin yêu của Bằng Việt đã thắp lên trong lòng người đọc những cảm xúc tinh tế, chân thật về gia đình và Tổ quốc. Tác phẩm xứng đáng là “tiếng lòng của một người con, một nhà thơ luôn hướng về đất nước với những con người Việt Nam thuần hậu, anh hùng, tình nghĩa”.
Xem thêm các bài văn mẫu 9 Chân trời sáng tạo hay khác:
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:
- Soạn văn 9 Chân trời sáng tạo (hay nhất)
- Soạn văn 9 Chân trời sáng tạo (ngắn nhất)
- Giải lớp 9 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 9 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 9 Cánh diều (các môn học)
Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Loạt bài Soạn văn 9 của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Ngữ văn 9 Tập 1 và Tập 2 Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục).
Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Soạn văn 9 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 9 - CTST
- Giải Tiếng Anh 9 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Friends plus
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 9 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 9 - CTST
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - CTST
- Giải sgk Tin học 9 - CTST
- Giải sgk Công nghệ 9 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 9 - CTST
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - CTST