15+ Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử lớp 9 (học sinh giỏi)

Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử hay nhất, ngắn gọn được chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh lớp 9 trên cả nước giúp bạn có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

15+ Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử lớp 9 (học sinh giỏi)

Quảng cáo

Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử - mẫu 1

15+ Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử lớp 9 (học sinh giỏi)

Chùa Thầy là một trong số những ngôi chùa cổ kính, nổi tiếng và linh thiêng nhất ở quê hương em.

Vị trí tọa độ và lịch sử hình thành

Chùa Thầy tọa lạc tại núi Thầy, ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Ban đầu, chùa Thầy chỉ là một am nhỏ được gọi là Hương Hải am, là nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh làm trụ trì. Về sau, chùa được vua Lý Nhân Tông, Dĩnh Quận Công cùng các hoàng tộc cho xây dựng thêm và chăm lo việc trùng tu. Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì có nghĩa là ao Rồng. Sân chùa như hàm rồng, thủy đình như viên ngọc rồng ngậm. Cây cầu Nguyệt Tiên Kiều và Nhật Tiên Kiều như hai chiếc râu rồng. Tất cả như tạo nên một vẻ đẹp cổ kính và thanh tịnh cho chùa Thầy.

Đặc điểm kiến trúc của chùa Thầy

Quảng cáo

Phần chính của chùa Thầy được xây dựng theo lối kiến trúc tiền Phật hậu Thánh. Chùa gồm ba tòa song song với nhau ứng với tên gọi lần lượt là: chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Phía trước chùa là một khoảng sân rộng nhìn ra hồ Long Chiểu, tạo thành hàm của rồng. Hai bên cạnh của sân có hai cây cầu cong bắc qua một phần hồ tạo thành hai chiếc râu rồng, một bên bắc sang một hòn đảo nhỏ nay đã thành khu dân cư, còn một cầu bắc sang đền thờ Tam Phủ. Hai câu cầu này do Phùng Khắc Khoan xây dựng vào năm 1602. Giữa áo chùa có một thủy đình, nhìn từ xa như đang nổi giữa mặt hồ xanh biếc. Thủy đình này rộng khoảng bốn mét vuông, được dựng nên bằng bốn bức tường có tạo kiểu lối vào mái vòm giống nhau. Trên nóc thủy đình là một lớp ngói nhuốm màu rêu phong. Đây cũng chính là nơi diễn ra trò múa rối nước – một hình thức biểu diễn dân gian mà Thiền sư Từ Đạo Hạnh tìm ra và truyền lại cho người dân nơi đây.

Di sản văn hóa

Nằm tại xứ Đoài yên bình, chùa Thầy ít phải chịu những tác động trong hàng ngàn năm của những cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, nên ngôi chùa đã giữ lại được bao vẻ bình dị, cổ kính, trở thành trung tâm phật giáo cổ và lớn nhất gần Kinh đô Thăng Long, lưu giữ nhiều di sản văn hóa của các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn. Ngày 31 tháng 12 năm 2014, chùa Thầy đã được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.

Quảng cáo

Cách tham quan chùa Thầy

Để đến chùa Thầy, các bạn có thể sử dụng Google map tra đường, đi theo hướng Đại Lộ Thăng Long rất dễ dàng. Khi tới xã Sài Sơn, cách chùa khoảng 500m có một biển chỉ dẫn lớn dẫn các bạn vào chùa. Trước khi vào, các bạn cần gửi phương tiện đi lại ở khu dân cư và mua vé vào tham quan chùa. Khi vào chùa, các bạn sẽ được các cô, các bác là những người dân địa phương dẫn đi tham quan và lí giải, cung cấp nhiều thông tin về chùa, về những vị Thánh, Phật được thờ phụng trong chùa…

Chùa Thầy là một ngôi chùa cổ kính, linh thiêng với lối kiến trúc vô cùng độc đáo. Đến với chùa Thầy chúng ta sẽ được trải nghiệm một không gian yên bình, tâm hồn ta vì thế cũng như được xoa dịu, chữa lành. Chắc chắn, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hối tiếc khi đặt chân tới ngôi chùa này. 

Dàn ý Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử

Quảng cáo

a. Mở bài

- Nêu tên danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử

- Giới thiệu khái quát về danh làm thắng cảnh hay di tích lịch sử.

b. Thân bài

Lần lượt trình bày các thông tin về danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử: vị trị tọa lạc, lịch sử hình thành; đặc điểm kiến trúc, cảnh quan,...; giá trị lịch sử, văn hóa; cách thức tham quan.

c. Kết bài

- Đánh giá khái quát về danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử.

- Bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của người viết về danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử.

- Đưa ra lời mời tham quan (nếu cần).

Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử - mẫu 2

Hà Nội - thủ đô của Việt Nam ta - là nơi hội tụ của rất nhiều những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như hồ Hoàn Kiếm, chùa Một Cột,..., trở thành điểm sáng của ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, một địa điểm, một danh lam thắng cảnh không thể không nhắc đến khi tới Hà Nội chính là cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử của dân tộc.

15+ Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử lớp 9 (học sinh giỏi)

1) Vị trí địa lý, cấu trúc:

Cầu Long Biên là cây cầu thép, cũng là cây cầu huyết mạch đầu tiên bắc ngang sông Hồng, nối quận Hoàn Kiếm và quận Long Biên. Về mặt cấu trúc, độ dài của cây cầu là 2290m qua sông, 896m cầu dẫn và trọng lượng lên đến 17000 tấn. Cây cầu bao gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ và đường dẫn xây bằng đá. Cầu được phân chia thành ba làn đường: đường sắt đơn chạy ở giữa, hai bên là đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Đường cho các loại xe rộng 2,6 m và luồng đi bộ rộng 0,4 m. Khác với những cây cầu thông thường, luồng giao thông của cầu chạy theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu. Nếu đem ra so sánh, cây cầu này xứng đáng được gọi là cây cầu bằng sắt ấn tượng nhất trên thế giới.

2) Lịch sử hình thành:

Cầu Long Biên được thiết kế và xây dựng trong bối cảnh thực dân Pháp đã hoàn thành nhiệm vụ xâm chiếm nước ta và đang tiến hành chính sách khai thác thuộc địa. Cây cầu được thiết kế với kiểu dáng độc đáo do hãng Daydé & Pillé thiết kế, giống với kiểu dáng của cầu Tolbiac ở quận 13 trên tuyến đường sắt Paris – Orleans, Pháp. Ngày 12 tháng 9 năm 1898, lễ khởi công xây dựng đã được diễn ra. Để xây dựng nên cây cầu này là một quá trình hết sức nguy hiểm và đã lấy đi biết bao sinh mạng của nhân dân Việt Nam. Sau ba năm chín tháng thi công, ngày 28 tháng 2 năm 1902, cây cầu đã được hoàn thành.

Khi mới khánh thành, cầu mang tên Paul Doumer – một Toàn quyền Pháp tại Đông Dương, nhưng nhân dân ta thường gọi đó là cầu sông Cái hoặc là cầu sông Hồng. Đến tháng 7 năm 1945, bác sỹ Trần Văn Lai – Đốc lý Hà Nội lúc đó đã đổi tên cầu Doumer thành cầu Long Biên – tên gọi còn giữ đến ngày nay. Cây cầu là niềm tự hào của người Pháp. Nhờ có sự xuất hiện của cây cầu này, người Pháp có thể di chuyển từ Hà Nội tới các tỉnh lân cận phía Bắc một cách dễ dàng. Không những vậy, cây cầu được báo chí mô tả “như con rồng xanh bắc ngang qua dòng nước; như dải cầu vồng đỡ lấy bầu trời”.

3) Hoạt động:

a) Trong công cuộc giải phóng dân tộc:

Ngày 2 tháng 9 năm 1945 – ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình, cây cầu Long Biên là nhịp dẫn hàng nghìn người dân ngoại ô đến với Bác. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), cầu chứng kiến người dân thủ đô cùng trung đoàn thân yêu ra đi bí mật. Ngày 10 tháng 10 năm 1954, cây cầu cũng đứng đó mà chứng kiến niềm hân hoan của dân tộc trong ngày Giải phóng Thủ đô.

Tuy nhiên, ngay sau đó, khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đế quốc Mỹ tiếp tục thay thế thực dân Pháp xâm chiếm nước ta khiến đất nước bị chia cắt. Đây cũng là lúc cây cầu phải chịu đựng những thử thách khốc liệt nhất. Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc (1965-1968 và 1972), cầu bị ném bom tổng cộng mười bốn lần. Nhân dân ta đã tích cực chung sức với bộ đội, các lực lượng vũ trang để bảo vệ, giữ gìn cây cầu. Đối với họ, bảo vệ cây cầu là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả. Họ đã anh dũng hi sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ và giữ vững chiếc cầu. Điều đó đã khiến các phi công Mỹ hoảng sợ khi được phân công nhiệm vụ bắn phá cầu Long Biên, để rồi phải hứng chịu thất bại đau đớn, nhục nhã sau này.

b) Trong thời bình (địa điểm du lịch):

Hiện tại, do được xây dựng cách đây hơn một thế kỷ, cầu Long Biên đã có biểu hiện xuống cấp. Chiếc cầu già nua đầy mình thương tích, các phần khung thép, từng thanh sắt đã bị rỉ màu theo thời gian, những tàn tích do bị quân đội Mỹ ném bom vẫn còn đó, nhưng cầu còn đứng vững đến ngày nay chính là nhờ vào công sức giữ gìn và bảo vệ của những người dân Việt Nam yêu nước.

Ngày nay, cầu Long Biên trở thành điểm dừng chân của du khách năm châu khi đến thăm Việt Nam. Rất nhiều du khách trong và ngoài nước đã đến đây để tham quan, chiêm ngưỡng, ngắm nhìn những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ cũng như tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử liên quan đến cây cầu, … Đến đây, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng, cảm nhận vẻ đẹp êm đềm, thơ mộng của sông Hồng cùng với sà lan nổi bên dưới hay đi dạo bộ, đạp xe thư giãn trên cầu.

Ngoài ra, cạnh cầu Long Biên còn có bãi đá sông Hồng rộng lớn, xanh ngắt, là địa điểm quen thuộc của giới trẻ Hà thành và khách du lịch để chụp ảnh lưu giữ kỷ niệm để đời. Du khách có thể tới quán cà phê Trần Nhật Duật để có thể ngắm cầu từ xa với một góc nhìn hoàn toàn khác lạ. Đây là một trong những điểm đến lý tưởng cho những ai muốn được trải nghiệm cảm giác yên tĩnh, thoát khỏi mọi khó khăn, bộn bề của cuộc sống.

4) Ý nghĩa, công dụng:

Cầu Long Biên mang trong mình rất nhiều ý nghĩa to lớn. Trong chiến tranh, cầu là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, hiên ngang của người Hà Nội trước kẻ xâm lăng, đồng thời đây là cầu nối hai bờ sông, chuyên chở hàng hóa, và là phương tiện đi lại của người dân. Về mặt văn hóa, cây cầu vừa mang tính biểu tượng, vừa là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại của thủ đô. Cầu Long Biên đã trải qua một giai đoạn lịch sử rất hào hùng, bi tráng của Hà Nội và Việt Nam mà ai cũng có thể nhớ đến.

Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử - mẫu 3

Nhắc đến danh lam thắng cảnh, những chốn có non nước hữu tình trên đất nước Việt nam ta khó lòng không nhắc đến vịnh Hạ Long. Cái tên ấy ai là người Việt nam cũng biết đến. Nó không chỉ đẹp trong hiện tại hay tương lai mà nó còn đẹp từ thời xưa trong câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: "Con gà, con cóc quê hương cũng biến Hạ Long thành thắng cảnh". Mới đây vịnh Hạ Long còn dược UNESCO công nhận là một trong bảy kì quan đẹp nhất thế giới. Vậy không biết rằng Hạ Long có những gì mà lại được tôn vinh đến như vậy?

15+ Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử lớp 9 (học sinh giỏi)

Vịnh Hạ Long còn có truyền thuyết đó là Ngọc Hoàng sai Rồng Mẹ mang theo một đàn Rồng Con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ vừa lúc đàn Rồng tới hạ giới. Đàn Rồng lập tức phun ra lửa thiêu cháy thuyền giặc, một phần nhả Châu Ngọc dựng thành bức tường đá sừng sững làm cho thuyền giặc đâm phải mà vỡ tan, chặn đứng bước tiến của ngoại bang.

Sau khi giặc tan, thấy cảnh mặt đất thanh bình, cây cối tươi tốt, con người nơi đây lại cần cù, chịu khó, đoàn kết giúp đỡ nhau, Rồng Mẹ và Rồng Con không trở về trời mà ở lại hạ giới, nơi vừa diễn ra trận chiến để muôn đời bảo vệ con dân Đại Việt. Vị trí Rồng Mẹ đáp xuống là Hạ Long; nơi Rồng Con đáp xuống là Bái Tử Long và đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xoá là Bạch Long Vĩ (bán đảo Trà Cổ ngày nay, với bãi cát dài trên 15 km).

Lại có truyền thuyết khác nói rằng vào thời kỳ nọ khi đất nước có giặc ngoại xâm, một con rồng đã bay theo dọc sông xuôi về phía biển và hạ cánh xuống ở vùng ven biển Đông Bắc làm thành bức tường thành chắn bước tiến của thủy quân giặc. Chỗ rồng đáp xuống che chở cho đất nước được gọi là Hạ Long.

Trước hết về vị trí của vịnh Hạ Long thì nó nằm ở vùng Ðông Bắc Việt Nam, vịnh Hạ Long là một phần vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Ðồn. Phía tây nam Vịnh giáp đảo Cát Bà, phía đông là biển, phần còn lại giáp đất liền với đường bờ biển dài 120 km, được giới hạn từ 106o58′ – 107o22′ kinh độ Ðông và 20o45′ – 20o50′ vĩ độ Bắc với tổng diện tích 1553 km2.

Tiếp nữa là về đảo ở đây thì có 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Đảo nơi đây gồm có hai dạng đó là đảo đá vôi và đảo phiến thạch tập trung ở Bái tử long và vinh Hạ Long. Ở đây thì chúng ta thấy được hàng loạt những hang động đẹp và nổi tiếng. Vùng Di sản thiên nhiên được thế giới công nhận có diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với 3 đỉnh là đảo Ðầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam), đảo Cống Tây (phía đông) vùng kế bên là khu vực đệm và di tích danh thắng quốc gia được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng năm 1962.

Đến với Hạ Long thì người ta không thể nào rời mắt khỏi những cảnh vật nơi đây. Nào là núi, nào là nước với những hang động thật sự hấp dẫn người ta muốn đi tới tận cùng để tìm thấy cái hữu hạn trong cái vô hạn của trời nước, núi non ấy. chúng ta cứ ngỡ rằng ngọn núi kia giống như những người khổng lồ vậy, ngồi trong thuyền mà ngước lên để đo tầm cao của những ngọn núi ấy thật sự là mỏi mắt. Đến đây ta mới biết hết thế nào là sự hùng vĩ, thế nào là sự hữu tình giữa nước và non. Làn nước biển mặn mà vị xa xăm của muối. Hang động với những nhũ đá như sắp rơi xuống nhưng thật chất lại là không rơi. Nó cứ tua tủa như muôn ngàn giọt ngọc dạng lỏng lấp lánh dính vào nhau nhưng không rơi xuống.

Con người nơi đây cũng thật sự là rất đáng yêu đáng quý. Họ không những mến khách mà còn như một người hướng dẫn viên du lịch vừa nói giới thiệu tả cảnh vừa vững tay chèo đẩy lái đến nơi khách muốn qua. Những con người ở đây nồng nhiệt mỗi khi có khách đến và khi khách đi thì để lại những ấn tượng khó phai về những con người miền non nước hữu tình với những tình cảm mặn mà như là muối biển vậy.

Qua đây ta thấy vịnh Hạ Long rất xứng đáng là một trong bảy kì quan của thế giới. Nếu những ai đã được đặt chân đến đây thì chắc hẳn rất ấn tượng bởi cảnh đẹp và con người nơi đây. Còn những ai chưa đến thì hãy nhanh chóng đến mà tận hưởng những gì là tạo hóa ban tặng, những gì là mẹ thiên nhiên.

Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử - mẫu 4

Ai đến Sài Gòn, chắc cũng đôi lần được bước tới và tham quan, mua sắm ở chợ Bến Thành. Nằm ở trung tâm thành phố, chợ Bến Thành rất đỗi quen thuộc với người dân Việt và du khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh.

15+ Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử lớp 9 (học sinh giỏi)

Sở dĩ có tên là chợ Bến Thành là vì chợ gần bến sông và gần thành Quy.Đầu thế kỉ XVII, khi người Việt đến lập cư ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thì vùng đất Sài Gòn xưa trở thành nơi phố chợ đông đúc náo nhiệt nhất vùng Nam Kì lục tỉnh. Giữa thế kỉ XIX, xuất hiện một chợ nhỏ nằm ở khu đất đồng lầy kề bên bờ sông Bến Nghé và sát thành Sài Gòn. Chợ Bến Thành được mô tả trong sử cũ như sau: Đó là một " phố chợ nhà cửa trù mật ở dọc theo bến sông. Chỗ đầu bến này có lệ đến đầu mùa xuân gặp ngày tế mạ, có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang chở khách buôn ngoài biển lên. Đầu phố phía Bắc là ngòi Sa ngư, có gác cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có dãy phố ngói, tụ tập trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông ghe buôn lớn nhỏ đến đậu nối liền".

Thời ấy, đất Gia Định là một vùng nông nghiệp trù phú nên Chợ Bến Thành đầy hàng hóa, nào gạo, cá khô, tôm khô, cau, đường,…bán ra để ua tơ lụa, quả thô, nhang, trà, quạt, đồ sành sứ, thuốc uống, dược thảo… từ nước ngoài mang đến. Đây chính là khu vực mà nay dành cho thương cảng Sài Gòn. Sau cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (1833 – 1835) phố chợ Bến Thành không còn sầm uất như trước. Chợ được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh.

Sau khi đánh chiếm Gia Định, thực dân Pháp đã cho lập một nhà lồng làm chợ ở ngay trên nền đất mà nay là Trường học Ngân hàng 3. Ngôi chợ này bị cháy năm 1870, nhưng đã được trùng tu với sườn sắt. Trước nhà lồng chợ có con kinh rộng chạy đến trước cửa tòa nhà nay là trụ sở của Ủy ban Nhân dân thành phố. Đến năm 1887 – 1888 thì con kinh này được lấp lại, làm cho khu vựa Võ Di Nguy, Tôn Thất Thiệp trở nên náo nhiệt hơn. Đại lộ Nguyễn Huệ trước kia là đường kinh lấp. Ngôi chợ Bến Thành được chuyển đến vị trí ngày nay.

Nhà lồng chợ được khởi công xây cất trên vùng đất trước đó là một ao sình lầy gọi là ao Boresse. Ngôi chợ này được khởi công xây xất từ khoảng năm 1912 và khánh thành vào tháng 3 năm 1914. Ngày khánh thành có khoảng 100.000 người tham dự, có cả dân từ các tỉnh đổ về. Cuộc lễ diễn ra trong ba ngày 28, 29 và 30 tháng 3 năm 1914 với pháo bông, xe hoa.

Thế là chợ Bến Thành xưa trở thành Chợ Cũ, còn chợ Bến Thành mới được gọi là Chợ Mới Sài Gòn. Mãi đến năm 1940 hai con đường bên hông chợ còn là bến xe đò miền Đông và miền Tây. Gần một trăm năm qua, chợ Bến Thành bao giờ cũng là một tủng tâm thương mại, trung tâm phồn hoa náo nhiệt của thành phố Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ cũ. Dần dần nó trở thành mọt chợ lớn, nơi tập trung những mặt hàng quý hiếm của trong nước và nước ngoài.

Chợ Bến Thành ngày nay có khoảng 3.000 hộ kinh doanh. Hình ảnh chợ Bến Thành thường được dùng làm biểu tượng cho thành phố.

Chợ Bến Thành ngày nay lại được đầu tư nâng cấp to đẹp lên rất nhiều so với trước, để nó xứng đáng là một trung tâm buôn bán lớn ở phía nam đất nước. Hàng hóa chợ Bến Thành rất phong phú, bao gồm hầu hết các sản vật trong nước – đặc biệt là sản vật ở vùng đồng bằng sông Cửu Long – cùng các mặt hàng công nghiệp hiện đại trên thế giới.

Xem thêm các bài văn mẫu 9 Chân trời sáng tạo hay khác:

Săn SALE shopee tháng này:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH ĐỀ THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và sách dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Soạn văn 9 của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Ngữ văn 9 Tập 1 và Tập 2 Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục).

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên