Bài 20: Trò chuyện cùng mẹ Tiếng Việt lớp 3 Kết nối tri thức

Lời giải Tiếng Việt lớp 3 Bài 20: Trò chuyện cùng mẹ sách Kết nối tri thức giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 Bài 20.

Bài 20: Trò chuyện cùng mẹ Tiếng Việt lớp 3 Kết nối tri thức

Đọc: Trò chuyện cùng mẹ trang 93, 94

Nội dung chính Trò chuyện cùng mẹ

Quảng cáo

Bài đọc “Trò chuyện cùng mẹ” kể về thời gian vui nhất trong buổi tối của Thư và Hân là trước khi đi ngủ. Bởi lúc đó ba mẹ con sẽ đọc sách rồi thủ thỉ chuyện trò.

* Khởi động:

Câu hỏi trang 93 sgk Tiếng Việt lớp 3: Kể về một hoạt động chung của gia đình em vào buổi tối.

Trả lời:

- Vào buổi tối cuối tuần, gia đình em thường tụ họp tại phòng khách. Cả nhà cùng nhau kể về một tuần đã qua, ai cũng rất háo hức và chờ nghe những câu chuyện. Trong câu chuyện, bố thường thêm những chi tiết gây cười, khiến cả mẹ và em nhiều khi được vui lây.

Văn bản: Trò chuyện cùng mẹ

Quảng cáo

Đọc: Trò chuyện cùng mẹ lớp 3 | Tiếng Việt lớp 3 Kết nối tri thức

Đọc: Trò chuyện cùng mẹ lớp 3 | Tiếng Việt lớp 3 Kết nối tri thức

* Trả lời câu hỏi:

Câu 1 trang 94 sgk Tiếng Việt lớp 3: Chi tiết nào cho thấy ba mẹ con Thư rất thích trò chuyện với nhau trước khi đi ngủ?

Trả lời:

- Chi tiết cho thấy ba mẹ con Thư rất thích trò chuyện với nhau trước khi đi ngủ là: ba mẹ con rúc rích mãi không chán. Chỉ là đến giờ ngủ thì phải ngủ thôi.

Câu 2 trang 94 sgk Tiếng Việt lớp 3: Vì sao thời gian trò chuyện của ba mẹ con cứ được cộng thêm mãi?

Trả lời:

Quảng cáo

- Thời gian trò chuyện của ba mẹ con cứ được cộng thêm mãi vì ba mẹ con nối nhau kể chuyện của mình không dứt, câu chuyện của ai cũng rất vui và hấp dẫn.

Câu 3 trang 94 sgk Tiếng Việt lớp 3: Mẹ đã kể cho chị em Thư những chuyện gì?

Trả lời:

- Hôm thì mẹ kể cho chị em Thư về công việc của mẹ. Hôm thì mẹ kể về ngày mẹ còn bé cho hai chị em nghe.

Câu 4 trang 94 sgk Tiếng Việt lớp 3: Đóng vai Thư hoặc Hân nhắc lại những chuyện mình đã kể cho mẹ nghe.

Đọc: Trò chuyện cùng mẹ lớp 3 | Tiếng Việt lớp 3 Kết nối tri thức

Trả lời:

Quảng cáo

- Đóng vai Thư kể chuyện mình đã kể cho mẹ nghe: Mẹ ơi! Hôm nay con còn được cô giáo mời lên bảng đọc bài nữa mẹ ạ. Cô khen con đọc hay này, lại diễn cảm nữa mẹ ơi. Xong đến giờ học toán, cô còn cho cả lớp con thử trí với mấy câu hỏi khó nữa. Con nghĩ mãi mà không ra được mẹ ạ!

Câu 5 trang 94 sgk Tiếng Việt lớp 3: Nêu cảm nghĩ của em sau khi đọc câu chuyện.

Trả lời:

- Sau khi đọc câu chuyện, em thấy ba mẹ con rất yêu thương nhau, thường chia sẻ những câu chuyện cho nhau nghe. Mẹ giống như người bạn trút tâm sự của hai chị em vậy! Hẳn rằng, Thư và Hân rất yêu mẹ và mẹ cũng rất yêu hai chị em.

Đọc mở rộng trang 94

Câu 1 trang 94 sgk Tiếng Việt lớp 3: Tìm đọc câu chuyện, bài văn, bài thơ,… về tình cảm của người thân trong gia đình và viết phiếu đọc sách theo mẫu.

Trả lời:

- Bài thơ: Mẹ tôi – Phạm Văn Ngoạn

Con cò lặn lội bờ sông

Lam lũ nuôi chồng, nuôi cả đàn con

Tháng năm thân mẹ hao mòn

Sớm khuya vất vả, héo hon khô gầy


Cho con cuộc sống hàng ngày

Dạy con khôn lớn dựng xây cuộc đời

Lẽ thường nước mắt chảy xuôi

Vu Lan nhớ mẹ, con ngồi lệ tuôn


Biển khơi, nhờ có nước nguồn

Phận con chưa kịp đền ơn cao dày

Tâm nhang, thấu tận trời mây

Cầu hương linh mẹ, tháng ngày thảnh thơi

PHIẾU ĐỌC SÁCH

– Tên bài: Mẹ tôi

– Tác giả: Phạm Văn Ngoạn

Nhân vật em thích nhất: Nhân vật mẹ

Lí do em thích nhân vật: Vì em yêu mẹ, mẹ thương và nuôi em thành người. Em rất biết ơn mẹ!

Mức độ yêu thích: ⭐⭐⭐⭐⭐

Câu 2 trang 94 sgk Tiếng Việt lớp 3: Chia sẻ với bạn về nhân vật em yêu thích nhất. Nhân vật đó làm gì? Nhân vật đó có gì thú vị? Em học hỏi được điều gì ở nhân vật đó?

Trả lời:

- Chia sẻ với bạn bè về nhân vật người mẹ.

Mẹ là người sinh ra chúng ta. Bên cạnh bố, mẹ là người luôn chăm lo, nuôi nấng chúng ta. Để có ngày hôm nay, mẹ đã phải bỏ rất nhiều công sức, tình cảm cho con mình. Công ơn sinh thành ấy là không thể kể hết!

Từ mẹ, em học được đức tính bao dung, yêu thương gia đình. Dẫu có khó khăn, mẹ vẫn dang tay nở nụ cười ôm em vào lòng. Em thật sự ngưỡng mộ mẹ mình.

Luyện tập trang 95, 96

* Luyện từ và câu:

Câu 1 trang 95 sgk Tiếng Việt lớp 3: Tìm các từ chỉ người thân trong đoạn văn dưới đây:

Bà nội của tôi là bà ngoại em Đốm. Hai chị em tôi đều rất quý bà vì cả hai đều được bà chăm sóc từ khi mới sinh. Không phải chỉ đối với tôi và Đốm, mà sau này, em My, em Chấm ra đời, bà đều nâng niu bế ẵm từ lúc lọt lòng.

(Theo Vũ Tú Nam)

Trả lời:

- Các từ chỉ người thân trong đoạn văn là: Bà nội, bà ngoại, em, chị em, Đốm, em My, em Chăm.

Câu 2 trang 95 sgk Tiếng Việt lớp 3: Tìm thêm từ ngữ chỉ những người thân bên nội và bên ngoại.

Trả lời:

- Từ ngữ chỉ những người thân bên nội: ông nội, bà nội, bố, chú, bác, cô, anh, chị, thím.

- Từ ngữ chỉ những người thân bên ngoại: ông ngoại, bà ngoại, mẹ, cậu, mợ, dì.

Câu 3 trang 95 sgk Tiếng Việt lớp 3: Dấu hai chấm trong câu sau dùng để làm gì?

“Cảnh vật xung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.”

a. Báo hiệu lời nói trực tiếp

b. Để báo hiệu phần giải thích

c. Để báo hiệu phần liệt kê

Trả lời:

Chọn đáp án: b. Để báo hiệu phần giải thích

Câu 4 trang 95 sgk Tiếng Việt lớp 3: Xác định công dụng của dấu hai chấm trong mỗi câu văn dưới đây: Báo hiệu phần giải thích / Báo hiệu phần liệt kê

a. Trong túi vải thô của bà có đủ thứ quà, mùa nào thức nấy: nhãn tháng Sáu, na tháng Bảy, roi mùa hạ, gương sen mùa thu.

(Theo Ma Văn Kháng

b. Hoa giấy có một đặc điểm khác với nhiều loài hoa: hoa rụng mà vẫn còn tươi nguyên.

(Theo Trần Hoài Dương)

c. Chú sóc có bộ lông khá đẹp: lưng xám nhưng bụng và chóp đuôi lại đỏ rực.

(Theo Ngô Quân Miện)

Trả lời:

a. báo hiệu phần liệt kê

b. báo hiệu phần giải thích

c. báo hiệu phần liệt kê.

* Luyện viết đoạn

Câu 1 trang 96 sgk Tiếng Việt lớp 3: Quan sát tranh, nêu đặc điểm của sự vật trong mỗi tranh.

Luyện tập trang 95, 96 Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 | Kết nối tri thức

Gợi ý:

- Ngôi nhà trong tranh thuộc loại nhà gì?

- Ngôi nhà đó có những đặc điểm gì nổi bật? (hình dạng, màu sắc, cảnh vật xung quanh,…)

- Em có cảm nghĩ gì khi quan sát ngôi nhà đó?

Trả lời:

Ta gọi bức tranh từ trái sang phải lần lượt là bức tranh 1, 2, 3:

- Trong bức tranh thứ 1: Đây là nhà sàn. Nhà sàn được dựng cao khỏi mặt đất bởi các cột chống. Mái nhà vàng óng màu lợp rạ. Xung quanh nhà có nhiều cây cối, đồi núi trập trùng. Nhìn ngôi nhà, em thấy có vẻ cô quạnh, nơi đây không đông đúc dân cư.

- Trong bức tranh thử 2: Đây là ngôi nhà cấp 4. Ngôi nhà được xây kiên cố, mang màu vàng là màu nổi bật. Ở quanh nhà có một vài cây xanh và đồng cỏ. Nhìn ngôi nhà, em thấy vẻ gọn gàng, sạch sẽ.

- Trong bức tranh thứ 3: Đây là ngôi nhà có nhiều tiện nghi. Bên trong ngôi nhà, có rất nhiều đồ đạc như: bàn ghế, rèm cửa, điều hoà, tivi. Trong ngôi nhà ta thấy được vẻ ấm cúng, đầy đủ.

Câu 2 trang 96 sgk Tiếng Việt lớp 3: Viết đoạn văn tả ngôi nhà của em.

Gợi ý:

a. Giới thiệu về ngôi nhà

- Nhà em ở đâu?

- Gia đình em ở đó từ khi nào?

b. Tả bao quát về ngôi nhà

- Hình dạng

- Cảnh vật xung quanh

c. Đặc điểm nổi bật của ngôi nhà

- Bên ngoài (mái, tường, vách, cửa sổ, cửa ra vào, …)

- Bên trong (phòng bếp, phòng khách, đồ đạc, …)

d. Nêu tình cảm của em với ngôi nhà

Trả lời:

Ngôi nhà là nơi chứa chan tình cảm của mọi gia đình, ai cũng muốn tìm về, em sẽ giới thiệu với mọi người về ngôi nhà của em. Nhà em nằm ở một con ngõ. Gia đình em chuyển đến đó sống, tới nay đã được 9 năm rồi! Vì đất rộng nên bố em có trồng nhiều cây xanh lấy bóng mát. Nếu đi từ xa nhìn lại, nổi bật với ngôi nhà là mái ngói đỏ tươi, tường màu xanh mát như màu trời vậy! Nhà em được xây 2 tầng, mỗi tầng có tới 3 phòng khác nhau. Nơi đây đã lưu giữ nhiều kỉ niệm từ bé cho tới khi em lớn lên, vì vậy em rất yêu ngôi nhà của mình.

Câu 3 trang 98 sgk Tiếng Việt lớp 3: Trao đổi đoạn văn của em với bạn, chỉnh sửa và bổ sung ý hay.

* Vận dụng

Câu hỏi trang 98 sgk Tiếng Việt lớp 3: Vẽ ngôi nhà em yêu thích. Viết 2 – 3 câu giới thiệu bức tranh của em.

Trả lời:

- Học sinh tự vẽ tranh

- Ngôi nhà này là nơi em sinh ra và lớn lên. Nơi đây có những kỉ niệm của em với ông bà, cha mẹ, anh chị em. Vì thế em rất yêu ngôi nhà của mình.

Bài giảng: Bài 20: Trò chuyện cùng mẹ - Cô Hoàng Thị Thơ (Giáo viên VietJack)

Xem thêm lời giải bài tập Tiếng Việt lớp 3 Kết nối tri thức với cuộc sống hay, chi tiết khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 3 hay khác:

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Giải Tiếng Việt lớp 3 của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 và Tập 2 sách Kết nối tri thức với cuộc sống (NXB Giáo dục).

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 3 Kết nối tri thức khác
Tài liệu giáo viên