Top 20 Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện (hay nhất)
Tổng hợp các bài văn kể lại 1 câu chuyện (câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe) lớp 4 hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh lớp 4 có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện (mẫu 1)
- Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện (mẫu 2)
- Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện (mẫu 3)
- Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện (mẫu 4)
- Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện (mẫu 5)
- Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện (mẫu 6)
- Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện (mẫu 7)
- Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện (mẫu 8)
- Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện (mẫu 9)
- Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện (các mẫu khác)
Top 20 Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện (hay nhất)
Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện - mẫu 1
Người Việt Nam ta từ xưa đã nổi tiếng thông minh, sáng tạo. Vì vậy, trong dân gian lưu truyền rất nhiều những câu chuyện hay về trí tuệ của con người. Trong đó, em đặc biệt ấn tượng với câu chuyện Em bé thông minh.
Câu chuyện kể về một cậu bé tuy còn nhỏ, lại chưa đến trường hay học qua lớp học nào, nhưng lại có trí tuệ và sự hiểu biết vượt qua người thường. Trí thông minh của cậu bé được thể hiện qua những thử thách mà cậu gặp được và cách giải quyết nó. Thử thách đầu tiên của cậu là câu đố của viên quan tình cờ đi ngang qua làng. Ông ta theo lệnh nhà vua, cưỡi ngựa đi khắp cả nước để tìm người tài. Khi đi qua làng của cậu bé, thấy một đứa trẻ trông có vẻ nhanh nhẹn, nên đã dừng lại để thử tài. Viên quan đưa ra một câu đố rất hóc búa, rằng tính xem một ngày ngựa của ông ta đi được bao nhiêu bước. Nhưng thật bất ngờ, câu bé lập tức hỏi ngược lại viên quan: Nếu ông ấy tính được một ngày trâu của cha cậu cày bao nhiêu đường, thì cậu sẽ nói cho ông ấy biết số bước đi của chú ngựa. Nghe vậy, viên quan liền nhận ra cậu bé này rất thông minh, nên vội vàng trở về kinh thành báo cáo với nhà vua.
Nghe chuyện, nhà vua vẫn chưa tin về tài năng của cậu bé, nên đã nghĩ ra thêm một thử thách cho cậu. Ông ban cho làng cậu ba thúng gạo nếp và ba con trâu đực, yêu cầu làng sau một năm phải làm cho trâu sinh ra trâu con rồi nộp cho nhà vua, nếu không sẽ bị trị tội. Điều này làm cho cả làng sợ hãi và bất lực vô cùng. Nhưng cậu bé thì lại rất bình tĩnh. Cậu nói với dân làng hãy giết thịt hai con trâu, đồ xôi bằng hai thúng gạo nếp để mở tiệc. Phần còn lại thì bán lấy tiền làm lộ phí cho cha con cậu lên kinh gặp nhà vua. Khi đến nơi, cậu đứng trước cửa cung vua, gào khóc ầm ĩ, khiến nhà vua rất khó hiệu, bèn gọi cậu vào diện kiến. Trước mặt nhà vua, cậu bé khóc lóc đòi nhà vua bắt cha phải sinh em bé để chơi cùng với mình. Tuy nhiên, mẹ cậu đã mất từ lâu, mà cha cậu lại là đàn ông, làm sao mà sinh được? Khi nhà vua giải thích cho cậu bé hiểu điều đó, thì cậu liền nhân cơ hội mà hỏi ngược lại ông rằng: Tại sao lại yêu cầu làng cậu nuôi cho ba con trâu đực sinh ra nghé con chứ? Vì điều đó cũng vô lý như ép cha cậu sinh em bé mà thôi. Điều này khiến nhà vua hiểu ra, đứa trẻ trước mặt chính là người tài mà mình đang thử thách. Thế là, ông liền ra lệnh đưa cha con cậu bé vào cung vua để tiện hỏi chuyện. Để chắc chắn hơn, ông đã thử tài cậu bé thêm lần nữa. Bằng cách yêu cầu cậu làm thịt con chim sẻ nhỏ thành một mâm cỗ thịnh soạn. Người hầu vừa truyền chỉ, cậu bé đã lấy ngay từ trong túi một cái kim khâu, đưa cho anh ta, và nói rằng hãy nhờ nhà vua mài cây kim đó thành chiếc dao sắc để làm thịt chim sẻ. Lần này thì nhà vua thật sự thán phục tài trí của cậu bé rồi.
Mấy hôm sau, nước ta tiếp đón đoàn sứ thần nước bên sang thăm. Họ đem sang một câu đố rất khó, để kiểm tra xem nước ta có người tài hay không. Vì vậy, cả triều đình vô cùng căng thẳng. Từ các quan lớn đến học sinh trong trường đều không ai tìm ra cách nào xâu sợi chỉ qua thịt ốc mà vẫn còn nguyên mình ốc cả. Đúng lúc đang bối rối, nhà vua nhớ ra cậu bé thông minh nọ đang ở trong cung, nên đã sai lính đến hỏi cậu bé. Câu đố khó đến vậy, mà vừa nghe, cậu bé đã giải được ngay, thậm chí còn hát thành một bài ca dao nữa chứ. Sau sự kiện đó, cả triều đình đều khâm phục tài trí của cậu bé. Nhà vua thì phong cậu làm trạng nguyên, và xây dinh thự cạnh cung vua để tiện hỏi thăm việc nước.
Câu chuyện Em bé thông minh được sáng tác để ngợi ca và khẳng định sức mạnh của trí tuệ dân gian trước trí tuệ cung đình. Từ đó, giúp chúng ta hiểu được rằng, kiến thức có thể có ở mọi nơi, không chỉ có ở trong sách vở. Vì vậy, cùng với học ở lớp, chúng ta cần học ở cuộc sống xung quanh mình.
Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện - mẫu 2
Câu chuyện về trí thông minh, khả năng tìm tòi, và sáng tạo của con người luôn là nguồn cảm hứng tuyệt vời, tiếp thêm cho ta động lực học để phấn đấu học tập. Trong đó em thích nhất là câu chuyện Nhà phát minh 6 tuổi.
Ma-ri-a sinh ra trong một gia đình sáu đời có người là giáo sư đại học. Cô bé rất thích quan sát. Hồi cô 6 tuổi, có lần, gia đình tổ chức bữa tiệc. Cô bé nhận thấy một điều lạ: Mỗi lần gia nhân bưng trà lên, tách đựng trà thoạt đầu trượt trong đĩa. Nhưng khi nước trà rót ra đĩa thì những tách trà kia bỗng nhiên dừng chuyển động, cứ như bị cái gì đó ngăn lại. Ma-ri-a nghĩ mãi mà vẫn không hiểu vì sao. Thế là cô lặng lẽ rời khỏi phòng khách.
Cô bé vào bếp, lấy một bộ đồ trà ra và tự mình làm đi làm lại thí nghiệm. Cuối cùng cô cũng hiểu ra: Khi giữa tách trà và đĩa có một chút nước thì tách trà sẽ đứng yên. Lúc ấy, Ma-ri-a chợt thấy cha đang vào bếp. Cô liền nói với cha phát hiện của mình. Cha cô hết sức vui mừng. Ông nâng bổng cô con gái nhỏ lên vai, đi thẳng ra phòng khách, hân hoan nói: “Đây sẽ là giáo sư đời thứ bảy của gia tộc tôi!”.
Về sau, Ma-ri-a trở thành giáo sư nhiều trường đại học danh tiếng của Mỹ. Năm 1963, bà vinh dự được tặng Giải thưởng Nô-ben Vật lí.
Sáng tạo là khả năng đặc biệt của con người. Câu chuyện tri Nhà phát minh 6 tuổi khiến em nhận ra rằng khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người có thể tạo nên nhiều điều thật tuyệt diệu.
Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện - mẫu 3
Ngày xưa, có một người con trai thần Long Nữ, tên là Lạc Long Quân thuộc giống rồng. Thần có sức khỏe vô địch, lại nhiều phép lạ. Thần giúp dân trừ yêu quái, dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi và ăn ở. Ở vùng núi cao phương Bắc, có nàng Âu Cơ thuộc dòng họ Thần Nông, xinh đẹp tuyệt trần. Nàng đến thăm vùng đất Lạc Việt có nhiều hoa thơm cỏ lạ. Hai người gặp nhau, yêu nhau và trở thành vợ chồng.
Ít lâu sau Âu Cơ mang thai và sinh ra một cái bọc trăm trứng, nở ra trăm người con, người nào cũng đều hoàn hảo, đẹp lạ thường. Lạc Long Quân vốn quen sống ở dưới nước, nên thường xuyên trở về dưới thuỷ cung.
Âu Cơ ở lại nuôi đàn con, tháng ngày chờ đợi Lạc Long Quân trở lại, nhưng nỗi nhớ chồng khiến nàng buồn tủi. Cuối cùng nàng gọi chồng lên than thở:
- Sao chàng đành bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi đàn con nhỏ?
Lạc Long Quân nói:
- Ta vốn ở miền nước thẳm, nàng thì ở chốn núi cao. Nhiều điều khác nhau, khó mà ở cùng nhau một nơi được lâu dài được. Nay ta đưa năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Khi có việc gì cần giúp đỡ lẫn nhau, đừng quên lời hẹn, đây là giao ước của vợ chồng, con cái.
Âu Cơ ưng thuận. Trước khi đưa năm mươi con lên núi, nàng nói với chồng:
- Thiếp xin nghe lời chàng. Vợ chồng ta đã sống với nhau thắm thiết, nay phải chia hai, lòng thiếp thật là đau xót.
Lạc Long Quân cũng cố nén nỗi buồn trong buổi chia li, chàng khuyên giải vợ:
- Tuy xa nhau nhưng tình cảm đôi ta không hề phai nhạt, khi nào cần chúng ta lại gặp nhau.
Âu Cơ vẫn quyến luyến, rồi buồn bã nói:
- Thiếp rất nhớ chàng và thương các con, biết đến khi nào chúng ta mới gặp nhau.
Lạc Long Quân nắm chặt tay vợ, an ủi:
- Xa nàng và các con lòng ta cũng đau lắm! Âu cũng là mệnh trời, mong nàng hiểu và cảm thông cùng ta.
Âu Cơ và các con nghe theo lời cùng nhau chia tay lên đường.
Lạc Long Quân và các con về nơi biển cả, Âu Cơ đưa các con về đất Phong Châu. Người con trưởng được tôn lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang. Cũng bởi sự tích này mà người Việt Nam ta đều luôn tự hào mình là dòng dõi con Rồng cháu Tiên.
Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện - mẫu 4
Trong rất nhiều truyện cổ tích đã đọc, em thích nhất là "Sự tích chú Cuội". Câu chuyện không chỉ nhắc đến nguồn gốc của chú Cuội mà còn đem đến cho em nhiều bài học ý nghĩa.
Truyện kể về chàng tiều phu tên Cuội. Một lần vào rừng, anh ta thấy cảnh đám hổ con đã chết được hổ mẹ mớm cho loại lá kì lạ. Từ đó, phát hiện ra loài cây có khả năng "cải tử hoàn sinh". Vì tò mò, Cuội đã mang cây về trồng và giúp đỡ được rất nhiều người. Có hôm, Cuội đi trên đường và phát hiện ra một con chó đáng thương nằm chết bên đường. Thương hại, anh ta lấy lá cây cứu sống nó rồi mang về nhà nuôi. Chú chó cũng biết ơn ân nhân, luôn quấn quýt chủ không rời nửa bước. Một lần, Cuội cứu sống con gái phú ông. Cô gái tỉnh dậy thì vô cùng biết ơn, nguyện theo Cuội về nhà. Phú ông cũng rất vừa lòng, quyết định gả luôn con gái cho anh. Thế là Cuội có vợ. Hai vợ chồng sống với nhau vô cùng hòa thuận, hạnh phúc.
Lúc bấy giờ, trong làng có một bọn cướp chuyên. Chúng biết Cuội có thể hồi sinh người chết, đem lòng ghen ghét, nhân lúc anh ta đi vắng đã giết vợ Cuội và quẳng bộ lòng đi. Chàng Cuội trở về thấy vợ chết thì đau khổ vô cùng, cố hết sức lấy lá cây chữa trị. Thế nhưng do không còn bộ lòng, Cuộc không thể nào hồi sinh vợ được. Chú chó trung thành thương chủ, nguyện dâng hiến bộ lòng của mình. Nhờ vậy mà vợ Cuội sống lại. Sau đó, Cuội đắp một bộ lòng bằng đất cho chú chó và thành công hồi sinh nó. Cả gia đình lại vui vẻ, thuận hòa chung sống.
Tuy nhiên, vợ Cuội sau khi sống lại lại trở nên hay quên. Cuội lúc nào cũng nhắc vợ phải tưới cây bằng nước giếng trong. Thế nhưng dặn rồi nàng ta lại quên luôn. Trong một lần Cuội đi vắng, người vợ đã tưới nước bẩn cho cây thần. Cái cây cứ vậy bật gốc, dần bay lên trời. Đúng lúc đó thì Cuội trở về. Do tiếc cây, anh ta đã túm lấy rễ, cố kéo cái cây về lại nhưng vô ích. Thế là cả người cả cây bay lên cung trăng.
Qua "Sự tích chú Cuội", em đã nhận ra rằng sự sống của con người là có hạn. Thế nên chúng ta cần biết trân trọng hiện tại, đối đãi tử tế với tất cả mọi người. Có như vậy, cuộc sống mới trở nên có ý nghĩa.
Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện - mẫu 5
Chuyện kể về một cậu bé ham chơi. Một lần, bị mẹ mắng, cậu vùng vằng bỏ đi. Cậu la cà khắp nơi, chẳng nghĩ đến mẹ ở nhà mỏi mắt chờ mong. Không biết cậu đã đi bao lâu. Một hôm, vừa đói vừa rét, lại bị trẻ lớn hơn đánh, cậu mới nhớ đến mẹ, liền tìm đường về nhà. Ở nhà, cảnh vật vẫn như xưa, nhưng không thấy mẹ đâu. Cậu khản tiếng gọi mẹ, rồi ôm một cây xanh trong vườn mà khóc. Kì lạ thay, cây xanh bỗng run rẩy. Từ các cành lá, những đài hoa bé tí trổ ra, nở trắng như mây. Hoa tàn, quả xuất hiện, lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh, rồi chín. Một quả rơi vào lòng cậu. Môi cậu vừa chạm vào, một dòng sữa trắng trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ. Cậu nhìn lên tán lá. Lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu bé oà khóc. Cây xoà cành ôm cậu, như tay mẹ âu yếm vỗ về. Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu, ai cũng thích. Họ đem về gieo trồng khắp nơi và gọi đó là cây vú sữa.
Câu chuyện trên đã để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc về sự biết ơn công lao sinh thành của cha mẹ. Là một người con, chúng ta nên thấu hiểu sự yêu thương, hy sinh của cha mẹ. Vì thế hãy cố gắng trở thành một người con ngoan các bạn nhé!
Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện - mẫu 6
Trong các câu chuyện đã đọc, em ấn tượng nhất với tác phẩm “Con vẹt xanh”. Truyện đã để lại nhiều bài học quý giá về thái độ, cách đối xử giữa người với người.
Câu chuyện kể về một cậu bé tên Tú. Một hôm, trong vườn nhà cậu xuất hiện một con vẹt nhỏ bị thương ở cánh. Tú vô cùng thương xót con vẹt và chăm sóc nó rất cẩn thận. Anh của Tú nói rằng vẹt có thể bắt chước tiếng người, khiến Tú rất háo hức muốn nghe vẹt nói.
Mỗi ngày, Tú dành thời gian chăm sóc vẹt. Một hôm, khi cho vẹt ăn, Tú nói với vẹt như nựng trẻ con: “Vẹt à, dạ!” Tuy nhiên, vẹt không đáp lại mà chỉ xù lông cổ và gù một cái, không thành tiếng “dạ”. Tuy vậy, Tú vẫn vui mừng vì vẹt đang học cách bắt chước.
Ngày tiếp theo, khi anh của Tú gọi Tú, Tú trả lời một cách phụng phịu: “Cái gì?”. Mỗi lần anh gọi, Tú đều cằn nhằn, cảm thấy khó chịu. Vẹt lớn lên, biết huýt sáo và lông xanh óng ả, nhưng vẫn chưa nói được tiếng nào. Một hôm, Tú gọi vẹt, ngờ đâu con vẹt bắt chước và trả lời bằng giọng the thé: “Cái gì?”. Tú vô cùng vui mừng vì vẹt đã biết nói, khoe khắp nơi.
Hôm sau, các bạn của Tú đến nhà chơi. Tú khoe vẹt biết nói, hãnh diện gọi: “Vẹt à, dạ!” Nhưng con vẹt đáp lại với giọng the thé: “Cái gì?”. Các bạn của Tú cười ầm lên, còn Tú lại cảm thấy buồn. Cậu nhớ lại những lần cậu trả lời anh “Cái gì?” và cằn nhằn “Kêu chi kêu hoài!”. Lúc này, Tú hối hận vô cùng, chỉ mong được gọi anh một tiếng “dạ” thật to và lễ phép. Con vẹt nhìn Tú, dường như cũng biết lỗi, xù lông cổ, rụt đầu, gù một cái như muốn nói “Dạ!”.
Qua câu chuyện, em cảm thấy bản thân cần biết lễ phép với người lớn hơn. Các em nhỏ đều có thể bắt chước những việc mình làm. Vậy nên ta cần cư xử mẫu mực, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ sau.
Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện - mẫu 7
Câu chuyện “Anh em sinh đôi” là một câu chuyện thú vị mà mà em đã được học. Truyện giúp em nhận ra rằng mỗi người dù có giống nhau đến đâu cũng đều có những nét đặc trưng riêng biệt.
Chuyện kể rằng, Khánh và Long là anh em sinh đội nên họ có ngoại hình giống nhau như đúc từ khuôn mặt đến dáng người. Hồi nhỏ, vì sự giống nhau ấy mà mọi người luôn nhầm lẫn giữa hai anh em.
Khi còn nhỏ, Long rất thích thú khi bị gọi nhầm tên vì anh em sinh đôi giống nhau như đúc. Tuy nhiên, càng lớn, Long càng cảm thấy chán nản khi bị gọi nhầm. Cậu không muốn ai nghĩ mình là anh Khánh. Long bắt đầu cố gắng làm mọi thứ khác biệt so với anh Khánh, từ cách nói chuyện, dáng đi đến cách ăn mặc và kiểu tóc. Cậu hi vọng rằng mọi người sẽ nhận ra sự khác biệt giữa hai anh em.
Một lần, hai anh em tham gia hội thao của trường. Long vô cùng lo lắng khi thấy cả hai anh em mặc đồng phục và đội mũ giống hệt nhau, sợ bạn bè lại nhầm lẫn. Nhưng trong suốt buổi thi đấu, Long nhận ra một điều bất ngờ. Các bạn không nhầm lẫn giữa hai anh em chút nào. Các bạn cổ vũ Khánh khi Khánh dẫn đầu đường chạy, còn khi Long đau trong trận kéo co, các bạn lập tức nhận ra và gọi đúng tên. Long rất ngạc nhiên và vui mừng. Cậu nhận ra rằng dù hai anh em giống nhau về ngoại hình, nhưng mỗi người lại có những đặc điểm khác biệt về tính cách, từ đó giúp mọi người dễ dàng phân biệt được ai là ai.
Sau đó, Long thắc mắc hỏi các bạn về lí do không bị nhầm giữa hai anh em. Các bạn giải thích rằng, dù nhìn giống nhau, nhưng Long thì chậm rãi và nghiêm túc, còn Khánh thì nhanh nhảu và hay cười. Lúc này, Long mới hiểu rằng sự khác biệt không chỉ nằm ở ngoại hình mà còn ở tính cách của mỗi người.
Câu chuyện giúp em hiểu ra rằng đôi khi sự giống nhau về ngoại hình không phải là điều quan trọng nhất. Mỗi người đều có những nét đặc trưng riêng biệt và chính những đặc điểm đó làm chúng ta trở nên độc đáo và thú vị.
Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện - mẫu 8
Ở trên lớp, em được học rất nhiều câu chuyện hay và bổ ích. Nhưng “Công chúa và người dẫn chuyện” lại là truyện khiến em nhớ mãi không quên.
Sau bữa ăn trưa, cô giáo thông báo Giét-xi được chọn đóng vai công chúa trong vở kịch sắp tới. Cảm nhận được ánh mắt ngưỡng mộ của bạn bė, Giét-xi vui lắm.
Giét-xi rất hào hứng với vai công chúa. Về nhà, cô kể cho mẹ nghe và bắt đầu luyện tập lời thoại mỗi ngày. Cả tuần đó, tối nào mẹ cũng dành thời gian giúp Giét-xi ôn tập và dạy cô cách thể hiện cảm xúc trong vai công chúa. Giét-xi cảm thấy rất tự tin và phấn khởi với vai diễn của mình. Tuy nhiên, khi lên sân khấu diễn thử, Giét-xi lại gặp khó khăn. Dù đã chuẩn bị kĩ càng, mọi lời thoại trong đầu cô bé bỗng dưng bay mất, khiến cô không thể diễn được. Cuối cùng, cô giáo đành phải thay đổi vai cho Giét-xi.
Cô giáo đề nghị Giét-xi đổi sang vai người dẫn chuyện, vì cô bé nghĩ rằng vai đó sẽ phù hợp hơn với Giét-xi. Giét-xi cảm thấy rất buồn và thất vọng vì không thể đóng vai công chúa như mong muốn. Giét-xi cảm thấy buồn và khó chấp nhận sự thay đổi này, nhưng mẹ đã an ủi và giúp cô bé hiểu rằng không phải ai cũng có thể là công chúa, nhưng mỗi người đều có những đặc điểm và khả năng riêng biệt. Mẹ khuyên Giét-xi rằng vai người dẫn chuyện cũng rất quan trọng và nếu không có người dẫn chuyện, vở kịch sẽ không thể thành công.
Giét-xi hiểu rằng mỗi người đều có những ưu điểm riêng, giống như mỗi loài hoa đều có vẻ đẹp đặc biệt của nó. Cô bé cảm thấy vui vẻ và tự hào khi được chọn làm người dẫn chuyện.
Qua câu chuyện, em học được một điều rằng vai diễn nào cũng quan trọng vì mỗi người đều có một vai trò riêng. Chúng ta cần ý thức được vai trò của mình và trân trọng nó.
Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện - mẫu 9
Trong kho tàng truyện cổ Việt Nam, có rất nhiều câu chuyện chứa đựng những bài học sâu sắc về cuộc sống. Một trong những câu chuyện mà em cảm thấy rất thú vị và để lại ấn tượng sâu sắc chính là câu chuyện “Cóc kiện Trời”. Câu chuyện không chỉ mang đến những phút giây giải trí nhẹ nhàng mà còn khiến em suy ngẫm về sự dũng cảm, trí thông minh và lòng kiên trì của các nhân vật.
Ngày xưa, có một năm trời nắng hạn rất lâu, ruộng đồng nứt nẻ, cây cỏ trụi trơ, chim muông khát khô cả họng. Cóc thấy nguy quá, bèn lên thiên đình kiện Trời.
Trên đường đi, cóc gặp cua, gấu, cọp, ong và cáo. Tất cả đều xin đi theo. Cóc đã sắp xếp cho từng loài vật vào vị trí thích hợp khi đến cửa nhà Trời. Cóc một mình bước vào, lấy dùi đánh ba hồi trống để gây sự chú ý. Trời tức giận sai gà ra trị tội cóc.
Khi gà bay đến, cóc ra hiệu cho cáo nhảy xổ ra cắn cổ gà và bắt đi. Trời lại sai chó ra bắt cáo. Nhưng chó chưa kịp làm gì, gấu đã quật chó chết tươi. Trời càng tức giận, sai Thần Sét ra trừng phạt gấu. Tuy nhiên, Thần Sét chưa kịp đánh gấu đã bị ong bay ra đốt cho tơi tả, làm Thần nhảy vào chum nước để tránh. Lúc này, cua liền giơ càng kẹp Thần Sét. Sau khi nhảy ra khỏi chum nước, Thần Sét lại bị cọp vồ. Trời túng thế, đành mời cóc vào làm việc.
Cóc tâu với Trời rằng đã lâu lắm rồi trần gian không có mưa, khiến muôn loài bị khô cằn. Trời sợ trần gian nổi loạn, liền hứa sẽ cho mưa xuống. Trước khi cóc rời đi, Trời còn dặn thêm: “Lần sau, nếu muốn mưa, cậu chỉ cần nghiến răng báo hiệu, ta sẽ cho mưa ngay mà không cần lên đây.”. Khi Cóc về đến trần gian thì nước đã ngập cả cánh đồng ruộng. Từ đó, hễ cóc nghiến răng là trời sẽ đổ mưa, cứu sống muôn loài trên trần gian.
Câu chuyện không chỉ mang lại cho chúng ta những giây phút giải trí thú vị, mà còn nhắc nhở chúng ta rằng sự kiên trì, dũng cảm và trí thông minh sẽ giúp ta vượt qua được thử thách. Đồng thời, nó khẳng định sức mạnh của sự đoàn kết, dám đứng lên bảo vệ lợi ích chung, đây là một thông điệp hết sức quan trọng trong cuộc sống.
Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện - mẫu 10
Trong kho tàng văn học thiếu nhi, có không ít những câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình và “Tia nắng bé nhỏ” là một trong những tác phẩm như vậy. Em còn nhớ lần đầu tiên đọc câu chuyện này là khi ngồi bên bà, em cảm thấy thật ấm áp.
Câu chuyện bắt đầu khi Na sống cùng bà nội trên một ngọn đồi. Ngôi nhà của Na có khu vườn tươi đẹp, mỗi sáng sớm, tia nắng chiếu xuyên qua những tán lá, tạo thành những vệt sáng lung linh trên mặt đất. Tuy nhiên, phòng ngủ của gia đình lại ở phía không có nắng, điều này làm bà nội rất buồn vì bà rất thích ánh nắng.
Một buổi sáng, khi đang dạo chơi trên đồng cỏ, Na cảm thấy ánh nắng ấm áp chiếu lên mái tóc và nhảy nhót trên vạt áo. Cô bé vui mừng nghĩ rằng mình có thể “bắt” nắng về cho bà nội. Na chạy vào phòng bà, reo lên khoe rằng mình mang nắng về cho bà. Tuy nhiên, khi Na mở vạt áo ra, chẳng có tia nắng nào trong đó. Bà nội nhìn cô bé và mỉm cười, nói rằng ánh nắng long lanh có thể nhìn thấy trong ánh mắt và mái tóc của Na.
Na không hiểu tại sao nắng lại chiếu từ mắt mình, nhưng cô bé cảm thấy rất vui khi làm bà nội hạnh phúc. Mỗi sáng, Na lại dạo chơi trong vườn và mang theo tia nắng trong mắt và mái tóc, mang lại niềm vui cho bà nội. Mỗi ngày cô bé đều làm như vậy.
Na đã mang những tia nắng ấm áp trong lòng, không phải từ vạt áo, mà là từ tình yêu và niềm vui cô bé mang đến cho bà nội của mình.
Câu chuyện đã để lại trong em ấn tượng sâu sắc về tình yêu thương và lòng hiếu thảo của Na đối với bà nội. Mặc dù chỉ là những hành động đơn giản, nhưng qua đó, Na đã thể hiện sự quan tâm chân thành và mong muốn mang lại niềm vui cho bà. Câu chuyện khiến em nhớ lại những khoảnh khắc ấm áp bên gia đình, đặc biệt là ông bà, những người cần được yêu thương và chăm sóc.
Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện - mẫu 11
Buổi chiều đi học về, bằng giọng nói ấm áp, bà đã kể cho em nghe những câu chuyện đầy ý nghĩa, truyền tải những bài học nhân văn sâu sắc. Một trong những câu chuyện để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng em là “Cây bút thần”. Câu chuyện không chỉ hấp dẫn bởi cốt truyện li kì, mà còn mang đến cho người đọc những suy ngẫm về lòng nhân ái.
Chuyện kể rằng, có một cậu bé tên là Mã Lương rất thích vẽ. Em vẽ chim, tưởng như sắp được nghe chim hót; vẽ cá, tưởng được trông thấy cá bơi. Cậu bé luôn mong ước có một cây bút thật đẹp để vẽ được những hình ảnh sống động hơn nữa.
Một đêm nọ, trong giấc mơ, Mã Lương thấy một ông cụ tóc bạc phơ, đã trao cho cậu một cây bút thần kỳ sáng lấp lánh. Mã Lương vô cùng mừng rỡ, cậu cảm ơn ông cụ và nhận cây bút. Khi tỉnh dậy, Mã Lương ngỡ ngàng nhận ra cây bút thần vẫn nằm trong tay mình. Từ đó, Mã Lương dùng bút thần vẽ cho người nghèo trong làng. Nhà nào không có cày, em vẽ cho cày. Nhà nào không có cuốc, em vẽ cho cuốc,...
Biết chuyện, một phú ông trong làng đã ghen tị và tìm cách chiếm đoạt cây bút thần. Hắn sai đầy tớ bắt Mã Lương về và yêu cầu cậu phải vẽ theo ý muốn của hắn. Mã Lương không chịu. Vì vậy, phú ông đã nhốt cậu vào chuồng ngựa bỏ đói, bỏ rét. Dù vậy, Mã Lương vẫn không sợ hãi. Cậu dùng bút vẽ bánh để ăn, vẽ lò sưởi để sưởi.
Không cam chịu, phú ông sai người xông vào cướp cây bút thần của Mã Lương, nhưng Mã Lương nhanh trí vẽ ra một chiếc thang để thoát khỏi sự giam cầm. Khi đã thoát ra ngoài, Mã Lương vẽ một con ngựa và cưỡi đi khắp nơi, giúp đỡ những người nghèo khổ.
“Cây bút thần” quả thật là một câu chuyện hay và ý nghĩa. Thể hiện lòng yêu thương đối với mọi người, đặc biệt là người nghèo. Ngoài ra, câu chuyện khiến em suy ngẫm về cách mỗi người chúng ta có thể dùng tài năng của mình để mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội.
Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện - mẫu 12
“Sự tích hoa mào gà” là một câu chuyện dân gian thú vị mà em đã được nghe bà kể từ khi còn nhỏ. Câu chuyện không chỉ thú vị bởi sự kì diệu của thiên nhiên mà còn chứa đựng những bài học sâu sắc về tình bạn và sự hi sinh để mang lại niềm vui cho người khác.
Ngày xưa, cô gà mái nào cũng có một cái mào đỏ rất đẹp như mào các chú gà trống bây giờ. Vào một buổi sáng, khi cô gà mái mơ soi mình trong vũng nước và vô cùng vui sướng khi thấy chiếc mào đỏ rực rỡ trên đầu mình, giống như một chùm hoa đỏ tươi. Gà mơ hân hoan, khoan khoái đập cánh và hát bài hát quen thuộc của nhà gà: “Cục ta cục tác, mào ta đã mọc, cục ta cục tác, mào ta đã mọc.”. Mọi vật xung quanh đều nhìn gà mơ và khen ngợi chiếc mào của nó. Những lời khen làm gà mơ cảm thấy vô cùng tự hào và vui mừng.
Sau đó, gà mơ đi tung tăng khắp nơi kiếm mồi. Nó đến bên bể nước và nghe có tiếng khóc tỉ tê. Nó dừng lại nghiêng đầu, chớp chớp đôi mắt và lắng tai nghe. Thì ra, đó là một cây màu đỏ tía đang khóc tấm tức một mình vì không có hoa, trong khi những cây xung quanh đều đang nở hoa tươi đẹp.
Cây khóc vì cảm thấy cô đơn và thấy mình không được đẹp như các cây khác. Dù gà mơ đã cố gắng an ủi cây, nhưng cây vẫn không ngừng khóc. Thương cây, gà mơ nghĩ một lúc rồi quyết định: “Tôi cho bạn bông hoa đỏ trên mào của tôi nhé!”. Cây nghe xong liền vui mừng, vẫy lá và cảm ơn gà mơ rối rít.
Sáng hôm sau, mọi người trong khu vườn đều ngạc nhiên khi thấy chiếc mào đỏ đẹp của gà mơ biến mất. Thay vào đó, bên bể nước, cây hoa đỏ tía đã nở một chùm hoa đỏ rực rỡ, giống hệt chiếc mào của gà mơ. Cây hoa sung sướng vươn mình đón ánh mặt trời, làm cho bông hoa càng thêm đỏ thắm. Cây khe khẽ kể cho mọi người nghe câu chuyện về lòng tốt của gà mơ. Thế là mọi người gọi cây đó là cây hoa mào gà.
Hình ảnh gà mơ với chiếc mào đỏ tươi đẹp sẵn sàng hi sinh cái mào của mình cho bạn khiến em rất cảm động. Câu chuyện không chỉ đơn thuần giải thích vì sao có hoa mào gà, mà còn truyền tải một thông điệp ý nghĩa về tình bạn. Câu chuyện còn nhắc nhở chúng ta rằng hãy lan tỏa yêu thương và niềm vui tới những người xung quanh.
Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện - mẫu 13
Câu chuyện “Quả hồng của thỏ con” là một câu chuyện cảm động về lòng tốt và sự sẻ chia mà em vô cùng yêu thích.
Một ngày nọ, Thỏ con phát hiện ra một cây hồng trong khu rừng. Cây hồng chỉ có một quả duy nhất và quả đó còn xanh. Thỏ con mơ ước sẽ được thưởng thức vị ngọt lịm của quả hồng khi nó chín.
Thấy vậy, thỏ con đã quyết định chăm sóc cây hồng. Hằng ngày nó tưới nước cho cây để quả hồng mau chín. Thỏ rất kiên nhẫn đợi chờ từng ngày để thưởng thức quả hồng ngọt ngào. Ít lâu sau, quả hồng đã chín, thỏ kiên nhẫn đứng đợi quả rơi xuống.
Vừa lúc đó, có đàn chim bay đến định ăn quả hồng. Thỏ con hốt hoảng kêu lên: “Hồng của tớ!”. Thấy vậy, đàn chim cầu khẩn: “Cho chúng tớ ăn nhé. Chúng tớ đói lả rồi.”. Thỏ suy nghĩ một lát rồi đồng ý. Đàn chim ríu rít mổ ăn từng quả. Thỏ hỏi đàn chim quả hồng có ngọt giống dưa hấu hay mật ong không. Đàn chim ngạc nhiên vì thỏ chưa bao giờ ăn hồng. Khi đàn chim ăn xong, chúng cảm ơn thỏ rồi bay đi.
Vài ngày sau, đàn chim quay lại tìm thỏ và nói: “Này cậu, bên kia sườn núi có cây hồng đầy quả chín.”. Nói rồi, đàn chim đưa thỏ đến chỗ cây hồng lúc lỉu quả. Chúng mổ những quả hồng xuống cho thỏ ăn, khiến thỏ cảm thấy vô cùng sung sướng.
Qua câu chuyện, em nhận ra rằng khi giúp đỡ người khác, chúng ta sẽ nhận được những điều tốt đẹp hơn và tình yêu thương sẽ luôn được lan tỏa.
Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện - mẫu 14
Câu chuyện “Chuyện bên cửa sổ” là một tác phẩm hay và đầy ý nghĩa, kể về sự thay đổi trong môi trường sống và mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên.
Câu chuyện kể về một cậu bé sống trong một ngôi biệt thự ba tầng. Ngôi nhà của cậu nằm trong một khu vực mà ngày xưa từng là một khu rừng xanh tươi, đầy cây cối và là nơi cư trú của nhiều loài chim. Tuy nhiên, giờ đây khu rừng đã không còn, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng và cây cối cũng trở nên thưa thớt nên vắng bóng chim.
Mặc dù vậy, thỉnh thoảng một vài con chim sẻ vẫn bay đến khu vực này. Chúng thường ẩn nấp trong các hốc tường, lỗ thông hơi hoặc các cửa ngách để trú ngụ và làm tổ. Bầy chim rụt rè sà xuống những cây cảnh. Lúc này, cậu bé tò mò nên đã lên sân thượng xem đàn chim sẻ.
Một hôm, cậu bé nhìn thấy bầy chim sẻ. Không hiểu vì thích quá hay là đùa nghịch, cậu đã cầm sỏi ném lũ sẻ. Cậu bé nghĩ rằng hành động này của mình chẳng sao cả. Nhưng nó đã làm lũ chim sẻ sợ hãi, bay sang các ngôi nhà khác để tìm nơi trú ẩn.
Bẵng đi một vài tuần, chẳng may cậu bé bị ốm. Nhìn sang sân thượng nhà bên, cậu thấy có đàn chim sẻ léo nhéo đến là nhộn. Con bay, con nhảy, có con nằm lăn ra rũ cánh, rồi mổ đùa nhau nom vui quá.
Lúc này, cậu bé chợt nhận ra rằng: “Đáng lẽ lũ chim ấy đã ở trên sân thượng nhà mình.”. Cậu cảm thấy tiếc nuối, hối hận về hành động ném sỏi vào bầy chim trước đây của mình. Cậu nhận ra rằng, nếu không vì sự nghịch ngợm của mình, những con chim đó đã có thể làm tổ và vui đùa trên sân thượng nhà cậu, tạo nên một không gian sống thật gần gũi và yên bình.
Em cảm thấy rất xúc động và suy nghĩ nhiều về thông điệp mà câu chuyện muốn truyền tải. Câu chuyện đã dạy em rằng, mỗi hành động dù là nhỏ nhất cũng đều có ảnh hưởng đến môi trường và các sinh vật sống xung quanh.
Viết bài văn kể lại 1 câu chuyện - mẫu 15
Hôm qua, trong giờ kể chuyện, cô giáo đã đọc cho chúng em nghe câu chuyện “Cậu bé đánh giày”. Câu chuyện khiến em cảm động sâu sắc về lòng nhân ái và sự lương thiện của một cậu bé nghèo.
Câu chuyện kể về một cậu bé nghèo chăm chỉ và lương thiện. Cậu đã may mắn gặp được ông ông Oan-tơ Sác-lét – một nhà làm phim nổi tiếng, người đã thay đổi cuộc đời cậu.
Một ngày nọ, ông Oan-tơ Sác-lét, khi đi qua ga xe lửa, gặp một cậu bé đánh giày nghèo khổ. Cậu bé xin ông cho vay một ít tiền vì cả ngày chưa có gì ăn. Cậu bé nói: “Cháu sẽ cố gắng đánh giày để trả lại tiền cho ông.”. Nhìn cậu bé gầy gò, rách rưới, ông Oan-tơ móc túi đưa cho cậu vài đồng xu. Cậu bé cảm ơn ông rồi chạy đi như bay. Ông nghĩ chắc là trò láu cá của cậu nhóc.
Vài tuần sau, ông Oan-tơ lại có việc đi qua ga xe lửa, chợt nghe tiếng gọi. Một cậu bé chạy đến đưa ông mấy đồng xu và nói: “Cháu đã đợi ông ở đây rất lâu rồi, rốt cuộc hôm nay cũng trả được tiền cho ông.”. Ông Oan-tơ cảm động trước sự trung thực và lương thiện của cậu bé. Thấy cậu bé rất đặc biệt, ông Oan-tơ đã mời cậu đến công ti điện ảnh để trao cho một cơ hội bất ngờ.
Ngày hôm sau, cậu bé dẫn theo một nhóm trẻ mồ côi đến gặp ông, mong muốn các bạn mình cũng có cơ hội như cậu. Sự lương thiện của cậu bé khiến ông Oan-tơ rất xúc động và ông quyết định chọn cậu vào vai nam chính trong bộ phim mới của mình. Ông viết trong hợp đồng lí do chọn cậu bé là: “Sự lương thiện không cần qua sát hạch.”.
Sau này, bộ phim của ông Oan-tơ nhận được hơn 50 giải thưởng và cậu bé đánh giày trở thành diễn viên nổi tiếng.
Em rất cảm động trước tấm lòng lương thiện của cậu bé trong câu chuyện. Em nhận ra rằng, trong cuộc sống, đôi khi những hành động nhỏ bé nhưng chân thành lại có thể thay đổi cả một cuộc đời.
Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 4 hay khác:
- Chúng em sáng tạo: Giới thiệu về 1 sản phẩm mà em tự tay làm ra
- Viết đoạn văn tưởng tượng (dựa vào 1 câu chuyện đã đọc, đã nghe)
- Kể chuyện Nhà phát minh và bà cụ
- Viết hướng dẫn thực hiện 1 công việc
- Viết đơn
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 4 hay khác:
- Giải sgk Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức
- Giải Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức
- Giải lớp 4 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 4 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 4 Cánh diều (các môn học)
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Loạt bài Soạn, giải Tiếng Việt lớp 4 của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1 và Tập 2 Kết nối tri thức (NXB Giáo dục).
Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Giáo án lớp 4 (các môn học)
- Bài tập cuối tuần lớp 4 Toán, Tiếng Việt (có đáp án)
- Đề thi lớp 4 (các môn học)
- Giải sgk Tiếng Việt lớp 4 - KNTT
- Giải Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 - KNTT
- Giải sgk Toán lớp 4 - KNTT
- Giải Vở bài tập Toán lớp 4 - KNTT
- Giải Tiếng Anh lớp 4 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh lớp 4 Smart Start
- Giải sgk Tiếng Anh lớp 4 Family and Friends
- Giải sgk Tiếng Anh lớp 4 Wonderful World
- Giải sgk Tiếng Anh lớp 4 Explore Our World
- Giải sgk Đạo đức lớp 4 - KNTT
- Giải sgk Khoa học lớp 4 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử và Địa Lí lớp 4 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm lớp 4 - KNTT
- Giải sgk Tin học lớp 4 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ lớp 4 - KNTT