Giá trị nhân văn, triết lý nhân sinh Hồn trương Ba, da hàng thịt (4 mẫu)
Giá trị nhân văn, triết lý nhân sinh trong Hồn trương Ba, da hàng thịt gồm dàn ý chi tiết, sơ đồ tư duy và bài văn mẫu hay nhất, ngắn gọn được tổng hợp và chọn lọc từ những bài văn hay đạt điểm cao của học sinh lớp 12 trên cả nước.
- Giá trị nhân văn, triết lý nhân sinh Hồn trương Ba, da hàng thịt - mẫu 1
- Dàn ý Giá trị nhân văn, triết lý nhân sinh Hồn trương Ba, da hàng thịt (4 mẫu)
- Sơ đồ Giá trị nhân văn, triết lý nhân sinh Hồn trương Ba, da hàng thịt (4 mẫu)
- Giá trị nhân văn, triết lý nhân sinh Hồn trương Ba, da hàng thịt - mẫu 2
- Giá trị nhân văn, triết lý nhân sinh Hồn trương Ba, da hàng thịt - mẫu 3
- Giá trị nhân văn, triết lý nhân sinh Hồn trương Ba, da hàng thịt - mẫu 4
Giá trị nhân văn, triết lý nhân sinh Hồn trương Ba, da hàng thịt (4 mẫu)
Bài giảng: Hồn Trương Ba, da hàng thịt - Cô Nguyễn Ngọc Anh (Giáo viên VietJack)
Giá trị nhân văn, triết lý nhân sinh Hồn trương Ba, da hàng thịt - mẫu 1
Với hàng loạt vở kịch gây chấn động mạnh mẽ trong dư luận Lưu Quang Vũ không chỉ trở thành một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm 80 của thế kỉ XX mà còn là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Hồn Trương Ba, da hàng thịt (viết năm 1981) là một trong những vở kịch đặc sắc nhất của Lưu Quang Vũ, đã công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và ngoài nước. Từ một cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành một vở kịch hiện đại, đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng triết lí và nhân văn sâu sắc. Kịch của Lưu Quang Vũ nói chung và Hồn Trương Ba, da hàng thịt nói riêng rất giàu giá trị nhân văn. Đoạn trích cảnh VII trong sách giáo khoa thể hiện rõ điều đó.
Giá trị nhân văn là một nội dung lớn, xuyên suốt nền văn học Việt Nam. Chủ nghĩa nhân văn trong văn học rất phong phú, đa dạng biểu hiện ở lòng thương người, lên án, tố cáo những thế lực chà đạp lên con người, khẳng định, đề cao con người về các mặt phẩm chất, tài năng, những khát vọng chân chính như khát vọng về quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền tự do, khát vọng về công lí, chính nghĩa, đề cao những quan hệ đạo đức, đạo lí tốt đẹp giữa người và người.
Lưu Quang Vũ đã đặt nhân vật của mình vào hoàn cảnh trớ trêu: Hồn Trương Ba phải sống nhờ thân xác anh hàng thịt. Trương Ba giỏi đánh cờ bị Nam Tào bắt chết nhầm. Vì muốn sửa sai, nên Nam Tào và Đế Thích cho hồn Trương Ba sống lại, nhập vào xác anh hàng thịt vừa mới chết. Trú nhờ linh hồn trong thể xác anh hàng thịt, Trương Ba gặp rất nhiều phiển toái. Hết lí trưởng sách nhiễu lại đến chị hàng thịt đòi chồng.
Đặc biệt, thân xác hàng thì làm Trương Ba nhiễm một số thói xấu và một số nhu cầu không phải của chính bản thân ông. Trước nguy cơ tha hóa về nhân cách và sự phiền toái do mượn thân xác của kẻ khác, Trương Ba quyết định trả lại xác cho anh hàng thịt và chấp nhận cái chết. Cảnh VII diễn ra ở nhà Trương Ba. Trưởng Hoạt sang phê phán Trương Ba đã bắt đầu đổi tính: uống rượu, thích ăn ngon nước cờ đi cũng khác. Lí tưởng lại đến gây khó dễ. Anh con trai của Trương Ba hư hỏng, chỉ nghĩ đến tiền và trục lợi “quyết định dứt khoát sẽ bán khu vườn để có tiền mở thêm vốn liếng cửa hàng thịt”.
Gia đình Trương Ba cũng cảm thấy xa lạ với ông. Khi phải sống với người chồng mang hình dáng của kẻ khác, vợ Trương Ba buồn khổ định bỏ đi. Cô cháu gái vốn yêu quý ông nội nhưng bây giờ quyết định không nhận ông:“Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi”. Con dâu xót xa vì bố chồng không còn như ngày xưa nữa: “Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong. Nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy… mỗi ngày thầy một đỗi khác dần, mất mát dần, tất cả như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa… Con càng thương thầy, nhưng thầy ơi, làm sao, làm sao giữa được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia? Làm thế nào, thầy ơi?”.
Bản thân Trương Ba vừa đau khổ vì phải sống trái tự nhiên, giả tạo vừa thấy bất lực với chính mình. Một cuộc đối thoại với giữa xác hàng thịt diễn ra. Trong đó khẳng định sức mạnh và thế lấn tới đối với hồn Trương Ba. Hồn Trương Ba thắp hương gọi Đế Thích xuống giải thoát cho mình. Cùng lúc, cu Tị, con một người hàng xóm, bạn thân của cháu nội Trương Ba ốm nặng, sắp chết. Đế Thích định cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị nhưng Trương Ba kiên quyết từ chối xin cho cu Tị được sống đồng thời trả xác cho anh hàng thịt đồng thời chấp nhận cái chết.
Khi không được là mình, hồn Trương Ba ở trong một tâm trạng đau đớn, day dứt. Lời của người dẫn kịch “ngồi ôm đầu một hồi lâu”. Sau sự suy nghĩ căng thẳng đó Trương Ba đi đến quyết định; không thể sống nhờ thân xác của anh hàng thịt được nữa. Trước lí lẽ của xác hàng thịt “nực cười thật ! Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiểu theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”. Trương Ba không muốn nghe và bịt tai lại.
Cuộc đối thoại với xác anh hàng thịt đã khẳng định sức mạnh và thế lấn tới cảu hắn đối với hồn Trương Ba. Không thể nào khác Trương Ba gần như “tuyệt vọng”. Sau đó bần thần nhập vào xác anh hàng thịt. Những hành động thể hiện tâm trạng dằn vặt, ngày càng bế tắc. Trương Ba như lâm vào cảnh cùng đường, không lối thoát. Những lời thoại: “Ta,…ta đã bảo là mày im đi”, “trời” và lời thoại độc tâm: “Mày đã thắng thế cái thân xác không phải là của tao ạ…không cần đời sống do mày mang lại” để diễn tả một tâm trạng giằng xé của hồn Trương Ba trong thân xác anh hàng thịt. Hồn Trương Ba muốn giải thoát khỏi lối sống giả, sống vô nghĩa trong thân xác của người khác.
Ý nghĩa nhân văn cao cả của vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt là ở chỗ Lưu Quang Vũ đã khẳng định, tôn trọng cái cá thể, khẳng định vị trí, vai trò cá nhân trong xã hội. Qua lời thoại đầy triết lí nhà văn gửi thông điệp kêu gọi con người phải sống như chính mình. “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”, câu nói đơn giản của nhân vật hồn Trương Ba chính là chìa khóa mở ra giá trị nhân văn của tác phẩm. Tác phẩm cho ta thấy bi kịch cảu con người khi bị đặt vào nghịch cảnh phải sống nhờ, sống tại và trái tự nhiên khiến tâm hồn nhân hậu, thanh cao bị nhiễm độc và tha hóa trước sự lấn át của thể xác thô lỗ, phàm tục. Hạnh phúc của con người phải có sự hòa hợp giữa hồn và xác, tâm hồn trong sạch một thân thể khỏe mạnh.
Ý nghĩa nhân văn của vở kịch còn là ở chỗ nhà văn đã đấu tranh cho sự hoàn thiện vẻ đẹp nhân cách con người. Để cho nhân vật Trương Ba khước từ cuộc sống vay mượn thân xác người khác, Lưu Quang Vũ đã mở hướng để nhân vật vươn tới một lễ sống đích thực, dẫu thân xác có trở về hư vô. Thể xác và linh hồn là hai phần gắn bó hữu cơ làm nên một con người. Thể xác là nơi trụ ngụ của linh hồn, linh hồn tạo nên sự sống, sự hoạt động của thể xác và điều khiển thể xác. Tuy nhiên, thể xác cũng có tính độc lập tương đối của nó. Nếu linh hồn không giữ vững ý chí, thì những nhu cầu, những đòi hỏi của thể xác có thể tác động tới linh hồn, làm thay đổi bản chất của linh hồn.
Cuộc đấu tranh giữa linh hồn với thể xác là để đạt tới sự hòa hợp, thống nhất, để con người làm chủ bản thân và hoàn thiện nhân cách. Hồn Trương Ba vẫn biết sống là quý thật nhưng sống như thế nào mới là vấn đề đáng suy nghĩ. Trương Ba trân trọng cuộc sống, như “không sống với bất cứ giá nào. Có những giá quá đắt, không thể trả được”. Hiểu được như vậy, hồn Trương Ba tự nguyện rời xa cõi trần, mặc dù Đế Thích định lại sửa sai một lần nữa bằng cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị.
Trương Ba không muốn vay mượn thân xác người nào để phải làm những việc trái với bản chất con người mình. Ông chọn cái chết thực sự để cho mình được sống mãi trong hoài nhớ của mọi người, để một ông Trương Ba, người làm vườn, người vun trồng sự sống tươi đẹp, vẫn sống trong tâm tưởng của mọi người. Để con người được sống thực là mình, để con người thực sự là con người. Chỉ có kết cục trong kịch của Lưu Quang Vũ là duy nhất đúng.
Trương Ba trả lại xác cho anh hàng thịt, chấp nhận cái chết để linh hồn được trong sạch và hóa thân vào các sự vật thân thương, tồn tại vĩnh viễn bên cạnh những người thân yêu của mình. Cuộc sống lại tuần hoàn theo quy luật của muôn đời. Màn kết với chất thơ sâu lắng đã đem lại âm hưởng thanh thoát cho một bị kịch lạc quan đồng thời truyền đi thông điệp và sự chiến thắng của cái Thiện, cái Đẹp và của sự sống đích thực. Đoạn trích là vẻ đẹp tâm hồn của người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự giả tạo và dung tục, bảo vệ quyền được sống đích thực và khát vọng hoàn thiện nhân cách.
Qua đoạn trích, ta thấy được kịch Lưu Quang Vũ đặc sắc trên phương diện: sự hấp dẫn của kịch bản văn học và nghệ thuật sân khấu, sự kết hợp giữa tính hiện đại với các giá trị truyền thống, sự phê phán mạnh mẽ quyết liệt và chất trữ tình đằm thắm, bay bổng.
Qua đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ muốn gửi tới người đọc thông điệp: được sống làm người quý giá thật, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trịn mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn. Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên và sự hài hào giữa thể xác và tâm hồn. Con người phải luôn luôn biết đấu tranh với những nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục, để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.
Dàn ý Giá trị nhân văn, triết lý nhân sinh Hồn trương Ba, da hàng thịt
I. Mở bài:
- Lưu Quang Vũ không chỉ trở thành hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm 80 của thế kỉ XX mà còn được là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những vở kịch đặc sắc nhất của ông. Kịch Lưu Quang Vũ giàu giá trị nhân văn. Đoạn trích trong cảnh VII (Hồn Trương Ba, da hàng thịt) thể hiện rõ điều đó.
II. Thân bài
1. Giá trị nhân văn trong tác phẩm văn học:
- Nhân văn có nghĩa là những vẻ đẹp vốn có ở con người. Những biểu hiện của giá trị nhân văn trong tác phẩm văn học:
+ Miêu tả chân thực cuộc sống, tâm hồn, tư tưởng và tình cảm của con người.
+ Khảng định và ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người
+ Đề cao khát vọng hạnh phúc..
+ Lên án những thế lực tàn ác chà đạp lên quyền sống của con người, phá vỡ hạnh phúc tự do vốn có của con người.
- Một tác phẩm có giá trị nhân văn là tác phẩm thể hiện con người với những nét đẹp của nó. Đặc biệt là những giá trị tinh thần như trí tuệ, tâm hồn, tình cảm, phẩm cách, hướng đến sự khẳng định và đề cao vẻ đẹp của con người. Tính nhân văn chính là thước đo giá trị văn học của mọi thời đại và nó được thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống con người.
2. Giá trị nhân văn trong đoạn trích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”:
– Hoàn cảnh trớ trêu của hồn Trương Ba, khi phải sống nhờ thân xác anh hàng thịt.
– Khắc họa tâm trạng đau đớn, day dứt của hồn Trương Ba khi không được sống là mình.
3. Ý nghĩa giá trị nhân văn trong đoạn trích:
– Lưu Quang Vũ đã khẳng định, tôn trọng cái cá thể, khẳng định vị trí, vai trò của cá nhân trong xã hội.
– Trân trọng nhũng phẩm chất tốt đẹp của nhân vật Trương Ba.
– Đồng cảm với nỗi khổ đau và những mâu thuẫn, dằn vặt của nhân vật.
– Tác giả đã tranh đấu để nhân cách con người ngày càng hoàn thiện.
III. Kết luận:
– Đoạn trích buộc người đọc (người xem) phải suy nghĩ để sống tốt hơn. Đó là ý nghĩa nhân văn sâu sắc của tác phẩm. Khát vọng sống là chính mình của Hồn Trương Ba là khát vọng chính đáng, cần được tôn trọng và phát huy trong đời sống. Tác giả Lưu Quang Vũ đã chọn được một đề tài vừa mang tính thời sự, vừa có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Từ đó tác giả đã nêu lên được một triết lý sống đẹp đẽ đối với mọi thời đại.
Sơ đồ Giá trị nhân văn, triết lý nhân sinh Hồn trương Ba, da hàng thịt
Giá trị nhân văn, triết lý nhân sinh Hồn trương Ba, da hàng thịt - mẫu 2
Những tác phẩm thơ và đặc biệt là kịch của tác giả Lưu Quang Vũ luôn chứa đựng những triết lý nhân sinh sâu sắc. Dựa trên một câu chuyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã thành công dựng lên vở kịch nổi tiếng mang tên Hồn Trương Ba, da hàng thịt với những giá trị nhân văn vô cùng sâu lắng.
Giá trị nhân văn là sự tổng hòa của nhân nghĩa (tình nghĩa con người) và văn hoá. Còn giá trị nhân văn trong một tác phẩm văn học là những giá trị tốt đẹp của nhân cách con người, trong tâm hồn, tình cảm, tình yêu của họ. Có thể nói, giá trị nhân văn là thước đo giá trị văn học của một tác phẩm, thước đo về thành công của tác phẩm đó đồng thời cũng là một cách để thể hiện những triết lí, trăn trở của tác giả, nhà văn, nhà thơ về những vấn đề, khía cạnh của cuộc đời.
Giá trị nhân văn được các tác giả thể hiện qua các khía cạnh như cách miêu tả cuộc sống, miêu tả vẻ đẹp tâm hồn, tư tưởng cũng như tình cảm cao cả của con người. Họ đi sâu tìm hiểu về những phẩm chất quý báu của mỗi người để từ đó ca ngợi những phẩm chất đạo đức đáng kính ấy. Đồng thời, đó còn là những lời phê phán những thế lực tàn bạo phá vỡ những ước mơ, hạnh phúc, khát khao của con người, khẳng định khát vọng về công bằng công lý cũng như đề cao những mối quan hệ cao đẹp giữa con người với nhau.
Với Hồn Trương Ba, da hàng thịt, giá trị nhân văn của tác phẩm được Lưu Quang Vũ thể hiện qua tính cách, cuộc đời và số phận của nhân vật Trương Ba – một con người lương thiện, thanh cao nhưng vì sự tắc trách của “quan trời” mà phải chết oan, và được Đế Thích cho sống lại trong thân xác của anh hàng thịt thô kệch. Lưu Quang Vũ đã đặt nhân vật của mình vào tình huống thật trớ trêu khi “tâm hồn một đằng còn thân xác lại một nẻo” và điều đó đã khiến cho Trương Ba gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống của mình.
Nếu Trương Ba ngày trước là một người “thanh cao” với cái thú đánh cờ, chơi cây tao nhã, một lòng yêu thương vợ con, cháu chắt trong nhà thì Trương Ba trong thân xác anh hàng thịt lại bị lây nhiễm những thói hư tật xấu, những nhu cầu mà trước đây ông chưa từng có như thú rượu thịt,… Ông bị tha hoá, bị biến chất thành một con người khác biệt,phàm phu hơn, thô kệch hơn. Chính vì thế, Trương Ba đã quyết định trả lại thân xác cho anh hàng thịt còn mình thì chấp nhận cái chết một cách thanh thản.
Trương Ba sau khi chết, được sống lại trong thân xác anh hàng thịt, và cũng từ đó, sự tha hoá bắt đầu xảy đến khiến cho gia đình ông cũng không thể nhận ra Trương Ba của ngày xưa. Cũng chính vì thế, người vợ vốn gần gũi với ông cũng tính bỏ đi trong tủi khổ để ông “thảnh thơi với người vợ hàng thịt”. Đứa cháu gái mà ông yêu quý đã không nhận ông nữa “ông xấu lắm, ác lắm. Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!”. Hay đến cô con dâu vốn là người thông cảm duy nhất cho ông trong gia đình này cũng phải xót xa: “Thầy bảo con: Cái bên ngoài là cái không đáng kể, chỉ có cái bên trong nhưng con sợ lắm thầy ơi, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy.. Mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần”
Không chỉ những người thân trong gia đình, đến chính bản thân Trương Ba cũng ghê tởm bản thân, đau khổ vì phải sống trái với tự nhiên, trái với quy luật của tạo hoá. Ông vừa cảm thấy đau đớn vừa bất lực với chỉnh bản thân mình, vậy nên mới xảy ra đoạn đối thoại ở phần đầu cảnh thử VII. Trong cuộc đối thoại đó, xác hàng thịt – một cái xác “âm u đui mù” nhưng lại có những lí lẽ sắc sảo, lấn lướt khiến Trương Ba phải câm lặng. Nhưng chính vì thế, ông mới nhận ra được có lẽ việc sống trái với tự nhiên này không thể tiếp tục được nữa và ông đã gọi Đế Thích xuống để giải thoát cho bản thân mình. Ông chấp nhận cái chết nhưng đổi lại, ông mong muốn cu Tị – bạn của cháu gái mình được sống vì thằng bé vừa mới ốm nặng, sắp chết. Mặc dù Đế Thích muốn để Trương Ba được sống trong xác cu Tị, thế nhưng ông đã từ chối, chấp nhận cái chết của mình trong sự thanh thản.
Bởi lẽ, khi không được là chính mình, Trương Ba luôn sống trong đau khổ, day dứt. Ông luôn khẳng định rằng mình sống bằng một tâm hồn “một đời sống riêng: Nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…” Thế nhưng, những lí lẽ của xác hàng thịt đã đập tan cái lí luận đó của ông “một đời sống riêng: Nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…”. Phải, tâm hồn và xác thịt vốn là một thể thống nhất, làm sao có thể “hồn một nơi, xác một nẻo” được chứ? Lí lẽ của cái xác hàng thịt là không thể chối cãi. Trong cuộc đối thoại đó, cái xác anh hàng thịt đã lấn át hồn Trương Ba, khiến Trương Ba gần như “tuyệt vọng”, tâm trạng ngày càng u uất và bế tắc. Trong nội tâm ông đã diễn ra một cuộc giằng xé “Ta ..ta .. đã bảo mày im đi!” hay “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ. Mày đã tìm được đủ mọi cách để thắng thế ta..”. Đó là những lời độc thoại nội tâm của Trương Ba trong đau khổ và giờ đây, ông muốn được thoát khỏi cái lối sống vô nghĩa này, trả lại thân xác cho người khác.
Lưu Quang Vũ đã khéo léo đặt trong tình huống truyện những thông điệp, ý nghĩa nhân văn cao cả. Đó là sự khẳng định vai trò, vị trí của một cá nhân trong cuộc đời và lời kêu gọi mọi người hãy sống với đúng bản thân mình, là chính mình “Tôi muốn là tôi toàn vẹn”. Một câu nói đó nhưng lại toát lên gần như toàn bộ giá trị nhân văn của tác phẩm. Một con người khi đặt trong nghịch cảnh, sống trái với tự nhiên có thể từ một tâm hồn thanh cao mà bị tha hoá, bị biến chất bởi thể xác tham lam, phàm tục. Chính vì thế, mỗi con người phải là tự bản thân mình, sống đúng với chính mình, với tự nhiên. Sự hoà hợp của tâm hồn và thể xác là niềm hạnh phúc to lớn nhất của một đời người.
Nếu như trong tác phẩm truyện dân gian, các tác giả dân gian đã để cho Trương Ba có một cuộc sống hạnh phúc với cái thân xác đi mượn đó, thì ở trong tác phẩm của minh, Lưu Quang Vũ đã cố gắng đấu tranh để nhân vật của mình có thể trở lại là chính bản thân mình, khước từ thứ cuộc sống vay mượn từ người khác. Nhân vật của Lưu Quang Vũ đã hướng tới sự trọn vẹn, sự hoà hợp của thể xác và tâm hồn, đó mới là lẽ sống đích thực ở đời. Tâm hồn điều khiển thể xác, thể xác hoạt động, thế nhưng ở một phần nào đó, chúng cũng tương đối độc lập với nhau. Vậy nên một thể xác thô lỗ, phàm tục cũng sẽ làm biến đổi linh hồn, làm tha hoá một tâm hồn tốt đẹp.
Con người quan trọng nhất là làm chủ được bản thân, hoà hợp, thống nhất và hoàn thiện nhân cách của mình. Được sống là quý giá, những sống hạnh phúc, toàn vẹn là chính mình còn quý giá hơn gấp trăm ngàn lần. Hiểu được điều đó, hồn Trương Ba quyết định từ bỏ, chấp nhận sự thật rằng mình đã chết “Có những thứ sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác.”. Ông muốn được sống trong tâm trí, trong những hoài niệm tốt đẹp của mọi người về mình “Tôi đây bà ạ! Tôi vẫn ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm, cầu ao bà vo gạo, trong cái cơi bà đựng trầu, con dao bà rẫy cỏ… Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi cây cái Gái nâng niu..”.
Trương Ba chết, trả lại xác cho anh hàng thịt, linh hồn ông hóa thân vào những sự vật thân thương, để được ở bên cạnh những người thân yêu của mình. Vở kịch khép lại mang theo thông điệp về cuộc sống rằng cái Thiện, cái Tốt sẽ mãi có giá trị, sẽ trường tồn theo thời gian. Đoạn trích đã khẳng định được vẻ đẹp phẩm chất của con người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự dung tục, tha hoá, bảo vệ quyền được sống là chính mình và hoàn thiện nhân cách của mình.
Vở kịch được kết hợp bởi nhiều yếu tố đặc sắc như cốt truyện, ngôn ngữ, cách xây dựng nhân vật. Lưu Quang Vũ đã vô cùng tài ba khi kết hợp những giá trị truyền thống và sự phê phán vào chung với nhau, tạo nên chất trữ tình, sâu lắng cho vở kịch.
Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch xuất sắc của nhà văn Lưu Quang Vũ. Ông đã truyền đến cho chúng ta thông điệp về sự sống ở đời: được sống là quý giá nhưng sống có giá trị, sống trọn vẹn, là chính mình, được mọi người yêu thương mới là quý giá nhất. Con người không chỉ phải biết sống hòa hợp giữa tâm hồn và thể xác mà còn phải luôn đấu tranh, hoàn thiện bản thân mình, vươn tới những giá trị đạo đức cao quý.
Giá trị nhân văn, triết lý nhân sinh Hồn trương Ba, da hàng thịt - mẫu 3
Lưu Quang Vũ là một trong số ít nhà văn vừa có tài trong viết truyện vừa có tài trong các môn nghệ thuật khác như hội họa, làm thơ…và đặc biệt nhất đó chính viết kịch. Các tác phẩm kịch của ông luôn ẩn chứa những triết lí sâu sắc cùng ý nghĩa nhân văn cao cả. Nổi bật nhất trong các tác phẩm kịch của ông đó chính là vở “ Hồn Trương Ba, da hàng thịt” . Tác phẩm diễn tả cuộc xung đột nảy lửa giữa hồn và xác và được đẩy lên đỉnh điểm ở cảnh cuối.
Trước tiên, ta hiểu giá trị nhân văn của một tác phẩm đó chính là những nét đẹp trong tính cách của con người được bộc lộ qua các cuộc mâu thuẫn: trong cái sáng có cái tối, trong cái tốt có cái xấu, con người luôn đấu tranh để hướng đến những giá trị tốt đẹp nhất. Nhân vật chính trong vở kịch này cũng vậy, đó chính là Trương Ba. Trương Ba là một người tốt bụng, sống một cuộc sống thanh tao và đặc biệt chơi cờ rất giỏi. Ông thường hay chơi cờ với Đế Thích và hai người trở thành bạn thân với nhau. Sau đó chẳng may Trương Ba mất đi, người vợ có đốt nhầm nén nhang mà trước đó Đế Thích đã cho Trương Ba để mỗi khi muốn chơi cờ hay có việc gì cần giúp thì Trương Ba đốt gọi tiên cờ lên. Vì thương bạn mình và muốn giữ lời hứa nên Đế Thích đã cho Trương Ba sống lại nhưng vì không tìm thấy xác Trương Ba nên đành ở tạm xác của anh hàng thịt mới mất bên hàng xóm. Một cuộc tranh cãi nảy lửa xảy ra giữa một tâm hồn thanh tao với một bộ xác thịt xù xì, kinh khủng.
Hình ảnh hồn Trương Ba ngồi một mình ôm đầu hồi lâu rồi đứng vụt dậy đã cho thấy sự chán nản, tuyệt vọng của linh hồn. Giờ đây Trương Ba như đã đánh mất bản thân mình, không còn đam mê những thú vui tao nhã, trí tuệ nữa mà thay vào đó là làm những việc mà trước kia ông cho là ghê tởm. Ông trở thành một con người thô lỗ, cục cằn và vụng về. Không thể chịu cảnh cứ sống trong cái xác này mãi được nên hồn Trương Ba đã liên tục mắng chửi phần xác, cho rằng chính cái xác đui mù này đã khiến tâm hồn của Trương Ba bị vấy bẩn. Linh hồn ấy phủ nhận tất cả những việc tiêu cực của mình làm, đổ tất cả mọi chuyện lên đầu của xác từ việc làm gãy diều của cu Tý cho đến việc vả con trai mình học máu mồm. Hồn biện minh cho mình rằng dù có sống trong một cái xác u mê, đui mù đi chăng nữa thì mình vẫn có mội đời sống thanh tao, trong sạch.
Hai bên đều đưa ra những lí do, dẫn chứng để tranh cãi quyết liệt, ấy thế nhưng hồn vẫn chẳng thể nào thắng lí được xác. Xác đã đưa ra những lời nói “ti tiện” nhưng rất đúng để phản bác lại hồn, xác cho rằng cả hồn và xác đã hòa vào làm một thì cả hai không thể tách rời trong mọi việc, khi hồn đứng cạnh vợ mình thì hơi thở cũng nóng lên hay Trương Ba đã ăn nhiều món ăn mà trước đó ông cho là tởm để thỏa mãn cái thú ăn uống của xác. Qua đây, ta đã thấy được ý nghĩa nhân văn mà Lưu Quang Vũ muốn mang lại cho người đọc đó chính là phải biết cân bằng giữa linh hồn và thể xác, giữa lí trí và tâm hồn. Cuộc đấu tranh giữa hồn và xác giống như cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cái khát vọng thanh tao và cái dục vọng tầm thường trong một con người. Mỗi người nên sống với đúng bản thân, tính cách của mình thì cuộc sống đó mới có ý nghĩa, chứ không nên sống dựa hơi, gửi gắm người khác.
Như chẳng thể cãi lại nổi cái xác u mê, đui mù ấy, hồn Trương Ba quay lại với vợ cùng những người thân trong gia đình của mình. Người có lẽ không ưa chuyện hồn Trương Ba ở trong xác hàng thịt nhất sau Trương Ba đó chính là vợ ông ấy. Làm sao có thể chấp nhận được người chồng của mình nhưng mỗi tối lại quay sang ngủ với vợ ông hàng thịt. Người vợ buồn bã nhận ra rằng “ ông đâu còn là ông, đâu còn là Trương Ba làm vườn ngày xưa”, thế rồi bà chán nản, dứt áo đòi ra đi, với bà “ đi đâu cũng được còn hơn là như thế này”. Rồi đến đứa cháu gái cũng một mực không nhận đấy là ông nội mình, đứa cháu ấy khẳng định ông nội mình đã chết, ông nội mình không thể có một “ bàn tay giết lợn”, một “bàn chân to như cái xẻng” làm gãy tiệt cái chồi non, hay làm hỏng cái diều của cu Tý làm cho nó dù đang ốm vẫn khóc lóc đòi bắt đền. Chỉ có người con dâu là người hiểu biết, chín chắn nhất là hiểu được tâm trạng, nỗi khổ của bố chồng mình. Nhưng vậy mà chị vẫn không khỏi hoảng hốt, sợ hãi khi thấy bố chồng mình ngày càng thay đổi, biến chất, chị đã thốt lên rằng: “ …con sợ lắm bởi con cảm thấy đau đớn, thấy mỗi ngày thầy một đổi dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi…”. Tất cả các cuộc hội thoại của Trương ba với các thành viên trong gia đình mình đã khiến ông nhận ra hoàn cảnh trớ trêu của mình đã làm ảnh hưởng đến quá nhiều người khác. Ông tự cảm thấy xấu hổ, dằn vặt với bản thân của mình, muốn dứt hẳn ra khỏi cái xác này.
Nút mở của vở kịch có lẽ chính là đoạn hội thoại giữa hồn Trương Ba với Đế Thích khi ông không thể chịu đựng được nữa phải gọi Đế Thích lên để giải quyết mọi thứ. Hồn Trương Ba nói với Đế Thích rằng :“ Không thể bên trong một đường, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn là tôi trọn vẹn”, “ sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt”. Qua đoạn hội thoại giữa Trương Ba và Đế Thích , Lưu Quang Vũ đã bộc lộc giá trị nhân văn sâu sắc. Đó chính là linh hồn và thể xác phải hài hòa, khi làm những việc sai trái, phàm tục thì đừng đổ lỗi là để làm thỏa mãn nhu cầu bản thân mà hãy cho rằng đó là sai từ chính trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người. Một cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi sống đúng với bản thân mình, chứ không phải cứ nhờ gửi hay dựa dẫm người khác. Chính vì lẽ này mà Trương Ba nhất quyết nhờ Đế Thích giúp mình thoát ra khỏi thân xác của anh hàng thịt, cho mình chết hẳn đi, thay vào đó là cho thằng cu Tý sống trở lại. Việc hoàn đổi này phải nhanh chóng diễn ra vì cu Tý mới mất, không thể để lâu. Điều này đã thể hiện sự nhân đạo trong con người của Trương Ba, ông muốn kết thúc hẳn cuộc sống của mình, nhường sự sống cho một người khác.
Kết thúc vở kịch, Trương Ba ra đi, để lại xác anh hàng thịt, đường ai lấy đi. Sự ra đi này thể hiện ước muốn được sống với chính bản thân mình, đồng thời chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm.
Giá trị nhân văn, triết lý nhân sinh Hồn trương Ba, da hàng thịt - mẫu 4
Lưu Quang Vũ là một tài năng ở nhiều mặt viết truyện ,làm thơ ,vẽ tranh nhưng sáng tác kịch là phần đóng góp nổi bật nhất .Ông được coi là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại.Lưu Quang Vũ đã để lại hơn 50 tác phẩm kịch xuất sắc trong đó có vở kịch Hồn Trương Ba,da hàng thịt.
Kịch Hồn Trương Ba,da hàng thịt sáng tác 1981 nhưng đến 1984 mới ra mắt công chúng và đã được công diễn nhiều lần.Từ cốt truyện dân gian Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành một vở kịch nói hiện đại có ý nghĩa tư tưởng và triết lí sâu sắc.Vở kịch gồm bảy cảnh và một đoạn kết.Nội dung kể về Trương Ba là người giỏi đánh cờ và thích làm vườn bị Nam Tào bắt chết nhầm.Vì muốn sửa sai nên Nam Tào và Đế Thích cho hồn Trương Ba nhập vào xác của anh hàng thịt kềnh càng ,thô lỗ vừa mới chết.Tuy được sống nhưng Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái và đau khổ.Vợ Trương Ba định bỏ đi ‘cấy thuê làm mướn ở đâu cũng được”,trả Trương Ba lại cho vợ anh hành thịt .Cháu nội Trương Ba thì phản ứng gay gắt nhất quyết không nhận ông nội “Ông xấu lắm ,ác lắm! Cút đi ! Lão đồ tể,cút đi”.Người con dâu hiểu được nghịch cảnh của hồn Trương Ba và thương bố chồng nhiều hơn xưa , nhưng chị ta lại lo lắng vì sự thay đổi của ông mà “nhà ta như sắp tan hoang ra cả rồi” Trước nguy cơ tha hóa về nhân cách và sự xa lánh của người thân,Trương Ba quyết định trả xác lại cho anh hàng thịt và chấp nhận cái chết. Gíá trị nhân văn của của vở kịch chính là những thộng điệp có tính triết lí về nhân sinh mới mẻ,tích cực. được thể hiện tập trung trong cảnh 7 qua màn đối thoại giữa Trương Ba và xác hàng thịt,đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích.
Qua màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt tác giả nêu lên quan niệm:con người luôn phải đấu tranh với bản thân để hoàn thiện nhân cách.Màn đối thoại cho thấy con người có hai phần :linh hồn và thể xác ,linh hồn có cơ sở vật chất là thể xác.Trong con người ,biểu hiện của linh hồn là những suy nghĩ ,tư tưởng.Biểu hiện của thể xác là các nhu cầu như ăn ,uống và các hoạt động trong đời sống. Linh hồn và thể xác là một thể thống nhất ,có quan hệ hữu cơ với nhau,trong đó linh hồn giữ vị trí chủ đạo.Vậy nên linh hồn phải chịu trách nhiệm cuối cùng về hành động của thể xác,không thể thỏa mãn mọi nhu cầu ở mọi mức độ ,mọi lúc ,mọi nơi rồi đổ trách nhiệm cho thể xác. Cuộc đấu tranh giữa linh hồn và thể xác thực sự là cuộc đấu tranh trong bản thân con người để làm chủ những nhu cầu, ham muốn,nhất là khi con người bị hoàn cảnh tác động.Đó là cuộc đấu tranh để làm chủ bản thân và hoàn thiện nhân cách của con người.
Trong màn đối thoại giữa hồn Trương Ba với Đế Thích tác giả đã gửi gắm quan niệm có ý nghĩa nhân sinh về hạnh phúc ,về lẽ sống và về cái chết.Không được sống là chính mình ,phải trú nhờ thân xác hàng thịt,Trương Ba ý thức rất rõ về cảnh ngộ trớ trêu của mình và vô cùng đau khổ. Khi gặp Đế Thích,Trương Ba đã khẳng định “Không thể bên trong một đằng,bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.Trương Ba kiên quyết trả xác cho anh hàng thịt ,và cũng kiên quyết từ chối không sống trong thân xác cu Tị vì sống như thế “còn khổ hơn là cái chết”.Không những vậy,trước khi trở về với cái chết, Trương Ba còn yêu cầu Đế Thích làm cho anh hàng thịt sống lại vì chị vợ anh ta “thật đáng thương”.Trương Ba cũng yêu cầu Đế Thích “ vì con trẻ”,hãy hiểu nỗi đau khổ của người mẹ mất con mà làm cho cu Tị sống lại .Sự lựa chọn và ý muốn của Trương Ba là rất cao thượng.Qua đó tác giả muốn gửi tới độc giả bức thông điệp :một trong những điều qúy giá nhất của con người là được sống trọn vẹn với những giá trị mình có và theo đuổi. Nếu không được sống là chính mình mà phải sống gửi ,sống nhờ,sống giả tạo thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa,đầy tính bi hài.
Đoạn kết của vở kịch là khung cảnh hồn Trương Ba chập chờn trong màu xanh của cây,lá trong vườn,ở trên bậc cửa ,trong ánh lửa ,nơi cầu ao, trong cái cơi đựng trầu ,con dao giẫy cỏ…Cho dù không còn trên cõi đời nhưng Trương Ba vẫn được người thân quý mến như xưa.Trong tâm trí mọi người Trương Ba vẫn bất tử, vẫn là con người “trong sạch thẳng thắn”.Từ đó Lưu Quang Vũ khẳng định :thân xác của từng con người tồn tại hữu hạn ,nhưng sự sống và linh hồn con người là mãi mãi.Tư tưởng và triết lí về con người của Lưu Quang Vũ vừa biện chứng vừa lạc quan và cao thượng.
Vấn đề mối quan hệ giữa linh hồn và thể xác trong vở kịch Hồn Trương Ba,da hàng thịt còn có thể giúp ta liên tưởng đến mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong mỗi sự vật..Khi nội dung và hình thức phù hợp thì sự vật tồn tại và phát triển .Ngược lại khi nội dung và hình thức không phù hợp với nhau thì sự phát triển bị kìm hãm ,sự tồn tại của sự vật có thể bị đe dọa. Đây cũng là một triết lí mang tính nhân văn giúp cuộc sống con người ngày càng hoàn thiện và tốt đẹp hơn.
Qua vở kịch Hồn Trương Ba ,da hàng thịt,nhà viết kịch tài năng Lưu Quang Vũ đã gửi tới nhiều thế hệ khán giả,độc giả những triết lí nhân sinh sâu sắc về hạnh phúc,về sự sống và cái chết ,về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức… Lưu Quang Vũ đã về với cõi vĩnh hằng nhưng cùng với những vở kịch bất hủ có giá trị nhân văn sâu sắc, tên tuổi của ông sẽ mãi bất tử.
Xem thêm các bài văn mẫu lớp 12 hay, ngắn nhất khác:
Sách VietJack thi THPT quốc gia 2025 cho học sinh 2k7:
- Giải Tiếng Anh 12 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Friends Global
- Lớp 12 Kết nối tri thức
- Soạn văn 12 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 12 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 12 - KNTT
- Giải sgk Vật Lí 12 - KNTT
- Giải sgk Hóa học 12 - KNTT
- Giải sgk Sinh học 12 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 12 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 12 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - KNTT
- Giải sgk Tin học 12 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 12 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 12 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 12 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 12 - KNTT
- Lớp 12 Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 12 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 12 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 12 - CTST
- Giải sgk Vật Lí 12 - CTST
- Giải sgk Hóa học 12 - CTST
- Giải sgk Sinh học 12 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 12 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 12 - CTST
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - CTST
- Giải sgk Tin học 12 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 12 - CTST
- Lớp 12 Cánh diều
- Soạn văn 12 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 12 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 12 Cánh diều
- Giải sgk Vật Lí 12 - Cánh diều
- Giải sgk Hóa học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Sinh học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 12 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 12 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 12 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 12 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 12 - Cánh diều