10+ Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục (điểm cao)
Nghị luận Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục gồm dàn ý phân tích chi tiết, sơ đồ tư duy và các bài văn phân tích mẫu hay nhất, ngắn gọn được tổng hợp và chọn lọc từ những bài văn hay đạt điểm cao của học sinh lớp 12.
- Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục - mẫu 1
- Dàn ý Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục
- Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục - mẫu 2
- Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục - mẫu 3
- Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục - mẫu 4
- Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục - mẫu 5
- Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục - mẫu 6
- Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục - mẫu 7
10+ Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục (điểm cao)
Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục - mẫu 1
Xã hội ngày càng phát triển, đi lên theo bước tiến của khoa học kỹ thuật. Những giá trị, chuẩn mực đạo đức của con người vì thế mà cũng thay đổi trước sự đổi thay của thời đại. Có những sự thay đổi tích cực, đáng mừng, nhưng cũng có những sự biến chất đáng buồn. Và trong lĩnh vực giáo dục nói riêng, gần đây nổi lên những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích. Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở một trường, một địa phương mà ngày càng lan rộng. Trước tình hình đó, Bộ Giáo dục nước ta đã vận động nhân dân “nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
Trước hết, cần phải giải thích tiêu cực trong thi cử là gì? Tiêu cực là hành động không lành mạnh. Hiện tượng tiêu cực trong thi cử là những hiện tượng không lành mạnh diễn ra trong các kì thi và những biểu hiện của nó cũng vô cùng phong phú, đa dạng. Học sinh quay cóp, trao đổi bài với nhau. Ở mức độ cao hơn, học sinh cố ý mang tài liệu vào phòng thi dưới nhiều hình thức tinh vi. Thậm chí, nhiều học sinh còn nhờ người đi thi hộ,… Phụ huynh mua chuộc giáo viên, cán bộ, đưa hối lộ bằng nhiều hình thức để được ưu ái hơn. Giáo viên bán đề, gợi ý đề, bán điểm, gạ tình đổi điểm, chấm bài thiếu trung thực. Nhiều giáo viên còn tự ý cho điểm khống… Các cán bộ thì triển khai đáp án và hướng dẫn chấm không đúng, làm việc thiếu trách nhiệm, ráp phách báo điểm sai, tổ chức kém nhưng báo cáo thiếu trung thực… Đấy là những hành vi thể hiện tình trạng tiêu cực trong thi cử.
Hậu quả của tình trạng tiêu cực trong thi cử gây ra thật vô cùng nghiêm trọng, nó dẫn đến chúng ta đánh giá không đúng về kết quả của cuộc thi đó, người tài giỏi thì bị loại, trong khi người gian lận trong thi cử lại trở thành những người chiến thắng.
Tiêu cực trong thi cử sẽ gây hậu quả xấu đối với xã hội, làm cho xã hội ta ngày càng đi xuống. Vì vậy, mỗi người chúng ta cần nói không với tiêu cực trong thi cử. Ngăn chặn, phê phán, lên án những hành vi tiêu cực ấy. Trong các kì thi, bạn hãy chấp hành nghiêm túc nội quy thi cử. Không sử dụng phao, không quay cóp, không chạy điểm,… Có như thế thì những người thực tại, có ý chí mới có thể có cơ hội trở thành những người cống hiến cho đất nước. Bạn hãy nghĩ mà xem, nếu đất nước của chúng ta được điều hành bởi những người lãnh đạo mà chính họ lại vươn lên bằng cách chạy chọt bằng cấp, mua điểm,… thì xã hội này sẽ ra sao, đất nước này sẽ như thế nào. Hậu quả của tình trạng tiêu cực trong thi cử không chỉ ảnh hưởng xấu trong phạm vi một lớp học, một ngôi trường, một địa phương mà nó lan rộng ra cả ngoài xã hội.
Tiêu cực trong thi cử là thế, vậy bệnh thành tích trong giáo dục là gì? “Thành tích” là kết quả của sự nỗ lực mà con người đã bỏ ra. Kết quả đó không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để đạt thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết sức mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước. Thế nhưng “bệnh thành tích” lại là kết quả của sự “nỗ lực” giả dối, ngụy tạo. Sự khác nhau căn bản giữa “thành tích” và “bệnh thành tích” chỉ là sự khác nhau giữa cái thật và cái giả. Và yếu tố then chốt làm nên sự khác biệt đó chính là tính trung thực. Chính vì thế mà nỗ lực để đạt thành tích của một cá nhân hay một tập thể là một phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương. Còn những tiêu cực và bệnh thành tích cần phải lên án và xoá bỏ.
Hàng năm, ngay từ đầu năm học, Bộ Giáo dục rồi Sở Giáo dục thường ban chỉ tiêu xuống cho các trường. Và thế là, các trường học, bằng cách nào đó, đến cuối kỳ, cuối năm sẽ phải hoàn thành được các chỉ tiêu mà trên đã ban xuống đó. Những con số báo cáo lên trên, đôi khi là những số liệu khống mà nhà trường phải nâng thành tích của trường mình lên để không bị phê bình, kỷ luật do không đạt được chỉ tiêu đưa ra. Thậm chí, còn có nhiều trường học mắc bệnh thành tích đến nỗi mọi số liệu, con số đều khai khống để có thể được coi là có thành tích xuất sắc, được khen thưởng. Có biết đâu rằng, trong những trường học đó, có những em học sinh từ năm này sang năm khác còn ngồi nhầm lớp. Học sinh lớp 8 có khi còn đọc chưa thông, viết chưa thạo; học sinh lớp 9 có khi làm một bài toán lớp 5 còn không làm được,… Vậy nhưng, do bệnh thành tích, các em cứ thế được lên lớp, không thi lại, không ở lại. Vì nếu các em ở lại lớp thì sẽ ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường. Và cứ thế, từ năm này qua năm khác, hiện tượng ấy cứ tiếp diễn. Và hậu quả của bệnh thành tích trong giáo dục không chỉ nghiêm trọng đối với một thế hệ mà còn đối với rất nhiều thế hệ trong xã hội.
Điều lo ngại chung hiện nay là căn bệnh thành tích đang lan tràn trong ngành giáo dục của nước ta, không phải chỉ lây nhiễm cho một bộ phận những người công tác trong ngành mà còn cho nhiều gia đình trong xã hội. Với bệnh thành tích, các phương pháp đánh giá, kiểm tra kết quả học tập trở nên dày đặc, nặng nề, phức tạp nhưng lại mang tính chất rập khuôn, không có chỗ dành cho sự sáng tạo của học sinh, sinh viên. Xét từ phía ngành giáo dục, thành tích giáo dục là thước đo sự thành công trong nghề nghiệp của giáo viên nói riêng, của nhà trường và địa phương nói chung. Đáng tiếc thay, trong thời gian qua, chính ngành giáo dục lại “thiết kế” ra thước đo trên bằng các chỉ tiêu giáo dục khô cứng. “Bệnh thành tích giáo dục” chính là việc nhà trường và địa phương cố gắng đạt được các chỉ tiêu giáo dục bằng mọi giá. Chúng ta đều nhận thức rõ ràng rằng một xã hội muốn phát triển tiến bộ phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người có chân tài thực học, được tiếp thu những kiến thức và các phẩm chất đạo đức tinh hoa của nhân loại và của dân tộc thông qua hệ thống giáo dục của cộng đồng. Giáo dục chính là điểm xuất phát, là nơi sản sinh ra nguồn năng lực cho sự cường thịnh của một nước, một cộng đồng dân tộc. Một nền giáo dục tốt và trung thực sẽ tạo nên những con người đạt những thành tích tốt và trung thực. Những thành tích tốt và trung thực sẽ tạo nên những bước tiến mạnh mẽ cho cộng đồng dân tộc trên con đường phát triển.
Cuộc vận động “Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” ngay từ khi mới phát động đã được xã hội quan tâm, nhân dân đồng tình hưởng ứng. Bởi ai cũng biết rằng, nếu cứ để ”nạn tiêu cực trong thi cử” hoành hành và ”bệnh thành tích trong giáo dục” trở thành một căn bệnh ”mãn tính” thì sẽ dẫn đến lãng phí thời gian, sức lực, tuổi đời của học sinh; lãng phí tiền bạc, công sức chăm sóc con cái của phụ huynh; của thầy cô và lãng phí của cải xã hội. Điều đó sẽ là hệ quả tất yếu của những suy thoái đạo đức trong học sinh; đạo đức trong quan hệ thầy, trò và sẽ góp phần làm suy thoái những mối quan hệ xã hội khác. Cuộc vận động này là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt. Điều đáng mừng là nhân dân, xã hội đều quyết liệt tham gia chống lại những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, sẵn sàng lên tiếng phê phán những cá nhân hoặc tổ chức có thái độ không hưởng ứng. Sự khởi đầu tốt đẹp báo hiệu sự thành công của một cuộc vận động mang tính nhân văn sâu sắc.
Trên tiến trình đổi mới giáo dục, bệnh thành tích phải được xóa bỏ. Đó không phải là một việc quá khó, nhưng chắc chắn cũng không dễ dàng. Điều trước nhất là phải thay đổi từ những sai phạm của ngành giáo dục, phải kiên quyết thực hiện cuộc vận động đã đề ra, vì đó sẽ làm gương để thế hệ trẻ ngày nay tin tưởng và noi theo. Học sinh chúng ta, ngay từ bây giờ phải hết mình phấn đấu học tập bằng chính bản thân, tuyệt đối nói không với tiêu cực trong thi cử đồng thời giúp sức với nhà trường khuyên bảo và ngăn chặn các hành vi tiêu cực ấy.
Dàn ý Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục
I. Mở bài
Giới thiệu về tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích - một căn bệnh đang gây nguy hại cho xã hội đang ngày càng lan rộng.
II. Thân bài
1. Khái niệm
- Tiêu cực trong thi cử: là những hành vi gian lận trong thi cử (Thí sinh mang những tài liệu hoặc những thiết bị không được cho phép vào phòng thi…).
- Thành tích: là kết quả tốt đẹp đạt nhờ sự nỗ lực, thường được biểu dương hoặc khen thưởng, đem lại cho con người động lực cố gắng.
- Bệnh thành tích: làm việc mà không quan tâm đến thực tế, không suy nghĩ về hậu quả lâu dài chỉ chăm chút đến vẻ bề ngoài, đến việc đạt được những chỉ tiêu một cách khiên cường.
2. Bình luận và chứng minh
- Nguyên nhân của bệnh thành tích:
+ Mong muốn đạt được kết quả mà không cần phải cố gắng học tập, làm việc.
+ Tật xấu “con gà tức nhau tiếng gáy” nên tìm cách đốt cháy giai đoạn muộn để có thành tích ngay.
+ Sự quản lý thiếu sát sao của các cấp lãnh đạo, hình thức trong quản lý chỉ quan tâm đến văn bản, báo cáo.
- Tác hại của bệnh thành tích:
+ Gây ra sự đối lập giữa hình thức và thực tế, vấn đề bản chất không được quan tâm mà chủ yếu tập trung vào “bề nổi”.
+ Là nguồn gốc của những sai trái, gian lận trong kiểm tra, đánh giá tiếp tay cho tham nhũng, quan liêu.
+ Đặc biệt nguy hại đến sự phát triển lao dài cho nền giáo dục của một đất nước.
- Giải pháp:
+ Cần chú ý đến hậu quả lâu dài, tránh “ăn xổi ở thì”.
+ Các cấp lãnh đạo phải sát sao, thực tế hơn, điều chỉnh quản lý.
+ Bản thân học sinh cần nói không với tiêu cực trong thi cử.
3. Liên hệ bản thân
- Nhà trường, giáo viên cần tránh xa bệnh thành tích.
- Học sinh cần trung thực trong thi cử.
III. Kết bài
Khẳng định tầm quan trọng của việc khắc phục tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Đó là công việc của toàn xã hội.
Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục - mẫu 2
Trong thực tế, ai cũng thích, cũng mong muốn được khen ngợi, được ghi nhận, được thành danh. Có người vì thế mà nỗ lực phấn đấu để biến đổi về chất. Song đáng buồn lại có những người muốn rút ngắn con đường bước đến vinh quang mà tin xổi ở thì, không chăm lo cho thực tế chỉ cố tô vẽ bề ngoài để được khen được thưởng. Đáng buồn hơn, chúng ngày càng phổ biến và trở thành một căn bệnh xã hội: tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.
Thực chất, thành tích là kết quả được đánh giá tốt do nỗ lực mà đạt được. Như vậy, thành tích là nhóm để biểu dương, nêu gương những kết quả thực tế tốt đẹp. Điều đó động viên cố gắng của người được nêu gương, thúc đẩy họ tiếp tục cố gắng. Mặt khác thành tích của người này còn là “cú hích” cho người khác cùng “chạy đua” để tiếp tục đi lên. Rõ ràng, thành tích là điều tốt đẹp và nó cũng mang lại những điều tương tự cho cuộc sống.
Tuy nhiên, khi đặt trước từ “thành tích” một chữa “bệnh” - bệnh thành tích thì vấn đề đã khác. Bởi từ “bệnh” không gợi đến điều gì tốt đẹp. “Bệnh thành tích” là thói a dua, là chỉ chăm lo đến vẻ bề ngoài nhằm được tuyên dương khen thưởng nhưng thực chất bên trong vấn đề không đạt mong muốn. Nói khác đi, bệnh thành tích là tên gọi của sự không phù hợp giữa hình thức và bản chất: hình thức rất hào nhoáng, sáng bóng, lẫy lừng nhưng bản chất thì xuống cấp, gỉ sét, cong vênh.
Bệnh thành tích đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội, đục sâu lan rộng vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Trong giáo dục, bệnh thành tích còn được gọi là bệnh hình thức. Có những trường vì thành tích mà luôn cố gắng tập trung luyện “gà” - luyện học sinh giỏi, tạo mọi điều kiện để các em có thời gian tập trung học môn mình thi nhằm đạt kết quả cao mang vinh dự cho trường. Hay trong mỗi kỳ thi tốt nghiệp, có những trường huy động giáo viên cùng làm với học sinh rồi ném bài cho các em. Trong các cơ quan, công ty, nhà máy... bệnh thành tích nằm ở những bản báo cáo được mài cho nhẵn viết cho đẹp. Trong thực tế người ta không màng đến chất lượng, chỉ chạy theo số lượng để đạt chỉ tiêu. Họ chỉ sung sướng khi nghe đến những con số 100%, 99%... Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước, trường nào chỉ đạt 95%, 96% là đã lo lắng căng thẳng rồi. Nhưng một hai năm trở lại đây khi công tác kiểm tra, giám sát được thắt chặt hơn, trung bình cả nước chỉ đỗ khoảng 60% – 70%.
Rõ ràng kết quả xa nhau, nó phản ánh thực tế chất lượng giáo dục trong một thời gian dài bị o bế, làm nhiễu. Bệnh thành tích sẽ để lại hậu quả vô cùng tai hại. Trước hết, nó khiến mỗi cá nhân tổ chức không hiểu rõ về thực lực của mình, tự mãn về thành tích, không có xu hướng vận động phát triển. Bệnh thành tích do đó tiếp tục “được” duy trì, phát triển. Dần dần nó sẽ ăn sâu, đeo bám vào tư tưởng, lối sống cách thức làm việc của xã hội, làm cho chất lượng thực bị bỏ bê, xuống dốc, chỉ có cái vẻ bề ngoài là hào nhoáng, đẹp đẽ. Nó thực chẳng khác nào một trái bí đỏ bị thối rữa bên trong. Dân gian ta nhắc nhở nhau tốt gỗ hơn tốt nước sơn vì sơn có thể tróc nhưng gỗ không được phép mục, gỗ mục sẽ làm sụp đổ cả một hệ thống quan trọng. Nhưng bệnh thành tích đã làm đảo lộn truyền thống đạo lý ấy và mỗi hệ thống xã hội đang có nguy cơ lung lay, suy sụp vì chất gỗ bên trong đang mối mọt dần.
Bệnh thành tích gây hại cho mọi ngành nghề, lĩnh vực. Và hậu quả dễ thấy nhất, tai hại nhất thể hiện ở ngành giáo dục. Có những trường lớp, vì thành tích mà cho học sinh lên lớp hàng loạt, bất chấp kết quả thực tế. Hậu quả là hàng trăm học sinh ngồi nhầm lớp, nhầm trường. Có em đã học lớp 7 mà chưa đọc thông viết thạo! Cũng vì thành tích mà các thầy cô “cấy điểm” cho học sinh giỏi ở những môn các em không thi học sinh giỏi, giúp các em tập trung ôn luyện cho thi cử. Và hàng trăm học sinh sa vào tình cảnh đạt giải học sinh giỏi quốc gia nhưng trượt tốt nghiệp, trượt đại học... Hậu quả trực tiếp học sinh là người gánh chịu. Nhưng hậu quả lâu dài là tương lai đất nước phải chấp nhận sự thui chột về đạo đức, tài năng của nhiều thế hệ.
Bệnh thành tích có căn nguyên sâu xa từ một thói xấu của con người: thói ghen ăn tức ở, “con gà tức nhau tiếng gáy”. Thấy cá nhân, đơn vị khác được nêu gương, cá nhân đơn vị mình cũng muốn được như vậy. Song, thay vì tập trung nâng cao chất lượng họ lại đốt cháy giai đoạn, đánh bóng hình thức để được tuyên dương. Nhưng công bằng mà đánh giá, bệnh cũng có nguyên nhân từ những sai lầm trong công tác quản lý tổ chức của nhiều cấp, ngành: trọng giấy tờ, hình thức, không gần gũi sâu sát thực tế và chỉ tiêu hoá, kế hoạch hóa cao độ mọi vấn đề thi đua. Bởi vậy, các tổ chức, cá nhân chỉ cốt lo sao cho bản báo cáo, cuốn sổ của mình được sạch sẽ đẹp đẽ. Rồi lo sao để chỉ tiêu kế hoạch trên giao ta “trăm phần trăm” hoàn thành.
Rõ ràng, để xảy ra căn bệnh ấy lỗi thuộc về tất cả chúng ta. Nhận rõ hậu quả của bệnh thành tích, xã hội cần đẩy mạnh công cuộc loại trừ nó. Các nhà lãnh đạo cần kiểm tra, giám sát sát sao hơn hoạt động của các tổ chức cá nhân trực thuộc, đồng thời điều chỉnh hệ thống, cơ chế quản lý tổ chức. Các cơ quan đoàn thể vì tương lai bản thân xóa bỏ bệnh hình thức để đi vào chất lượng thực tế. Chỉ khi nào làm được điều đó, xã hội ta mới thực sự trong sạch và đi lên.
Như vậy, cuộc vận động: “Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” là vô cùng cần thiết đối với xã hội hôm nay. Mỗi công dân hãy ý thức được tác hại to lớn của “bệnh thành tích” trong giáo dục để tránh xa căn bệnh này.
Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục - mẫu 3
Trong cuộc sống này có ai không thích thành tích tốt, mình được khen ngợi, thế nhưng bản thân mỗi người cần nhận thức được thành tích thật sự là như thế nào. Ngày nay chỉ cần có được một thành thích tốt người ta bất chấp mọi thứ, chạy theo thành tích ảo, bằng những thứ không đúng sự thật. Có lẽ vì đó mà căn bệnh thành tích ngày càng lây lan và đang gây ra những tác hại không nhỏ với sự phát triển xã hội.
“Bệnh thành tích” được hiểu là con người luôn muốn mình có một thành tích tốt đẹp, bất kể có phải là thành tích thật hay không. Vì điều đó họ sẵn sàng làm mọi điều kể cả những gian lận, những việc trái với đạo lý. Nó ăn vào tâm trí họ như một căn bệnh.
Khi xã hội ngày càng phát triển thì thành tích là điều rất đáng để được công nhận. Thế nhưng cũng thật đáng buồn khi xã hội ngày càng phát triển, những nỗ lực, cố gắng để đạt một thành tích tốt đẹp của con người lại trở thành một căn bệnh đang là mối đe dọa trong xã hội.
Một biểu hiện dễ thấy nhất đó là bệnh thành tích trong giáo dục. Các thầy cô muốn thành tích cao cho trường, cha mẹ muốn thành tích tốt cho con mình. Khi còn đương nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông Nguyễn Thiện Nhân đã từng nói: “Các thầy cô, các trường ham muốn thành tích bằng kết quả thi cử cao và hàng chục triệu phụ huynh, gia đình học sinh chính là đồng tác giả của bệnh thành tích”.
Phụ huynh muốn con em mình điểm cao mà sẵn sàng đưa tiền bồi dưỡng các thầy cô. Thầy cô vì muốn học trò được điểm cao lấy thành tích cho trường mà mua chuộc giám thị. Chúng ta biết rằng kết quả thi cử của học sinh sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên và nhà trường. Từ đó nếu có một kết quả thi tốt của học sinh, thầy cô sẽ được khen thưởng, nâng lương… Và những phụ huynh học sinh cũng có được một bảng điểm đẹp cho con em mình. Ai cũng được lợi. Bên cạnh những phụ huynh thực sự muốn con em mình đi lên bằng chính sức lực của chúng không ít những phụ huynh vẫn đang tìm mọi cách giúp con có một bảng điểm đẹp, với hy vọng con có một tương lai tươi sáng sau này. Điều đó từ sâu xa đều xuất phát từ lòng thương con của cha mẹ. Ai mà không muốn con mình có một tương lai tốt đẹp hơn. Cứ tới mỗi kỳ thi, chúng ta lại bắt gặp những cuộc trò chuyện như “Đã lo chỗ nào chưa?”, “Đã đi thầy/cô này chưa?”… Chính tình thương quá đáng của bậc cha mẹ đã vô tình trở thành công cụ cho bệnh thành tích ngày càng lây lan rộng hơn.
Chúng ta hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng đều đọc được những bản tin như học sinh ngồi nhầm lớp, học sinh lớp 6 vẫn chưa thuộc hết bảng cửu chương, chưa đọc thông viết thạo vậy mà các em vẫn được lên lớp đều đều. Chúng ta hẳn thấy thật chua xót khi sau mỗi năm thi đại học, cao đẳng lại xuất hiện những bài thi được chép kín những mặt giấy nhưng hoàn toàn không đúng nội dung đề bài. Sau mỗi ngày thi, sân trường phủ kín bằng phao trắng xóa. Hình ảnh thật xót xa.
Bệnh thành tích trong giáo dục đã trở thành một căn bệnh khó chữa. Nó không chỉ là căn bệnh của ngành giáo dục mà nó còn xuất hiện trong các lĩnh vực khác của xã hội nữa. Bệnh thành tích không còn giới hạn ở một con người cụ thể, một lĩnh vực riêng lẻ nào. Nhớ trước đây số xã nghèo ở nước ta chỉ khoảng 1700. Sau khi có các chương trình của Chính phủ, hỗ trợ tiền để xóa nghèo thì rất nhiều địa phương đã đăng ký thoát nghèo. Để rồi khi báo chí vào cuộc phanh phui thì vẫn có hàng trăm hộ trong tình trạng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc mà đã được thoát nghèo. Âu cũng là bệnh thành tích mà ra.
Cấp trên thích nghe thành tích tất nhiên sẽ có cấp dưới tạo ra những thành tích ảo. Từ nhỏ thành lớn, từ ít đến nhiều, căn bệnh thành tích từ đó ngày càng lây lan rộng. Những câu chuyện về những công trình, dự án trên giấy, vấn đề giải quyết việc làm, câu chuyện xóa đói giảm nghèo… với những báo cáo xa rời thực tế là vấn đề muôn thuở.
Bệnh thành tích gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội. Nó sẽ làm mất đi sự trung thực, niềm tin và sự phát triển của xã hội. Chúng ta đều biết rằng một xã hội muốn phát triển thì cần có nhân tài, mà nhân thì phải tài thực sự, có năng lực thực sự. Trong cuộc sống hiện đại nếu bạn không có năng lực thực sự thì sẽ không thể có một chỗ đứng. Căn bệnh thành tích khiến cho người ta chỉ xem trọng lượng mà không có chất. Một tập thể mắc bệnh thành tích sẽ cho ra những sản phẩm không có giá trị. Bệnh thành tích khiến người ta dễ ảo tưởng, lọc lừa dối trá. Dần dần họ sẽ thoái hóa nhân cách, đánh mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp của bản thân.
Người xưa có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã cho thấy rõ một điều rằng con người ta quan trọng chất lượng chứ không thể lấy cái bề ngoài, cái số lượng để đánh giá giá trị của một vấn đề. Căn bệnh thành tích ngày nay đã đảo lộn mọi giá trị tốt đẹp ấy, đã phá vỡ đi những truyền thống văn hóa của dân tộc. Căn bệnh ấy sẽ khiến những cá nhân tự mãn về bản thân, cho mình luôn giỏi giang nhưng thực chất là không phải. Và ảo tưởng thì thường sẽ không có thật, không thể tồn tại lâu dài.
Do đó chúng ta cần có những biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh này. Các bộ, ngành và cơ quan chức năng cần có những cuộc thanh tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những thành tích ảo. Nếu cố ý vi phạm thì cần có biện pháp xử lý đích đáng. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường những biện pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của mỗi người cần tránh xa và đẩy lùi căn bệnh này. Thiết nghĩ rằng dù nó là căn bệnh có tính lây lan nhưng có để mình bị lây hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Chúng ta cần phải là những người có lòng tự trọng, có nhân cách và đó mới là điều cần lan tỏa trong xã hội này.
Đất nước chúng ta đang trên đường hội nhập và phát triển, mỗi người cần tự khẳng định được giá trị của bản thân mình để giành lấy một chỗ đứng nhất định. Nhưng không thể vì điều đó mà bất chấp để có thành tích. Chúng ta cần đi lên bằng chính khả năng của bản thân mình. Chắc chắn đó không phải là một điều quá khó khăn nếu như chúng ta luôn có tự trọng và giữ đúng nhân cách của mình.
Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục - mẫu 4
Thành tích là kết quả có thể đánh giá được của nỗ lực con người. Kết quả không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước.
Theo định nghĩa đó, nỗ lực đạt thành tích của một cá nhân hay một tập thể là một phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương và nhân rộng. Hãy tưởng tượng một xã hội mà trong đó mọi thành viên đều nỗ lực để đạt những thành tích cao hơn trên các lĩnh vực hoạt động: thể thao, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, sản xuất, thương mại, công nghệ... sẽ đem lại lợi ích cho cá nhân và cho cả cộng đồng. Xã hội đó chắc chắn tiến bộ, nền kinh tế nước đó chắc chắn phát triển, nhân dân nước đó chắc chắn giàu có, quốc gia đó chắc chắn cường thịnh.
Nhưng đến khi nào thì những nỗ lực đạt thành tích, một phẩm chất tốt cần thiết của mỗi thành viên trong xã hội, lại trở thành một bệnh, mà ngày chúng ta gọi tên nó là bệnh thành tích? Suy cho cùng, nếu diễn dịch bằng thuật ngữ thông thường, sự khác nhau căn bản giữa thành tích và bệnh thành tích chỉ là sự khác nhau giữa hàng thật và hàng giả, hàng nhái. Và yếu tố then chốt làm nên sự khác biệt đó chính là sự có mặt hay không của lòng trung thực.
Điều lo ngại chung hiện nay là căn bệnh thành tích đang lan tràn trong ngành giáo dục của nước ta. Không phải chỉ lây nhiễm cho một bộ phận những người công tác trong ngành mà còn cho nhiều gia đình trong xã hội. Tiêu cực trong thi cử cũng gắn liền với bệnh thành tích trong giáo dục. Hành vi này xuất phát từ chính lòng ham muốn đạt được thành tích mà không phải cố gắng học tập, làm việc.
Tuy nhiên, muốn khắc phục căn bệnh nguy hiểm này, có nhiều vấn đề được phân tích thêm và làm sáng tỏ. Tại sao các trường và các thầy cô ham muốn kết quả thi cao? Phải chăng vì kết quả cao đó - dù là kết quả không phản ánh đúng thực chất - là tiêu chí được Sở hay Bộ sử dụng để đánh giá thành tích điều hành và giảng dạy của Ban giám hiệu, các thầy cô? Phải chăng với thành tích được đánh giá cao theo cách đó, chắc chắn ban giám hiệu và thầy cô sẽ có lợi là nâng lương, khen thưởng và tiếp tục “sự nghiệp” nhân lên căn bệnh thành tích? Và nếu tất cả các trường trên cả nước đều có những kết quả xuất sắc tương tự, phải chăng Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ được đánh giá là có thành tích tốt trong công tác điều hành giáo dục trên cả nước?
Tại sao các phụ huynh muốn con em có điểm cao hơn thực chất. Ở đây cũng cần có hai cách nhìn: thực chất và tác dụng. Xét về thực chất, không có phụ huynh học sinh nào muốn con em mình là học "giả". Họ là những người đã bỏ ra tiền thật, công sức thật, thời gian thật và hy vọng thật về một tương lai tốt đẹp thật của con em mình. Không có lý do gì họ lại mong muốn nhận được một môn hàng giả. Tuy nhiên, đứng trên điểm thực dụng, họ sẵn sàng làm mọi cách, kể cả những cách tệ hại nhất chúng ta đã được biết để con em họ qua được các kỳ thi, có một tấm bằng. Như vậy, suy cho cùng, phụ huynh học sinh và học sinh chính là nạn nhân của bệnh thành tích hơn là "đồng tác giả”. Khi sự lây nhiễm của bệnh thành tích đã thành phổ biến, làm gì có ai được miễn dịch? Cuối cùng, không có ai khác là xã hội phải gánh chịu rủi ro. Một sự lãng phí nghiêm trọng về thời gian và tiền bạc, hậu quả của bệnh thành tích. Khi nguồn nhân lực thiết yếu cho sự phát triển kinh tế bị méo mó nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng. Các doanh nghiệp đành phải chấp nhận “hàng giả” lẫn lộn với “hàng thật” và phải thêm ngân sách để đào tạo và đào tạo lại sau khi tuyển dụng, bệnh thành tích là hậu quả của chủ nghĩa hình thức và chính nó là mẹ đẻ của bệnh sao chép, học thuộc lòng. Với bệnh thành tích, các phương pháp đánh giá, kiểm tra kết quả học tập trở nên dày đặc, nặng nề, phức tạp nhưng mang tính chất rập khuôn, không có chỗ dành cho sự sáng tạo của người. Hơn nữa, hàng rào thì có quá nhiều và tập trung càng làm nặng thêm tinh thần học tủ, học rập khuôn, sao chép của học sinh.
Chúng ta đều nhận thức rõ ràng, một xã hội muốn phát triển tiến bộ phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người thực học, được tiếp thu những kiến thức và các phẩm chất đạo đức tinh hoa của nhân loại và của dân tộc thông qua hệ thống giáo dục của cộng đồng. Giáo dục chính là xuất phát điểm, là nơi sản sinh ra nguồn năng lực cho sự cường thịnh của một nước, một cộng đồng dân tộc. Một nền giáo dục tốt và thành thục sẽ tạo nên những con người đạt những thành tích tốt và trung thực. Những thành tích tốt và trung thực sẽ tạo nên những bước tiến mạnh mẽ cho cộng đồng dân tộc trên con đường phát triển.
Đất nước chúng ta đang tiến bước trên con đường đổi mới, mở cửa, hội nhập và tranh đua với thế giới để giành lấy một vị trí xứng đáng trên hành tinh. Đất nước này có cường thịnh hay không tùy thuộc vào việc nền giáo dục của chúng ta có đổi mới để có thể sản sinh ra những nhân tài thực học hay không. Trên tiến trình đổi mới giáo dục bệnh thành tích phải được xóa bỏ. Đó không phải là một việc quá khó, nhưng chắc chắn cũng không dễ dàng.
Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục - mẫu 5
Trong cuộc sống đang bộn bề, biến chuyển hằng ngày như hiện nay thì xã hôi, đất nước đang cần đến một lực lượng thanh niên học sinh giỏi giang, tài đức.Ngay từ bây giờ, học sinh được xem là những mầm non tương lai, là người kế thừa công cuộc phát triển đất nước đang ra sức học tập, rèn luyện hết sức mình. Nhưng trái lại bên cạnh đó, lại có một số học sinh đang học không đúng với khả năng của mình, và điều này đã tạo điều kiện cho một “ căn bệnh” xâm nhập vào học đường hoành hoành, gây xôn xao ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Đó chính là bệnh thành tích trong giáo dục cùng với những tiêu cực trong thi cử.
Thành tích là kết quả có thể đánh giá được của nỗ lực con người. Kết quả đó không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để đạt thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết sức mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước.
Theo định nghĩa đó, nỗ lực đạt thành tích của một cá nhân hay một tập thề là một phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương và nhân rộng. Hãy tưởng tượng một xã hội mà trong đó mọi thành viên đều nỗ lực để đạt những thành tích cao hơn trong các lĩnh vực hoạt động: thể thao, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, sản xuất, thương mại, công nghệ… vì lợi ích cho mình và cho cả cộng đồng. Xã hội đó chắc chắn tiến bộ, nền kinh tế nước đó chắc chắn phát triển, đời sống nhân dân nước đó chắc chắn giàu có, quốc gia đó chắc chắn cường thịnh. Nhưng đến một lúc nào đó, khi chính những nỗ lực đạt thành tích, một phẩm chất tốt và cần thiết của mỗi thành viên trong xã hội lại trở thành một căn bệnh, mà ngày nay chúng ta gọi nó là bệnh thành tích.
Điều lo ngại chung hiện nay là căn bệnh thành tích đang lan tràn trong ngành giáo dục của nước ta, không phải chỉ lây nhiễm cho một bộ phận những người công tác trong ngành mà còn cho nhiều gia đình trong xã hội. Với bệnh thành tích, các phương pháp đánh giá, kiếm tra kết quả học tập trở nên dày đặc, nặng nề, phức tạp nhưng lại mang tính chất rập khuôn, không có chỗ dành cho sự sáng tạo của học sinh, sinh viên. Xét từ phía ngành giáo dục, thành tích giáo dục là thước đo sự thành công trong nghề nghiệp của giáo viên nói riêng, của nhà trường và địa phương nói chung. Đáng tiếc thay, trong thời gian qua, chính ngành giáo dục lại “thiết kế” ra thước đo trên bằng các chỉ tiêu giáo dục khô cứng. “Bệnh thành tích giáo dục” chính là việc nhà trường và địa phương cố gắng đạt được các chỉ tiêu giáo dục bằng mọi giá. Chúng ta đều nhận thức rõ ràng rằng một xã hội muốn phát triển tiến bộ phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người có chân tài thực học, được tiếp thu những kiến thức và các phẩm chất đạo đức tinh hoa của nhân loại và của dân tộc thông qua hệ thống giáo dục của cộng đồng. Giáo dục chính là điểm xuất phát, là nơi sản sinh ra nguồn năng lực cho sự cường thịnh của một nước, một cộng đồng dân tộc. Một nền giáo dục tốt và trung thực sẽ tạo nên những con người đạt những thành tích tốt và trung thực. Những thành tích tốt và trung thực sẽ tạo nên những bước tiến mạnh mẽ cho cộng đồng dân tộc trên con đường phát triển.
Cuộc vận động “Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục'' ngay từ khi mới phát động đã được xã hội quan tâm, nhân dân đồng tình hưởng ứng. Bởi ai cũng biết rằng, nếu cứ để ''nạn tiêu cực trong thi cử'' hoành hành và ''bệnh thành tích trong giáo dục'' trở thành một căn bệnh ''mãn tính” thì sẽ dẫn đến lãng phí thời gian, sức lực, tuổi đời của học sinh; lãng phí tiền bạc, công sức chăm sóc con cái của phụ huynh; của thầy cô và lãng phí của cải xã hội. Điều đó sẽ là hệ quả tất yếu của những suy thoái đạo đức trong học sinh; đạo đức trong quan hệ thầy, trò và sẽ góp phần làm suy thoái những mối quan hệ xã hội khác. Cuộc vận động này là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt. Điều đáng mừng là nhân dân, xã hội đều quyết liệt tham gia chống lại những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, sẵn sàng lên tiếng phê phán những cá nhân hoặc tổ chức có thái độ không hưởng ứng. Sự khởi đầu tốt đẹp báo hiệu sự thành công của một cuộc vận động mang tính nhân văn sâu sắc.
Trên tiến trình đổi mới giáo dục, bệnh thành tích phải được xóa bỏ. Đó không phải là một việc quá khó, nhưng chắc chắn cũng không dễ dàng. Điều trước nhất là phải thay đổi từ những sai phạm của ngành giáo dục, phải kiên quyết thực hiện cuộc vận động đã đề ra, vì đó sẽ làm gương để thế hệ trẻ ngày nay tin tưởng và noi theo. Học sinh chúng ta, ngay từ bây giờ phải hết mình phấn đấu học tập bằng chính bản thân, tuyệt đối nói không với tiêu cực trong thi cử đồng thời giúp sức với nhà trường khuyên bảo va ngăn chặn các hành vi tiêu cực ấy.
Đất nước chúng ta đang tiến bước trên con đường đổi mới, mở cửa, hội nhập và tranh đua với thế giới đề giành lấy một vi trí xứng đáng trên hành tinh này. Cuộc đấu tranh kinh tế sắp đến rất quyết liệt và mang tính chất thắng bại sinh tử không khác gì trên thao trường hay trên võ đài. Ở đó, một võ sĩ chỉ chỉ có thể chiến thắng đối chủ bằng tài năng thực sự của chính mình, không phải vì bất kì văn bằng chứng nhận đẳng cấp cao hơn nào. Đất nước chúng ta sau này có cường thịnh hay không tùy thuộc vào việc nền giáo dục của chúng ta có đổi mới để có thể sản sinh ra những chân tài thực học hay không. Vì vậy, chúng ta hãy cùng chung tay góp sức để đẩy lùi những tiêu cực và bệnh thành tích ấy, để đưa nước Việt Nam ta ngày càng phát triển vững mạnh.
Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục - mẫu 6
Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đề cập rất nhiều đến một vấn đề nóng bỏng trong giáo dục. Nó đang từng ngày, từng giờ gây ra những tác hại không hề nhỏ đối với sự phát triển của xã hội. Đó là hiện tượng “tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Đứng trước những tác hại ghê gớm của hiện tượng này, Bộ Giáo dục đã phát động phong trào: “Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
“Những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” là gì? Tại sao “thành tích” lại được gọi là bệnh? Câu hỏi ấy đã gây cho không ít băn khoăn, suy nghĩ. Có thể nói “tiêu cực trong thi cử” là những hành vi gian lận, vi phạm các quy chế thi (quay cóp trong giờ kiểm tra,chép bài của nhau,…). “Bệnh” hiểu theo nghĩa thông thường chính là virut, vi khuẩn làm cho trạng thái cơ thể hoặc bộ phận cơ thể hoạt động không bình thường. Còn “thành tích” chính là kết quả tốt đẹp do một cá nhân, hay một tập thể làm ra, được mọi người công nhận và đánh giá cao. Nhưng nếu chạy theo “thành tích”, bất chấp thủ đoạn, bỏ qua chất lượng thì “thành tích” lại là một căn “bệnh”, một tệ nạn cực kỳ nguy hiểm. Thật tiếc là trong xã hội hiện nay, lại có rất nhiều người mắc phải căn bệnh này.
Hiểu được bản chất của “những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, nhưng mấy ai biết được nó bắt nguồn từ đâu? Nguyên nhân sâu xa của nó chính là do những thói “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ” mà từ ngày xưa, người lao động đã chê cười, phê phán. Những học sinh không chú ý nghe giảng, lười học bài, lười làm bài tập nên khi đến kỳ thi thì không biết gì cả, không làm được bài rồi lại dở trò quay cóp, gian lận, chép bài của nhau. Giám thị thấy thế không những không nhắc nhở, cảnh cáo, lập biên bản mà còn tiếp tay cho học sinh, dặn học sinh im lặng mà chép cho nhanh. Những việc làm gian lận của học sinh cùng với sự tiếp tay của giám thị đã làm cho kết quả cao lên vượt trội. Đó chỉ là “thành tích” dối trá, thực chất những học sinh đó lại chẳng biết gì. Việc làm gian lận ấy đã nhanh chóng bị thanh tra phát giác và không chỉ giám thị mà còn cả học sinh đó đều bị kỷ luật. Bên cạnh đó, có trường thì lại rất nghiêm túc, coi thi rất chặt chẽ. Vì thế mà học sinh không làm được bài, kết quả rất thấp. Trước sự việc này, nhiều giáo viên, nhiều trường lại ngấm ngầm nâng điểm học sinh để ít nhất là đạt chỉ tiêu đặt ra. Những hành vi ấy, những trường hợp ấy đã dần lan tỏa khắp nơi và do đó mà “bệnh thành tích” xuất hiện.
Xung quanh chúng ta những biểu hiện của “ bệnh thành tích trong giáo dục, tiêu cực trong thi cử” nhiều không kể hết. Trong giáo dục từ cấp thấp đến cấp cao đều mắc phải căn bệnh này. Nhiều trường tiểu học ở vùng sâu vùng xa, hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp” khá phổ biến cho nên mới có chuyện cười ra nước mắt. Nhiều học sinh lớp bốn viết chữ chưa thành thạo, chưa thuộc hết bảng cửu chương, một phép tính đơn giản cũng không tính được. Ở các thành phố lớn, vì “bệnh thành tích” mà Ban Giám hiệu nhà trường sẵn sàng “thổi phồng” tỷ lệ học sinh khá giỏi lên tới con số đáng ngờ là 90%, trong khi thực tế lại thấp hơn rất nhiều. Có trường hợp kỳ quặc hơn là không cho học sinh yếu kém lưu ban vì sợ ảnh hưởng đến “thành tích” của trường và “uy tín” của Ban Giám hiệu. Trong các kỳ thi hết cấp, cũng vì “bệnh thành tích” mà nhiều học sinh “đỗ oan”; do đó, càng học lên cao càng đuối. Có trường hợp một số giám thị trường này chấm thi chéo đã cố ý hạ điểm của học sinh trường kia với mục đích để tỷ lệ đỗ của trường kia kém hơn trường mình. Sự giả dối kéo dài đã dẫn đến một thực tế đáng buồn là chất lượng học tập của học sinh ngày càng đi xuống.
Gần đây nhất, trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa qua, cả nước có 72 thí sinh và 02 cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi. Con số này, tuy có giảm so với năm trước, song nó vẫn đang từng ngày gây nhiều bức xúc dư luận, đồng thời hạ uy tín, chất lượng của ngành Giáo dục. Và cách đây sáu năm, đúng vào mùa thi tốt nghiệp, tuyển sinh, đã có một sự việc xảy ra gây bức xúc lớn trong dư luận và là vết nhơ rất nghiêm trọng của ngành Giáo dục. Đó là, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, trường THPT Đồi Ngô, Bắc Giang đã gian lận trong thi cử và có học sinh đã ghi lại được hình ảnh gian lận của những học sinh đó. Những hình ảnh ấy được tung lên mạng Internet, ngay lập tức thanh tra đã xuống kiểm định lại hành động gian lận đó. Không chỉ học sinh bị kỷ luật mà còn cả giám thị, giáo viên, cán bộ coi thi cũng bị kỷ luật. Cũng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT Vân Nham, Hữu Lũng, Lạng Sơn năm 2012, rất nhiều học sinh thi môn Toán chỉ được 0.25 điểm. Có những học sinh xếp loại học lực giỏi ở cấp THCS, nhưng khi đi thi kết quả điểm môn Toán cũng chỉ đạt vẻn vẹn 2.0 điểm. Không hiểu sao cái “thành tích” học lực giỏi ấy là như thế nào. Phải chăng, đó chỉ là bộ mặt của trường còn chất lượng thì chẳng ra đâu vào đâu. Trở lại những năm trước nữa, vào tháng 10 năm 2007, trên thời sự có đưa tin ở một số trường THCS, học sinh lớp 7 không biết đọc, biết viết. Đọc, viết là những điều căn bản trong suốt 5 năm học Tiểu học, vậy mà không biết thì làm sao các học sinh đó có thể lên lớp, có thể tốt nghiệp được. Tất cả cũng chỉ vì “bệnh thành tích” mà ra. Giáo viên lo cho đạt chỉ tiêu tốt nghiệp 100%, phụ huynh học sinh lo chạy chọt, ăn điểm để lên lớp. Cứ như thế thì làm sao giáo dục có chất lượng được. Ngay khi chính sách “3 không” được Nhà nước ban hành một cách quyết liệt, thì hiện tượng ấy vẫn cứ diễn ra và ngày càng nặng hơn.
Biểu hiện của “bệnh thành tích trong giáo dục, tiêu cực trong thi cử” không chỉ xuất hiện đối với học sinh, giáo viên, cán bộ ở cấp Trung học, Tiểu học mà nó còn xuất hiện đối với sinh viên, giảng viên, cán bộ ở cấp Đại học, sau Đại học. Hiện tượng sinh viên Đại học không lo học hành, lười biếng, chỉ chăm chăm ăn chơi, sa vào các tệ nạn tìm mọi cách lót phong bì mỗi mùa thi cử rất phổ biến. Việc sinh viên lo lót phong bì để qua môn, để điểm cao và việc giảng viên nhận lời giúp những sinh viên đó dường như đã trở thành truyền thống. Những việc làm ấy đã cho ra đời những lứa cử nhân, kỹ sư kém cỏi và đang từng ngày là gánh nặng cho xã hội, cho đất nước. Và thời sự đã từng đưa tin có một vài trường hợp bản thân là một bác sỹ học y những 6 năm nhưng chuyên môn nghề nghiệp lại vô cùng kém. Thử hỏi một bác sỹ như vậy liệu có ích hay không, hay lại là gánh nặng, là vết nhơ cho xã hội. Rồi những mùa tuyển công chức, có rất nhiều hồ sơ ứng tuyển với rất nhiều ứng viên sáng giá, tiềm năng. Việc thi tuyển vẫn diễn ra bình thường, nhưng ít ai biết được rằng những xuất công chức đó đã nằm chắc trong tay những người có đôi ba trăm triệu mặc cho điểm chác thế nào. Điều đó đã làm cho một số người ngậm ngùi khóc trong khi điểm rất cao. Thật thất vọng khi có những đối tượng “tiêu cực” như vậy.
Hay những cán bộ thi tuyển rồi học thạc sỹ, tiến sỹ…. Có rất nhiều trường hợp là thạc sỹ, tiến sỹ “giấy". Bởi lẽ danh hiệu đó là kết quả của việc học bằng tiền, bằng quan hệ; thuê viết luận án, luận văn. Phải chăng, những danh hiệu trình độ đó cũng chỉ là cái “thành tích” rồi làm tiền đề, cơ sở để thăng chức, tăng lương; là cho đúng, cho đạt với chỉ tiêu của cơ quan, Nhà nước đề ra. Như vậy, chẳng khác gì đang làm cho ngành Giáo dục nước nhà đi xuống, làm hạn chế sự phát triển của xã hội…
Những “tiêu cực trong thi cử”, chạy đua theo “thành tích” gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Việc làm đó là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nó đã làm thái hóa nhân cách con người, thiếu trung thực, lừa mình, lừa người; tạo tâm lí học sinh ỷ lại, không phát huy được năng lực học tập, không có động lực học, không tiếp thu đựơc tri thức, ảnh hưởng đến chất lượng dạy- học; giáo viên dễ đánh mất lương tâm nghề nghiệp, không có động lực để dạy, không có sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học…. Đồng thời, nó còn ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống, cản trở sự phát triển của xã hội. Và nếu hiện tượng này không sớm chấm dứt thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới việc đào tạo nhân tài, đẩy chất lượng giáo dục Việt Nam tụt lại so với thế giới.
Đứng trước những nguy cơ, những hậu quả nghiêm trọng của hiện tượng ấy, chúng ta cần có biện pháp tích cực ngăn ngừa, từng bước đẩy lùi, chữa trị dứt điểm…. Muốn làm được điều đó, các cấp các ngành phải đồng bộ ra tay, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện những “tiêu cực”, những “thành tích” ảo. Đối với những kẻ cố tình sai phạm thì phải nghiêm trị. Mặt khác, cần giáo dục, tuyên truyền thường xuyên để nâng cao nhận thức của mỗi người về hậu quả mà “những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đã gây ra. Đồng thời, cần điều chỉnh, xây dựng và đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ phương án giáo dục hiệu quả nhất nhằm rèn luyện, phát huy năng lực tự học, bỏ đi tính ỷ lại của học sinh; quán triệt, khích lệ, động viên giáo viên làm việc đúng lương tâm, cố gắng tìm tòi phương pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học, thực hiện kiểm tra, đánh giá đúng năng lực của học sinh. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam, đưa giáo dục Việt Nam sánh ngang với cường quốc năm châu.
Chúng ta phải nhận thức rõ rằng “những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” là thói xấu, là hiện tượng tiêu cực cản trở quá trình phát triển của đất nước. Chúng ta phải khiêm tốn, học hỏi điều hay, điều tốt, vận dụng nó vào đời sống thực tiễn và có thái độ đúng đắn trong thi cử. Đặc biệt, hãy kiên quyết “nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Có như vậy, xã hội mới phát triển, đất nước ta mới có cơ hội sánh với các cường quốc trên thế giới.
Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục - mẫu 7
Năm học 2006 — 2007 là năm ngành giáo dục chúng ta thực hiện cuộc vận động chống bệnh thành tích trong giáo dục và chống tiêu cực trong thi cư. Có thể nói, đây là cuộc vận động thật sự có ý nghĩa với sự nghiệp giáo dục, với chiến lược đào tạo con người thật sự có tài, có đức.
Thực tế xót xa của giáo dục đào tạo trong những năm qua thực sự là một bài học xương máu cho cả người dạy và người học. Từ ý nghĩa của cuộc vận động này, mỗi học sinh chúng ta cần xác định cho mình mục đích, động cơ học tập đúng đắn. Phải ý thức rằng: học là để không ngừng tích luỹ, nâng cao kiến thức; học là để trở thành những người vừa có đức, vừa có tài. Học để sau này góp công, góp sức vào công cuộc dựng xây đất nước để đáp lại công lao của cha mẹ, cô thầy, để xứng đáng là chủ nhân của tương lai. Vậy nên, phải triệt để xoá bỏ việc học vì điểm, học đê chạy theo những danh hiộu ảo trong khi thực lực thì chẳng tương xứng với những danh hiệu đó. Muốn thế, việc thi cử buộc phải nghiêm túc từ khâu ra đề cho đến coi thi, chấm thi. Song, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác từ phía người học chúng ta. Học đến đâu, chắc đến đó. Tránh kiểu học tủ, học lệch, học vẹt… rất nguy hiểm, bấp bênh trong thi cử. Tránh tư tưởng ỷ lại vào sự trợ giúp từ tài liệu, bạn bè giỏi hơn hoặc đánh liều cho may rủi… Phải không ngừng rèn luyện tính trung thực trong học tập, trong kiểm tra, thi cử. Trung thực trong học tập sẽ là yếu tố kiểm chứng cao nhất cho thực lực của bản thân, tránh những ảo tưởng về mình. Và khi ta đã xác định được mình là ai, ta sẽ tìm được cho mình một vị trí thích hợp trong cuộc sống sau này. Lúc ấy, ta mới thật sự sống có ích cho xã hội: Bởi,, mỗi người hãy tâm niệm rằng: con đường lập nghiệp không phải chỉ có duy nhất mở ra từ cổng trường đại học. Nói xa để hiếu gần, trong những giờ kiểm tra trên lớp, những kì thi kết thúc học kì, những kì thi chuyển cấp, tuyển sinh, mỗi học sinh phải ý thức cao tinh thần, thái độ này. Như vậy là chúng ta đã góp phần tích cực để cuộc vận động giàu ý nghĩa ấy của ngành giáo dục và đào tạo thực sự có hiệu quả.
Vâng, để tránh bệnh thành tích trong giáo dục và tiêu cực trong thi cử, mỗi học sinh chúng ta phải biết trung thực với chính mình.
Xem thêm các bài văn mẫu lớp 12 được (siêu hay, ngắn) chọn lọc hay khác:
Phân tích tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc trong bài thơ Việt Bắc
Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến
Phân tích câu thơ Cha mẹ thương nhau nhau bằng gừng cay muối mặn
Sách VietJack thi THPT quốc gia 2025 cho học sinh 2k7:
- Giải Tiếng Anh 12 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Friends Global
- Lớp 12 Kết nối tri thức
- Soạn văn 12 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 12 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 12 - KNTT
- Giải sgk Vật Lí 12 - KNTT
- Giải sgk Hóa học 12 - KNTT
- Giải sgk Sinh học 12 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 12 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 12 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - KNTT
- Giải sgk Tin học 12 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 12 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 12 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 12 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 12 - KNTT
- Lớp 12 Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 12 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 12 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 12 - CTST
- Giải sgk Vật Lí 12 - CTST
- Giải sgk Hóa học 12 - CTST
- Giải sgk Sinh học 12 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 12 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 12 - CTST
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - CTST
- Giải sgk Tin học 12 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 12 - CTST
- Lớp 12 Cánh diều
- Soạn văn 12 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 12 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 12 Cánh diều
- Giải sgk Vật Lí 12 - Cánh diều
- Giải sgk Hóa học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Sinh học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 12 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 12 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 12 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 12 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 12 - Cánh diều