10+ Bài văn viết về kỉ niệm với mái trường (điểm cao)

Bài văn viết về kỉ niệm với mái trường điểm cao, hay nhất được chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh trên cả nước giúp bạn có thêm bài văn hay để tham khảo từ đó viết văn hay hơn.

10+ Bài văn viết về kỉ niệm với mái trường (điểm cao)

Quảng cáo

Dàn ý Bài văn viết về kỉ niệm với mái trường

1. Mở bài:

- Giới thiệu về mái trường – nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp của tuổi học trò.

- Nêu cảm xúc chung về những năm tháng gắn bó với trường học.

- Dẫn dắt vào một kỷ niệm đáng nhớ.

2. Thân bài:

a. Hoàn cảnh của kỷ niệm:

- Thời gian xảy ra (năm học nào, lớp mấy).

- Địa điểm (trong lớp học, sân trường, thư viện, phòng thí nghiệm, sân thể dục,...).

- Nhân vật liên quan (bạn bè, thầy cô, tập thể lớp,...).

b. Diễn biến kỷ niệm:

- Kể lại câu chuyện một cách chi tiết, có diễn biến rõ ràng.

- Đó có thể là một kỷ niệm vui (buổi liên hoan, hội thao, tham gia cuộc thi, giờ ra chơi đáng nhớ, trò đùa tinh nghịch với bạn bè) hoặc kỷ niệm buồn (chia tay thầy cô, bạn bè, mắc lỗi và được thầy cô dạy dỗ).

- Cảm xúc của bản thân trong khoảnh khắc đó (hồi hộp, vui vẻ, xúc động, tiếc nuối, hối hận,...).

Quảng cáo

c. Ý nghĩa của kỷ niệm:

- Bài học rút ra từ kỷ niệm ấy.

- Kỷ niệm đó giúp bản thân trưởng thành hơn như thế nào.

- Mối quan hệ với bạn bè, thầy cô được gắn kết ra sao sau sự kiện ấy.

3. Kết bài:

- Nhấn mạnh ý nghĩa sâu sắc của kỷ niệm đối với tuổi học trò.

- Bày tỏ sự trân trọng, yêu thương đối với mái trường.

- Mong muốn lưu giữ những kỷ niệm đẹp và hy vọng vào tương lai.

Bài văn viết về kỉ niệm với mái trường - mẫu 1

Thời gian trôi qua nhanh như cơn gió thoảng, nhưng những kỷ niệm về thầy cô và mái trường thân yêu vẫn luôn sống động trong tâm trí tôi. Mỗi buổi sáng, tiếng trống trường vang lên, hòa cùng tiếng cười đùa của bạn bè, đã trở thành âm thanh thân thuộc, nuôi dưỡng tâm hồn tôi qua từng ngày tháng.

Quảng cáo

Ngôi trường của tôi không chỉ là nơi học tập, mà còn là mái nhà thứ hai. Trong những ngày đầu tiên nhập học, tôi cảm thấy bỡ ngỡ, lạc lõng giữa dòng người tấp nập. Thế nhưng, ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã được đón nhận bằng nụ cười ấm áp của cô giáo chủ nhiệm. Cô không chỉ là người dạy chúng tôi chữ nghĩa, mà còn là người hướng dẫn, chăm sóc và dìu dắt chúng tôi qua những bước đi đầu đời. Những giờ học văn, cô luôn khơi gợi trong chúng tôi tình yêu với ngôn ngữ, dẫn dắt chúng tôi khám phá thế giới qua từng trang sách.

Một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên chính là ngày hội thể thao. Cả lớp tôi đã cùng nhau luyện tập, hăng say và quyết tâm. Những buổi chiều hè, dưới ánh nắng chói chang, chúng tôi hò hét, cổ vũ nhau, tất cả như hòa vào một nhịp đập chung. Cuối cùng, khi giành được huy chương vàng, không chỉ niềm vui mà còn là sự đoàn kết, tình bạn sâu sắc đã gắn bó chúng tôi lại với nhau. Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra rằng chiến thắng không chỉ đến từ nỗ lực cá nhân mà còn từ sự hỗ trợ và động viên của cả tập thể.

Quảng cáo

Ngoài những bài học trên lớp, những giờ ra chơi cũng để lại trong tôi nhiều dấu ấn. Hình ảnh những đứa bạn cùng nhau ngồi trên bậc thềm, chia sẻ từng mẩu chuyện nhỏ, những giọt nước mắt rơi khi có người phải chuyển trường, hay những tiếng cười khúc khích khi cùng nhau trêu đùa, tất cả đều tạo nên một bức tranh sống động về tình bạn. Đó là những khoảnh khắc vô giá mà tôi sẽ mãi mãi gìn giữ.

Cô giáo dạy Toán của tôi, một người phụ nữ nghiêm khắc nhưng cũng đầy tình cảm, đã dạy cho tôi không chỉ về các công thức, mà còn về sự kiên trì và quyết tâm trong cuộc sống. Cô từng nói: “Thành công không phải là đích đến, mà là hành trình.” Những lời dạy ấy đã theo tôi suốt những năm tháng trưởng thành, nhắc nhở tôi không bao giờ bỏ cuộc.

Rồi một ngày, khi phải nói lời tạm biệt, cảm xúc dâng trào trong lòng tôi. Ngôi trường này không chỉ là nơi tôi học tập mà còn là nơi tôi lớn lên, nơi tôi đã trải qua những tháng ngày tươi đẹp nhất của tuổi học trò. Mái trường ấy, những người thầy, người cô đã gieo vào tôi không chỉ kiến thức, mà còn cả những ước mơ và hoài bão.

Bây giờ, khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng những kỷ niệm ấy sẽ theo tôi suốt cuộc đời. Chúng như những ngôi sao lấp lánh, luôn soi sáng con đường tôi đi. Ngôi trường và những người thầy, cô không chỉ đơn thuần là ký ức, mà còn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi.

Tôi sẽ mãi ghi nhớ những kỷ niệm sâu sắc, những bài học quý giá từ mái trường mến yêu này, và chắc chắn rằng, trong tim mình, ngôi trường ấy sẽ luôn sống mãi.

Bài văn viết về kỉ niệm với mái trường - mẫu 2

Đối với tôi cuộc thi: "Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu" từ hai năm trước đã trở nên gắn bó và gần gũi thân thuộc. Năm 2018, Bộ giáo dục và Đào tạo phát động cuộc thi lần đầu tiên, tôi vẫn nhớ cái không khí hào hứng vui tươi và phấn khởi của các em học sinh trường tôi khi làm bài thi tham dự cuộc thi này. Rồi đến năm 2019, lần thứ hai cuộc thi được tổ chức vẫn là cái không khí ấy và nhìn những ánh mắt hạnh phúc của các em tôi càng nhận ra một điều, những ngày tháng dưới mái trường luôn là khoảng thanh xuân đẹp nhất của mỗi người vì nó cất giữ bao kỉ niệm của học trò cùng thầy cô, bè bạn, mái trường. Cuộc thi như trở thành một động lực để các em và những người làm nghề "gõ đầu trẻ" như tôi thấy yêu mến hơn trường lớp, yêu hơn nữa con đường đi, nghề nghiệp mà mình đã chọn lựa. Hai năm đó tôi không viết bài dự thi nào cho mình nhưng tôi vẫn luôn đồng hành cùng cuộc thi qua việc được đọc những bài của học trò mình viết. Khi thì các em viết và gửi cho tôi đọc bài với lí do: "Cô ơi, cô đọc bài viết của em đi cô bài em viết dự thi để tặng cô, đó là những kỉ niệm về cô đấy ạ". Khi lại là lí do: "Cô ơi, em gửi bài viết của em nhờ cô đọc và sửa giúp em một số lỗi dùng câu từ vì em không tìm ra được câu từ nào diễn đạt hay hơn, em thấy còn vụng về lúng túng lắm, đây là kỉ niệm em viết về cô giáo cũ của mình cô ạ." Cũng có năm là một cậu bé học trò lớp 6 vừa chuyển từ ngôi trường Tiểu học bước chân vào ngôi trường THCS của chúng tôi giờ ra chơi, em chạy lên bục giảng đầy hồn nhiên: "Con thưa cô, đây là bài dự thi của con cô sửa cho con lỗi sai chính tả". Cầm trên tay bài dự thi chỉ dài ba trang giấy a4 nhưng được em viết cẩn thận với kiểu luyện chữ viết đẹp nét thanh nét đậm cũng đủ cho tôi cảm nhận được lòng kính trọng của em với các thầy cô và tình yêu thơ văn đã như một ngọn lửa đang nhen nhóm trong lòng cậu học trò nhỏ bé ấy. Cứ như thế, tôi đọc bài của các em, cũng chỉ sửa cho các em lỗi sai chính tả và tôi cũng đã nói với các em: "Cô sẽ không sửa các chi tiết bởi cô muốn những gì các em viết là tình cảm thật, là cảm xúc thật của chính các em". Năm nay là năm thứ tư tôi lại tiếp tục đồng hành cùng cuộc thi nhưng lại là năm đầu tiên tôi viết một bài dự thi của chính tôi và cũng như các em học sinh của mình tôi viết đó là một lời tri ân chân thành sâu sắc nhất để gửi tặng tới một người mẹ thứ hai, một người đồng nghiệp - cô Trần Thị Bích Liên giáo viên ở ngôi trường THCS Lê Qúy Đôn mà những năm qua tôi đã đang công tác giảng dạy.

Kỉ niệm về cô đối với tôi có rất nhiều, 15 năm tôi tốt nghiệp ra trường được phân công về giảng dạy tuy chưa thật dài nhưng cô đã là người chỉ bảo, dạy dỗ ân cần và truyền đạt lại cho tôi những kiến thức, kinh nghiệm quý báu trong nghề. Tôi không quên được ngày đầu tiên khi tôi cầm giấy quyết định tới trường nộp để bắt đầu cho một hành trình dài cả cuộc đời tôi. Cũng chính ngày đầu tiên hôm ấy, tôi đã được gặp cô một người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp với nụ cười luôn rạng rỡ trên môi nhưng rất mạnh mẽ quyết đoán để cho tới tận ngày hôm nay tôi vẫn luôn nói với các anh chị đồng nghiệp của mình: "Em yêu lắm nụ cười của cô, em thích nhất mỗi khi cô cười bởi nụ cười ấy đầy ấm áp và yêu thương". Những ngày mới ra trường bao bỡ ngỡ với công việc giảng dạy và chủ nhiệm dù những điều đó tôi cũng đã được học qua các đợt kiến tập, thực tập tại trường Cao đẳng sư phạm. Để giúp tôi nhanh chóng hòa nhập cùng môi trường mới cô đã dự giờ góp ý cho tôi những phương pháp và một số nội dung bài dạy. Tôi càng cảm phục cô hơn bởi một giáo viên dạy môn Sinh Học nhưng lại có những hiểu biết về cả các môn xã hội của chúng tôi. Tôi thấy tôi như trưởng thành lên nhiều hơn với những góp ý ấy có của cô. Nghề dạy học sẽ trở nên vui hơn khi làm công tác chủ nhiệm, dù công việc chủ nhiệm đôi khi có nhiều vất vả và khó khăn. Thế nhưng có không ít lần tôi đã khóc như một đứa trẻ vì lớp chủ nhiệm của mình khi bị cô phê bình, nhắc nhở. Sau này tôi càng thấm thía những lần cô góp ý rồi có cả những lần cô mắng chửi ấy cũng chẳng qua là muốn tôi nên người, muốn tôi làm tốt được công tác kiêm nhiệm mà thôi.

Tôi vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình công nhân viên chức tuy nghèo khó nhưng tôi luôn được bao bọc bởi những yêu thương của bố mẹ do đó đôi khi tôi hay nản lòng trước những khó khăn. Có những việc trường lớp nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc nhưng khi nhìn thấy và chứng kiến những đam mê, nghị lực, lòng say mê nghề của cô khiến cho tôi càng thêm cố gắng. Năm học 2016-2017, tôi tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi môn Lịch Sử cấp Tỉnh, trước đó tôi cũng đã từng tham gia những lần hội giảng môn Văn và môn Sử cấp huyện. Các lần hội giảng huyện nhà tôi lại gần trường thi vì vậy việc đi lại chuẩn bị cho những tiết dạy không thật nhiều vất vả. Tham dự cấp tỉnh tôi phải ra Thành phố để dự thi trước ngày thi một ngày, xa gia đình, đi lại xa xôi những giây phút ngồi ôn lí thuyết rồi xem giáo án bài dạy đã có lúc tôi nghĩ hay mình bỏ cuộc. Nhưng tôi lại nhớ tới câu nói của cô: "Hội giảng là dịp để cháu học tập kinh nghiệm, phương pháp và cháu sẽ trưởng thành lên rất nhiều sau lần hội giảng Tỉnh. Cô cũng đã đi hội giảng Tỉnh và cô thấy việc cháu phải làm lúc này là cố gắng chuẩn bị cho mình một bài dạy thật tốt vượt qua được mọi khó khăn là cháu đã biết vượt lên chính mình". Rồi cô lại đưa ra cả những tấm gương giáo viên trường tôi đã từng vượt qua bao khó khăn và đã có những giờ hội giảng Tỉnh thành công như chị cô Tuấn, chị Oanh, anh Tiệp, chị Nga… để động viên tôi. Thế rồi ngày tôi dạy cũng đã đến, đó là một buổi sáng mùa đông đầy giá rét trời vừa mưa lại vừa lạnh ,tiết dậy của tôi là tiết thứ nhất. Dù đã chuẩn bị cho mình những tâm thế bình tĩnh nhưng một phần do thời tiết nên tôi thấy mình như run hơn nhiều. Tôi run vì rét và run vì bài dạy sắp tới của mình. Trời mùa đông nên dù đã gần 6h sáng nhưng trời vẫn còn tối vậy mà cô đã cùng với một số giáo viên trong trường cô Tuấn, chị Nga, chị Vân, em Ngọc, em Thủy đã có mặt tại trường thi THCS Hàn Thuyên thành phố Nam Định để cổ vũ tinh thần giờ dạy của tôi. Một chiếc khăn quàng cổ, ba chiếc áo khoác ấm đã được cô và mọi người mang ra cho tôi mặc. Tôi cũng biết để ra sớm như này mọi người đã đi từ 5h sáng để kịp ra chuẩn bị thêm cho tôi. Cô không quên dặn chị Nga giáo viên đi cùng cô dán cho tôi miếng dán giữ nhiệt để giữ ấm cho cơ thể và trang điểm một chút thật nhẹ nhàng thôi để lấy tự tin cho bài dạy của mình. Ba năm trôi qua, mỗi dịp có hội giảng là những kí ức ấy lại ùa về trong tôi như mới vừa diễn ra ngày hôm qua. Khó khăn của năm tháng ấy càng khiến tôi càng chân quý hơn những thành quả lao động mà mình đã tạo dựng nên ngày hôm nay.Tôi luôn nhớ buổi sáng mùa đông mưa rét ấy và cũng là một bài học để tôi dạy cho học trò mình trong cuộc sống nghị lực phấn đấu trước khó khăn là một điều cần mà các em cần phải học tập.

Có những việc làm, những câu nói của cô tuy không phải là kiến thức từ trong sách giáo khoa, qua các trang giáo án trên lớp nhưng nó lại là những bài học thật ý nghĩa và sâu sắc mà tôi đã được học từ cô. Năm 2017 là một mùa hè với cái nắng oi ả, lần thứ hai trường chúng tôi đã tổ chức chuyến đi từ thiện giúp đỡ người dân và học trò vùng cao nơi địa đầu Tổ Quốc - Hà Giang. Năm học trước đó, nhà trường cùng với một số thầy giáo đã có chuyến đi từ thiện ở nơi đây. Chuyến đi thành công nhưng khi trở về trường thầy chủ Tịch công đoàn còn nói thêm "Trên đó họ vẫn khó khăn và nghèo đói lắm". Vậy là thêm một lần nữa trực tiếp cô và Ban giám hiệu nhà trường tiếp tục đứng lên vận động các Doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ cho chuyến đi từ thiện thứ hai của trường tôi quay trở lại nơi khó khăn ấy. Giáo viên chúng tôi, thì kêu gọi phụ huynh, học sinh trong lớp mình ủng hộ. Dẫu vẫn biết quê tôi không phải là thành phố phồn vinh đô thị mà là vùng quê nghèo chiêm trũng, người dân quê tôi cũng còn nhiều khó khăn ngay cả học sinh trường tôi dạy cũng vẫn còn nhiều em có những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vì vậy dù nhiều hay ít thì những gì chúng tôi giúp đỡ người dân và học sinh vùng cao chính là những san sẻ để trao những yêu thương, kết nối tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, là những đạo lí truyền thống quý báu của dân tộc. Chuyến đi thứ hai ấy, được tổ chức vào dịp nghỉ hè tôi cũng may mắn được tham ra cùng đoàn đi từ thiện ấy của nhà trường. Ba ngày cho chuyến đi lên tới tận cột cờ Lũng Cũ tôi thêm thương hơn những con người những em học sinh nơi đây. Đường dốc đổ đèo vách dựng cheo leo có những cung đường đi ngay cả lái xe cũng không quen đường lên dốc nên chúng tôi phải đi bộ một đoạn khá dài. Đêm đầu tiên trời Hà Giang đổ mưa - Mưa rừng bão biển, thật không sai. Buổi sáng hôm sau chúng tôi lại lên đường, đường đi hai bên có những đoạn bị sạt lở núi do trận mưa lớn đêm qua, đã có lúc ngồi trên xe trong tôi xuất hiện ý nghĩ "Nếu đang đi mà xe gặp đúng lúc núi đang sạt lở thì sẽ ra sao?” Nhưng rồi nhìn những em bé, những người dân đang gùi trên lưng họ những hàng hóa suy nghĩ bi quan ấy lại mất luôn trong ý nghĩ của tôi. Đất Hà Giang những ngày hè thời tiết vẫn luôn khá mát mẻ sau cơn mưa rừng như có thêm một chút se lạnh một chút ấm áp như những ngày trời mới bắt đầu chớm đông. Xe của chúng tôi cũng đã an toàn cập bến ngôi trường liên cấp của huyện Hoàng Su Phì. Người dân nơi đây đã có mặt rất đông để chào đón đoàn từ thiện của trường tôi.Những chiếc chăn lông cừu, những chiếc chăn sông Hồng, những thùng mì tôm, những xúc giấy viết trắng tinh còn thơm mùi giấy mới, rồi cả những suất học bổng bằng tiền mặt hỗ trợ thêm để mua sách vở, mua tài liệu, dụng cụ học tập đã được cô trao tặng cho người dân và các em học sinh nơi đây. Tất cả tuy chưa thực sự nhiều nhưng cũng phần nào làm bớt đi những khó khăn nghèo đói ở nơi đó. Tôi thấy mỗi lần cô trao quà những cái bắt tay, nụ cười của cô như truyền thêm một sự nồng ấm và hạnh phúc còn với người dân nơi đây thì sự rụt rè, e ngại và khoảng cách ban đầu của họ với chúng tôi đã xóa đi.Những ánh mắt các em thơ, những niềm vui người lớn như đang tràn ngập ở nơi đây và đong đầy những yêu thương hạnh phúc. Và đến hôm nay tôi thật tự hào từ bài học yêu thương ấy tôi học được của cô, các học trò của tôi cũng đã học và làm theo. Năm học 2020-2021, tôi chủ nhiệm lớp 8a2, trong lớp tôi có ba học sinh có hoàn cảnh khó khăn, em thì phải sống cùng ông bà từ năm bốn tuổi vì bố mẹ li hôn, em thì bố mất, có em thì bố đang bệnh nặng. Năm đó do Covid-19 nên nhà trường đã không tổ chức hội trại thu như mọi năm cho các em, nhưng các bậc phụ huynh trong lớp tôi vẫn quan tâm, chuẩn bị rất chu đáo bánh sinh nhật, hoa quả, nước ngọt để liên hoan cho các em vào hôm 14. Trước ngày tổ chức, các em có xin phép tôi và các bậc phụ huynh cho các em được đặt áo đồng phục của riêng lớp chúng tôi đã đồng ý việc đó vì cũng mong muốn tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng để khuyến khích động viên các em trong học tập và để các em được trọn vẹn niềm hạnh phúc trong ngày hội Trăng rằm. Ngày người bán hàng đem áo đồng phục đến cho lớp, hai em lớp trưởng và lớp phó trong lớp đã chạy đến bên tôi ghé tai thì thầm: "Cô ơi, chúng em đã tự bảo nhau mỗi người nộp thêm chút ít tiền nữa để mua áo đồng phục lớp tặng ba bạn Dương, Quang, Chi đấy cô ạ". Nghe các em nói, nhìn áo các em mặc tôi thực sự xúc động bởi đây là điều tôi chưa nói để bảo các em phải làm, tôi mới chỉ kể cho các em nghe về chuyến đi từ thiện Hà Giang năm ấy của tôi cùng Ban giám hiệu nhà trường và đaị diện Hội cha mẹ học sinh khi ngày đầu tiên tôi vào nhận lớp chủ nhiệm. Chiếc áo đồng phục màu xanh của các em sẽ là những hy vọng của tôi về các em về một tương lai tươi sáng cũng giống như cô khi trao những món quà cho người dân vùng cao với hy vọng về một cuộc sống hạnh phúc ấm áp hơn.

Một mùa Thu mới nữa lại về, sân trường tôi rực rỡ hơn với nhiều sắc hoa. Những giáo viên chúng tôi lại bận rộn chuẩn bị mọi thứ để đón học sinh mới vào trường, bao nhiêu năm rồi chúng tôi đã quen với việc làm là lao động vệ sinh lớp học, bổ sung thêm các chậu hoa, cây cảnh ở khu hành lang lớp mình và những thảm cỏ ba lá, cây hoa phía sân sau của trường. Những ngày đầu tiên, khi thấy cô trồng những cây hoa và chăm sóc trong tôi cũng chỉ có ý nghĩ đơn giản đó là cô đang hoàn thiện thêm các công việc để trường của chúng tôi được công nhận là trường ''Xanh-Sạch -Đẹp" hơn nữa cô lại là giáo viên dạy sinh thì đó là việc yêu thích của cô với thiên nhiên. Đến sau này tôi mới hiểu ý nghĩa việc trồng cây hoa, thảm cỏ của cô. Mỗi cây hoa cô trồng cùng những thảm cỏ ba lá xanh ấy chính là các khóa học sinh mới vào trường và cô luôn tin rằng những cây hoa, thảm cỏ ấy sẽ vươn lên tỏa hương thơm ngát, xanh mát như chính những khóa học trò dưới ngôi trường sẽ trưởng thành đi khắp mọi miền đất nước cùng thời gian. Ở ngôi trường ấy các em học sinh sẽ luôn được chăm sóc bởi tình yêu thương của mọi giáo viên. Việc trồng cây, trồng hoa, thảm cỏ đã trở thành một phong trào được mọi giáo viên chúng tôi và học sinh cùng thực hiện.Với học sinh đó cũng là một cách giáo dục cho các em ý thức kĩ năng sống để các em tự biết chăm sóc bảo vệ bản thân mình từ đó cũng có ý thức yêu thương mọi người xung quanh.

Mỗi mùa Xuân sang mẹ tôi lại thêm một tuổi" hết năm học này cô sẽ nghỉ hưu nhưng trong cô vẫn luôn tràn đầy những yêu thương lòng say mê đối với công việc trường lớp dường như tất cả chưa bao giờ dừng lại hoặc ngừng nghỉ đúng như những ngày tôi mới về trường đã được gặp cô. Xin được gửi tặng đến cô ngàn lời kính trọng và yêu thương của tôi đối với cô - người mẹ hiền thứ hai tuy không sinh ra tôi nhưng đã luôn yêu quý, dạy bảo tôi và giành cho tôi những tình cảm như chính một người con gái của mình. Ở cô, tôi đã được học thêm biết bao nhiêu bài học quý báu mà tôi không thể kể hết nhưng đã được tôi ghi nhớ mãi trong tim mình. Tất cả những bài học ấy đủ để tôi nhận thức rằng: "Yêu người bao nhiêu càng thêm yêu nghề bấy nhiêu".

Bài văn viết về kỉ niệm với mái trường - mẫu 3

Từ khi mở mắt chào đón cuộc đời, tôi đã cảm nhận được tình cảm thiêng liêng vô giá của cha, của mẹ. Năm tháng qua đi, những tình thương ấy nuôi nấng tôi nên người và lúc ấy, tôi tưởng rằng trong cuộc đời này chỉ có cha mẹ là những người dành cho mình tình yêu thương cao đẹp nhất. Nhưng không, từ khi hòa nhập với xã hội và nhất là từ khi chập chững bước vào môi trường học tập, tôi mới biết trong cuộc đời này, những người đồng hành cùng tôi trong suốt một quãng đời không chỉ có cha mẹ, mà còn có những người thầy, người cô.

Phải, thầy cô đã dìu dắt tôi từ những năm đầu tiên của cuộc đời đi học. Thầy cô đã chắp cánh ước mơ, hoài bão tươi đẹp về tương lai, đã cho tôi những giấc mơ về sự thành đạt, về công danh, sự nghiệp và cả niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Phải chăng những điều hay lẽ phải, những nét đẹp trong tâm hồn của mỗi con người đều được khơi nguồn từ tay những người hướng đạo. Vâng, họ đã dành một phần cuộc đời mình để trau chuốt, dẫn dắt người học sinh từng bước đi trên con đường còn bao chông gai phía trước. Đã có ai đó nói rằng: “Nghề giáo như nghề chèo đò, phải đưa những con đò đến được bờ bên kia.’’ Thật đúng như vậy. Để làm tròn sứ mệnh cao cả của mình, “người đưa đò’’ phải cố gắng giữ làm sao cho đò được vững chắc. Mà có ai biết được rằng, trong suốt chặng đường ấy, họ phải vượt qua bao nhiêu gian nan vất vả. Phải, “người đưa đò” phải dùng hết sức lực của bản thân để chống chọi những khi có “mưa to”, “gió lớn”. Rồi khi đã đưa được khách qua sông, “ người đưa đò” lại quay về bến bên kia để tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả ấy. Và cứ thế, cứ thế, những người thầy đã dành cả cuộc đời để dạy dỗ cho tất cả những đứa con thân yêu của họ, không quản khó khăn, mệt mỏi. Cho dù phải thức khuya để miệt mài soạn giáo án, cho dù ngày qua ngày họ chỉ mãi lặp đi lặp lại những công thức, những bài giảng hàng nghìn, hàng vạn lần nhưng họ vẫn không buồn chán, bởi vì trong trái tim họ chỉ có duy nhất một khát khao – uốn nắn, dạy dỗ lớp trẻ hôm nay thành người.

Thầy cô không chỉ hi sinh công sức và thời gian của mình mà còn dành trọn cả tình yêu thương và sự bảo bọc cho những đứa trẻ non nớt vẫn còn bỡ ngỡ trước cái xã hội rộng lớn này. Những đứa trẻ ấy ngơ ngác nhìn ra cuộc đời với sự dẫn dắt và tình yêu thương của thầy, của cô. Vâng, thầy cô đã truyền cho tôi niềm tin và nghị lực để tôi có đủ sức mạnh và lòng tin, chạm lấy những ước mơ, khát vọng và biến chúng thành hiện thực. Thầy cô đã tận tụy, đã dồn tất cả công sức vào bài giảng, làm chúng thêm sinh động để dễ dàng ăn sâu vào tâm trí của từng học sinh. Nếu như không có lòng yêu thương dành cho học sinh của mình, thì liệu họ có tận tình, hi sinh nhiều như vậy được không? Phải, công việc hằng ngày của những người thầy, người cô xuất phát từ trái tim yêu thương của người cha, người mẹ dành cho chính đứa con ruột thịt của mình. Tình yêu ấy luôn cháy bỏng trong tim mỗi người thầy, người cô, sẵn sàng sưởi ấm những sinh linh bé nhỏ vẫn còn chập chững bước đi trên đường đời.

Bánh xe thời gian cứ quay lặng lẽ, chúng tôi dần trưởng thành sau mỗi bài học, sau những buổi đứng lớp của các thầy các cô. Nhớ lắm tà áo dài thướt tha của cô, dáng đi nghiêm trang mà thân thiện của thầy. Nhớ lắm những bài học làm người, những tri thức khoa học mà mấy năm qua tôi được học nằm lòng. Một năm qua đi, chúng tôi lại phải chào tạm biệt những người thầy, người cô để bước tiếp sang lớp mới, học thêm những bài học mới. Lòng chúng tôi lại bồi hồi khi nhìn thấy hình bóng thân yêu của những người thầy người cô mà xưa kia đã giảng dạy chúng tôi bằng một tấm lòng tận tụy. Và mỗi năm cứ đến ngày 20/11, toàn thể học sinh trên khắp đất nước Việt Nam lại nhiệt liệt chào mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam. Những nỗi vất vả, nhọc nhằn của những người làm nghề giáo, giờ đây được đền đáp bằng những bó hoa, những lời chúc vô cùng ý nghĩa của chính người học trò mà xưa kia mình đã dạy dỗ, bảo ban. Trên khuôn mặt của họ lúc bấy giờ rạng rỡ một nụ cười. Vâng, họ hạnh phúc, hạnh phúc không phải vì được đền đáp mà hạnh phúc vì được gặp lại những đứa con thân yêu mà họ đã coi như một phần của cuộc đời mình.

Cuộc sống có biết bao biến đổi nhưng nào đâu làm phai mờ đi tình cảm của người thầy người cô dành cho học dành cho học sinh thân yêu. Tình cảm ấy thiêng liêng, cao quý biết nhường nào. Tình yêu thương ấy đã sưởi ấm tâm hồn của biết bao người học sinh trong suốt cả cuộc đời đi học. Nếu một mai tôi không còn là một đứa trẻ, nếu một mai tôi rời khỏi sự ủ ấp của gia đình và nhà trường để tiếp tục bước đi và thử thách mình trên quãng đường còn lại, thì tôi sẽ không quên đâu! Không bao giờ quên công ơn sâu nặng và tình cảm bao la của thầy cô dành cho tất cả học sinh của mình - những đứa con mà họ coi như máu thịt, như một phần của cuộc đời.

Bài văn viết về kỉ niệm với mái trường - mẫu 4

Mái trường - ngôi nhà thứ hai luôn là nơi lưu lại những dấu ấn đáng nhớ nhất cuộc đời mỗi con người. Ở nơi đó, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em gắn bó với nhau như ruột thịt và cùng nhau tạo nên những kỉ niệm khó phai.

Suốt những năm tháng cắp sách đến trường, chắc hẳn ai cũng có ấn tượng với một thầy cô giáo nào đó. Những người để lại cho ta kinh nghiệm suốt đời hay vực ta đứng dạy từng những nơi tối tăm, hay đơn giản là cách giảng bài sâu sắc mà không sao quên được. Tôi cũng vậy, suốt ba năm phổ thông cô Hưng dạy văn là người tôi nhớ nhất. Viết về hình tượng cô giáo ngay từ bé chúng tôi đã được nhào nặn trong trí tưởng tượng đó là cô giáo với mái tóc đen dài bóng mượt, cặp gọn gàng bằng một chiếc kẹp giản dị, da trắng môi đỏ, luôn mặc áo dài thướt tha và dáng đi khoan thai, nhẹ nhàng. Với tôi, chắc chắn đó là cô giáo bước ra từ giấc mơ. Ngày đầu ngỡ ngàng bước vào lớp mười, buổi đầu tiên gặp gỡ, cô bước vào lớp với cặp kính râm to đen, chúng tôi có chút nhốn nháo và bất ngờ, cô hóm hỉnh giải thích: “Buổi đầu chào cả lớp mà cô giống mafia quá, cô xin lỗi các em nhưng nếu bây giờ cô bỏ kính ra thì cả lớp chắc không ai học được vì sợ vừa vì cười đấy. Cô bị ngã xe, cả lớp thông cảm cho cô nhé!” và kèm theo đó là nụ cười rạng rỡ. Tôi cũng phát hiện ra rằng không phải cô giáo dạy văn nào cũng có giọng nói ngọt như mía lùi hay lanh lảnh như chim hót. Cô Hưng giọng khá trầm và khàn nhưng chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy ngao ngán với tiết văn của cô.

Ngày đầu tiên ấy, cô còn giới thiệu và kể thêm vài câu chuyện vui về “cái tên giống tên con trai” của cô. Vậy là giờ dạy mở màn, cô đã đốn tim trọn vẹn bốn mươi lăm thành viên lớp 10A3, đặc biệt là tôi, cảm nhận được một tâm hồn đồng điệu. Nhắc đến cô giáo, người ta luôn mường tượng ra sự ân cần, nhẹ nhàng, dạy dỗ chỉ bảo tận tình, sự nhiệt huyết và yêu trẻ. Cô Hưng cũng không phải ngoại lệ. Nhưng điều đặc biệt hơn cả, cô là người rất cá tính và hiện đại. Cô luôn có cách lôi kéo chúng tôi không thể rời khỏi lời giảng của cô một giây phút nào. Cô vẫn giữ những nét truyền thống của một nhà giáo, không sai lệch về tư tưởng, đạo đức nhưng cô cũng không quên bỏ vào đó một chút cái tôi cá nhân riêng để học sinh có thể nhớ về cô mãi. Ông nội tôi trước đây là một nhà Nho dạy chữ Hán vì vậy ông rất thích con cháu nối nghiệp ông. Mỗi lần về thăm quê, ông lại thủ thỉ với tôi: “Làm giáo viên con nhé! Tôi chỉ biết mỉm cười và lẳng lặng gật đầu”. Tôi yêu trẻ con nhưng nóng tính mà ngành giáo luôn cần sự kiên nhẫn và tôi đã tự nhủ rằng “không bao giờ mình thi sư phạm”. Nhưng rỗi mỗi tiết văn của cô lại truyền thêm cho tôi cảm hứng. Tôi sẽ đứng trên bục giảng, thổi hồn vào từng câu chữ và học sinh sẽ quý mến tôi như chúng tôi kính trọng, yêu quý cô bây giờ. Tôi sẽ niềm nở, hài hước và thân thiện giống cô. Tôi sẽ dạy cho những đứa con thứ hai của tôi không chỉ tri thức mà còn cả cách làm người, cách yêu thương cuộc sống, cách gieo lòng nhân hậu với những con người ra chưa từng biết, chưa từng gặp qua mỗi trang sách giống như cô dạy chúng tôi trong mỗi tiết học. Cô Hưng mang dáng dấp của người phụ nữ hiện đại nhưng cũng không quên đi nét truyền thống trong mình. Không phải phóng đại, nhưng cô là người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việt nhà. Cô luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động Đoàn trường, nhiều năm đạt danh hiệu Giáo viên xuất sắc. Năm học 2012 - 2013, lần đầu tiên cô bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 12 mang lại thành tích rực rỡ như thế: Ba giải nhì, một giải ba và một giải khuyến khích, đứng nhất tỉnh năm đó. Ở nhà, hai con của cô luôn là những con ngoan trò giỏi. Hai em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi qua từng năm học. Niềm vinh dự hơn cả là con trai cô từng đạt giải học sinh tỉnh lớp 5.

Cô là người giữ lửa và ngọn lửa ấy luôn bùng cháy trong gia đình nhỏ hạnh phúc của cô. Tôi đang cảm nhận từng ngày trọn vẹn khi còn là học sinh, khi còn được ngồi trên ghế nhà trường. Và tôi không thể nào quên những kỉ niệm thời áo trắng bên bạn bè, trang sức cùng hình ảnh người cô miệt mài bên giáo án. Người đã truyền dạy cho tôi bao tri thức, bao ước mơ và hy vọng - Cô Hưng.

Bài văn viết về kỉ niệm với mái trường - mẫu 5

Thời gian cứ thế trôi qua như thoi đưa, vậy là thấm thoắt đã mười hai năm học sắp trôi qua. Đứa trẻ ngày nào còn khóc lóc, đứng sau lưng mẹ trong ngày đầu tiên cắp sách đến trường. Giờ đây đã sắp phải nói lời chia tay với mái trường, với thầy cô, bạn bè và cũng chia tay luôn cả hai chữ “học sinh” của bản thân mình.

Vậy đấy, thời gian trôi qua có bao giờ trở lại, suốt những năm tháng qua gắn bó với “thầy cô và mái trường” nơi đã để lại cho tôi biết bao nhiêu kỉ niệm của một thời không thể nào quên. Chỉ còn vài ngày nữa thôi là đến ngày 20/11- ngày Nhà Giáo Việt Nam, cũng là ngày cuối cùng “tôi” của thời học sinh được bên mái trường, thầy cô và bạn bè nơi đây tại mái trường mang tên THPT chuyên... - ngôi nhà thứ hai nơi tôi đã gắn bó.

Bất chợt những kỉ niệm trong tôi chợt ùa về một cách rõ nét hơn bao giờ hết đưa tôi trở về những ngày tháng còn là một đứa học sinh lớp 9. Nhớ ngày nào ngôi trường mang tên chuyên … còn quá xa lạ với tôi, ngôi trường mơ ước của biết bao lứa học sinh như tôi. Có lẽ ấn tượng đầu tiên về ngôi trường chuyên... này phải kể đến “con dốc” vừa dài, vừa cao vời vợi hiện ra trước mắt. Biết bao lần đứng dưới chân dốc trường nhìn lên, nơi một chân trời mới sắp mở ra trước mắt tôi. Leo lên hết con dốc ấy, lần đầu tiên đứng ở cổng trường học nhìn vào trường, tôi đã hét thật to như để thỏa mãn sự sung sướng, thích thú xen lẫn tò mò của bản thân mình về trường… Thật sự, trước khi trở thành một thành viên trong ngôi nhà chung chuyên..., tôi đã dành một tình yêu trọn vẹn cho ngôi trường này. Để rồi cảm xúc như vỡ òa khi biết mình đã trở thành một thành viên bé nhỏ trong ngôi nhà chung. Có thể tôi quá lan man nhưng có lẽ những kỉ niệm đầu tiên về ngôi trường luôn là những kí ức theo ta đi suốt cuộc đời. Kỉ niệm với ngôi trường này nhiều lắm kể làm sao cho hết, thời gian gắn bó với ngôi trường trong suốt quãng thời tuổi thanh xuân cấp ba của tôi còn nhiều hơn là khoảng thời gian ở nhà. Ngôi trường gắn bó với tôi cả lúc vui lẫn lúc buồn. Nào là những ngày học thêm sớm tối cùng bạn bè ăn ở căng tin của trường. Nào là những ngày lao động, trực tuần mệt nhoài. Nào là những ngày trời lạnh rét run người vẫn đến trường học thêm ca lỡ đến tám giờ tối mới về. Nào là những ngày trời mưa… Đâu đây trong tôi những ngày lang thang khắp các ngõ ngách của trường không khác gì những nhà thám hiểm mở rộng tầm mắt đến những vùng đất mới. Thật nhiều, thật nhiều những kỉ niệm nơi đây.

Một đời người - một dòng sông…

Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ,

“Muốn qua sông phải lụy đò”

Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa

(Người lái đò)

Nếu cha mẹ là người đã sinh ra ta, đưa ta đến với cuộc đời này thì thầy cô là người cha, người mẹ thứ hai đã dạy cho ta kiến thức, truyền đạt cho ta biết bao điều hay lẽ phải về kỹ năng sống, giúp ta nên người. Quả đúng như lời thơ, có mấy ai đi suốt cuộc đời mình mà không có người thầy, người cô dẫn lối. Có mấy ai trưởng thành mà không phải trải qua những ngày tháng học sinh, ngồi trên ghế nhà trường nghe thầy cô giảng bài. Thầy cô - những người lái đò tận tụy hết lòng với nghề, với mỗi lứa học sinh của mình. Làm sao có thể lớn lên, có thể trưởng thành mà không có thầy cô ở bên dạy dỗ, dẫn đưa. Thầy cô giống như những cây chỉ nam, những ngọn hải đăng giúp ta định vị, tìm thấy hướng khi đi lầm đường, lạc lối. Thầy cô giống như ngọn lửa ấm áp, dìu dắt chúng em trước những vấp ngã của cuộc đời. Tiếng thầy cô giảng bài hăng say trên lớp vẫn văng vẳng đâu đây. Rồi là những nụ cười khi thấy những đứa học sinh của mình đạt điểm cao, đạt nhiều thành tích cao trong học tập, đang dần trưởng thành theo năm tháng. Rồi là những giọt nước mắt đượm buồn khi thấy học sinh của mình bị điểm kém, không nghe lời, lười học… “Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa. Dòng đời từng ngày qua êm đềm trôi mãi. Người thầy vẫn lặng lẽ đi về dưới mưa, ngày ngày giọt mồ hôi rơi đầy trang giấy”. Mặc cho người ta ngập chìm trong những lo toan, tính toán chuyện cơm áo lợi danh, chuyện bán mua cả tình cảm, cả trí tuệ. “Thầy vẫn đứng bên bờ ước mơ. Dù năm tháng sông dài gió mưa còn ai nhớ ai quên con đò xưa… Dù năm tháng vô tình trôi mãi, tóc xanh bây giờ đã phai. Thầy vẫn đứng bên sân trường năm ấy, dõi theo bước em trong cuộc đời, vẫn những khi trời mưa rơi, vẫn chiếc áo xưa sờn vai, thầy vẫn đi buồn vui lặng lẽ. Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi, có hay bao mùa lá rơi, Thầy đến như muôn ngàn tia nắng, sáng soi bước em trong cuộc đời. dẫu đếm hết sao trời đêm nay, dẫu đếm hết lá mùa thu rơi, nhưng ngàn năm làm sao em đếm hết công ơn người thầy”. Những lời bài hát đã nói lên hết những gì cần nói… Thầy cô với những ước mơ, những yêu nghề cháy bỏng luôn thực hiện thiên trách của mình là dạy dỗ học sinh nên người. Mỗi lần nghe thầy cô giảng bài, thỉnh thoảng nhìn lên gương mặt ấy tôi lại thấy mỗi ngày trôi qua trên gương mặt ấy lại hằn lên những nếp nhăn, những cái tóc bạc theo năm tháng, tôi lại thấy buồn đến lạ. Có lẽ, chỉ có sự cố gắng nỗ lực, chăm chỉ, lấy kết quả học tập của mình để bù đắp cho công ơn thầy cô, cho những gì mà thầy cô đã dành trọn vẹn nửa đời người cho nghề giáo. Ngày 20/11 đang đến gần, có thể nhiều người sẽ đem tặng thầy cô của mình những bó hoa to, lộng lẫy. Những món quà đắt tiền. Hay những món đồ mua vội vã trong các cửa tiệm. Nhưng với tôi, không có gì có thể thay thế bằng những lời chúc, ngồi bên thầy cô trò chuyện về những kỉ niệm một thời gắn bó, bởi chỉ có tình cảm chân thành xuất phát từ trái tim mới đến được trái tim. Một lần nữa tôi xin chúc thầy cô - những người lái đò tận tụy của mình sức khỏe dồi dào, công tác tốt… để dẫn đưa những lứa học sinh của mình qua sông.

Tôi phải cảm ơn, cảm ơn thật nhiều tới ngôi nhà chung chuyên... và những người thầy, người cô hết lòng vì học sinh của mình bằng một tình cảm trọn vẹn nhất. Có lẽ, mái trường và thầy cô nơi đây là một mảnh ghép trong cuộc đời tôi mà có đi đến đâu, dù thời gian có trôi qua nhiều biết mấy, phủ bụi và xóa nhòa đi tất cả thì tình cảm dành cho mái trường và thầy cô nơi đây vẫn luôn đong đầy và trọn vẹn.

Bài văn viết về kỉ niệm với mái trường - mẫu 6

Thời cắp sách tới trường là khoảng thời gian đẹp nhất, thời của tuổi mộng mơ, của những ý tưởng vụt đến rồi vụt đi, của cả sự ngỗ nghịch. Ngày bé, cứ ngỡ chỉ có bố, có mẹ là yêu thương ta hết mực. Đến tuổi đi học, ta nhận ra còn có những người cha, người mẹ của hơn ba mươi lăm đứa con đang đến tuổi ẩm ương. Họ từng bước dạy ta nên người, dạy kiến thức, dạy cuộc sống, dạy ta biết ta phải làm gì trong cuộc đời khó khăn này. Cô Hương Giang - giáo viên chủ nhiệm tôi ba năm học ấy đã cho tôi biết được những điều quý giá ấy.

Ngày mới vào trường bỡ ngỡ, người đầu tiên tôi được tiếp xúc là cô. Vẻ điềm tĩnh của cô trong lần đầu gặp mặt ấy đến giờ còn nguyên trong tâm trí tôi. Cô cười tươi lắm. Nhận đám học sinh mới mà thấy hình như cô đã coi chúng tôi như con ruột. Là lớp chuyên văn, cô biết và hiểu được tâm lý của những đứa con gái mới lớn: điệu đà. Cô ủng hộ chúng tôi làm đẹp, song lại chỉ trong khuôn khổ cô cho phép. Nghiêm khắc là điều tiếp theo tôi thấy được trong con người cô. Tôi chưa thực sự hiểu thế nào là lo sợ cho đến khi mắc lỗi và đứng trước mặt cô. Cô nghiêm khắc! Vì hiểu là sai nên cô nghiêm khắc. Chúng tôi không lần nào phạm một lỗi hai lần bởi không ai dám đối diện với sự trừng phạt của cô. Đó là chuyện trên lớp. Trong cuộc sống thường ngày, khi phải đối diện với khó khăn. Điều tôi nghĩ đến đầu tiên là ''Nếu là cô, cô sẽ làm gì''. Dường như mọi vấn đề đều ổn thỏa khi có cô bên cạnh. Lời khuyên, cách giải quyết hay đơn giản chỉ là lời động viên của cô luôn đem lại kết quả không thể tưởng. Khó khăn không còn là khó khăn, nó trở thành bài học cuộc sống để cô dạy chúng tôi cách đối diện. Dạy cho chúng tôi biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã bởi cuộc sống đâu phải là một chuỗi êm đềm, bằng phẳng mà nó có rất nhiều ngã rẽ

Cô còn dạy cho chúng tôi biết yêu thương, chia sẻ với những người bất hạnh. Biết cảm thông, biết trân trọng những điều quý giá qua từng trang sách,từng bài văn.

Tôi luôn cảm thấy mình may mắn vì được làm học sinh của cô trong suốt những tháng năm cấp ba. Có lẽ cô là báu vật vô giá mà đám học sinh chuyên văn lớp tôi được nhận. Tôi luôn nhớ, luôn trân trọng từng khoảnh khắc đẹp đẽ được bên cô, bên lớp.

Không chỉ cô Giang, mà tất cả thầy cô, họ đều là những điều đẹp nhất làm nên tuổi học trò, làm nên một thời áo trắng tinh khôi đáng nhớ.

Bài văn viết về kỉ niệm với mái trường - mẫu 7

Khoảng thời gian ba năm học cấp ba không phải là quá dài so với nhiều người nhưng chẳng hề ngắn. Trong thời gian ấy, có rất nhiều người chỉ biết học, chỉ mong sao cho nhanh hết cấp ba để được đi đại học, để được tự do. Còn tôi, tôi không nghĩ vậy, khoảng thời gian ấy tôi không đối với tôi là khoảng thời gian vô cùng quý báu là khoảng thời gian hạnh phúc nhất cuộc đời vì tôi được học tại nơi đây, được học tại mái trường THPT… này.

Quả thật thời gian trôi qua không chờ cũng chẳng đợi một ai cả. Chớp mắt cái đã bay vèo hết ba năm nhiều lúc thể nào tin được rằng mình bây giờ đã già đầu nhất trường rồi. Còn nhớ mãi ấn tượng đầu tiên về trường của tôi là khi thấy các anh chị thi đỗ vào trường thì vô cùng ngưỡng mộ. Ngày ấy cứ mỗi lần bố mẹ cho lên… chơi là lại đi vòng qua cổng trường, lúc ấy hai bên con dốc cao thoai thoải của trường còn có hai hàng cây xanh tỏa bóng mát cho học sinh đi học mỗi buổi chiều mùa hè oi bức nhìn xa hơn một chút là cái biển cũ kĩ sơn màu xanh làm nổi bật lên dòng chữ trắng “Trường THPT chuyên…” ở đằng sau cánh cổng trường như hiện hữu bao điều bí mật kỳ thú chờ đợi tôi khám phá. Và đó cũng là động lực để tôi ước được bước chân vào học mái trường này. Và rồi tôi cùng đỗ mặc dù số điểm vào trường của tôi không cao như các bạn khác. Ngày biết điểm những cảm xúc trong tôi như được vỡ òa. Niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào và háo hức về một tương lai mới, môi trường mới, một cuộc sống tự lập xa gia đình của một cô bé 15 tuổi xâm chiếm hết tâm hồn tôi. Lúc đó tôi muốn hét lên cho cả thế giới biết “Tôi đỗ rồi!!!” - cái ước mơ mà tôi ấp ủ bao lâu cũng thành hiện thực rồi. Tôi bước vào trường ngày đầu tiên vào một buổi sáng mùa hạ tầm tháng bảy do trường có lịch học vào sớm hơn các trường khác. Mặc dù hôm ấy trời không lạnh nhưng chân tay tôi cứ run hết cả lên, có lẽ là vì quá hồi hộp. Khi ấy những sợi nắng len lỏi qua các tán cây như nhuộm một màu tươi sáng hân hoan đón chào những tân học sinh mới bỡ ngỡ bước vào cổng trường. Không thể không kể đến con dốc với độ nghiêng 45 độ đã đốn gục khá nhiều sức lực của tôi. Khép nép trong màu áo trắng, tôi cảm giác mình như trưởng thành lên và thấy tự hào khi đeo trên mình phù hiệu của trường, phải rồi tôi đang lớn dần.

Khó có thể nào quên được những ngày đầu tiên bước vào lớp mới, phải dần làm quen với một sự thay đổi thực sự khi phải rời xa những gì đã quá quen thuộc đến nỗi như một phần của cuộc sống và nó đối với tôi nó còn khó hơn gấp bội lần, vì tôi là một con người thích sống khép kín và gần như là khó có thể giao tiếp với những người bạn mới. Nhưng con người ai cũng phải thay đổi, phải thích nghi với cuộc sống này. Dần dần tôi cũng đã có thể làm quen được gần hết các bạn trong lớp. Ba mươi sáu con người mỗi người một vẻ, nhưng chúng tôi là một tập thể, chúng tôi luôn đoàn kết và gạt bỏ những cái tôi của mình. Những người bạn là những người đồng hành tuyệt vời luôn sát cánh bên tôi trong con đường học tập. Nhưng để nói tôi của ngày hôm nay một con người trưởng thành hơn rất nhiều thì thầy cô mới là những người có công rất lớn, thầy cô như là những người cha người mẹ thứ hai dạy dỗ chúng tôi thành người. Nếu nói thầy cô là những người lái đò đưa học sinh qua sông, thì thầy cô giáo trường tôi là những người lái đò tận tâm. Ngôi trường của tôi không đồ sộ như các ngôi trường ở những thành phố lớp nhưng đối với tôi nó đặc biệt nhất. Đối với tôi nó còn quý giá hơn hàng vạn viên kim cương, bởi hàng ngày tôi đến nơi đây để biết thêm học hỏi thêm bao điều mới mẻ, tôi cảm nhận được thêm tinh thần yêu nước to lớn của dân tộc thấm đượm qua những áng văn qua nhưng vần thơ cô giảng tôi hiểu hơn những trang sử hào hùng những chiến công kỳ tích của cha ông để bảo vệ đất và tôi còn được đưa đến với những vùng đất mới với bao điều lý thú về thiên nhiên, về phong tục và truyền thống lâu đời của con người ở đó qua các bài giảng của thầy cô đã thức khuya dậy sớm để chuẩn bị cho chúng tôi. Ngoài ra chúng tôi còn được khám phá những tính chất định lý toán học, vật lý, hóa học lạ lẫm và thú vị. có được tất cả những điều ấy là nhờ công lao của những người thầy cô giáo đã thầm lặng ngày ngày truyền đạt cho chúng tôi. Thầy cô dạy cho chúng tôi những đức tính tốt đẹp những đạo lý để làm người, thầy cô luôn luôn quan tâm đến chúng tôi, trăn trở vì những khuyết điểm mà chúng tôi vấp phải. Và những người thầy người cô những con người luôn tận tụy suốt những năm tháng ấy đã dìu dắt tôi đến bên bến bờ tri thức. không chỉ vậy, tình yêu mang tên “THPT…” còn được tạo nên qua những kỉ niệm qua những khung bậc cảm xúc của ngày khai giảng, ngày lễ 20/11… Tôi yêu hàng cây lộc vừng luôn nở hoa vào lúc giao mùa từ xuân sang hạ, nó như tô điểm thêm cho mái trường này càng lung linh rực rỡ. Tôi yêu những giờ ra chơi tất cả ào ra sân tập thể dục như điệu như đàn ong vỡ tổ, đứa nào đứa nấy háo hức tập vui vẻ nở nụ cười, và cả những có tổ chức lễ khai giảng các dịp lễ lớn. các bạn nữ tung bay trong tà áo dài thướt tha của tuổi mới lớn vui tươi hớn hở chào mừng những ngày lễ.

Tôi yêu lắm sân trường này mỗi khoảng nền đất, mỗi chiếc ghế đá đều in đánh dấu những kỉ niệm đẹp về mỗi lần chơi đùa nói chuyện rôm rả với lũ bạn. Nhớ lắm những kỉ niệm buồn vui những lúc sát cánh bên nhau những lúc vượt qua khó khăn trong học tập và những tình yêu “chớm nở” những rung động đầu đời những cảm xúc ngây ngô, vụng dại tuổi mộng mơ, tình yêu thời “cắp sách”. Nó thật đẹp!

Và bạn ơi, tôi biết mỗi ai trong chúng ta ai cũng đã từng có một thời học sinh hồn nhiên với bao kỉ niệm như thế! Tôi cũng vậy, tôi có một thời học sinh vô cùng vui vẻ, ý nghĩa. Một thời học sinh không bao giờ quên với những lần quên không làm bài tập bị thầy cô phạt. Thời gian thì cứ trôi, trôi mãi chẳng chờ đợi một ai, khoảng thời gian ba năm trôi qua nhanh như chớp mắt và rồi mỗi chúng ta cũng sẽ đến lúc nói lời tạm biệt mái trường nơi đây để đến với những cuộc sống mới, môi trường học mới nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ quên những ngày tháng tràn ngập kỉ niệm đẹp đẽ này. Dù có đi đâu thì ngôi trường này vẫn chiếm trọn vị trí cao nhất trong tôi - Ngôi trường THPT chuyên …. thân yêu!

Bài văn viết về kỉ niệm với mái trường - mẫu 8

Một đời người - một dòng sông…

Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ,

"Muốn qua sông phải lụy đò"

Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa

Tháng năm dầu dãi nắng mưa

Con đò trí thức thầy đưa bao người

Qua sông gửi lại nụ cười

Tình yêu xin tặng người thầy kính thương

Con đò mộc - mái đầu sương

Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày,

Khúc sông ấy vẫn còn đây

Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông.

(Người lái đò)

Có lẽ khoảng thời gian này là lúc chúng ta - lớp lớp lứa học trò đang hướng về một ngày mà tôi cho đó là ngày đặc biệt nhất của những “người lái đò ” đó là ngày Nhà Giáo Việt Nam 20 -11. Nhưng có lẽ với tôi, có lẽ đây sẽ là lần cuối cùng chúng tôi, khóa học sinh được tham dự lễ kỷ niệm này, quan trọng hơn cả là được ngồi cầm bút viết và bắt đầu nhìn lại cả một quãng thời gian gắn bó với biết bao kỉ niệm đẹp với thầy cô cũng như mái trường - Trường THPT...

Trong giây phút xúc động này, tôi nhìn lại chặng đường mà tất cả chúng ta đang và chuẩn bị đi qua, đó là gần ba năm học tại trường THPT..., tôi không khỏi bồi hồi và dạt dào khi nhớ lại những kỉ niệm của chúng ta đã dành cho nhau cũng như những tình cảm mà thầy cô dành cho chúng ta. Đã hơn 2 năm, khoảng thời gian không dài với một đời người, nhưng đủ để lưu giữ những kỉ niệm tốt đẹp về bạn bè, thầy cô và mái trường. Vào lúc này đây tôi cảm thấy thật tiếc, tôi tiếc vì không còn nhiều thời gian ở lại mái trường yêu dấu này, cũng như giây phút chúng tôi chia tay nhau và chia tay thầy cô sắp đến. Tôi muốn viết để nói lên cảm xúc lúc này nhưng không dễ, bởi có quá nhiều kỉ niệm biết viết sao cho đủ đây, viết sao cho thỏa những suy nghĩ lúc này đây. Tự dưng thấy nhớ, nhớ thầy cô, bạn bè quá. Làm sao để nói hết được tình cảm mà thầy cô trong ngôi trường này đã “nuôi dưỡng’’ chúng tôi như những đứa con gia đình như thế nào. Tôi lo sợ mất đi một điều gì đó đã quá quen thuộc trong suốt gần bA năm học, hằng ngày được các thầy cô giảng bài, được học, được rèn cả kỹ năng sống. Sợ phải chia tay những đứa bạn vẫn ngày ngày cùng mình học tập và nô đùa cùng nhau, và nhất là phải xa đứa bạn cùng bàn và tôi sợ nhất là khi mình mất phương hướng mà không có cô ở bên khuyên bảo và an ủi.

Mái trường này - ngôi nhà thứ hai của tôi, nơi mà có khi tôi yêu hơn cả nhà, đó là nơi tôi ngồi học ngày ngày, nơi luôn có những đứa bạn sẵn sàng giúp đỡ, quan tâm tôi, tôi yêu tất cả mọi thứ và quan trọng hơn tôi đã yêu cô, cô giáo dạy tôi học, nhất là cô giáo chủ nhiệm của tôi, cô Trần Hương Giang. Cô dạy tôi trưởng thành, dạy cách làm người để sống tốt sống đẹp. Nhiều lúc tôi chỉ muốn nói với cô rằng: “Cô ơi, cô thật tuyệt vời! Khi em vấp ngã, khi em thất bại luôn có cô ở bên, luôn có cô mở rộng vòng tay đón em về như đứa con lạc đàn. Nếu như không có cô em cảm giác như đã mất đi một người yêu mình, một người hiểu, quan tâm mình và lo sợ rằng cô sẽ quên em khi em rời xa mái trường này cô à! Cô ơi, em quý và yêu cô nhiều lắm và em chỉ muốn dừng lại mãi khoảng thời gian này để được ở bên cô và được cô dạy dỗ, được cô quan tâm mãi thôi!.

Và nỗi nhớ thì không thể đo được ít hay nhiều, tình cảm cũng vậy sẽ không kết thúc. Hiện tại hay tương lai thì hình ảnh thầy cô bạn bè mái trường sẽ mãi trong trái tim. Nỗi nhớ theo thời gian sẽ ngày một đong đầy, những gì thầy cô và chúng em dành cho nhau sẽ còn mãi và luôn là những hoài niệm tươi đẹp trong quá khứ.”

Xa mái trường này, mỗi người một ngả, mỗi người sẽ có cho mình lối đi riêng, cái gì cũng riêng… nhưng tôi biết rằng các thầy cô vẫn luôn ở đây, luôn in ấn hình ảnh của chúng tôi ở trong trái tim và ngay cả khi lúc đã rời xa mái trường yêu dấu này, vẫn mỉm cười chào đón khi chúng tôi quay lại. Bao nhiêu lời cảm ơn cũng không đủ.

Nhưng vẫn xin cảm ơn mái trường này đã cho tôi gặp được những người thầy, người cô tận tâm và tận tụy như vậy, những người bạn tốt và những bài học sẽ chẳng bao giờ quên được.

Bài văn viết về kỉ niệm với mái trường - mẫu 9

Bao lữ khách đi về trên bến vắng

Người sang sông, ai nhớ bến sông đời

Từng dòng chữ suốt một đời lặng lẽ,

Mãi âm thầm như bụi phấn rơi rơi…!

Cuộc đời của người thầy như những người lái đò âm thầm lặng lẽ là vậy mà cũng thật thanh cao! Chẳng phải cha nhưng con vẫn gọi là Thầy, chẳng cùng họ nhưng vẫn gọi là Cô. Vì cha là người sinh thành ra con, nhưng Thầy là người chèo đò đưa con cập bến. Thật vậy, người vẫn ngày đêm miệt mài bên trang giấy trắng chính là gửi gắm cả tâm huyết, chứa chan tình yêu thương cao cả của thầy cô, từng giọt bụi đời viết lên chính là hạt phấn kết tinh kiến thức cho con, là hành trang theo con suốt cả cuộc đời. Bởi lẽ chính vì thế mà khi cất lên hai tiếng thầy cô - thiêng liêng cao cả đến làm sao!

Thầy cô - tiếng gọi thân thương ấm áp luôn đọng mãi trong kí ức của mỗi học sinh. Từng lời thơ nét chữ mà con cất lên cũng chính là sự bày tỏ lòng biết ơn và tình yêu chan chứa của con đối với thầy cô. Có lẽ rằng, nếu học sinh là chim, thầy cô sẽ là cánh để nâng các em chạm đến ước mơ bay cao bay xa giữa chân trời. Nếu học sinh là cá, thầy cô sẽ là vây, là đuôi cá để giúp các em bơi ra giữa biển đông rộng lớn, giữa thế giới bao la để cùng trải nghiệm. Cũng như người cha, người mẹ đã nâng niu, dìu dắt đàn con thơ từng bước trưởng thành, ấp ủ cho con niềm tin và hy vọng lớn lao hơn cả. Phải chăng thầy cô, những con người luôn chịu thương chịu khó đó đang luôn ấp ủ một niềm ao ước, một tương lai tươi sáng rộng mở và đưa thế hệ học sinh bước vào thế giới kì diệu đó! Không gì có thể sánh bằng công lao vất vả của những người thầy, người cô trong sự nghiệp trồng người. Bao nhiêu thế hệ học sinh qua đi, mái tóc thầy càng trở nên bạc trắng theo năm tháng, nhưng cái tâm huyết đem đến tri thức và những bài học quý giá cho các học trò của mình thì mãi sẽ không thay đổi trong mỗi người giáo viên.

Làn gió thu nhẹ nhàng lướt qua làm rơi chiếc lá ở góc sân trường năm ấy, tiếng ve dắng dỏi của tiết trời ngày hạ âm thầm lặng im đến bất ngờ. Và có lẽ, đây cũng chính là thời điểm mà con phải chia tay màu áo trắng, chia tay chiếc khăn quàng đỏ và khoác lên mình tà áo dài thướt tha của một nữ sinh trường THPT. Bước vào ngôi trường THPT Đông Hà, bước vào một môi trường hoàn toàn mới lạ, trong con có biết bao cảm xúc lẫn lộn: vui có, buồn có, bâng khuâng có...Nhưng có lẽ, thứ cảm xúc lớn nhất trong lòng con chính là sự bỡ ngỡ. Bỡ ngỡ bởi cái mới, cái lạ, cái không gian rộng lớn của ngôi trường. Bỡ ngỡ trước sự gặp mặt ngại ngùng, xa lạ của những người bạn chưa từng quen biết. Tất cả mang trong con nỗi lo lắng và rụt rè ngay từ giây phút đầu tiên đó.

Và có lẽ, thời gian đã minh chứng cho tất cả! Từng ngày, từng ngày trôi qua, con dần dần hòa nhập vào nhịp sống ở ngôi trường mới. Con có những người bạn thân thiện hòa đồng, con có những trải nghiệm mới mẻ qua từng bài giảng và đặc biệt con có sự quan tâm tận tình giúp đỡ của những người thầy, người cô. Và chính điều đó đã tạo nên động lực và niềm tin trong con để con vượt qua cái cảm giác tự ti trong bản thân mình. Quả đúng là “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”!

Hạnh phúc khi được học tập và tiếp xúc với nhiều thầy cô giáo. Mỗi thầy cô có một tính cách, một phương pháp dạy khác nhau nhưng họ đều có chung một niềm tâm huyết cao cả của nghề giáo. Thời gian con được tiếp xúc với thầy cô có lẽ chưa đủ bao nhiêu để con có thể hiểu sâu sắc về hình ảnh đẹp đẽ của Người, nhưng con cảm nhận được sự chân thành và tận tình của thầy cô qua từng bài giảng, qua lời nói và hành động ân cần của thầy cô. Đó là những tiết học giáo dục công dân sôi động, những tiếng cười vui vẻ qua bài giảng triết học đầy thú vị của cô Thanh Hiên! Đó là những tiết Sinh học đầy mới lạ và những trải nghiệm hứng thú của chúng con qua bài giảng của người thầy “đặc biệt” Võ Minh Hoàn! Đó là những tiết Hóa, Lý với những kiến thức xa lạ và khó khăn đến chán nản, cách tiếp nhận phương pháp cũng như những bài tập hoàn toàn khác xa ở mái trường THCS. Thế nhưng, con vẫn ấn tượng với những bài học đầy nhiệt huyết và sôi nổi của thầy Tuấn, cô Hương! Đó là những lời hay tiếng ngọt, là những bài thơ, bài văn hấp dẫn cuốn hút qua lời giảng của cô Thanh Thảo, nó như mở ra cho con một thế giới văn học bao la rộng lớn của cuộc đời và chính bản thân con cũng đã cảm nhận được sự truyền lửa của cô qua từng tác phẩm và đi vào trong tiềm thức con biết bao nỗi niềm cảm xúc! Đó là những tiết học Công nghệ đầy lý thú của cô Thu Phượng, là trải nghiệm thực tế vui vẻ và sáng tạo! Đó là những câu chuyện hấp dẫn và gần gũi xen lẫn các tiết học Địa lý nhẹ nhàng, thoải mái của thầy Thanh Toàn, giúp chúng con giải thích được “sóng bắt đầu từ gió, gió bắt đầu từ đâu…”! Nhưng trách nhiệm lớn lao hơn cả đó là “Bố Dũng”- người cha vĩ đại sẽ chèo lái “con thuyền” để đưa 42 “đứa con”, 42 cá tính, 42 suy nghĩ khác nhau từ Khe Sanh - Hướng Hóa về Cam Lộ qua Đông Hà; từ Vĩnh Linh - Gio Linh;...về hội tụ dưới một mái nhà 10A11.

Thầy cô ơi, lời nói hay từng nét chữ con viết lên từng trang giấy chính là cảm xúc của con gửi gắm đến Người. Đến đây, cho phép con, cũng như toàn thể lớp 10A11 được gửi lời cảm ơn đến những người thầy, người cô của trường THPT Đông Hà với sự chân thành hơn bao giờ hết! Thầy cô ơi, con biết Người đã phải vất vả như thế nào khi lái những con đò sang sông để cập bến, không quản khó khăn gian khổ, thầy cô vẫn một lòng vì chúng con. Những lúc chúng con còn bỡ ngỡ, thơ ngây trước cái mới lạ của môi trường, thầy cô đã dìu dắt, che chở và tạo động lực cho chúng con để chúng con tự tin bước vào con đường học tập dưới mái trường THPT. Những lúc chúng con chùn bước, bàn tay ấm áp của thầy cô lại nhẹ nhàng nâng đỡ và nâng niu. Những lúc chúng con bất lực, giọng nói truyền cảm của thầy cô đem đến cho chúng con thêm nghị lực. Thầy cô ơi, ngàn lần chúng con cảm ơn Người!

Những ngày đầu học tập tại trường THPT Đông Hà, con cảm thấy rất may mắn khi được học tập dưới ngôi trường có bề dày lịch sử và có nhiều thầy cô giáo tận tụy nhiệt tình. Những người thầy, người cô đều là người cha, người mẹ thứ hai của con ở dưới mái trường THPT. Nhưng có lẽ, người để lại ấn tượng và cảm xúc sâu sắc nhất trong con chính là cô Trần Thị Thanh Thảo. Thời gian tiếp xúc giữa cô và con có lẽ chưa là bao nhiêu, chắc hẳn rằng cô vẫn chưa biết được những cảm nhận của con, nhưng trong thâm tâm con, dường như có một thứ cảm xúc gì đó vừa thân thương, vừa gần gũi và nó như là một sợi dây vô hình gắn kết con với cô. Bởi lẽ, những ngày đầu năm học với những tân học sinh như chúng con quả thật xa lạ, thật bỡ ngỡ cần phải có sự dìu dắt trong từng hoạt động. Nhưng thật không may, người thầy- người cha của chúng con phải nhập viện điều trị bệnh trong thời gian dài. Thương thầy, nhớ thầy và chúng con như đàn con thơ lạc mẹ, như con thuyền không người lái. Không hiểu vì sao, mỗi lần con gặp khó khăn là hình ảnh thanh thoát nhẹ nhàng của cô lại xuất hiện với chúng con như chiếc phao cứu trợ. Là thành viên trong ban cán sự của lớp, con không chỉ bỡ ngỡ trước sự mới lạ của ngôi trường mà còn bỡ ngỡ trước cách điều hành một tập thể lớp. Những kế hoạch của nhà trường đặt ra như trồng và chăm sóc bồn hoa ở sân trường, lớp không có người trực tiếp chỉ dẫn và giúp đỡ, đôi lúc vẫn còn ngập ngừng và lo lắng. Rồi có những lần con phải chạy tìm thầy kí vội sổ, đôi lúc bước chân mệt mỏi vô cùng nhưng rồi...con đã nhận được sự giúp đỡ và chỉ bảo của cô. Nhờ sự tận tình ân cần của cô, lớp con như bầy chim vỡ tổ, như những bông hoa được khoe sắc dưới ánh nắng mặt trời, như tìm thấy ánh sáng trong màn đêm buông tối. Chính vì vậy mà dường như hình ảnh của cô trong con lại một lần nữa được khắc nét và tình cảm thân thương hơn bao giờ hết. Những ngày thiếu vắng người cha, chúng con dường như vừa cảm thấy thiếu mất sự che chở, vừa cảm thấy bối rối trong nhiều công việc khác, chính vì vậy việc nắm bắt các thông tin của nhà trường cần phải nâng cao trách nhiệm của ban cán sự. Hôm đó là ngày cuối tuần, lớp mới nhận được thông báo về cuộc thi “Viết thư gửi mẹ nhân ngày phụ nữ Việt Nam 20/10”, con được phân công viết bài trong cuộc thi ấy. Thế nhưng, do thời gian cập nhật thông tin quá vội vàng, con không thể hoàn thành bài thi như thời gian của nhà trường. Vừa lo lắng, vừa sợ hãi! Nhưng cô...một lần nữa cô chính là vị “cứu tinh” của con, cô đã chỉ bảo và giúp đỡ con để có thể nộp bài dự thi đúng thời hạn. Nếu ngày ấy không có cô, thì có lẽ rằng lá thư gửi mẹ (đạt giải Nhất) của con sẽ mãi mãi không người mở. Nếu chúng con như những con người trên chiếc thuyền không người lái giữa biển trời bao la rộng lớn, thì cô chính là chiếc phao cứu vớt và nâng đỡ chúng con. Trong thời gian chúng con gặp khó khăn, trong suy nghĩ của con lại hiện về hình ảnh của cô, và bất ngờ thay chính thời điểm đó cô lại xuất hiện. Và cũng bởi chính điều đó mà con cảm nhận được dường như có sợi dây vô tình nào đó đã đưa con đến bên cô, cho con thêm sức mạnh, tự tin trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Thầy cô ơi! Ơn thầy nghĩa nặng làm sao con có thể diễn tả hết! Cuộc sống có thay đổi bao nhiêu cũng không làm phai mờ “trái tim” của người thầy, người cô trong con. Dẫu mai này dù có đi xa, dẫu mai sau con có là ai, con làm gì, con vẫn luôn nhớ đến những bài giảng đầy nhiệt huyết của Người, nhớ giọng nói truyền cảm ấm áp như sưởi ấm tấm lòng bé nhỏ của con, nhớ hình ảnh người cô người thầy vẫn ngày đêm miệt mài bên trang giáo án để đưa chúng con bước đến sự thành công, chạm đến tương lai tươi sáng của cuộc đời! Tất cả mang trong con một cảm xúc khó lòng bày tỏ! Thầy cô – hai tiếng cất lên sao mà thiêng liêng quá!

Bài văn viết về kỉ niệm với mái trường - mẫu 10

Tiếng trống trường rộn rã vang lên, âm thanh ríu rít của tiếng chim trên nhánh phượng cũng đã đua nhau thì thầm hát. Tôi sải bước dài trên đoạn đường vỏn vẹn vài trăm mét đến lớp như mọi ngày, bầu trời hôm nay cũng không có gì khác lạ, chỉ là lòng tôi hôm nay có chút gì vương vấn và lẩn quẩn những xúc cảm lạ thường. Nghiêng đầu bên ô cửa sổ, ánh nắng sớm chói chang đang lấp lánh hé chiếu vào đôi mắt tôi, đôi mắt hôm nay chắc trêu nhiều tâm sự. Ấy có lẽ là tâm trạng của một nữ sinh cuối cấp 3, một cô học trò chưa đủ để gọi là trưởng thành, chẳng muốn xa mái trường thân yêu này!

Ba năm cấp 3 giờ suy ngẫm lại mới thấy nó ngắn biết nhường nào, nó như một cơn mưa rào thoáng qua chợt đến và vội đi để lại nơi ấy những chồi non, những cánh hoa đầm đìa giọt nước. Đối với tôi ba năm cấp 3 đã đến rồi lặng lẽ qua nhanh như một cái chớp mắt, để lại biết bao kỷ niệm vui buồn hờn giận, của một thời tinh nghịch mang tên tuổi học trò. Ngôi trường thân thương mà tôi gắn bó gần ba năm qua, là nơi có khuôn viên vui chơi bao phủ một màu xanh của cây, hoa và lá, nơi nhộn nhịp tiếng cười đùa, tiếng bước chân của những nam sinh, nữ sinh đến lớp học, khi ánh bình minh lấp lánh hiện lên. Nơi có cây bàng già với những chồi lá xanh non tươi tắn đang nô đùa cùng gió. Những cánh phượng đỏ thắm vẫn còn đọng lại mấy giọt sương ban mai ở từng cành hoa mong manh, rực rỡ. vườn lan vẫn cứ thế khoe sắc, đua nhau nở những bông hoa xinh tươi. Và tất cả sẽ vẫn diễn ra như vậy, như một quy luật của tạo hóa của tự nhiên, cây vẫn đứng đó, lá vẫn tươi vui, hoa vẫn đua nhau khoe sắc.

Vâng! Mọi thứ sẽ vẹn nguyên chỉ có chúng tôi đã lớn lên từng ngày, chỉ sau vài tháng nữa thôi, tôi mãi mãi không được nhìn chúng mỗi ngày nữa. Trường tôi đấy! Trường trung học phổ thông dân tộc nội trú Huỳnh Cương, nơi đã từng rất xa lạ với tôi và là ngôi trường mơ ước của biết bao học sinh. Có đôi lúc tôi tự thấy bản thân mình cũng thật xuất sắc đấy chứ, đã vượt qua nhiều học sinh để bước chân vào ngôi trường này, để rồi cảm xúc như vỡ òa khi biết mình trở thành một thành viên bé nhỏ trong ngôi nhà chung.

Ngày tôi còn là một cô nhóc chưa tròn mười sáu tuổi, chập chững bước vào trường. Ngày mà chưa từng nghĩ mình chỉ còn mỗi ba năm này thôi, ba năm lưu giữ những hồi ức đẹp của thanh xuân bên cạnh những niềm vui. Còn nhớ tôi đã từng khóc rất nhiều khóc đến sưng tấy cả mắt vì nhớ nhà, vì không chịu nổi cách sống trong khu nội trú, thức khuya dậy sớm với những người bạn xa lạ chưa bao giờ tôi biết. Nhớ lắm bữa cơm đầu tiên ở nội trú, tiếng kẻng cơm gõ ba hồi to, ầm ầm bên tai báo hiệu giờ ăn đã đến. hôm ấy có lẽ là ngày tôi không bao giờ quên. Bước đôi chân bé nhỏ, khuôn mặt thẫn thờ và xung quanh là những người bạn xa lạ không quen biết, tôi đến nhà ăn loay hoay tìm chỗ ngồi của mình. Đôi tay nhận lấy bát cơm hai hàng nước mắt từ đâu lăn dài chen chúc nhau trên đôi má ửng hồng. Tôi bị nghẹn ứ ở cổ, mỗi khi bữa cơm vẫn có tôi và ba mẹ kia mà, tôi không thể ý thức được điều gì nữa và cứ thế tôi không sao kiềm được nước mắt vội vã chạy về phòng. Giờ thì khác nhiều rồi tôi thương lắm mỗi bữa cơm trường nội trú, những bữa ăn ngon đậm đà hương vị, chất chứa yêu thương từ các cô làm bếp đã cất công chuẩn bị từ sớm. Tôi yêu cái nhộn nhịp, giọng cười văng vẳng sảng khoái khi đến giờ ăn nếu phải xa nó, chắc tôi sẽ khó lòng mà quên được. Tôi sẽ buồn lắm! Tất cả những trải nghiệm ấy từng ngày rèn tôi thành một cô gái mạnh mẽ, đủ khả năng tự lập, tự lo cho bản thân mình, ấy là điều tôi xem là may mắn nhất cuộc đời mình.

Trường tôi có khuôn viên xanh tươi, sạch và đẹp, mỗi cái cây, cái hoa ở đây làm nên nụ cười của chúng tôi. Từng chiếc ghế đá in ấn những kỷ niệm những lần tụ tập chuyện trò đủ thứ chuyện trên đời, những khi lao động hay trực nhật mỏi mệt ghế đá là điểm dừng chân, nơi tràn ngập những nụ cười, nơi san sẻ những niềm vui nỗi buồn của tôi. Và ở nơi ấy mỗi lớp học như một mái ấm yêu thương, không biết từ lúc nào tôi đã yêu và gắn bó với mái trường của tôi nhiều đến thế. Rồi từng ngày trôi qua trường nội trú đã là ngôi nhà thứ hai của tôi, những người bạn, những người đồng hành tuyệt vời luôn sát cánh bên tôi trên con đường học tập, họ như anh em thân thiết gắn bó với tôi trong đại gia đình rộng lớn này. Và hơn thế nữa mỗi thầy giáo, cô giáo chính là người cha, người mẹ thứ hai của tôi.

“Một đời người một dòng sông…

Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ

Qua sông phải lụy đò

Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa”

Mấy ai đi suốt cuộc đời mình mà không có người thầy, người cô dẫn lối. Mấy ai trưởng thành mà không trải qua những ngày tháng học sinh. Và mỗi thầy giáo, cô giáo chính là người lái đò thầm lặng, những người tận tụy hết lòng với nghề, với học trò của mình, người mang đến nguồn tri thức như ngọn hải đăng sáng soi dẫn lối từng bước đường ta đi.

Ngày ngày thầy cô vẫn đứng trên bục giảng dạy tôi những điều hay lẽ phải những đạo lý làm người. Tiếng thầy cô giảng bài hăng say vẫn văng vẳng đâu đây. Vẫn viên phấn trắng trên tay, tại nơi này đã dẫn dắt bao thế hệ nối tiếp nhau trưởng thành. Đi xây đắp cuộc đời tươi sáng, lời giảng của thầy cô đã không đi vào không gian bao la mà đi đến tâm hồn tôi. Đôi lần, tôi từng có những suy nghĩ nông nổi, những lần ngã gục vì mệt mỏi, chính những lời nhắc nhở, dạy bảo, động viên của thầy cô đã làm nên một cô học trò chín chắn biết suy nghĩ hơn của hôm nay. Tôi thật lòng biết ơn thầy cô nhiều lắm.

Tình yêu bao la của thầy cô chưa bao giờ phai nhạt, chỉ là học sinh chúng ta chưa từng một lần và cảm nhận tất cả những điều đó. làm nghề giáo, bận rộn bao nhiêu là việc, bao đêm ròng rã thức trắng soạn giáo án, những trang giáo án đưa ta đến ước mơ, hay mệt nhòa vì chấm bài thi, bài kiểm tra của chúng ta. Mệt mỏi là thế khi ngày mới bắt đầu thầy cô vẫn nở nụ cười tươi tắn vẫn giảng dạy hăng say vì chúng ta, vì những học sinh thân yêu. “Dẫu đếm hết sao trời đêm nay, dẫu đếm hết lá mùa thu rơi, nhưng ngàn năm, làm sao em đến hết công ơn người thầy!” Tình yêu đó, lòng tri ân đó có cả trong lời bài hát. Và tấm lòng quý giá đó chẳng cần đâu sự trả ơn của ta. Chỉ cần nỗ lực học tập chăm chỉ hơn lấy kết quả học tập bù đắp cho công ơn thầy cô, cho những gì mà họ đã giành trọn vẹn nửa đời người cho nghề giáo. hãy dâng tặng những hoa điểm 10, hãy dành chút thời gian ngồi bên thầy cô để chuyện trò cùng họ. Bởi chỉ có tình cảm chân thành xuất phát từ trái tim thì mới đến được trái tim. Điều thầy cô cần có chỉ có thế.

Tôi không sao nói cho hết những gì trong lòng mình. Rồi sẽ đến ngày chúng ta trưởng thành, ngày hân hoan mừng tốt nghiệp ngày kết thúc khoảng thời gian học cấp 3 đáng quý. Tôi sẽ nhớ lắm từng cái bàn, cái ghế, những viên phấn nhỏ nhắn, nhớ cái phòng học ồn ào tiếng cười đùa của chúng tôi. Tôi yêu màu xanh từng ngọn cây, sợi cỏ tỏa mát giữa nắng trời rực rỡ, yêu những ô cửa màu xanh, cánh cửa mở ra biết bao ước mơ khát vọng trong tôi. Tôi yêu mái trường, yêu khoảng sân rộng nơi nâng đỡ từng bước nhảy, bước đi, nơi tổ chức trò chơi dân gian cho chúng tôi, và cả những lần sinh hoạt vui chơi tập thể, vui biết bao ngôi trường còn ghi dấu trong tôi không thể phai mờ những ngày tưng bừng rộn rã của buổi khai giảng đầu năm học mới, ngày làm lễ cúng trăng nhộn nhịp tươi vui, hay những buổi liên hoan ồn ào, vui vẻ. Tôi yêu nó vô cùng!

Quý lắm bác bảo vệ luôn luôn nghiêm khắc nhưng không hề dữ dằn bác luôn chăm chỉ, đúng giờ, báo cho chúng tôi giờ giấc hàng ngày rèn luyện chúng tôi vào nề nếp. Ôi! Tiếng trống vang lên bao nhiêu hồi là bấy nhiêu cung bậc cảm xúc. Tôi yêu, tôi nhớ những lời dạy bảo của thầy cô, tôi tự hào về mái trường nội trú, mái trường đã cho tôi quá nhiều điều quý giá những thứ ấy đều phải nhớ, phải trân trọng và nếu một ngày phải rời xa nó, nước mắt ai sẽ rơi, trái tim ai sẽ buồn lòng ai sẽ đau không ai khác chính là chúng tôi, những cô cậu học trò cuối cấp phổ thông. Rồi tôi và những người bạn sẽ chào nhau mỗi người mỗi hướng đi riêng, đi đến tương lai của mình, nhưng mãi mãi sẽ chẳng bao giờ quên. nó sẽ là những ký ức tuyệt đẹp mãi khắc sâu trong tim, trong tận sâu đáy lòng tôi.

Có nhạc sĩ nào đã từng viết “Tuổi thơ như áng mây, rồi sẽ mãi bay về cuối trời. Thời gian xóa những kỷ niệm dấu yêu” vậy thì tôi mong có thể gửi lòng mình vào nơi cuối trời ấy để mãi được sống bên mái trường cấp 3 thân yêu. giờ chỉ còn chút ít thời gian ít ỏi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi sẽ vui chơi hết mình cũng không quên nhiệm vụ chính là học tập chăm chỉ, cố gắng hết sức để đạt kết quả cao cho mười hai năm đèn sách. Cũng như không để phụ lòng gia đình thầy cô, những người đứng đằng sau tôi.

Tôi phải cảm ơn, cảm ơn thật nhiều tới ngôi nhà chung nội trú Huỳnh Cương, những người thầy giáo, cô giáo, người bạn tạo nên mảnh ghép cuộc đời tôi. Tương lai mai này dù có đi đến đâu nhưng trái tim tôi vẫn hướng về mái trường, nơi gắn liền với thanh xuân quý báu. Dù thời gian có trôi đi, phủ bụi và xóa nhòa tất cả thì tình cảm của tôi dành cho mái trường, thầy cô nơi đây vẫn luôn đong đầy và vẹn nguyên không gì thay thế được.

Tôi yêu trường tôi!

Xem thêm những bài văn mẫu đạt điểm cao của học sinh trên cả nước hay khác:

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 12 sách mới các môn học