10+ Đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Lão Hạc (điểm cao)
Đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Lão Hạc điểm cao, hay nhất được chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh trên cả nước giúp bạn có thêm bài văn hay để tham khảo từ đó viết văn hay hơn.
- Dàn ý Đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Lão Hạc
- Đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Lão Hạc (mẫu 1)
- Đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Lão Hạc (mẫu 2)
- Đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Lão Hạc (mẫu 3)
- Đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Lão Hạc (mẫu 4)
- Đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Lão Hạc (mẫu 5)
- Đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Lão Hạc (mẫu 6)
- Đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Lão Hạc (mẫu 7)
- Đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Lão Hạc (mẫu 8)
10+ Đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Lão Hạc (điểm cao)
Dàn ý Đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Lão Hạc
1. Mở bài
+ Vào vai người hàng xóm, giới thiệu tình huống câu chuyện: chứng kiến câu chuyện về Lão Hạc.
2. Thân bài
Nội dung câu chuyện kể.
+ Nét mặt: buồn rười rượi, giọng nói trùng xuống.
+ Lão cố tỏ ra vui vẻ nhưng mặt méo xệch lại như sắp khóc, hai mắt ầng ậc nước.
+ Khi ông giáo cất tiếng hỏi con chó đã bị bắt đi rồi à, lão Hạc mặt co rúm lại, không kìm nén được nữa lão hu hu khóc như một đứa trẻ.
+ Lão Hạc kể cho ông giáo quá trình người ta bắt cậu Vàng đi: chúng lao đến trói chân cậu, ánh mắt như là đang trách móc lão Hạc bạc tình bạc nghĩa.
+ Trước nỗi buồn, sự ân hận của lão Hạc, ông giáo an ủi, động viên lão hãy coi đó như một chuyện bình thường.
+ Sau khi nghe lời khuyên của ông giáo, lão vui vẻ hơn một chút nhưng trên nét mặt vẫn phảng phất nỗi buồn.
3. Kết bài
+ Nêu cảm nghĩ sau khi chứng kiến cuộc trò chuyện của lão Hạc và ông giáo.
Đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Lão Hạc - mẫu 1
Rất nhiều năm về trước, khi tôi còn là một đứa trẻ mười tuổi, tôi là hàng xóm sát vách nhà thằng Quang, bố của Quang làm nghề dạy học, mọi người hay gọi bố nó là ông Giáo. Nhà Quang cũng chẳng khá giả hơn nhà tôi là mấy bởi vì bố nó dạy học thường không công. Hai đứa chúng tôi rất thân nhau, nên thường qua nhà nhau chơi. Hôm nay cũng như mọi ngày, tôi và thằng Quang đang ngồi câu cá ở ao, bỗng nghe ngoài cổng có tiếng gọi:
- Ông Giáo có nhà không?
- Thầy cháu ở trong nhà ạ, cụ vào chơi- Thằng Quang đáp
Hoá ra là lão Hạc, nhà lão ở giữa nhà hai đứa tôi, trong một túp lều, nhà lão nghèo lắm, lão sống một mình cùng một con chó mà lão hay gọi nó là cậu Vàng. Nghe u tôi nói vợ lão mất đã lâu, còn con trai lão thì bỏ đi phu đồn điền. Hằng ngày lão làm đủ mọi nghề để kiếm ăn, hàng xóm thương tình thi thoảng cũng giúp lão một ít, nhưng lão không bao gờ nhận không công, ai cho lão cái gì lão cũng sẽ làm cho nhà ấy một buổi. Vừa vào đến cửa, thấy ông Giáo lão nói:
- Cậu Vàng đi đời rồi ông Giáo ạ
- Cụ bán nó rồi à? Bao giờ?
- Họ vừa bắt xong, Khốn nạn ông Giáo ạ- lão rít lên, nó có biết gì đâu nghe tiếng tôi gọi về, tưởng tôi cho ăn cơm, nó vẫy đuôi mừng tít, tôi lấy cơm cho nó ăn, nó đang ăn thì thằng Mục và thằng Xiên lao ra túm lấy nó. Đến lúc này cu cậu mới biết là cu cậu chết. Cái giống nó cũng không, nó cứ nằm in, rên ư ử như trách tôi: "A! lão già tệ lắm, tôi ăn ở với lão như thế mà lão đối xử với tôi như vậy à?". Tôi già từng này tuổi đầu rồi mà còn đi lừa một con chó.
Lão vừa kể vừa khóc như trẻ con chúng tôi khi đánh mất thứ gì đó mà chúng tôi yêu quý. Bố Quang an ủi:
- Cụ cứ tưởng thế đấy, chớ nó chả hiểu gì đâu, mà ai nuôi chó mà chẳng phải bán, ta bán nó chính là ta hoá kiếp cho nó ấy,
- Ông Giáo nói phải, hoá kiếp cho nó để nó sang kiếp người cho đỡ khổ, kiếp người như tôi chẳng hạn...
Hai thằng chúng tôi đứng ngoài chứng kiến cả câu chuyện, lòng bỗng thấy buồn theo. Tuy khi ấy chúng tôi chỉ là những đứa trẻ con, chưa suy nghĩ được sâu xa, nhưng chúng tôi đều hiểu được rằng, một con người có lòng tự trọng cao, một người nhân hậu như lão, vì cuộc sống quá nghèo khổ mà phải từ bỏ những thứ mình yêu quý. Cuộc đời ông lão tuổi gần đất xa trời thật đáng buồn thay.
Đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Lão Hạc - mẫu 2
Trong làng tôi, có một người dạy học, tính thương người nên gặp ai khó khăn là ông ấy không lấy tiền dạy, mọi người yêu quý gọi ông là ông Giáo. Hôm nay, tôi qua nhà ông Giáo để xin ông nhận thằng con trai của tôi vào học. Tôi và ông Giáo đang nói chuyện thì bỗng thấy ngoài cổng một dáng người gầy, khom khom lưng đang tiến vào trong sân, đến gần tôi mới phát hiện, thì ra là lão Hạc, hàng xóm cạnh nhà ông Giáo, lão sống một mình cùng một con chó, vợ lão thì mất sớm, con lão thì bỏ nhà đi đồn điền, nhà lão nghèo, mỗi ngày lão thường đi quanh xóm xem nhà ai cần giúp việc gì thì xin làm để đổi lấy bữa cơm. Cả làng này ai cũng biết, lão có một con chó rất khôn, lão yêu quý nó lắm, ai hỏi mua lão cũng không đồng ý bán. Lão bước vào rồi ngồi phịch ở bậc thềm trước sân, lão báo ngay:
- Cậu Vàng đi đời rồi ông Giáo ạ
Cả ông Giáo và tôi rất ngạc nhiên
- Cụ bán rồi ư?
Lão gật đầu, cố lấy giọng vui vẻ nhưng miệng méo xệch, mắt đỏ hoe. Ông Giáo tiếp lời:
- Nó dữ như vậy, nó để cho bắt à cụ?
Lão bật khóc hu hu, khuôn mặt co rúm lại vì đau khổ:
- Khốn nạn...ông giáo ơi...Nó có biết gì đâu, nó thấy tôi gọi thì chạy về, vẫy đuôi mừng. Tôi lấy cơm cho nó ăn, nó đang ăn thì thằng Mục với thằng Xiên lao ra tóm lấy chân cu cậu. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết. Cái giống nó cũng khôn, nó kêu ư ử và nhìn tôn, như muốn trách tôi rằng: "A! Lão già tệ lắm, tôi ăn ở với lão như thế mà lão đối xử với tôi thế này à?". Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi mà còn đánh lừa một con chó. Nó không ngờ tôi lỡ tâm lừa nó.
Ông Giáo an ủi:
- Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả hiểu gì đâu, vả lại ai nuôi chó mà chả để bán hay giết thịt. Ta bán nó chính là hoá kiếp cho nó đấy, hoá kiếp cho nó làm kiếp khác cụ ạ.
- Ông Giáo nói phải! Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra sung sướng hơn một chút...kiếp người như kiếp tôi đây chẳng hạn!
- Kiếp ai thì cũng thế cả thôi, cụ ạ! Cụ tưởng tôi sung sướng hơn chăng?
Lão trầm ngân không nói gì, chậm chạp lê bước chân ra cổng, chúng tôi nhìn theo bóng lão mà lòng buồn theo. Chứng kiến đầu đuôi câu chuyện, lòng tôi thật xót xe và mến phục. Cái nghèo làm cuộc đời lão đen tối, đến cái thứ lão yêu quý nhất lão cũng không giữ được. Tình thương, lòng nhân hậu của lão thật to lớn.
Đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Lão Hạc - mẫu 3
Tôi và ông Giáo là hai người hàng xóm thân thiết. Mỗi khi chiều xuống tôi lại sang nhà ông Giáo uống nước chè. Hôm nay cũng vậy, như thường lệ tôi qua đó uống chè thật tình cờ tôi đã chứng kiến trọn vẹn câu chuyện bán chó của lão Hạc. Nghe xong câu chuyện của lão, tôi không khỏi xúc động trước tấm lòng nhân hậu với một người đã gần đất xa trời.
Ông giáo làm nghề dạy học nhưng cũng không khá giả gì. Ông sống cùng vợ con trong một căn nhà đơn sơ nhỏ. Ông giáo là người nhân hậu, nhiều chữ nghĩa nên thường dạy học trò không lấy tiền, vì vậy cuộc sống cũng không khá giả hơn. Có lẽ vì đồng cảnh ngộ với nhau nên chúng tôi nói chuyện rất hợp. Như mọi lần, thấy tôi sang, ông Giáo rót nước mời tôi. Đặt bát chè tươi xuống chõng, ông Giáo bắt đầu nói chuyện về lão Hạc. Lão Hạc là hàng xóm cạnh nhà chúng tôi, rất tôn trọng ông Giáo nên có gì lão cũng kể cho ông Giáo nghe.
Cùng phận là nông dân nhưng lão sống khổ hơn tôi nhiều lần. Nghe đâu nhà lão nghèo, vợ lão lại mất sớm, lão Hạc có một thằng con trai nhưng phẫn chí không có tiền cưới vợ, bỏ đi phu đồn điền cao su đã lâu không thấy trở về. Lão sống một mình cùng con chó vàng trong túp lều đã cũ. Ngày nào lão cũng đi làm thuê đủ việc để kiếm tiền sống qua ngày. Nhưng sức người có hạn, lão vừa ốm một trận thập tử nhất sinh, tiền bạc tích cóp cứ đội nón dần ra đi. Hoàn cảnh của lão khiến tôi nhiều lần muốn giúp nhưng cùng phận nghèo vơí nhau, tôi cũng bất lực chẳng giúp được gì.
Buổi chiều hôm ấy tôi cùng ông giáo ngồi nói chuyện trong sân, thì lão Hạc sang. Hôm nay trông lão có vẻ buồn, lão cầm bát nước chè đưa lên miệng định uống rồi lại bỏ xuống, lão thông báo mình đã bán cậu vàng. Tôi và ông Giáo đều rất bất ngờ, ai cũng biết lão quý con Vàng như thế nào, nó là kỉ vật con lão để lại và là người bạn tâm giao với lão, chắc hẳn phải có lí do gì lão mới đưa ra quyết định đau khổ đó.
Ông Giáo quay sang hỏi: "Thế nó cho bắt à?", "Nó dữ vậy, sao bắt được?" tôi nói thêm vào. Nghe câu hỏi của chúng tôi, lão cố làm ra bộ vui vẻ, nhưng hình như xót con vàng quá, lão cười mà như mếu, rồi lão bắt đầu khóc, lão vừa kể vừa rưng rưng, con Vàng nghe tiếng chủ gọi về ăn thì sướng lắm, nó đang ăn thì thằng Xiên, thằng Mục lao ra tóm gọn bốn chân nó. Lão càng khóc nhiều hơn, Lão nói: "Cái giống nó cũng khôn, nó cứ làm in như trách tôi, nó kêu ư ử, nhìn tôi như bảo tôi rằng: "A! lão già tệ lắm, tôi ăn ở với lão như thế mà lão đối xử với tôi như thế này à?". Thì ra tôi già ngần này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó". Nghe lão kể mà lòng tôi buồn quá. Nghĩ lại thì cũng không thể trách lão, lão còn chẳng nuôi nổi bản thân, thêm con chó nữa thì tiền đâu ra ăn. Tôi và ông Giáo đều cố gắng an ủi lão. Ông Giáo nói: "Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả hiểu gì đâu! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt! Ta giết nó chính là hoá kiếp cho nó đấy, ta hoá kiếp để cho nó làm kiếp khác". Tiếp lời ông Giáo, tôi nó: "Ông Giáo nói phải đấy cụ ạ, thoi thì hoá kiếp cho nó, để nó ở kiếp này cũng khổ". Lão nói giọng cay đắng "Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút...kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn". Ông Giáo nhìn lão nói: "Kiếp ai cũng thế thôi, cụ ạ, cụ tưởng tôi sung sướng hơn chăng?". Lão buồn rầu đáp: "Thế thì không biết nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho thật sướng?" Ngẫm lại thấy lão nói đúng, phận nông dân như chúng tôi thì bao giờ mới thoát kiếp khổ. Về đến nhà, tôi cứ nghĩ mãi câu chuyện ban chiều của lão Hạc, một người nghèo khổ, ít học nhưng nhân hậu, cùng đường phải đi bán con chó mà day dứt lương tâm như vậy, quả thật là một phẩm chất đáng quý. Hoàn cảnh của tô cũng chẳng khá hơn lão là bao, nên tôi chẳng biết làm gì ngoài an ủi lão.
Rất nhiều năm sau này, khi Lão Hạc mất, gia đình tôi cũng thoát khỏi cảnh nghèo, câu chuyện của lão luôn làm tôi nhớ mãi, một con người lương thiện, nhân hậu nhưng số phận quá bi thương.
Đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Lão Hạc - mẫu 4
Từ nhỏ, tôi rất thích đi học nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên không được đến trường. Khi ông giáo dọn nhà về đây, tôi qua làm quen và nhờ ông giáo chỉ dạy những con chữ. Kể từ đó, tôi trở thành học trò của một ông giáo tốt bụng mặc dù lúc đó tôi cũng đã lớn tuổi. Do thường hay qua nhà ông giáo nên một lần tôi được chứng kiến câu chuyện hết sức xúc động: lão Hạc kể chuyện bán chó với ông giáo. Bạn có thể nghĩ: “Có gì to tát đâu, chỉ là bán một con chó thôi mà!”. Nhưng bạn ơi, nếu bạn hiểu về hoàn cảnh sống và phẩm chất của lão Hạc thì hẳn bạn sẽ hiểu vì sao đây là một câu chuyện mà dù nhiều năm trôi qua nhưng tôi vẫn không thể nào quên.
Tôi vẫn nhớ như in hôm ấy! Khi đang ngồi trò chuyện cùng ông giáo thì bất chợt thấy lão Hạc từ đằng xa đi lại. Cả cái làng này ai cũng biết lão Hạc – một lão nông già có hoàn cảnh hết sức đáng thương.Lão Hạc rất nghèo, vợ lão mất, lão sống cô độc, chỉ có con chó Vàng làm bạn. Con trai lão vì nghèo, không lấy được vợ đã phẫn chí bỏ làng đi xa. Lão ở nhà chờ con về, làm thuê để sống. Dù đói, lão quyết không bán đi mảnh vườn và ăn vào tiền dành dụm do “bòn vườn”, lão giữ cả lại cho con trai. Nhưng một trận ốm dai dẳng, lão không còn sức đi làm thuê nữa. Và mấy ngày nay, tôi cũng ít thấy lão. (tóm tắt hoàn cảnh lão Hạc)
Thế mà, có ngờ đâu, hôm nay trông lão tiều tụy quá. Dáng đi thất thiểu như một người không còn sức sống. Da lão xanh xao, vàng vọt, gương mặt sầu khổ và vừng trán hiện lên rất nhiều nếp nhăn. Mái tóc lão bạc phơ, trông xơ xác quá. Nhìn thấy lão như thế ai mà không chạnh lòng cho được. Mà hình như lão có chuyện gì đó thì phải?! (miêu tả và biểu cảm)
Đúng như dự đoán, vừa bước vào nhà, thấy chúng tôi, lão báo ngay:
- Cậu Vàng đi đời rồi, các bác ạ!
- Cụ bán rồi? – Ông giáo hỏi với vẻ ngạc nhiên.
- Bán rồi! Họ vừa bắt xong. – lão trả lời giọng như có vật gì trong cổ họng.
Rồi sau đó, lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước. Thấy thế, trong chúng tôi, ai muốn ôm choàng lấy lão mà oà lên khóc, vì chúng tôi hiểu lão quý “cậu vàng” như thế nào. Thật ái ngại cho lão Hạc làm sao. Như để thay đổi không khí trầm lắng, ông giáo hỏi lão Hạc:
- Thế nó cho bắt à?
Sau câu hỏi của ông giáo, tôi bỗng thấy mặt lão đột nhiên co rúm và những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc... Tội nghiệp cho lão! Như muốn bộc lộ nỗi lòng dằn vặt, lão chợt thốt lên:
- Khốn nạn... Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi ; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!
Rất khéo léo, ông giáo vội an ủi lão:
- Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả biết đâu! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt? Ta giết nó chính là hoá kiếp cho nó đấy, hoá kiếp để cho nó làm kiếp khác.
Thế nhưng, lão chua chát bảo:
- Ông giáo nói phải! Kiếp cho chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút... kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn...
Tôi cũng bùi ngùi nhìn lão, chua chát nói:
- Kiếp ai cũng thế thôi, cụ ạ! Cụ tưởng chúng tôi sung sướng hơn chăng?
- Thế thì không biết nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho thật sướng.
Lão cười và ho sòng sọc. Ông giáo nắm lấy cái vai gầy của lão, ôn tồn bảo:
- Chẳng kiếp gì sung sướng thật, nhưng có cái này là sung sướng: bây giờ cụ ngồi xuống phản này chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai lang, nấu một ấm nước chè tươi thật đặc; ông con mình ăn khoai, uống nước chè, rồi hút thuốc lào... Thế là sướng.
- Vâng! Ông giáo dạy phải! Ðối với chúng mình thì thế là sung sướng.
Lão nói xong lại cười đưa đà. Tiếng cười gượng nhưng nghe đã hiền hậu lại. Chúng tôi đều nhẹ người hẳn lại.
Tôi vui vẻ bảo:
- Thế là được, chứ gì? Vậy cụ ngồi xuống đây, nói chuyện với thầy tôi, để tôi đi luộc khoai, nấu nước.
- Nói đùa thế, chứ ông giáo và bác để khi khác vậy?...
Chúng tôi hết sức ngỡ ngàng vì câu nói của lão. Hình như lão có chuyện gì chăng???
- Việc gì còn phải chờ khi khác?... Không bao giờ nên hoãn sự sung sướng lại cụ ơi. Cụ cứ ngồi xuống đây đi ạ! Tôi làm nhanh lắm!
- Ðã biết thế, cảm ơn bác, nhưng tôi còn muốn nhờ ông giáo một việc...
Rồi tự dưng mặt lão nghiêm trang lại...
- Việc gì thế, cụ? – Ông giáo nhẹ nhàng hỏi.
- Ông giáo để tôi nói... Nó hơi dài dòng một tí.
- Vâng, cụ nói.
- Nó thế này, ông giáo ạ!
Tôi cũng thôi nấu khoai, ngồi xuống cùng ông giáo nghe lão Hạc kể. Lão kể nhỏ nhẹ và dài dòng thật. Nhưng đại khái có thể rút vào hai việc. Việc thứ nhất: Lão thì già, con đi vắng, vả lại nó cũng còn dại lắm, nếu không có người trông nom cho thì khó mà giữ được vườn đất để làm ăn ở làng này. Thầy của tôi là người nhiều chữ nghĩa, nhiều lý luận người ta kiêng nể, vậy lão muốn nhờ thầy cho lão gửi ba sào vườn của thằng con lão, lão viết văn tự nhượng cho thầy tôi để không ai còn tơ tưởng dòm ngó đến; khi nào con lão về thì nó sẽ nhận vườn làm, nhưng văn tự cứ để tên thầy tôi cũng được,... Việc thứ hai: Lão già yếu lắm rồi, không biết sống chết lúc nào: con không có nhà, lỡ chết không biết ai đứng ra lo cho được; để phiền cho hàng xóm thì chết không nhắm mắt. Lão còn được hăm nhăm đồng bạc với năm đồng vừa bán chó là ba mươi đồng bạc, muốn gửi thầy để lỡ có chết thì thầy đem ra, nói với hàng xóm giúp, gọi là của lão có tí chút, còn bao nhiêu đành nhờ hàng xóm cả... Ôi lão Hạc quả thật xứng đáng để người ta kính trọng và yêu quý. Sau đó, lão về. Chúng tôi nhìn theo dáng gầy gò của lão mà không cầm được nước mắt. Rồi lão sẽ sống ra sao những ngày tháng sau này?... Cuộc đời sao mà thật đáng buồn!
Nhìn đời sống hạnh phúc ấm no và khá đầy đủ của người nông dân thời bây giờ, tôi chợt chạnh lòng xót xa cho số phận cùng cực khổ đau mà người nông dân trong xã hội cũ âm thầm gánh chịu. Câu chuyện tôi chứng kiến cảnh lão Hạc kể chuyện bán chó mãi mãi in sâu vào trong tâm trí cũng như làm sao tôi có thể quên hình ảnh người nông dân nghèo nhưng giàu tình cảm, giàu lòng tự trọng, yêu thương con – Lão Hạc!
Đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Lão Hạc - mẫu 5
Trời đã thủng buổi, mặt trời chói chang len qua những bóng lá rọi xuống khung cửa nan nhà. Tôi đang lụi cụi nấu ăn dưới bếp, than khói lửa hồng bốc lên dưới cái nắng ban trưa thật khiến người ta dễ bực mình. Ông nhà đang ngồi đọc mấy quyển văn của trò ông ấy, rồi cứ luôn tay phe phẩy cái quạt mo. Cơm nước đã xong đấy, toan dọn mâm lên ăn, thì bỗng nhiên, lão Hạc bước từ cửa vào. Lão hạc là hàng xóm của nhà tôi, nhà lão nghèo lắm, vợ mất, con trai vì không lấy được vợ nên bỏ đi làm ăn, để mình thân già lão ở nhà. Lão với ông nhà tôi thân nhau lắm, tuy tuổi tác chênh lệch, nhưng hai người cứ trò chuyện thì lại rôm rả, như hai người bạn tri kỉ với nhau vậy.
Lão Hạc cứ chệnh choạng, mặt cúi gằm xuống, lưỡng lự trước cửa một lúc rồi bước vào nhà. Ông nhà tôi kêu lên: Cụ đến chơi ạ” Lão Hạc không đáp lại. Lão đi từ từ, chậm rãi vào gian chính. Bực mình thật, đúng lúc người ta ăn cơm thì lại mò đến- Tôi tự nhủ một cách trách móc lão Hạc. Lạ thật! Lão ngồi phịch xuống tấm phản, không nói không rằng, cứ cúi gằm cái mặt xuống. Chồng tôi cũng thấy lạ lắm, nhưng cũng giữ phép lịch sự, rót chén nước chè mời lão. Lão Hạc đưa hai bàn tay run run đỡ lấy chén trà chồng tôi đưa, đưa lên môi nhấp nhẹ rồi lại đặt xuống. Đến giờ lão vẫn chưa mở lời. Rồi cái vẻ yên lặng ấy cứ diễn ra một lúc, chồng tôi nhìn lão một cách kì lạ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cuối cùng thì, có lẽ là lão đã sẵn sàng để nói chuyện- lão ngẩng khuôn mặt lão lên, khuôn mặt nhăn nheo, rám nắng, dưới khóe mắt vẫn thâm quầng- và mở chuyện:
- Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ!
- Cụ bán nó rồi?- chồng tôi đáp một cách ngạc nhiên
- Bán rồi! Họ vừa bắt nó xong.
Lão kể với giọng khàn khàn, khiến tôi nghe chữ được chữ không. Lão mỉm cười. Nhưng lão cười lạ lắm, miệng lão cười nhưng mà môi cứ giật giật, cả người lão run lên. Lão cười mà như mếu vậy. Có lẽ tâm trạng lão không vui như lão cố tỏ ra cho chồng tôi thấy- và chồng tôi cũng nhận ra điều đó. Ông hỏi:
- Thế nó cho bắt à!
Vẻ mặt lão thoáng thay đổi, mắt lão nhắm nghiền lại, khuôn miệng cười lúc nãy đã biến mất. Rồi từ hai khóe mắt chảy ra giọt nước mắt, nó chảy dài trên khuôn mặt xương xương của lão. Những nếp nhăn trên khuôn mặt lão co lại, lão khóc mỗi lúc một nhiều, hàng nước mắt cứ tuôn mãi. Tôi ngạc nhiên, từ xưa đến nay lão có bao giờ thế đâu. Mà lão Hạc đã già, có lẽ lên chức ông chức cụ rồi, vậy mà lão lại hu hu khóc chẳng khác gì một đứa con nít. Mặt ông nhà tôi cũng biến dạng theo.
Lão Hạc kể lại chuyện bán chó mà tiếng khóc cứ ngân dài theo từng lời nói, trông đến là tội nghiệp.
- Khốn nạn… Ông giáo ơi! – Lão òa lên- Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm, nó ăn ngon lành, bởi vì tôi cho nó toàn món ngon, bữa cuối cùng của nó mà. Thế rồi, lúc nó đang hoan hỉ, thì bỗng thằng Mục với thằng Xiên nấp ngay sau nó nhảy ra, tóm gọn nó. Cu cậu trông béo tốt thế mà lại nhát, thế nên chẳng bao lâu nó đã bị trói gọn cả bốn cẳng lại rồi. Bấy giờ cu cậu mới biết cu cậu chết. Mà cái giống nó khôn lắm! Nó nhìn tôi in như nó trách tôi. Nhìn ánh mắt nó, chắc nó đang thầm bảo rằng: “ A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão thế mà lão lại đối xử với tôi như thế à? Tôi già từng này tuổi đầu rồi mà lại phải lừa một con chó ông giáo ạ.
Nói đến đây, lão Hạc tự đấm thùm thụp vào ngực mình, bởi vì có lẽ lão sẽ không bao giờ có thể tự tha thứ cho mình được. Lão cứ rên rỉ, trách móc mình mãi, kèm theo là những cái cào xé, lão đang dằn vặt nỗi lòng của mình, đến nỗi mà chồng tôi phải ngăn lão lại thì lão mới dừng. Ông an ủi lão Hạc
- Thôi cụ ạ! Nó không hiểu gì đâu! Mà chó nào nuôi mà chẳng để giết thịt! Ta bán nó đi chính là hóa kiếp cho nó đấy.
Nghe xong câu này của chồng tôi, lão Hạc ngẩng mặt lên trời, lão vẫn khóc, nhưng lão vừa khóc vừa cười, giọng cười chua chát và cay đắng. Lão nhắm nghiền mắt lại cố ngăn cho dòng nước mắt không tuôn nữa, rồi bảo rằng lão mong là con chó sẽ thành kiếp người, như lão chẳng hạn. Tôi để ý thấy chồng tôi cũng đau buồn theo lão, nước mắt đã rơi, nhưng ông không muốn lão Hạc càng thêm buồn nên cố nén lại, và nghiến răng để không òa khóc theo lão. Ông nắm lấy đôi vai gầy guộc của lão Hạc an ủi lão. Cái cảnh tượng thật não nề.
Đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Lão Hạc - mẫu 6
Phía cuối làng tôi là nhà lão Hạc - một căn nhà lá xơ xác và tồi tàn. Lão sống cô đơn một mình bên con chó, cuộc sống đầy vất vả khó khăn. Sở dĩ tôi biết lão rõ như vậy là vì nơi tôi ở, ngay sát cạnh nhà lão, chỉ cách nhau có một bức tường gạch. Lão Hạc sống một mình, già rồi mà chẳng có ai chăm.Tôi thương và muốn giúp lão nhiều nhưng hoàn cảnh nhà tôi cũng chẳng hơn gì lão nên đành ngậm ngùi nhìn vậy, mặc cho tháng ngày trôi đi.
Thế rồi vào một ngày, sáng đó tôi dậy sớm lắm. Mặt trời chưa lên, cả đất trời tối sầm với một màn sương đêm đọng lại. Tôi thong thả bước đi chợ. Nói đi chợ là nói đó thôi chứ tôi muốn đi bộ để tận hưởng cái gió mát đầu ngày.Tôi bước đi trên con đường làng quanh co dẫn đến cuối xóm. Tiếng chó sủa, gà gáy vang lên làm phá đi cái không khí tĩnh lặng lúc nào. Rồi trong tôi bỗng sực nhớ tới một việc. Chả là thế này. Cô Thị vợ Ông giáo có nói với tôi là mắc chứng bệnh đau lưng kinh liên, cô nhờ tôi kiếm giúp chỗ nào chữa tốt thì mách cho cô ấy. Tôi đã tìm ra và định đến trưa sang nhà. Mặt trời mỗi lúc càng lên cao, tôi đến nhà Ông giáo. Đi dưới những lũy tre xanh, tôi cảm thấy dễ chịu và khoan khoái lạ thường. Tôi rảo bước thật nhanh tới nhà. Phía sau cánh cổng nhà Ông giáo là khoảng sân rộng. Thị đang đứng trong bếp, tôi chạy ào vào và mách luôn. Nhưng thật vô tình làm sao tôi nghe được cuộc nói chuyện đầy ý nghĩa của lão Hạc và Ông giáo. Tôi nghe mà trong lòng thấy rằng cuộc đời này thật là trớ trêu!
Tôi đứng dưới sân, dưới ánh nắng gắt của buổi ban trưa, đang mách cho Thị thì thấy lão Hạc tất tưởi, hớt hải chạy vào. Nhìn lão chạy mà tôi thấy buồn cười. Cái dáng đã già vừa thấp lại gù gù của lão nhìn thật khó coi. Những nỗi khắc khổ hiện lên trên khuôn mặt lão khiến ai nhìn vào cũng thấy thương. Nhưng lạ một điều, tại sao lão lại căng thẳng và lo lắng đến vậy. Tôi băn khoăn trong lòng tự hỏi. Lão chạy thẳng một mạch vào nhà, vừa thấy Ông giáo, lão bắt đầu ngay câu nói:
- Cậu Vàng đi đời rồi, Ông giáo ạ!
Không khí trong nhà trùng xuống, nặng nề một cách lạ. Ông giáo thốt lên tiếng rồi ấp úng đáp:
- Lão... lão bán con chó rồi sao?
Lão Hạc không nói gì, khuôn mặt hốc hác ấy cúi gằm xuống. Lão trả lời bằng giọng run run:
- Bán rồi, họ vừa bắt xong.
Ông giáo đứng yên như chết lặng, buồn, thương thay cho lão Hạc. Đứng ở ngoài nhìn vào, nghe nhưng tiếng nói chua xót của hai người ấy mà tôi thấy chạch lòng. Chắc lão Hạc phải suy nghĩ nhiều lắm, day dứt lắm khi quyết định bán con chó. Lão và con chó thân nhau lắm. Lúc đầu thấy lão nuôi chó tôi nghĩ chắc lão nuôi để bán lấy tiền hay làm thịt đó thôi. Nhưng giờ thì... Lão Hạc buồn, đau đớn, xót xa, ân hận đến cùng cực. Những nếp nhăn xô lại với nhau, hằn rõ mồn một. Đôi mắt ầng ậc nước của lão ánh lên nỗi buồn đau khôn xiết. Lão bật khóc huhu rồi như trẻ con mếu. Ông giáo nhìn lão Hạc một cách cảm thông, chắc ông ấy hiểu được tình cảm đó. Tôi nhìn vào trong nhà mà xót xa. Lão khóc to hơn, nước mắt giàn giụa chảy ra một cách đau khổ:
- Khốn nạn... ông giáo ơi!... Nó có biết gì đâu!
Ông giáo ngồi nghe mà đau xót. Lão Hạc kể chuyện con chó bị bắt. Trong những lời nói run run ấy, tôi cảm nhận được sự hối hận, xót xa trong lòng lão đến mức độ nào. Rồi bầu không khí ấy bị phá tan bởi giọng nói của Ông giáo: "Mẹ nó à, vào nhà lấy cho tôi cái chõng tre và mang một ấm nước chè pha sẵn cho tôi". Tiếng gọi với phát ra trong nhà. Nghe thấy vậy, Thị liền làm ngay. Hai ông bạn vẫn tiếp tục nói chuyện một cách chân tình. Ông giáo nói bằng giọng lo lắng:
- Lão Hạc à! Ông không sao đấy chứ? Thôi thì bán nó đi cũng tốt, coi như là ta đã hóa kiếp cho nó, giúp nó đến với một cuộc sống tốt hơn. Lão thấy có đúng không?
Lão nhìn ông giáo với ánh mắt nặng trĩu nỗi buồn nhưng vẫn cố gượng cười:
- Ông giáo nói phải, thôi thì ta hóa kiếp cho nó vậy.
Tôi nghe mà thương lão Hạc quá. Bán con chó rồi, một mình còm cõi ở nhà lão biết làm bạn với ai. Dẫu biết cuộc sống khó khăn và thiếu thốn nhưng có bạn ở bên thì sẽ vui hơn nhiều. Nhìn lão Hạc, tôi càng thấy tội nghiệp cuộc sống già cô đơn. Hai khuôn mặt nặng trĩu nỗi buồn. cuộc nói chuyện im lặng một lúc lâu. Họ nhìn nhau như thể thương cảm bằng những con mắt biết nói. Ngoài trời, nắng vẫn chói chang. Từng ngọn gió vi vu xô nhẹ nhưng rặng tre tạo nên tiếng xào xạc lạ kì. Trong bầu không khí im lặng của làng quê nghèo, tiếng lá vẫn reo. Cả hai người ngồi thừ ra, ngẫm nghĩ cuộc đời.
- Lão Hạc ạ! Tôi cũng như ông, đều có những vật mà tôi quý giá vô cùng nhưng rồi cũng phải bán. Lão có biết tại sao không? Chính là do cuộc sống hàng ngày khiến tôi thấy một điều: không bán thì sẽ chết. Cuộc sống không ai có thể lường trước được tất cả, có những việc ta phải chấp nhận và đối mặt với nó. Bởi sở dĩ cuộc sống này là vậy.
Ông giáo nói như phân tích vấn đề. Khuôn mặt nghiêm nghị một cách rất chín chắn. Lão Hạc ngồi gật gù công nhận câu nói ấy của bạn. Tôi đứng ngoài sân, miên man suy nghĩ về nỗi khổ cuộc đời. Lão đã bớt buồn. Nhìn lão Hạc tôi cũng thấy đỡ lo. Hai người vẫn tiếp tục nói nhưng tôi thì phải về. Ông mặt trời đã bắt đầu lặn.
Tôi lững thững bước đi về nhà mà trong lòng miên man một nỗi buồn khó nói.
Đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Lão Hạc - mẫu 7
Tôi vốn là người cùng làng với lão Hạc và ông giáo, cũng chỉ là người nông dân bình thường. Hàng ngày đi làm ruộng, có rảnh rỗi thì sang hút điếu thuốc lào cũng lão. Mọi chuyện vẫn sẽ trôi qua như thế, nếu hôm đó tôi không được chứng kiến câu chuyện giữa lão và ông giáo.
Làng quê khi ấy còn nhiều đói kém lắm, ăn không đủ no, áo không đủ mặc. Người ta vật lộn với miếng ăn cũng đã đủ khổ sở. Vậy nhưng mà cả làng này không ai là không biết lão quý con chó Vàng như quý một báu vật. Lão ăn gì cậu ăn nấy, mà có khi còn ăn hơn. Phần vì sống một mình lắm nỗi buồn, phần vì đó là con chó của cậu con trai để lại, nên lão cũng không nỡ bán. Cứ thỉnh thoảng tôi chạy sang, lại thấy lão ngồi vuốt ve nói chuyện với nó. Thế nhưng lạ thật, mấy hôm nay lại thấy lão cứ thỉnh thoảng tặc lưỡi: “Thôi thì bán phắt đi”. Lão túng thiếu quá rồi sao? Nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn tin là lão sẽ không chịu để mất cậu Vàng.
Chiều hôm ấy, tôi ngồi bên nhà ông giáo, khề khà hút thuốc tâm sự. Chợt thấy cái dáng lòng khòng quen thuộc chạy sang. Hình như là lão Hạc rồi. Lão bình thường đã gầy, nay trông lại càng khắc khổ hơn. Đôi mắt đục ngầu lại đỏ hoe như vừa làm điều gì có lỗi. Tức thì, lão nói ngay:
- Cụ Vàng đi đời rồi ông giáo ạ
Tôi và ông giáo như không tin vào tai mình. Một người coi cả con chó ấy là tài sản, lại nỡ lòng nào bán nó. Ông giáo hỏi lại:
- Cụ bán rồi?
- Bán rồi. Họ vừa bắt xong
Lão trả lời chúng tôi, miệng cười nhưng mà như mếu. Hình như lão đang cố tỏ ra vui vẻ, đôi mắt lại còn ầng ậc nước. Tội nghiệp lão quá! Chưa bao giờ tôi thấy xót xa cho một phận người thế này. Không biết ông giáo có còn tiếc năm quyển sách của ông nữa không, nhưng giờ tôi chỉ thấy ái ngại cho lão. Tôi toan đến ôm lấy lão mà an ủi thì ngừng lại, sợ lão khó xử. Tôi và ông giáo lân la hỏi cho có chuyện:
- Thế nó cho bắt à?
Lúc này, biểu hiện của lão càng làm chúng tôi ngạc nhiên hơn nữa. Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc...
- Khốn nạn... Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi về thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!
Lão nói đến đâu mà tôi và ông giáo phải câm lặng đến đó. Trước tình thế ấy, chúng tôi biết phải nói gì? Phải an ủi lão như một đứa con nít, hay hùa theo mà trách lão? Cũng may, ông giáo kịp mở lời:
- Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả hiểu đâu! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt? Ta giết nó chính là hóa kiếp cho nó đấy, hóa kiếp để cho nó làm kiếp khác.
Lão giờ cũng đã xuôi xuôi hơn rồi, nhưng giọng nghe vẫn còn chua chát lắm. Có chăng, tiếng kêu cứu hay cái nhìn của cậu Vàng kia vẫn còn ám ảnh lão. Lão lắc đầu nói:
- Ông giáo nói phải! Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hóa kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút... kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn!...
Hai con người khốn khổ ấy cứ ngồi nói chuyện với nhau về kiếp sướng kiếp khổ. Tôi cũng tham gia đôi lời, để lão Hạc tạm yên lòng quên đi chuyện con chó. Nói vậy thôi chứ tôi cũng thầm nghĩ rằng, đêm về lão sẽ còn ân hận nhiều lắm, mà có khi còn làm chuyện dại dột cũng nên. Nghĩ đến đó, tôi chợt rùng mình, chỉ mong sao lão đừng làm những chuyện ấy. Chứng kiến câu chuyện bán chó của lão Hạc mà lòng tôi cũng không yên. Tôi phải suy nghĩ lại xem vì sao lão sẵn sàng bán con chó ấy? Có khi vì lão sợ động đến tiền của đứa con trai? Lão thà để bản thân khổ chứ không để con khổ. Lòng người cha, cũng chỉ rộng đến thế mà thôi!
Biết bao năm trôi qua, nhưng hình ảnh lão Hạc ngày hôm ấy thì tôi vẫn không thể quên được. Thương lão một phần, nhưng cũng vì qua đó, tôi nhận thức được nhiều điều về con người. Lão Hạc đã ra đi ngay đêm đó, nhưng đó phải chăng cũng là cách giải thoát cho lão?
Đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Lão Hạc - mẫu 8
Mặt trời cuối ngày đỏ au, đang khuất dần sau những rặng tre. Trong làng giờ này khói bếp mọi nhà đã khi ngút. Tôi đang lúi húi trong bếp nấu cơm tối, còn ông nhà tôi ngồi trên chõng xem lại mấy quyển sách. Bỗng có tiếng gọi ngoài cổng vọng vào:
- Ông Giáo có nhà không?
- Tôi có, cụ vào uống bát nước
Thì ra là Lão Hạc, Lão ở cạnh nhà tôi, nhà lão nghèo, vợ mất sớm, có đứa con trai nghe bảo đâu vì không có tiền cưới vợ nên bỏ đi làm đồn điền cao su mấy năm không biết còn sống hay đã chết. Lão sống một mình cùng con chó, người và chó nương tựa nhau rau cháo qua ngày. Thi thoảng nhà chúng tôi cũng sang giúp đỡ lão khi thì bát gạo, khi mớ rau,....muốn giúp nhiều nhưng cũng chẳng được, ông nhà tôi làm nghề dạy học, nhưng tính lại hay thương người, nên thường dạy học không công cho bọn trẻ. Lão thân với ông nhà tôi lắm, có chuyện gì cũng sang nói với ông nhà tôi, trò chuyện rôm rả như hai người bạn tri kỉ với nhau.
Hôm nay cũng như mọi hôm, lão sang nhà tôi, nhìn lão đợt này gầy quá, cũng phải, mới ốm một trận, tiền bạc ra đi hết. Mọi lần Lão sang, con chó của lão cũng hay đi theo nằm dưới chân lão, hôm nay không thấy nó đến, mang ấm nước chè tươi lên, tôi buột miệng hỏi:
-Hôm nay không thấy Cậu Vàng đi cùng cụ nhỉ
Gương mặt lão thoáng chút buồn, lão nói:
- Cậu Vàng đi đời rồi ông Giáo ạ
- Cụ bán nó rồi?- ông nhà tôi hỏi
- Bán rồi! Họ vừa bắt xong.
Lão kể với giọng khàn khàn, rồi lão cười, nhưng môi cứ giật giật, cả người lão run lên, cười mà như mếu.
- Thế nó cho bắt à?
Nói đến đây, lão khóc như một đứa trẻ, hai dòng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt lão, khuôn mặt nhăn nheo khổ cực. Lão oà lên:
- Khốn nạn...Ông Giáo ơi, nó có biết gì đâu, nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về vẫy đuôi mừng, tôi cho nó ăn cơm, nó ăn ngon lành, nó đang ăn thì thằng Mục với thằng Xiên lao ra túm chặt lấy bốn chân nó. Bấy giờ cu cậu mới biết cu cậu chết. Mà cái giống nó khôn lắm! Nó nhìn tôi in như nó trách tôi. Ánh mắt nó như thầm bảo răng: "A! lão già tệ lắm, tôi ăn ở với lão như thế mà lão lại đối xử với tôi như thế à? Tôi già từng này tuổi đầu rồi mà lại phải đi lừa một con chó ông giáo ạ.
Nói đoạn Lão càng khóc nhiều hơn, lão rên rì, trách móc mình mãi. Ông nhà tôi an ủi:
- Thôi cụ ạ! Cụ nghĩ vậy chứ nó không hiểu gì đâu! Mà chó nào nuôi mà chẳng để giết thịt, ta bán nó chính là hoá kiếp cho nó đấy
Lão ngửa mặt lên trời ngăn cho dòng nước mắt không chảy ra, lão nói
- Hoá kiếp cho nó để nó thành kiếp khác cho đỡ khổ, đỡ khổ như kiếp tôi.
Ông nhà tôi nắm lấy đôi vai gầy guộc của lão, an ủi lão. Câu chuyện chiều nay của lão Hạc làm tôi cứ suy nghĩ mãi, về một kiếp người nhân hậu, bán một con chó nhưng day dứt lương tâm, một cuộc đời thật đáng buồn.
Xem thêm những bài văn mẫu đạt điểm cao của học sinh trên cả nước hay khác:
- Đóng vai người lính kể lại bài thơ Ánh trăng
- Đóng vai người lính kể lại bài thơ Đồng chí
- Đóng vai người lính trong tiểu đội xe không kính
- Đóng vai người ngư dân trong Đoàn thuyền đánh cá
- Đóng vai nhân vật ông Hai kể lại truyện ngắn Làng
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Giải Tiếng Anh 12 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Friends Global
- Lớp 12 Kết nối tri thức
- Soạn văn 12 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 12 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 12 - KNTT
- Giải sgk Vật Lí 12 - KNTT
- Giải sgk Hóa học 12 - KNTT
- Giải sgk Sinh học 12 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 12 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 12 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - KNTT
- Giải sgk Tin học 12 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 12 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 12 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 12 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 12 - KNTT
- Lớp 12 Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 12 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 12 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 12 - CTST
- Giải sgk Vật Lí 12 - CTST
- Giải sgk Hóa học 12 - CTST
- Giải sgk Sinh học 12 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 12 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 12 - CTST
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - CTST
- Giải sgk Tin học 12 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 12 - CTST
- Lớp 12 Cánh diều
- Soạn văn 12 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 12 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 12 Cánh diều
- Giải sgk Vật Lí 12 - Cánh diều
- Giải sgk Hóa học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Sinh học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 12 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 12 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 12 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 12 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 12 - Cánh diều