Phân tích đoạn 4 bài thơ Đất Nước (điểm cao)



Đề bài: Phân tích đoạn 4 bài thơ "Đất nước" (trích trường ca "Mặt đường khát vọng") của Nguyễn Khoa Điềm:

    "Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất nước những núi Vọng Phu

    ..............

    Những cuộc đời đã hóa núi sông ta".

Phân tích đoạn 4 bài thơ Đất Nước (điểm cao)

Bài giảng: Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm) - Cô Nguyễn Ngọc Anh (Giáo viên VietJack)

    Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ những nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Trường ca "Mặt đường khát vọng" là tác phẩm xuất sắc, mang vẻ đẹp độc đáo của ông, được sáng tác vào năm 1971 tại núi rừng chiến khu Trị — Thiên. Bài "Đất Nước" là chương V của trường ca này. Tác giả đã sử dụng một cách sáng tạo các chất liệu - thi liệu từ tục ngữ, ca dao dân ca, từ truyển thuyết cổ tích đến phong tục, ngôn ngữ... của nền văn hóa dân tộc để khơi nguồn cảm hứng về Đất Nước, một Đất Nước có nguồn gốc lâu đời, một Đất Nước của Nhân Dân vĩnh hằng muôn thuở.

Quảng cáo

    Đoạn thơ 12 câu này trích trong phần II bài "Đất Nước" đã ca ngợi Đất Nước hùng vĩ, tự hào khẳng định những phẩm chất cao đẹp ta, tộc ta. Câu thơ mở rộng đến 13, 14, 15 từ, nhưng vẫn thanh thoát, nhịp nhàng, giàu âm điệu và nhạc điệu gợi cảm:

    "Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

    ...

    Những cuộc đời đã hóa núi sông ta".

    Tám câu thơ đầu nói về tượng hình Đất Nước, một Đất Nước hùng vĩ, một giang sơn gấm vóc. Khắp nơi trên mọi miền Đất Nước ta, ở đâu cũng có những danh lam thắng cảnh. Núi Vọng Phu, hòn Trống Mái đã đi vào huyền thoại cổ tích. Nguyên Khoa Điềm đã có một cái nhìn khám phá, nhân văn. Núi ấy, hòn ấy là do "những người vợ nhớ chồng", hoặc "cặp vợ chồng yêu nhau" mà đã "góp cho", đã "góp nên" làm đẹp thêm, tô điểm thêm Đất Nước:

    "Những người vợ nhớ chổng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

    Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái".

Quảng cáo

    Núi Vọng Phu ở Lạng Sơn, Thanh Hóa, Bình Định,... hòn Trống Mái ở Sầm Sơn không chỉ là vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Vợ có "nhớ chồng", cặp vợ chồng có "yêu nhau" thì mới "góp cho Đất Nước", mới "góp nên" những núi Vọng Phu, hòn Trống Mái ấy. Tình yêu lứa đôi có thắm thiết, tình nghĩa vợ chồng có thủy chung thì Đất Nước mới có tượng hình kì thú ấy, Tác giả đã vượt lên lối liệt kê tầm thường để có một cách nhìn, một cách diển đạt mới mẻ, nhân văn.

    Hai câu thơ tiếp theo ca ngợi vẻ đẹp Đất Nước về mặt lịch sử và truyền thống. Cái "gót ngựa của Thánh Gióng" đã "để lại"cho Đất Nước ta bao ao đầm ở vùng Hà Bắc ngày nay! 99 núi con Voi ở Phong Châu đã quần tụ, chung sức chung lòng "góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương". Các từ ngữ: "đi qua còn... để lại", "góp mình dựng" đã thể hiện một cách bình dị mà tự hào về sự thiêng liêng của Tổ quốc, về khí phách anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của nhân dân ta trong xây dựng và bảo vệ Đất Nước:

    "Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

    Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương".

    Đất Nước ta có núi cao, biển rộng, sông dài. Có sông Hồng Hà "đỏ nặng phù sa". Có sông Mã "bờm ngựa phi thác trắng".Và còn có Cửu Long Giang với dáng hình thơ mộng, ôm ấp huyền thoại kiêu sa:

    "Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm".

    Rồng "nằm im"từ bao đời nay mà Nam Bộ mến yêu có "dòng sông xanh thẳm" cho quê hương nhiều nước ngọt phù sa, nhiều tôm cá, mênh mông biển lúa bốn mùa. Phải chăng nhà thơ trẻ qua vẻ đẹp dòng sông Chín Rồng để ca ngợi giang sơn gấm vóc, con người Việt Nam rất đỗi tài hoa?

    Quảng Nam, Quảng Ngãi quê hương của Hoàng Diệu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng,... có núi Ân sông Đà, có núi Bút non Nghiên. Ngắm núi Bút non Nghiên, Nguyễn Khoa Điềm không nói về "địa linh nhân kiệt" mà nghĩ về người học trò nghèo, về truyền thống hiếu học và tấm lòng tôn sư trọng đạo của nhân dân ta:

    "Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình Bút, non nghiên".

    "Nghèo" mà vẫn "góp cho" Đất Nước ta núi Bút non Nghiên, làm rạng rỡ nền văn hiến Đại Việt. Nghèo vật chất mà giàu trí tuệ tài năng.

Quảng cáo

    Hạ Long trở thành kì quan, thắng cảnh là nhờ có "con cóc, con gà quê hương cùng góp cho".Và những tên làng, lên núi, tên sông như Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm... ở vùng cực Nam Đất Nước xa xôi đã do "những người dân nào đã góp tên", đã đem mồ hôi, xương máu bạt rừng, lấn biển, đào kênh, bắt sấu, bộ hổ... làm nên? Nhà thơ đã có một cách nói bình dị mà thấm thìa ca ngợi đức tính cần cù, siêng năng, dũng cảm trong lao động sáng tạo của nhân dân ta, khẳng định nhân dân vô cùng vĩ đại, người chủ nhân đã "làm nên Đất Nước muôn đời":

    "Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cánh

    Những người dân nào đã góp tên ông Đốc, ông Bà Đen, Bà Điểm".

    Tám câu thơ với bao địa danh và cổ tích huyền thoại được nhà thơ nói đến thể hiện niềm tự hào và biết ơn Đất Nước cùng Nhân dân. Các thi liệu - hình ảnh: người vợ, cặp vợ chồng, gót ngựa, 99 con voi, con rồng, người học trò nghèo, con cóc con gà, những người dân nào... dưới ngòi búi của Nguyễn Khoa Điềm mang ý nghĩa tượng trưng cho tâm hồn trung hậu, cho trí tuệ và tài năng, đức tính cần cù và tinh thần dũng cảm,...của nhân dân ta qua trường kì lịch sử. Chính nhân dân vĩ đại đã "góp cho", "góp nên", "để lại", "góp mình", "cùng góp cho", "đã góp tên",... đã làm cho Đất Nước ngày thêm giàu đẹp. Nhà thơ đã đem đến cho những động từ - vị ngữ ấy (góp cho, góp nên...) nhiều ý nghĩa mơi mẻ, nhiều sắc thái biểu cảm với bao liên tưởng đầy tính nhân văn. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:

    "Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào

    Thấy nghìn núi trăm sông diễm lệ".

           ("Chim lượn trăm vòng")

    Bốn câu thơ cuối đoạn, giọng thơ vang lên say đắm, ngọt ngào. Từ cụ thể, thơ được nâng lên tầm khái quát, tính chính luận kết hợp một cách hài hòa với chất trữ tinh đằm thắm:

    "Và ở đâu trên khắp ruộng đồng, gò bãi

    Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

    Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

    Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...".

    Ruộng đồng gò bãi... là hình ảnh của quê hương đât nước. Những tên núi, tên sông, tên làng, tôn bản, tên ruộng đồng, tên gò bãi... bất cứ ở đâu trên đất nước Việt Nam thân yêu đều mang theo "một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha". Hình tượng đất nước cũng là điệu tâm hồn, phong cách, ước mơ hoài bão của ông cha ta, tổ tiên ta bốn nghìn năm lịch sử dựng nước. "Những cuộc đời đã hóa núi sông ta" là một câu thơ rất hay, rất đẹp ca ngợi tâm hồn Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam. Chữ "một" được điệp lại 3 lần, chữ "ta" được láy lại 2 lần, kết hợp từ cảm thán đã tạo nên những vần thơ du dương về nhạc điệu, nồng nàn, say đắm tự hào về cảm xúc. Vừa đĩnh đạc hào hùng, vừa thiết tha lắng đọng, vẻ đẹp nhân văn chan hòa trên những dòng thơ tráng lệ. Tầm vóc của Đất Nước và dân tộc được hiện diện một cách sâu sắc rộng lớn không chi trên bình diện địa lí "mênh mông" mà còn ở dòng chảy của thời gian và lịch sử bốn nghìn năm "đằng đẵng".

    Đoạn thơ trên đây tiêu biểu cho cái hay, cái đep của hồn thơ Nguyễn Khoa Điểm trong bài "Đất Nước". Câu thơ mở rộng đậm đặc chất văn xuôi, Yếu tố chính luận và chất chữ tình, chất cảm xúc hoà quyện, làm cho chất thơ dào dạt, ý tưởng sâu sắc, mới mẻ. Đất nước hùng vĩ, nhân dân anh hùng, cần cù, hiếu học, ân nghĩa thủy chung... được nhà thơ cảm nhận với tất cả lòng yêu mến tự hào.

    Chất liệu văn hóa dân gian được tác giả vận dụng sáng tạo. Qua hình tượng Đất Nước mà nhà thơ ca ngợi tâm hồn Nhân Dân, khẳng định bản lĩnh nòi giống và dáng đứng Việt Nam. Thiên nhiên Đất Nước đã được Nhân Dân sáng tạo nên. Nhân Dân là chủ nhân của Đất Nước.

Quảng cáo

    Thơ đích thực khơi gợi hồn người trở nên trong sáng, phong phú và cao thượng. Đoạn thơ như một tiếng nói tâm tình "dịu ngọt", nhà thơ như đang đối thoại cùng ta về Đất Nước và Nhân Dân. Đọc lại đoạn thơ, lòng mỗi chúng ta bâng khuâng, xúc động nghĩ về hai tiếng Việt Nam thân thương:

    "Ôi! Việt Nam! Yêu suốt một đời..."

           (Tố Hữu)

    Ta cảm thấy hãnh diện và lớn lên cùng Đất Nước.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 12 Ôn thi THPT Quốc gia khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 12

Bộ giáo án, đề thi, bài giảng powerpoint, khóa học dành cho các thầy cô và học sinh lớp 12, đẩy đủ các bộ sách cánh diều, kết nối tri thức, chân trời sáng tạo tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official


dat-nuoc.jsp


Giải bài tập lớp 12 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên