10+ Phân tích Thuốc của Lỗ Tấn (học sinh giỏi)

Đề bài: Phân tích tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn.

10+ Phân tích Thuốc của Lỗ Tấn (học sinh giỏi)

Bài giảng: Thuốc (Lỗ Tấn) - Cô Nguyễn Ngọc Anh (Giáo viên VietJack)

Dàn ý Phân tích tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn

Quảng cáo

I. Mở bài

- Tác giả: Lỗ Tấn là nhà văn cách mạng lỗi lạc của Trung Quốc đầu thế kỉ XX. Ông là một nhà văn tâm huyết, luôn chỉ ra cái “bệnh” của nhân dân để tìm ra phương thuốc chữa trị. Ông được tôn vinh là “linh hồn dân tộc”.

- Truyện ngắn Thuốc là hồi chuông cảnh báo căn bệnh ngu muội của người dân Trung Hoa đầu thế kỉ XX.

II. Thân bài

1. Ý nghĩa nhan đề “Thuốc” và hình tượng bánh bao tẩm máu người

- Thuốc là chiếc bánh bao tẩm máu người mà người cha đã mua về cho Thuyên ăn:

    + Hiểu theo nghĩa đen: đó là chiếc bánh bao tẩm máu người dược cho là có thể chữa khỏi bệnh lao. Đây là một phương thuốc không có cơ sở khoa học, thậm chí lạc hậu, viển vông.

    + Thuốc ở đây còn là phương thuốc điều trị sự u mê, gia trưởng, lạc hậu về mặt khoa học, của nhân dân Trung Quốc lúc bấy giờ.

    + Thuốc ở đây còn là phương thuốc chữa căn bệnh u mê, lạc hậu về mặt chính trị của người dân, sự xa rời quần chúng của những người làm cách mạng.

- Như vậy, chiếc bánh bao tẩm máu không phải là thuốc chữa trị mà là thuốc đọc khiến cho những căn bệnh của người dân, người làm cách mạng trở nên trầm trọng hơn.

- Ngay từ nhan đề và hình tượng “bánh bao tẩm máu người” đã thể hiện nỗi đau của tác giả trước nỗi đau của dân tộc.

2. Cái chết của Hạ Du và thái độ của quần chúng

a. Cái chết của Hạ Du

- Hạ Du dược giới thiệu thông qua lời của các nhân vật khác:

    + Hạ Du là một chiến sĩ cách mạng tiee phong, dám xả thân vì nhân dân, vì nghĩa lớn.

    + Nhưng không ai đứng về phía anh, không ai hiểu việc làm của anh, kể cả mẹ mình. Anh đơn độc đổ máu vì quần chúng nhưng đổi lại, quần chúng lại lấy máu của chính anh để chữa bệnh lao.

- Nhận xét: Hạ Du là chiến sĩ cách mạng anh dũng nhưng cô đơn. Anh là biểu tượng của cuộc cách mạng Tân Hợi, cuộc cash mạng góp phần đánh đổ chế độ phong kiến nhưng do xa rời quần chúng nên đã thất bại.

b. Thái độ của đám đông quần chúng trước cái chết

- Đám đông chen lấn nhau để xem hành hình chiến sĩ cách mạng Tử Du

- Khi trời sáng hẳn, ở quán trà của lão Hoa, cậu Năm Gù, cả Khang, người râu hoa râm, ... đều bàn tán về cái chết của Tử Du với thái đọ miệt thị, khinh bỉ.

- Nhận xét: có thể họ là đám đông mê muội, không hiểu biết về những vấn đề của đất nước, họ “ngủ quên trong một cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”. Lỗ Tấn nhận thấy chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần.

3. Cảnh hai bà mẹ thăm mộ con

- Thời gian nghệ thuật của truyện: cả Hạ Du và Thuyên đều mất vào mùa thu, đến mùa xuân năm sau, trong tiết thanh minh hai người mẹ đến thăm mộ. Cái chết của họ như những chiếc lá mùa thu rời cành để tích nhựa hi vọng. Thể hiện sự lạc quan của tác giả vào tương lai cách mạng, nhận thức nhân dân.

- Hình ảnh con đường mòn phân chia phần mộ thể hiện sự lạc hậu trong tập quán, suy nghĩ của người dân. Hai bà mẹ cùng bước trên con đường ấy thể hiện sự đồng cảm vì tình thương con.

- Hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du: cho thấy đã có người đồng cảm, thấu hiểu Hạ Du, nghĩa là cuộc cách mạng vẫn còn hi vọng. Vòng hoa cũng là sự tiếc thương, trân trọng của Lỗ Tấn đối với người chiến sĩ cash mạng kiên cường.

III. Kết bài

- Khái quát nghệ thuật: cách viết cô đọng, súc tích, giàu hình ảnh mang tính biếu tượng,

- Qua tác phẩm, nhà văn đã chỉ ra căn bệnh ngu muội của người dân Trung Hoa lúc bấy giờ, nhưng vẫn đặt niềm tin vào tương lai: nhân dân sẽ thức tỉnh, hiểu cách mạng và đi theo cách mạng nhờ phương thuốc điều trị tâm hồn.

Phân tích tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn - mẫu 1

   Nhà văn người Nga Fa-đê-ép đã từng nhận xét: “Lỗ Tấn là một danh thủ truyện ngắn thế giới… Ông đã cống hiến cho nhân loại những hình thức dân tộc không thể bắt chước được”. Nhận xét ấy quả không sai khi nói về những sáng tác của Lỗ tấn. Thuốc là một trong những câu chuyện hay nhất của ông, ra đời giữa cơn bão táp của phong trào Ngũ Tứ do học sinh Bắc Kinh phát động mở đầu cuộc vận động cứu đất nước Trung Hoa khỏi bị diệt vong.

   Tác phẩm xoay quanh câu chuyện vợ chồng lão Hoa Thuyên mua bánh bao tẩm máu người tử tù để chữa bệnh cho con và câu chuyện Hạ Du làm cách mạng lại bị chết chém. Câu chuyện đã nói lên thực trạng đất nước Trung Quốc lúc bấy giờ: u mê, tăm tối, tê liệt của quần chúng và bi kịch của những ngày đầu làm cách mạng.

   Mở đầu tác phẩm là hình ảnh lão Hoa đi mua thuốc cho còn vào một đêm thu đã gần sáng. Trời tối, cái lạnh và tiếng ho của người bị lao càng làm cho khung cảnh thêm phần lặng lẽ, rờn rợn. Trong tình cảnh ấy, bà vợ khẽ lấy tiền dưới gối đưa cho chồng mua phương “thuốc” kia về chữa bênh cho con. Lão Hoa đi trong long cảm thấy “sảng khoái” “trẻ lại” bởi mấy đời đã không có con trai, nay bỗng biết được phương pháp cải tử hoàn sinh, lòng lão vô cùng sung sướng, chứa chan hi vọng sẽ cứu được con mình.

   Ở pháp trường, mọi người ào ào “xô tới như nước thủy triều” hòng lấy “thuốc” để đem bán. Người bán thuốc cho lão Hoa “áo quần đen ngòm” “mắt sắc như hai lưỡi dao” và phương thuốc hắn đưa cho lão Hoa chính là chiếc bánh bao nhuốm máu đỏ của người tử tù vừa bị chết chém. Lão Hoa run run cầm chiếc bánh ấy, nhưng sau một phút thất thất, lão bình tĩnh và tâm niệm “lão sẽ mang cái gói này về nhà, đem sinh mệnh lại cho con lão, và lão sẽ sung sướng biết bao”. Về nhà họ cho thằng Thuyên ăn chiếc bánh với lời động viên: “ăn đi con, con sẽ khỏi ngay”. Câu nói ấy phản ánh tình trạng u mê, ngu muội của người dân Trung Quốc lúc bấy giờ. Họ luôn tin rằng, sử dụng bánh bao tẩm máu người có thể chữa khỏ bách bệnh. Đó quả là suy nghĩ đầy thiển cận và lạc hậu. Nhưng cuối cùng thằng Tuyên vẫn phải bỏ mạng, phương thuốc kia không thể cứu chữa hắn. Cách viết của Lỗ Tấn thật bình thản, nhẹ nhàng mà cũng vô cùng xâu xa. Hàng loạt chi tiết đều xoay quanh việc mua, bán và sử dụng thuốc để làm nổi bật lên vấn đề đầu tiên ông hướng đến là phê phán thói mê tín, dị đoan của người dân Trung Quốc lúc bấy giờ.

   Nhân vật thứ hai được nhắc đến chính là Hạ Du – một chiến sĩ cách mạng có tư tưởng tiến bộ: chống phong kiến. Hạ Du mang trong mình lí tưởng lớn “Thiên hạ nhà Mãn Thanh chính là của chúng ta” và anh không ngừng phân đấu vì lí tưởng của mình. Giữa cả biển người sống trong u mê, tăm tối, thì Hạ Du và những người như anh vẫn không ngừng chiến đầu, mặc cho những người xung quanh không ai hiểu, và ủng hộ họ. Ông chú của Hạ Du táng tận lương tâm, tố cáo cháu là giặc để được 25 lạng bạc. Lão Khang lấy máu Hạ Du để làm bánh bao tẩm máu người bán. Tất cả bọn họ đều u mêm tăm tối, còn người chiến sĩ cách mạng thì chiến đấu đơn độc. Câu chuyện của Hạ Du đã cho thấy hình ảnh, tình trạnh, bi kịch của người chiến sĩ cách mạng trong buổi đầu hoạt động.

   Phần cuối truyện là vào một tiết thanh minh, mẹ của Hạ Du và thằng Thuyên gặp nhau trên con đường phân cách giữa hai khu mộ. Phía bên trái là chỗ chôn của kẻ tử tù, còn phía bên phải là mộ của những người nghèo. Họ cùng đến thăm con trai trong tiết thanh minh, họ ngẩn ngơ, khóc đến cạn nước mắt. Bà Hoa là người chủ động bước qua con đường mòn, an ủi mẹ Hạ Du: “Bà ơi thôi mà, thương xót làm chi nữa! Ta về đi thôi!”. Hành động, cử chỉ đó cho thấy sự đồng cảm, thương xót của hai người mẹ mất con với nhau. Họ bước qua con đường ngăn cách giữa hai thế giới trong nỗi đau đớn tột cùng, hiểu và cảm thông cho nhau. Đồng thời trong phần truyện này, cũng xuất hiện vòng hoa trắng đặt trên mộ Hạ Du, cho thấy: dù trong đám quần chúng vẫn nhiều người u mê, tăm tối nhưng đau đó vẫn có những con người sáng suốt, hiểu và ngưỡng mộ những việc làm đúng đắn của người chiến sĩ Hạ Du.

   Trong tác phẩm này, số lượng nhân vật rất ít, những mỗi nhân vật lại nói lên những quan điểm, tư tưởng của tác giả. Tác phẩm này có thể coi như phương thuốc vô cùng hữu hiệu chữa trị căn bệnh lạc hậu, u mê đang gặm nhấm ngời dân Trung Hoa. Đồng thời tác phẩm cũng thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc. Bài văn Phân tích tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn

Phân tích tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn - mẫu 2

     Lỗ Tấn một trong những nhà văn xuất sắc nhất của văn học Trung Quốc. Ông chủ trương lấy tác phẩm của mình để chữa trị căn bệnh tinh thần cho người dân Trung Hoa lúc bấy giờ. Thuốc là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông, được sáng tác năm 1919 khi cuộc vận động Ngũ Tứ bùng nổ.

     Tác phẩm có nhan đề là Thuốc, đồng thời đây cũng là hình tượng trung tâm được phản ánh trong tác phẩm. Thuốc ở đây chính là chiếc bánh bao tẩm máu người tử tù mà lão Hoa ra pháp trường mua bằng tất cả số tiền dành dụm được để mang về chữa bệnh cho con trai. Chiếc bánh bao này, trong quan niệm lúc bấy giờ của người Trung Hoa là phương thuốc hữu hiệu và đắc dụng nhất để chữa căn bệnh lao nguy hiểm. Từ quan điểm đó đã cho thấy sự cổ hủ, lạc hậu và mê tín mù quáng của những con người thiếu hiểu biết. Đồng thời cũng cho người đọc thấy, đó chính là hình ảnh đất nước Trung Quốc đình đốn, trì trệ lúc bấy giờ và đặt ra vấn đề cần phải chống lại căn bệnh mê tín dị đoan đã ăn sâu vào suy nghĩ của những người thiếu hiểu biết. Nhưng bên cạnh đó, Lỗ Tấn còn muốn đề cập đến phương thuốc chữa bệnh tinh thần cho người dân Trung Hoa: đầu tiên là căn bệnh gia trưởng, u mê, lạc hậu về mặt khoa học. Đặt ra vấn đề người Trung Quốc cần phải tỉnh táo, không được tiếp tục ngủ mê trong cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ như vậy nữa. Chữa căn bệnh thứ hai là căn bệnh u mê lạc hậu về mặt chính trị của người dân Trung Quốc. Và căn bệnh cuối cùng là căn bệnh xa rời quần chúng của người cách mạng đương thời. Qua đó, Lỗ Tấn đã làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm là nỗi đau của đất nước Trung Quốc đương thời: Nhân dân đang ngủ mê trong cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ , u mê lạc hậu về khoa học, về chính trị, còn người chiến sĩ cách mạng bôn ba trong chốn quạnh hiu, không được sự trợ giúp từ các lực lượng xã hội khác. Như vậy, bằng một nhan đề hết sức ngắn gọn, chỉ có một từ duy nhất nhưng đã khái quát, nói lên những vấn đề lớn của tác phẩm.

     Bên cạnh đó, để làm nổi bật và rõ hơn quan điểm, chủ đề mà tác giả gửi gắm ta cũng không thể không nói đến sự xuất hiện của các nhân vật trong tác phẩm. Trước hết là sự xuất hiện của nhân vật đám đông, họ xuất hiện lần đầu tiên vào buổi sáng sớm, ở pháp trường, khung cảnh diễn ra vô cùng náo loạn, họ xô đẩy, chen lấn nhau khiến lão Hoa thiếu chút nữa đã ngã. Trong họ mang niềm phấn khích tột cùng, háo hức đến xem cảnh hành hình người chiến sĩ cách mạng Hạ Du. Lần thứ hai đám đông được tác giả khắc họa khi trời đã sáng hẳn, lúc này không gian có sự thay đổi, từ pháp trường dịch chuyển về quán trà của lão Hoa, họ bàn tán , bình luận về người tử tù, về cái chết của tử tù, về những việc Hạ Du đã làm mà họ được nghe kể lại, họ cho rằng Hạ Du là điên, là khốn nạn; về việc cụ Ba tố cáo cháu mình để nhận tiền thưởng, thì họ lại cho rằng hành động của cụ Ba là vô cùng khôn ngoan; cuối cùng là về việc lão Hoa nhanh chóng, kịp thời nắm bắt cơ hội mua máu của Hạ Du để tẩm bánh bao chữa bệnh cho thằng Thuyên, và đám đông cho rằng lão Hoa là một kẻ biết làm ăn và may mắn. Qua những điều họ bàn tán, họ nhận xét, ta có thể thấy rằng họ là những kẻ hết sức mê muội, ngu ngốc về thực trạng của đất nước, ngu dốt, mê tín khi cho rằng bánh bao tẩm máu người có thể chữa bệnh. Đây chính là căn bệnh tinh thần ghê gớm, khủng khiếp hơn cả căn bệnh lao, đang gặm nhấm người dân Trung Quốc, khiến họ mất hết ý chí, mụ mị, và ngu muội hơn.

     Thứ hai là nhân vật Hạ Du, mặc dù chỉ xuất hiện gián tiếp trong tác phẩm nhưng cũng là một nhân vật đáng lưu tâm, một con người mới, con người khác trong xã hội đầy ngu muội lúc bấy giờ. Hạ Du là một chiến sĩ cách mạng, là người có tinh thần yêu nước nồng nàn: “Rủ đề lao làm giặc”. Không chỉ vậy, Hạ Du còn tuyên truyền với lão Nghĩa mắt cá chép: “Thiên hạ nhà Mãn Thanh chính là của chúng ta”. Và mang trong mình lí tưởng lật đổ ngai vàng, đánh đổ ngoại tộc và muốn giành lại độc lập, chủ quyền. Trong một xã hội mà mọi người đều mắc căn bệnh tinh thần, u mê trước vấn đề xã hội thì những suy nghĩ của Hạ Du là vô cùng mới mẻ, tiến bộ và đáng trân trọng. Nhưng trong một xã hội mà chỉ có một mình Hạ Du có tư tưởng tân tiến, tất yếu sẽ nhận kết cục không hề tốt đẹp. Vì mang trong mình những suy nghĩ khác mọi người nên anh là kẻ cô đơn trong công việc cách mạng cao cả, bởi chẳng ai hiểu những lí tưởng cao đẹp, những hành động anh dũng của anh. Đối với họ mọi suy nghĩ, lí tưởng của anh là điên rồ, ngu ngốc. Bởi vậy, khi anh chết, đám đông bàn tán về cái chết của anh, về việc anh làm; lão Nghĩa đánh vì anh rủ lão làm giặc; đặc biệt ngay cả những người thân trong gia đình cũng không hiểu anh, cụ Ba đưa cháu ra đầu thú, mẹ anh xấu hổ khi đến thăm mộ con. Cả cuộc đời anh là chuỗi bi kịch đau đớn. Hạ Du hiện lên là hình ảnh tượng trưng của cuộc cách mạng Tân Hợi, của những người chiến sĩ đi tiên phong trong cách mạng đương thời.

     Cuối tác phẩm là khung cảnh nghệ thuật vô cùng đặc sắc, hai bà mẹ đi thăm mộ con. Ở đây có sự dịch chuyển thời gian nghệ thuật từ đêm mùa thu năm trước đến mùa xuân năm sau: Mùa thu vốn gợi sự tàn lụi, héo úa, về câu chuyện về cái chết của Hạ Du. Còn mùa xuân lại gợi sự hồi sinh, gắn với câu chuyện mọi người quay lại nhìn nhận về người chiến sĩ cách mạng Hạ Du, câu chuyện về hai bà mẹ đi thăm mộ con, câu chuyện về vòng hoa bất ngờ xuất hiện trên mộ Hạ Du. Không gian nghệ thuật là hình ảnh con đường mòn phân chia ranh giới: một bên là khu mộ dành cho người nghèo, một bên là khu mộ dành cho người chết chém. Đây là biểu tượng cho một tập quán xấu đã thành thói quen. Hình ảnh bà mẹ thằng Thuyên đã chủ động bước qua ranh giới của con đường mòn để đến an ủi bà mẹ Hạ Du. Bước chân đó không chỉ đơn thuần là một hành động, mà nó là bước chân dám vượt qua định kiến để gặp gỡ nhau trong sự đồng cảm và chia sẻ. Bên cạnh đó hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du, khiến cho người mẹ của Hạ Du ngạc nhiên, thảng thốt và rất đỗi vui mừng, bây giờ bà mới bắt đầu hiểu được công việc có ý nghĩa cao cả của con mình. Đồng thời bó hóa đó cũng thể hiện thái độ trân trọng của tác giả, của hậu thế đối với người chiến sĩ cách mạng đi tiên phong; niềm tin vào tương lai, tiền đồ của cách mạng.

Quảng cáo

Phân tích tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn - mẫu 3

     Văn học Trung Quốc không chỉ nổi bật với những tác phẩm thơ hay của Đỗ Phủ, Lý bạch mà còn có cả những tác phẩm văn xuôi khiến cho người đọc yêu thích. Tiêu biểu trong đó là truyện Thuốc của Lỗ Tấn. Ông không chỉ là một thầy thuốc chữa bệnh cơ thể mà ông còn là một thầy thuốc chữa bệnh tinh thần cho người Trung Quốc rất giỏi. Và chính vì thế tác phẩm thuốc kia chính là đơn thuốc mà ông muốn gửi đến những người Trung Quốc. Có thể thấy ông chữa bệnh tinh thần bằng sức mạnh truyền đạt của văn chương.

     Nhan đề của tác phẩm chỉ gồm một chữ thuốc nhằm thể hiện lên sự quan trọng của phương thuốc chữa bệnh tinh thân cho người Trung Quốc. Nhan đề nhắc đến Thuốc trong tác phẩm cũng nhắc thuốc thế nhưng một phương thuốc được coi là ngộ nhận và sự u muội của nhân dân Trung Hoa còn viên thuốc kia lại là phương thuốc mà tác giả đã kỳ công kê đơn để chữa bệnh cho những người u muội ấy.

     Nhà văn của chúng ta quyết định học y thuật bởi vì hồi nhỏ cha ông bị bệnh. Một tên lang băm đã kê nhầm đơn thuốc cho cha của ông cho nên cha ông bệnh nặng hơn mà chết. Chính vì thế mà ông muốn trở thành thầy thuốc để biết y thuật cứu giúp con người. Trong một lần đang học y bên Nhật ông vô tình đọc được tình trạng u muôi của nhân dân nước mình nên ông quyết định không học nữa mà quay về nước làm văn làm ra phương thuốc tinh thần để trị căn bệnh tinh thần kia.

     Tác phẩm mở đầu bằng hình ảnh ông bà Hoa Thuyên giục nhau đi lấy thuốc về cho con trai độc đinh của ông bà. Ông Hoa Thuyên phải dậy từ rất sớm để đi lấy khi ấy mặt trời còn chưa ló, màn sương vẫn dày nhưng tâm trạng của ông Hoa Thuyên không thấy ngại khó gì cả. Vì tới đây vị thuốc kia sẽ đem lại sự sống cho con trai của ông. Sẽ làm mọi thứ thay đổi, từ một người sắp chết có thể thành một người sống lâu. Hai ông bà chỉ có một người con trai duy nhất vì vậy cho nên cứu được người con trai ấy chẳng khác nào cứu chính bản thân ông bà. Ông đi đến và đem thuốc về, không biết vị thuốc nào mà lại có thể chữa cho người bệnh tử cõi chết trở về. Đó chính là bánh bao tẩm máu tử tù. Lão Hoa Thuyên khép nép đưa tiền và nhận lại chiếc bánh bao tẩm máu người, máu vẫn còn nhỏ giọt. ở trên đời này làm gì có bài thuốc nào như thế, ho lao ăn bánh bao tẩm máu người tử tù là hết bệnh.

     Lão Hoa Thuyên đem về nhà cho con trai độc đinh của mình mắc bệnh lao ăn. Bà Hoa Thuyên gọi con trai dậy không dấu được sự vui mừng. Hai ông bà tin rằng khi ăn xong chiếc bánh bao ấy chắc có lẽ con bà cũng khỏi bệnh mà sống lâu chăm sóc mình. Những người trong quán trọ cũng mừng cho gia đình lão Hoa Thuyên. Họ còn bàn tán về người tử tù kia, đó chính là Hạ Dư. Những người trong quán trọ nói anh chiến sĩ cộng sản kia là người phản động để bị chết. Rồi người chú ruột của anh ta thì đem chuyện anh ta đi làm chiến sĩ cộng sản để rồi nhận được số tiền thưởng từ Nhật. Có thể nói hình ảnh người anh hùng Hạ Du hiện lên trong vai trò của người tử tù và nhân dân Trung Quốc ngu muội cho đó là thích đáng lắm. ở đây ta thấy rõ sự xa rời giữa quần chúng nhân dân với những cán bộ Đảng và chiến sĩ cộng sản. Ngày xưa ông cha trị nước cũng phải hợp với lòng dân thế mà ngày nay khi đánh Nhật họ lại không gần gũi với người dân thì làm sao có thể thành công được. Nhà văn đã nhìn ra sự sai lầm ấy, căn bệnh của nhân dân Trung Hoa là bị làm cho ngu muội tin rằng chiếc bánh bao tẩm máu kia là phương thuốc thần tiên để chữa bệnh ho lao. Rồi người chiến sĩ cộng sản thì quá xa rời quần chúng cho nên phải nhận cái kết cục ấy. Có thể nói chính những sai lầm ấy khiến cho cách mạng Trung Quốc vẫn chưa thành công. Hạ Du đại diện cho những người chiến sĩ cộng sản yêu nước, căm thù giặc. Còn ông bà Hoa Thuyên cùng những người trong quán trà ấy đại diện cho nhân dân Trung hoa lúc bấy giờ.

     Thế rồi cuối cùng phương thuốc được coi là quý giá kia có cứu được con trai của ông bà Hoa Thuyên không. Hình ảnh bà mẹ của người con trai ấy đi đến nghĩa trang thì chúng ta cũng đủ biết kết cục như thế nào rồi. Nhà văn đã đặc biệt miêu tả hình ảnh nghĩa trang của những người nơi đây. Nó cũng phần nào thể hiện cho thấy được sự xa rời của những người cộng sản với những người nhân dân. Nghĩa trang cũng được chia ra làm hai một bên là mộ của những người chết vì theo cách mạng một bên là mộ của những người dân mắc bệnh ho lao. Có hai người đàn bà trên nghĩa trang ấy, một là mẹ của Hạ Dư, một là bà Hoa Thuyên. Hai người đến thăm mộ con khóc lóc rồi ra về. Hai người bước đến bên nhau thể hiện sự đồng cảm giữa những người mẹ. Không những thế con đường chia đôi kia ngăn cách người tử tù và người chết bệnh giờ đây được xóa đi bởi hai người đàn bà ấy dường nhận ra điều gì ngoài cùng là mẫu tử thiêng liêng. Hai người bước bên nhau thể hiện sự gần gũi của những người cách mạng và những người dân thường. Hai người phụ nữ ấy chính là hình ảnh mà nhà văn gửi gắm phương thuốc chữa bệnh cho nhân dân Trung Quốc và những người cách mạng Trung Quốc. Đó là phải gần gũi với nhân dân thì cách mạng mới có thể thành công được. Ông chú Hạ Du đi tố cháu mình một phần vì tiền thưởng nhưng cũng có thể do không hiểu hết được công việc của cháu mình cho nên coi đó là việc làm sai trái mà đi báo quan thôi. Chính vì thế những con người Trung Quốc cần phải đoàn kết đồng lòng với nhau mới có thể đưa cách mạng đi đến những ngày thắng lợi được.

Phân tích tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn - mẫu 4

     Quách Mạc Nhược đã từng nhận xét rằng: “Trước Lỗ Tấn, chưa hề có Lỗ Tấn, sau Lỗ Tấn, có vô vàn Lỗ Tấn”. Quả thật tài năng của Lỗ Tấn thật đáng để người đời sau phải học tập và noi theo. Lỗ Tấn (1881-1936), ông là một người có tài có đức. Trong cuộc sống ông chúng kiến nhiều người mắc bệnh mà không qua khỏi nên ông quyết định học ngành y, học về thuốc để chữa trị cho những người không may đó.

     Thế nhưng khi ông đang học y bên Nhật thì xem được phim người Trung Quốc đua nhau đi xem người Nhật chém đầu một người Trung Quốc chống Nhật. Ông nghĩ rằng chữa bệnh tinh thần còn quan trọng hơn chữa bệnh thể xác ông quyết định chuyển sang làm văn học để cảnh tỉnh người dân nước mình. Thuốc là một tác phẩm , một liều thuốc để ông chữa bệnh tinh thần cho người dân của mình.

     Truyện ngắn Thuốc được Lỗ Tấn viết vào năm 1919. Đó là thời điểm cuộc vận động Ngũ Tứ là phong trào đấu tranh đồi tự do dân chủ của học sinh sinh viên Kinh Bắc bùng nổ mạnh mẽ. Truyện để lại nhiều ý nghĩa, nhiều điều khiến con người Trung Quốc thời bấy giờ phải suy nghĩ thật kĩ. Trước tiên là đặc sắc của nhan đề truyện. Nhan đề thuốc và hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu.

     Thuốc ở đây chính là chiếc bánh bao tẩm máu người mà lão Hoa Thuyên đã cất công đi từ sang sớm để mua cho con trai mình ăn để chữa bệnh lao. Nhan đề này đã để lại nhiều ý nghĩa để cho bạn đọc phải bận tâm suy nghĩ. Thứ nhất đó là nghĩa đen của nhan đề. Thuốc ở đây chính là chiếc banh bao tẩm máu người tử tù. Đây là một phương thuốc mê tín dị đoan và lạc hậu.

     Điều đó cho thấy sự hoang đường khi cho bánh bao tẩm máu người lại là vị thuốc chữa bệnh mà đặc biệt ở đây chiếc bánh bao tẩm máu tử tù chứ không phải tẩm máu ai khác. Tử tù đó chính là những người anh hùng chống lại Nhật để bảo vệ đất nước Trung Quốc. đồng thời nó giống với phương thuốc mà ông lang băm nọ đã kê đơn cho bố của nhà văn để chữa bệnh phù thủng là rễ cây mia đã kinh sương ba năm và một đôi dế đủ đực đủ cái. Chính phương thuốc ấy đã lấy mất tính mạng của bố Lỗ Tấn. và cũng như thế phương thuốc kì quái bánh bao tẩm máu tử tù kia cũng làm nên cái chết của Hoa Thuyên.

     Thứ hai, thuốc ở đây là để chữa căn bệnh tinh thần của người dân Trung Quốc. đó là căn bệnh gia trưởng, căn bệnh lạc hậu mê tín dị đoan của họ mà cụ thể ở đây là vợ chồng lão Hoa. Họ tin rằng vị thuốc kia thật sự có thể chữa khỏi bệnh lao cho con trai họ. Chính vì thế mà lão Hoa trên đường đi lấy thuốc tỏ ra vui vẻ lắm, lão nghĩ lão sắp được một phương thuốc có thể cải tử hoàn sinh. Không chỉ có vợ chồng lão Hoa mà ngay cả những người tỏng quán trà cũng cho đó là vị thuốc cứu tinh. Nhưng chẳng thấy cứu ở đâu mà chỉ thấy Hoa Thuyên vẫn chết, mà nó còn là liều thuốc độc tiêu diệt những dây thần kinh suy nghĩ của người dân Trung Quốc.

     Thứ ba, thuốc bánh bao tẩm máu người còn là phương thuốc cho chính tinh thần của người dân cũng như người làm cách mạng Trung Quốc. Bởi vì người nông dân thì u mê lạc hậu tin vào thứ thuốc chết người đó, còn người cộng sản lại đi quá xa nhân dân không gán bó với nhân dân thì sẽ đổ máu. Mà bánh bao tẩm máu kia lại chính của người làm cách mạng là Hạ Du. Điều ddó cho thấy phải biết gắn kết với nhân dân thì mới mong thành công được.

     Tóm lại có thể nói nhan đề của truyện mang tư tưởng của nhà văn Lỗ Tấn. ông đã lo nỗi lo của dân tộc trong khi nhân dân mê muội mơ hồ thì người chiến sĩ cộng sản lại bôn ba những chốn quạnh hưu. Giữa họ có một khoảng cách vô cùng lớn vì thế cho nên cần phải được “chữa bệnh” nhanh và gấp.

     Câu chuyện được mở đâu khi Hoa Thuyên lên những cơn ho lao, lão hoa vội vàng đến sớm để mua cho kì được thứ thuốc cứu sống mạng con trai mình. Nó sẽ làm cho con trai ông trở nên khỏe mạnh như thường thậm chí là khỏe mạnh hơn. Vì thế cho nên trên đường đi mua thuốc lão vui hẳn lên, không chỉ có mình lão trông chờ thứ thuốc tiên dược đó mà cả rát nhiều người nữa nên họ chen chúc nhau suýt nữa thì lão hoa thuyên ngã.

     Nhưng thật may mắn khi lão mua được thuốc về cho con. Đó chiếc bánh bao tắm máu của tử tù Hạ Dư. Ông mang về máu vẫn còn nhỏ từng giọt. bà hoa nhanh chóng đi nướng chiếc bánh bao và cho Hoa Thuyên ăn. Những người trong quán trà thì khen thơm “ trà thơm nhỉ!”. Rồi họ bàn nhau về người tử tù. Họ cho thế là ngu dại, nào biết đâu chính họ đang bị mê muội. Hạ Du ở đây là nhân vật chỉ được nhắc đến chứ không có mặt trong tác phẩm. anh đại diện cho một tầng lớp yêu nước và có lí tưởng lúc bấy giờ.

     Thế nhưng mọi người lại nhắc đến anh với một thái độ miệt thị và đau đớn hơn khi chính chú ruột của anh đem anh đi trình báo để lấy khoản tiền thưởng kia. Đáng ra những người như Hạ Du thì phải được yêu mến kính trọng mới phai thế nhưng không. Qua đây cho thấy sự mê muội của nhân dân Trung Quốc, trước tiên là chiếc bánh bao sau là cho những người chiến sĩ cách mạng là ngu dốt.

     Tưởng rằng vị thuốc ấy sẽ cứu sống được mạng của Hoa Thuyên nhưng đâu có, anh ta vẫn cứ chết, để cho kẻ đầu bạc phải tiễn người đầu xanh. Hoa Thuyên ăn bánh bao chết, Hạ Du làm cách mạng cũng chết. tất cả sự sai lầm đã dẫn con người Trung Quốc đến một kết quả bi thảm. có lẽ vì thế mà nhà văn đã vạch ra con đường khai sáng trí óc người Trung Quốc. Đó là đoạn khi hai bà mẹ đến thăm mộ con, nghĩa trang được chia làm hai bên bên trái là mộ của những người tử tù, bên phải là mộ của những người dân nghèo.

     Bà Hoa đến thăm con trước sau đó một người đàn bà khác ngập ngừng bước về phía bên trái nghĩa trang. Đó chính là mẹ của Hạ Du, sự đặc biệt ở đây là khi hai bà mẹ bước đến bên nhau an ủi nhau thôi đừng đau xót làm gì. Chi tiết đó được tác giả gửi gắm rát nhiều ý đồ nghệ thuật, gợi ra ý nghĩa sâu sa của nó. Đó là sự thức tỉnh của người nông dân và người cách mạng, cuối ùng họ se bước đến bên nhau để đồng cam cộng khổ cứu đất nước mình.

     Khi ra về hai bà ngạc nhiên trước vòng hoa đặt cạnh mộ của Hạ Du, vòng hoa ấy không có gốc nghĩa là nó không mọc lên. Vòng hoa đệp đẽ với hoa hông hoa xanh, phải chăng đó chính là sự ngợi ca lí tưởng cách mạng của tác giả đối với Hạ Du mặc dù không thành công nhưng anh đã có chí và giác ngộ. vòng hoa ấy không biết ai đặt đó, không biết ai mang đến và ở đâu ra nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng nhà văn đã dành nó cho Hạ Du để ca ngợi vẻ đẹp của chiến sĩ yêu nước.

     Như vậy khi hai bà mẹ bước đến bên nhau như sự tượng trưng cho người chiến sĩ và nông dân chắc chắn sẽ bước đến bên nhau kề vai sát cánh vì sự nghiệp của đất nước. Qua đây chúng ta thấy rút ra được một bài học đó là lấy nhân dân làm gốc, cách mạng phải đi liền với nhân dân, tách rời nhân dân thì sẽ không thể có kết quả tốt đẹp được. Đồng thời qua truyện ngắn này ta thấy rõ được thực trạng Trung Quốc lúc bấy giờ, cùng với đó là tinh thần dân tộc của nhà văn Lỗ Tấn.

Phân tích tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn - mẫu 5

     Lỗ Tấn là một nhà văn Trung Quốc nổi tiếng, văn của ông giàu tính chiến đấu, vừa trữ tình, vừa châm biếm, thể hiện tinh thần lo âu, bi phẫn sâu sắc của thời đại. Ông còn là người phơi bày các hiện tượng bệnh hoạn của xã hội để lưu ý mọi người tìm phương pháp cứu chữa. Truyện ngắn “Thuốc” là một tác phẩm điển hình cho phong cách ấy, tác phẩm đã kêu gọi mọi người tìm ra phương thuốc chữa khỏi bệnh mê muội của quần chúng và bệnh xa rời quần chúng của những người cách mạng.

     Tác phẩm kể về vợ chồng ông bà Hoa Thuyên – chủ quán trà có con trai bị ho lao (một trong những căn bệnh nan y thời đó). Nhờ người giúp, lão Hoa Thuyên tìm đến cai ngục mua nánh bao chấm máu người tử tù mang về cho con ăn, vì cho rằng như thế con sẽ khỏi bệnh. Trong lúc đứa con ăn bánh thì có người khách xuất hiện ở quán trà, họ bàn tán về người tử tù bị chém sang nay là Hạ Du, người chiến sĩ cách mạng kiên cường đã dung cảm, hiên ngang tuyên truyền cách mạng trước khi bị hành hình.

     Nhưng không ai hiểu gì về anh ta cả – họ còn cho rằng anh ta bị điên – là làm giặc. Thằng Thuyên ăn xong chiếc bánh bao tẩm máu người không bao lâu thì chết và mộ Thuyên được chôn gần mộ Hạ Du. Năm sau, vào tiết thanh minh, mẹ Hạ Du và bà Hoa Thuyên đều đến nghĩa trang viếng mộ con, hai bà mẹ cùng một nỗi đau mất con đã đồng cảm cho nhau, họ rất ngạc nhiên khi thất trên mộ Hạ Du có một vòng hoa, vòng hoa ấy gợi lên trong lòng người mẹ biết bao hoài nghi và bối rối.

     Nhân vật người chiến sĩ Hạ Du được Lỗ Tấn lấy nguyên mẫu ngoài đời là nữ liệt sĩ Thu Cận – người đồng hương với tác giả. Trong tác phẩm, Hạ Du là người thanh niên sớm giác ngộ cách mạng, anh hi sinh cho Trung Hoa, nhưng không ai có thể hiểu nổi điều đúng đắn mà anh đang làm. Nhân vật Hạ Du xuất hiện gián tiếp, anh chính là người bị chém mà ông Cả Khang lấy bánh bao chấm máu, bán cho vợ chồng Hoa Thuyên.

     Anh xuất hiện trong lời bàn tán của những vị khách tới quán uống trà, rằng anh bị chính cậu của mình tố giác để lĩnh tiền thưởng, rằng anh là một kẻ điên, một kẻ làm giặc. Anh được kể lại rằng đến tận lúc ở trong lao, anh vẫn tuyên truyền cách mạng chống nhà Mãn Thanh một cách kiên cường, không hề sợ hãi. Hạ Du dung cảm xả thân nhưng máu của anh đã rơi một cách vô ích, bởi không ai hiểu ý nghĩa của việc anh làm. Tuy nhiên, anh xứng đáng là một anh hùng, hình tượng nhà cách mạng dân chủ tư sản Trung Quốc trước thời cách mạng Tân Hợi.

     Đối với vợ chồng lão Hoa Thuyên, tuy họ lấy máu liệt sĩ làm thuốc chữa bệnh cho con nhưng nhà văn không hề ác cảm với họ mà chỉ có lòng xót thương, xót thương cho những u mê, lạc hậu của họ, của những người dân Trung Quốc lúc bấy giờ. Đối với bác cả Khang, lão Nghĩa mắt cá chép, cụ Ba, cậu Năm Gù, người thanh niên hai mươi tuổi,…, nhà văn tỏ ra thái độ khinh miệt, ghê tởm, nhất là đối với cụ Ba – bà con với Hạ Du, bởi họ vốn không hiểu những việc đáng tự hào mà một người chiến sĩ đã làm, họ chỉ biết a dua, bàn tán và bình phẩm người khác.

     Cảnh hai bà mẹ đi viếng mộ con ngày Thanh Minh tiếp tục phơi bày bộ mặt tinh thần lạc hậu của người dân: người cách mạng chôn chung nghĩa địa với những kẻ chết chém, trộm cướp. Người mẹ của chiến sĩ cách mạng cũng cảm thấy hổ thẹn khi con mình bị chôn ở đó, bà không hiểu được ý nghĩa vòng hoa cao đẹp mà tưởng con trai mình vì chết oan khuất mà hiển linh.

     Bà mẹ họ Hoa và bà mẹ Hạ Du gặp nhau ở nghĩa địa thể hiện bi kịch của người Trung Quốc. Hoa Hạ là tên gọi của nước Trung Hoa thời xưa, tên gọi thống nhất ấy bỗng chia thành hai nửa không hiểu nhau, máu của Hạ bị Hoa dung làm thuốc chữa bệnh cho con. Cả Hoa và Hạ đều bị tổn hại. Các nấm mộ trong nghĩa địa giống như trong bánh bao trong lễ chúc thọ nhà giàu, như vậy, sự chia rẽ Hoa Hạ chỉ có lợi cho những thế lực nhà giàu mà thôi. Đó chính là bi kịch của đất nước Trung Hoa.

     Qua tác phẩm “Thuốc”, nhà văn đã vạch trần sự mê muội của quần chúng khi tin rằng ăn bánh bao tẩm máu người sẽ khỏi bệnh lao. Nhà văn kêu gọi mọi người cần tìm ra một phương thuốc khác, cần một phương thuốc giúp nhân dân nhận ra đó là một thứ thuốc độc giết người chứ không phải là thần dược.

     Đồng thời, người dân Trung Quốc cũng phải tìm ra một thứ thuốc để chữa bệnh tinh thần của quần chúng khi cho rằng làm cách mạng là làm giặc, phải có cách chữa căn bệnh mê muội đó của quần chúng và bệnh xa rời quần chúng của những người chiến sĩ cách mạng như Hạ Du.

Phân tích tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn - mẫu 6

     Thuốc là một truyện ngắn nhưng hàm chứa một nội dung lớn lao và sâu sắc. Nói như nhà văn Nguyễn Tuân là có kích thước của truyện dài. Nó khơi dậy nỗi ưu quốc ưu dân. Nó đánh trúng căn bệnh trầm kha của dân tộc Trung Quốc.

     Có thể coi đây là một bức tranh thu nhỏ về xã hội Trung Quốc tối tăm đầu thế kỉ XX với các đường nét sẫm màu về hai cái chết (của thằng bé chết bệnh và của người cách mạng bị xử chém), về hai bà me đau khổ, về chiếc bánh bao tẩm máu, về nghĩa địa mồ mả dày khít được phán ranh giới bởi một con đường mòn.

     Nhân vật chính của truyện là đám đông quần chúng mê muội, người cách mạng Hạ Du chỉ ở tuyến sau và được giới thiệu qua đối thoại giữa đám đông quần chúng. Truyện ngắn Thuốc được viết vào năm 1919, đúng vào lúc cuộc Vận động Ngũ tứ bùng nổ, sau Cách mạng Tân Hợi 1911, cuộc cách mạng mà Lỗ Tấn hiểu rõ những hạn chế của nó. Trên thực tế, cuộc cách mạng này có thành tích là đánh đổ chế độ phong kiến, nhưng cũng có nhiều nhược điểm.

     Đó là sự xa rời quần chúng khiến cho quần chúng không được tuyên truyền giác ngộ. Mặt khác lại nửa vời, thay thang không đổi thuốc, cội rễ của chếđộ phong kiến không bị đánh bật, đời sống xã hội không có gì thay đổi. Những điều này Lỗ Tấn đã miêu tả một cách sinh động và hình tượng trong AQ chính truyện. Trong Thuốc, qua nhân vật Hạ Du, Lỗ Tấn bày tỏ sự kính trọng và lòng thương cảm sâu sắc đối với những chiến sĩ tiên phong của Cách mạng Tân Hợi.

     Trước tiên, đó là bạn bè đồng hương Thiệu Hưng cùng ôm mộng "cải tạo nhân sinh", cùng Đông du sang Nhật để học hỏi công cuộc Duy Tân, rồi gia nhập tổ chức cách mạng Đồng Minh Hội của Tôn Trung Sơn, rồi về nước tuyên truyền cách mạng và bị khủng bố, bị tàn sát như Từ Tích Lân, Thu Cận, đặc biệt là Thu Cận.

     Chính Lỗ Tấn cho biết là ông viết về Hạ Du là đề nhớ về Thu Cận (Hạ đối với Thu, Du và Cận đều thuộc bộ ngọc, là hai loại ngọc). Trong không khí khủng bốcách mạng Tân Hợi, đây là cách né tránh kiểm duyệt. Thu Cận là nhà nữ cách mạng tiên phong thời cận đại, từng du học ở Nhật, tham gia cách mạng rồi bị trục xuất về nước, lập tờ Trung Quốc nữ báo đầu tiên tuyên truyền bình đẳng nam nữ, chống phong kiến quân phiệt.

     Bà tham gia chuẩn bị khởi nghĩa với Từ Tích Lân rồi bị bắt và bị hành hình lúc ba mươi hai tuổi (1875 — 1907). Nơi bà bị hành hình là Cô Hiên Đình Khẩu trong thành Thiệu Hưng mà Lỗ Tấn cho là thấp thoáng ẩn hiện trong tác phẩm.

     Là nhà văn đã để lại hai phần ba tác phẩm nói về số phận người phụ nữ Trung Quốc, là nhà văn quan tâm sâu sắc đến sự vươn mình của phụ nữ, Lỗ Tấn đã không chỉ một lần nhắc đến Thu Cận. Số phận bi thảm của nhà nữ cách mạng trẻ tuổi này đã khắc sâu trong tâm khảm nhà văn. Nhưng Thu Cận cũng đồng thời là biểu tượng của cả một lớp thanh niên giác ngộ sớm thời bấy giờ. Trong truyện Câu chuyện về cái đầu tóc, Lỗ Tấn đã truy điệu cả một lớp dũng sĩ "bôn ba trong vắng lặng" như vậy.

     Ông viết: Có những thanh niên bôn ba vất vả mấy năm ròng, nhưng những viên đạn vô tình đã kết liễu đời họ; có những thanh niên ám sát quan lại, nhưng bắn không trúng, phải chịu một tháng khổ sai ở trong tù; một số thanh niên khác thì đang ôm ấp chí hướng cao xa, nhưng rồi bỗng nhiên mất tích, đến xác của họ cũng không biết ở đâu."

     Truy điệu Hạ Du cũng là truy điệu Thu Cận và cả một lớp người cách mạng giác ngộ sớm, cô đơn và bị những người đang ngủ mê gọi là điên. Hạ Du nằm trong hệ thống các nhân vật giác ngộ sớm "đi trước buổi bình minh" mà quần chúng ngủ mê gọi là điên như người điên trong Nhật kí người điên, người điên trong Đèn không tắt. Hạ Du dũng cảm, hiên ngang, xả thân vì nghĩa lớn, nhưng lại rất có đơn, không ai hiểu việc anh làm, đến nỗi mẹ anh cũng gào khóc kêu anh chết oan.

     Quần chúng mua máu anh làm thuốc chữa bệnh cũng là lẽ tự nhiên. Nhưng muốn thực hiện lí tưởng trời đất nhà Thanh là của chúng ta của Hạ Du thì phải làm gì? Nói cách khác, lúc này cách mạng giải phóng dân tộc phải là một cuộc cách mạng như thếnào thì Lỗ Tấn cũng chưa rõ.

     Ông đang hướng về cách mạng vô sản. Bài tập văn Thánh võ (vua sáng nghiệp) được ông viết năm 1918, trong đó ông nhiệt liệt ca ngợi Cách mạng tháng Mười Nga như là "bình minh của kỉ nguyên mới", ca ngợi nhữngdũng sĩ cách mạng "lấy máu đào dập tắt ngọn lửa, lấy xương thịt làm cùn gươm giáo" là một minh chứng.

     Trong truyện Thuốc, ông để cho hai bà mẹ có con chết chém và chết bệnh bước qua con đường mòn cố hữu đến gập nhau và cùng sững sờ trước vòng hoa trên mộ người cách mạng. Nhà văn vẫn vững tin vào tiền đồ cách mạng. Ông nói với mọi người rằng máu người tử tù đã thức tỉnh một bộ phận quần chúng; đã có người hiểu được cái chết vinh quang của họ và nguyện bước tiếp bước chân khai phá của họ.

     "Nhưng truyện không đặt nhân vật cách mạng vào vị trí chủ yếu mà chỉ đặt ở tuyến ngầm phía sau. Điều này có dụng ý sâu sắc: khi quần chúng chưa giác ngộ thì máu của người cách mạng đổ ra thật vô nghĩa, không được ai chú ý. Truyện đặt sốđông quần chúng chưa giác ngộ vào vị trí chủ yếu để chỉ rõ rằng, mục đích của tác phẩm vẫn là vạch trần sự đầu độc của tư tưởng phong kiến, nhằm thức tỉnh quần chúng đang mê muội." (Lâm Chí Hạo — Truyện Lỗ Tân).

     Thuốc vừa là tiếng Gào thét để "trợ uy cho những dũng sĩ đang bôn ba trong chốn quạnh hiu", vừa là sự bộc bạch tâm huyết của một ngòi bút lạc quan tin tưởng: "Riêng về phần tôi, tôi vẫn cho rằng hiện nay, tôi không còn phải là người có điều gì bức xúc, không nói ra không được, nhưng hoặc giả bởi vì chưa thể quên hết những nỗi quạnh hiu, đau khổ của mình ngày trước, nên có lúc không thể không gào thét lên mấy tiếng đế an ủi những kẻ dũng sĩ đang bôn ba trong chốn quạnh hiu, mong họ ở nơi tuyên đầu được vững tâm hơn..." (Lỗ Tấn,Tựa Gào thét, 1922). "Những kẻ dũng sĩ" đây là hình tượng của Hạ Du chăng?

Quảng cáo

Phân tích tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn - mẫu 7

     Khi nhắc đến nền văn học Trung Quốc thì chắc có lẽ không thể không nhắc đến Lỗ Tấn, ông là một nhà văn cách mạng lỗi lạc của Trung Quốc,là một người mà nhiều chuyên gia đã nhận xét là vừa có tài vừa có đức sinh năm ( 1881-1936 ) tên thật là Chu Thụ Nhân , quê ở phủ Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Đã tận mắt chứng kiến cha mình bị bệnh vì không có tiền chữa bệnh mà mất đi, ông ôm ấp giấc mơ trở thành một thầy thuốc để có thể chữa bệnh cho những người dân nghèo. Và ông quyết định học ngành y để thực hiện ước muốn của mình.

     Trong thời gian ông đi học y ở Nhật Bản thì đã có một sự kiện xảy ra đã làm thay đổi cuộc đời và cả sự nghiệp của ông. Đó là một lần khi xem phim, ông đã chứng kiến những người Trung Quốc hớn hở đi xem người Nhật giết chết một người Trung Quốc yêu nước. Lỗ Tấn đã nhận ra rằng, nếu chữa căn bệnh về thể xác mà bỏ quên căn bệnh về tinh thần thì tương lai người TrungQuốc rồi sẽ “ngủ mê trong cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ” mà thôi. Từ đó, ông đã từ bỏ y học để chuyển sang văn học, dùng văn học để cảnh tỉnh, để “chữa bệnh” về tinh thần cho người dân Trung Quốc.

     “Thuốc” được ra đời vào năm 1919 ở thời điểm xay ra cuộc vận động phong trào Ngũ Tứ, là phong trào đòi tự do dân chủ của học sinh sinh viên Bắc kinh bùng nổ mạnh mẽ. Thuốc là một tác phẩm và là một liều thuốc để ông chữa căn bệnh cho người dân của đất nước ông, cho xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ, cần phải có một liều “thuốc” đặc trị thì mới có thể chữa trị được, nếu không thì sẽ dần u mê và lụi bại và suy tàn không thể tồn tại như nhân vật Thuyên khi bị bệnh lao, đã cố gắng tìm ra một đơn thuốc nhưng lại không hề tốt và không chữa được để rồi mất mạng.

     Ở trong tác phẩm này, thuốc không phải chỉ là được làm ra từ những dược liệu thông thường mà nó chính là một chiếc bánh bao được tẩm máu người, đặc biệt phải là máu của người tử tù thì mới có hiệu quả, mới có thể giúp lão Hoa chữa được bệnh ,của con trai lão được.

     Có lẽ không ai là không biết rằng, máu của người tử tù, đó là máu của những người Trung Quốc yêu nước và chống lại Nhật Bản. để có được phương thuốc ấy đã phải lấy đi tính mạng của những con người đang ngày đêm cố gắng đem tất cả bình sinh của mình ra để bảo vệ cuộc sống của người thân, của những con người u mê, lạc hậu, mê muội đang cố lấy đi tính mạng của họ chỉ vì mê tín dị đoan, cố chấp, thiếu hiểu biết.

     Vợ chồng lão Hoa và mọi người trong quán trà cố chấp cho rằng chỉ cần có chiếc bánh bao tẩm máu người tử tù thì căn bệnh hiểm nghèo của Thuyên sẽ được chữa khỏi. Đặt niềm tin vào một phương thuốc phản khoa học ấy, lão Hoa đã bỏ rất nhiều tiền và công sức để tìm được chiếc bánh bao thần kì ấy, khi ông mang “thuốc” về.

     Nó vẫn còn dính máu và đang nhỏ giọt, máu rất tươi, đó là một hình ảnh ghê sợ biết bao, ám ảnh biết cỡ nào mầy mà ông ta và nhiều người trong quán trà của vợ chồng lão đã rất vui vẻ vì nghĩ rằng con mình sắp hết bệnh và khỏe lại như bao người khác rồi. Để khi con trai chết vợ chồng lão cũng chẳng biết vì sao khi đã có thuốc rồi mà thằng Thuyên vẫn chết.

     Ngoài ý nghĩa về một than thuốc để chữa căn bệnh lao phản khoa học đã làm cho Thuyên chết sớm, ở đây Lỗ Tấn còn đưa ra căn bệnh cũng đang rất cần có một phương thuốc để chữa, đó là căn bệnh gia trưởng, u mê, lạc hậu về mặt khoa học của người dân Trung Quốc.

     Cha mẹ của thằng Thuyên vì lạc hậu thiếu hiểu biết nên mới tin và cho rằng chỉ cần một chiếc bánh bao có tẩm máu tươi của người tử tù thì Thuyên sẽ hết bệnh và thậm chí còn khỏe mạnh hơn, không chỉ có cha mẹ của thằng Thuyên mà còn có tất cả những người có mặt tại quán trà cũng tin như vậy, họ quá tin vào một chiếc bánh bao tẩm máu khi không hề có một chứng cứ xác thực nào cả.

     Họ thậm chí không thèm tìm thử xem có một phương thuốc nào tốt hơn, chắc chắn hơn, có thuốc nhưng lại không phải mất đi tính mạng của người khác không mà họ không hề biết rằng chiếc bánh bao tẩm máu mà họ tìm kiếm ấy, bỏ tiền bạc và công sức để có được ấy thật ra chỉ là một liều thuốc độc mà thôi, nó giết chết một thằng Thuyên bị bệnh lao, hại chết Hạ Du làm cách mạng phải lấy máu tẩm bánh bao, ghê gớm hơn là nó giết chết cả tinh thần của người dân Trung Quốc.

     Không chỉ là lạc hậu về phương diện khoa học, mà Lỗ Tấn còn lên án cả về đường lối chính trị của cách mạng của Trung Quốc. Lúc này, cách mạng Trung Quốc đang dò dẫm tìm đường, chưa hề có một con đường chính xác nào cho cách mạng Trung Quốc và đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc, điều đáng tiếc ấy được thể hiện rất rõ qua nhân vật Hạ Du.

     Đó là do sự xa rời nhân dân, không quán triệt cho dân hiểu làm cách mạng mà không gần dân, xa rời dân chúng. Làm cách mạng mà xa rời quần chúng đó chính là cái sai, cái lỗi để dẫn đến sự hi sinh vô ích của Hạ Du, cho dù anh là một người yêu nước, một nhà cách mạng nhưng người dân không hề hiểu và biết điều đó, Họ cho rằng anh là giặc, là tử tù và máu của anh có thể cứu sống được Thuyên.

     Máu để tẩm chiếc bánh bao chính là máu người chiến sĩ Hạ Du phải đổ xuống để giải phóng cho nhân dân.Hạ Du đại diện cho một tầng lớp yêu nước và có lý tưởng lúc bấy giờ thế nhưng mọi người lại nhắc đến anh với sự miệt thị và khinh khi, đau đớn hơn là chính chú của Hạ Du lại là người đi báo án để hưởng được số tiền thưởng mà bọn phản quốc đang treo. Nếu có trách thì cũng trách con đường mà Hạ Du đã đi là sai.

     Bởi vì nhân dân họ không biết điều mà Hạ Du đang cố gắng làm, thậm chí là mẹ anh cũng không biết con mình làm cái gì, họ chỉ biết anh là một tủ tù và cái tốt nhất từ anh chính là máu, mọi người cho rằng chỉ cần có máu của Hạ Du là bệnh của thằng Thuyên sẽ được chữa khỏi, thế nhưng đâu có phải như vậy. thằng Thuyên ăn bánh bao cũng chết, Hạ Du làm cách mạng sai đường Hạ Du đổ máu vô ích.

     Những nhà cách mạng lúc ấy như một vì sao lẻ loi trên bầu trời đêm đen mà không hề có thêm một vì sao ở gần cả. Có lẽ nào Lỗ Tấn còn đang tìm thuốc để khai sáng con đường đi của cách mạng Trung Quốc để đạt được những thành quả tốt đẹp hơn, giải phóng cho con người lẫn tinh thần của nhân dân Trung Quốc. Qua tất cả những điều ấy cho thấy rõ ràng sự mê muội u tối của người dân Trung Quốc.

     Ở cuối tác phẩm, khi hai người mẹ đến thăm mộ con mình, nghĩa trang được chia làm hai phần một bên là dành cho tử tù và một bên là dành cho người dân nghèo. Bà Hoa đến thăm mộ Thuyên và một lát sau gặp mẹ Hạ Du ngập ngừng đến bên mộ Hạ Du. Con đường phân hai bên nghĩa trang tượng trưng cho chính ranh giới mà con người tự đặt ra.

     Hai bà mẹ bước qua ranh giới ấy và an ủi lẫn nhau cho vơi sự đau xót trước sự ra đi của hai người con trai. Sự đồng cảm, ca ngợi lý tưởng của người chiến sĩ Hạ Du qua vòng hoa được đặt bên nấm mộ của anh mà hai người mẹ vô cùng ngạc nhiên khi thấy được và không hề biết ai là người đã đặt ở đó.Phải chăng đó chính là ánh sáng nơi cuối đường, le lói con đường đi mới, một liều thuốc mới để đem lại hi vọng cho con người.

     Như vậy, Thuốc của Lỗ Tấn không chỉ là thuốc để chữa những căn bệnh về thể chất, mà Thuốc còn là nỗi đau khi chưa tìm ra được một con đường trị “bệnh” cho dân tộc, mù mờ về tương lai của đất nươc khi mà người dân còn ngủ trong nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ, là tinh thần trách nhiệm của Lỗ Tấn đối với hiện thực và tương lai của nước nhà.

     Qua tác phẩm Lỗ Tấn đã nêu rõ thực trạng u tối của đất nước Trung Quốc và con đường cách mạng đang đi là sai vì nó hiu quạnh, không hề gần gũi với nhưng dân. “Thuốc” đã giúp xã hội Trung Quốc lúc này nhìn lại con đường mà mình đang đi là sai và cần phải tìm ra một con đường, chính sách mới thì mới có thể thành công, mới có một phương thuốc có thể chữa lành căn bệnh cho người dân.

Phân tích tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn - mẫu 8

     Lỗ Tấn trước theo ngành y, sau chuyển sang viết văn và tiếp tục nghiên cứu, dịch thuật văn hóa, lãnh đạo văn nghệ... Ông quan niệm viết văn, bằng sức mạnh nghệ thuật thì mới có thể thức tỉnh nhân dân, giáo dục tinh thần. Vì vậy trong sáng tác, ông rất cố ý thức về tính mục đích.

     Ông từng nói: "Khi chọn đề tài, tôi đều chọn những con người bất hạnh trong xã hội bệnh tật, với mục đích lôi hết những bệnh tật của họ ra làm cho mọi người chú ý mà tìm cách chạy chữa". Trường hợp truyện ngắn Thuốc có đề cập đến việc chữa bệnh, nhưng có lẽ tư tưởng chính của nhà văn là sự ghi nhận ý chí dũng cảm và sự hi sinh đẹp đẽ của những người cách mạng.

     Ở phần một, lão Hoa đi tìm thuốc cho con. Việc mua chiếc bánh bao nhuốm máu đỗ tươi để về chữa bệnh cho con là đẩu mối dẫn đến tư tưởng quan trọng nhất. Chiếc bánh bao được thấm máu của người tù bị chết chém, theo truyền miệng trong dân chúng, là có thể chữa được bệnh lao, Sau khi lão Hoa mang bánh bao về nhà cho con trai là Thuyên giữa cảnh đông người tại quán thì nhân vật Cả Khang xuất hiện và luôn mồm nói oang oàng về giátrị của thuốc - bánh bao. Bất chợt người râu hoa râm hỏi Cả Khang về một người bị chém thì trọng tâm của câu chuyện bắt đầu phát triển.

     Người tù bị chém đó là Hạ Du, con bà Tứ. Hạ Du là người có chí lớn, dũng cảm dám vuốt râu cọp. Tuy Cách mạng Tân Hợi (1911) thất bại, nhưng Lỗ Tấn vẫn khâm phục những người chân chính, hiên ngang. Bản thân nhà văn cũng có những người thân, cùng đồng hương, đã tham gia cách mạng và đãbị giết rất dã man. Khi viết truyện ngắn Thuốc này, theo nhà văn, đó là những dòng tưởng nhớ tình bạn đối với Thu Cận - người bạn cách mạng đã bị giết hại. Nhân vật Hạ Du có ý ám chỉThu Cận.

     Trước cái chết bi thảm của người cách mạng này, quần chúng đã đàm luận rất nhiều. Nhưng lời lẽ của họ lại tự để lộ những căn bệnh phổbiến bấy giờ trong xã hội. Đó là bệnh hám tiền của, tranh thù trục lợi. Việc lão Nghĩa lấy áo của người bị tử hình, cụ Ba đem cháu ra đầu thú được thưởng hai mươi, lăm lạng bạc, việc bán máu của người bị xử chém... đã chứng tỏ điều này.

     Đó là bệnh thiếu trí tuệ xét đoán, thiếu tinh thần dân tộc. Hạ Du là người hoạt động cách mạng cho dân tộc, nêu cao tình cảm yêu nước, mà không được một số người nhận ra. Họ còn nói nhiều điều sai trái. Những Cả Khang, nhân vật râu hoa râm, cậu Năm Gù đều là những người xem Hạ Du là người điên, là quỷ sứ, là khốn nạn...

     Tuy nhiên khi nói về Hạ Du, có một chi tiết giàu ý nghĩa về quan điểm và bản lĩnh của Hạ Du đã làm cho bọn họ ngơ ngác, như là không có trình độ hiểu được. Đó là lão Nghĩa tát Hạ Du hai bạt tai (vì Hạ Du nói chuyện cách mạng với lão) thì Hạ Du lại nói với Lão Nghĩa rằng: "Thật đáng thương hại, thật đáng thương hại!". Đây quả là câu nói có tầm độ thật sự của một người cách mạng.

     Ở phần cuối tác phẩm, thằng bé Thuyên con Lào Hoa cũng chết, chứ không thểnào sống bởi cách chữa bệnh ngu dốt, mù quáng mà cha nó đã làm. Nó được chôn ở phần nghĩa địa phía phải, phía những người nghèo khổ. Còn thi thể người cách mạng bị chết chém Hạ Du được ở phần nghĩa địa phía trái, phía những người chết tù, chết chém..

     Một buổi sáng, Bà Hoa mẹ bé Thuyên, cùng bà Tứ mẹ Hạ Du đã có mặt nơi nghĩa địa để viếng mộ con. Trên mộ thằng bé Thuyên không có hoa, nhưng trên mộ của Hạ Du có những cánh hoa trắng xếp thành vòng tròn. Nhìn mộ con, Bà Hoa thấy lòng trống trải, có một chút gì không thỏa mãn..., nhưng bà không muốn suy nghĩ thêm. Còn bà Tứ đến sát mộ con, rồi nhận thấy "Hoa không cổ gốc, không phải dưới đất mọc lên! Ai đã đến đày!

     Trẻ con không thể đến chơi. Bà con họ hàng nhất định là không ai đến rồi!... Thế này là thế nào?" Rồi bà chợt hiểu, bà khóc. Đấy chính là vòng hoa cho những người cách mạng. Cái chết của Hạ Du xứng đáng được kính tặng những vòng hoa tươi dẹp. Những bông boa, những vòng hoa xinh đẹp tỏa hương, sẽ an ủi tấm lòng người mẹ, xóa tan cái thố lương, ảm đạm.

     Bằng chi tiết này, Lỗ Tấn đã mang lại niềm tin, một sự lạc quan cần thiết: niềm tin vào cách mạng. Có thể có hai chủ đề trong truyện ngắn này, nhưng chắc chắn truyện ngắn Thuốc thể hiện suynghĩ và tình cảm nhà văn đối với các liệt sĩ cách mạng nói chung, đối với những người bạn thân nói riêng. Máu của Hạ Du đã đổ vì lí tưởng, nhưng qua kết cấu và hình tượng trong tác phẩm thì máu ấy không bị quên lãng, mà sẽ thành những tràng hoa đầy sự ngưỡng mộ của nhân dân.

     Với một vấn đề mang tính quan điểm được diễn đạt bằng ngôn ngữ văn xuôi, theo một kết cấu có chủ định, có khả năng miêu tả chi tiết và các hình ảnh, hình tượng có tính khái quát, Lỗ Tấn đã truyền đạt thành công ý định nghệ thuật của mình. Giáo sư Lương Duy Thứ nối rất đúng: "Lỗ Tấn không quên công lao của những người Cách mạng Tân Hợi. Ông vẫn khâm phục những con người cách mạng chân chính, những chiến sĩ dũng cảm hiên ngang, và ông ghi một ấn tượng tốt đẹp về họ.

     Hạ Du (Thuốc) là người có chí lớn, dũng cảm,dám gãi đầu hổ. Lỗ Tấn không quên đặt một vòng hoa trên mộ anh. Đó là sự ghi nhận công lao của những người cách mạng chân chính".

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 12 Ôn thi THPT Quốc gia khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 12

Bộ giáo án, đề thi, bài giảng powerpoint, khóa học dành cho các thầy cô và học sinh lớp 12, đẩy đủ các bộ sách cánh diều, kết nối tri thức, chân trời sáng tạo tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official


thuoc.jsp

Giải bài tập lớp 12 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên