Vẻ đẹp của đoàn quân ra trận trong 2 bài thơ Tây Tiến và Việt Bắc (điểm cao)

Đề bài: Cùng tái hiện vẻ đẹp của những đoàn quân ra trận, mỗi nhà thơ lại có cách khám phá và thể hiện riêng:

    Trong bài “tây Tiến”, Quang Dũng viết:

    “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

    Quân xanh màu lá dữ oai hùm

    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

    (Tây Tiến – Quang Dũng)

    Trong thi phẩm “Việt Bắc”, Tố Hữu viết:

    “Những đường Việt Bắc của ta

    Đêm đêm rầm rập như là đất rung

    Quân đi điệp điệp trùng trùng

    Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”

    (Việt Bắc – Tố Hữu)

    Cảm nhận của anh, chị về hai đoạn thơ trên.

Vẻ đẹp của đoàn quân ra trận trong 2 bài thơ Tây Tiến và Việt Bắc (điểm cao)

Dàn ý Vẻ đẹp của đoàn quân ra trận trong hai bài thơ Tây Tiến và Việt Bắc

Quảng cáo

1. GIỚI THIỆU CHUNG

- Quang Dũng là gương mặt tiêu biểu của nền thơ ca trong kháng chiến chống Pháp với hồn thơ đầy cảm hứng lãng mạn, hào hoa, thanh lịch, giàu chất mộng mơ. Trong suốt cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa ấy, có lẽ khoảng thời gian đáng nhớ nhất là những năm tháng chiến đấu trong đoàn quân Tây Tiến. Biết bao kỉ niệm sâu sắc, bao vẻ đẹp bi tráng và hào hùng của một quãng đời không thể quên nơi miền Tây tổ quốc được Quang Dũng tái hiện trong bài thơ “Tây Tiến”.

- Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Đường cách mạng, đường thơ của Tố Hữu gắn liền với các chặng đường của cách mạng Việt Nam. “Việt Bắc” là một trong những đỉnh cao của thơ Tố Hữu. Bài thơ như một khúc hát tâm tình, gợi lại những kỉ niệm gắn bó thủy chung giữa Việt Bắc và Cách mạng.

- Cùng viết về vẻ đẹp hào hùng của hình ảnh đoàn quân ra trận trong kháng chiến chống Pháp những trong hai bài thơ “Tây Tiến” và “Việt Bắc”, mỗi nhà thơ lại có cách khám phá riêng và thể hiện riêng.

2. PHÂN TÍCH

I. Cảm nhận về đoạn trích trong bài thơ “Tây Tiến”

* Vẻ đẹp bi thương và hào hùng của đoàn quân Tây Tiến trên đường hành quân:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

- Sự bi thương:hiện lên qua ngoại hình ốm yếu, tiều tụy của người lính: đầu trọc, nước da xanh xao như màu lá do sốt rét, thiếu thốn, gian khổ.

+ Hình ảnh đáng thương, tiều tụy của những người lính Tây Tiến là kết quả của những trận sốt sét trong những chuỗi ngày hành quân vất vả, luôn trong tình trạng đói, khát và thiếu thốn.

+ Sự bi thương của đoàn quân Tây Tiến, những cơn sốt rét rừng trong thơ Quang Dũng cũng tiêu biểu cho hình ảnh đau thương về những đoàn quân của ta trong kháng chiến chống Pháp nói chung.

+Liên hệ: Thơ ca thời kỳ kháng chiến khi viết về người lính thường nói về căn bệnh sốt rét hiểm nghèo.

Trong kháng chiến chống Pháp:

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi

(Đồng chí – Chính Hữu)

Giọt giọt mồ hôi rơi

Trên má anh vàng nghệ

Anh vệ quốc quân ơi

Sao mà yêu anh thế

(Cá nước – Tố Hữu).

Và cả trong kháng chiến chống Mĩ sau này:

Nơi thuốc súng trộn vào áo trận

Cơn sốt rừng đi dọc tuổi thanh xuân

- Cái hào hùng:

+ Người lính Tây Tiến không chỉ hiện lên với vẻ bi thương mà từ trong bi thương còn hiện lên cái hào hùng, khí phách. Bằng thủ pháp nghệ thuật đối lập giữa ngoại hình ốm yếu bên ngoài và tâm hồn đầy khí phách bên trong đã làm nổi bật khí chất mạnh mẽ của người lính.

+ “Không mọc tóc”: là cách nói ngang tàng, độc đáo, như là người lính không cần, không thèm mọc tóc. Cách nói rất lính, thể hiện sự hóm hỉnh vui đùa của người lính với khó khăn gian khổ trong kháng chiến.

+ Thể hiện qua cách dùng từ Hán Việt “đoàn binh”. Chữ “đoàn binh” có âm vang mạnh mẽ hơn chữ“đoàn quân” đã gợi lên được sự mạnh mẽ lạ thường, đầy hùng dũng, phi thường của người lính.

+ Ba từ “dữ oai hùm” gợi lên dáng vẻ oai phong lẫm liệt như vị thế oai phong của chúa sơn lâm. Dường như, ở miền đất hoang sơ, bí ẩn đầy đe dọa với “cọp trêu người” thì người lính Tây Tiến cũng mang trong mình cái “oai hùm” dữ dội, uy nghi để chế ngự và chiến thắng mọi khó khăn.

⟹ Bằng cảm hứng anh hùng, đoàn quân Tây Tiến hiện lên với vẻ dữ dội của núi rừng chứ không hề gợi vẻ tiểu tụy, ốm yếu dù cuộc sống của người linh trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ. Người lính Tây Tiến vẫn mạnh mẽ, hiên ngang làm chủ núi rừng, chế ngự mọi khắc nghiệt xung quanh, đạp bằng mọi gian khổ trong chiến đấu. Họ hiện lên với vẻ đẹp kiêu hùng, xem thường mọi khổ ải, thiếu thốn.

* Hình ảnh những chàng trai Hà Nội lãng mạn, hào hoa:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

- “Mắt trừng” là đôi mắt dữ tợn, căm thù, mạnh mẽ, nung nấu quyết đoán làm kẻ thù khiếp sợ. Sự căm thù mạnh mẽ đối với kẻ thù càng làm tăng thêm quyết tâm chiến đấu của những người lính Tây Tiền.

- Đôi mắt ấy cũng là đôi mắt thao thức của những chàng trai Hà Nội nhớ về quê hương, về giấc mộng có bóng hình một “dáng kiều thơm”.

- Mộng và mơ gửi về hai phía của chân trời: biên giới và Hà Nội.

- Liên hệ: Thơ ca kháng chiến chống Pháp cũng có nhiều nhà thơ nói về người lính với nỗi nhớ:

+ Nguyễn Đình Thi rạo rực với nhịp đập con tim:

Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu

+ Chính Hữu: “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”

+ Hồng Nguyên thì cồn cào, da diết trong tim:

Ba năm rồi gửi lại mái lều tranh

                   Luống cày đất đỏ

                   Tiếng mõ đêm trường

                   Ít nhiều người vợ trẻ

                   Mòn chân bên cối gạo canh khuya

⟹ Những chàng trai của mảnh đất kinh kỳ đầy mộng mơ, họ lên đường ra trận “Tổ quốc gọi chúng tôi sẽ ra đi”, nhưng họ không chỉ biết cầm súng, cầm gươm mà những tâm hồn giàu mơ mộng giữa bao nhiêu gian lao, khắc nghiệt, trái tim họ vẫn rung động, nhớ nhung về vẻ đẹp của Hà Nội: đó có thể là phố cũ, trường xưa, về bóng hình của những dáng yêu kiều, diễm lệ hiện về trong nỗi nhớ da diết. Mảnh đất Hà thành với những “dáng kiều thơm” là cõi đi về trong mơ của những người thanh niên Hà Nội. Đó chính là động lực tiếp thêm sức mạnh để họ vững vàng tay súng, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ Tổ quốc.

II. Cảm nhận về đoạn trích trong bài thơ “Việt Bắc”

*Vẻ đẹp hào hùng:

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

- Đại từ sở hữu “của ta” được vang lên một cách dõng dạc khẳng định niềm tự hào của những con người ở vị thế làm chủ đất nước. Đồng thời, đại từ sở hữu “của ta” cũng khẳng định sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, khẳng định chiến khu Việt Bắc là chiến khu tự do.

-Hai chữ “rầm rập” vừa gợi âm thanh, vừa tạo hình ảnh. Các từ láy “rầm rập”, “điệp điệp" và “trùng trùng" và hình ảnh so sánh “như là đất rung”: vừa tái hiện không khí sôi nổi trong những ngày chiến dịch của cuộc kháng chiến, vừa gợi lên sự đông đảo, vừa gợi lên sức mạnh, khí thế hào hùng của đoàn quân ra trận, giúp ta cảm nhận hình ảnh những đoàn quân đầy khí thế đang ngày đêm tiến về mặt trận.

⟹ Mỗi bước đi của đoàn quân ra trận mang theo sức mạnh của lòng yêu nước, của lí tưởng cách mạng, khát khao chiến đấu và quyết tâm chiến thắng quân thù.

*Vẻ đẹp lãng mạn:

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

- Hình ảnh “ánh sao đầu súng” có thể là hình ảnh thực của ánh sao trên bầu trời đêm Việt Bắc, đồng thời cũng là hình ảnh mang tính biểu tượng: ánh sáng của ngôi sao gắn trên chiếc mũ nan của người lính, ánh sáng của lí tưởng cách mạng đang soi đường chỉ lối, dẫn bước người lính tiến lên.

- Hình ảnh “bạn cùng mũ nan”: những người lính trong kháng chiến, giản dị, đơn sơ, mộc mạc nhưng chứa đựng một sức mạnh phi thương, mang trong mình một lí tưởng cao cả, đẹp đẽ, sẵn sàng cống hiến vì sự nghiệp chung.

⟹ Câu thơ thể hiện niềm tin, sự lạc quan, tin tưởng, niềm vui hân hoan khi hướng về “chiến thắng trăm miền”.

III. So sánh hai đoạn thơ

- Giống nhau: Hai đoạn thơ đều khắc họa người lính với vẻ đẹp vừa hào hùng, vừa lãng mạn.

- Khác nhau:

+ Đoạn thơ trong bài thơ “Tây Tiến”:được viết trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, thời kì đầu kháng chiến còn gian khổ, Quang Dũng đã tái hiện vẻ đẹp hào hùng của người lính phảng phất sự bi thương của hiện thực chiến tranh.

+ Đoạn thơ trong bài thơ “Việt Bắc”:sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, đất nước hân hoan niềm vui chiến thắng, Tố Hữu ca ngợi vẻ đẹp lãng mạn cách mạng của người lính được gắn liền với hiện thực.

⟹ Cả hai tác giả là những người trực tiếp sống trong cuộc kháng chiến gian khổ, có trải nghiệm từ thực tế chiến đấu nên sáng tác đậm chất hiện thực. Bên cạnh nét chung, mỗi nhà thơ lại có một cách cảm nhận cho riêng mình. Từ một chàng trai Hà thành rất hào hoa, mơ mộng nên thơ Quang Dũng mang đậm chất lãng mạn rất riêng của người Hà Nội; còn ở Tố Hữu – đỉnh cao của thơ trữ tình chính trị, nhà thơ của lí tưởng cộng sản nênsáng tác của ông luôn có cái nhìn đầy hiện thực, lạc quan, tin tưởng vào cách mạng.

3. ĐÁNH GIÁ CHUNG

- Hai đoạn thơ vừa có điểm tương đồng (cùng thể hiện hình ảnh đoàn quân trong kháng chiến chống Pháp), vừa có nét riêng biệt (Phong cách nghệ thuật của mỗi nhà thơ, thời điểm sáng tác…). Tất cả góp phần thể hiện tài năng và phong cách riêng của mỗi nhà thơ.

- Khẳng định vị trí của hai tác giả trong nền thơ ca cách mạng nói riêng cũng như trong nền văn học Việt Nam và trong lòng độc giả nói chung.

Vẻ đẹp của đoàn quân ra trận trong hai bài thơ Tây Tiến và Việt Bắc

Quảng cáo

    Đề tài người lính luôn mang lại cảm hứng và tạo nên những đứa con tinh thần xuất sắc của các nhà thơ nổi tiếng trong đó có Quang Dũng và Tố Hữu.Với hồn thơ phóng khoáng, lãng mạn và hào hoa, Quang Dũng đã ghi dấu ấn trong lòng người đọc với nhiều tác phẩm tiêu biểu. Và với tác phẩm Tây Tiến (được in trong tập Mây đầu ô) Quang Dũng thực sự đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc về hình ảnh người lính Tây Tiến trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Chỉ với bốn câu thơ sau đây trong bài thơ Tây Tiến nhưng Quang Dũng đã khắc họa thành công hình ảnh người lĩnh Tây Tiến trên đường hành quân ra trận :

    “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

    Quân xanh màu lá dữ oai hùm

    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

    Cùng chung đề tài như thế, Tố Hữu –nhà thơ lí tưởng cộng sản và là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam cũng để lại những tập thơ mang dấu ấn riêng như : Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng,... Với bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu đã khẳng định được vị trí của mình trong nền thơ ca nước nhà khi tái hiện một cách hoàn hảo hình ảnh người lính. Đặc biệt trong bốn câu thơ sau đây Tố Hữu đã khiến cho người đọc không thể quên được hình ảnh đoàn quân :

    “Những đường Việt Bắc của ta

    Đêm đêm rầm rập như là đất rung

    Quân đi điệp điệp trùng trùng

    Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”

    Cả hai đoạn thơ trên của hai tác giả đều phác hoạ lại hình ảnh của đoàn quân khi ra trận nhưng mỗi nhà thơ lại có một cách cảm nhận và chính điều đó đã làm nên nét riêng biệt không thể nhầm lẫn giữa hai hồn thơ đầy tài năng Quang Dũng và Tố Hữu.

    Tây Tiến là một đơn vị bộ đội thành lập 1947. Sau một khoảng thời gian đoàn quân hoạt động ở Lào, đoàn quân Tây Tiến trở về Hoà Bình, thành lập trung đoàn 52. Quang Dũng là đại đội trưởng ở đó đến cuối năm 1948 thì ông chuyển sang đơn vị khác. Khi đó nhà thơ nhớ về đơn vị nên viết bài thơ này. Bao trùm lên bài thơ là nỗi nhớ da diết của một tâm hồn chứa chan tình cảm. Nỗi nhớ của nhà thơ hiện hữu thành hình ảnh con đường hành quân gian khổ, những kỉ niệm với dân quân trong đêm liên hoan và đặc biệt là hình ảnh của đoàn quân khi ra trận. Chân dung người lính được khắc họa thật đặc biệt bằng những nét vẽ thật khác thường như “không mọc tóc”, “xanh màu lá”, “dữ oai hùm”, “mắt trừng gửi mộng”. Nhưng tất cả những điều này lại bắt nguồn từ chính đời sống thực tế đầy khắc nghiệt và gian khổ. Trước sự thật đó Quang Dũng không hề né tránh mà tái hiện thật tài tình bằng màu sắc lãng mạn : “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”. Mới đọc qua thì có thể thấy đây là hình ảnh mang vẻ gì đó li kì, giật gân hay khó hiểu nhưng nhìn vào hiên thực thì có thể nhận thấy rằng những cơn sốt rét rừng liên miên hành hạ con người lại là nguyên nhân chính tạo nên ngoại hình của người lính. Cách nói của Quang Dũng cho thấy khẩu khí ngang tàng, hồn nhiên của người lính trẻ : tóc không thèm mọc chứ không phải tóc không mọc được do sốt rét rừng. Nơi rừng thiêng nước độc thiếu thốn đủ đường không thể có thuốc men đủ đầy nên “quân xanh màu lá” cũng là một điều dễ hiểu. Khi tìm hiểu về chi tiết này có nhiều ý kiến cho rằng “xanh màu lá” là màu của lá ngụy trang mà người lính mang bên mình khi ngụy trang hoặc quân phục mà người lính khoác lên mình. Nhìn chung khi nhìn vào hiện thực cuộc kháng chiến thì cả hai cách hiểu này đều không làm nổi bật được tính chất của cuộc kháng chiến. Cái “xanh màu lá” đó lại đi liền với cái “dữ oai hùm” khiến cho hình ảnh người lính trở nên hùng dũng, hiên ngang đầy ý chí và nghị lực. Vẻ hùng dũng và đầy nghị lực đó của những người lính khiến họ mang vẻ dữ dằn chẳng khác nào những con hổ nơi rừng thiêng nước độc. Quang Dũng đã cho người đọc thấy được sự dũng cảm, dữ dằn của người lính khi vượt lên trên hoàn cảnh và xem thường mọi khổ ải, thiếu thốn. Vẻ dữ dằn ấy còn được thể hiên qua ánh mắt của họ : “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”. Đôi mắt luôn chứa đựng những điều thật đặc biệt. Qủa thật là như vậy, qua từ “trừng” mà Quang Dũng dùng để diễn tả sự căm phẫn và ý chí luôn hướng về mục đích chiến đấu của cuộc kháng chiến chúng ta thấy được một lần nữa sự quyết tâm của người lính trong cuộc kháng chiến. Giấc mộng ở đây là giấc mộng lập công, giết giặc bảo vệ đất nước. Nếu như ba câu thơ đầu tiên trong đoạn thơ đã làm nổi bật ngoại hình dữ dằn và đầy sự oai hùng của những người lính thì câu thơ cuối tập trung thể hiện tâm hồn của những trái tim rạo rực và khát khao yêu thương của những người lính trẻ : “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. “Dáng kiều thơm” là một cách nói thật đặc biệt gợi lên vẻ đẹp của người con gái yêu kiều và duyên dáng. Có lẽ chính giấc mơ về dáng kiều thơm lại trở thành một trong những nguồn động lực để tiếp thêm sức mạnh cho những người lính trước những khó khăn gian khổ của cuộc kháng chiến. Nỗi nhớ về “dáng kiều thơm” như một yếu tố để cân bằng lại đời sống nội tâm của người lính sau những tháng ngày hành quân vất vả chứ không phải là sự yếu đuối như một số người vẫn nhầm tưởng. Bằng việc sử dụng những từ ngữ khắc họa tài tình Quang Dũng đã tạc lên bức tượng đài cụ thể về cả vẻ bề ngoài đầy ấn tượng và tâm hồn bên trong với vẻ lãng mạn, hào hoa.

    Dưới ngòi bút của Quang Dũng thì vẻ đẹp của đoàn quân ra trân được thể hiện độc đáo như vậy còn dưới ngòi bút của Tố Hữu thì hình ảnh người lính ra trận hiện lên với một vẻ đẹp cũng không kém phần đặc biệt. Để tái hiện khung cảnh sôi động của Việt Bắc trong những ngày chiến đấu và chiến thắng Tố Hữu đã khắc họa thành công con đường ra trận ở chiến khu Việt Bắc vào ban đêm:

    “Những đường Việt Bắc của ta

    Đêm đêm rầm rập như là đất rung”

    Chỉ với hai câu thơ ngắn gọn nhưng Tố Hữu đã gợi tả được không gian rộng lớn và khoảng thời gian dài của cuộc kháng chiến trường kì và vĩ đại. Đặc biệt khi Tố Hữu sử dụng từ láy “rầm rập” vừa diễn tả được tiếng động mạnh của bước chân người lính vừa tái hiện được nhịp độ khẩn trương, đông đảo của tất cả các lực lượng tham gia kháng chiến. Biện pháp nghệ thuật so sánh được sử dụng ở câu thơ thứ hai đã diễn tả được sức mạnh đoàn kết to lớn của dân tộc. Đoàn quân đi đến đâu cũng ngỡ như mặt đất cũng rung chuyển đến đó. Từ việc miêu tả một cách khái quát con đường ra trận đó thì Tố Hữu tiếp tục miêu tả cụ thể hình ảnh bộ đội hành quân ra trận :

    “Quân đi điệp điệp trùng trùng

    “Quân đi điệp điệp trùng trùng

    Từ láy “điệp điệp”, “trùng trùng” khiến cho người đọc có được một hình dung về sự lớn mạnh của đông đảo của lực lượng quân đội trong cuộc kháng chiến. Nhịp thơ 2/2/2 như nhịp bước hành quân thể hiện sự mạnh mẽ và oai hùng của người chiến sĩ ra trận chiến trong hoàn cảnh thiếu thốn. Mặc dù chiến đấu trong hoàn cảnh như vậy nhưng họ vẫn luôn yêu đời và lạc quan. Chính điều này khiến cho họ như cảm nhận được “ánh sao đầu súng”. Ánh sao như là biểu tượng lí tưởng cách mạng soi sáng, dẫn đường để mỗi bước hành quân của người lính sẽ thêm vững chắc. Với thể thơ lục bát truyền thống mượt mà cùng với việc sử dụng thành công các từ láy thì Tố Hữu đã tái hiện được hình ảnh người lính ra trận đẹp biết bao nhiêu.

    Cả hai đoạn thơ đều đã thể hiện thành công vẻ đẹp của đoàn quân ra trận. Hình ảnh người lính hiện lên ở cả hai đoạn thơ đều mang vẻ đẹp mạnh mẽ, oai hùng đầy tự hào cùng với tinh thần lạc quan yêu đời và niềm tin tưởng vào cuộc kháng chiến trường kì của toàn thể dân tộc. Thông qua hình ảnh người lính chúng ta cũng phần nào cảm nhận được tính chất khắc nghiệt của cuộc kháng chiến chống lại giặc ngoại xâm, bảo vệ bầu trời hòa bình cho dân tộc. Từ đó chúng ta cũng thấy được sự am hiểu cũng như tình yêu đất nước của cả hai tác giả. Sở dĩ có được những nét tương đồng này là do cả hai nhà thơ đều sáng tác trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Chính vì vậy, họ được chứng kiến và trải qua những thời khắc đó. Đối với họ kỉ niệm đó, hình ảnh đó thật đáng trân trọng và tươi dẹp biết bao nhiêu.

    Bên cạnh những điều giống nhau đó thì chúng ta cũng không quá khó để nhận ra sự khác biệt giữa hai đoạn thơ. Với bốn câu thơ của Quang Dũng thì hình ảnh người lính hiện lên rõ ràng về ngoại hình, tâm hồn với vẻ đẹp lãng mạn và bi tráng. Cách sử dụng từ ngữ của tác giả cũng thật thú vị gân guốc mà vẫn thi vị nên thơ. Còn đối với Tố Hữu hình ảnh đoàn quân ra trận nhấn mạnh sức mạnh của cả vật chất và tinh thần. Đồng thời hình ảnh đó tượng trưng cho khối đại đoàn kết dân tộc với sức mạnh to lớn. Có thể thấy rằng chính phong cách sáng tác và quan điểm của mỗi nhà thơ tạo nên nét riêng biệt như vậy. Nhờ nét riêng biệt này mà mỗi nhà để lại dấu ấn riêng trong lòng bạn đọc.

    Qua việc tìm hiểu vẻ đẹp của đoàn quân ra trận trong thơ của Quang Dũng và thơ của Tố Hữu, chúng ta đã được trải nghiệm một cuộc hành trình trở về quá khứ, bước vào thế giới đầy gian nan mà hào hùng đó để mà cảm nhận. Hình ảnh đoàn quân ra trận hiện lên thật đẹp và thật đáng tự hào ở cả hai khổ thơ của hai nhà thơ. Cảm nhận về hình ảnh đoàn quân ra trận càng khiến chúng ta thấy biết ơn trước sự hi sinh của biết bao thế hệ đi trước và trân trọng hơn cuộc sống hòa bình hiện nay.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 12 Ôn thi THPT Quốc gia khác:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 12

Bộ giáo án, đề thi, bài giảng powerpoint, khóa học dành cho các thầy cô và học sinh lớp 12, đẩy đủ các bộ sách cánh diều, kết nối tri thức, chân trời sáng tạo tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official


Các loạt bài lớp 12 khác
Tài liệu giáo viên