10+ Dàn ý bài thơ Khoảng trời hố bom (hay, ngắn gọn)
Tổng hợp Dàn ý bài thơ Khoảng trời hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ hay nhất, ngắn gọn giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
10+ Dàn ý bài thơ Khoảng trời hố bom (hay, ngắn gọn)
Dàn ý bài thơ Khoảng trời hố bom - mẫu 1
1, Mở bài
Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:
- Lâm Thị Mỹ Dạ là một trong những nhà thơ nữ hiếm hoi của thơ ca cách mạng.
- Bài thơ được viết năm 1972, thể hiện lòng biết ơn, trân trọng đối với sự hi sinh của thế hệ thanh niên xung phong trong những năm chiến tranh.
2, Thân bài
a, Lí giải sự xuất hiện của “khoảng trời hố bom”
- Giọng điệu tự sự: “Chuyện kể rằng” – bài thơ mang sắc thái tự sự, như ngồi ôn lại một câu chuyện.
- Nhắc lại sự hi sinh cao cả của cô gái:
+ Đại từ nhân xưng tôi – em: nói về người liệt sĩ với thái độ yêu thương, thân tình.
+ Hành động của cô gái: để ngăn không địch ném bom phá tuyến đường, để đoàn xe quân sự ra trận kịp thời, cô đã thắp lửa đánh lạc hướng địch, chấp nhận hi sinh.
- Hình ảnh biểu tượng cao đẹp: “lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa”, “hứng lấy luồng bom”, thể hiện sự hi sinh một cách tự nguyện, thầm lặng. Chỉ có tình yêu nước, yêu tự do mới khiến con người quên đi sợ hãi, không ngần ngại nhận lấy cái chết.
- Hình ảnh “hố bom nhắc chuyện người con gái”: vừa là hình ảnh đau thương của chiến tranh để lại, vừa là nhân chứng cho sự hi sinh cao cả của cô gái mở đường.
b, Sự thương xót, cảm hứng bi tráng khi nhớ đến cô gái đã hi sinh
- Hình ảnh so sánh: Ví cô gái đã hi sinh như một “khoảng trời” nằm trong đất.
- Ba hình ảnh hoán dụ:
+ Tâm hồn cô như “sao sáng ngời”
+ Da thịt cô như “mây trắng”
+ Trái tim cô tỏa sáng như mặt trời
⇒ Những hình ảnh gắn với vẻ đẹp và sự tự do. Tinh thần yêu nước và lí tưởng cao đẹp của cô vẫn luôn dõi theo những người đang sống, soi sáng con đường tư tưởng cho họ.
⇒ Tuy sự hi sinh nào cũng là có đau thương, nhưng qua việc sử dụng những hình ảnh trên, tác giả vừa ca ngợi tâm hồn cao đẹp của cô gái mở đường, vừa nói cô gái đã hóa thân vào thiên nhiên, gợi ra sự ý niệm về sự bất tử của người anh hùng.
c, Sự biết ơn, ngợi ca của Tổ quốc dành cho cô gái (khổ thơ 3, 5, 6)
Sự trân trọng, ngợi ca, biết ơn trải khắp bài thơ, điển hình ở:
- Hình ảnh “hố bom – khoảng trời”: Mưa lấp đầy hố bom như tình yêu thương của nhân dân, đất nước xoa dịu nỗi đau mất mát, hi sinh của người con gái.
- Sự bất tử của cô gái được nhắc lại nhiều lần:
+ Hình ảnh cái chết “xanh khoảng trời con gái”: cô hi sinh khi tuổi còn trẻ, cái chết hóa thành bất tử.
+ Sự hi sinh của cô cùng bao chiến sĩ khác đã làm nên con đường Trường Sơn huyền thoại, làm nên thắng lợi của dân tộc.
+ Những người còn sống, thế hệ sau này mãi nhớ ơn của những người đã nằm xuống: “soi lòng mình”, “mỗi người có gương mặt em riêng”. Những câu thơ thể hiện sự tiếp nối, nhớ ơn gương anh hùng.
3, Kết bài
- Giá trị nội dung: bài thơ ca ngợi, biết ơn sự hi sinh của những thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn.
- Giá trị nghệ thuật: thể thơ tự do, giọng thơ bi tráng, giàu cảm xúc; sử dụng nhiều hình ảnh biểu tượng giá trị.
Dàn ý bài thơ Khoảng trời hố bom - mẫu 2
1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ.
- Giới thiệu bài thơ "Khoảng trời hố bom".
2. Thân bài:
a) Thông tin chung về bài thơ:
- Hoàn cảnh sáng tác: Tháng 10 năm 1972, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt nhất.
- "Khoảng trời hố bom" là bài thơ nổi tiếng, trong chùm thơ được tặng giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1972-1973.
b) Nội dung của bài thơ:
* Câu chuyện về người con gái thanh niên xung phong đầy dũng cảm, kiên cường:
- Mở đầu bằng cụm từ "Chuyện kể rằng" mang sắc thái tự sự, giống như tác giả đang kể lại một câu chuyện cổ tích.
- Cô gái mở đường: Người con gái xung phong ra chiến trường với nhiệm vụ là giữ cho tuyến đường Trường Sơn được thông suốt để những đoàn xe chở lương thực, đạn dược vào miền Nam
- Nguyên nhân hi sinh: Để quân thù không bắn phá Trường Sơn, giữ con đường nguyên vẹn cho đoàn xe đi qua, cô gái đã đem thân mình để đánh lạc hướng kẻ thù, một mình "hứng lấy luồng bom" -> Tư thế chủ động, bình thản, tự nguyện.
=> Sự hi sinh đầy cao cả của cô gái thanh niên xung phong đang độ tuổi xuân thì. Cái chết của cô cũng đã thắp lên ngọn lửa cho những con người đang sống và chiến đấu. Đó là ngọn lửa của tình yêu Tổ quốc, của ý chí quyết chiến và quyết thắng.
* Những suy ngẫm, sự thương xót của tác giả dành cho cô gái:
- Tác giả đã tạo ra những hình ảnh hoán dụ đầy sáng tạo để ca ngợi người con gái:
+ Tâm hồn em tỏa sáng như vì sao lung linh.
+ Da thịt em mềm mại như làn mây trắng.
+ Trái tim em tỏa sáng như mặt trời.
=> Chính trái tim đầy dũng cảm và cao thượng đó đã lựa chọn sự hi sinh, đã soi sáng con đường Cách mạng vĩ đại của dân tộc. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng chính những người như "em" luôn là động lực, là mặt trời dẫn lối cho mọi người cùng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
=> Những "vì sao", "làn mây", "mặt trời" chính là những sự vật bất tử, trường tồn mãi với thời gian. Tác giả so sánh "em" với những điều đó đã khẳng định một điều: Cô gái đã hóa thân vào đất trời, vũ trụ. Cô đã trở nên bất tử trong lòng mọi người, câu chuyện về cô gái thanh niên xung phong dũng cảm sẽ trở thành một phần của Trường Sơn huyền thoại mà bạn bè, đồng đội, đất nước mãi mãi ghi nhớ.
* Hình ảnh hố bom và khoảng trời:
- Hình ảnh "hố bom":
+ Là hình ảnh thực thể hiện sức tàn phá khủng khiếp của chiến tranh.
+ Là nhân chứng cho sự hi sinh cao thượng của cô gái mở đường.
- Hình ảnh "khoảng trời":
+ Bầu trời xanh trong đại diện cho nền hòa bình, độc lập.
+ Nước đọng lại nơi hố bom, phản chiếu lại bầu trời nên dưới hố bom như có một khoảng trời nhỏ bé riêng.
=> Nước mưa lấp đầy hố bom như tình yêu thương của đồng đội, của nhân dân dành cho sự hi sinh của cô gái, xoa dịu đi nỗi đau của cô.
=> Hố bom tượng trưng cho chiến tranh nhưng vẫn có khoảng trời tượng trưng cho hòa bình => Khẳng định chiến tranh rồi sẽ qua đi, con người Việt Nam sẽ sớm giành được nền độc lập hằng mong mỏi.
* Lời ngợi ca dành cho người con gái:
- Tác giả ca ngợi sự hi sinh của cô gái thanh niên xung phong:
+ Tên cô gái đã được đặt cho con đường mà cô đã hi sinh để bảo vệ.
+ Cái chết của em đã hóa thành bất tử.
+ Tấm lòng, lí tưởng của em sẽ là tấm gương sáng để những người đồng đội khác, những thế hệ khác noi theo học tập.
- Tuy không biết gương mặt của cô gái nhưng mỗi người đều đã khắc ghi tấm lòng của em nên đã khắc tạc một bức chân dung riêng về em trong lòng.
=> Khẳng định cái chết của em đã khiến em hóa thành bất tử, em sẽ sống mãi trong lòng mọi người.
c) Nghệ thuật của bài thơ:
- Các biện pháp nghệ thuật: nhân hóa, nói giảm nói tránh, ẩn dụ, liên tưởng tưởng tượng được sử dụng khéo léo nhằm ca ngợi cô gái thanh niên xung phong và thể hiện suy nghĩ của nhà thơ.
- Hình ảnh độc đáo giàu tính biểu tượng.
- Giọng thơ nhẹ nhàng như đang kể chuyện tâm tình với độc giả.
- Thể thơ tự do, nhịp thơ đa dạng, ngôn ngữ giàu cảm xúc.
3. Kết bài:
- Khái quát lại về bài thơ và người con gái thanh niên xung phong.
Phân tích bài thơ Khoảng trời hố bom - mẫu 1
Lâm Thị Mỹ Dạ là nhà thơ nữ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hồn thơ của bà chứa đầy chất nữ tính nhưng cũng có âm hưởng bi tráng đặc trưng của thời đại. Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của bà là "Khoảng trời hố bom".
Tác phẩm được viết vào khoảng tháng 10 năm 1972. Đó chính là khoảng thời gian mà cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt nhất. Bài thơ chính là lời ca ngợi của tác giả về sự hi sinh của cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Sự tương đồng giữa nội dung trong tác phẩm và thực tế ác liệt bên ngoài chiến trận là một lí do khiến cho cảm xúc được bộc lộ ra chân thực nhất. Đây có lẽ cũng chính là lí do giúp bài thơ đạt giải Nhất trong cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1972-1973.
Mở đầu tác phẩm, Lâm Thị Mỹ Dạ đã kể lại cho bạn đọc câu chuyện bằng thơ:
"Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom..."
Tác giả bắt đầu câu chuyện bằng cụm từ "Chuyện kể rằng" mang sắc thái tự sự. Nhà thơ giống như chuẩn bị kể một câu chuyện dân gian quen thuộc với giọng điệu tâm tình, đầy yêu thương. Nhân vật chính ở đây là người con gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Cô có nhiệm vụ giữ cho tuyến đường được thông suốt để những đoàn xe chở lương thực, đạn dược từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam. Để quân thù không bắn phá tuyến đường mà đoàn xe đi qua, cô đã đem đốt ngọn lửa để dụ hỏa lực Mỹ, đánh lạc hướng kẻ thù. Tuy bản thân hi sinh nhưng cô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giúp cho những đoàn xe đi lại an toàn. Sự hi sinh này là hoàn toàn tự nguyện, cũng là sự hi sinh đầy cao cả của người con gái đang trong độ tuổi xuân thì. Ngọn lửa của cô thắp lên không chỉ đánh lạc hướng kẻ thù mà còn thắp lên ngọn lửa cho những con người đang sống, giúp họ có thêm quyết tâm chiến đấu giành lại độc lập cho dân tộc. Đọc đến đây, ta cũng nhớ đến ngọn lửa về một người chiến sĩ khác trong "Đồng dao mùa xuân" của Nguyễn Khoa Điềm. Tuy hoàn cảnh hi sinh khác nhau nhưng họ đều hóa thân thành những ngọn lửa cháy bất diệt:
"Một lần bom nổ
Khói đen rừng chiều
Anh thành ngọn lửa
Bạn bè mang theo"
Những khổ thơ tiếp theo đã thể hiện tình cảm thương xót, trân trọng người con gái thanh niên xung phong:
"Em nằm dưới đất sau
Như khoảng trời đã nằm yên trong đấy
Đêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh
Có phải da thịt em mềm mại, trắng trong
Đã hóa thành những làn mây trắng?
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Đi qua khoảng trời em
- Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài?"
Biện pháp tu từ hoán dụ cực kì đặc sắc được tác giả sử dụng đoạn thơ này. Bà đã ngầm so sánh "tâm hồn em tỏa sáng" như "những vì sao ngời chói, lung linh"; "da thịt em mềm mại, trắng trong" như "những làn mây trắng" còn "trái tim em trong ngực" là "mặt trời". Chính trái tim đầy dũng cảm và cao thượng của em đã góp phần soi sáng con đường cách mạng vĩ đại của dân tộc. Tuy con đường ấy con nhiều khó khăn nhưng em luôn là tấm gương, là động lực, là mặt trời để dẫn lối cho mọi người cùng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Nhà thơ đã so sánh "em" với những sự vật mãi trường tồn với thời gian như ngầm khẳng định cô gái dũng cảm ấy đã hóa thân vào đất trời, trở thành bất tử. Câu chuyện về cô gái thanh niên xung phong dùng thân mình đánh lạc hướng hỏa lực Mỹ sẽ trở thành một phần của Trường Sơn huyền thoại mà bạn bè, đồng đội, đất nước mãi mãi ghi nhớ, mang theo.
Không chỉ có tác giả mà tất cả những người đồng đội, đồng chí, đất nước Việt Nam đều dành lời ngợi ca cho cô gái:
"Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng-trời-con-gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em
Gương mặt em, bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng!"
Tên của cô gái đã được đặt cho con đường mà cô hi sinh để bảo vệ. Cái chết "xanh khoảng-trời-con-gái" chỉ sự bất tử của cô. Cô đã dâng hiến tuổi xuân xanh của mình cho Tổ quốc, hóa thân vào bầu trời xanh trong vời vợi. Tấm lòng, lí tưởng của cô sẽ là tấm gương để tác giả và những con người khác "soi" vào, noi theo đó học tập. Đặc biệt, hai câu thơ cuối bài đã khẳng định: tuy mọi người không biết gương mặt cô gái trông như thế nào nhưng trong lòng mỗi người đều đã khắc tạc một bức chân dung riêng về "em". Đoạn thơ cuối đã một lần nữa khẳng định sự bất tử của cô gái trong lòng nhân dân Việt Nam.
Và ngoài ra, chúng ta không thể không nhắc đến hình ảnh "Khoảng trời - hố bom" - một hình ảnh biểu tượng đầy sáng tạo, độc đáo và cũng là tiêu đề bài thơ:
"Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
Đất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau"
Trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến, ngày nào máy bay Mỹ cũng bay trên bầu trời Trường Sơn, thả bom cả khu rừng nhằm cắt đứt tuyến đường huyết mạch nối liền hai miền Nam, Bắc. Những quả bom nổ tạo ra chiếc hố sâu hoắm, gây khó khăn cho việc di chuyển của toàn quân. Vậy nên, hố bom là hình ảnh tả thực đại diện cho sự khốc liệt, sức tàn phá kinh khủng của chiến tranh. Trong bài thơ, hố bom cũng chính là nhân chứng cho cái chết đầy cao thượng của cô gái thanh niên xung phong. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã liên tưởng hình ảnh nước mưa lấp đầy hố bom giống như tình yêu thương của đồng đội, của nhân dân dành cho cô gái, giúp xoa dịu đi nỗi đau của cô. Hơn thế nữa, nước mưa trong hố bom phản chiếu một mảng trời xanh trong. Trời xanh thường tượng trưng cho nền hòa bình, độc lập. Nhà thơ như đang thể hiện một niềm tin, niềm mong mỏi rằng chiến tranh sẽ qua đi, nhân dân sẽ sớm được hưởng nền tự do, Bắc - Nam nối liền một dải.
Để có một bài thơ xuất sắc, để đời như "Khoảng trời hố bom", tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ đã vận dụng rất nhiều các biện pháp nghệ thuật như nhân hóa, nói giảm nói tránh, ẩn dụ, hoán dụ, liên tưởng tưởng tượng. Chúng được lồng ghép, đan cài khéo léo trong các câu thơ nhằm ca ngợi vẻ đẹp anh hùng cô gái thanh niên xung phong và bộc lộ suy nghĩ, niềm thương cảm của nhà thơ. Những hình ảnh độc đáo, giàu tính biểu tượng như "mặt trời", "vì sao" hay hình ảnh sáng tạo độc đáo như "khoảng trời", "hố bom" đều giúp người đọc cảm nhận được câu chuyện thơ một cách sâu sắc. Thể thơ tự do, nhịp thơ đa dạng, ngôn ngữ thơ giàu cảm xúc kết hợp với giọng điệu nhẹ nhàng như đang kể chuyện tâm tình với độc giả khiến cho bài thơ càng có sức hút hơn.
Dù đã ra đời hơn 50 năm nhưng "Khoảng trời hố bom" vẫn có sức sống đặc biệt trong lòng độc giả, nhất là thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Bài thơ đã khơi gợi cho người đọc cảm xúc thương xót, đau đớn nhưng cũng rất đỗi tự hào về sự hi sinh đầy cao thượng của cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Từ đó tiếp thêm động lực, tạo ra sức mạnh để người trẻ sống thật tốt, cống hiến cho đất nước giống như thế hệ cha chú đã làm.
Phân tích bài thơ Khoảng trời hố bom - mẫu 2
Năm 1972, bài thơ "Khoảng trời - Hố bom" cùng với cái tên Lâm Thị Mỹ Dạ xuất hiện trên các báo chí được bạn đọc gần xa ái mộ. Nhà thơ nữ trẻ này là một nữ thanh niên xung phong đi mở đường trên núi rừng Trường Sơn, đó là những con người từng được Tố Hữu ca ngợi là "Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng". Đây là bài thơ sáng giá nhất trong chùm thơ của chị được tặng giải Nhất cuộc thi thơ báo văn nghệ năm 1972-1973. Năm viết bài thơ "Khoảng trời hố bom"(10/1972) chị mới bước sang tuổi 23.
Bài thơ là lời tưởng niệm đầy xúc động về sự hi sinh của người thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn những năm chiến tranh chống Mĩ. Bài thơ viết trên đường hành quân, khi nhà thơ đang cùng đồng đội vượt qua những trọng điểm đầy bom đạn ác liệt:
"Đơn vị tôi hành quân qua bao con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái ...."
Hố bom kia như một chứng tích đau thương về cái chết của người con gái. Người con gái đã ngã xuống trong bom đạn quân thù còn trẻ lắm, được nhà thơ nữ 23 tuổi gọi bằng "em" với tất cả tình yêu thương. Câu thơ mở đầu dung dị, tự nhiên như lối kể chuyện dân gian, giọng điệu tâm tình, chứa chan xúc động:"Chuyện kể rằng em cô gái mở đường" ...Bốn câu thơ tiếp theo nói về sự hi sinh vô cùng cao cả của em:
"Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom"
"Em" đã xả thân để cứu con đường, giữ vững mạch máu giao thông "cho đoàn xe kịp giờ ra trận". Dũng cảm, mưu trí và anh hùng biết bao! Em tự giác, tự nguyện chấp nhận hi sinh: Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa- Đánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom". Em đã được điều như em mong muốn. Ngọn lửa em thắp lên đã đánh lừa được lũ giặc lái Hoa Kì, con đường "khỏi bị thương", nhưng em đã hi sinh. "Hứng" nghĩa là đón lấy. Cô gái mở đường đã "hứng lấy luồng bom". Hành động ấy diễn ra một cách thầm lặng, vô cùng cao cả và anh hùng. Ngọn lửa mà cô gái thanh niên xung phong thắp sáng lên trong đêm tối để đánh lừa máy bay giặc Mĩ bằng một thứ nhiên liệu đặc biệt "Tình yêu Tổ Quốc". Đúng như nhà thơ Xuân Diệu đã viết:
"Tình yêu Tổ Quốc là đỉnh núi, bờ sông
Những lúc tột cùng là dòng huyết chảy"
Câu thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ gồm có 8 từ chia làm 2 vế cân xứng đối nhau, vế thứ nhất thể hiện sự mưu trí, vế thứ hai nói lên tinh thần quả cảm vô song:
"Đánh lạc hướng thù // hứng lấy luồng bom"
Cô gái mở đường "đêm ấy" đã hi sinh cực kì anh dũng. Sự hi sinh cao cả của cô đã được nhà thơ cảm nhận như là sự hóa thân kì diệu vào quê hương, đất nước trong sự vĩnh hằng của thiên nhiên và trong cuộc đời của những người đang sống.
Mười hai câu thơ tiếp theo, tác giả sáng tạo nên ba hình hoán dụ để ca ngợi bản chất cao đẹp của cô gái mở đường. Đó là "tâm hồn em", "thịt da em", "trái tim em". Từ những hình ảnh ấy Lâm Thị Mỹ Dạ đã phát triển theo mối liên tưởng về sự hóa thân của sự sống con người vào thế giới thiên nhiên, gợi ra sự ý niệm về bất tử, đầy màu sắc thiêng liêng cao cả.
"Có cái chết hóa thành bất tử"(Tố Hữu). Cô gái đã vĩnh viễn ra đi, chỉ còn lại chứng tích "Hố bom". "Em đã nằm dưới đất sâu-Như khoảng trời đã nằm yên trong đất". Em đã ra đi nhưng em trường tồn mãi với quê hương, đất nước. Em đã hóa thân vào thiên nhiên.
"Thịt da em mềm mại trắng trong ", em tươi trẻ, em trinh trắng, em chẳng bao giờ chết, em "đã hóa thành những vầng mây trắng", nhởn nhơ bay khắp "khoảng trời ngập nắng" của quê hương.
"Tâm hồn em" chẳng bao giờ phai mở. Nó vẫn sáng ...đêm đêm , như những "vì sao chói ngời lung linh".
Trên cái không gian "khoảng trời - Hố bom" ấy, mặt trời-ánh dương vẫn "thao thức". Hai chữ "thao thức" chỉ sự vĩnh hằng của vầng dương. Từ đó nhà thơ khẳng định, trái tim cô gái mở đường cũng là một "vầng dương" và sẽ chiếu rọi những mảnh đường hành quân ra trận:
"Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài" .
"Vầng mây trắng", "Vì sao ngời chói lung linh" và "vầng dương thao thức" ...là những hình ảnh ẩn dụ mang màu sắc tráng lệ ca ngợi tầm vóc cao cả, kì vĩ và bất tử của tâm hồn, khí phách anh hùng của cô gái thanh niên xung phong thời đánh Mĩ.
Thơ ca Việt Nam khắc họa rất đẹp hình ảnh "mặt trời". Có "Mặt trời chân lý chói qua tim" tượng trưng cho lí tưởng cách mạng(Từ ấy). Có mặt trời gợi tả ngày cách mạng thắng lợi đang tới gần:"Cử đầu, hồng nhật cận"(Ngẩng đầu mặt trời đỏ rất gần-Hồ Chí Minh). Có hình ảnh tượng trưng cho sự sống, tình yêu, niềm tự hào:
"Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng"
( Nguyễn Khoa Điềm)
Và ở đây, Lâm Thị Mỹ Dạ đã viết một cách sáng tạo:
"Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời hay chính trái tim em
trong ngực ..."
Mặt trời vĩnh hằng chói lọi như tinh thần em bất tử đối với đất nước, thiên nhiên.
Phần cuối bài thơ, tác giả ca ngợi cô gái là một chiến sĩ vô danh, một anh hùng vô danh. Chiến tích của em là con đường chiến lược Trường Sơn-con đường đánh Mĩ. Gương hi sinh của em được "tôi", "bạn bè tôi", tuổi trẻ Việt Nam thời đánh Mĩ khâm phục và noi theo. Cách nói của Lâm Thị Mỹ Dạ bình dị mà xúc động, thấm thía:
"Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em
Nên mỗi người có gương mặt em riêng" .
Con đường Trường Sơn-con đường mòn Hồ Chí Minh là một chương huyền thoại trong cuốn sử vàng thời đánh Mĩ. Hàng vạn bộ đội và nam nữ thanh niên xung phong đã ngã xuống để giữ vững con đường cho đoàn xe ra trận. Có thể nói bài thơ "Khoảng trời - Hố bom" là một tượng đài hùng vĩ về những chiến sĩ mở đường Trường Sơn, những anh hùng liệt sĩ bất tử.
Một giọng thơ tâm tình thiết tha cảm động. Những hình ảnh và liên tưởng tuyệt đẹp. Con người và thiên nhiên, sự sống và cái chết, người ngã xuống và người đang hành quân được nói đến bằng cả tấm lòng khâm phục và biết ơn sâu sắc. Ngọn lửa tình yêu mà cô gái mở đường Trường Sơn hơn mấy chục năm về trước thắp lên đang sáng bừng trang sách học trò hôm nay và ngày mai.
Phân tích bài thơ Khoảng trời hố bom - mẫu 3
“Trường Sơn sớm nắng, chiều mưa
Ai chưa đến đó thì chưa hiểu mình”
Chỉ với hai dòng thơ, Tố Hữu đã khái quát được tất cả sự khốc liệt, đau thương ở chiến trường Trường Sơn. Biết bao thế hệ Việt Nam anh hùng “lớp cha trước lớp con sau” đã ra trận và đã ngã xuống. Chủ nghĩa anh hùngvà những hình tượng anh hùng đã trở thành đề tài chung cho văn học ViệtNamgiai đoạn 1964-1975. Mỗi bài thơ có những nét riêng mang theo những quan niệm nghệ thuật khác nhau của từng tác giả như “Khoảng trời, hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ là một ví dụ. Bài thơ viết về sự hi sinh cao đẹp của cô gái thanh niên xung phong ở Trường Sơn và chất liệu xây nên tượng đài đó là cảm xúc ám ảnh khôn cùng của sự mất mát, sự tiếc thương, nhưng trên hết vẫn là thái độ trân trọng của cả dân tộc đối với những người đã hi sinh, họ đã “hóa thân cho dán hình xứ sở , làm nên đất nước muôn đời”.
Bài thơ giản dị như lời kể mà xúc động, thiêng liêng và đầy sức ám ảnh. Những dòng thơ đầu tiên viết về sự hi sinh của cô gái thanh niên xung phong rất nhẹ nhàng nhưng ý nghĩa biết bao.
Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu tổ quốc của mình thắp lên ngon lửa
Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom ...
“Chuyện kể rằng”. mới nghe ta tưởng như đang nghe một câu chuyện cổ tích. Nhưng câu chuyện đó không có những gì hiền hậu, ven toàn mà chuyện về “em, cô gái mở đường”. Không gian của bài thơ ngay từ đầu đã là không gian của chiến tranh, nơi gặp nhau giữa sự sống và cái chết,cô gái đã hi sinh thân mình “ để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương”. Biện pháp nhân hóa mà tác giả dùng ở đây đã tái hiện lên tất cả sự tàn phá khốc liệt của chiến trường Trường Sơn trong thời chống Mỹ, đúng như Tố Hữu đã nói, tuổi trẻ chưa đặt chân lên Trường Sơn “như chưa hiểu mình”. Trường Sơn - nơi bom đạn điên cuồng bắn phá. Trường Sơn - nơi mà mỗi cành cây cũng khét mình vì khói thuốc. Trường Sơn – nơi sương máu bao người đã nhuộm đỏ từng tất đất. Nhưng dù vậy, dưới làn bom đạn của giặc những đoàn xe vẫn nối nhau ra trận, tiếng cuốc mở đường của những đội thanh niên xung phong vẫn miệt mài ngày đêm không nghỉ, tiếng hát át tiếng bom vẫn vang lên trên mỗi chặng đường. Tất cả đều dồn hết sức mình cho một nữa Việt Nam còn đang chìm trong nước mắt. Toàn bộ sức lực của dân tộc đã được vắt kiệt ra vì công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Hơn bao giờ hết, chủ nghĩa anh hùng đã được phát huy cao độ, mỗi con người đều sẵn sàng hi sinh cho cuộc chiến của dân tộc. Cô gái trẻ trong bài đã sẵn sàng đánh đổi cuộc sống của mình để bảo vệ sự toàn vẹn của con đường “cho đoàn xe kịp giờ ra trận”.
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù – Hứng lấy luồng bom
Cô gái đã chọn cái chết một cách bình thản, không hề có chút lưỡng lự, phân vân bởi tình yêu đất nước đã thấm sâu vào từng nhịp sống, từng suy nghĩ của cô. Tình yêu cao cả đó đã trở thành ngọn lửa cháy sáng trong trái tim còn căng đầy nhựa sống. Tư thế bính thản và hiên ngang đón nhận cái chết về mình để cứu lấy đoàn xe ra trận đã tôn vinh hơn thế đứng cao đẹp của người nữ thanh niên xung phong. Vì thế đây không phải là chuyện cổ nhưng hành động anh hùng, can đảm đó như làm cho cô gái hóa thân thành một nàng tiên, sống mãi trong lòng những người lính từng nghe chuyện của em.
Từ sự hi sinh ấy, Lâm Thị Mỹ Dạ đã có những suy ngẫm giàu triết lý:
Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
Đất nước mình nhân hậu
Lấy nước trời xoa dịu vết thương đau
Hình ảnh “hố bom và khoảng trời” đã được đặt trong một sự so sánh mang tính đối xứng đầy ý nghĩa. “Hố bom” ở dưới đất thì sâu hoăm hoắm. “Khoảng trời” ở trên cao thì xanh mênh mông. “Hố bom” tượng trung cho bom đạn, cho tội ác của giặc, là tàn tích đau thương của chiến tranh. “Khoảng trời” tượng trưng cho sự bình yên, hiền hòa đôn hậu của dân tộc ViệtNam. Hình ảnh ẩn dụ đã ngầm nói lên một chân lý đất nước Việt Nam sẽ lấy sự hòa bình, lòng nhân hậu của tình người để san sẻ, bù đắp cho những đau thương, mất mát, những vết thương mà chiến tranh gây ra. Đó chính là sức sống mãnh liệt của dân tộc ta và vì thế, một lần nữa khẳng định cái chết cao đẹp của cô gái chính là một sự hóa thân vào Tổ quốc.
Em đã ra đi mang theo ‘khoảng trời đã nằm yên trong đất”. Nhưng chính hành động thiêng liêng của em đã làm cho nhà thơ cảm nhận như là sự hóa thân vào quê hương, đất nước trong sự vĩnh hằng của thiên nhiên, của cuộc sống.
Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời sáng lung linh
Có phải thịt da em mềm mại trắng trong
Đã hóa thành những vầng mây trắng
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Đi qua khoảng trời em
Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực
Em hi sinh nhưng em không trở về với cát bụi mà em đã hóa thân vào đất nước. Tâm hồn em là bầu trời sao thắp sáng ngày đêm, thịt da căng đầy nhựa sống của em là những vừng mây trắng bồng bềnh trôi. Trái tim trong ngực em là mặt trời chói lọi. Ánh mặt trời đó làm thao thức cả vầng dương trên bầu trời kia. Bởi ánh sáng của nó chính là ngọn lửa cháy mãi lòng yêu tổ quốc trong em.. Những hình ảnh thơ đã được xem xét trong mối quan hệ đối sánh, liên tưởng: “khoảng trời - hố bom”, “thịt da - vầng mây”, “mặt trời - trái tim” đã có sự khái quát cao độ về sự chuyển hóa, hóa thân của sự sống bất tử của con người vào thiên nhiên, Tổ quốc. Tuổi trẻ và cuộc đời đang độ thanh xuân của cô gái mở đường không luồng bom nào giết nổi. từ dưới đất sâu, lòng yêu đời, yêu cuộc sống của em vẫn len lỏi lên hóa mình vào cuộc sống trường tồn, vĩnh cửu. Chính sự so sánh và liên tưởng độc đáo này làm sáng lên những nghĩ suy đầy tính triết lý của tác giả về chiến tranh và cuộc sống, cái chết và sự bất tử, cái hữu hạn và cái vô hạn của đời người. Đạn bom chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ không thể nào khuất phục được những trái tim ngoan cường của con người ViệtNamyêu nước, những con người sẳn sàng hi sinh thân mình cho nên hòa bình của đất nước. Vì thế
“Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử”
(Tố Hữu)
Chết không phải là chấm dứt sự sống mà có những cái chết đã nhập vào hồn thiêng dân tộc, sống mãi trong lòng nhân dân. Chủ nghĩa anh hùng, lòng yêu tổ quốc chính là bức tường thành vững chắc, trường tồn mãi mãi cùng dân tộc mà không thế lực đen tối nào phá nỗi. Những con người anh hùng, bất tử đó luôn sống trong lòng những người đang chiến đấu cho cuộc chiến không ngừng nghỉ này;
Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài
Trái tim em là vầng mặt trời chói lọi trong lòng mỗi người, hay nói đúng hơn, chính lòng can đảm, kiên trung của em đã tỏa sáng trong lòng đồng đội, đã trở thành ánh sáng soi đường, là nguồn động viên, cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho những người đang sống và chiến đấu. Bom giặc vẫn điên cuồng tàn phá, máu xương nhân dân ta vẫn đổ thì dân tộc ta vẩn kiên cường ngẩng cao đầu chiến đấu. Sự hi sinh của em và biết bao chiến sĩ khác là sự hi sinh cho đất nước trường tồn và đi lên, “bước tiếp quãng đường dài” của cách mạng dân tộc, sống tiếp quảng đường mà em không được sống. Đồng đội em sẽ được tiếp thêm sức mạnh chiến đấu vì trong lòng đã được thắp sáng bởi vầng mặt trời mang hình bóng của em.
Tình cảm của nhà thơ dành cho cô gái mở đường Trường Sơn đã dần dần được nâng cao hơn thành tình yêu lý tưởng, lòng tự hào dân tộc.
Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em
Cái chết của em góp phần mang lại khoảng trời bình yên cho dân tộc. Tác giả “soi lòng mình trong cuộc sống của em” là sự đối diện với cái chết cao đẹp, đối diện với cái đau thương mà anh hùng của đất nước để thấy mình thêm sức mạnh, thêm niềm tin để sống và chiến đấu cho xứng đáng với những lý tưởng cao đẹp kia.
Hai câu thơ cuối cùng đã đúc kết toàn bộ ý nghĩa của bài:
Gương mặt em bè bạn tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng
Cái chết thiêng liêng nhưng cũng rất là giản dị. Sự hi sinh thầm lặng của em đã đi vào con tim của những người còn sống. Mỗi người mang trong tim một gương mặt riêng, em đã hóa thân thành bao gương mặt và trở thành một hình tượng lý tưởng mà mọi người mang theo bên mình. Chính vì thế, em - cô gái mở đường Trường Sơn đã vượt lên trên cái chết, trở thành bất tử đi theo đồng đội mình bước tiếp con đường chiến đấu.
Lâm Thị Mỹ Dạ viết về một con người có thật nên cảm xúc của chị củng chính là niềm xúc động chân thành trong lòng người đọc, tạo nên sức sống lâu bền của tác phẩm. Đống thời, những biện pháp ẩn dụ, so sánh, liên tưởng trong thơ đã đạt được độ khái quát cao mang tính triết lý sâu sắc và giọng điệu thơ tự nhiên, chân thành, đằm thắm, lắng sâu góp phần không nhỏ cho sự thành công của bài thơ.
“Khoảng trời – hố bom” là một bài thơ hay trong dòng văn học kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ nói về sự hi sinh cao cả của người phụ nữ thanh niên xung phong, qua đó tác giả thể hiện lòng yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa anh hùng bất diệt của nhân dân Việt Nam.
Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:
- Mục lục Văn thuyết minh
- Mục lục Văn tự sự
- Mục lục Văn nghị luận xã hội
- Mục lục Văn nghị luận văn học Tập 1
- Mục lục Văn nghị luận văn học Tập 2
Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 9 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 9 và Những bài văn hay lớp 9 đạt điểm cao.
Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Giải Tiếng Anh 9 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Friends plus
- Lớp 9 Kết nối tri thức
- Soạn văn 9 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 9 - KNTT
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 9 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 9 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - KNTT
- Giải sgk Tin học 9 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 9 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 9 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - KNTT
- Lớp 9 Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 9 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 9 - CTST
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 9 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 9 - CTST
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - CTST
- Giải sgk Tin học 9 - CTST
- Giải sgk Công nghệ 9 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 9 - CTST
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - CTST
- Lớp 9 Cánh diều
- Soạn văn 9 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 9 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 9 - Cánh diều
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 9 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 9 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 9 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 9 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 9 - Cánh diều
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - Cánh diều