Kể lại kỉ niệm mà em không bao giờ quên (hay, ngắn gọn)
Kể lại một kỉ niệm mà em không bao giờ quên hay nhất, ngắn gọn với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Kể lại kỉ niệm mà em không bao giờ quên (mẫu 1)
- Kể lại kỉ niệm mà em không bao giờ quên (mẫu 2)
- Kể lại kỉ niệm mà em không bao giờ quên (mẫu 3)
- Kể lại kỉ niệm mà em không bao giờ quên (mẫu 4)
- Kể lại kỉ niệm mà em không bao giờ quên (mẫu 5)
- Kể lại kỉ niệm mà em không bao giờ quên (mẫu 6)
- Kể lại kỉ niệm mà em không bao giờ quên (mẫu 7)
- Kể lại kỉ niệm mà em không bao giờ quên (mẫu 8)
Kể lại kỉ niệm mà em không bao giờ quên (hay, ngắn gọn)
Kể lại kỉ niệm mà em không bao giờ quên - mẫu 1
Thanh minh năm nào cũng vậy, bố mẹ cho hai chị em được về quê ngoại tảo mộ ông bà và cậu Quang. Lần nào chuẩn bị đi, chị Hoa và em đều náo nức, đêm nằm ngủ chỉ mong trời sáng.
Chiều hôm trước, mẹ đã mua đủ hương hoa, gói thành ba gói to kèm theo nhiều bánh trái. Ra đi từ mờ sáng. Bố lai chị Hoa, mẹ chở em, con gái cưng của mẹ. Còn ba ngày nữa mới đến Thanh Minh, nhưng hôm nay là Chủ nhật, nên người đi tảo mộ đông lắm. Con đường liên huyện kéo dài, đường nhựa thẳng tắp, xe ô tô, xe máy, xe đạp đi lại rộn ràng. Thỉnh thoảng lại nhìn thấy lố nhố người trên những nghĩa trang của các dòng họ trên những cánh đồng. Cuối tháng hai, trời ấm dần, mưa xuân rắc bụi, lúa xanh ngắt một màu. Mẹ nói với em: "Năm nay thế nào cũng được mùa lớn. Bác Thanh sẽ làm nhà mới" ... . Bác Thanh là chị gái mẹ em, làm giáo viên tiểu học ở xã Bình Giang quê nhà.
Phải vượt qua nhiều cánh đồng, nhiều cầu xi măng bắc qua những con kênh nước trong xanh chảy hiền hòa, qua nhiều xóm làng. Cây đa, mái đình, nhà ngói đỏ tươi ... là những cảnh vật xóm thôn, đối với em vừa xa lạ, vừa thân thuộc.
Từ những nẻo đường làng, người đi chợ, đi làm ăn, người đi tảo mộ…xuất hiện đông vui. Nón trắng nhấp nhô. Đòn gánh tre kĩu kịt. Tiếng nói cười lao xao. Những đứa trẻ vắt vẻo ngồi trên lưng trâu như những chàng kị mã, đối với em rất ngộ nghĩnh. Bức tranh quê thanh bình thật đáng yêu.
Người đông nên hơn một tiếng đồng hồ, xe máy của bố mẹ em mới về tới xóm Mai xã Bình Giang. Gia đình bác Thanh đã biết trước bố mẹ em về nên ở nhà đông vui chờ đợi. Chồng bác Thanh là sĩ quan Quân đội về hưu. Chị Nhật, anh Thành, anh Lý đều đang học phổ thông ở trường xã, trường huyện. Đã mấy lần, các anh các chị ra chơi nhà em, nên anh chị em gặp lại nhau thật vồn vã, tíu tít vui mừng.
Bác Thanh và mẹ em bày ra một phần hoa trái lên bàn thờ ông bà. Hai bác và bố mẹ em thắp hương và khấn. Rồi cả nhà cùng đi ra nghĩa trang. Mấy chị em cùng tranh nhau mang lễ phẩm. Anh Thành vác cuốc, anh Lý cầm dao. Từ nhà đến nghĩa trang của làng độ một cây số. Đường làng được xi măng hóa, rất sạch. Những cánh đồng lúa tám thơm – đặc sản của Bình Giang, bác Thanh nói, nổi tiếng khắp mọi miền đất nước. Đó là những cánh đồng cao sản 50 triệu/1ha.
Nghĩa trang nằm ở giữa cánh đồng trên một khu đất cao, có một con mương chảy dọc phía bắc. Khu nghĩa trang khá rộng trên 3000m2. Lác đác có ngôi mộ xây rất hiện đại. Phần lớn là mộ xây chỉ viền xung quanh, phía trên vẫn có đất và cỏ. Hàng trăm, hàng nghìn ngôi mộ bé nhỏ, nhưng được sắp xếp, bố trí có hàng lối rất quy củ, nghiêm trang. Nhiều cây xanh tỏa bóng mát.
Mộ ông bà ngoại nằm cạnh nhau. Phía trước có bia đá. Mộ chí ghi rõ họ tên ông bà, năm sinh và ngày tháng năm mất. Chị Hoa cùng mẹ và bác Thanh bày biện hoa trái lên mộ ông bà. Hai bác, bố mẹ em và mấy anh chị em cùng thắp hương khấn vái. Lần nào cũng thế, mẹ vừa khấn vừa khóc, đôi mắt đỏ hoe. Hương trầm phảng phất, ngọn khói u huyền cứ quấn lấy mộ chí. Em xúc động nhìn mộ ông bà rồi nhẩm tính: " Ông mất đã 14 năm khi chị Hoa lên ba tuổi; bà mất đã sau năm kể từ khi em lên tám tuổi ... . Thời gian trôi quá nhanh." Gió thổi nhẹ. Nến vẫn cháy tỏa sáng lung linh.
Nắng xuân ấm áp tỏa trên khu nghĩa trang. Người đi tảo mộ mỗi lúc một đông. Hương hoa cầm tay. Tiếng nói chuyện lao xao, tiếng gọi nhau í ới. Có rất nhiều người đi làm ăn, đi công tác xa cũng đi xe máy để về tảo mộ ngày thanh minh. Bố mẹ em gặp lại nhiều bạn cũ thời còn học phổ thông, chuyện trò lưu luyến mãi.
Hết một tuần hương. Một tuần hương nữa lại bắt đầu. Cả nhà cùng đến khu nghĩa trang liệt sĩ. Ở đây có 72 ngôi mộ, tất cả là con cháu họ Hoàng, họ Lê, họ Nguyễn hi sinh thời đanh Mĩ trên các chiến trường xa. Phần lớn các ngội mộ không có cốt, chỉ là mộ chí tượng trưng. Thế nhưng ngôi mộ nào cũng có bia đá, tạc hình ảnh, ghi rõ họ tên và ngày tháng năm hi sinh của liệt sĩ. Mộ cậu Quang cũng thế. Cậu là con út của ông bà. Cậu đang học Đại học Nông nghiệp năm thứ hai thì đi bộ đội. Cậu hi sinh tại chiến trường Đắc Tô năm 1974. Cậu là con trai duy nhất của ông bà. Mẹ vẫn nói: "Cậu cao to, học giỏi. Cậu hi sinh, ông bà cứ ốm đau mãi, bà như mất hồn, tê dại đi ..." Mẹ bày hoa quả lên mộ cậu. Mẹ khóc và khấn. Ai cũng thắp hương lên mộ cậu và mộ các liệt sĩ khác trong nghĩa trang.
Độ 10 giờ thì cả nhà ra về với bao nỗi niềm thương nhớ. Người đến tảo mộ ngày càng đông. Bao xức động cứ nén chặt trong lòng em rồi dâng lên bồi hồi. Hình ảnh ông bà ngoại, cậu Quang cứ vương vấn mãi hồn em.
Đã gần một năm trôi qua, nhưng màu xanh của đồng luá và những ngôi mộ trong khu nghĩa trang, mộ ông bà ngoại, mộ cậu Quang…đã khắc vào tâm hồn em bao kỉ niệm, bao nhớ thương một thời thơ bé.
Thanh minh đi tảo mộ là một phong tục đẹp. Những kẻ tha hương bên trời Tây, ai còn nhớ?
" Thanh minh trong tiết tháng Ba,
Lễ là tảo mộ, hội là Đạp thanh ..."
(Nguyễn Du)
Kể lại kỉ niệm mà em không bao giờ quên - mẫu 2
Mỗi chúng ta khi lớn lên, đều bỏ lại đằng sau mình một thời thơ ấu biết bao kỉ niệm buồn vui lẫn lộn. Tôi vẫn nhớ những lần ham chơi quên cả giờ về, hay những lần mải đi chơi làm mất cả chìa khóa nhà. Nhưng kỉ niệm về người anh họ của em khiến em nhớ mãi không thể nào quên.
Trong những dịp nghỉ hè, tôi thường được bố mẹ cho về quê. Tôi rất thích về quê bởi ở đó tôi có một người anh họ. Anh hơn tôi một tuổi và rất quý tôi. Mỗi lần về quê, anh thường dắt tôi đi chơi khắp nơi. Anh đi đằng trước, tôi lũn cũn chạy theo sau. Những khi tôi mỏi chân, anh thường cõng tôi trên lưng chạy nhong nhong. Ngồi trên lưng anh tôi thích chí cười khanh khách. Quê tôi có bờ lau trắng xóa. Những lúc đang chơi đuổi bắt, không thấy anh đâu, tôi khóc thét lên, anh từ đâu chạy đến, rắc lên đầu tôi những cánh hoa khiến tôi tròn mắt ngạc nhiên. Đặc biệt, tôi rất thích mỗi khi anh và bạn anh thi thả diều, nhìn cánh diều bay lên bầu trời cao lồng lộng, tôi không bao giờ chán. Anh chiều tôi là thế nhưng tính nhõng nhẽo của tôi đã gây nên một tai nạn. Hôm đó, anh dắt tôi đi đến nhà một người bạn. Trên đường đi, tôi bỗng nhìn thấy một cây roi quả sai vô cùng.
Những quả roi chín thành từng chùm trông thật thích mắt. Tôi dừng lại và chỉ lên những chùm quả đang lấp ló trong tán lá. Tôi muốn ăn roi. Anh định trèo lên hái cho tôi. Anh đứng ngước mắt lên và lắc đầu: "Cây cao quá, anh không trèo được. Thôi, đi cùng anh ra chợ, anh sẽ mua cho em". Tôi nhất quyết "Không, em thích ăn cả chùm cơ! Ở chợ không có roi giống thế này". Dù anh thuyết phục thế nào, tôi cũng không chịu. Anh càng dỗ, tôi càng bướng và tôi đã ngồi bệt xuống đất, nước mắt bắt đầu chảy dài, tay chân đạp loạn xạ. Tôi biết, anh nhất định sẽ hái cho tôi khi thấy tôi khóc. Và quả thật, tôi đã thắng. Anh kéo tôi đứng dậy, lau nước mắt và nói: "Em nín đi, anh sẽ hái cho em chùm quả đó". Anh dắt tôi đến cổng nhà bác có cây roi, gọi cửa và tôi thấy có một bác chạy ra, anh xin phép bác cho anh được hái một chùm roi. Bác đồng ý nhưng dặn anh tôi phải cẩn thận vì cành roi rất giòn. Anh trèo lên, trèo thật cao để hái được đùng chùm roi tôi thích. Nhưng khi đang hái thì anh trượt chân, ngã nhào từ trên cây xuống. Tôi thấy anh ngã thì chạy đến hỏi: "Anh có đau không?" anh gượng cười, nói: "Anh không sao đâu. Em cứ yên tâm". Nhưng không phải thế, anh bị gãy chân…
Bố về quê, biết anh bị gãy chân vì tôi. Bố đã mắng tôi nhưng anh lại nói với bố: "Tất cả là tại cháu, chú đừng mắng em kẻo nó sợ". Dù tôi có gây ra chuyện gì, anh cũng luôn che chở cho tôi. Anh là người anh tuyệt vời của tôi. Kỷ niệm đó mỗi khi nghĩ lại, tôi lại thấy cay cay nơi sống mũi.
Kể lại kỉ niệm mà em không bao giờ quên - mẫu 3
Có lẽ ai cũng có một kỉ niệm cho riêng mình? Dù kỉ niệm đó vui hay buồn thì chúng ta sẽ mãi lưu giữ trong trái tim của mình, tôi cũng vậy… Tôi cũng có một kỉ niệm nhớ mãi trong tim mình và có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên nó. Kỉ niệm là một lần chơi đùa, tôi đã làm vỡ lọ hoa yêu quý nhất của mẹ..
Sau nhũng ngày học căng thẳng thì chủ nhật là ngày tôi được nghỉ ngơi, chơi đùa. Thấy trong nhà hơi bừa bộn, tôi lấy cây chổi ra dọn dẹp nhà cửa. Đang dọn dẹp, tôi vô ý chạm vào lọ hoa mà mẹ quý nhất và làm vỡ nó. Tôi hoảng sợ giật mình:
– Chết rồi! Linh ơi! Mày làm vỡ lọ hoa mà mẹ quý nhất rồi! Làm sao đây! Làm sao đây!
Lọ hoa này là của một người bạn thân của mẹ tôi tặng mẹ tôi sinh nhật lúc ba mươi năm tuổi. Bây giờ, bác ấy ra tận miền Nam sinh sống mà ở rất xa nhà tôi. Lọ hoa hình bầu dục, màu xanh lam, in hình những cánh hoa sen trông rất đẹp. Miệng lọ hoa ngả ra làm năm phía nên mỗi khi cắm hoa mẹ tôi thường cắm năm bông vào. Mẹ bảo tôi.
– Đây là lọ hoa mà mẹ rất quý. Bởi lọ hoa này tượng trưng cho tình bạn giữa mẹ và một người bạn ở miền Nam. Con hãy giữ gìn như mẹ làm nhé!
-Vâng! Con sẽ làm theo lời mẹ dặn ạ!- Tôi quả quyết ói với mẹ.
Nhớ lại lời đã hứa với mẹ, lòng tôi day dứt đến làm sao! Nếu bây giờ mẹ biết liệu mẹ có tin tưởng tôi nữa không!…Bao nhiêu suy nghĩ cứ hiện ra trong đầu của tôi. Rồi tôi chọn cách nói rối để mẹ vẫn tin tưởng tôi.Tôi nghĩ
– Hay là mình quét một góc nào đó để mẹ không biết!
– Ồ không! Nếu mình làm thế mẹ sẽ biết ngay.Tôi suy nghĩ ý tưởng rồi quả quyết ý tưởng sẽ thất bại.
– À! Bây giờ mình cứ để yên “ hiện trường vụ việc” rồi đi chơi. Khi nào mẹ về mình nói không biết – tôi nảy ra ý tưởng khác còn hay hơn ý tưởng đầu.
Kế hoạch đó được tôi thực hiện khi mẹ tôi trở về nhà. Tôi “Giả vờ” đi chơi về rồi mẹ tôi gọi lại bảo:
– Linh ơi! Con có biết ai làm vỡ lọ hoa không?
– Dạ! con không biết đâu mẹ ạ! Vừa nãy con đi chơi mới về mà.
Tôi khẳng định với mẹ là tôi không làm gì.
– Ừ! Thế thôi nhé! Con đi chơi đi! – Giọng mẹ tôi buồn buồn cùng với nét mặt khi nói với tôi.
Tôi đi lên tầng và cứ suy nghĩ mãi về nét mặt và giọng nói của mẹ lúc nãy khi nói với tôi. Nhìn thấy nét mặt ấy, giọng nói ấy tôi có thể hiểu được mẹ đang rất buồn vì lọ hoa “tan vỡ”. Mẹ đang suy nghĩ lọ hoa vỡ thế này thì khi người bạn ấy về mình phải nói sao đây! Liệu tình bạn của mẹ có giữ được không? Tôi cảm thấy mình thật tồi tệ khi đã nói dối mẹ như thế. Tôi đã làm mẹ buồn rồi! Bây giờ liệu lời xin lỗi mẹ của tôi có còn “giá trị” nữa không? Hay là khi nghe xong là tôi có một trận đòn nhừ tử. Chẳng lẽ, mình chỉ sợ “ăn đòn” mà để mẹ buồn sao! Không! Tôi sẽ không làm như thế!
Rồi tôi đến phòng mẹ. Tôi nói:
– Mẹ ơi! Lọ hoa vừa nãy vỡ là do một người làm đấy mẹ ạ!
Mẹ hỏi tôi:
– Thế ai làm hả con! Nói cho mẹ biết đi!
Rồi tôi ấp úng trả lời!
– Dạ.. Dạ…Người đó …Người đó…chính là….con…con
Tôi co rúm, nhắm mắt lại để mẹ mắng tôi…Nhưng không phải như vậy! Đôi bàn tay gầy gầy, xương xương của mẹ chạm vào người tôi âu yếm nói:
– Là con sao!
Tôi nói:
– Sao mẹ không đánh hay mắng con đi ạ! Con là người làm sai mà!
Mẹ tôi nói:
– Con muốn vậy sao?
Tôi trả lời:
– Vầng ạ! Con đã “Sẵn sàng”.
Rồi tôi lại nhắm mắt, co rúm người lại để “Sẵn sàng” trận đánh của mẹ…Nhưng không phải vậy!Mẹ đã tát nhẹ vào má tôi rồi nói:
– Đấy là hình phạt của mẹ dành cho con! Mẹ sẽ không trách con đâu! Vì con đã biết nhận lỗi trước sai lầm của mình! Lọ hoa ấy vỡ sẽ không chia rẽ được tình bạn của mẹ và cô ấy đâu!
Rồi tôi “vâng mẹ” ôm mẹ một cách âu yếm. Có lẽ đó đúng là hình phạt của tôi. Những suy nghĩ ăn đòn của tôi lúc nãy không phải như vậy mà mẹ đã dạy cho tôi cách làm người.- Một bài học quý giá: Có lỗi phải biết sửa sai.
Ôi! Kỉ niệm đẹp ấy sẽ lưu giữ trong tim tôi! Không những nó đã dạy tôi một bài học đường đời mà nó còn dậy tôi một kĩ năng sống vô cùng quý giá: “ Làm sai phải biết sửa sai” Tôi sẽ mãi mãi không bao giờ quên nó…
Kể lại kỉ niệm mà em không bao giờ quên - mẫu 4
Chắc hẳn mỗi chúng ta, ai cũng có nhiều kỉ niệm về buổi tựu trường. Riêng tôi, kỉ niệm về ngày đầu tiên đi học là kỉ niệm đáng nhớ nhất mà tôi không thể nào quên.
Tôi còn nhớ rất rõ, đêm trước ngày khai giảng hôm ấy, mẹ đã chuẩn bị rất chu đáo sách vở cho tôi. Nào là sách tiếng việt, sách toán, bút chì, cục gôm.Mặc dù vậy nhưng tôi vẫn lo sợ và kiểm tra lại. Trong đầu tôi có những suynghĩ non nớt: “Cô giáo lớp tôi có hiền không?, Bạn bè có bắt nạt tôi không?”.Tôi suy nghĩ và trằn trọc sau đó tôi thiếp đi lúc nào không biết. Sáng hôm ấy, mẹ chở tôi đến trường. Như mọi ngày, tôi và mẹ vẫn thường đi trên con đường này nhưng sao hôm nay thấy lạ quá! Nó dài hơn so với mọi ngày.
Khác với mọi ngày. Mẹ tôi hôm nay “im lặng” và ít nói làm cho tôi thấy hồi hộp và lo lắng. Cây cối hai bên đường dường như xanh hơn. Những làn gió mát rượi thổi khiến làn tóc tôi bay bay. Tất cả cứ như thúc giục tôi và lôi cuốn tôi trong một cảm giác lạ lùng. Ngôi trường tôi rộng và xinh xắn làm sao! Một khuôn viên rộng lớn mà tôi chưa đặt chân đến bao giờ. Ngôi trường nổi bật nhất là dòng chữ “Trường Tiểu học số 1 Phổ Văn” với những lá cờ đủ màu phấp phới tung bay. Mẹ dẫn tôi vào trường. Tôi rụt rè không dám xa mẹ. Cũng như tôi, mấy bạn học sinh mới cũng được ba mẹ chở đến trường và cũng e ấp, rụt rè bên người thân. Mấy anh chị lớp lớn đã quen lớp, quen trường cười nói rất vui vẻ.
Bỗng ba hồi trống giòn giã “Tùng! Tùng! Tùng!” Buổi lễ khai giảng đã bắt đầu. Giọng thầy hiệu trưởng vang lên: “Tập hợp học sinh lại để chuẩn bị cho buổi lễ”. Mẹ dẫn tôi đến chỗ cô Trần Thị Bích Lam – cô giáo chủ nhiệm lớp tôi gởi tôi cho cô rồi mới yên tâm đi làm. Tim tôi đập thình thịch và tôi rất buồn khi phải rời xa tay mẹ. Cô Lam dẫn tôi đến chỗ các bạn và hướng dẫn cho chúng tôi xếp hàng ngay ngắn. Giờ phút quan trọng đã đến với tôi. Tôi chăm chú nghe thầy hiệu trưởng phát biểu. Những lời chào và những lời chúc của thầy của cô mà tôi vẫn còn nhớ mãi. Tiếng trống đánh chào mừng buổi lễ thật đều. Tiếp theo là những tiết mục văn nghệ của các anh chị lớp lớn và các thầy cô giáo.
Thay mặt cho những học sinh trong trường, một bạn học sinh đứng lên phát biểu những cảm xúc của mình và lời hứa “Cố gắng học thật tốt để trở thành con ngoan – trò giỏi – cháu ngoan Bác Hồ”. Buổi lễ đã kết thúc trongtiếng vỗ tay không ngớt của học sinh. Chúng tôi được cô giáo dẫn vào lớp học và bắt đầu tiết học đầu tiên. Cô dạy cho chúng tôi làm toán và học chữ “a, b, c” đầu tiên. Tôi được cô xếp ngồi cùng chỗ với bạn Nguyễn Uyển Nhi – bạn cũ của tôi.
Năm tháng đã qua đi, bây giờ tôi đã là học sinh lớp 8. Những kỉ niệm về buổi tựu trường đầu tiên tôi vẫn còn nhớ mãi. Tôi thầm cảm ơn cha mẹ, thầy cô đã dìu dắt tôi trở thành người
Kể lại kỉ niệm mà em không bao giờ quên - mẫu 5
Sống trong cuộc đời này, không ai là không có những kỉ niệm vui buồn khác nhau: người thì có kỉ niệm cùng bạn bè vui chơi dưới trời mưa tầm tã, người thì có những kỉ niệm dưới mái trường thân thương…Nhưng với tôi, kỉ niệm nhớ mãi mà tôi không thể nào quên, nó vẫn in sâu trong tâm trí tôi đến tận bây giờ. Đó là một lần “bỏ nhà ra đi” …
Chuyện là, cách đây ba năm, vào một buổi chiều đẹp trời có nắng nhẹ và những con gió làm ta mát rượi, khoan khoái thì bố mẹ tôi thông báo cho tôi một tin là: nhà tôi sắp có thêm thành viên mới. Cả nhà tôi ai cũng mừng quýnh lên. Từ ngày hôm đó, lúc nào nhà tôi cũng có những cuộc trò chuyện về cậu em trai của tôi, nào là đặt tên cho em là gì? nào là tưởng tượng ra khuôn mặt đáng yêu của cậu…Rồi cứ thế, ngày qua ngày, đã đến ngày “hoàng tử” của nhà chúng tôi ra đời. Ôi, cậu bé mới đáng yêu làm sao! Cậu mập mập, da trắng hồng, môi chúm chím như bông hoa đầu cành, tóc đen láy… Ai trong nhà tôi bây giờ cũng chỉ chăm chút cho cậu bé. Và kể từ đó, tôi bắt đầu “bị” sai vặt. Lúc thì “ Hoa ơi! Lấy cho mẹ cốc nước”; lúc thì lấy cho em cái kia…Dần dần tôi cảm thấy mình không được bố mẹ yêu thương như trước nữa, mỗi lúc cảm thấy như vậy, tôi thường chạy vào phòng học vẽ những bức tranh mà tôi tưởng tượng ra. tôi vẽ bố mẹ dắt em tôi đi chơi vui vẻ, còn tôi thì nấp sau cái cây nhìn theo họ, tôi vẽ những giọt nước mắt trên khuân mặt tôi trong tranh mỗi lúc to dần. Tôi vẽ có chục bức tranh như vậy và hình như mẹ tôi đã phát hiện ra. Một hôm, mẹ gọi tôi vào phòng và hỏi:
– Hoa ơi, dạo này mẹ thấy con buồn lắm, nói cho mẹ nghe đi, con bị làm sao à! Hay là việc học hành gặp khó khăn gì hả con?
Tôi không nói, chỉ lắc đầu. Rồi mẹ lại hỏi:
Hay là con ghen tị với em?
Chết tôi rồi, mẹ đã biết rồi sao? Tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng và sợ hãi khi nghĩ đến cái cảnh mẹ sẽ nói với bố và bố sẽ la mắng tôi. Tôi bảo mẹ:
– Mẹ ơi! Mẹ có thương con nữa không mẹ?
Mẹ tôi trả lời ngay:
– Có, mẹ lúc nào cũng thương con và cả em con nữa. Mẹ yêu cả hai chị em.
– Lại có cả em! Sao lúc nào mẹ cũng nhắc đến em thế? – Tôi vùng vằng chạy vào phòng học và rút một bức tranh tôi mới vẽ tối hôm qua lúc bị mẹ bắt lấy cho em bình sữa. Tôi đưa cho mẹ tôi rồi chạy thẩng ra ngoài. Và tôi bắt đầu một ngày, không biết bây giờ mẹ làm gì nhỉ? Mẹ có biết tôi đi đâu không? Trời ơi, hàng loạt những điều không hay làm tôi sợ hãi. Tôi sẽ về nhà. Không. Tôi sẽ không về bởi nếu về tôi sẽ lại bị mẹ sai vặt nhưng giờ đói quá biết lấy gì để ăn, không một đồng xu trong túi thì biết làm thế nào? Bây giờ có nên về nhà không nhỉ? Tôi nghĩ hồi lây rồi liều mình chạy thẳng về nhà. Nhưng từ đây về nhà còn xa quá, biết làm thế nào. Ở đây lại còn lắm cây, lắm bụi thì biết đâu sẽ có chuyện chẳng lành xảy ra với tôi thì sao? Tôi cứ thế khóc nấc lên, mặc cho trời tối, tôi chạy thật nhanh mong sẽ về nhà.
Nhưng sự thật không như mong muốn, tôi không mang theo kính. Thảm họa đây rồi! tôi nhìn mọi vật mờ mờ, thêm cái bụng đói từ sáng chưa được nhét cái gì vào càng làm cho tôi mờ mắt. Tôi nghĩ giờ này khéo cả nhà đang ăn tối rồi, mâm cơm thì có những món ngon tuyệt. Tôi lại khóc lớn hay, may sao gần đến nhà rồi. Tôi dò dẫm từng bước, cố lê về nhà. Vừa bước về đến cổng, tôi ngã gục xuống cả cứ thế lịm đi. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra khi tôi trong tình trạng này, tôi chỉ biết lúc tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm cạnh em trai tôi, còn mẹ tôi thì mắt sưng húp. Trời, mẹ đã tìm tôi cả ngày hôm ấy, mẹ đã khóc nhiều lắm – Tôi nghe bố kể vậy đó. Và tôi đã ôm lấy mẹ, òa lên khóc làm mẹ tôi cũng khóc theo, tôi thì thầm với mẹ:
– Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ, con sẽ không làm như vậy nữa đâu, con xin lỗi mẹ!
– Không, con không có lỗi, lỗi tại mẹ, mẹ không để ý đến suy nghĩ của con, nếu hôm nay con có chuyện gì thì mẹ ân hận cả đời.
Tôi nghe mẹ nói vậy, càng khóc to hơn. Mẹ bảo tôi:
– Thôi mà, con có thương mẹ không? Nếu thương mẹ thì con hãy hôn lên má em và mẹ một cái rồi ra ngoài ăn cơm. Tôi làm theo lời mẹ, hôn lên má mẹ và ôm lấy đứa em bé bỏng đang ngủ của con, hôn lên cái má hồng mềm mại của em tôi rồi nhỏ nhẹ thầm thì vào tai em:
– Yêu em nhiều, bé cưng của chị!
Rồi tôi ra ngoài dọn cơm cùng mẹ và nhà tôi hôm đó có một bữa cực kì ngon! Nào là: sườn xào, nào là cá rán, toàn những món tôi thích…
Thắm thoát, vậy mà đó đã nhiều năm trôi qua rồi. Em tôi đã lớn và tôi cũng trưởng thành hơn. Nghĩ lại lúc đó, tôi thấy mình dại quá! Bây giờ, tôi càng yêu em Khoa của tôi hơn! Kỉ niệm nhớ mãi này tôi không thể quên trong cuộc đời mình, nó cứ hiện ra trong tôi khi tôi cùng chơi đùa với em, tôi cứ nghĩ đến cái lúc ấy nếu mà lúc ý có chuyện gì không may xảy ra thì làm gì tôi được chơi đùa, được che trở cho em nữa.
Kể lại kỉ niệm mà em không bao giờ quên - mẫu 6
Trong mỗi cuộc đời, có biết bao kỉ niệm đẹp về tình cảm gia đình và tình bạn, những kỷ niệm ấy thật thiêng liêng cao đẹp biết bao. Nhưng ấn tượng sâu nặng nhất đối với tôi là những kỷ niệm hồi học ở trường tiểu học.
Ngôi trường của tôi ở nông thôn nên không có nét đẹp gì đặc biệt. Nhưng nó đã mang lại cho tôi kỷ niệm ngọt ngào khi lần đầu bước vào trường: cô giáo dạy tôi nắn nót từng chữ, đôi tay của cô nắm chặt tay tôi để rèn chữ, bàn tay cô ấm áp làm sao và cô lại còn tập cho chúng tôi múa hát, giọng cô trong trẻo làm sao.
Thời gian trôi qua mau, kỷ niệm lại càng có nhiều với mái trường này… Tôi còn nhớ mãi những kỷ niệm đẹp lúc ra chơi, cùng các bạn chơi đủ các trò, nào là: chơi đuổi bắt, nhảy dây, chơi cầu nhưng ấn tượng sâu nhất đối với tôi đó là trò chơi bịt mắt bắt dê. Hôm ấy vào giờ ra chơi, Lan rủ các bạn trong lớp cùng nhau chơi. Đông quá các bạn phải oẳn tù tì xem ai bắt, cuối cùng là Nam bắt. Lan dùng khăn quàng của mình để bịt mắt Nam lại, các bạn chạy xoay vòng cậu ta, lúc này bạn ấy không thấy gì cả, chỉ tóm bừa nên chúng tôi chạy tán loạn. Bỗng dưng dính một người, Nam sờ từ đầu cho đến tóc và khẳng định là Nga. Nam bỏ khăn ra nhìn, hóa ra đó là bạn lớp khác. Lúc này hai người đều đỏ mặt còn các bạn cùng chơi thì bật cười.
Bỗng dưng có một tiếng nói to "Cho tôi chơi với!" Đó chính là Thành, người bạn hay đùa nhất của lớp tôi. Bạn ấy từ trong lớp chạy ra và xung phong bắt. Lan dùng khăn bịt mắt Thành lại, các bạn bắt đầu trốn, Thành đứng giữa sân nhìn qua nhìn lại chẳng thấy gì cả, nhưng hình như bạn ấy đang nghe tiếng bước chân của Hiền. Hiền thấy thế liền chạy qua cột cờ và dừng chân lại, đứng né một bên. Thành nhào tới bắt, ai ngờ Thành bắt dính cột cờ, cả lớp cười lăn lộn, Thành cũng ôm mặt cười.
Tiếng trống tùng tùng báo hiệu giờ vào học, thế là giờ ra chơi đã hết, vào lớp các bạn đều dùng tập, sách để quạt cho mát. Đó là một kỷ niệm sâu sắc nhất với tôi dưới mái trường này.
Tuy bây giờ đã học cấp II nhưng kỷ niệm trong sáng hồn nhiên ấy tôi vẫn nhớ. Nhớ đến để thấy thời tiểu học đẹp đẽ làm sao và đó sẽ là kỷ niệm theo tôi trong suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường.
Kể lại kỉ niệm mà em không bao giờ quên - mẫu 7
"Thời thơ ấu", mỗi khi nhắc đến ba từ ấy, trái tim em lại thổn thức. Bao nhiêu kỉ niệm tuôn trào nhưng chỉ có những cánh diều là em nhớ mãi. Ôi! "những cánh diều" thuở nào.
Nhớ những buổi trưa hè, lũ trẻ trong làng tụ tập lại thả diều thi. Chúng chạy lấy trớn để những cơn gió nồm nâng cánh diều lên. Ôi! Hạnh phúc biết bao khi thấy con diều của mình từ bay lên, đùa giỡn với cơn gió. Em cùng mấy đứa bạn trong xóm cùng nhau hò hét tranh đua. Có đứa diều tốt, bay cao nhất, nó cứ nổ mãi. Rồi khi có một con diều nào đó vươn lên đứng nhất thì mặt nó tức lắm, có gắng đánh rớt con diều đáng ghét kia. Có anh không may sở hữu một chiếc diều dỏm. Vừa lên trời đã chống mũi xuống đất. Có chiếc chạy hụt hơi mà chỉ quay tròn. À, mà nói vậy chứ không phải thứ hạng cánh diều chỉ dựa vào diều tốt hay dỏm mà một phần còn nhờ tài nghệ của dân thả diều. Trong lúc thả với tay điêu nghệ, em đã được chúng chỉ cho vài chiêu nâng diều. Nào là khi diều rơi thì giựt giựt đôi tay, nào là khi thả diều thì phải cầm theo keo và một ít dây diều. Nếu thấy hôm ấy gió mạnh thì gắn thêm một đoạn dây vào dây diều, còn nếu gió nhẹ diều bay không nổi thì gở một ít dây ra cho nó nhẹ… Nhờ những kinh nghiệm quý báu đó mà thi thoảng em cũng được biệt hiệu "vua thả diều". À, mà hình như em chưa nói cái chuyện này thì phải, chả là khi cuối buổi thả, diều nào bay cao nhất thì người thả sẽ được cái biệt hiệu quý báu ấy.
Bây giờ, cánh diều thuở nào đã bị xếp xó để nhường thời gian cho những cua kèm liên hồi. Tuy rằng, em không còn được chạy nhảy trên cánh đồng đầy rơm rạ nữa. Những cảm giác bay bổng cùng cánh diều sẽ không bao giờ phai nhạt trong kí ức của em mãi mãi…
Kể lại kỉ niệm mà em không bao giờ quên - mẫu 8
Thời học sinh là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Chính vì vậy, những kỉ niệm gắn bó với tuổi thần tiên ấy cũng sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm khảm chúng ta. Và với tôi, mà không, với rất nhiều người nữa, ngày khai trường đầu tiên sẽ là hồi ức tươi đẹp nhất, để lại ấn tượng sâu sắc nhất.
Ngày khai trường đầu tiên của các bạn như thế nào?
Còn với tôi, đó là một buổi sáng mùa thu trời trong xanh. Mẹ gọi tôi dậy từ sáng sớm, rồi lại tất bật chuẩn bị cho tôi; nào quần áo đồng phục, sách vở, rồi nấu ăn sáng cho cả nhà. Nhìn mẹ bận rộn như vậy, tôi thầm tự nhủ mình phải vệ sinh thật nhanh chóng để mẹ không phải nhắc nhở. Ấy vậy mà cứ một lúc mẹ lại giục tôi “Quỳnh ơi! Nhanh lên nào không lại muộn giờ mất!” .Lúc ấy, tôi nghĩ thầm, chắc khai trường sẽ có rất nhiều chú công an, nếu mình đi muộn, mẹ sợ mình sẽ bị các chú ấy bắt nên phải thúc tôi như vậy. Thế nên tôi quáng quàng cả lên, ăn vội mấy miếng cơm rang và lúc này, người giục mẹ tôi chở đi khai giảng sớm lại chính là tôi. Mẹ cười đôn hậu và dịu dàng nói: “Cứ ăn từ từ thôi con ạ, còn sớm mà, ăn cho no đã”. Rồi tới lượt bố tôi chậm rãi nói “Hôm nay con đã là học sinh lớp một rồi, phải ngoan và biết nghe lời mọi người hơn nữa, không còn nhõng nhẽo, làm nũng bố mẹ như các em bé nữa nghe chưa! Trong lớp con phải cố gắng nghe cô giáo giảng bài, cố gắng tập đọc, tập viết, dành được nhiều điểm 10, con có hứa với bố không?” Tôi lí nhí đáp: “Dạ, có ạ!” Tôi chào bố và ra sân lên xe, mẹ chở tới trường. Con đường hôm nay thật đông đúc và nhôn nhịp, tôi nghe mẹ bảo, hôm nay, các bạn, các anh, các chị cũng đi khai giảng như tôi. Tôi thích thú và tò mò về ngôi trường mới, không còn sợ chú công an như lúc ở nhà nữa. Tới rồi! Ngôi trường mới của tôi. Ôi! Đẹp quá! Tôi thốt lên trong niềm sung sướng. Ngôi trường rộng rãi và khang trang, trong sân trường có cả một hồ nước trong vắt và vườn cây với đủ các loài hoa. Đến chỗ nào tôi cũng chỉ cho mẹ những phát hiện mới của mình.
Tới sân trường, tôi được mẹ dẫn vào hàng của lớp 1A2. Chúng tôi, những cô bé, cậu bé học trò lớp 1 bước vào lễ chào cờ đầu tiên. Tôi thắc mắc không hiểu sao trên cổ của các anh chị lớp lớn, ai cũng đều đeo chiếc khăn màu đỏ. Về sau tôi được mẹ giải thích, nếu tôi cố gắng học tập và đạt kết quả cao sẽ được kết nạp làm đội viên đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và cũng sẽ được đeo khăn quàng đỏ như các anh chị ấy. Sau khi kết thúc nghi lễ chào cờ, cô hiệu trưởng lên nhắc nhở và căn dặn học sinh nhiệm vụ năm học mới. Khi cô đánh những tiếng trống đầu tiên, cũng là lúc từng chùm bóng bay sặc sỡ được thả lên trời. Buổi lễ kết thúc và chúng tôi trở về lớp. Bất chợt, tôi nhận ra mẹ, mẹ đâu rồi! Tôi hoảng hốt đảo mắt khắp sân trường, vẫn không thấy mẹ đâu. Tôi òa lên khóc nức nở. Bỗng tôi nhận thấy có một bàn tay đặt lên vai mình, sau đó là giọng nói nhẹ nhàng “Em ở lớp nào? Sao đứng ở đây khóc mà không vào lớp đi?” Tôi ngước mắt lên, một chị lớn tuổi hơn tôi, dáng cao gầy, tóc thắt hai bên. Tôi vừa nói, giọng nói nghẹn ngào trong tiếng khóc: “Em…em học lớp 1A2. Em chẳng thấy mẹ ở đâu cả hu …hu…”. Chị phì cười rồi nói: “Em bé ngốc, chắc mẹ em về rồi, em vào lớp đi, khi nào học xong thì mẹ sẽ tới đón”. Tôi ngây thơ hỏi chị: “Chị ơi, thế lúc nào học xong hả chị? Em nghe chị hàng xóm bảo phải học 12 năm cơ, thế lúc nào em lớn em mới được gặp mẹ à chị? À chị ơi, em không biết lớp 1A2”. “Không phải đâu em à, em học từ bây giờ đến buổi trưa, mẹ sẽ đến đón”, vừa nói chị vừa dẫn tôi tới một phòng học. “Đây là lớp 1A2, em cố gắng học tập tốt nhé! Thôi chào em. Chị cũng phải về lớp đây!”. Nói rồi chị chạy đi, thoắt cái đã không còn thấy chị đâu nữa. Mãi về sau này tôi mới phát hiện , mình chưa hỏi tên chị, nhưng cái hình ảnh cao gầy và mái tóc thắt bím hai bên của chị đã để lại ấn tượng không bao giờ quên trong tôi.
Tôi bước vào lớp, một cảm giác thật khó tả: lạ lẫm, bỡ ngỡ và đôi chút lo sợ. Cô giáo sắp xếp chỗ ngồi cho chúng tôi thật nhanh chóng. Chỉ đến khi đã yên vị trong chỗ ngồi mới, tôi mới có dịp quan sát lớp học, cô giáo và những người bạn mới. Cảm giác xa lạ biến đi đâu mất, cô giáo nhắc chúng tôi lấy sách vở viết bài tập viết đầu tiên. Không gian trở nên vắng lặng. Sân trường vừa đông đúc, nhộn nhịp là thế, giờ đã không còn một bóng người. Giờ đây, tôi chỉ còn nghe thấy tiếng lích chích của vài chú chim non và tiếng đọc bài của cô giáo…
“Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt tay tới trường, em vừa đi vừa khóc, mẹ dỗ dành yêu thương… Ngày đầu như thế đó, cô giáo như mẹ hiền,…”. Ngày đầu tiên ấy đã trôi qua, nhưng những cảm xúc sẽ không bao giờ mờ phai, và với tôi, cái ngày đầu tiên ấy như chỉ mới là ngày hôm qua mà thôi, những vui, buồn, hạnh phúc, thích thú, bỡ ngỡ, lo sợ trong ngày đầu tới lớp là những dư âm tới tận mai sau.
Xem thêm các bài văn mẫu lớp 9 hay khác:
- Kể lại kỉ niệm mà em không bao giờ quên
- Kể lại giấc mơ hai mươi năm sau em về thăm trường cũ
- Kể về một miền đất, một miền quê đáng nhớ
- Kể lại tâm trạng của em sau khi để xảy ra một chuyện có lỗi với bạn
- Kể lại một câu chuyện đáng nhớ của bản thân
- Kể lại một chuyện lạ mà em nhớ mãi
Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:
- Mục lục Văn thuyết minh
- Mục lục Văn tự sự
- Mục lục Văn nghị luận xã hội
- Mục lục Văn nghị luận văn học Tập 1
- Mục lục Văn nghị luận văn học Tập 2
Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 9 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 9 và Những bài văn hay lớp 9 đạt điểm cao.
Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Giải Tiếng Anh 9 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Friends plus
- Lớp 9 Kết nối tri thức
- Soạn văn 9 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 9 - KNTT
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 9 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 9 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - KNTT
- Giải sgk Tin học 9 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 9 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 9 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - KNTT
- Lớp 9 Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 9 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 9 - CTST
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 9 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 9 - CTST
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - CTST
- Giải sgk Tin học 9 - CTST
- Giải sgk Công nghệ 9 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 9 - CTST
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - CTST
- Lớp 9 Cánh diều
- Soạn văn 9 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 9 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 9 - Cánh diều
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 9 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 9 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 9 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 9 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 9 - Cánh diều
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - Cánh diều