10+ Phân tích nhân vật Kim Trọng (hay, ngắn gọn)
Phân tích nhân vật Kim Trọng trong Truyện Kiều hay, chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh lớp 9 trên cả nước giúp học sinh lớp 9 có thêm tài liệu tham khảo từ đó biết cách viết văn dễ dàng hơn.
10+ Phân tích nhân vật Kim Trọng (hay, ngắn gọn)
Bài giảng: Truyện Kiều - Cô Nguyễn Dung (Giáo viên VietJack)
Dàn ý Phân tích nhân vật Kim Trọng trong Truyện Kiều
I. Mở bài:
+ Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều.
+ Giới thiệu về nội dung cần phân tích – nhân vật Kim Trọng.
II. Thân bài:
Dùng dằng nửa ở nửa về,
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần
Trông chừng thấy một văn nhân
Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng.
Đề huề lưng túi gió trăng,
Sau lưng theo một vài thằng con con.
Tuyết in sắc ngựa câu dòn,
Cỏ pha mùi áo nhuộm non da trời.
+ Kim trọng xuất hiện với hình ảnh một văn nhân “lưng túi gió trăng”. Là khí khái đường hoàng chững chạc.
+ Phong thái trang nhã và cao sang
+ Nét đẹp của Kim Trọng càng thêm sinh động bởi “sắc ngựa” và “cỏ pha mùi áo”. Hoàn cảnh gặp gỡ có nhiều nét thơ mộng, hữu tình.
+ Điểm nhìn khắc hoạ nhân vật Kim Trọng từ xa đến gần, ngôn ngữ sinh động, đặc sắc.
Nguyên người quanh quất đâu xa,
Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh.
Nền phú hậu, bậc tài danh,
Văn chương nết đất, thông minh tính trời
Phong tư tài mạo tuyệt vời,
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa
+ Nhà “trâm anh” là dòng dõi quý hiển, trí thức.
+ Kim Trọng là người có năng lực, thông minh tài hoa.
+ Tướng mạo tuấn tú hơn người.
+ Phong thái lịch sự, đường hoàng.
+ Kim Trọng là hình mẫu lý tưởng của người nam nhân thời xưa.
*Đặc sắc trong nghệ thuật khắc hoạ nhân vật Kim Trọng:
+ Sử dụng nhiều từ ngữ Hán – Việt giàu ý nghĩa
+ Giọng thơ chậm rãi, điểm nhìn đa chiều
+ Sử dụng bút pháp ước lệ và cảm hững lãng mạn để khắc hoạ nhân vật.
III. Kết bài:
Nêu cảm nhận của bản thân về nhân vật Kim Trọng.
Phân tích nhân vật Kim Trọng trong Truyện Kiều - mẫu 1
Truyện Kiều của Nguyễn Du được xem là viên ngọc quý trong kho tàng văn học Việt Nam nói riêng, văn học nhân loại nói chung. Chính bởi những thành công về nghệ thuật và nội dung của tác phẩm đã làm cho Truyện Kiều còn mãi với thời gian. Nguyễn Du còn thể hiện rõ là người có biệt tài khi xây dựng nhân vật. Thế giới nhân vật trong Truyện Kiều được khắc họa với những nét đẹp mẫu mực, đại diện cho một kiểu nhân vật, một thời kì. Trong đó, nổi bật là hình tượng nhân vật Kim Trọng với những vẻ đẹp phẩm chất của người nho sĩ xưa.
Nguyễn Du rất thành công khi khắc họa vẻ đẹp của nhân vật Kim Trọng. Kim Trọng xuất hiện với hình dáng của một thư sinh thời phong kiến:
“Trông chừng thấy một văn nhân
Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng
Đề huề lưng túi gió trăng
Sau chân theo một vài thằng con con”
Qua vài câu thơ, ta thấy Kim Trọng mang vẻ đẹp khôi ngô, tuấn tú, tao nhã, trang trọng hơn người:
“Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Có pha màu áo nhuộm non da trời”
Đó là vẻ đẹp khôi ngô, tuấn tú của chàng Kim qua vẻ đẹp của con người và màu áo xanh, một vẻ đẹp toát lên sự lịch thiệp của một người đàn ông. Không những vậy, chàng còn vô cùng thông minh, yêu văn chương, nghệ thuật. Thực sự Kim Trọng và Thúy Kiều như một cặp trời sinh, xứng đôi vừa lứa.
Trong Truyện Kiều, mỗi nhân vật đều được Nguyễn Du khắc họa với những vẻ đẹp khác nhau nhưng họ đều mang những vẻ đẹp đại diện cho một nhóm người, một tầng lớp xã hội. Đó đều là những con người có tài sắc và chí khí, phẩm chất hơn người.
Bằng những bút pháp nghệ thuật cổ điển, Nguyễn Du đã thành công trong việc xây dựng một thế giới nhân vật đa chiều nhưng cũng rất điển hình. Cho đến ngày nay, khi nhắc đến hình tượng nhân vật Kim Trọng, người đọc đều hình dung được những gì Nguyễn Du muốn truyền tải.
Phân tích nhân vật Kim Trọng trong Truyện Kiều - mẫu 2
Kim Trọng của Nguyễn Du trong Đoạn trường tân thanh được thể hiện ở hai bình diện. Thứ nhất là ở bình diện nhân chứng, bình diện người quan sát. Trái với Kiều, bản thân Kim Trọng không phải tự mình trải qua những biến cố đau khổ, nhưng ông là người phải chứng kiến, nhìn thấy, nghe thấy. Người trải nghiệm nỗi khổ thì khổ, đã đành, nhưng người phải chứng kiến người thân yêu chịu khổ mà không làm gì được thì sao? Đối với Nguyễn Du, câu trả lời dứt khoát như sau:
Nỗi nàng tai nạn đã đầy,
Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương.
Vì sao lại "mới thương"? Vì phải về Liêu Dương chịu tang chú, hay vì phải chia tay người yêu? Tất nhiên là không, mấy việc đó thì có gì mà đáng thương. Mà bởi vì trông thấy nỗi đau của người khác.
Đó là hai câu thơ không có ẩn ý, hai câu thơ đơn nghĩa, nhưng vẫn là hai câu thơ kì lạ bởi tính quyết đoán của nó: Kim Trọng đáng thương hơn! (Đến đây, chúng ta hãy nhớ lại câu thơ thứ tư trong Truyện Kiều: "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng." – Đau lòng vì trông thấy nỗi khổ.)
Để làm rõ chủ ý của Nguyễn Du trong việc biến Kim Trọng trở thành con người quan sát, con người đứng bên ngoài sự kiện, ta cần một nghiên cứu so sánh văn bản giữa Kim Trọng của Thanh Tâm Tài Nhân với Kim Trọng của Nguyễn Du, bởi nhận định mà không căn cứ trên văn bản thì chỉ là nhận định võ đoán.
Đọc đối chiếu Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, ta thấy rằng, về cơ bản, Nguyễn Du bám sát cốt truyện gốc. Dĩ nhiên ông có lược đi, rút gọn hoặc thay đổi những chi tiết. Việc tìm kiểu kĩ các chi tiết bị thay đổi này có thể cho chúng ta có một hình dung xác thực hơn về sáng tạo của Nguyễn Du. Chính ở điểm này, có thể nói rằng, trong khi ở các nhân vật khác, việc chỉnh sửa chi tiết không làm thay đổi bản chất nhân vật, thì riêng ở Kim Trọng, Nguyễn Du đã tạo ra một nhân vật khác về chất so với nhân vật của Tài Nhân.
Trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Trọng được khắc họa như một chính diện quân tử, một Kim Thiên Lí tự tin, mạnh mẽ, thậm chí còn có đôi nét macho. Ông là đại diện cho lớp người được tôn trọng nhất trong xã hội Nho giáo, những người không chỉ tự tin rằng mình nắm giữ lương tri và tri thức, mà đồng thời còn luôn sẵn dũng khí và sức mạnh để "thế thiên hành đạo". Kim Trọng của Tài Nhân luôn biết mình muốn gì, và luôn chủ động hành động để đạt được mục đích. Thế nhưng trong Đoạn Trường tân thanh của Nguyễn Du, tất cả những nét mạnh mẽ, quyết đoán đó của Kim Trọng đều bị tước đi, thay vào đó là những phản ứng tình huống, bị động. Kim Trọng của Tài Nhân được miêu tả với những nét khá cụ thể: "…một người học trò con nhà giàu họ Kim tên Trọng, tự là Thiên Lí, sinh ra trạng mạo giống Phan An, văn tài ngang Tử Kiến, tuổi trạc đôi mươi,…", và khi lần đầu gặp Thúy Kiều và Thúy Vân, thấy hai nàng đều xinh đẹp, Kim Trọng đã thề với lòng: "…Mình mà không được hai nàng này làm vợ thì suốt đời sẽ chẳng lấy ai" (Ngay khi gặp lần đầu, Kim Trọng đã muốn lấy cả hai nàng làm vợ! – một ý muốn đầy nam tính và không sai trái theo đạo đức Nho giáo). Sau những ngày dài mơ tưởng, đến khi gặp Thúy Kiều lần hai, vừa hấp tấp chui qua lỗ hổng để sang nhà nàng, Kim Trọng đã vội "bước lại ôm chầm lấy Thúy Kiều" (chi tiết này bị Nguyễn Du cắt bỏ). Tất cả những chi tiết, tuy có suồng sã, nhưng mạnh mẽ trong hành động của Kim Trọng đều bị Nguyễn Du chủ ý tước đi, thay vào đó là những cử chỉ, lời nói cao nhã, khiêm cung, yếm thế. Kim Trọng của Tài Nhân không chỉ là người có dung mạo đẹp, kiến thức thâm hậu ("trạng mạo giống Phan An, văn tài ngang Tử Kiến"), mà còn là người cưỡi ngựa, đeo kiếm.
Chi tiết Kim Trọng dùng "thiết như ý" luôn mang sẵn bên người để khoét tường sang nhà Thúy Kiều, một chi tiết tuy nhỏ nhưng cũng đủ làm nên chân dung "văn võ" của Kim Trọng, cũng bị Nguyễn Du cắt bỏ.
Phân tích nhân vật Kim Trọng trong Truyện Kiều - mẫu 3
Đúng là tiếng sét ái tình. Sau khi gặp chị em Kiều, Kim Trọng về nhà thương nhớ, nỗi nhớ không làm sao quên được. Một ngày không được gặp Kiều thời gian dài chẳng khác gì ba năm mong đợi. Kim Trọng hình dung hình ảnh Kiều ngồi trong cửa sổ nhà nàng mà lòng mình sầu nhớ miên man suốt cả một tuần trăng (một tháng), đèn cạn dầu tắt lụi mà lòng vẫn còn vấn vương.
Kim Trọng tương tư đến nỗi phòng học để lạnh tanh, bút lông thỏ không hề viết và cây đàn cũng bỏ lơ. Phải chăng đây là duyên nợ kiếp này sang kiếp khác mà chàng phải mang? Nhớ người đẹp, Kim Trọng rời phòng ra chỗ gặp gỡ Kiều lần đầu, nhưng chỉ thấy cỏ xanh, mặt nước trong veo và bụi lau nghiêng ngả! Chịu không nổi, Kim Trọng tìm lối sang nhà Kiều; nhưng cổng kín, tường cao ngăn trở làm cho anh chàng si tình mà nhát gan không biết làm cách nào gặp được người đẹp. Về nhà, đứng sau mành cửa Kim Trọng chỉ nghe thấy tiếng chim oanh ca hót như mỉa mai mình. Mấy lần chàng tính qua thăm nhưng cổng nhà nàng vẫn đóng kín, chỉ thấy hoa rụng còn nàng ở đâu? Để có cơ hội làm quen Thuý Kiều, Kim Trọng cũng ma mãnh tìm cách thuê nhà gần nhà Kiều. Một hôm chàng thấy có một thương gia, nay đi buôn ở nước Ngô mai đi bán ở nước Việt, nên nhà bỏ trống. Chàng liền kiếm cớ xa nhà du học hỏi thuê, rồi mau mau dọn đồ đạc sang ở. Nhà thương gia có hòn non bộ, có hiên cao rất thuận tiện cho chàng đứng ngắm sang nhà Kiều. Sau hai tháng chực chờ ngóng trông, bỗng một buổi sớm sương mù chưa tan Kim Trọng thấy bóng hồng xuất hiện. Chàng vội vã chạy đến nhưng khi tới gần chỉ còn hương thơm, nàng tiên biến mất đâu rồi. Chàng lần theo tường gạch hoa của nhà Kiều để kiếm nàng thì bất chợt thấy một trâm vàng cài tóc treo trên cành đào. Kim Trọng vội vàng đưa tay với lấy đem về nhà, hí hửng đứng nhìn trâm mãi không chán và tự nghĩ có cơ may mới nhặt được trâm vàng của người mình thầm yêu trộm nhớ. Dù chưa gặp lại Kiều; nhưng có vật quý của nàng trong tay cũng vơi đi nỗi buồn và có cớ làm quen. Kim Trọng tự hỏi phải chăng đây là nhân duyên tiền định? Lúc trời vừa sáng tan sương, sau khi về phòng, Kiều thấy trâm cài đâu mất, bèn ra vườn tìm kiếm. Chàng Kim si tình đứng chờ từ lâu; thấy bóng Kiều bèn vội vàng lên tiếng: "Nàng ơi tự nhiên tôi nhặt được cây trâm của nàng nè". Từ bên kia tường nhà Kiều tỏ vẻ thẹn thùng đáp lại. "Chàng ơi! Của rơi có sá gì mà chàng quá quan tâm". Nhân cơ hội ngàn năm một thuở, Kim Trọng kiếm cớ xin Kiều dừng chân cho chàng trao lời tâm sự. Bốn mắt nhìn nhau, hai con tim rung động, hai người chả nói ra nhưng ai cũng hiểu được họ "đã phải lòng nhau". Thúy Kiều không đòi lại trâm mà còn vào nhà lấy thêm hai xuyến vàng và chiếc khăn lụa quý giá, rồi lén leo thang cao qua góc tường sang nhà Kim Trọng. Lúc gặp nhau, người thẹn thùng, kẻ ngỡ ngàng. Hình ảnh cuộc gặp gỡ lần đầu lại hiện ra trong tâm trí hai kẻ "tình trong như đã mặt ngoài còn e". Kẻ nhớ, người thương, chàng và nàng như rơi vào biển tình dậy sóng. Kim Trọng tha thiết bày tỏ tình yêu của mình thà chết còn hơn không cưới được nàng (như điển tích Vĩ Sinh ôm chặt chân cầu, nơi hẹn hò người yêu, đến đỗi sóng lên cao, đành bị chết đuối chứ không chịu bỏ đi khi người tình chưa đến). Thiết tha hơn, chàng muốn tìm người mai mối kết duyên cùng nàng. Hiểu được tấm chân tình của chàng, Kiều khiêm tốn bày tỏ gia đình nàng thanh bạch, tư chất bình thường, có tài sắc gì đâu mà chàng quá quan tâm. Còn chuyện tình duyên, là phận nữ nhi, Kiều không dám quyết định khi chưa có sự ưng thuận của cha mẹ.
Phân tích nhân vật Kim Trọng trong Truyện Kiều - mẫu 4
Kim Trọng là một trong ba nhân vật đẹp nhất trong "Truyện Kiều" thể hiện cảm hứng nhân văn về tình yêu tự do giữa đôi lứa "người quốc sắc, kẻ thiên tài". Kiều gặp Kim Trọng, Kiều - Kim tình tự, thề nguyền, Kim Trọng trở lại vườn Thúy, "Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa" là 4 đoạn thơ đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng đẹp về nhân vật Kim Trọng.
Đoạn thơ "Kiều gặp Kim Trọng" mãi mãi xanh non và ngào ngạt sắc hương trong lòng người, sắc hương của mối tình đầu. Nguyễn Du đã thể hiện một bút pháp nghệ thuật đặc sắc về tả người, tả cảnh, tả tình để xây dựng nên bức chân dung một văn nhân lý tưởng trong con mắt và tâm hồn của giai nhân.
Mở đầu là tiếng nhạc vàng, khúc nhạc của tình yêu, ánh sáng của tình yêu, ở đâu đó, nghe rõ dần; tiếng nhạc vàng làm rung động và xôn xao cảnh vật, lòng người:
"Dùng dằng nửa ở nửa về,
Nhạc vàng đâu đó tiếng nghe gần gần"
Nhân vật Kim Trọng được miêu tả từ xa đến gần, qua cái lắng nghe và sự bâng khuâng dõi nhìn của người đẹp. Một phong thái trang nhã "lưng túi gió trăng". Một sự cao sang có vài chú tiểu đồng "sai chân theo" hầu. Một con tuấn mã sắc trắng như tuyết. Và màu áo xanh non của cỏ xuân với màu xanh thanh thiên của da trời hòa hợp nên, sắc áo của tài tử văn nhân ngày xưa. Nhịp thơ chậm rãi khoan thai. Cảnh vật và con người hiện hình qua một gam màu tươi sáng, thanh khiết:
"Trông chừng thấy một văn nhân,
Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.
Đề huề lưng túi gió trăng,
Sau lưng theo một vài thằng con con.
Tuyết in sắc ngựa câu giòn,
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời"
Cái nét đẹp khoan thai khi ngồi trên yên ngựa "lỏng buông tay khấu" hòa hợp với phong thái ung dung lúc "bước lần dặm băng", khi lần bước dặm xanh. Văn nhân ứng xử rất trang nhã, lịch sự theo đúng lễ giáo và phong cách kẻ sĩ:
"Nẻo xa mới tỏ mặt người,
Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình"
Mỗi bước đi của văn nhân, cảnh vật như sáng bừng lên; cỏ cây, không gian có một sự hóa thân kỳ diệu, trở nên diễm lệ ngào ngạt sắc hương:
"Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao"
Tình yêu của đôi lứa thanh tân nảy nở từ mau xanh ấy trong sự giao hòa của cây quỳnh cành dao.
Sau khi Vương Quan ra chào, chị em Kiều "e lệ nép vào dưới hoa", văn nhân thật sự xuất hiện. Từ xa đến gần, từ ngoại hình đến phong cách, nhà thơ mới từng bước từng bước giới thiệu về họ tên, về gia thế, về học vấn, về tài năng của "khách". Y nhân trước mặt hai ả tố nga là một thiên tài, một mẫu người lý tưởng của thời đại:
"Nguyên người quanh quất đâu xa
Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh
Nền phú hậu, bậc tài danh,
Văn chương nết đất, thông minh tính trời
Phong tư tài mạo tót vời,
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa"
Kim Trọng, cả tâm hồn lẫn trí tuệ, tính cách là sự hun đúc tài năng của "văn chương nết đất", là sự hội tụ bao vẻ đẹp của trời "thông minh tính trời". Xuất thân trong một gia đình quyền quý, rất giàu có (phú hậu), tài năng lỗi lạc nổi tiếng trong thiên hạ (bậc tài danh). Kim Trọng mang vẻ đẹp tuấn tú "tót vời", vẻ đẹp "hào hoa", "phong nhã".
Nguyễn Du đã sử dụng một hệ thống từ ngữ Hán Việt để nói về Kim Trọng với tất cả sự quý mến, trân trọng, đồng thời thể hiện tính cách nhân vật trên bình diện xã hội: trâm anh, phú hậu, tài danh, văn chương, thông minh, phong tư, phong nhã, hào hoa.
Kim Trọng với Vương Quan là "đồng thân", bạn học thân thiết. Và đã bấy lâu nay từng khao khát mơ tường "trộm dấu thầm yêu" nàng Kiều mà chưa một lần hội ngộ. Hội Đạp thanh này đối với chàng Kim là dịp "thỏa lòng tìm hoa". Một cái "nhác thấy" mà đã "mặn mà" biết bao:
"Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,
Xuân lan, thu cúc mặn mà cả hai"
Phải đa tình và có "con mắt tinh đời" nhạy cảm, Kim Trọng mới có thể cảm nhận đựợc cái vẻ mơn mởn của lan mùa xuân, cái đằm thắm dịu dàng của cúc mùa thu từ "bóng hồng" ấy. Không hẹn mà nên:
"Người quốc sắc, kẻ thiên tài,
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e"
Hai trái tim đa tình, đa cảm đã có một tiếng nói chung. Thế nhưng vẫn dịu dàng, e ấp và kín đáo: "Tình trong như đã, mặt ngoài còn e". Người đẹp đã làm cho chàng Kim choáng váng: "Chập chờn cơn tỉnh cơn mê". Trước tiếng sét ái tình. Kim Trọng vốn hào hoa, phong nhã đã làm chủ được tâm hồn trong một cuộc tình trường: "Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn". Cuộc chia li không thể không diễn ra. Khoảnh khắc chia li của lứa đôi trong buổi đầu gặp gỡ mang theo bao tình lưu luyến. Hai vế tiểu đối mà ra hai phía chân trời, tình lưu luyến mến thương kéo dài vô tận:
"Khách đà lên ngựa người còn ghé theo"
"Kẻ thiên tài" đã mang theo hình bóng "người quốc sắc" trở về nhà. Chiếc cầu và dòng nước trong veo, cành tơ liễu và bóng chiều thướt tha như những chứng nhân cho một thiên diễm tình giữa giai nhân và tài tử. Khách văn nhân hào hoa đa tình có bao giờ quên được "nơi kỳ ngộ" ấy:
"Dưới cầu nước chảy trong veo,
Trên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha"
Cảnh vật và hồn người đã để lại dấu ấn trong lòng mỗi chúng ta qua một vần thơ tả cảnh ngụ tình tuyệt bút.
Nguyễn Du đã có những cách nói rất hay, rất đẹp về Kim Trọng: văn nhân, bậc tài danh, phong nhã, hào hoa, kẻ thiên tài. Kim Trọng là hình ảnh đẹp nhất về khách tài tử, đa tình xuất hiện trong đoạn thơ đã làm nổi bật chủ đề tình yêu tự do và cảm hứng nhân văn của Truyện Kiều. Nguyễn Du đã miêu tả nhân vật Kim Trọng bằng bút pháp ước lệ, diễn tả bằng một hệ thống từ ngữ Hán Việt để làm nổi bật chất tài hoa phong tình của kẻ thiên tài. Cảnh vật thiên nhiên từ dặm xanh đến dòng nước trong veo. từ chiếc cầu, cành tơ liễu đến bóng chiều - đều đã trở thành cái nền thơ mộng, làm hiện lên hình ảnh chàng Kim trong buổi đầu gặp gỡ người đẹp. Có thể nói bao trùm bức chân dung Kim Trọng là một màu sắc lãng mạn đầy chất thơ.
Kim Trọng là mẫu người thiên tài lý tưởng. Hấp dẫn hơn, chàng Kim là khách tài từ đa tình tiêu biểu cho khát vọng tình yêu đôi lứa. Nhân vật Kim Trọng rất thực và rất mới, rất gần gũi với tuổi trẻ ngày nay có lẽ vì thế.
Phân tích nhân vật Kim Trọng trong Truyện Kiều - mẫu 5
Những nét vẽ đầu tiên của Nguyễn Du khắc hoạ nhân vật Kim Trọng trong buổi đầu Kim-Kiều gặp gỡ như sau:
Hài văn lần bước dặm xanh,
Một vùng như thể cây quỳnh, cành dao.
và:
Phong tư tài mạo tuyệt vời,
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.
Kim Trọng là một người “vốn nhà trâm anh”, dòng dõi quý hiển, lại là bạn đồng môn với Vương Quan, chàng khẳng khái lịch sự “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”. Kim – Kiều gặp mặt tuy chưa kịp nói với nhau một lời nhưng sau cuộc gặp gỡ này thì “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”.
Trước vẻ đẹp và khí chất kiều diễm của Kiều, đúng là tiếng sét ái tình, Kim Trọng về nhà thương nhớ, nỗi nhớ không làm sao quên được. Một ngày không được gặp Kiều thời gian dài chẳng khác gì ba năm mong đợi. Kim Trọng hình dung hình ảnh Kiều ngồi trong cửa sổ nhà nàng mà lòng mình sầu nhớ miên man suốt cả một tuần trăng (một tháng), đèn cạn dầu tắt lụi mà lòng vẫn còn vấn vương.
Thế nhưng, Kim Trọng không phải là kiểu người hành động, trái lại, chàng chỉ là kiểu người của những chuẩn bị hành động mà thôi. Trong tình yêu, chàng Kim không hề thiếu sự đam mê, nhưng chàng lại không đủ táo bạo để biến đam mê thành hành động cụ thể nhằm đạt tới đích. Vì phải lòng Kiều sau lần gặp mặt đầu tiên, chàng đã tiếp cận đối tượng bằng cách “lấy điều du học hỏi thuê” ngôi nhà ngay sau nhà họ Vương, đã kiên nhẫn chờ thời cơ suốt hai tháng ròng. Nhưng cũng chỉ đến thế:
“Tấc gang nguồn khóa động phong
Tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra”.
Trận đấu đã đi vào bế tắc. Có thể vì bế tắc mà chàng sẽ nản chí bỏ đi. Cũng có thể chàng sẽ cứ suốt đời chờ đợi như vậy, nếu không có chuyện Kiều sốt ruột khi thấy anh chàng si tình chẳng biết làm gì khác ngoài chờ và chờ, nên đành phải “cắc cớ” giắt cây kim thoa trên cành đào để chàng có “lý do hành động!”.
Sau này, như ta sẽ thấy, chàng Kim tỏ ra vô cùng hoạt khẩu và là tác giả của những câu tỏ tình đáng đưa vào giáo khoa thư, nhưng suy cho cùng, đích thực thì từ ban đầu Kim đã là người bị động.
Khi nhà họ Vương gặp họa, Kim Trọng vì phải về Liêu Dương chịu tang chú nên đã không cứu được người yêu, cái đó có thể đổ tại số trời. Chàng đã vật mình than khóc đau đớn, đã luôn nhớ tới Kiều suốt mười lăm năm sống bên Vân, cái đó có thể ghi nhận một tấm lòng chung tình. Nhưng rồi cũng chỉ dừng lại ở đó.
Quyết định cất công đi tìm Kiều là điều mà ta không hề thấy tác giả nói tới ở Kim Trọng. Ngay cả tới khi nghe được tin tức về Kiều từ già họ Đô và Thúc Sinh, thì chàng Kim cũng chỉ:
Rắp mong treo ấn từ quan
Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng pha
Dấn mình trong áng can qua
Vào sinh ra tử họa là thấy nhau
Nghĩ điều trời thẳm vực sâu
Bóng chim tăm cá biết đâu mà nhìn!
Luôn luôn là dự định, những dự định có thể rất dễ khiến cho lòng người phải cảm động, song nó cứ lơ lửng đó, không chịu tự triển khai, không chịu tự thực hiện, và xu thế của nó là luôn đầu hàng trước những khó khăn thách thức mà thực tại đặt ra. Bảo rằng đi tìm Thúy Kiều trong một biển người náo loạn là bóng chim tăm cá? Thì cũng đúng.
Nhưng khả năng thành công của việc tìm kiếm này và khả năng thành công của việc Từ Hải thực hiện lời hứa đem mười vạn tinh binh trở về đón Kiều, đằng nào khó hơn? Vấn đề là Từ đã làm, còn Kim thì mới chỉ định làm mà thôi.
Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi rốt cuộc, việc Kiều đoàn tụ với toàn gia hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố may rủi của số phận: chàng Kim đã làm lễ siêu độ cho Kiều vì cứ ngỡ nàng chết rồi, thì vãi Giác Duyên xuất hiện, chỉ cho nơi thảo am nàng đang nương náu.
Một lần nữa, Kim Trọng lại hụt bước trong sự tự thể hiện mình như một kẻ dám yêu và dám hành động quyết liệt vì tình yêu!
Phân tích nhân vật Kim Trọng trong Truyện Kiều - mẫu 6
Trong kho tàng văn học cổ Việt Nam, Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm kiệt xuất nhất. Tác phẩm không chỉ nổi tiếng vì cốt truyện hay, lời văn trau truốt, giá trị tố cáo đanh thép, giá trị nhân đạo cao cả, mà còn vì các nhân vật trong truyện được ngòi bút sắc sảo của Nguyễn Du miêu tả vô cùng đẹp đẽ, sinh động. Đặc biệt là các nhân vật mà tác giả tâm đắc nhất, trong đó có Kim Trọng được Nguyễn Du khắc hoạ với hình tượng “hào hoa phong nhã” hiếm có.
Kim Trọng xuất hiện trong Truyện Kiều với mối tình đầu tiên của Thuý Kiều, cô gái họ Vương đa tình, đa cảm. Nhân vật Kim Trọng cũng là nhân vật được Nguyễn Du ưu ái. Bức chân dung nhà thơ miêu tả Kim Trọng có những nét đặc sắc và độc đáo riêng. Qua hình ảnh Kim Trọng, ta thấy có những nét vừa quen thuộc, vừa mới lạ.
Kim Trọng gặp chị em Thuý Kiều bên mộ Đạm Tiên, khi ba chị em Thuý Kiều, Thuý Vân, Vương Quan đi tảo mộ nhân ngày Tết Thanh minh. Phong cảnh bên mộ Đạm Tiên quả là tuyệt đẹp:
Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
Lúc đó chàng Kim xuất hiện thật bất ngờ:
Dùng dằng nửa ở nửa về
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần
Tiếng nhạc vàng lanh lảnh như xua đi âm khí nặng nề bên nấm mồ vô chủ làm không khí như bừng sáng hẳn lên. Chàng Kim Trọng hiện ra trong dáng hình một thư sinh phong kiến:
Trông chừng thấy một văn nhân
Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng
Đề huề lưng túi gió trăng
Sau chân theo một vài thằng con con
Nói bức chân dung Kim Trọng có vẻ quen chính là ở chỗ này. Dưới thời phong kiến đã nói đến “thư sinh” thì phải có “tuấn mã”, “tiểu đồng”, phải “lưng túi gió trăng”. Những nét quen đó không làm ta nhàm chán khiến ta thấy được phong thái hào hoa, trang nhã của Kim Trọng, điều đó càng thể hiện rõ hơn ở câu tiếp:
Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.
Với biện pháp hoán dụ, câu thơ đã khiến người đọc cảm nhận được vẻ khôi ngô, tuấn tú của chàng Kim qua vẻ đẹp của con người trắng và màu áo xanh. Không những thế, chàng Kim còn là một chàng trai rất lịch sự:
Nẻo xa mới tỏ mặt người
Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình.
Hành động của chàng khác thói thường của các bậc nam nhi phong kiến nhưng đồng điệu với cô gái họ Vương đa tình, đa cảm. Vẻ đẹp của chàng làm bừng sáng cả một vùng:
Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng như thể cây quỳnh, cành dao.
Thật lạ, quả ta chưa thấy một trang nam nhi nào lạ đến thế. Lạ từ vẻ đẹp trang nhã, hào hoa đến thái độ hào hiệp, lịch sự. Đã như vậy, Chàng Kim lại có gia cảnh thật cao quý:
Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh
Nền phú hậu, bậc tài danh
Văn chương nết đát, thông minh tính trời.
Đã đẹp đẽ, chàng Kim Trọng lại là con một gia đình thế phiệt trong vùng, bản thân chàng cũng theo đòi nghiệp văn chương, bản tính chàng thông minh vốn sẵn. Đó chắc chắn là một mẫu người lý tưởng của các trang nam nhi phong kiến, chàng lọt mắt xanh và chiếm vị trí mối tình đầu của Thuý Kiều là điều hợp lý. Tác giả Nguyễn Du đã dành cho Kim Trọng tình cảm ưu ái nhất cũng như ông đã dành cho Thuý kiều. Họ là cặp nhân vật “xứng đôi vừa lứa” mà ông gửi gắm nhiều tình cảm.
Khác với Thuý Kiều và Thuý Vân, Nguyễn Du đã dành sẵn một phần để giới thiệu thì đối với Kim Trọng, ông lại giới thiệu chàng trong bối cảnh gặp gỡ với chị em Thuý Kiều. Đó là hoàn cảnh hợp lý khiến ta thấy chân dung Kim Trọng không chỉ khôi ngô tuấn tú mà còn là người phát ngôn của tình yêu muôn thuở. Đến với nhân vật Kim Trọng, cảm nhận được vẻ đẹp của chàng ta thêm khâm phục tài năng của Nguyễn Du với bút pháp tả người rất sắc sảo tài tình.
Như đã nói, Truyện Kiều thu hút người đọc một phần lớn là nhờ nghệ thuật miêu tả nhân vật của Nguyễn Du. Quả vậy, nghệ thuật tả người của Nguyễn Du có thể gọi là bậc thầy trong nền văn học cổ Việt Nam. Tả hình dáng bên ngoài của nhân vật, ông luôn làm toát lên tính cách, tâm hồn bên trong của nhân vật.
Với Kim Trọng, Nguyễn Du miêu tả chàng có một phong thái thanh cao, trang nhã, tuấn tú, lịch sự, hào hoa. Ông cũng dành cho chàng những câu thơ tuyệt vời:
Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.
….
Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.
Nói tóm lại, Nguyễn Du có nghệ thuật tả người rất đặc sắc và điêu luyện. Mỗi nhân vật ông miêu tả dù tốt hay xấu, dù chính diện hay phản diện cũng đều biểu hiện được bản chất tâm hồn bên trong qua hình dáng bên ngoài. Qu hình tượng nhân vật Kim Trọng, nghệ thuật miêu tả nhân vật của Nguyễn Du rát đáng được chúng ta trân trọng và học tập.
Phân tích nhân vật Kim Trọng trong Truyện Kiều - mẫu 7
Kim Trọng của Nguyễn Du trong Đoạn trường tân thanh được thể hiện ở hai bình diện. Thứ nhất là ở bình diện nhân chứng, bình diện người quan sát. Trái với Kiều, bản thân Kim Trọng không phải tự mình trải qua những biến cố đau khổ, nhưng ông là người phải chứng kiến, nhìn thấy, nghe thấy. Người trải nghiệm nỗi khổ thì khổ, đã đành, nhưng người phải chứng kiến người thân yêu chịu khổ mà không làm gì được thì sao? Đối với Nguyễn Du, câu trả lời dứt khoát như sau:
Nỗi nàng tai nạn đã đầy,
Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương.
Vì sao lại “mới thương”? Vì phải về Liêu Dương chịu tang chú, hay vì phải chia tay người yêu? Tất nhiên là không, mấy việc đó thì có gì mà đáng thương. Mà bởi vì trông thấy nỗi đau của người khác.
Đó là hai câu thơ không có ẩn ý, hai câu thơ đơn nghĩa, nhưng vẫn là hai câu thơ kì lạ bởi tính quyết đoán của nó: Kim Trọng đáng thương hơn! (Đến đây, chúng ta hãy nhớ lại câu thơ thứ tư trong Truyện Kiều: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.” – Đau lòng vì trông thấy nỗi khổ.)
Để làm rõ chủ ý của Nguyễn Du trong việc biến Kim Trọng trở thành con người quan sát, con người đứng bên ngoài sự kiện, ta cần một nghiên cứu so sánh văn bản giữa Kim Trọng của Thanh Tâm Tài Nhân với Kim Trọng của Nguyễn Du, bởi nhận định mà không căn cứ trên văn bản thì chỉ là nhận định võ đoán.
Đọc đối chiếu Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, ta thấy rằng, về cơ bản, Nguyễn Du bám sát cốt truyện gốc. Dĩ nhiên ông có lược đi, rút gọn hoặc thay đổi những chi tiết. Việc tìm kiểu kĩ các chi tiết bị thay đổi này có thể cho chúng ta có một hình dung xác thực hơn về sáng tạo của Nguyễn Du.
Chính ở điểm này, có thể nói rằng, trong khi ở các nhân vật khác, việc chỉnh sửa chi tiết không làm thay đổi bản chất nhân vật, thì riêng ở Kim Trọng, Nguyễn Du đã tạo ra một nhân vật khác về chất so với nhân vật của Tài Nhân.
Trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Trọng được khắc họa như một chính diện quân tử, một Kim Thiên Lí tự tin, mạnh mẽ, thậm chí còn có đôi nét macho. Ông là đại diện cho lớp người được tôn trọng nhất trong xã hội Nho giáo, những người không chỉ tự tin rằng mình nắm giữ lương tri và tri thức, mà đồng thời còn luôn sẵn dũng khí và sức mạnh để “thế thiên hành đạo”.
Kim Trọng của Tài Nhân luôn biết mình muốn gì, và luôn chủ động hành động để đạt được mục đích. Thế nhưng trong Đoạn Trường tân thanh của Nguyễn Du, tất cả những nét mạnh mẽ, quyết đoán đó của Kim Trọng đều bị tước đi, thay vào đó là những phản ứng tình huống, bị động.
Kim Trọng của Tài Nhân được miêu tả với những nét khá cụ thể: “…một người học trò con nhà giàu họ Kim tên Trọng, tự là Thiên Lí, sinh ra trạng mạo giống Phan An, văn tài ngang Tử Kiến, tuổi trạc đôi mươi,…”, và khi lần đầu gặp Thúy Kiều và Thúy Vân, thấy hai nàng đều xinh đẹp, Kim Trọng đã thề với lòng: “…Mình mà không được hai nàng này làm vợ thì suốt đời sẽ chẳng lấy ai” (Ngay khi gặp lần đầu, Kim Trọng đã muốn lấy cả hai nàng làm vợ! – một ý muốn đầy nam tính và không sai trái theo đạo đức Nho giáo).
Sau những ngày dài mơ tưởng, đến khi gặp Thúy Kiều lần hai, vừa hấp tấp chui qua lỗ hổng để sang nhà nàng, Kim Trọng đã vội “bước lại ôm chầm lấy Thúy Kiều” (chi tiết này bị Nguyễn Du cắt bỏ). Tất cả những chi tiết, tuy có suồng sã, nhưng mạnh mẽ trong hành động của Kim Trọng đều bị Nguyễn Du chủ ý tước đi, thay vào đó là những cử chỉ, lời nói cao nhã, khiêm cung, yếm thế.
Kim Trọng của Tài Nhân không chỉ là người có dung mạo đẹp, kiến thức thâm hậu (“trạng mạo giống Phan An, văn tài ngang Tử Kiến”), mà còn là người cưỡi ngựa, đeo kiếm.
Chi tiết Kim Trọng dùng “thiết như ý” luôn mang sẵn bên người để khoét tường sang nhà Thúy Kiều, một chi tiết tuy nhỏ nhưng cũng đủ làm nên chân dung “văn võ” của Kim Trọng, cũng bị Nguyễn Du cắt bỏ.
Như vậy, xây dựng hình tượng nhân vật Kim Trọng, Nguyễn Du đã làm khác với Thanh Tâm Tài Nhân. Những thay đổi đó chẳng những làm cho Kim Trọng đẹp hơn, càng thêm “hào hoa phong nhã hơn”, mà còn thể hiện cách xử lí thông minh, tinh tế của một thiên tài văn chương.
Xem thêm các bài văn mẫu lớp 9 hay khác:
Phân tích tinh thần nhân đạo trong Truyện Kiều (dàn ý - 10 mẫu)
Phân tích câu thơ Đau đớn thay phận đàn bà - Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung (dàn ý - 4 mẫu)
Bình luận câu thơ Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung (dàn ý - 5 mẫu)
Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:
- Mục lục Văn thuyết minh
- Mục lục Văn tự sự
- Mục lục Văn nghị luận xã hội
- Mục lục Văn nghị luận văn học Tập 1
- Mục lục Văn nghị luận văn học Tập 2
Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 9 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 9 và Những bài văn hay lớp 9 đạt điểm cao.
Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Giải Tiếng Anh 9 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Friends plus
- Lớp 9 Kết nối tri thức
- Soạn văn 9 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 9 - KNTT
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 9 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 9 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - KNTT
- Giải sgk Tin học 9 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 9 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 9 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - KNTT
- Lớp 9 Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 9 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 9 - CTST
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 9 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 9 - CTST
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - CTST
- Giải sgk Tin học 9 - CTST
- Giải sgk Công nghệ 9 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 9 - CTST
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - CTST
- Lớp 9 Cánh diều
- Soạn văn 9 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 9 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 9 - Cánh diều
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 9 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 9 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 9 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 9 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 9 - Cánh diều
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - Cánh diều