Soạn bài Ôn tập học kì 1 trang 157, 158, 159 (Luyện tập và vận dụng) - ngắn nhất Kết nối tri thức

Soạn bài Ôn tập học kì 1 phần II. Luyện tập và vận dụng trang 157, 158, 159 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 10 Kết nối tri thức với cuộc sống giúp học sinh soạn văn 10 dễ dàng hơn.

Soạn bài Ôn tập học kì 1 trang 157, 158, 159 (Luyện tập và vận dụng) - ngắn nhất Kết nối tri thức

Quảng cáo

1. Đọc

Ghi vào vở chữ cái đứng trước phương án trả lời đúng nhất cho mỗi câu hỏi (từ câu 1 đến câu 3)

Câu 1 (trang 159 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 - Kết nối tri thức):

Đáp án C: Văn bản nghị luận

Vì văn bản trên đảm bảo được các ý sau:

- Chỉ ra và phân tích được những đặc sắc độc đáo của bài thơ Thiên Trường vãn vọng (từ ngữ, hình ảnh, cách tổ chức nhịp điệu, cách liên kết mạch cảm xúc và hình ảnh...).

- Đánh giá giá trị của bài thơ về phương diện nghệ thuật cũng như ý nghĩa nhân sinh.

Câu 2 (trang 159 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 - Kết nối tri thức):

Quảng cáo

Đáp án C. Không thể nào khác là một cảnh thanh bình, yên ả, phơn phớt chút tươi vui hiền lành, thầm lặng phát ra từ một cuộc sống có phần ấm no, hạnh phúc.

Chúng ta có thể thấy hình ảnh thanh bình, yên ả của cảnh vật thông qua một số hình ảnh như:

- Màu khói thổi cơm chiều (tác giả cũng lý giải thêm việc chúng ta có thể hình dung ra cảnh “cả nhà sum vầy chuẩn bị bữa cơm rau mắm nhưng ấm no sau một ngày nắng sương vất vả”

- Cảnh yên bình mà chúng ta dễ thấy nhất đó là hình ảnh “đàn trâu no nê, chậm rãi về nhà. Trên lưng lại vắt vẻo mấy chú trẻ con nghêu ngao tiếng sáo tiễn ngày...”

Câu 3 (trang 159 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 - Kết nối tri thức):

Đáp án C. Phân tích văn bản thơ, tiếp đó mở rộng liên hệ tới hoàn cảnh sáng tác và vị thế của tác giả bài thơ.

Người viết luôn đặt bài thơ trong bối cảnh ra đời để phân tích cụ thể. Chúng ta có thể đọc lại và xem lại phần diễn đạt của Thầy lê Trí Viễn ở trong bài văn để thấy rõ hơn về vấn đề này.

Quảng cáo

Làm bài tập

Câu 1 (trang 159 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 - Kết nối tri thức):

- Ở đây lại là trong tầm mắt và thẩm mỹ, điệu xúc động của một ông vua thi sĩ. Ông vua ấy - Trần Nhân Tông Đúng là tự thân lăn lộn trong dân, cùng nhân dân vào sinh ra tử gian khổ biết chừng nào mới đánh đuổi được quân giặc, giành lại được cho đất nước, cho dân cảnh sống thănh bình này.

Câu 2 (trang 159 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 - Kết nối tri thức):

- Trần Nhân Tông (1258 – 1308) tên thật là Trần Khâm, con đầu của vua Trần Thánh Tông. Sau khi lên ngôi, ông tỏ ra là một vị vua nổi tiếng khoan hòa, nhân ái và yêu nước. Ông đã cùng vua cha lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông thắng lợi vẻ vang (1285, 1288).

Vốn theo đạo Phật và là người sáng lập dòng thiền Trúc Lâm theo hướng Việt Nam hóa đạo Phật, cuối đời, vào năm 1298, ông đi tu và trụ trì ở chùa Yên Tử (thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay). Vua Trần Nhân Tông còn là một nhà văn hóa, một nhà thơ tiêu biểu của đời Trần.

Bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ta được ông sáng tác trong một dịp về thăm quê. Các vua đời Trần cho xây ở quê một hành cung gọi là cung Thiên Trường để thỉnh thoảng về nghỉ ngơi. Mỗi dịp về đó, các vua thường có thơ lưu lại, nay còn giữ được vài bài, trong đó có bài này. Bài thơ gợi được cái hồn, cái cốt của làng quê Việt Nam. Bài thơ phảng phất chất thiền thể hiện tâm hồn sâu lắng, thanh cao của bậc vua hiền tài nhân ái Trần Nhân Tông.

Quảng cáo

Câu 3 (trang 159 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 - Kết nối tri thức):

- Ngôn ngữ thơ: sử dụng từ Hán Việt, giải nghĩa các từ ngữ → tư tưởng nội dung

- Không gian và thời gian trữ tình trong thơ

2. Viết

Đề 1: Hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học mà bạn yêu thích. 

Bài văn tham khảo:

Tố Hữu vừa là nhà thơ vừa là người chiến sĩ hoạt động cách mạng hang say, cả cuộc đời ông gắn liền với kháng chiến với những sáng tác đầy chất trữ tình chính trị. Bài thơ Khi con tu hú tại nhà lao Thừa Phủ (Huế) vào mùa hè năm 1939, sau khi bị thực dân Pháp bắt giam. Bài thơ thể hiện tâm trạng xốn xang, bức bối của người thanh niên cộng sản đang bị cầm tù, khi nghe thấy tiếng chim tu hú báo hiệu mùa hè đến đã muốn phá tung xiềng xích để trở về với đồng bào, đồng chí yêu thương.

Mở đầu bài thơ tiếng chim tu hú gợi ra cả một bức tranh mùa hẹ rực rỡ sắc màu, rộn rã âm thanh. Đó là âm thanh rất đỗi đời thường và quen thuộc: Tiếng chim tu hú gọi bầy gợi cho nhà thơ nghĩ đến khung trời lồng lộng ở bên ngoài và càng cảm thấy ngột ngạt trong xà lim chật chội, càng khao khát cháy bỏng cuộc sống tự do. Tiếng chim là yếu tố gợi mở để mạch cảm xúc trào dâng mãnh liệt:

Khi con tu hú gọi bầy

Lúa chiêm đương chín, trái cây ngọt dần

Đó là tín hiệu của mùa hè rực rỡ, của sự sống tưng bừng sinh sôi nảy nở. Tiếng chim vô tình tác động đến tâm hồn người tù trẻ tuổi. Nằm trong xà lim chật hẹp, tối tăm, cách biệt với thế giới bên ngoài, nhà thơ lắng nghe tiếng chim rộn rã, lắng nghe mọi âm thanh cuộc đời bằng tâm hồn và trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ. Tiếng chim vượt qua song sắt nhà tù vang tới đôi tai người tù Cách mạng.  Một tiếng chim thôi cũng gợi trong tâm tưởng nhà thơ cả một trời thương nhớ về những mùa hè nồng nàn của quê hương. Hình ảnh “lúa chiêm đang chín” và “trái cây ngọt dần” được miêu tả bằng động từ chỉ trạng thái khiến cho bức tranh tĩnh mà như động, thể hiện tiết trời đang độ vào hè.

Mùa hè là mùa của sức sống căng tràn dưới cái nắng vàng óng như mật của miền Trung. Những âm thanh rạo rực và hình ảnh tươi đẹp, tràn đầy sức sống của mùa hè nối nhau hiện lên trong kí ức nhà thơ:

Vườn râm dậy tiếng ve ngân

Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào

Trời xanh càng rộng càng cao

Đôi con diều sáo lộn nhào từng không…

Ôi tiếng ve! Tiếng ve ngân dài suốt thời thơ ấu, suốt tuổi học trò, làm sao quên được! Tiếng ve gợi nhớ về những khu vườn râm mát bóng cây, những sân phơi bắp (ngô) đầy ắp nắng đào. Màu vàng của lúa, bắp; màu hồng của nắng; màu xanh của trời tạo nên những mảng màu sắc lung linh, rực rỡ của bức tranh quê. Thoang thoảng đâu đây hương lúa, hương thơm trái chín đầu mùa. Xa xa, tiếng chim tu hú lảnh lót, tiếng ve ngân ra rả trong vòm lá. Trên bầu trời cao rộng, những cánh diều chao lượn, tiếng sáo vi vu trong gió nam mát rượi chiều hè… Phải gắn bó, yêu mến quê hương sâu đậm đến độ nào thì nhà thơ mới hình dung ra một bức tranh mùa hè xứ Huế sống động đến như vậy. Đó là những mùa hè mà chàng thanh niên mười tám còn được sống tự do giữa gia đình, bè bạn, đồng bào, đồng chí thân thương. Cuộc sống bên ngoài với tất cả vẻ đẹp, tất cả sức sống, tất cả sự tưới tắn rực rỡ, như ùa vào không gian nhà lao, khuấy động tâm tư con người trong cảnh ngục tù trăn trở. Đặc biệt hình ảnh “trời xanh” – “con diều sáo” là sự biểu hiện của lòng khao khát tự do đến cháy bỏng: con diều sáo hay chính là tâm tưởng của người tù đang bay lượn tự do trên bầu trời.

Sáu câu thơ lục bát uyển chuyển mở ra cả một thế giới rộn ràng, tràn trề nhựa sống. Nhiều âm thanh, hình ảnh tiêu biểu của mùa hè được đưa vào bài thơ: tiếng ve ngân trong vườn cây, lúa chiêm chín vàng trên cánh đồng, bầu trời cao rộng với cánh diều chao lượn, trái cây chín mọng ngọt lành… Tiếng chim tu hú khởi đầu và bắt nhịp cho mùa hè rộn rã âm thanh, rực rỡ màu sắc, ngạt ngào hương vị… trong cảm nhận của người tù. Đoạn thơ thể hiện khả năng cảm nhận tinh tế và khát vọng tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng trẻ trung, yêu đời nhưng đang bị quân thù tước mất tự do. Trong “Tâm tư trong tù”, cùng sáng tác trong khoảng thời gian này, Tố Hữu cũng từng viết:

Tai mở rộng và lòng nghe rạo rực…

Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức

Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu.”

Cuộc sống rạo rực sức sống ấy chỉ xuất hiện trong tâm trí con người. Không khí ngột ngạt của chốn lao tù khiến người từ quay trở về hiện thực phũ phàng, khắc nghiệt

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!

Càng yêu mến cuộc sống, càng khao khát tự do, nhà thơ càng phẫn uất trước cảnh giam   hãm tù đầy. Với cách ngắt nhịp độc đáo và kết hợp các động từ mạnh, lời thơ như tiếng lòng phẫn uất, hoàn toàn trái ngược với tâm trạng say mê náo nức ở khổ đầu. Thi hứng được khơi nguồn bắt đầu từ tiếng chim tu hú. Tiếng chim nhắc nhớ đến mùa hè và tạo nên sự xao động lớn trong tâm hồn thi sĩ. Cảm xúc cứ dâng lên từng đợt, từng đợt như sóng dậy, thôi thúc con người phá tung xiềng xích, phá tan tù ngục để trở về với cuộc sống phóng khoáng, tự do. Dường như sức nóng của mùa hè đang rừng rực cháy trong huyết quản người thanh niên yêu nước Tố Hữu. Sức sống mãnh liệt của mùa hè chính là sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ khát khao lí tưởng cách mạng, khát khao hoạt động, cống hiến cho dân, cho nước. Tiếng chim tu hú là tiếng gọi thôi thúc của cuộc sống đối với người chiến sĩ cách mạng đang bị giam cầm. Bên ngoài là tự do, phóng khoáng, còn nơi đây là tù túng, bức bối:

Ngột làm sao, chết uất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!

Tâm trạng đau khổ, uất ức bật thốt thành lời thơ thống thiết. Cách ngắt nhịp bất thường kết hợp với các từ ngữ có khả năng đặc tả và những từ cảm thán như truyền đến độc giả cái cảm giác uất hận cao độ và niềm khao khát cháy bỏng muốn thoát ra khỏi cảnh tù ngục, trở về với cuộc sống tự do bên ngoài của người thanh niên yêu nước đang bị giam cầm trong lao tù đế quốc. Câu thơ chứa đựng nỗi khắc khoải, vật vã, day dứt khôn nguôi cả về thể xác lẫn tâm hồn của nhà thơ trẻ. Trong hoàn cảnh ấy, thời khắc ấy, người cộng sản phải tự đấu tranh với bản thân để làm chủ mình, vượt lên những đắng cay nghiệt ngã của lao tù đế quốc, nuôi dưỡng ý chí, giữ vững khí tiết và tinh thần đấu tranh cách mạng. Tiếng chim tu hú cứ kêu hoài như nhắc nhở tới nghịch cảnh của nhà thơ, giục giã nhà thơ phá tung tù ngục để giành lại tự do.

Bài thơ bắt đầu và kết thúc đều bằng tiếng chim tu hú. Mở đầu là tiếng chim tú hú của hoài niệm, kết lại bằng âm thanh giục giã thôi thúc, vang lên dồn dập vào đôi tai, tác động mạnh mẽ đến tâm trí người tù. Sự đối lập giữa con người và tiếng chim ngoài kia, giữa sự tự do và tâm trạng bức bối của người tù. Đến loài chim còn được tự do kêu tiếng kêu của nó mà loài người lại chẳng có chút tự do! Câu thơ kết vang lên đầy đau đớn, ám ảnh nhưng vẫn hướng ta tới một niềm tin sâu sắc vào lẽ sống, vào lẽ tự do của cuộc đời.

Bài thơ Khi con tu hú làm theo thể thơ lục bát rất phù hợp với việc diễn tả tâm tư nhân vật. Sáu câu đầu nhịp điệu thong thả, từ ngữ trong sáng, hình ảnh tươi vui, tạo nên bức tranh mùa hè tuyệt đẹp. Bốn câu thơ sau nhịp điệu thay đổi hẳn. Câu thơ căng thẳng như chứa đựng một sức mạnh bị dồn nén chỉ chực bật tung ra. Đó là tâm trạng của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi hoạt động chưa được bao lâu đã lâm vào cảnh tù ngục, lúc nào cũng khao khát tự do, muốn thoát khỏi bốn bức tường xà-lim lạnh lẽo để trở về với đồng bào, đồng chí thân yêu. Đặc sắc nghệ thuật của bài thơ được tạo nên từ rung động tột đỉnh của cảm xúc kết hợp với bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật vừa chân thực vừa tinh tế. Tiếng chim tu hú chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi đã làm dậy lên tất cả cảnh và tình mùa hè trong tâm tưởng nhà thơ. Người tù thấu hiểu được cảnh ngộ trớ trêu của mình trong chốn lao tù ngột ngạt, giữa lúc cuộc sống bên ngoài đang nảy nở, sinh sôi. Phải bứt tung xiềng xích, phá tan những nhà ngục hữu hình và vô hình đang giam hãm cả dân tộc trong vòng nô lệ. Bài thơ Khi con tu hú là tiếng lòng của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi tuy đang phải sống trong cảnh lao tù nhưng vẫn tràn đầy sức sống, sức trẻ, chan chứa tình yêu con người, tình yêu cuộc sống.

Đề 2: Khi được học về thần thoại và sử thi, vấn đề gì đã khiến bạn thực sự thấy hứng thú và muốn tìm hiểu sâu hơn? Hãy viết một báo cáo nghiên cứu về vấn đề đó.

Bài văn tham khảo:

Sử thi là thể loại dân gian ra đời từ rất lâu và đến nay không còn được sáng tác nữa. Nhưng sử thi đã để lại những giá trị nhân văn và giá trị nghệ thuật đáng kể trong văn học Việt Nam. Hơn thế nữa, qua những tác phẩm sử thi đời sống và hiện thực thẩm mĩ đều được phản ánh một cách chân thực nhất. Một trong số những sử thi tiêu biểu ở Việt Nam phải kể đến Đăm Săn. Sử thi Đăm Săn có giá trị tư tưởng – thẩm mĩ trong hình thức cổ điển, phản ánh trực tiếp những khát vọng hào hùng của lịch sử buổi đầu hình thành các bộ tộc ở Tây Nguyên và đời sống vẻ đẹp văn hóa độc lạ nơi đây.

Lí do mà tôi chọn đề tài này bởi lẽ ở đây hiện ra trọn vẹn chân dung tâm hồn của người Ê-đê thời cổ đại, khi họ bắt đầu nảy ra những ý tưởng muốn vươn tới những đỉnh cao nhận thức mới về cái thế giới mà họ đang khát khao khám phá. Dù ba phần tư thế kỉ trôi qua từ khi Sử thi Đăm Săn được sưu tập lần đầu tiên nhưng tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị như một phát hiện nghệ thuật kì thú. Người ta đã hết sức ngạc nhiên trước vẻ đẹp của nó và coi tác phẩm này là một sử thi sánh ngang với sử thi Iliat trong di sản văn hóa nhân loại.

Trước tiên, có thể thấy, ngôi nhà là điểm nổi bật trong giá trị văn hóa vật chất của người Ê-đê. Trong sử thi Đăm Săn, ngôi nhà của người anh hùng Đăm Săn được miêu tả rất kỹ: “nhà chàng Đăm Săn dài đến nỗi tiếng chiêng đánh đằng trước nhà, người đứng sau nhà không nghe thấy. Mái hiên nhà chàng con chim bay mỏi cánh mới hết”. Nhà của Đăm Săn có những “chiếc khiên chói lọi như đèn đuốc”, “vải sợi nặng trĩu làm cong các sào phơi. Thịt bò thịt trâu treo đầy xung quanh”, “bát đĩa bằng đồng để khắp sàn nhà” (2). Người Ê đê thường cất nhiều đồ dùng ở trong nhà, đặc biệt ở gian khách, ví dụ như ché rượu cần, cồng chiêng, nồi đồng, thịt trâu bò... vì đây là những tài sản giá trị, thể hiện sự giàu có. Ngôi nhà ấy không chỉ là không gian sống mà còn là nơi gắn kết bao thế hệ dòng tộc người Ê đê, nơi đánh dấu sự phồn thịnh, hùng cường của bộ tộc, bộ lạc. Thực tế nhà ở của người Ê-đê cũng chia không gian nội thất làm hai phần theo chiều dọc, phần phòng khách vừa là nơi sinh hoạt vừa là nơi gắn kết cả đại gia đình. Phần cuối thì dành cho các cặp hôn nhân ở trong từng buồng có vách ngăn. Những ngôi nhà dài không chỉ là biểu tượng vật chất của thế chế gia đình mẫu hệ mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần của người Ê Đê qua năm tháng. Ngôi nhà sàn được làm bằng tre, nứa hoặc bằng gỗ, mặt sàn và vách tường bao quanh nhà làm bằng thân cây bương hay thân cây tre già đập dập, mái lợp cỏ tranh. Điều đặc biệt của ngôi nhà dài là luôn có hai cầu thanh đực dành cho những thành viên nam và cầu thang cái dành cho nữ giới. 

Đời sống của người Ê-đê còn được thể hiện qua món ăn hàng ngày. Ẩm thực Ê Đê là sự hòa trộn, tinh tế của thảo dược, gia vị và thực phẩm tươi sống với những phong cách nấu nướng đặc biệt. Những món ăn luôn có sự kết hợp hài hòa giữa vị chua, cay và đắng. Ẩm thực Ê Đê đã góp phần tạo nên sự độc đáo cho nền ẩm thực Việt Nam.và đồng thời là yếu tố thu hút khách du lịch. Trong những bữa ăn, cơm tẻ là một món ăn chủ yếu, muối ớt là thức ăn không thể thiếu đối với đồng bào Ê Đê. Những món ăn tiêu biểu của Ê Đê với nhiều loại gia vị, thảo dược có thể kể đến như món thịt bò xào xả gừng, các loại thịt thú rừng, các món hầm như canh làm từ bột gạo xay nhuyễn, canh môn rừng, cá lóc suối, gà nướng. Trong sử thi Đăm Săn, Đăm Par Kvây đã tiếp đãi Đăm Săn trước khi lên đường bắt Nữ Thần Mặt Trời “đốt một gà mái ấp, giết một gà mái đẻ, giã gạo trắng như hoa êpang”. Ẩm thực Ê Đê phản ánh phong tục, lối sống phóng khoáng, gần gũi giữa con người với thiên nhiên thông qua cách nguyên liệu, chế biến theo phong cách vừa dân dã, vừa đậm chất núi rừng.

Bản sắc văn hóa của cộng đồng người Ê đê được thể hiện rõ nét qua trang phục và các hoạt động lao động sản xuất. Người anh hùng Đăm Săn được miêu tả với thân hình khỏe khoắn, cường tráng trong trang phục: “cái khố có hoa sao, cái áo có hoa me”, “Trên đầu, chàng quấn một cái khăn màu tím. Quanh lưng, chàng thắt một chiếc khăn màu đỏ”. Trang phục của Đăm Săn chính là trang phục điển hình của đàn ông Ê đê xưa. Y phục của họ gồm áo và khố: áo của nam thường có phần tay khá dài, vạt sau dài hơn vạt trước và khố dùng để che chắn nửa thân dưới của họ. Ngoài ra, họ cũng thường mang hoa tai, vòng cổ hoặc quấn khăn đen nhiều vòng trên đầu. Chính những bộ trang phục này đã tôn lên vẻ đẹp độc đáo, đầy nam tính của họ. Bên cạnh đó, những người vợ của Đăn Săn cũng mang những bộ trang phục rất bắt mắt “Mỗi nàng mặc một chiếc váy có hoa me và chiếc áo có hoa sao”. Trang phục của nữ giới là váy tấm, áo chui, chúng được làm bằng thổ cẩm với gam màu chàm, màu đen chủ đạo và điểm những hoa văn sặc sỡ đậm chất thiên nhiên núi rừng. Trang phục còn kết hợp với trang sức bằng vàng hoặc đồng, vòng tay thường được đeo thành bộ kép để nghe tiếng va chạm của chúng vào nhau. 

Phương tiện đi lại phổ biến nhất của người Ê đê xưa là voi, là ngựa: “Mặt đất in dấu chân ngựa nhiều như chân rết. Mặt đất in đầy dấu chân voi như đáy cối giã gạo”. Đăm Săn đã cưỡi voi dẫn dân làng đi lao động bắt cua, tôm, cá; cưỡi voi đi chiến đấu với M’tao Grứ và M’tao M’xây để bảo vệ thị tộc, bảo vệ vợ của mình. Đó là những “con voi đực đuôi dài chấm đất, có bộ ngà rộng, mặt nó như bông hoa đẹp, khiến cho người người trông thấy nó đều phải vui mừng”. Không chỉ có voi mà ngựa cũng là một người bạn đồng hành cùng Đăm Săn đi bắt nữ thần Mặt Trời “con ngựa chạy nhanh như gió thổi, vượt lên đỉnh núi, nhảy qua bao dòng thác, bao con suối” đã cùng Đăn Săn băng qua mọi khó khăn ở rừng sáp đen của bà Sun Y Rít và cùng Đăm Săn hy sinh trên con đường chinh phục tự nhiên.

Đặc điểm văn hóa nổi bật của người dân Ê-đê là chế độ mẫu hệ. Điều này được thể hiện rõ qua sử thi Đăm Săn. Chế độ mẫu hệ của người Ê đê in đậm trong kiến trúc và trang trí chiếc đầu cầu thang vào nhà. Chúng được trang trí đôi bầu sữa và hình vầng trăng khuyết - những biểu tượng sống động của tính nữ. Khi Đăm Săn đến nhà của Nữ Thần Mặt Trời “cầu thang trông như cái cầu vồng”. Văn hóa người Ê đê còn mãi với tục nối dây (Juê nuê) - một luật tục cổ truyền trong hôn nhân của người Ê đê. Tục này quy định khi chồng chết, người phụ nữ có quyền đòi hỏi nhà chồng phải thế một người đàn ông khác để làm chồng. Ngược lại khi vợ chết, người chồng phải lấy một người con gái trong gia đình vợ, miễn là người đó chưa có chồng. Theo tục Juê nuê, trong hôn nhân của người Ê đê, khi bà của H’Nhí và H’Bhí chết, hai nàng phải nối dây với chồng bà là ông M’tao Y Kla (cậu của Đăm Săn). Nhưng cậu của Đăm Săn chết, Đăm Săn phải thay cậu nối sợi dây hôn nhân với H’Nhí và H’Bhí. Trong sử thi, Đăm Săn đã thực hiện nhiệm vụ làm lụng gắn với các hoạt động chăn nuôi, săn bắt, trồng trọt. Khát vọng của chàng mang ý nghĩa khẳng định sức mạnh của bản thân mình, đặt sức mạnh con người sánh ngang với tự nhiên. Đăm Săn kiên cường đi tìm nữ thần Mặt Trời. Đứng trước nữ thần Mặt Trời vô cùng xinh đẹp, chàng đã nói rõ ý định của mình: “Tôi đến đây tìm người dệt chăn cho tôi, dệt áo dệt khố cho tôi mặc, tìm người nấu cơm cho tôi ăn”. Nhưng nữ thần Mặt Trời đã từ chối. Chàng thất vọng lên ngựa trở về, nhưng ngựa của Đăm Săn không chạy đua kịp với tốc độ của ánh sáng mặt trời nên cuối cùng chàng chết ngập trong rừng đất đen đang tan chảy của bà H’Sun Y Rít. Người anh hùng đã hy sinh nhưng lý tưởng thì vẫn được tiếp nối mãi với sự xuất hiện của Đăm Săn cháu sau này, những người dân Ê đê khác sẽ tiếp tục đi tiếp con đường của chàng Đăm Săn, tiếp tục hoàn thiện lý tưởng, khát khao khẳng định mình, chinh phục thiên nhiên, những miền đất lạ để mở rộng sự giàu có, trù phú của buôn làng mà người anh hùng này đã mở ra trước đó…

Sử thi Đăm Săn là một trong những tác phẩm quan trọng trong kho tàng văn học dân tộc. Qua hình tượng Đăm Săn, chúng ta hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa và con người Ê đê vùng đất Tây Nguyên. Sử thi Đăm Săn đã tô đậm thêm những nghi thức, nghi lễ độc đáo với những tập tục đặc biệt của tộc người Ê đê không thể trộn lẫn với các dân tộc khác. 

Đề 3: Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm mà bạn cho là không phù hợp với chuẩn mực chung được cồng đồng tạo dựng. 

Bài văn tham khảo:

Henry Brooks Adams từng nói: “Biết cách học là đủ chứng tỏ bạn thông thái”. Quả đúng là như vậy, phương pháp học tập đúng đắn sẽ tạo nên hiệu quả tích cực. Học tập là nhiệm vụ của học sinh. Để duy trì thành tích học tập tốt, bên cạnh việc chăm chú nghe giảng, học tập trên lớp, thời gian tự học thông qua làm bài tập về nhà cũng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các học sinh có thói quen không làm bài tập ở nhà.

Vậy bạn có biết tại sao học sinh chúng ta ngày càng lười làm bài tập không? Với tôi, tôi cảm thấy bài tập về nhà rất khó và làm tốn rất nhiều thời gian, vì vậy tôi thường trì hoãn việc làm bài của mình. Vậy còn các bạn thì sao? Nhiều học sinh cho rằng học tập là một nhiệm vụ bắt buộc nên luôn thực hiện nó một cách đối phó. Cũng có nhiều học sinh cho rằng thời gian học tập trên lớp là đủ và không muốn phải tiếp tục học khi về nhà. Và cũng có những học sinh cảm thấy áp lực trong học tập, chán ghét và sợ hãi việc học. Đó là những lí do hình thành thói quen không làm bài tập về nhà ở phần lớn học sinh hiện nay. Sau mỗi buổi học trên lớp, giáo viên thường giao cho học sinh một số câu hỏi bài tập để củng cố thêm kiến thức. Tuy nhiên, chỉ cần bước chân ra khỏi lớp học, đôi khi chúng ta sẽ quên ngay mọi lời giáo viên nói. Và khi trở về nhà, chúng ta bị thu hút bởi những cuộc vui, bởi những trò chơi điện tử hay đơn giản là vì lười nên không muốn làm gì cả. Thói quen làm bài tập ở nhà của học sinh hiện nay chủ yếu là đối phó. Chúng ta thường tìm lời giải trên mạng rồi chép lại mang đến lớp nộp để giáo viên kiểm tra mà không hề tự cố gắng làm bài. Hoặc chăm hơn một chút, có những học sinh sẽ tự ngồi làm bài tập về nhà nhưng chỉ làm một cách qua loa, không đầu tư nhiều thời gian và công sức.

Cũng có những bạn sẽ không làm ở nhà mà đến lớp, sát giờ học mở vở ra mới nhận ra có bài tập và vội vàng làm hoặc sẽ mượn bài của các bạn trong lớp chép. Và cũng sẽ có những bạn không quan tâm đến việc có bài tập, không làm và đến lớp học với một cái đầu trống rỗng. Có lẽ những biểu hiện trên đều đã từng xuất hiện trong chính chúng ta ít nhất một lần trong đời. 

Không làm bài tập ở nhà là một thói quen xấu. Vậy nếu không thể từ bỏ thói quen ấy, điều gì sẽ xảy ra? Chắc hẳn chúng ta đều biết bất kì thói quen xấu nào cũng hình thành nên những tính cách xấu. Nếu không làm bài tập ở nhà dần trở thành một thói quen, chúng ta sẽ trở thành một con người lười biếng, ì trệ, luôn phụ thuộc vào người khác. Không chỉ trong học tập mà trong bất kì công việc nào của cuộc sống, thói quen trì hoãn sẽ khiến ta không bao giờ hoàn thành được điều mình mong muốn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”.Câu nói ấy đến nay vẫn còn nguyên những giá trị. Học tập và tiếp nhận lí thuyết ở trên lớp thôi chưa đủ, quan trọng chúng ta cần phải biết vận dụng những kiến thức được học vào thực hành làm bài tập và áp dụng trong cuộc sống. Tự mình hoàn thành bài tập ở nhà chính là một cách giúp chúng ta rèn luyện thực hành. Nhờ đó, kiến thức tiếp thu được ở trên lớp sẽ được hiểu sâu và kĩ hơn. Ngược lại, nếu không làm bài tập ở nhà, kiến thức chúng ta tiếp thu sẽ nhanh chóng bị lãng quên, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập. Việc hằng ngày đến lớp mượn vở bạn bè để chép đôi khi còn gây phiền hà với bạn bè xung quanh, đánh mất niềm tin ở bạn bè. Hơn nữa, nếu tất cả các học sinh đều không cố gắng ôn luyện làm bài tập, giáo viên sẽ không thể có những bài học hiệu quả. Việc thiếu ý thức làm bài tập ở nhà của học sinh không chỉ khiến bố mẹ buồn phiền mà thầy cô, nhà trường cũng vô cùng lo lắng.  

Không làm bài tập ở nhà đang dần trở thành một thói quen xấu có ở mọi học sinh. Vậy chúng ta cần làm gì để loại bỏ thói quen ấy? Chúng ta biết rằng để từ bỏ một thói quen không phải là công việc dễ dàng. Vì vậy, hãy bắt đầu rèn luyện từ những điều nhỏ nhất. Trước hết, bạn hãy thiết kế cho mình một thời gian biểu hợp lý. Đối với bài tập về nhà, bạn đừng để khi hôm sau có tiết thì hôm nay mới làm, hãy hoàn thành nó vào ngay buổi tối mà các bạn học môn đó. Bởi đó là lúc kiến thức của bạn đang được lưu trữ tốt nhất và việc làm bài tập sẽ khiến bạn nhớ bài lâu hơn, học tập hiệu quả hơn. Như vậy, khi đến tiết học sau, bạn có thể chủ động và tự tin đến lớp khi tất cả các bài tập đã được hoàn thành. Bạn hãy tự tạo cho mình một không gian học tập hiệu quả bằng cách tách biệt với các thiết bị di động, những thứ có thể làm mình bị sao nhãng, ảnh hưởng. Trong một buổi tối, bạn có thể dành ra 1-2 tiếng để tự học và đặt thời gian nghỉ giữa giờ khoảng 10-15 phút. Với những bài tập khó, bạn có thể nhắn tin nhờ thầy cô hướng dẫn hoặc trao đổi với bạn bè. Một cách học hiệu quả đó chính là chúng ta học nhóm cùng với bạn bè của mình. Như vậy bạn vừa có thể tiếp thu kiến thức từ bạn bè, vừa có thể tự rèn luyện bản thân, nhận ra được những nhược điểm của mình và tìm cách khắc phục. Thay vì để bố mẹ, thầy cô nhắc nhở làm bài tập, chúng ta nên chủ động và tự giác hoàn thành công việc của mình. Bởi học tập là nghĩa vụ của học sinh, chúng ta phải có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Tuy nhiên, đừng nghĩ việc hoàn thành bài tập ở nhà như một trách nhiệm nặng nề, hãy nghĩ đó là quá trình bạn đang hoàn thiện mình. Kiến thức khi chúng ta tự học và chủ động tiếp nhận là những kiến thức được chúng ta lưu giữ lâu và hiệu quả nhất. 

Có thể các bạn sẽ cho rằng thời gian học ở trên lớp là quá nhiều vậy còn học ở nhà làm gì? Hoặc các bạn sẽ cảm thấy việc học và làm bài tập liên tục như vậy sẽ giống như một con “mọt sách”. Cũng có những bạn cho rằng giáo viên giao quá nhiều bài tập khiến chúng ta cảm thấy áp lực và sợ hãi việc học. Những điều các bạn thắc mắc đều hợp lý với tâm lý của phần lớn học sinh hiện nay. Vậy bạn thử nghĩ mà xem, nếu một ngày giáo viên không giao cho các bạn những bài tập ôn luyện, nếu một ngày bạn đã lãng quên hoàn toàn việc tự học ở nhà và nếu một ngày, kiến thức của tất cả học sinh đều chỉ phụ thuộc vào những giờ phút học ít ỏi trên lớp, điều gì sẽ xảy ra? Kiến thức đến với con người nếu không được ôn tập và rèn luyện sẽ nhanh chóng tan biến. Như vậy, làm sao những học sinh có thể nắm vững tri thức để cống hiến cho cộng đồng? Làm sao nền giáo dục có thể phát triển? Làm sao con người và xã hội mới có thể trở nên văn minh? Việc không làm bài tập ở nhà có thể thấy chỉ là một thói quen rất nhỏ nhưng nếu không tìm cách từ bỏ, nó sẽ làm ảnh hưởng đến tính cách con người cũng như trình độ phát triển của xã hội. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng hệ thống giáo dục cần đổi mới phương pháp giao bài tập để học sinh cảm thấy hứng thú hơn với việc học. Thay vì giao bài tập về nhà, giáo viên có thể giao nhiệm vụ chuẩn bị kiến thức cho buổi học sau. Như vậy, học sinh sẽ có được tâm thế chủ động hơn khi đến lớp. Thay vì giao những bài tập viết, giáo viên có thể giao học sinh những bài tập thực hành, làm việc theo nhóm để học sinh phát huy khả năng tư duy, sáng tạo. Như vậy, dù học tập theo hình thức nào, ý thức tự giác, chủ động của học sinh vẫn luôn là yếu tố vô cùng quan trọng. 

Nếu có thể từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà, chắc chắn bạn sẽ đạt được kết quả học tập mong muốn và theo đuổi được ước mơ của mình.  Hãy rèn luyện cho bản thân sự tự giác, chủ động không chỉ trong học tập mà còn trong mọi mặt đời sống. 

3. Nói và nghe

Nội dung 1: Thảo luận về một vấn đề đời sống hoặc văn học có nhiều ý kiến khác nhau do các bạn tự chọn, dựa trên những hiểu biết và trải nghiệm riêng của mình (chú ý sử dụng kết hợp phương thức ngôn ngữ và phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ).

Có thể thảo luận một số vấn đề:

- Chủ đề đời sống:

+ Kiểm tra bài cũ

+ Đi làm thêm ở giới trẻ

- Chủ đề văn học:

+ Những tác phẩm ra đời từ lâu so với ngày nay

+ Những tác phẩm nước ngoài

Nội dung 2: Giới thiệu và đánh giá về một tác phẩm văn học (thơ trữ tình, truyện thần thoại, sử thi, kịch bản chèo, tuồng dân gian,…) theo danh mục được gợi ý trong các phần Củng cố, mở rộng sau mỗi bài học

Bài tham khảo:

Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là............học sinh.........trường......... 

Trước một tác phẩm truyện, mỗi người đọc có thể có những cảm nhận, quan điểm riêng biệt, những đánh giá về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đó. Đến với bài nói ngày hôm nay tôi xin giới thiệu, đánh giá về nội dung, nghệ thuật sử thi “Ra-ma-ya-na” và đoạn trích Ra-ma buộc tội của Ấn Độ.

Tên gọi Ramayaṇa là một từ ghép tatpurusha của Rama và ayana "đi đến, tiến đến", được dịch ra là "những cuộc du hành của Rama". Ramayaṇa bao gồm 24.000 câu thơ đôi  trong bảy tập và kể về câu chuyện của một hoàng tử, Rama của xứ Ayodhya, vợ là Sita bị bắt đi bởi vua quỷ (Rakshasa) vua xứ Lanka, Ravana. Trong dạng hiện tại của nó, Valmiki Ramayana có niên đại có thể từ 500 TCN đến 100 TCN. Ramayana ngợi ca chiến công và đề cao đạo đức của hoàng tử Rama, ca ngợi mối tình chung thuỷ của nàng Sita, đồng thời phản ánh sự phát triển của xã hội người Arian. Tuy là một tác phẩm ca ngợi đẳng cấp quý tộc vũ sĩ nhưng đã khắc họa được những gương mặt có tâm hồn trong sáng. Rama là nhân vật lý tưởng kiểu mẫu của đạo Hindu(nhưng lại là hình mẫu của tư tưởng trọng nam khinh nữ, quan trọng trinh tiết, ép vợ nhảy vào lửa để chứng minh trong sạch và cũng là biểu tượng của việc coi trọng danh dự hơn tính mạng người thân của đạo Hindu), của đẳng cấp vương công quý tộc đồng thời là khát vọng của nhân dân về một vị minh quân, một anh hùng tài ba, đức độ, đem lại hạnh phúc cho xã hội. Xita thánh thiện, là mẫu người phụ nữ Ấn Độ cổ đại, một người vợ tiết hạnh, một người con gái nhân hậu, quả quyết, hi sinh quên mình. Tướng khỉ Hanuman có trái tim nóng bỏng nhiệt tình, là hoá thân của lực lượng quần chúng nhân dân làm hậu thuẫn cho những anh hùng chiến đấu cho tự do và công lý, giải phóng bảo vệ đất nước.. Tác phẩm cũng đã nêu bật được khát vọng chiến thắng cái ác, đem lại nguồn an ủi cho quần chúng nhân dân bị áp bức, do đó được nhân dân rất ưa chuộng. Vì thế, những câu chuyện và những nhân vật trong Ramayana đã được nhiều văn nghệ sĩ khắc họa trong thơ ca và trong các công trình mỹ thuật - điêu khắc ở Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. 

Đặc điểm nổi bật khiến Ramayana sống mãi trong lòng người đọc là sức gợi cảm của nó, với sự kết hợp của yếu tố tưởng tượng kì ảo và việc phản ánh hiện thực khách quan, nét hoang đường kì ảo và việc miêu tả tính cách con người trần tục, những cảnh oai hùng và những cảnh bi tráng. Ramayana đã song hành cùng lịch sử dân tộc Ấn Độ dẫu qua nhiều sự gọt giũa của các thi sĩ vô danh, qua nhiều lời kể của các nghệ nhân dân gian, song vẫn là tiếng ca bất hủ về lòng hướng thiện, tư tưởng yêu hòa bình, đề cao sự công bình bác ái; với những triết lý mang tầm nhân loại có giá trị cho muôn đời: lẽ hài hòa, bổn phận, khát vọng.

Đoạn trích Rama buộc tội nằm ở khúc ca thứ 6 chương 79 và được chia làm hai đoạn. Đoạn một nói lên cơn giân dữ và diễn biến tâm trạng của Rama và đoạn còn lại nêu được diễn biến tâm trạng của Xita muốn tự khẵng định bản thân mình trong sạch khi bước lện dàn hỏa thiêu. Đầu tiên ta phải nói tới thái độ của Rama khi gặp lại Xita. Một thái độ hết sức lạnh lùng, dửng dưng, xa cách. Đây là một thái độ không bình thường ở chỗ lẽ thường, sau một thời gian xa cách, gặp lại vợ, Rama phải vui mừng, hạnh phúc… trước đó, Rama đã bất chấp gian khổ, băng rừng vượt suối để tìm Xita, nhưng tại sao khi gặp lại Rama lại không hề có cảm giác với Xita? Có lẽ vì quá yêu thương Xita và đau nhói khi nghĩ rằng Xita đã đánh mất trinh tiết của mình vào tay ác quỷ. Cơn ghen của Rama trước hết được bắt nguồn từ một tình yêu mãnh liệt đối với Xita: "Thấy người đẹp khuôn mặt bông sen với những cuộn tóc lượn sóng đứng trước mặt mình, lòng Rama đau như cắt". Khi Xita chuẩn bị bước lên giàn hoả thiêu, sắc mặt Rama "khủng khiếp như thần chết", chàng "dán mắt xuống đất" không dám nhìn Xita. Cái khác thường là ở chỗ, cơn ghen của chàng gắn liền với danh dự, bổn phận của một quý tộc: "Để trả thù sự lăng nhục, ta đã làm những gì mà một con người phải làm…phải biết chắc điều này, chẳng phải là vì nàng mà ta đã đạt tới chỗ kết thúc chiến tranh…ta làm như thế là vì nhân phẩm của ta, để xoá bỏ vết ô nhục vì uy tín và danh dự của dòng họ lừng lẫy tiếng tăm của mình…". Đặc sắc của nghệ thuật thể hiện tâm trạng nhân vật là ở chỗ tác giả đã đặt nhân vật vào một tình thế đầy mâu thuẫn – mâu thuẫn giữa tình yêu cá nhân và bổn phận, danh dự của một quý tộc. Rama đã đặt danh dự của một quý tộc lên trên tình yêu, đặt cái chung lên cái riêng. Mọi hành động của chàng đều vì bổn phận: “Ta đã làm tròn lời hứa, và bây giờ ta không còn vướng mắc với chính mình. Thái độ của Rama khi Xita bước lên giàn lửa thiêu không nói một lời, Rama tỏ thái độ kiên quyết, dám hy sinh tình yêu để bảo vệ danh dự. Nhìn vào thái độ cử chỉ của chàng “Rama vẫn ngồi, mắt dán xuống đất lúc đó mon chàng khủng khiếp như thần chết vậy”. Như vậy, coi trọng danh dự, hành động vì danh dự là một phẩm nổi bật của Rama. Và đó cũng là phẩm chất lý tưởng của người anh hùng và đó cũng là tính chất cộng đồng trong sử thi cổ đại.

Điều thứ hai là diễn biến tâm trạng của Xita. Trước lời buộc tội của Rama, Xita mở tròn xoe đôi mắt đầm đìa giọt lệ…đau đớn đến nghẹt thở, như một giây leo bị vòi voi quật nát. Xita xấu hổ cho số kiếp của nàng, và nàng muốn tự chôn vùi cả hình hài của mình. Những lời của Rama xuyên vào trái tim nàng như một mũi tên…nước mắt nàng đổ ra như suối…Vì Rama buộc tội nàng trước đám đông – Xita bị đẩy vào một tình huống bi kịch, tuyệt. Trước những lời buộc tội của Rama, Xita tìm cách thuyết phục, giãi bày nỗi niềm, hi vọng Rama sẽ hiểu mình. Xita nói trong nước mắt: "Thiếp đâu phải là…". Đó là những lời giãi bày gan ruột, vừa có lý, vừa có tình. Nhưng những lời giãi bày của Xita không làm cho Rama thay đổi. Xita rơi vào tình thế tuyệt vọng. Trong hoàn cảnh đó, Xita đã lựa chọn cái chết để chứng minh cho sự trong sáng, thuỷ chung của mình. Sự lựa chọn của Xita là một sự lựa chọn dũng cảm, được bắt nguồn từ niềm tin vào phẩm hạnh của mình. Đó là sự lựa chọn giữa sống và chết, còn và mất, danh dự và nhân phẩm của một người phụ nữ trước sự chứng kiến của cộng đồng. Những lời nàng nói với thần lửa Anhi như được cất lên từ sự đớn đau, tuyệt vọng và một niềm tin mãnh liệt vào lẽ phải. (Thần Lửa Anhi trong quan niệm của người Ấn Độ cổ đại là vị thần gần gũi, biểu tượng của công lý. Vì thế trước khi bước vào ngọn lửa, Xita xin thần Lửa Anhi chứng dám cho tấm lòng trinh bạch của mình: "Nếu con trước sau một lòng một dạ với Rama thì cúi đầu xin thần hãy tìm hết cách bảo vệ con. Rama đã coi một phụ nữ trinh tiết như một kẻ gian dối; nhưng nếu con trong trắng, xin thần Anhi phù hộ con". Và cuối cùng, tấm lòng trong sáng thuỷ chung của Xita đã được thần Lửa và cộng đồng chứng dám. Danh dự và nhân phẩm của nàng đã được bảo toàn. Như vậy, vẻ đẹp lý tưởng của Xita đã được hoàn thiện: Xita không chỉ có một tình yêu trong sáng thủy chung mà còn có một lòng dũng cảm để bảo vệ tình yêu. Vẻ đẹp lí tưởng đó của Xita chứa đựng một triết lí nhân sinh sâu sắc (người Ấn cho rằng, cuộc đời không phải là một sự phẳng lặng, yên ả, mà luôn tiềm ẩn những bất trắc. Chỉ có lòng dũng cảm mới giúp con người ta vượt qua được thử thách. Họ cho rằng, trong mọi chiến thắng, chiến thắng mình là chiến thắng vĩ đại nhất!). Đây chính là phẩm chất nổi bật của hình tượng Xita qua đoạn trích và cũng là một phẩm chất lý tưởng của người phụ nữ Ấn Độ cổ xưa. Cố nhiên, đây là vẻ đẹp lý tưởng theo quan niệm cộng đồng, do vậy phải được cộng đồng chứng dám và thừa nhận. Điều này cắt nghĩa vì sao khi Xita bước lên giàn hoả thiêu lại có đủ các thần linh trên trời, dưới đất, bè bạn , dân chúng chứng kiến.

Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật. Tính cách của Rama đó chính là trọng danh dự, hy sinh cả tình yêu. Còn về Xita, nàng đã chứng minh, khẳng định tấm lòng thuỷ chung nên đã hy sinh tình yêu. Cả hai đều hy sinh tình yêu để bảo vệ danh dự và nhân phẩm.Tác phẩm mang đậm đà tính giáo huấn, tính xung đột gắy gắt về đạo lý, tính đa dạng về hệ thống nhân vật. Như vậy, qua đoạn trích Rama buộc tội, ta đã hiểu được phần nào phẩm chất con người Ấn Độ trong xã hội cổ xưa. Tình yêu của họ thật thiêng liêng và cao quý biết chừng nào.

Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi rất vinh hạnh nếu được nghe chia sẻ giới thiệu, đánh giá về nội dung, nghệ thuật của nhiều những tác phẩm truyện khác mà mọi người quan tâm. 

Nội dung 3: Lớp học của bạn đã có những hoạt động trải nghiệm gì trong thời gian qua? Hãy lập đề cương cho bản báo cáo kết quả của hoạt động trải nghiệm đó và trình bày trước nhóm học tập.

* Đề cương tham khảo:

1. Mở bài

- Giới thiệu về trải nghiệm của lớp học

+ Trải nghiệm ấy diễn ra vào thời gian, thời điểm nào

+ Nêu ấn tượng chung về trải nghiệm đáng nhớ đó

2. Thân bài

- Giới thiệu chung về trải nghiệm đó:

+ Thời gian cụ thể xảy ra trải nghiệm (ngày nào/ mùa nào/ năm nào)

+ Không gian xảy ra trải nghiệm (trung tâm, lớp học, nơi tham quan…)

+ Lúc xảy ra trải nghiệm, em đang ở cùng với những ai? (ai đã chứng kiến và tham gia vào trải nghiệm của em?)

- Kể lại các sự việc đã xảy ra trong trải nghiệm theo một trình tự hợp lí:

+ Sự kiện mà em ấn tượng nhất

+ Lí do khiến em nhớ về trải nghiệm này

+ Kết quả của trải nghiệm đó là gì? (mặt tốt/ xấu)

+ Tác động của trải nghiệm đó đến em và mọi người xung quanh 

+ Kết thúc trải nghiệm, em có những suy nghĩ, bài học như thế nào

3. Kết bài

- Nêu những ý nghĩa của trải nghiệm đó đối với bản thân em:

+ Em cảm nhận như thế nào về trải nghiệm đó? (quan trọng, khó quên…)

+ Trải nghiệm đó giúp em thay đổi bản thân như thế nào?

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 Kết nối tri thức ngắn nhất, hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 10 hay khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 10

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 10 Kết nối tri thức khác
Tài liệu giáo viên