Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện (Những đặc điểm trong cách kể của tác giả) - ngắn nhất Kết nối tri thức

Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện (Những đặc điểm trong cách kể của tác giả) trang 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức giúp học sinh soạn văn 11 dễ dàng hơn.

Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện (Những đặc điểm trong cách kể của tác giả) - ngắn nhất Kết nối tri thức

Quảng cáo

Trong chương trình Ngữ văn lớp 10, bạn đã được làm quen và thực hành các đề bài nghị luận về một tác phẩm truyện. Qua đó, bạn đã nắm được tính chất, yêu cầu của kiểu bài văn và các thao tác cần vận dụng để phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện.

Chương trình Ngữ văn 11 đòi hỏi bạn đi sâu hơn vào việc phân tích, đánh giá tính nghệ thuật của một tác phẩm truyện, đặc biệt là những tìm tòi của tác giả trong cách kể câu chuyện. Để viết tốt kiểu bài này, bạn cần ôn lại các tri thức về nghệ thuật tự sự đã được giới thiệu trong chương trình Ngữ văn 10 và ở bài học này.

* Yêu cầu

- Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm truyện được chọn để phân tích (chú ý nêu khái quát các phương diện làm nên tính nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết sẽ đi sâu phân tích).

Quảng cáo

- Nêu được và phân tích một cách cụ thể, rõ ràng về các phương diện nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm (nghệ thuật sáng tạo tình huống, xây dựng cốt truyện, những nét đặc sắc của hình tượng người kể chuyện, cách tổ chức trần thuật, lời văn và giọng điệu...).

- Nêu nhận định, đánh giá về tác phẩm truyện dựa trên các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục với những phân tích có chiều sâu hay thể hiện góc nhìn mới mẻ.

- Khẳng định giá trị của tác phẩm được chọn để phân tích

* Phân tích bài viết tham khảo

Một vài nét về nghệ thuật tự sự của Nam Cao trong truyện ngắn Đời thừa.

1. Giới thiệu tác phẩm và phương diện nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết sẽ đi sâu phân tích.

Quảng cáo

- Đời thừa là truyện ngắn nổi bật của Nam Cao trong mảng đề tài về người trí thức. Đánh dấu sự chín muồi trong tư tưởng nghệ thuật của nhà văn.

- Đời thừa đặc sắc về nghệ thuật tự sự.

2. Chỉ ra đặc điểm của người kể chuyện trong truyện ngắn (ngôi kể và điểm nhìn).

- Ngôi kể: ngôi thứ ba

- Điểm nhìn: điểm nhìn bên trong, gắn với ý thức nhân vật hơn là từ điểm nhìn bên ngoài.

3. Phân tích vai trò của ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật.

Quảng cáo

- Ngôi kể: Người kể chuyện toàn tri, nắm bắt được toàn bộ diễn biến hành động của nhân vật.

- Điểm nhìn: khắc họa nội tâm, suy nghĩ nhân vật.

- Lời trần thuật: miêu tả, kể lại… những hành động, suy nghĩ của nhân vật.

4. Chỉ ra mối liên hệ giữa người kể chuyện trong tác phẩm với nhà văn.

Người kể chuyện đã thay mặt Nam Cao để làm việc mà ông quan tâm nhất khi cầm bút. Đó là “đau đáu nhìn vào cái nhân cách”, là việc “săn đuổi chính mình đầy ráo riết” và cũng là “săn đuổi cái nhân cách con người ta nói chung”.

6. Đánh giá giá trị của tác phẩm

Đời thừa là tác phẩm phản ánh sâu sắc và rõ nét về cuộc sống của những người trí thức tiểu tư sản nghèo ở nước ta trong bối cảnh đất nước bị ngoại bang giày xéo. Tác phẩm đã gây tiếng vang lớn và thực sự trở thành “tiếng kêu đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”.

Trả lời câu hỏi:

Câu 1 (trang 43 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Nghệ thuật tự sự của Nam Cao trong truyện ngắn Đời thừa có những phương diện đáng chú ý nào?

Trả lời:

Nghệ thuật tự sự của Nam Cao trong truyện ngắn Đời thừa có những phương diện đáng chú ý:

- Mạch kể truyện

- Điểm nhìn kể chuyện

- Thái độ của người kể với nhân vật

- Lời trần thuật

- …

Câu 2 (trang 43 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Khi phân tích từng phương diện làm nên sức hấp dẫn của nghệ thuật tự sự trong Đời thừa, tác giả đã đi theo trình tự nào?

Trả lời:

Khi phân tích từng phương diện làm nên sức hấp dẫn của nghệ thuật tự sự trong Đời thừa, tác giả đã đi theo trình tự:

- Miêu tả yếu tố đó.

- Chỉ ra chức năng, vai trò của nó.

- Thái độ của người kể chuyện với nhân vật.

- Đánh giá hiệu quả nghệ thuật của nó.

Câu 3 (trang 43 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Bạn có thể học hỏi được điều gì từ cách phân tích các phương diện của nghệ thuật tự sự trong Đời thừa? Điều gì ở bài viết làm bạn chưa thỏa mãn.

Trả lời:

- Học hỏi: Khi biết bài văn phân tích các phương diện của nghệ thuật tự sự cần phải nêu được giá trị của văn bản, chỉ ra phương diện nghệ thuật cần đánh giá. Mô tả và nêu vai trò chức năng của nó. Chỉ ra được thái độ của nhân vật và đánh giá hiệu quả nghệ thuật của nó.

- Bài viết chưa đánh giá hiệu quả nghệ thuật của nghệ thuật tự sự.

* Thực hành viết

1. Chuẩn bị viết

- Chọn một tác phẩm truyện (truyện ngắn, tiểu thuyết) để lại cho bạn nhiều ấn tượng về cách kể chuyện.

- Xem lại các tri thức về truyện trong sách Ngữ văn 10 và trong bài này.

- Từ đó, có thể lựa chọn các đề tài như:

+ Phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống truyện và nhân vật trong một tác phẩm truyện.

+ Phân tích đặc điểm, vai trò và chức năng của người kể chuyện trong tác phẩm truyện.

+ Phân tích cách xây dựng truyện kể của một tác phẩm truyện (cách tổ chức hệ thống sự kiện, điểm nhìn, lời văn…).

2. Tìm ý, lập dàn ý

Tìm ý

* Đề bài: Phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống trong truyện ngắn “Vợ nhặt” – Kim Lân.

Khi tìm ý, cần đặc biệt quan tâm các vấn đề sau:

- Tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, mối liên hệ giữa tác phẩm với nhà văn cùng bối cảnh thời đại và các khuynh hướng, trường phái văn học nghệ thuật liên quan.

- Xác định những phương diện cụ thể trong cách kể chuyện của tác phẩm mà bài viết sẽ đi sâu vào phân tích. Với đề tài nghệ thuật xây dựng tình huống trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân, thử xác định xem những mâu thuẫn nào tạo nên tình huống truyện và tình huống ấy có thể bộc lộ điều gì về các nhân vật.

- Đặc biệt cần chú ý phân tích hiệu quả của các phương thức, phương tiện nghệ thuật đã giúp bộc lộ cảm quan về đời sống của nhà văn cũng như khơi gợi suy tưởng và hứng thú diễn giải ở người đọc. Trong truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân đã sử dụng hệ thống ngôn ngữ nói để làm bộc lộ tính cách, suy nghĩ của các nhân vật.

- Đánh giá giá trị của tác phẩm bạn đã chọn trên phương diện nghệ thuật: Tác phẩm có vị trí như thế nào trong sự nghiệp của nghệ sĩ? Nó tạo nên đột phá gì trong cách biểu đạt đời sống, đem đến những ấn tượng, xúc động thẩm mỹ mới mẻ thế nào? Tác phẩm Vợ nhặt đã làm rạng danh tên tuổi nhà văn Kim Lân, đúng với danh xưng Kim Lân là nhà văn của vùng nông thôn.

Lập dàn ý

Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm nghệ thuật bạn sẽ phân tích. Nêu khía cạnh trong nghệ thuật của tác phẩm mà bạn sẽ tập trung làm rõ.

Thân bài: Căn cứ vào việc xác định các yếu tố làm nên tính nghệ thuật của tác phẩm truyện mà bạn chọn phân tích, triển khai bài viết thành các luận điểm tương ứng. Khi phân tích các yếu tố này có thể đi theo các trình tự: miêu tả yếu tố đó, chỉ ra chức năng, vai trò của nó; đánh giá hiệu quả của nó.

Kết bài: Khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm truyện.

Dàn ý cho đề bài “Phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống trong truyện ngắn “Vợ nhặt” – Kim Lân”.

a) Mở bài

- Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm:

+ Kim Lân là nhà văn một lòng một dạ đi về với "đất", với "người", với "thuần hậu nguyên thủy" của cuộc sống nông thôn.

+ Nạn đói năm 1945 đã đi vào nhiều trang viết của các nhà văn, nhà thơ trong đó có Vợ nhặt của Kim Lân.

- Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề: Tình huống truyện độc đáo trong Vợ Nhặt.

b) Thân bài

* Khái niệm tình huống truyện

- Tình huống truyện là hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt mà tại đó cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất, bộc lộ rõ nét nhất ý đồ tư tưởng của tác giả.

- Tình huống truyện giữ vai trò là hạt nhân của cấu trúc thể loại.

* Phân tích tình huống nhặt vợ

- Bối cảnh xây dựng tình huống truyện:

+ Bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà kết quả là hơn hai triệu người chết.

+ Một không khí ảm đạm, thê lương, những người sống luôn bị cái chết đe dọa.

- Tóm tắt tình huống: Vốn là một anh chàng dân ngụ cư, xấu trai, ế ẩm lại nghèo, thế mà Tràng đã “nhặt” được vợ một cách ngẫu nhiên và quá dễ dàng ngay trong những ngày đói chỉ bằng mấy câu hát, mấy lời bông đùa “tầm phơ tầm phào”, mấy bát bánh đúc…

Các chi tiết độc đáo của tình huống truyện:

+ Ở Tràng hội tụ nhiều yếu tố khiến nguy cơ “ế” vợ rất cao:

Ngoại hình xấu xí, thô kệch.

Tính tình có phần không bình thường.

Ăn nói cộc cằn, thô lỗ.

Nhà nghèo, đi làm thuê nuôi mình và mẹ già.

Nạn đói đe dọa, cái chết đeo bám.

+ Tràng lấy vợ là lấy cho mình thêm một tai họa (theo lô gíc tự nhiên).

+ Việc Tràng lấy vợ là một tình huống bất ngờ

Cả xóm ngụ cư ngạc nhiên.

Bà cụ Tứ cũng hết sức ngạc nhiên

Bản thân Tràng có vợ rồi vẫn còn “ngờ ngợ”.

+ Tình huống truyện bất ngờ nhưng rất hợp lý:

Nếu không phải năm đói khủng khiếp thì "người ta" không thèm lấy một người như Tràng.

Tràng lấy vợ theo kiểu “nhặt” được.

* Giá trị của tình huống truyện

- Giá trị hiện thực:

+ Phác họa tình cảnh thê thảm của con người trong nạn đói

Cái đói dồn đuổi con người.

Cái đói bóp méo cả nhân cách.

Cái đói khiến cho hạnh phúc thật mỏng manh, tội nghiệp.

+ Tố cáo mạnh mẽ tội ác của bọn thực dân Pháp, phát xít Nhật đã gây ra nạn đói khủng khiếp.

- Giá trị nhân đạo

+ Tình người cao đẹp thể hiện qua cách đối xử với nhau của các nhân vật.

Tràng rất trân trọng người “vợ nhặt” của mình.

Thiên chức, bổn phận làm vợ, làm dâu được đánh thức nơi người “vợ nhặt”

Tình yêu thương con của bà cụ Tứ.

+ Con người luôn hướng đến sự sống và luôn hi vọng, tin tưởng ở tương lai:

Tràng lấy vợ là để duy trì sự sống.

Bà cụ Tứ, một người già lại luôn miệng nói về ngày mai với những dự định thiết thực tạo niềm tin cho con dâu vào một cuộc sống tốt đẹp.

Đoạn kết tác phẩm với hình ảnh lá cờ đỏ và đoàn người phá kho thóc Nhật.

c) Kết bài

- Khẳng định tài năng nhà văn qua việc xây dựng tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn.

- Khẳng định giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm.

3. Viết

- Nên triển khai từng ý trong dàn ý thành một đoạn văn; ở từng đoạn văn cần có câu chủ đề đặt ở vị trí thích hợp.

- Cần dẫn lời văn hay chi tiết trong tác phẩm truyện có thể minh họa tốt cho ý đã được nêu.

- Lời văn cần tránh sự bình tán dễ dãi, lan man. Cách phân tích và đánh giá tác phẩm nghệ thuật cần có sự kết hợp hài hòa giữa lí (mạch phân tích) và tình (thái độ của người viết đối với tác phẩm.

Bài viết tham khảo

“Vợ nhặt” là một trong những tác phẩm độc đáo của Kim Lân khi viết về cuộc sống và con người ở nông thôn. Khi viết về truyện ngắn, có ý kiến cho rằng: “Một trong những sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của Kim Lân trong truyện ngắn “Vợ nhặt” là đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo và hấp dẫn”. Có thể nói, đây chính là yếu tố tạo nên thành công của tác phẩm.

Là cây bút truyện ngắn vững vàng, Kim Lân viết về người nông dân và cuộc sống ở nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn của người vốn là “con đẻ” của đồng ruộng. Những ông Hai, bà cụ Tứ, anh cu Tràng... hiện lên trong tác phẩm hồn hậu chân thực, chất phác và chiếm được nhiều thiện cảm trong lòng người đọc. Sáng tác ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công và sau này được viết lại vào khoản sau hòa bình lập lại (1954) truyện ngắn có tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”, là câu chuyện kể về cuộc sống của những người không có “hộ khẩu” chính thức trên mảnh đất mà mình sinh sống. Trên cái nền lịch sử của nạn đói năm 1945, Kim Lân đã đặt nhân vật của mình vào trong một tình huống độc đáo vừa buồn vừa vui, có hạnh phúc nhưng cũng đầy rẫy những lo toan. Nghệ thuật xây dựng tình huống là việc đặt nhân vật vào trong những ngữ cảnh nhất định, làm môi trường cho nhân vật hoạt động qua đó bộc lộ phẩm chất, cá tính. Trong tác phẩm, Kim Lân đã sáng tạo ra một tình huống đặc biệt. Đó là tình huống anh nông dân nghèo tên Tràng, xấu trai, đang có nguy cơ ế vợ bỗng nhiên lại có vợ, mà lại là nhặt được vợ, là theo không chỉ nhờ một câu hát vu vơ và bốn bát bánh đúc. Tình huống ấy kéo theo hàng loạt các tình huống khác không kém phần lí thú. Tình huống này gây nên sự ngạc nhiên cao độ trong xóm ngụ cư, cho mẹ Tràng và ngay cả bản thân anh cu Tràng nữa bởi hai lý do: Ai có thể ngờ rằng một người nghèo túng, xấu trai, thậm chí có vẻ hơi ngờ nghệch lại là dân ngụ cư như Tràng, xưa nay con gái không ai thèm để ý, vả lại cũng không có tiền cưới vợ mà nay bỗng dưng lấy được vợ, mà là theo khống hẳn hoi. Hơn nữa, trong một bối cảnh như thời điểm ấy, khi cái đói đang hoành hoành, khắp nơi đều vạ vật những người “xanh xám như những bóng ma và nằm ngổn ngang khắp lều chợ (...) Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người” thì một người như Tràng đến nuôi thân còn chẳng lo nổi lại còn mẹ già, nói chi đến chuyện đèo bòng. Bằng ấy cái vô lý và không thể nhưng sự kiện chấn động ấy vẫn cứ diễn ra. Khi Tràng dẫn người đàn bà lạ về nhà, cả xóm ngụ cư đều ngơ ngác không hiểu. Chưa thể nào tin được đó là vợ Tràng họ bắt đầu phỏng đoán:

Ai đấy nhỉ?... Hay là người nhà dưới quê bà cụ Tứ mới lên?

- Chả phải, từ ngày còn mồ ma ông cụ Tứ có thấy họ mạc nào lên thăm đâu.

- Quái nhỉ?

Im một lúc, có người bỗng lại cười lên rung rúc.

- Hay là vợ anh cu Tràng? ừ khéo mà vợ anh cu Tràng thật anh em ạ, trông chị ta thèn thẹn hay đáo để”.

Hạnh phúc của đồng loại tạm làm người ta quên đi cái đói khổ trong giây lát. “Hình như họ hiểu được đôi phần. Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tối tăm ấy của họ”. Nhưng rồi ngay sau đó lại là nỗi lo lắng. “Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?”.

Từ đây, Kim Lân kéo người đọc về với tình huống trước đó như một lời lý giải cho việc nhặt được vợ của Tràng, một tình huống cũng thú vị không kém. Tràng nhặt được vợ chỉ nhờ vào câu hát vu vơ khi đẩy xe bò cho đỡ mệt nhọc:

“Muốn ăn cơm trắng với giò này

Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì”

Cái đói khổ làm cho người ta mất hết cả sự xấu hổ và lòng tự trọng. Người đàn bà đã chớp lấy câu nói của Tràng như cái phao cứu sinh cho cuộc đời mình. Lần thứ hai gặp lại thì “xưng xỉa”: “Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống thế mà mất mặt”, rồi không ngần ngại ngồi xuống làm một chập hết bốn bát bánh đúc. Thế là nên vợ nên chồng.

Có thể nói đây là một tình huống hết sức oái oăm, không biết nên vui hay nên buồn, không biết nên mừng hay nên lo? Thứ tâm trạng đan xen ấy hiện lên trong suy nghĩ đầy mâu thuẫn của những người trong cuộc. Tràng “mới đầu cũng chợn nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không lại còn đèo bòng”. Nhưng rồi hắn cũng tặc lưỡi. Cảm giác ấy cùng với những tình cảm mới lạ đan xen khiến Tràng giống như một đứa trẻ. Khác với Tràng, bà cụ Tứ là một người từng trải, nhìn thấy con trai về cùng với người đàn bà lạ mặt “lòng người mẹ nghèo khổ ấy hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán, vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình”. Bà hiểu cả tình cảnh bất hạnh của người đàn bà, cũng như tình cảnh khó khăn sắp tới của cả gia đình. Nỗi lo lắng cùng với niềm hy vọng đan xen, “May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo hết được?”. Bản thân người đàn bà, sau những phút giây chao chát chỏng lỏn để có được miếng ăn, theo không người ta về nhà, chắc chắn giờ đây cũng suy nghĩ mông lung nhiều lắm. Thị trở về với dáng vẻ ngượng ngùng, bẽn lẽn, e thẹn “cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt”.

Đặt nhân vật vào trong tình huống đặc biệt, éo le như vậy, Kim Lân đã làm nổi bật những ý nghĩa sâu sắc của truyện. Không cần đến những lời kết tội to tát câu chuyện thông qua tình huống nụ cười và giọt nước mắt đan xen ấy mà lên án gay gắt bọn phát xít thực dân phong kiến và tay sai đã gây ra nạn đói năm 1945, đẩy con người đến cái chết, dẫn đến những tình huống éo le, cùng cực, làm cho giá trị con người bị rẻ rúng: người ta có thể nhặt được vợ chỉ với bốn bát bánh đúc.

Tình huống ấy cũng chính là môi trường cho nhân vật bộc lộ đặc điểm tính cách cũng như đời sống tinh thần của mình. Tràng tỏ ra là một anh thanh niên chất phác, hiền lành, chăm chỉ làm ăn và có đời sống nội tâm có phần hơi đơn giản. Bà cụ Tứ mang trong mình sự từng trải, nghĩ trước sau chu toàn. Tràng “nhặt” được vợ, bà vừa mừng vừa lo. Bà hiểu cái tao đoạn mà bà và những người xung quanh đang phải trải qua, hiểu vị trí của những người dân ngụ cư trong quan niệm của người khác, hiểu được tình thế oái oăm, đèo bòng của con trai mình. Hơn thế nữa, bà cũng hiểu và cảm thông cho hành động theo không của người đàn bà “Người ta có gặp lúc khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình”. Ngày đầu tiên của cuộc sống mới, cũng chính bà là người gợi ra tương lai tươi sáng, gieo vào trong lòng đôi vợ chồng trẻ niềm hy vọng. Còn ở cô “vợ nhặt” thì tính cách có sự thay đổi đến bất ngờ: từ một người đàn bà chao chát, chỏng lỏn, chị khác hẳn trong tư cách một người vợ, một người quen, dịu dàng, biết thu vén cho cuộc sống gia đình.

Thông qua tình huống truyện đặc sắc Kim Lân cũng muốn thể hiện khát vọng của con người có thể chiến thắng hoàn cảnh để sống và có được hạnh phúc. Người lao động, dù trong tình huống bi thảm đến đâu, ngay cả khi gần kề cái chết vẫn khát khao hướng về ánh sáng, tin tưởng ở sự sống và tương lai. Giá trị nhân văn của tác phẩm là ở đó. Cầu chuyện kết thúc với những ánh sáng báo hiệu điều gì đó tốt đẹp hơn đang đến. Tràng “bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ...” và anh bắt đầu hi vọng: “Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này “. Người mẹ già cũng “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường”, cái mặt bủng beo u ám “rạng rỡ hẳn lên”. Và tất nhiên, nhiều nhất phải nói tới sự thay đổi của người “vợ nhặt”, giờ đây đã trong vai trò của một người vợ hiền đảm đang. Hình ảnh đám người đi phá kho thóc cứ gieo vào trong lòng Tràng đầy ám ảnh như dự báo một cuộc cách mạng không sớm thì muộn cũng sẽ tất yếu xảy ra.

Xây dựng tình huống đặc sắc trong “Vợ nhặt”, Kim Lân đã một lần nữa chứng minh cái tâm, cái tài của mình với tư cách là một nhà văn một đời đi về với “đất”, với “người”, với “thuần hậu nguyên thủy” của cuộc sống nông thôn.

“Vợ nhặt” là một truyện ngắn độc đáo trong nghệ thuật xây dựng tình huống. Chính điều này đã góp phần vào việc thể hiện chủ đề, tư tưởng cũng như tăng tính hấp dẫn trong tác phẩm.

4. Chỉnh sửa, hoàn thiện

- Đọc lại và kiểm tra bài viết. Đối chiếu với các yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập để có những chỉnh sửa cần thiết.

- Xem lại mạch triển khai ý tưởng, cách diễn giải một số khái niệm liên quan đến nghệ thuật kể chuyện, các chi tiết, dẫn chứng được lựa chọn để làm rõ các luận điểm… để đảm bảo sự chặt chẽ, mạch lạc, chính xác của bài viết. Đặc biệt, nên chỉnh sửa những đoạn sa vào bàn luận nội dung của tác phẩm mà thiếu những phân tích có sự gắn kết nó với các phương diện thuộc về nghệ thuật kể chuyện.

- Rà soát và chỉnh sửa các lỗi về chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 11 Kết nối tri thức ngắn nhất, hay khác:

Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):

Săn shopee siêu SALE :

CHỈ CÒN 250K 1 KHÓA HỌC BẤT KÌ, VIETJACK HỖ TRỢ DỊCH COVID

Đăng ký khóa học tốt 11 dành cho teen 2k4 tại khoahoc.vietjack.com

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên