Top 20 Nghe và tóm tắt bài thuyết trình về một tác phẩm văn học do người khác trình bày

Tổng hợp trên 20 bài Nghe và tóm tắt bài thuyết trình về một tác phẩm văn học do người khác trình bày hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 20 Nghe và tóm tắt bài thuyết trình về một tác phẩm văn học do người khác trình bày

Quảng cáo

Đề bài: Nghe và tóm tắt bài thuyết trình về một tác phẩm văn học do người khác trình bày trong buổi sinh hoạt Câu lạc bộ đọc sách.

Nghe và tóm tắt bài thuyết trình về một tác phẩm văn học do người khác trình bày - mẫu 1

Truyện "Thần Trụ trời" thuộc nhóm thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ, muôn loài hay còn gọi là thần thoại suy nguyên được tác giả Nguyễn Đổng Chi sưu tầm. Truyện được coi là tác phẩm có nét đặc sắc trong chủ đề và hình thức nghệ thuật.

"Thần Trụ trời" kể về thần Thần Trụ trời với sức mạnh phi thường đã phân chia bầu trời và mặt đất, dùng đất đá tạo nên núi, đảo... Qua đó, câu chuyện đã giải thích nguồn gốc của sự hình thành các sự vật trong tự nhiên một cách sáng tạo.

Quảng cáo

Mở đầu câu chuyện, tác giả dân gian mở ra không gian vũ trụ hoang sơ "một vùng hỗn độn, tối tăm, lạnh lẽo" và thời gian chưa được xác định rõ ràng "Chưa có vũ trụ, chưa có muôn vật và loài người". Trong khoảnh khắc tối tăm mù mịt ấy, Thần Trụ trời đã xuất hiện với thân hình khổng lồ "Chân thần dài không thể tả xiết". Mỗi bước chân của thần "có thể qua từ vùng này đến vùng nọ, hay từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác". Nhờ sức mạnh phi thường ấy, thần đã tự mình đào đất, đập đá, tạo nên cái cột đá cao và to để chống trời. Cột càng đắp cao, tấm trời lại càng thêm rộng mở. Chẳng bao lâu sau, thần Trụ trời đã đẩy vòm trời lên phía mây xanh, khoảng cách giữa đất trời được phân chia rõ ràng. Sau khi trụ trời xong, thần lại phá cột đá và dùng đất đá ném ra mọi nơi, tạo thành hòn núi, dải đồi cao... Mượn các hình ảnh thiên nhiên, tác giả dân gian đã giải thích quá trình tạo lập thế giới một cách sáng tạo. Từ đây, chủ đề của truyện trở nên gần gũi và hấp dẫn với bạn đọc.

Chủ đề và nghệ thuật của tác phẩm văn học luôn song hành và bổ sung cho nhau. Truyện "Thần Trụ trời" cũng vậy, những sáng tạo hình thức nghệ thuật về cốt truyện, nhân vật đã đóng góp vào thành công trong việc làm nổi bật chủ đề truyện. Là truyện thần thoại, cốt truyện "Thần Trụ trời" được xây dựng hết sức đơn giản và gần gũi, xoay quanh việc thần Trụ trời làm công việc phân chia đất, trời và tạo nên những dạng địa hình tự nhiên khác nhau. Dựa vào trí tưởng tượng của con người cùng những yếu tố kì ảo, truyện đã giải thích quá trình tạo lập vũ trụ và thế giới tự nhiên. Qua đó, ta cũng thấy được khát khao tìm hiểu và khám phá của con người trong buổi đầu sơ khai. Đặc sắc nghệ thuật còn được thể hiện trong việc xây dựng nhân vật kết hợp sử dụng thủ pháp cường điệu, phóng đại kết hợp với các chi tiết hư cấu. Hình ảnh Thần Trụ trời có kích thước "khổng lồ" với những bước chân rộng lớn, sở hữu sức mạnh phi thường, đã giúp cho người đọc hình dung rõ ràng, sắc nét về một vị thần trong thần thoại.

Quảng cáo

"Thần Trụ trời" với những đặc sắc trong chủ đề và hình thức nghệ thuật đã mang đến cho bạn đọc câu chuyện thú vị lí giải về nguồn gốc các sự vật trong tự nhiên. Đồng thời truyện cũng phản ánh mong muốn, khát khao được tìm tòi, khám phá của con người trong buổi đầu sơ khai. Mong rằng tác phẩm sẽ mãi để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc yêu thích văn học dân gian của dân tộc.

Nghe và tóm tắt bài thuyết trình về một tác phẩm văn học do người khác trình bày - mẫu 2

Xin chào cô và các bạn! Vừa rồi, chúng ta đã được nghe bài thuyết trình của bạn Đức Minh về tác phẩm "Bức thư của thủ lĩnh da đỏ" trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8. Sau đây, mình xin phép được tóm tắt lại những ý chính như sau:

Quảng cáo

Đầu tiên, tác giả của văn bản này là tù trưởng Seattle. Ông thuộc bộ tộc Duwamish ở vùng Tây Bắc Hoa Kì. Khi người da trắng tiến vào vùng đất này, họ đã mâu thuẫn với tộc người da đỏ nơi đó. Xung đột nổ ra gây nên bao thiệt hại về cả người và của cho cả hai phe. Cuối cùng, tù trưởng Seattle đã thuyết phục được người dân da đỏ bán cho người da trắng mảnh đất này, đồng thời chuyển tới sinh sống trong những khu vực tập trung của người da đỏ. Về nội dung, "Bức thư của thủ lĩnh da đỏ" đã nêu ra được những điều thiêng liêng, quý báu trong kí ức của người da đỏ với thiên nhiên. Họ gắn bó, trân trọng đất mẹ cùng tất thảy những sinh vật xung quanh. Từng ngọn cỏ, viên đá, từng dòng sông, cánh rừng đều là anh em, máu mủ của họ. Đồng thời, họ cũng có nhiều băn khoăn khi thấy nếp sống thô bạo mà người da trắng thể hiện. Qua đây, ta thấy được thông điệp vô cùng cấp thiết. Đó là phải sống hòa hợp, yêu thương, bảo vệ tự nhiên. Vấn đề này mang tính thời sự rất lớn, thậm chí sẽ vẫn còn giữ nhiệt trong rất nhiều năm tới. Không chỉ vậy, qua "Bức thư của thủ lĩnh da đỏ, ta còn thấy được tình yêu, niềm tự hào cùng sự gắn bó sâu sắc giữa con người với mảnh đất quê hương. Người da đỏ chẳng cần nhà lầu, xe hơi, các tòa cao ốc hay những "con ngựa sắt biết nhả khói". Cái họ cần chính là thiên nhiên bình dị, thân thuộc mà cũng rất đỗi kì vĩ, nên thơ. Về nghệ thuật, "Bức thư của thủ lĩnh da đỏ" có giọng điệu vô cùng linh hoạt: khi thì nhẹ nhàng, da diết, lúc lại đanh thép, hùng hồn. Tác giả cũng sử dụng rất nhiều biện pháp nghệ thuật như nhân hóa, so sánh, điệp ngữ hay tương phản. Từ đó, làm nổi bật lên tình yêu thiên nhiên cũng như phê phán lối sống đi ngược lại với tự nhiên của người da trắng. Những lập luận trong bài cũng được sắp xếp rất hợp lí, logic, tạo nên sự chặt chẽ, giàu sức thuyết phục.

Kết luận lại, đây là một văn bản rất đáng để đọc và trải nghiệm. Trên đây là những ý mà mình tóm tắt được. Cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe!

Nghe và tóm tắt bài thuyết trình về một tác phẩm văn học do người khác trình bày - mẫu 3

Xin chào cô và các bạn!

Chúng ta có được nghe bạn Ngọc Mai thuyết trình về cuốn sách "Khi hơi thở hóa thinh không". Để tóm lược và tổng kết lại phần trình bày của bạn, mình xin phép liệt kê lại một vài ý chính sau đây:

Đầu tiên, "Khi hơi thở hóa thinh không", hay tên gốc "When breath becomes air", là một cuốn tự truyện của tiến sĩ Paul Kalanithi trong cuộc chiến đấu chống lại căn bệnh ung thư phổi quái ác. Khi đang chuẩn bị hoàn thành năm thực tập cuối cùng ở Đại học Stanford - Mỹ, Paul chợt phát hiện ra những dấu hiệu đi xuống trong sức khỏe của mình. Và theo chẩn đoán, anh đã mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Là một bác sĩ, lại ở độ tuổi đỉnh cao sự nghiệp, sự cố này như một tia sét giữa trời quang, làm đảo lộn cuộc sống của anh và người vợ Lucy. Paul cảm thấy như một bệnh nhân trong chính bệnh viện mà mình làm việc. Nhưng vượt lên nghịch cảnh, Paul không bi thương. Thay vào đó, anh đã lựa chọn chia sẻ góc nhìn, cảm nhận của mình trong quá trình lần lượt trở thành bác sĩ và người bệnh. Paul qua đời vào tháng ba năm 2015. Lời kết cuốn sách được viết bởi Lucy - vợ anh, cũng kết thúc cuộc đời của một con người tài ba.

"Khi hơi thở hóa thinh không" đã mang đến câu chuyện vô cùng ý nghĩa, cảm động. Giọng văn ban đầu có sự uyên bác, thông thái khi nhắc về quá trình trở thành bác sĩ của Paul. Anh đam mê văn học, hết lòng chia sẻ con đường học tập của mình. Đó lần lượt là những chuyên ngành Tiếng Anh và Sinh học ở Đại học Stanford; Lịch sử và Triết học Khoa học - Y dược ở Đại học Cambridge và cuối cùng là Y khoa ở Đại học Yale. Tiếp đó, khi kể về quá trình chiến đấu với bệnh tật, ta lại lấy Paul có giọng văn thâm trầm, gần gũi hơn. Đó gần như là những lời chia sẻ thật lòng, chân thành của một bệnh nhân đang cận kề với cái chết. Và cuối cùng, qua lời kết do vợ anh - Lucy viết, ta không thể không xót thương trước sự ra đi của anh.

Để tổng kết, ta thấy được cuốn sách đã được đón nhận vô cùng đông đảo. Thậm chí, cả tỉ phú Bill Gates cũng phải xúc động mà chia sẻ rằng bản thân chắc chắn sẽ đọc "Khi hơi thở hóa thinh không” thêm lần nữa.

Vừa rồi là phần tóm tắt của mình. Rất mong nhận được những đánh giá, góp ý từ phía cô và cả lớp. Cảm ơn mọi người đã chú ý lắng nghe.

Nghe và tóm tắt bài thuyết trình về một tác phẩm văn học do người khác trình bày - mẫu 4

Xin chào cô và các bạn! Sau khi nghe bạn Minh Tâm thuyết trình về tác phẩm "Không gia đình" của nhà văn Hector Malot, mình xin tóm tắt lại một vài ý chính như sau:

Về nguồn gốc, "Không gia đình", hay tiếng Pháp là "Sans famille" là tác phẩm của nhà văn Hector Malot, được xuất bản năm 1878. Cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, trở nên quen thuộc và gần gũi đối với độc giả trên toàn thế giới.

Về nội dung, "Không gia đình" kể về cuộc hành trình tìm lại gia đình của cậu bé Remi. Đó là cậu bé bị bỏ rơi từ nhỏ, được vợ chồng má Barberin nhận nuôi. Nhưng sau đó, cậu đã phải dấn thân vào rất nhiều chuyến đi. Nào là đi diễn cùng gánh xiếc của cụ Vitalis, có khi lại bị giải ra tòa và tống vào tù, nhưng cũng có lúc Remi được sống ấm no, đàng hoàng. Dù trong hoàn cảnh nào, cậu bé vẫn sáng lên với vô số phẩm chất tốt đẹp. Đó là sự ngay thẳng, gan dạ, lòng tự trọng, tình yêu thương và ham lao động.

Về hệ thống nhân vật, ta thấy đây là cuốn tiểu thuyết với số lượng nhân vật khổng lồ. Tuy nhiên, không bởi vậy mà có ai bị mờ nhạt. Tất cả đều được tác giả khắc họa rất rõ nét, để lại nhiều ấn tượng cho độc giả.

Về cách dẫn dắt, đây được đánh giá là có lời văn khá gần gũi, dễ tiếp cận. Không nhiều từ ngữ chuyên ngành cao siêu, cũng chẳng cần sự hoa mĩ, hào nhoáng, từng câu từng chữ cứ vậy đi vào lòng độc giả, để lại bao suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời và số phận con người.

Qua tác phẩm "Không gia đình", ta có thể rút ra nhiều thông điệp quý giá. Đó là sự ngợi ca lao động, đề cao tinh thần tự lập của tuổi trẻ. Đồng thời, phát huy ý thức của người trẻ nói riêng và cộng đồng nói chung về sức chịu đựng, cách đối diện với gian khổ, khó khăn, sóng gió cuộc đời mang lại. Bên cạnh đó, ta cũng thấy thông điệp về tình yêu thương, sự sẻ chia, đùm bọc giữa người với người. Đó chính là cái làm nên giá trị vững bền của cuốn tiểu thuyết.

Mình xin kết thúc phần trình bày ở đây. Nếu có chỗ nào thiếu sót hay chưa đủ ý, mong cô và các bạn có thể nhận xét, bổ sung. Mình xin cảm ơn!

Nghe và tóm tắt bài thuyết trình về một tác phẩm văn học do người khác trình bày - mẫu 5

VIẾNG LĂNG BÁC

                                                 Viễn Phương

Bác ơi tim Bác mênh mông thế

Ôm trọn non sông cả kiếp người

Nhắc đến Bác là ta nhắc đến Vị lãnh tụ vĩ đại, người cha già kính yêu của dân tộc, nguồn cảm hứng bất tận của thi ca, nhạc họa. Viết về Người có bao câu chuyện cảm động, bao lời ca đẹp, bao áng thơ hay. Trong số đó, ta không thể không nhắc đến “Viếng lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương. Thi phẩm gói trọn niềm xúc động, thành kính, thiêng liêng của người con Miền Nam có dịp ra thăm lăng Bác.

Thân bài:

1.1.         Tác giả Viễn Phương

- Là gương mặt nhà thơ trẻ trưởng thành trong Kháng chiến chống Mĩ.

- Giọng điệu thơ nhẹ nhàng, sâu lắng.

1.2. Tác phẩm “Viếng lăng Bác”

- Hoàn cảnh sáng tác:

+ 1976

+ Sau giải phóng, và cũng là khi lăng Bác hoàn thành, Viễn Phương có dịp ra thăm lăng.

-Nội dung: Bài thơ thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ nói riêng và mọi người nói chung khi đến thăm lăng Bác.

3. Phân tích:

3.1. Cảm xúc của tác giả trước không gian và cảnh vật ngoài lăng.

* Câu thơ đầu

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

- Cách xưng hô: Con – Bác => Tình cảm gắn bó, thiêng liêng của Viễn Phương dành cho Bác. Bác không còn là Vị lãnh tụ vĩ đại, cao xa nữa mà đã trở thành một người cha của nhân dân Việt Nam.

- Khoảng cách địa lí: Tận Miền Nam ra thăm lăng Bác => Xa xôi, cách trở nhưng vẫn đến thăm bởi sự hối thúc của tình yêu, khao khát được một lần thấy Bác.

- Cách sử dụng từ “thăm”: Khi Bác mất, đúng ngữ cảnh phải dùng từ viếng. Nhưng khi Viễn Phương lựa chọn từ “Thăm” để thấy như Bác vẫn còn đây, chưa đi xa. Đồng thời cũng thể hiện sự gần gũi trong mối quan hệ.

* Ba câu thơ sau: Hình ảnh hàng tre quanh lăng Bác.

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.

- Hình ảnh cây tre trong văn học Việt Nam:

+ Xuất hiện nhiều trong văn học

+ Là hình ảnh mang tính biểu tượng cho những PHẨM CHẤT tốt đẹp và CON NGƯỜI VIỆT NAM.

- Hình ảnh cây tre trong thơ của Viễn Phương:

+ Hình ảnh sương, bão táp mưa sa trong khổ thơ như biểu tượng của những khó khăn, trở ngại, thách thức. Là chặng đường đầy đau thương mà lịch sử dân tộc đã đi qua.

+ Trước khó khăn chồng chất, hàng tre vẫn bát ngát màu xanh. Nhà thơ đã sử dụng những từ láy tượng hình: bát ngát, xanh xanh để gợi lên sức sống mãnh liệt của cây tre Việt Nam. Như sức sống bất tử của nhân dân, đất nước.

+ Hình ảnh những hàng tre “đứng thẳng hàng” trước lăng Người, như hình ảnh những đứa con thân yêu của đất nước về đây tề tựu trước lăng Người để báo công dâng Bác chiến thắng vinh quang của dân tộc. Đồng thời cũng thể hiện tấm lòng thành kính trước anh linh của Bác.

- Thán từ “ôi!”: Thái độ ngỡ ngàng đầy ngạc nhiên của nhà thơ khi phát hiện ra sức sống mãnh liệt, hiên ngang của cây tre – của nhân dân, đất nước.

* Nhận xét: Hình ảnh hàng tre như trải suốt chiều dài lịch sử: Trong chiến đấu kiên cường anh dũng, đi qua mọi khó khăn gian khổ. Khi hòa bình vẫn một lòng trung thành với lí tưởng mà vị lãnh tụ vĩ đại đã định hướng cho non sông, đất nước. Qua đó, thể hiện được tình cảm của Viễn Phương nói riêng và dân tộc nói chung với Người.

3.2. Khổ 2: Cảm xúc trước đoàn người vào viếng lăng.

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

* 2 câu đầu: Bác – vầng mặt trời vĩ đại của dân tộc.

- Nghệ thuật ẩn dụ: Trong hai câu thơ, hình ảnh mặt trời xuất hiện 2 lần. Nếu mặt trời thứ nhất, là mặt trời của thiên nhiên ngày ngày chiếu sáng cho nhân gian thì vầng mặt trời thứ 2 là hình ảnh ẩn dụ của Bác. Với dân tộc Việt Nam Bác ấm nóng tựa vầng mặt trời. Bác soi đường chỉ lối cho cách mạng của dân tộc. Chính Người đã mang luận cương Mác – Lê nin về để lấy lại cơm áo, tự cho nhân dân, đất nước. Bác là sự sống diệu kì, là sự hồi sinh sau đêm trường nô lệ dưới ách phong kiến và thực dân.

- Hình ảnh đoàn người vào viếng lăng qua cảm nhận của nhà thơ:

+ Điệp từ “ngày ngày”: Được lặp lại hai lần trong 4 câu thơ như nhấn mạnh vòng tuần hoàn bất tận của thời gian. Bác mãi mãi còn đó như vầng dương bất tử, và nhân dân, đất nước mãi mãi còn thương nhớ Người.

+ Hình ảnh “dòng người” nối đuôi nhau vào viếng lăng, không bao giờ ngừng nghỉ. Đó là niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân, đất nước dành cho Bác.

+ Từ “dòng” đặt trong văn cảnh, khi xuất hiện cùng cảm xúc nhớ thương cho ta liên tưởng đến dòng nước mắt – sự hiện hữu của nỗi đau và mất mát.

+ Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: Đi trong thương nhớ. Như có ai đó vô hình dệt nên nỗi nhớ thương, để tạo ra một khoảng thương vùng nhớ cứ đầy lên, cứ đầy mãi trong tâm trí của nhân dân về Vị lãnh tụ vĩ đại.

- Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân

+ Bảy chín mùa xuân: Vừa là số tuổi của Bác, nhưng hình ảnh thơ còn mang tính ẩn dụ. Cuộc đời Bác đẹp tựa mùa xuân. Sự nghiệp vĩ đại của người là mùa xuân của dân tộc. Bác đã đi hết hành trình dài rộng của cuộc đời và mang về mùa xuân cho đất nước.

+ Hình ảnh tràng hoa dâng Người: Cũng hiểu theo hai cách. Dòng người vào viếng lăng, dâng lên Bác những vòng hoa thơm để tỏ lòng thành kính, biết ơn. Cũng là những bông hoa chiến công mà nhân dân ta, dân tộc ta đã anh dũng chiến đấu để mang về độc lập tự do cho đất nước. Giờ là giây phút thành kính, thiêng liêng dâng lên trước anh linh của Người. 

3.3. Khổ 3 – NIỀM XÚC ĐỘNG DÂNG TRÀO KHI VÀO VIẾNG LĂNG BÁC.

*3 câu thơ đầu – hình ảnh của Bác khi năm trong lăng:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

-Nghệ thuật nói giảm, nói tránh: Sự thật đau thương – là đất nước, nhân dân ta đã mất Bác. Nhưng giờ đây, khi đối diện trước Người, Viễn Phương thấy Bác như đang chìm vào giấc ngủ bình yên. Câu thơ đầu tiên của bài thơ, tác giả dùng từ “thăm” và đến câu thơ này, lại thấy Bác như đang Ngủ. Phải chăng trong trái tim người dân VN, Bác chưa một giây phút đi xa.

*Câu thơ cuối:

Mà sao nghe nhói ở trong tim.

- Liên từ nối giữa câu thơ thứ 4 và 3 câu thơ đầu “mà sao” mang dụng ý nghệ thuật: Nét nghĩa giữa 3 câu đầu và câu thơ thứ 4 tương phản, đối lập nhau.

+ Đúng ra, khi đất nước, dân tộc được độc lập tự do, chúng ta phải hạnh phúc, hân hoan chào đón tự do ấy. Nhưng trái ngược lại, cảm giác mất mát, đau thương xâm chiếm trọn trái tim – đau nhói trong tim.

+ Người dành cả cuộc đời, sự nghiệp, đánh đổi cả tính mạng để đi tìm độc lập, tự do cho đất nước. Giờ đây, độc lập đã về, tự do đã có thì con người ấy mãi mãi ra đi.

=>Còn đau đớn, mất mát nào hơn nỗi đau này.

- Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: Nghe nhói ở trong tim. Trái tim, vốn là biểu tượng thiêng liêng, cao đẹp, trọn vẹn nhất của cảm xúc. Trái tim ấy giờ đây đang nghe muôn vàn  nhịp đập của đau thương. Tính từ “nhói” đủ diễn tả tận cùng của nỗi đau, sự mất mát.

3.4. Khổ 4 – CẢM XÚC, ƯỚC NGUYỆN CỦA NHÀ THƠ KHI RỜI LĂNG BÁC.

*Câu thơ đầu: Cảm xúc của nhà thơ khi rời lăng.

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

- Tác giả hình dung ra cảm xúc của mình khi chia xa nơi đây: Thương trào nước mắt.

+ Từ ngữ sử dụng đậm chất Nam Bộ: Thương. Khi họ  nói thương là đã dốc cạn lòng, chạm đáy của tình cảm, là mức độ yêu thương sâu sắc, chân thành nhất.

+ Hình ảnh “trào nước mắt”: Từ đầu bài thơ, nhà thơ dường như cố che giấu cảm xúc của mình. Đến giờ có lẽ, không thể ngăn nổi những giọt nước mắt của chia xa.

*3 câu thơ cuối: Ước nguyện của nhà thơ.

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này...

- Nghệ thuật điệp + liệt kê: Nhấn mạnh ước nguyện, khát khao thiết tha, mãnh liệt của nhà thơ.

- Dấu ba chấm ở câu thơ cuối như sự nối dài miên man, bất tận của những ước mơ. Còn nhiều lắm bao điều muốn nói, bao việc muốn làm nhưng không thể kể hết.

- Ước nguyện của nhà thơ:

+ Muốn làm con chim: dâng tiếng hót cho cuộc đời

+ Muốn làm đóa hoa: Tỏa hương sắc cho đời

+ Muốn làm cây tre: mãi trung hiếu với non sông, đất nước.

=>Ước nguyện nhỏ bé, giản dị của nhà thơ để góp phần làm đẹp cho cuộc đời

-Liên hệ: Khổ thơ Mùa xuân nho nhỏ.

=> Ước nguyện ấy cũng cho thấy tình cảm của nhà thơ dành cho Bác – không muốn rời xa, muốn được ở mãi bên người.

=> Từ tình yêu đối với vị lãnh tụ của dân tộc, Viễn Phương đã chuyển thành tình cảm đối với quê hương, đất nước.

- Hình ảnh cây tre xuất hiện cuối bài thơ:

+ Đầu bài thơ là hình ảnh “hàng tre” – biểu tượng cho phẩm chất tốt đẹp của nhân dân VN

+ Cuối bài thơ là hình ảnh “cây tre” – biểu tượng cho cá nhân tác giả, với sự đóng góp nhỏ bé của mình, góp phần chung cùng nhân dân dựng xây quê hương, đất nước.

ð  Ta thấy sự khiêm nhường của nhà thơ trước đóng góp của mình. Từ đó, khẳng định tinh thần yêu nước.

4. Tổng kết:

- Thể thơ tự do, giúp tác giả dễ bộc lộ những cảm xúc trong lòng tự nhiên, phù hợp.

- Nhịp thơ chậm rãi, phù hợp với ngữ cảnh – viếng lăng, phù hợp với việc bộc lộ cảm xúc yêu thương, thành kính, thiêng liêng.

- Sử dụng rất nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng: Hàng tre, mặt trời, vầng trăng, trời xanh, đóa hoa, con chim, cây tre…

- Ngôn ngữ thơ giản dị nhưng giàu cảm xúc: Viếng, thăm, đau nhói…

- Sự kết hợp nhuần nhuyễn nhiều biện pháp tu từ, tạo hiệu quả nghệ thuật cao: Ẩn dụ, điệp, liệt kê, nói giảm, tương  phản đối lập…

Nghe và tóm tắt bài thuyết trình về một tác phẩm văn học do người khác trình bày - mẫu 6

Chúng ta thường gọi “Nam Quốc Sơn Hà” là bài thơ “thần” không chỉ nêu cao tính độc lập chủ quyền lãnh thổ của dân tộc mà còn thể hiện tính thần lực, lòng tự tôn dân tộc của vị tướng tài ba Lí Thường Kiệt nói riêng và lớp lớp thế hệ người Việt nói chung. Cuộc chiến đấu chống quân Tống, từng câu chữ cất lên, trong không gian linh thiêng, vào khoảng thời gian vàng, lũ giặc đã khiếp sợ đến mất mật, hoảng loạn đến hỗn loạn, nghĩa khí của chúng cũng vì thế mà trượt dốc không phanh.

Mở đầu bài thơ không phải câu hỏi, không phải câu cảm thán mà là một lời khẳng định, một sự chắc nịch đến chặt chẽ về chủ quyền:

“Nam quốc sơn hà, nam đế cư”

Chúng ta đã và đang sống giữa một ranh giới nhất định. Điều này tuyệt nhiên không phải là bịa đặt mà được dẫn ra bởi luận chứng rất sắc sảo, thuyết phục:

“Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”

Tất cả đều quy củ, rõ ràng, được sách trời quy định. Điều này có nghĩa là chủ quyền của ta, lãnh thổ của ta không chỉ có ta mà còn có một bên thứ ba là trời, là đất chứng giám, xác nhận. Đây là sự thật hiển nhiên, là lí lẽ chặt chẽ đến tuyệt đối mà không ai có thể phản biện hay phủ nhận.

Những gì ở nước Nam bao gồm cỏ cây, hoa lá, động vật, con người… là thuộc sở hữu của người Nam và cả nước non này chắc chắn là của người Nam chứ không phải ai khác. Rõ ràng, lần đầu tiên ta thấy xuất hiện trong một tác phẩm văn chương mà tính độc lập, chủ quyền từ hình, từ chữ đã phát ra thành lời để sự khẳng định mạnh mẽ, quyết đoán và hào sảng như thế.

Không dừng lại ở chủ quyền dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ mà chúng ta – những người Nam còn nhất tâm, đồng lòng, chúng ta có vua Nam đứng đầu để vẽ đường mà lội, vẽ lối mà đi.

Đặc biệt hơn, nước non này đã từ lâu đời, một tay dân tộc ta gây dựng nhưng không vì thế ta vơ vét mà cho là của riêng mình bởi lẽ chủ quyền này là định phận, là sự an bài, sắp đặt từ “sách trời”. Đó là đấng linh thiêng, cao quý và vậy mà mọi chỉ dẫn đều trân quý, trân trọng đến vô cùng.

Như vậy qua hai câu thơ đầu, bằng ngôn từ đanh thép, giọng văn vừa hào hùng vừa tràn đầy niềm tự hào tác giả đã khẳng định rõ ràng ranh giới, chủ quyền lãnh thổ thuộc về nhân dân, quyền làm chủ dân tộc mình của nhân dân đồng thời tỉnh táo trong suy nghĩ để sắc sảo trong luận cứ với lí lẽ vừa cứng rắn, vừa thuyết phục để không thể lực nào có thể bóp méo hay phủ định sự thật.

Từ sự khẳng định chắc nịch, tác giả tiếp tục lên giọng cảnh cáo kẻ thù sẽ nhận kết cục thảm thương nếu vẫn chạy theo lối mòn, đi ngược lẽ đời khi xâm lăng lãnh thổ, để lại thương đau cho dân chúng Đại Việt:

“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.”

Một khi lũ giặc bỏ ngoài sự răn đe, bất chấp quy định mang tính tất yếu ấy, cố tình phạm đến chủ quyền đại việt cũng là lúc đôi chân chúng bước vào lầm lỗi không chỉ với toàn thể người nam mà còn đắc tội, xúc phạm tới tôn nghiêm về luân lý, đạo trời. Chúng hành động ngông cuồng, chúng chọn cuộc chiến phi nghĩa cũng là chọn kết cục bi thảm của bản thân.

Ở đây, tác giả đanh thép khẳng định kết cục thảm hại, ê chề, nhục nhã, bi đát của kẻ cướp nước, dẫm đạp lên luật trời, coi thường đạo lý. Sức mạnh chính nghĩa, lòng tự tôn dân tộc sẽ là rào cản lớn nhất, là tấm áo giáp bền bỉ nhất để người Nam trừng phạt những kẻ xâm lăng.

Xem thêm các bài Soạn văn 8 Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 8 hay khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 8

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Soạn văn 8 hay nhất, ngắn gọn của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo Tập 1 và Tập 2 (NXB Giáo dục).

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 8 Chân trời sáng tạo khác
Tài liệu giáo viên