5+ Nghị luận Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên (điểm cao)

Nghị luận khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý gồm dàn ý chi tiết, sơ đồ tư duy và các bài văn mẫu hay nhất, ngắn gọn được tổng hợp và chọn lọc từ những bài văn hay đạt điểm cao của học sinh lớp 12 trên cả nước.

5+ Nghị luận Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên (điểm cao)

Quảng cáo

Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý - mẫu 1

Có rất nhiều ý kiến khác nhau bàn về cách đánh giá giá trị của văn chương. Có người chú trọng nghệ thuật, có người chú trọng nội dung. Nhà văn Pháp La Bơ -ruy -e cũng đã đưa ra được một cách đánh giá giá trị tác phẩm văn học của mình. Ông viết " Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay do một nghệ sĩ viết ra" 

Đúng vậy!  Nhà văn La Bơ-ruy-e cũng bày tỏ ý kiến về cách đánh giá một tác phẩm văn chương và một nghệ sĩ chân chính. Theo ông, tác phẩm nào có ảnh hưởng lớn lao tới đời sống tinh thần của con người theo chiều hướng tích cực thì đó là một cuốn sách hay, đích thực là văn chương và người viết ra nó xứng đáng được gọi là nghệ sĩ.  Câu nói của nhà văn Pháp La Bo ruy e có ý khẳng định giá trị của một tác phẩm văn học. Một tác phẩm văn học viết ra có nhiều người đọc thưởng thức, không phải ai cũng thấy được tác phẩm này hay vì mỗi người có một sở thích khác nhau. Bỏ qua những nguyên tắc đánh giá một tác phẩm giá trị hay không, chúng ta chỉ cần biết rằng đó là một tác phẩm khiến cho tinh thần ta được nâng cao và gợi lên cho ta những tình cảm cao quý thì nó là một tác phẩm giá trị do một người nghệ sĩ tài ba viết ra. Bởi khi ấy, nó có giá trị tinh thần vô cùng lớn đối với ta rồi.

Quảng cáo

Văn học đến với con người bằng con đường tình cảm, cảm xúc. Nó mang tạt cho con người những rung cảm sâu xa trước vẻ đẹp của quê hương, đất nước, trước cuộc sống phong phú, đa dạng muôn màu muôn vẻ và nhất là trước chiều sâu của thế giới tâm hồn. Mục đích trước tiên và quan trọng của văn học là giúp con người đối chiếu, liên tưởng, suy ngẫm về cuộc đời và về chính bản thân, nâng cao niềm tin vào bản thân để từ đó có nhận thức đúng đắn hơn, có khát vọng hướng tới chân lý, dám đấu tranh chống cái xấu, cái ác; biết tìm tòi và hướng tới cái Đẹp, cái Thiện của cuộc sống. Đó chính là văn học chân chính có khả năng cảm hóa, nhân đạo hóa, xứng đáng là bạn tốt của con người. Tư tưởng này của ông gần giống với tư tưởng của hai nhà văn, hai nhà hiện thực văn học lớn của Việt Nam là Thạch Lam và Nam Cao. Thạch Lam cho rằng: Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên ; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn. Còn Nam Cao đã thông qua nhân vật Hộ trong truyện ngắn Đời thừa để bày tỏ quan điểm của mình về tác phẩm văn chương, về nhà văn chân chính. Là một nhà văn, Hộ từng ấp ủ một hoài bão lớn về sự nghiệp văn chương của mình. Anh mong ước sẽ sáng tạo ra những tác phẩm thật sự có giá trị, vượt lên tất cà bờ cõi và giới hạn. Quan điểm về văn chương của Hộ cũng hết sức tiến bộ : Một tác phẩm văn chương đích thực phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn. Nhà văn phải là những người nghệ sĩ vừa có tâm vừa có tài, trong sáng tác phải tạo cho mình một phong cách riêng, một dấu ấn riêng không thể lẫn với bất cứ ai khác; vì: Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có (Nam Cao).

Quảng cáo

Chúng ta có thể thâý có những tác phẩm được coi là kinh điển, hay những tác phẩm mang giá trị  nội dung, giá trị nghệ thuật to lớn- những tác phẩm ấy không viết về những cái cao siêu, mà chỉ đơn thuần viết những cái gì giản đơn, thân thuộc gần gũi với con người. Bởi những cái đó, nó gắn bó với cuộc sống của con người, khiến người đọc  như cảm nhận được mình trong chính tác phẩm, thấy tiếng lòng của mình được nói ra. Ví dụ  như tác phẩm hai đứa trẻ trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam ngày nào cũng ngồi đợi chuyến tàu đêm. Hay tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân kể về anh cu Tràng nhặt được vợ giữa ngày đói, rồi tác phẩm Chí Phèo, Đời thừa của Nam Cao. Bên cạnh đó, cũng có nhiều tác phẩm văn học thế giới kinh điển cũng đã chứng minh điều này ví dụ như bộ tiểu thuyết Những người khốn khổ của Vích-to Huy-gô là bài ca tuyệt vời về tình thương yêu con người, về đức vị tha, hi sinh đến quên mình. Nhân vật Giăng Van-giăng là “nhân vật tư tưởng” tiêu biểu cho chủ nghĩa nhân đạo của nhà văn. Người thợ làm vườn nghèo khổ này vì thương đàn cháu mồ côi nheo nhóc, đói khát nên đã liều đập vỡ cửa kính tiệm bán bánh mì để lấy cắp một ổ bánh. Bị kết án khổ sai, Giăng Van-giăng mấy lần tìm cách vượt ngục nhưng không thành nên thời gian ngồi tù cứ kéo dài ra mãi. Sau khi được trả tự do, vì hoàn cảnh ngặt nghèo, Giăng Van-giăng lại phạm tội cướp đồng xu của một đứa trẻ và lấy cắp bộ đồ ăn bằng bạc của giám mục Mi-ri-en. Sự độ lượng và lòng bác ái của vị giám mục nhân từ đã cứu Giăng Van-giăng thoát vòng lao lý và nó tác động rất lớn tới tư tưởng, tình cảm của con người tội nghiệp này. Nó đóng vai trò quyết định trong việc thay đổi cuộc sống và tính cách của Giăng Van-giăng...

Quảng cáo

Như vậy, ý kiến của nhà văn Pháp La Bơ -ruy -e hoàn toàn đúng, góp phần trong việc khẳng định vai trò quan trọng của chức năng giáo dục trong văn chương và nêu lên cách đánh giá đúng đắn về – tài năng người nghệ sĩ. Văn chương đem lại cho con người những giá trị tinh thần cao quý, giúp con người hướng tới Chân, Thiện, Mĩ trong cuộc sống. Những tác phẩm văn học có giá trị nội dung, tư tưởng ; giá trị nghệ thuật cao sẽ vượt qua thử thách khắc nghiệt của dư luận, của thời gian, không gian để trở thành kiệt tác muôn đời của nhân loại. Đúng như La Bơ-ruy-e khẳng định: …đó là một cuốn sách hay và người viết ra nó xứng đáng là một nghệ sĩ đích thực.

Dàn ý Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý

a. Giải thích:  

- “Nâng cao tinh thần”, “gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm”: giúp phát triển đời sống tinh thần, làm đẹp tâm hồn và bồi đắp bản lĩnh sống.

- “Cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”: chỉ tác phẩm có giá trị đích thực.

b. Bàn luận:

- Tiêu chí đánh giá một tác phẩm hay là giá trị giáo dục của tác phẩm đó.  

+ Giáo dục là một trong ba tác dụng lớn nhất của văn chương chân chính, bên cạnh tác dụng thẩm mĩ và nhận thức.

+ Tác dụng giáo dục to lớn của văn chương đối với con người: “nâng cao tinh thần”, “gợi tình cảm cao quý và can đảm”. (Lấy dẫn chứng chứng minh)

- Để đạt hiệu quả giáo dục cao, tác phẩm văn chương phải có hình thức thẩm mỹ hấp dẫn, lôi cuốn, lay động người đọc.

- Mở rộng: Ý kiến trên vô hình chung nhắc nhở trách nhiệm của người cầm bút và sự tỉnh táo, thông minh của người đọc trong việc chọn lựa tác phẩm văn học.

3. Kết bài: Khẳng định tính đúng đắn và ý nghĩa của ý kiến trên.

Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý - mẫu 2

Để đánh giá một cuốn sách, một tác phẩm là hay hay không hay thì người ta thường dựa vào khá nhiều quy chuẩn. Tuy nhiên, nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e lại cho rằng: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”. Câu nói của ông cho thấy ông đề cao cái mà một tác phẩm mang đến cho con người về mặt tâm hồn hơn là dựa theo những nguyên tắc có sẵn.

Ngoài cái nguyên tắc chung chẳng hạn như việc đánh giá về cách lựa chọn đề tài của tác giả, cách tác giả thể hiện đề tài đó, cách dùng ngôn từ,… mỗi người sẽ có cách đánh giá riêng của mình. Cùng là một tác phẩm nhưng có người cho rằng tác phẩm đó hay, có người lại cho rằng tác phẩm đó không hay. Vì sao vậy? Đó là bởi cảm nhận của mỗi người cho từng tác phẩm là khác nhau. Đối với người này, đề tài này có thể là cũ và không có gì hấp dẫn. Thế nhưng với người khác thì dù đề tài cũ nhưng lại được thể hiện theo một cách mới mẻ và chạm vào trái tim của họ. Vậy thì không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa vì nó là một cuốn sách hay. Một cuốn sách hay không nằm ở sự chuẩn mực của nguyên tắc. Một cuốn sách hay là một cuốn sách chạm đến trái tim của độc giả.

Một ví dụ điển hình là tác phẩm Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam. Nếu xét theo những nguyên tắc thì có lẽ đây chỉ là một tác phẩm bình thường bởi tác phẩm không có cốt truyện đặc biệt. Chỉ đơn giản là một câu chuyện về hai chị em An và Liên ở một phố huyện nghèo. Nhưng vì sao tác phẩm vẫn được đưa vào trong chương trình học phổ thông để giáo dục tuổi trẻ? Ấy lại bởi tác phẩm với một giọng điệu ngọt ngào đã đưa được người đọc trở lại cuộc sống tuổi thơ của mình. Khi ấy, họ cũng hồn nhiên giống như hai chị em An và Liên. Những năm tháng ấy dẫu cuộc sống có nghèo đói, có khốn khó tới đâu thì con người vẫn có niềm tin vào cuộc sống, vẫn có khát khao về một tương lai tươi sáng. Tác phẩm đã chạm tới tâm hồn người đọc là ở chỗ đó. Vậy thì đâu cần đến những bài phê bình mới nhận ra rằng đó là một tác phẩm hay.

Nam Cao cũng có một tác phẩm vô cùng nổi tiếng đó chính là Chí Phèo. Nhắc đến Chí Phèo là người ta nghĩ ngay đến hình ảnh một tên du côn mặt đầy vết sẹo do chính hắn tự rạch, trên tay lúc nào cũng lăm lăm chai rượu, miệng thì liên tục chửi bới. Nhưng có phải Nam Cao viết Chí Phèo là để kể về cuộc đời của hắn không? Đúng là có kể nhưng thông qua cuộc đời Chí, nhà văn muốn nói đến cái sâu xa về vấn đề người nông dân sống trong xã hội cũ bị chà đạp, bị áp bức. Độc giả sau khi đọc xong đều cảm nhận được, đều hiểu được vấn đề ấy, hiểu hơn về xã hội ấy. Vậy là Nam Cao đã thành công trong việc xây dựng nhân vật điển hình Chí Phèo.

Hay như thơ Xuân Quỳnh, bà lại thể hiện được sự khát vọng trong tình yêu đôi lứa. Người ta thấy được sự tinh tế của Xuân Quỳnh khi dùng những hình ảnh gần gũi và giản dị để nói về tình yêu. Chẳng hạn như mượn sóng để nói về tâm trạng của con người khi yêu, mượn thuyền và biển để nói về sự khăng khít của con người khi yêu. Tình yêu nào phải cái gì xa xôi, nào phải cái gì to lớn, đó đơn giản là cảm xúc của người và người. Người đọc cũng qua cái chân thành ấy mà yêu những tác phẩm của bà.

Tất nhiên ở mỗi tác phẩm vẫn chẳng thể nào tránh được những ý kiến khen chê trái chiều. Thậm chí có những tác phẩm chúng ta cho là hay nhưng lại gặp nhiều sự phản đối. Trước đây, Truyện Kiều của Nguyễn Du bị người đời chê bai cho rằng Thúy Kiều là kẻ tà dâm và không đáng được yêu thương. Rồi thì thơ Hồ Xuân Hương thể hiện khát khao được yêu của người phụ nữ cũng bị cho là dâm và tục. Tác phẩm Tây Tiến của nhà văn Quang Dũng cũng đã có một thời gian bị cấm lưu hành vì cho rằng mộng rớt buồn rơi. Tất cả những ý kiến trái chiều đó là do quan điểm của xã hội thời ấy. Họ có những chuẩn mực đạo đức và lối sống riêng nên cứ áp vào đó mà quy chiếu. Những cái gì vượt ra khỏi quy chuẩn sẽ bị bác bỏ.

Giờ đây, chúng ta đã nhìn nhận tác phẩm với một cái nhìn nhân văn hơn. Bởi chúng ta cảm nhận được cái sâu xa mà tác giả muốn nói đến trong các tác phẩm của mình. Chúng ta thấy được giá trị mà tác phẩm đó mang lại cho mỗi người.

Đến đây, một lần nữa có thể khẳng định câu nói của nhà văn Pháp Bơ-ruy-e là hoàn toàn đúng. Hãy cứ đọc tác phẩm và cảm nhận nó bằng trái tim của chính mình. Mặc kệ ai nói gì, chỉ cần ta thấy hay thì nó là hay. Vậy là đủ.

Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý - mẫu 3

Có thể nói văn chương giống như một bản nhạc mà trong đó những câu chữ là lời bài hát, giọng điệu là giai điệu, cũng có thể nói văn chương giống như một bức họa lớn mà ở đó con người thấy được cảnh sống của mình, của mọi người xung quanh mình. Những bài hát ấy, những bức họa ấy sẽ có giá trị lớn đối với tinh thần của chúng ta. Nói về văn chương, nhà văn Pháp La bơ ruy e cũng từng nhận định rằng: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”.

Khi chúng ta đọc một tác phẩm văn học mà tác phẩm văn học đó nâng tinh thần ta lên cao, đồng thời nó gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm thì chẳng cần phải dùng nguyên tắc đánh giá nào để đánh giá tác phẩm đó nữa mà chắc chắn đó là một tác phẩm hay, một cuốn sách hay được một tác nghệ sĩ viết ra. Câu nói của nhà văn Pháp Labơ ruy e có ý khẳng định giá trị của một tác phẩm văn học. Một tác phẩm văn học viết ra có nhiều người đọc thưởng thức, không phải ai cũng thấy được tác phẩm này hay vì mỗi người có một sở thích khác nhau. Bỏ qua những nguyên tắc đánh giá một tác phẩm giá trị hay không, chúng ta chỉ cần biết rằng đó là một tác phẩm khiến cho tinh thần ta được nâng cao và gợi lên cho ta những tình cảm cao quý thì nó là một tác phẩm giá trị do một người nghệ sĩ tài ba viết ra. Bởi khi ấy, nó có giá trị tinh thần vô cùng lớn đối với ta rồi.

Ví dụ như khi đọc tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam hẳn những người luôn hoài niệm về quá khứ sẽ cảm thấy thích thú và say sưa với áng văn mềm mại và nhẹ nhàng như một bài thơ trữ tình của tác giả này. Chúng ta như được trở về tuổi thơ cùng hai nhân vật An và Liên. Cảnh phố huyện nghèo gợi cho ta nhớ về những ngày tháng xa xưa cùng với cha mẹ, gợi đến những miền quê còn nghèo, còn đói nhưng lại luôn thấm đẫm tình thương yêu và lấp lánh một niềm hi vọng vào một tương lai tươi sáng. Tác phẩm nâng tâm hồn của ta lên và giúp ta được sống trong những khoảnh khắc thân thương cùng những khung cảnh đơn sơ mộc mạc nhất. Chẳng phải đọc bất cứ một bài phê bình nào về tác phẩm này, cũng chẳng cần nghe nhận định của các tác giả khác, ta thấy được giá trị của tác phẩm đối với chính ta.

Hay tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân. Một nền nghệ thuật, những thú vui nho nhã của những bậc thi nhân nay chỉ còn là thứ vang bóng một thời được tái hiện qua tác phẩm. Ở đó người đọc học được sự gan dạ và khí phách hiên ngang của người anh hùng tử tù Huấn Cao, tác phẩm khiến cho ta yêu cái đẹp và nhận thấy được sức mạnh của cái đẹp khiến cho con người gắn kết lại với nhau hơn.

Xuân Diệu viết Vội Vàng với tất cả những tình cảm yêu thương cuộc đời tha thiết. Ông muốn ôm lấy cả sự sống mà cắn mà xiết cho thỏa mãn sự yêu thương ấy. Những sự vật hiện tượng, những hình ảnh quá đỗi quen thuộc được nhà thơ tái hiện thành một bức tranh thiên đường trên mặt đất, người ta thấy ở đó sự sinh sôi nảy nở, thấy được ở đó hương vị của cuộc sống. Bài thơ giúp cho con người ta thêm yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên này. Vậy chẳng có cớ gì mà chê bai bài thơ cả. Và phải nói Xuân Diệu quả là một người nghệ sĩ tài ba khi làm nên một bài thơ như vậy.

Một tác phẩm ra đời không tránh được khỏi sự yêu thích hay chê bai. Truyện kiều của Nguyễn Du là một điển hình. Người ta vẫn so sánh Truyện Kiều Việt Nam với Kim Vân kiều truyện của Trung Quốc. Hay tác phẩm Tây Tiến của Quang Dũng từng bị cấm vì coi là mộng rớt buồn rơi. Thế nhưng ở những tác phẩm đó ta thấy được giá trị về tinh thần, về con người, về nhân tình thế thái. Chỉ cần nó hay với ta tức là nó có giá trị với ta rồi.

Như vậy qua đây có thể khẳng định rằng ý kiến của nhà văn Pháp vô cùng đúng đắn. Một tác phẩm khi ra đời còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Sức sống của nó không được quyết định bằng tác giả mà quyền quyết định chính là của đa số người tiếp nhận. một tác phẩm có thể hay với người này cũng có thể không hay với người khác. Vì thế chỉ cần ta thấy được những điều tốt đẹp trong một tác phẩm, học được ở đó những thứ quý giá thì khi ấy tác phẩm đã có giá trị với ta rồi.

Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý - mẫu 4

Giá trị của một tác phẩm văn học là lí do tồn tại của tác phẩm ấy đồng thời là cơ sở để khẳng định tài năng và tâm huyết của người sáng tạo ra nó. Những tiêu chuẩn nào thường được đưa ra để đánh giá giá trị của tác phẩm? Theo quan niệm của nhà văn người Pháp La Bơ-ruy-e thì “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”. Vậy cần phải hiểu ý kiến này như thế nào?

Văn học là sản phẩm nghệ thuật bằng ngôn từ phản ánh hiện thực khách quan qua lăng kính chủ quan của tác giả. Khi đến với độc giả, ở từng thời kì khác nhau lại có những cách tiếp nhận khác nhau. Nhưng có thể nói, tất cả đều tựu trung ở những giá trị mà tác phẩm đó mang lại.

Đi vào tìm hiểu ý kiến của La Bơ-ruy-e trước hết cần phải hiểu thế nào là một cuốn sách hay? Đây là một khái niệm cụ thể nhưng cũng được dùng với ý nghĩa chỉ chung cho tất cả các sáng tác văn học nghệ thuật. Có người lấy sự sáng tạo của người nghệ sĩ, lấy sự “phát minh về hình thức và khám phá về nội dung” làm tiêu chí để đánh giá một tác phẩm hay, hoàn thiện; Có người lại lấy nội dung thể hiện cuộc sống, con người trong tác phẩm làm cơ sở xem xét tác phẩm đó như thế nào, có “đáng thờ” hay không?... Còn người nghệ sĩ thực sự, theo họ, phải là người biết đồng cảm với những khổ đau của con người, “tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường; bênh vực những con người không còn được ai bênh vực” (Nguyễn Minh Châu), là người “không có  phép thần thông để vượt ra ngoài thế giới này nhưng thế giới này trong con mắt nhà văn phải có hình sắc riêng” (Hoài Thanh)… Cũng như sự gặp gỡ trong tử tưởng và quan niệm, La Bơ-ruy-e cho rằng khi tác phẩm “nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quí và can đảm” thì  đó là tác phẩm thực sự, do một nghệ sĩ viết ra. Thực ra cũng không hẳn là “không cần tìm một nguyên tắc nào” khác vì điều mà La Bơ-ruy-e nêu ra xét đến cùng cũng chính là những tiêu chuẩn mang tính hệ quả từ những nguyên tắc đánh giá về văn chương. Mọi tác phẩm đã được coi là có giá trịthì cuối cùng đều hướng tới đích lớn nhất là con người. Đó là việc nâng cao tư tưởng, tình cảm, tức đánh giá tác phẩm dựa vào giá trị nhận thức, thẩm mĩ và giáo dục mà nó mang lại.

Có thể nói, quan niệm của La Bơ-ruy-e là quan niệm đúng đắn được đúc kết từ thực tế sáng tác. Điều hiển nhiên khi một tác phẩm nghệ thuật đạt được đến những giá trị như La Bơ-ruy-e nói thì nó thành công, thế có nghĩa là nó là một tác phẩm, một cuốn sách hay. Và tất nhiên người sáng tạo ra một tác phẩm như thế phải là người có tài năng và tâm huyết, nghĩa là một nghệ sĩ đích thực với đúng nghĩa của nó. 

“Tác phẩm nâng cao tinh thần của ta lên” vì thông qua chức năng nhận thức, văn học cung cấp cho con người hiểu biết về thế giới vật chất và tinh thần. Nắm bắt được quy luật cuộc sống, con người sẽ có thể chủ động hơn trong mọi trường hợp. Thế giới tinh thần không chỉ được nâng cao mà còn được bồi dưỡng và làm cho ngày càng trở nên phong phú.

Bên cạnh đó, thông qua bản chất thẩm mĩ của thế giới thể hiện trong tác phẩm mà văn học giáo dục, bồi dưỡng tình cảm của con người cũng như phát triển những phẩm chất thẩm mĩ tốt đẹp của họ, làm cho họ ngày càng hoàn thiện hơn. “Tham gia vào hoạt động văn chương cho dù là sáng tác hay thưởng thức, người ta đều được “thanh lọc”, ít nhiều sẽ trở nên tốt hơn, nhân ái hơn. Trong thế giới xô bồ ồn ã hiện nay, khi con người ta luôn bị lôi ra bên ngoài, bị cuốn vào đám đông và bị nhu cầu vật chất cám dỗ dữ dội thì thi ca, văn chương lại càng cần thiết” (Nguyễn Văn Hạnh – Ý nghĩa của văn chương).

Văn học dân gian Việt Nam từ xưa đến nay được biết đến như một kho tàng văn hóa của dân tộc, một đời sống tinh thần vô cùng phong phú và đa dạng. Ngay từ thời xưa ông ta đã dùng ca dao, dân ca, tục ngữ một cách phổ biến với tư cách là những kinh nghiệm dân gian trong lao động sản xuất, trong đối nhân xử thế, những lời than thân, những tình cảm yêu thương tình nghĩa. Chúng không chỉ góp phần nâng cao tinh thần mà còn gợi và bồi dưỡng cho ta những tình cảm yêu thương con người, yêu thương đồng loại.

Trước khó khăn vất vả tưởng chừng như có thể gục ngã, ca dao giúp con người trở nên mạnh mẽ. Đó là câu chuyện của “Mười cái trứng” khi tất cả niềm hi vọng, ước mơ của người nông dân dồn vào thứ tài sản quí giá ấy thì bảy quả bị ung, ba quả nở ra ba con:

“Con diều tha

 Con quạ bắt

 Con mắt cắt xơi”

Người nông dân vẫn đầy lạc quan tin tưởng: “Còn da lông mục, còn chồi nảy cây”. Mỗi chúng ta tự nhìn nhận lại mình từ đó mà vững vàng, mạnh mẽ hơn trước sóng gió cuộc đời.

Ca dao giáo dục quí trọng thành quả lao động vất vả mới có được:

“Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”

Cao dao còn là những bài ca ca ngợi tình nghĩa thủy chung thương yêu giữa con người với nhau. Ta bắt gặp trong đó tình yêu mãnh liệt nhưng cũng thật tế nhị:

“Hôm qua tát nước đầu đình

Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen

Em được thì cho anh xin

Hay là em để làm tin trong nhà?”

Bắt gặp tình cảm vợ chồng thủy chung son sắt:

“Rủ nhau lên núi đốt than

Chồng mang đòn gánh vợ mang quang giành

Củi than nhem nhuốc với tình

Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên”

Tình cảm gia đình đằm thắm:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

Những bài ca dao ấy gợi lên trong ta thứ tình cảm trong sáng, thủy chung giữa con người với nhau. Đọc ca dao, ta có thêm nghị lực và niềm tin vào cuộc sống mà nuôi dưỡng, phấn đấu cho đời sống tinh thần và tình cảm của mình ngày càng tốt đẹp hơn.

Trong văn thơ trung đại, những bài học giáo dục được tồn tại trong một hình thức văn học quy ước sẵn và vì thế nên cũng mang nội dung quy ước nhất định. Thấy nhiều trong mảng thơ ca giáo huấn, bày tỏ lòng mình, bài học giáo dục mang tính trực tiếp. Thơ ngợi ca thì hào sảng “Bình Ngô đại cáo” là lời tuyên bố độc lập tự do của dân tộc, khơi dậy trong lòng mỗi người dân Việt Nam niềm tự hào:

“Như nước Đại Việt ta từ trước

 Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

 Phong tục Bắc – Nam cũng khác”

Số phận bất hạnh của Kiều (Truyện Kiều – Nguyễn Du) không chỉ giúp chúng ta hiểu hơn về xã hội phong kiến thời bấy giờ cũng như bồi dưỡng thêm những tình cảm con người tốt đẹp: sự đồng cảm, trân trọng, xót thương…

“Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

Truyện “Lục Vân Tiên” (Nguyễn Đình Chiểu) xây dựng hai hình tượng nhân vật đẹp, lí tưởng là Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga. Tình yêu thủy chung son sắt của Nguyệt Nga một lần nữa bổ sung thêm vào thế giới hình tượng đẹp về người phụ nữ. Còn đức tính hào hiệp “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” của Vân Tiên cũng là một điều đáng cho chúng ta học tập.

Với những tác phẩm như vậy, các nhà thơ trung đại như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu… xứng đáng là những nghệ sĩ lớn. Bước sang thời kì hiện đại, văn học không chỉ bó mình trong những khuôn mẫu có sẵn mà ngày càng mở rộng và trở nên gần gũi hơn với cuộc sống con người nhưng không vì thế mà làm giảm đi tính giáo dục, thẩm mĩ.

Tô Hoài đi vào khai thác thế giới loài vật với những dế mèn, dế chũi, chị bồ nông, anh xén tóc, vợ chồng nhà chuột… gửi gắm sau đó bài học sâu sắc về cách đối nhân xử thế giữa con người với nhau, bài học về tình đoàn kết, tinh thần yêu thương đồng loại. Cuộc phiêu lưu của Dế Mèn là một cuộc hành trình vươn tới hoàn thiện mình cả trong suy nghĩ và trong tình cảm, lối sống.

“Mùa lạc” (Nguyễn Khải) là câu chuyện thay đổi cuộc đời con người trong cuộc sống lao động mới. Đào, một người phụ nữ kém may mắn, chịu nhiều bất hạnh cuối cùng cũng tìm thấy hạnh phúc của mình trên mảnh đất Điện Biên. Từ chao chát, chỏng lỏn chị trở thành một con người hoàn toàn khác. Chị chỉ mỉm cười bao dung trước những câu đùa của mọi người, bởi vì giờ đây họ đã trở thành những người “nhà trai, nhà gái” của chị. Ta hiểu thêm rằng trong mọi hoàn cảnh, nghị lực sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả.

“Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu) mang đến cho người đọc thông điệp về cái đẹp đích thực. Nghệ thuật không chỉ là khám phá sự vật ở cái bề ngoài mà phải nhìn thấy được cái hiện thực bộn bề nằm ở bề sâu. Đó là chất cuộc sống làm nên giá trị của tác phẩm. Cái đẹp không phải đâu xa lạ mà nằm trong chính những con người đang lăn lộn mưu sinh ngoài kia. Với người vợ chài lưới, điều quan trọng nhất và cũng là lí do để chị hi sinh tất cả những thứ khác đó chính là hạnh phúc và tương lai của những đứa con. Chị chấp nhận những trận đòn roi tàn nhẫn của chồng mà kiên quyết không li dị bởi chị biết trong cuộc sống khốn khổ của họ, anh ta cũng là một người bất hạnh; và cùng còn bởi một lí do khác quan trọng hơn: trên thuyền không thể không có đàn ông cũng như những đứa con của chị không thể không có cha.

Người phụ nữ ấy đã nhận hết đau khổ về mình để những người xung quanh mình được hạnh phúc. Biết đồng cảm với số phận bất hạnh của họ, hiểu được ý nghĩa đích thực của cái đẹp trong cuộc sống nghĩa là chúng ta đang làm cho đời sống tinh thần tình cảm của mình phong phú, hoàn thiện hơn.

Giá trị của một tác phẩm cũng như tài năng của người nghệ sĩ thường được đánh giá bằng việc tác phẩm đó khai thác gì, đóng góp gì cho cuộc sống con người cũng như tác động như thế nào đến tư tưởng, tình cảm thẩm mĩ của người đọc trong những thời đại khác nhau. Nhận thức sâu sắc điều này có ý nghĩa to lớn đối với người sáng tác (phải làm sao để sáng tác ra được những tác phẩm được coi là “một cuốn sách hay”) và cả đối với quá trình tiếp nhận của bạn đọc: không chỉ tiếp nhạn các giá trị văn học mà còn cần đưa nó vào trong quá trình tự giáo dục bản thân cũng như ảnh hưởng tốt đến những người xung quanh.

Khi Đan-cô (Trái tim Đan-cô – M.Gorki) móc trái tim mình ra để soi đường cho đoàn người vượt qua cái tối tăm của rừng thẳm để đến với miền đất chan hòa ánh sáng và sự sống, chàng đã dũng cảm nhận lấy sứ mệnh vinh quang nhưng cũng đầy đau khổ của một người dẫn đường. Và từ đó trái tim Đan-cô mãi trở thành một hình ảnh biểu tượng cho những gì cao cả và đẹp đẽ của con người. Văn học đã thể hiện được những giá trị vĩnh cửu của mình mà nói như La Bơ-ruy-e, nó đã “nâng cao tinh thần ta lên, gợi cho ta những tình cảm cao quí và can đảm…” 

Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý - mẫu 5

Văn chương là một sản phẩm tinh thần tinh tế chứa đựng tài hoa và trí lực của người làm ra nó, vì thế nên người ta thường đánh giá và nhận định văn chương bằng nhiều tiêu chí, nhiều nguyên tắc phức tạp để phân loại hay dở, đáng thờ hay không đáng thờ, nên trân trọng hay rẻ rúng, vị nghệ thuật hay vị nhân sinh,... Chín người mười ý, đều khó có thể vẹn toàn, việc sáng tạo ra một tác phẩm được lòng đa số các độc giả đón nhận và đánh giá cao, hay việc tác giả được thừa nhận là một nghệ sĩ trong giới văn chương chưa bao giờ là điều dễ dàng. Bởi có người dẫu có viết cả hàng tá tác phẩm, những vẫn mãi nhìn cái danh xưng nghệ sĩ bằng đôi mắt buồn rầu, xa tầm tay với, bởi nó vốn dĩ phụ thuộc vào năng lực của người viết. Bàn về vấn đề đánh giá giá trị của tác phẩm và khái niệm về người nghệ sĩ, nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e đã có một nhận định rất mới mẻ: "Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: Đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra".

Xét từ quan điểm của La Bơ-ruy-e thế nào là một cuốn sách hay và thế nào là một người nghệ sĩ? Đó đều là những khái niệm mà chúng ta phải làm sáng rõ, bởi ở mỗi một giai đoạn khác nhau thì con người ta lại có những nhận định riêng biệt về giá trị của những tác phẩm, mỗi một cá nhân lại có những tư tưởng và cách cảm nhận khác nhau, thế nên bàn về việc hay dở của tác phẩm luôn là điều gây nhiều tranh cãi. Bởi có người cho rằng sách hay thì văn chương phải mạch lạc, câu cú xuôi chèo mát mái, nội dung phải ca ngợi những thứ hoàn mỹ, tuyệt diệu, thanh cao tránh đi những thứ tầm thường, giả dối. Lại cũng có người đơn thuần cho rằng tác phẩm hay thì phải mới lạ, lấy cái sự sáng tạo làm đầu, phải tạo ra được sự đột phá khác biệt, hoặc cũng có người lại thấy rằng văn chương càng bình dị, gần gũi thân thuộc với cuộc sống con người thì càng hay, càng dễ tiếp cận,... Nhưng nổi bật nhất về việc phân định giá trị của các tác phẩm văn học phải kể đến cuộc bút chiến gay gắt giữa hai trường phái "nghệ thuật vị nhân sinh" do Hải Triều đứng đầu và "nghệ thuật vị nghệ thuật" do Hoài Thanh làm bút tướng, sau cùng thứ văn học lấy con người làm trung tâm đã chiến thắng một cách vang dội, và trở thành tiêu chí chung nhất để đánh giá về các tác phẩm văn học. Mà nếu diễn dịch ra thì dùng câu nói của Nguyễn Văn Siêu có lẽ đã đủ rõ ràng: "Văn chương...có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người". Một số các nhà văn sau này cũng có những nhận định tương tự về các tác phẩm văn chương thật sự có giá trị, ví như Nguyễn Huy Tưởng viết: "Nghệ thuật mà không gắn liền với đời sống thì đó nó chỉ là những bông hoa ác mà thôi", rồi Nam Cao cũng viết: "Chao ôi, nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than và nhà văn không được trốn tránh nghệ thuật mà phải đứng trong lao khổ mở hồn ra đón lấy những vang động của đời", hay những lời tâm đắc của nhà văn Thạch Lam: "Đối với tôi văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên ; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn". Chung quy lại rằng nghệ thuật phải vì con người, phải bước ra từ cuộc sống của con người, người nghệ sĩ phải biết thông cảm, thấu hiểu muôn mặt của cuộc sống để cho ra những tác phẩm có tác dụng thay đổi, nâng đỡ tâm hồn còn người, làm cho xã hội ngày càng phát triển. Quan điểm ấy của giới văn nghệ sĩ Việt Nam không hẹn mà cùng gặp những nét tương đồng trong ý kiến của La Bơ-ruy-e về giá trị của các tác phẩm. Ý "không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa" của La Bơ-ruy-e không phải là không có nguyên tắc để đánh giá văn chương mà thực tế nó chỉ cần một nguyên tắc duy nhất, tác phẩm ấy đã hướng đến con người hay chưa, đã mang lại gì cho cuộc sống của con người, bao gồm việc giáo dục, nâng cao tư tưởng tình cảm, củng cố đạo đức, xây dựng nhân cách, làm tâm hồn con người trở nên trong sạch, đẹp đẽ,... hay chưa mà thôi.

Còn thế nào là một người nghệ sĩ, theo tôi chỉ đơn giản là họ làm ra được một tác phẩm hay đúng nghĩa như trên thì học chính là nghệ sĩ rồi, bởi có tài năng, có sự khéo léo, tâm huyết và tỉ mẩn trong sáng tác, người ta mới có thể thấu hiểu về cuộc sống con người, rồi làm ra những tác phẩm có giá trị nhân văn sâu sắc để thay đổi tam quan của độc giả theo chiều hướng tích cực. "tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên" tức là một tác phẩm mở mang tầm nhận thức của con người, nó có ý nghĩa tích cực, khuyến khích động viên con người, khiến con người ta thấy cuộc sống tràn đầy tươi đẹp, nó kéo con người ta từ chỗ tối tăm tuyệt vọng ra chỗ ánh sáng ngập tràn hy vọng. Có thể nói văn học chính là lối dẫn con người đến với sự nhận thức rõ ràng về đời sống vật chất và tinh thần, giúp con người ngày càng thêm thấu hiểu giá trị của cuộc sống, nắm bắt được quy luật của tọa hóa từ đó trở nên mạnh mẽ biết nắm bắt cơ hội, biết tự chủ động nắm giữ cuộc đời, thực hiện ước mơ để cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn. Không chỉ gói gọn trong việc nâng cao tinh thần mà văn học chân chính còn có vai trò "gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm", ý này của La Bơ-ruy-e cũng chính là ý tứ trong câu nói nổi tiếng của nhà phê bình văn học Hoài Thanh: "Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có luyện những tình cảm ta sẵn có". Bởi mỗi tác phẩm văn chương đều là kết tinh của một tâm hồn riêng biệt, cách nhìn nhận thế giới và cuộc sống của các nghệ sĩ là khác biệt nhau, có người đứng giữa tầng lớp nông dân, trí thức, tiểu tư sản bần cùng, nghèo khổ để viết như Nam Cao, Kim Lân, Nguyễn Công Hoan, nhưng cũng có người tìm về thế giới thượng lưu hào nhoáng xa hoa như Vũ Trọng Phụng, có người chuyên trách với đề tài kháng chiến cách mạng và đất nước như Tố Hữu, Tô Hoài, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đình Thi,... Có thể nói, ở mỗi một lĩnh vực các tác phẩm văn học đều mang đến cho độc giả những kiến thức, những tình cảm mới mẻ, làm phong phú tinh thần và nhận thức của con người. Đọc và học văn cũng ít nhiều làm thay đổi khí chất và phong thái hành xử, con người dần trở nên tinh tế hơn, hoàn thiện hơn cả về nhân cách lẫn tri thức, cùng với các quan điểm thẩm mỹ, thế giới nội tâm, tình cảm. Người nóng nảy, bộp chộp quay về bình tâm, trầm lắng, người vụng về, hậu đậu cũng dần ý thức để trở nên tinh tế khéo léo hơn, không chỉ thế văn chương còn ngấm ngầm giáo dục cho con người ta cái tính cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, trong cách hành xử trước sau. Chung quy lại vẫn quay về với một câu nói thật hay của nhà văn hiện thực Nam Cao "Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình...Nó làm cho người gần người hơn", văn học chỉ cần đạt được nhiêu đấy thôi thì cũng đã đủ là một tuyệt phẩm và người sáng tác ra nó ắt hẳn phải là một nghệ sĩ tài ba.

Tính đúng đắn trong quan điểm của nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e, có thể dùng cả chặng đường văn học của nhân dân ta để chứng minh. Trước hết là nói về nền văn học dân gian, đậm chất truyền thống của dân tộc Việt Nam phổ biến nhất là ca dao, tục ngữ, những câu hát than thân ông cha ta dùng để làm tư liệu truyền miệng giáo dục cho con cháu. Chất liệu văn hóa dân gian đã lưu truyền từ suốt mấy ngàn năm nay đã giúp giáo dục và nâng cao tinh thần của con người, rèn luyện cho nhân dân ta những tình cảm đáng quý trong gia đình, trong cộng đồng, tình yêu quê hương đất nước,... Ví như nó nhắc nhở con người về lòng biết ơn "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", ca ngợi tình cảm vợ chồng sắt son mặn nồng với "gừng cay muối mặn", nhắc nhở con cái lòng hiếu nghĩa với cha mẹ trong "công cha như núi thái sơn/nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra",... Không chỉ có ca dao tục ngữ, mà truyện cổ tích hay truyền thuyết cũng mang nhiều ý nghĩa giáo dục lớn ví như truyền thuyết Lạc Long Quân - u Cơ nhằm ca ngợi nguồn gốc dân tộc, những câu chuyện như Tấm Cám, Sọ Dừa giáo dục con người chân lý ở hiền gặp lành, ác giả ác báo, Sơn Tinh Thủy Tinh ca ngợi tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của nhân dân ta trong quá trình chế ngự sức mạnh của thiên nhiên, hoặc Thánh Gióng là ca ngợi vẻ đẹp của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm,... Tất cả đều có một ý nghĩa giáo dục và khích lệ tinh thần độc giả nhất định, thế nên chúng xứng đáng được xem là những tác phẩm hay có giá trị đến muôn đời sau.

Bước vào nền văn học trung đại, văn chương đã trở nên có lề lối, khuôn mẫu và chuẩn mực thế nhưng nó vẫn không thoát khỏi cái thước đo giá trị dựa vào việc nó có hướng đến con người, có mang tính giáo dục, tính nhân văn sâu sắc hay không. Xét thấy thời này nổi tiếng nhất phải kể đến Truyện Kiều đại kiệt tác của nền văn học Việt Nam, với đầy đủ những giá trị nổi bật, từ việc tố cáo chế độ phong kiến nhiều bất công, thương cảm cho thân phận người phụ nữ tài hoa bạc mệnh, đến việc ca ngợi, trân trọng những vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Tất cả đều đánh động đến tâm can người đọc, mở ra trong tâm hồn mỗi con người một nhận thức mới về thời đại cũ, khiến con người ta biết đồng cảm biết thương xót cho số phận của những con người bất hạnh hơn. Ngoài Truyện Kiều thì một loạt các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu cũng mang những giá trị nhân văn, giáo dục sâu sắc hướng con người đến cái thiện bài trừ cái ác, thúc đẩy con người sống chính trực, thẳng thắn, đề cao con người tài hoa, dũng cảm.

Đó là văn học trung đại, khi bước sang nền văn học hiện đại các tác phẩm văn chương lại càng có thêm nhiều không gian để phát triển, bởi nó đã buông bỏ cái xiềng xích cổ hủ của nề nếp phong kiến cũ để tự do sáng tạo. Người ta thấy một Xuân Diệu với triết lý nhân sinh sâu sắc, ý thức về sự chảy trôi của thời gian rõ rệt, thúc đẩy tinh thần ham sống, sự nhiệt huyết, quý trọng thanh xuân của nhiều người trẻ, thấy một Xuân Quỳnh với những nhận thức về tình yêu lứa đôi dịu dàng và chân thực, mở mang tâm hồn của con người trong khía cạnh tình cảm trai gái. Nhưng có lẽ nổi bật nhất để chứng minh cho câu nói của La Bơ-ruy-e, phải kể đến cách nhà văn hiện thực trước cách mạng, những tác phẩm lần lượt ra đời như Chị Dậu, Chí Phèo, Lão Hạc, Đời Thừa, Sống mòn, Vợ nhặt, Số đỏ, Vợ chồng A Phủ,... đều có một vai trò chung mà theo như cách nói của Thạch Lam ấy là nó "tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn". Đó là nền văn học hiện thực, chuyển sang nền văn học mang khuynh hướng trữ tình chính trị hoặc khuynh hướng sử thi nó lại cũng mang những giá trị riêng biệt hướng đến con người, ấy là củng cố tình yêu quê hương đất nước, khích lệ tinh thần đấu tranh bảo vệ Tổ quốc giành lại độc lập cho dân tộc. Kế đến là những tác phẩm vào giai đoạn sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, ví dụ như Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu lại cho người ta thấy một khía cạnh khác của cuộc sống rằng chính nghĩa không phải lúc nào cũng giải quyết được tất cả mọi việc, người đàn bà làng chài chấp nhận chịu bị bạo hành, chứ không chịu ly hôn là vì cuộc sống của gần mười đứa con nhỏ, nó cũng giáo dục cho mỗi chúng ta một chân lý ấy là chẳng có cái vẻ đẹp nào là hoàn mỹ, toàn bích cả, nghệ thuật thực sự phải bước ra từ chính cuộc sống của con người. Hay đến Hai đứa trẻ của Thạch Lam kể về cuộc sống nghèo nàn nơi phố huyện, cùng với chuyến tàu đêm đã gợi ra cho độc giả những suy nghĩ về niềm tin, niềm hy vọng thay đổi cuộc đời của những con người như chị em Liên, ca ngợi sức sống tiềm tàng và vẻ đẹp tiềm tàng trong tâm hồn của những con người bình thường giống như nhân vật chính. Và khi đọc những tác phẩm trên, chúng ta cũng dần biết đồng cảm, thấu hiểu cuộc sống của những nhân vật trong tác phẩm, rồi thông qua những thông điệp ý nghĩa mà tác phẩm truyền tải để làm mới, củng cố và xây dựng tâm hồn mình.

Cuối cùng tôi muốn trích một câu nói của Thạch Lam rằng: "Thiên chức của nhà văn cũng như những chức vụ cao quý khác là phải nâng đỡ những cái tốt để trong đời có nhiều công bằng,thương yêu hơn", người nghệ sĩ không cần phải là người thợ khéo tay, ưng làm ra những tác phẩm chuộng hình thức mà quan trọng cái mà họ sáng tác ra phải đem đến cho cuộc đời, cho xã hội những giá trị có tính giáo dục, có tính thẩm mỹ làm thay đổi, cải tạo và nâng đỡ tâm hồn của con người. Chỉ có như vậy thì tác phẩm ấy mới thực sự là một cuốn sách hay và tác giả là một nghệ sĩ đáng quý trọng muôn đời.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 12 được (siêu hay, ngắn) chọn lọc hay khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 12

Bộ giáo án, đề thi, bài giảng powerpoint, khóa học dành cho các thầy cô và học sinh lớp 12, đẩy đủ các bộ sách cánh diều, kết nối tri thức, chân trời sáng tạo tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official


Giải bài tập lớp 12 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên