10+ Cảm nhận của em về nhân vật Thúy Kiều (điểm cao)

Tổng hợp 10+ Cảm nhận của em về nhân vật Thúy Kiều điểm cao, hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

10+ Cảm nhận của em về nhân vật Thúy Kiều (điểm cao)

Quảng cáo

Dàn ý Cảm nhận của em về nhân vật Thúy Kiều

1. Mở bài

+ Giới thiệu về tác phẩm Truyện Kiều (hoặc một đoạn trích trong tác phẩm) và nhân vật Thúy Kiều.

+ Nhấn mạnh vai trò, sự quan trọng của Thúy Kiều trong tác phẩm cũng như trong văn học Việt Nam.

+ Nêu cảm nhận chung về nhân vật Thúy Kiều: một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn nhưng lại phải trải qua nhiều đau khổ, bi kịch trong cuộc sống.

2. Thân bài

a. Sắc đẹp của Thúy Kiều

“Làn thu thủy, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”.

b. Tài năng của Thúy Kiều (cầm kì thi họa)

c. Tình yêu và phẩm hạnh của Thúy Kiều (tình yêu chung thủy, lòng hiếu thảo với gia đình)

d. Bi kịch và số phận của Thúy Kiều (những thăng trầm, bất công, bi kịch)

Quảng cáo

3. Kết bài

+ Khẳng định lại giá trị nhân văn của nhân vật Thúy Kiều: một biểu tượng của vẻ đẹp, tài năng và nhân phẩm, đồng thời cũng là nạn nhân của những bất công trong xã hội phong kiến.

+ Cảm nhận của bản thân về nhân vật Kiều: ngưỡng mộ tài năng và phẩm hạnh của Kiều, nhưng cũng cảm thấy xót thương cho những số phận bất hạnh của cô.

+ Nêu suy nghĩ về thông điệp mà tác phẩm Truyện Kiều gửi gắm qua nhân vật Thúy Kiều: sự bất công trong xã hội và niềm tin vào lòng kiên cường, sự bất khuất của con người.

Cảm nhận của em về nhân vật Thúy Kiều - mẫu 1

Nguyễn Du là một thiên tài văn học và ông được coi là Đại thi hào văn hóa của Việt Nam. Cả cuộc đời cầm bút, ông đã để lại rất nhiều những tác phẩm có giá trị, trong đó tiêu biểu có "Đoạn trường tân thanh", gọi nôm là "Truyện Kiều". Chị em Thúy Kiều là trích đoạn tiêu biểu của tác phẩm, trong đó miêu tả rất rõ về tài năng, nhan sắc của nàng Kiều “hồng nhan bạc phận”.

Quảng cáo

Trong đoạn trích, nhân vật Thúy Kiều hiện lên như một người con gái tài sắc vẹn toàn, một tuyệt thế giai nhân:

Kiều càng sắc sảo mặn mà

So bề tài sắc lại là phần hơn

Làn thu thủy, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.

Vẻ đẹp của Kiều được Nguyễn Du khắc họa một cách tinh tế thông qua những hình tượng nghệ thuật ước lệ như "thu thủy", "xuân sơn", "hoa", "liễu". Những hình ảnh này không chỉ là sự mô tả vẻ đẹp ngoại hình mà còn khắc họa một tâm hồn trong sáng, thuần khiết. Đặc biệt, đôi mắt của Kiều được tác giả miêu tả với hình ảnh "làn thu thủy", tượng trưng cho ánh mắt trong sáng, linh hoạt và rực rỡ như làn nước mùa thu. Đôi mắt ấy không chỉ thể hiện vẻ đẹp hình thức mà còn là biểu tượng của trí tuệ và tâm hồn sắc sảo, có sức mạnh làm rung động lòng người.

Hơn thế nữa, hình ảnh "nét xuân sơn" đã làm nổi bật đôi lông mày thanh tú của Kiều, gợi lên một khuôn mặt trẻ trung, căng tràn sức sống. Những chi tiết này không chỉ miêu tả vẻ đẹp mỹ miều của Kiều mà còn phản ánh sự tươi mới, đầy sức sống của một thiếu nữ đầy triển vọng. Vẻ đẹp của Kiều không chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ mà còn khiến thiên nhiên phải "ghen" và "hờn", qua hình ảnh "hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh". Nguyễn Du đã khéo léo dùng hình ảnh này để làm nổi bật vẻ đẹp rực rỡ và sắc sảo của Kiều, khiến cho thiên nhiên phải "nảy sinh lòng ghen ghét, đố kị", điều này cũng ngầm báo hiệu rằng Kiều sẽ có một số phận đầy sóng gió, thử thách.

Quảng cáo

Không chỉ là một tuyệt sắc giai nhân, Kiều còn là một cô gái tài hoa, thông minh và đa tài. Cái tài của nàng được thể hiện rõ qua những năng khiếu nghệ thuật xuất sắc, từ cầm, kì, thi, họa, trong đó đặc biệt nhất là tài đàn. Kiều không chỉ đàn giỏi mà còn sáng tác những bản nhạc phản ánh nỗi lòng sâu sắc, như bản đàn "Bạc mệnh" mà nàng tự sáng tác. Những giai điệu ấy da diết, buồn thương, thể hiện tiếng lòng của một người con gái tài sắc nhưng cũng đầy đau khổ, sầu muộn. Qua đó, Nguyễn Du không chỉ miêu tả vẻ đẹp và tài năng của Kiều mà còn khắc họa một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và sâu sắc.

Từ những câu thơ ngắn gọn nhưng giàu hình ảnh, Nguyễn Du không chỉ khắc họa vẻ đẹp ngoại hình và tài năng của Kiều mà còn dự báo trước một cuộc đời đầy bi kịch và trắc trở. Kiều là hình tượng của người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng lại phải chịu đựng số phận nghiệt ngã, gắn liền với những thử thách lớn lao mà cuộc đời mang lại.

Cảm nhận của em về nhân vật Thúy Kiều - mẫu 2

Kiều càng sắc sảo mặn mà

So bề tài sắc lại là phần hơn

Làn thu thủy, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.

Chỉ bằng mấy câu thơ ngắn gọn, Nguyễn Du đã vẽ nên trước mắt người đọc một bức chân dung Thúy Kiều vừa sắc sảo về trí tuệ, vừa mặn mà về tâm hồn. Thật không khỏi ngưỡng mộ! Nguyễn Du dành sự ưu ái đặc biệt cho Thúy Kiều, và qua đó tập trung đặc tả đôi mắt của nàng, bởi đôi mắt chính là "cửa sổ tâm hồn". Đồng thời, ông đã sử dụng nhiều hình ảnh mĩ lệ, trong trẻo của thiên nhiên để miêu tả nàng: làn thu thủy, nét xuân sơn. Nhưng gì tinh túy, đẹp đẽ nhất đã được đặc tả qua đôi mắt có hồn, đầy cảm xúc của Thúy Kiều.

Bên cạnh vẻ đẹp hình thức, ông còn nhấn mạnh đến tài năng của Thúy Kiều. Ông đã dùng đến tám câu thơ để khẳng định vẻ đẹp tài năng của nàng. Không giống như những người con gái khác, nhấn mạnh vẻ đẹp nhan sắc và phẩm hạnh, ở đây Nguyễn Du còn nhấn mạnh một vẻ đẹp khác chính là vẻ đẹp tài năng của người con gái vốn ít được coi trọng:

Một hai nghiêng nước nghiêng thành

Sắc đành đòi một tài đành họa hai

Thông minh vốn sẵn tính trời

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm

Cung thương làu bậc ngũ âm

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương

Khúc nhà tay lựa nên chương

Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân

Thúy Kiều tài năng ở tất cả các mặt: cầm, kì, thi, họa, đặc biệt là tài đàn của nàng đã đạt đến độ không ai có thể sánh nổi. Khúc Bạc mệnh nàng viết vừa chứng tỏ cái tài, vừa như là một dự báo về tương lai bất hạnh, ảm đạm của chính cuộc đời nàng. Quả là tài mệnh tương đố, chữ tài đi liền với chữ tai một vần. Không chỉ đến khi miêu tả tài mới bộc lộ số phận bất hạnh của Thúy Kiều, mà ngay khi tả nhan sắc của nàng, Nguyễn Du đã dần hé lộ cho người đọc thấy những điều đó qua các từ: ghen, hờn, nghiêng nước, nghiêng thành, đã tô đậm sự bất an về nhan sắc và tài năng của Thúy Kiều. Và quả thực cuộc đời mười lăm năm trôi nổi, bèo dạt sau này của nàng chính là minh chứng rõ ràng nhất.

Đoạn trích Chị em Thúy Kiều có thể coi là một mẫu mực về nghệ thuật tả người trong văn học trung đại. Từ bức tranh chung, bằng những nét vẽ tài hoa Nguyễn Du đã đặc tả vẻ đẹp cũng như số phận của hai nàng. Bên cạnh đó ông còn sử dụng linh hoạt các biện pháp so sánh, ẩn dụ, ngôn ngữ ước lệ, hàm súc đã tạo nên thành công cho tác phẩm.

Cảm nhận của em về nhân vật Thúy Kiều - mẫu 3

Nguyễn Du - Đại thi hào của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Ông để lại số lượng tác phẩm đồ sộ, giàu giá trị hiện thực và nhân đạo. Trong kho tàng văn học đồ sộ ấy ta không thể không nhắc đến Truyện Kiều - tuyệt bút của văn học dân tộc. Tác phẩm không chỉ hấp dẫn ở nội dung mà còn đặc sắc ở nghệ thuật tả người chân thực, sinh động. Nét bút tài hoa, chỉ vài đường nét ông đã dựng lên chân dung tính cách và số phận của mỗi người, đặc biệt là nhân vật Thúy Kiều.

Trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”, nàng được tác giả miêu tả bằng những cụm từ tròn vẹn hiếm gặp: “tài sắc vẹn toàn”, “mười phân vẹn mười”, “nghiêng nước nghiêng thành”.

Thúy Kiều mang vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà, “so bề tài sắc lại là phần hơn” đã khẳng định vẻ đẹp tuyệt mĩ của Kiều. Khác với Thúy Vân có những nét vẽ chi tiết về gương mặt, thì khi miêu tả Kiều ông chỉ tập trung miêu tả đôi mắt: “Làn thu thủy nét xuân sơn”. Đôi mắt của nàng trong trẻo, sâu thẳm như làn nước mùa thu, đôi lông mày mượt mà, thanh tú như dáng núi mùa xuân. Không phải ngẫu nhiên ông chọn miêu tả đôi mắt, mà đôi mắt vốn là cửa sổ tâm hồn của mỗi người, bởi vậy, khi miêu tả mắt Thúy Kiều đã gợi nên thế giới tâm hồn phong phú, sâu sắc, gợi tính cách sắc sảo nhưng cũng rất đa sầu, đa cảm. Vẻ đẹp ấy của nàng khiến “hoa ghen” “liễu hờn”, hai chữ “ghen” “hờn” cho thấy sự ấm ức, tâm lí tiêu cực, muốn triệt tiêu, loại bỏ đối phương. Vẻ đẹp của nàng vượt ra khỏi chuẩn mực, giới hạn, khiến cho vạn vật trong trời đất phải ghen ghét, đố kị. Chính điều đó dự báo cuộc sống tương lai đầy tai ương, sóng gió ở phía trước. Nàng không chỉ đẹp về ngoại hình, mà nàng còn mang vẻ đẹp tài hoa, trí tuệ:

Thông minh vốn sẵn tính trời

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm

Trong thời trung đại, người phụ nữ ít khi được nhắc đến tài năng, câu thơ đã cho thấy sự tiến bộ thậm chí táo bạo của Nguyễn Du khi đề cao cả vẻ đẹp hình thức và vẻ đẹp trí tuệ của người phụ nữ. Thúy Kiều là người thông minh, sắc sảo, tài năng đủ cả cầm, kì, thi họa trong đó tài đàn của nàng là ấn tượng và nổi bật nhất. Những khúc đàn nàng chơi lay động lòng người, khúc hát nàng sáng tác khiến ai cũng xót xa, thương cảm. Những khúc nhạc đó cũng cho thấy một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, lãng mạn.

    Nguyễn Du đã đặc biệt ưu ái khi miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều. Nàng tiêu biểu cho số phận người phụ nữ “hồng nhan bạc mệnh” hay như chính Nguyễn Du đã kết luận “Sắc đành đòi một tài đành họa hai” “Chữ tài liền với chữ tai một vần” hay “Hồng nhan quen thói má hồng đánh ghen”. Trong suốt dọc chiều dài tác phẩm Nguyễn Du đã nhắc đi nhắc lại số phận bạc bẽo của kiếp hồng nhan, sẽ gặp phải nhiều truân chuyên, sóng gió.

    Để khắc họa vẻ đẹp của nàng, Nguyễn Du đã sử dụng nghệ thuật ước lệ tượng trưng cùng hàng loạt ẩn dụ: hoa, liễu – những hình ảnh nổi bật của thiên nhiên để làm nổi bật nhan sắc của hai nàng. Đồng thời để làm nổi bật vẻ đẹp của Thúy Kiều, Nguyễn Du còn sử dụng thủ pháp đòn bẩy, miêu tả Vân trước, Kiều sau để làm bật chân dung Thúy Kiều. Ngoài ra, ông còn sử dụng nghệ thuật nhân hóa để ngầm dự báo số phận hai người. Vẻ đẹp của Thúy Vân khiến thiên nhiên “thua, nhường” dự báo sau này cuộc đời nàng sẽ yên bình, phẳng lặng. Vẻ đẹp của Thúy Kiều bị thiên nhiên “ghen, hờn”, dự báo cuộc đời nhiều gian nan, sóng gió.

Bằng bút pháp ước lệ tượng trưng tinh tế tài hoa, Nguyễn du đã phác họa thành công vẻ đẹp, tài năng của Thúy Kiều. Đồng thời từ chân dung của họ gợi lên tính cách, số phận sau này. Đó là những chân dung mang tính cách số phận. Qua đó cho thấy bút pháp tả người tài tình của tác giả.

Cảm nhận của em về nhân vật Thúy Kiều - mẫu 4

Trong đoạn trích "Chị Em Thúy Kiều" của Nguyễn Du, Thúy Kiều hiện lên như một tuyệt thế giai nhân, sở hữu vẻ đẹp tài sắc vẹn toàn. Vẻ đẹp của Kiều được nhà thơ thể hiện qua những hình tượng nghệ thuật ước lệ đặc sắc như "thu thủy", "xuân sơn", "hoa", "liễu", làm nổi bật sự hoàn hảo của nàng. Đặc biệt, vẻ đẹp của Kiều được đặc tả qua đôi mắt – nơi thể hiện phần tinh anh của tâm hồn và trí tuệ. Đôi mắt ấy có khả năng giao tiếp và rung động lòng người, khiến cho ai cũng phải chú ý. Hình ảnh "làn thu thủy" so sánh đôi mắt của Kiều như làn nước mùa thu, trong sáng, long lanh, phản chiếu sự linh hoạt và tươi mới của tâm hồn. Cùng với đó, "nét xuân sơn" – nét núi mùa xuân – tôn lên vẻ thanh tú, nhẹ nhàng của đôi lông mày Kiều, làm nổi bật sự trẻ trung và tươi tắn của nàng. Đây không chỉ là sự miêu tả ngoại hình mà còn là hình ảnh biểu tượng cho vẻ đẹp thuần khiết, tinh tế.

Vẻ đẹp của Kiều không dừng lại ở đôi mắt, mà còn được thể hiện qua câu thơ "hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh". Hình ảnh hoa và liễu, hai yếu tố gắn liền với thiên nhiên, càng làm nổi bật vẻ đẹp mĩ lệ, hoàn hảo của Kiều. Vẻ đẹp ấy không chỉ khiến thiên nhiên phải ngỡ ngàng mà còn làm cho chúng "ghen", "hờn", tạo nên một sự kình địch, phản ánh sự vượt trội của nàng. Qua chi tiết này, Nguyễn Du cũng ngầm báo hiệu rằng số phận của Kiều sẽ không chỉ gặp những sóng gió mà còn đầy trắc trở, khó khăn.

Không chỉ mang vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, Kiều còn là một cô gái tài hoa xuất sắc. Theo quan niệm thẩm mỹ phong kiến, tài năng của Kiều đạt đến mức lí tưởng khi nàng tinh thông đủ mọi lĩnh vực như cầm, kì, thi, họa. Đặc biệt, tài đàn của Kiều là một điểm nổi bật, vượt lên trên tất cả mọi người. Cung đàn "bạc mệnh" mà nàng tự sáng tác, với những âm thanh da diết, buồn thương, là tiếng lòng của một trái tim đa sầu đa cảm. Từ đó, Nguyễn Du không chỉ khắc họa vẻ đẹp ngoại hình và tài năng của Kiều, mà còn gửi gắm vào đó sự bộc lộ tâm hồn nhạy cảm, giàu cảm xúc.

Như vậy, chỉ qua vài câu thơ trong đoạn trích, Nguyễn Du không chỉ miêu tả vẻ đẹp hoàn hảo và tài năng của Thúy Kiều mà còn tinh tế dự báo về tương lai đầy thử thách, gian truân của nàng. Sự kết hợp giữa sắc đẹp và tài năng của Kiều đã làm nên một hình tượng nhân vật nổi bật trong văn học dân tộc, vừa quyến rũ vừa đầy bi kịch.

Cảm nhận của em về nhân vật Thúy Kiều - mẫu 5

Thơ cổ viết về giai nhân thì đoạn thơ Chị em Thúy Kiều trích trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du là một trong những vần thơ tuyệt bút. 24 câu lục bát đã miêu tả sắc, tài và đức hạnh chị em Thúy Kiều, Thúy Vân - hai tuyệt thế giai nhân với tất cả tấm lòng quý mến và trân trọng của nhà thơ thiên tài dân tộc. Song, sau tất cả, vẻ đẹp của Thuý Kiều được Nguyễn Du tài tình khi sắp xếp sau khi ngợi ca vẻ đẹp của Thuý Vân.

Kiều càng sắc sảo, mặn mà,

So bề tài, sắc, lại là phần hơn.

Làn thu thủy, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.

Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.

Cung thương làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

Khúc nhà tay lựa nên chương,

Một thiên Bạc mệnh, lại càng não nhân.

Từ “càng” nhấn mạnh vẻ “sắc sảo mặn mà” ở Thuý Kiều hơn hẳn Thuý Vân. Vân là em nhưng được nói đến trước thì ra bởi tác giả muốn lấy Vân làm nền cho vẻ đẹp nổi bật của Kiều. “Sắc sảo” và “mặn mà” đều có tác dụng vừa gợi tả nhan sắc, vừa gợi tả tính cách, tài trí. Nhắc đến nét đẹp của mĩ nhân xưa, ta thường nghĩ đến vẻ liễu yếu đào tơ tha thướt. Bởi vậy, sự "sắc sảo mặn mà" của Thuý Kiều hẳn là điều đặc biệt. Sử dụng hai từ láy đầy sức gợi "sắc sảo", "mặn mà" tác giả như muốn khắc sâu vào tâm trí người đọc vẻ đẹp nổi bật "khác thường" này của người con gái Vương Thuý Kiều. Nhan sắc của nàng được gợi tả bằng các hình ảnh mang tính ước lệ: thu thuỷ, xuân sơn, hoa, liễu. Việc gợi tả vẻ đẹp của đôi mắt “làn thu thuỷ" ý chỉ đôi mắt trong sáng như nước mùa thu, gợi vẻ lanh lợi, sắc sảo hơn người. Nhưng làn nước mùa thu cũng gợi những thoáng buồn u uẩn nên điều đó còn thể hiện một tâm hồn tinh tế, có phần đa mang. 

Trong câu thơ “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”, khác với Thuý Vân, chúng lại như báo trước một cuộc đời giông bão bị ghen ghét, đố kị, vùi dập của nhân vật Thúy Kiều.

Đoạn thơ nói về Chị em Thúy Kiều là một trong những đoạn thơ hay nhất, đẹp nhất trong Truyện Kiều được nhiều người yêu thích và thuộc. Ngôn ngữ thơ tinh luyện, giàu cảm xúc. Nét vẽ hàm súc, gợi cảm, nét vẽ nào cũng có thần. Các bịên pháp tu từ ẩn dụ, so sánh, nhân hóa được thi hào vận dụng thần tình tạo nên những vần thơ ước lệ mà trữ tình, đầy chất thơ. Hàm ẩn sau bức chân dung mĩ nhân là cả một tấm lòng quý mến trân trọng. Đó là nghệ thuật tả người điêu luyện của thi hào Nguyễn Du mà ta cảm nhận được.

Cảm nhận của em về nhân vật Thúy Kiều - mẫu 6

Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du không chỉ là kiệt tác bất hủ của nền văn học trung đại mà còn là của cả nền văn học Việt Nam. Với những giá trị nội dung tư tưởng lớn, mang tính hiện thực sâu sắc, phản ánh, lên án sự bất công, tàn ác của chế độ phong kiến và số phận bất hạnh của người phụ nữ.

Đồng thời thể hiện tư tưởng nhân đạo, cảm thương sâu sắc cho số phận con người, đặc biệt là phận nhi nữ, trân trọng những vẻ đẹp của người phụ nữ dưới chế độ cũ. Có thể nói rằng dẫu là con người của chế độ phong kiến, nhưng thông qua Truyện Kiều ta có thể nhận ra tư tưởng và suy nghĩ của Nguyễn Du đã vượt trước thời đại cả hàng trăm năm, để lại cho nền văn học một tác phẩm kinh điển có ảnh hưởng sâu rộng trong văn hóa của người Việt.

Truyện Kiều tựa như một nguồn cảm hứng lớn, một khởi điểm cho nhiều các loại hình văn hóa khác như bói Kiều, lẩy Kiều, trò Kiều, tranh Kiều, vịnh Kiều, … thậm chí trở thành đề tài cho nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu, âm nhạc, hội họa,... Không chỉ vậy Truyện Kiều còn trở thành tác phẩm hiếm hoi của văn học Việt Nam được dịch và cho xuất bản ở trên 20 quốc gia.

Sự thành công của Truyện Kiều, không chỉ đến từ nội dung hiện thực và nhân đạo mà còn đến từ những giá trị nghệ thuật, thể hiện tuyệt tài cầm bút của Nguyễn Du. Bao gồm việc sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ lục bát của dân tộc, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, nghệ thuật tả cảnh, tả người bằng bút pháp ước lệ tượng trưng, linh hoạt, gợi nhiều hơn tả,... Đoạn trích Chị em Thúy Kiều là một trong những trích đoạn thể hiện rất đặc sắc biệt tài dùng bút pháp ước lệ tượng trưng để miêu tả vẻ đẹp con người của Nguyễn Du. Đặc bật là nhân vật trung tâm – Thúy Kiều:

Kiều càng sắc sảo, mặn mà,

So bề tài, sắc, lại là phần hơn.

Làn thu thủy, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.

Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.

Cung thương làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

Khúc nhà tay lựa nên chương,

Một thiên Bạc mệnh, lại càng não nhân.

So với vẻ đẹp phúc hậu và quý phái của Thúy Vân, Thúy Kiều càng nổi bật với vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà, có phần "hơn" hẳn. Nguyễn Du đã khắc họa vẻ đẹp ấy qua những hình ảnh nghệ thuật ước lệ sâu sắc, chẳng hạn như "Làn thu thủy nét xuân sơn", cho thấy đôi mắt Kiều trong trẻo, long lanh như làn nước mùa thu, biểu hiện sự tinh anh, sáng suốt trong tâm hồn. Bên cạnh đó, đôi lông mày của nàng được so sánh với nét núi mùa xuân, thanh tú và mềm mại, càng tôn lên vẻ đẹp tinh tế, trẻ trung của Kiều. Vẻ đẹp của Kiều không chỉ khiến người ta trầm trồ mà còn khiến cho thiên nhiên phải ngậm ngùi, thán phục. Câu thơ "Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh" đã khắc họa một vẻ đẹp hiếm có, khiến hoa cũng phải "ghen", liễu phải "hờn", một sự nhân hóa thể hiện sự vượt trội của Kiều so với mọi vật trong thiên nhiên. Điều này cũng cho thấy vẻ đẹp ấy quá quyến rũ, lộng lẫy đến nỗi tự nhiên cũng phải cảm thấy mình "kém cỏi" trước nàng.

Tuy nhiên, câu thơ này cũng ẩn chứa một dự báo về số phận của Kiều – một "tuyệt sắc giai nhân" nhưng lại phải gánh chịu số phận "hồng nhan bạc mệnh". Mặc dù sở hữu vẻ đẹp tuyệt trần, Kiều lại không có được một cuộc sống an yên mà ngược lại, phải đối mặt với những thử thách, trắc trở, đau khổ. Sự ghen tị của thiên nhiên như một dấu hiệu của những sóng gió mà Kiều sẽ phải trải qua trong cuộc đời. Đây là sự kết hợp giữa vẻ đẹp hoàn mỹ và bi kịch số phận, tạo nên một hình tượng nhân vật vừa quyến rũ lại đầy đau thương trong tác phẩm "Truyện Kiều".

Đoạn trích Chị em Thúy Kiều là phân đoạn thể hiện rõ nét tài năng bậc thầy của Nguyễn Du trong việc miêu tả người thông qua bút pháp ước lệ tượng trưng, chỉ gợi, vẽ vào một nét bút chấm phá, để người đọc tự khai phá ra bức tranh nhân vật. Đồng thời đoạn trích còn thể hiện tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du khi rất mực trân trọng và tinh tế, tỉ mỉ trước vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều. Đặc biệt là ở nhân vật Kiều, ông không chỉ khai thác nhan sắc hiếm có mà còn tô vẽ nàng thông qua vẻ đẹp tài năng, trí tuệ, cốt cách ở bên trong, để làm nổi bật bức tranh người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng bạc mệnh.

Cảm nhận của em về nhân vật Thúy Kiều - mẫu 7

Có ý kiến cho rằng "Truyện Kiều là một kiệt tác hàng trăm năm nay đã được lưu truyền rộng rãi à có sức chinh phục lớn đối với người đọc". Thật vậy bằng tài và tâm của mình, Nguyễn Du đã tạo nên một kiệt tác để đời. Trong đó có đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" tiêu biểu cho cái tài khắc họa, miêu tả nhân vật.

Là một đoạn trích khắc họa rõ nét hai chị em Thúy Kiều, không chỉ vậy, qua những nét khắc họa đó còn thể hiện tính cách và số phận của hai chị em. 

Trong đoạn trích "Chị Em Thúy Kiều" của Nguyễn Du, Kiều hiện lên là một người con gái tài sắc vẹn toàn. Vẻ đẹp của Kiều được tác giả sử dụng những hình tượng nghệ thuật ước lệ "thu thủy", "xuân sơn", "hoa", "liễu" để miêu tả một tuyệt thế giai nhân. Vẻ đẹp ấy được đặc tả qua đôi mắt, bởi đôi mắt là sự thể hiện phần tinh anh của tâm hồn và trí tuệ. Đó là một đôi mắt biết nói và có sức rung cảm lòng người. Hình ảnh ước lệ "làn thu thủy" là làn nước mùa thu gợi lên thật sống động vẻ đẹp của đôi mắt trong sáng, long lanh và linh hoạt. Còn "nét xuân sơn" có nghĩa là nét núi mùa xuân, tôn lên đôi lông mày thanh tú trên khuôn mặt trẻ trung. Vẻ đẹp của Kiều không chỉ dừng lại ở đó, câu thơ "hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh" cũng là hình ảnh làm nổi bật vẻ đẹp mĩ lệ của Kiều, vẻ đẹp hoàn mĩ và sắc sảo ấy có sức quyến rũ lạ lùng, khiến cho thiên nhiên không thể dễ dàng chịu thua, chịu nhường mà phải nảy sinh lòng ghen ghét, đố kị. Đồng thời, qua chi tiết này, Nguyễn Du cũng ngầm báo hiệu số phận của Kiều sẽ gặp nhiều sóng gió, trắc trở. Không chỉ mang một vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, Kiều còn là một cô gái thông minh và rất mực tài hoa. Cái tài của Kiều đạt tới mức lí tưởng theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến, gồm đủ cả cầm, kì, thi, họa. Đặc biệt nhất, tài đàn của nàng đã trở thành sở trường, năng khiếu vượt lên trên mọi người. Ở đây, tác giả đã đặc tả cái tài của Kiều để gợi ca cái tâm đặc biệt của nàng. Cung đàn "Bạc mệnh" mà Kiều tự sáng tác nghe thật da diết, buồn thương, nói lên tiếng lòng của một trái tim đa sầu đa cảm.

Như vậy, chỉ bằng mấy câu thơ trong đoạn trích, Nguyễn Du đã không chỉ miêu tả được vẻ đẹp hoàn mĩ và cái tài của Kiều mà còn dự báo trước được tương lai của nhân vật.

Xem thêm các bài văn mẫu hay khác:

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 12 sách mới các môn học