100+ bài văn kể chuyện lớp 5 (siêu hay, ngắn gọn)



Tổng hợp trên 100 bài văn kể chuyện lớp 5 hay nhất, ngắn gọn được chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh trên cả nước giúp bạn viết bài văn kể chuyện hay hơn.

100+ bài văn kể chuyện lớp 5 (siêu hay, ngắn gọn)

Quảng cáo

Kể một kỉ niệm khó quên về tình bạn

Dàn ý Kể một kỉ niệm khó quên về tình bạn

a. Mở bài

- Giới thiệu bạn mình là ai?

- Giới thiệu về kỉ niệm với người bạn đó khiến mình xúc động nhất?

b. Thân bài

- Kể về kỉ niệm đó.

- Xảy ra ở đâu? Lúc nào? Với những ai?

- Sự việc chính và các chi tiết.

- Điều gì khiến em xúc động? Xúc động như thế nào?

c. Kết bài

- Em suy nghĩ gì về kỉ niệm đó?

- Suy nghĩ của em về người bạn đó.

Kể một kỉ niệm khó quên về tình bạn - Biển Nha Trang

    Trong tâm trí mỗi người đều có những kỉ niệm đẹp, em cũng vậy. Kỉ niệm khó quên của em là một lần đi biển Nha Trang cùng với My - người bạn thân của em đã lâu.

    Lần đó thật vui, chúng em chất hết đồ đạc vào va li và đi máy bay đến Nha Trang. Biển thật đẹp! Những rặng dừa rì rào trong gió. Những con sóng đua nhau chạy vào bờ tung bọt trắng xóa. Biển có lúc hiền hòa, lặng sóng, nhưng có lúc lại giận dữ, ngạo mạn đánh dạt tất cả cái gì xung quanh nó ra xa. Đứng trên bờ nhìn ra biển sẽ thấy thấp thoáng những đoàn thuyền đánh cá ra khơi, mang về cho mọi người những mẻ lưới nặng trịch cá. Trên bờ, người đi tắm biển rất nhiều. Em và My cùng nhau xây lâu đài cát và "thu hoạch" được rất nhiều vỏ sò, ốc, san hô,.... Tắm biển đã thỏa thích, hai gia đình của em và My dẫn nhau ra một nhà hàng cao cấp. Ở đó, bọn em được ăn đặc sản của Nha Trang cùng rất nhiều món ngon khác. Buổi tối, cả hai đứa lại ra biển hóng mát và đi dạo. Lúc ngồi nghỉ, bọn em thi nhau tán ngẫu những câu chuyện không có thật trên đời. Tiếng cười đùa của bọn em hòa vào tiếng dế đêm nghe rất hay, buổi đêm trên biển thật yên tĩnh ......

    Đến giờ đã ba năm kể từ ngày em đi chơi với My nhưng em sẽ không bao giờ quên được ngày ấy vì nó đã khắc sâu vào trong tâm trí của em. Ngày ấy, là một kỉ niệm khó quên, một kỉ niệm tình bạn đẹp.

Kể một kỉ niệm khó quên về tình bạn - Cô bạn Trang

    Tôi được sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từ nhỏ bố mẹ tôi đã luôn dặn tôi rằng phải cố gắng học tập, không được thua bạn nào cả, có như vậy sau này tôi sẽ không khổ giống bố mẹ tôi bây giờ. Tôi đã làm theo lời bố mẹ, suốt ngày tôi chỉ học và đọc sách, tôi không muốn nói chuyện với ai vì tôi cảm thấy như vậy sẽ lãng phí thời gian. Trên lớp, ngoài thời gian học tôi lại ngồi đọc sách và đọc truyện, tôi không mấy khi quan tâm đến các bạn xung quanh tôi đang làm gì, họ hỏi gì thì tôi nói nấy. Vì vậy nên năm nào tôi cũng đứng nhất lớp và tôi không chơi với bạn nào cả. Nhiệm vụ chính của tôi là học tập, tôi đã nghĩ như vậy!

    Cho đến một ngày, có một bạn mới chuyển vào lớp tôi. Lần đầu bạn ấy vào lớp cô giáo giới thiệu bạn ấy tên là Trang ở lớp A2 chuyển sang. Nhìn bạn ấy hiền quá, tôi thấy tò mò không biết bạn ấy học có giỏi không? Vì tôi không thích ai học giỏi hơn tôi cả. Thật bất ngờ khi cô giáo bảo bạn ấy ngồi gần tôi, cô dặn tôi phải giúp đỡ bạn ấy học tập.

    Giờ ra chơi buổi học hôm ấy, vẫn thói quen cũ tôi ngồi đọc sách. Thật ngạc nhiên khi Trang cũng không ra chơi, cứ ngồi bên cạnh nhìn tôi một lúc lâu, thấy vậy tôi quay sang hỏi "bạn nhìn gì vậy", Trang mỉm cười nói "đó là quyển sách tớ thích nhất, tớ đã từng ước mơ mình được đọc nó dù chỉ một lần". Thì ra Trang rất thích quyển sách tôi đang đọc, tôi cũng rất thích nó. Tôi nói với Trang "nếu bạn thích thì đọc xong tớ sẽ cho bạn mượn". Trang cười nhẹ "thật nhé!". Cuối giờ tôi đưa sách cho Trang, bạn ấy cảm ơn tôi rồi phấn khởi cho sách vào cặp. Sáng hôm sau đến lớp Trang kể cho tôi nghe về quyển sách đó, rồi kể cho tôi nghe về gia đình Trang. Thì ra, Trang còn có hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn tôi, bạn ấy không có bố mẹ và ở với bà nội. Sách vở bạn ấy có là do hàng xóm khuyên góp và tặng lại. Trang rất thích đọc sách nhưng lại không có tiền để mua. Nghe

    Trang tâm sự tôi thấy bạn ấy vừa đáng thương vừa đáng khâm phục.

    Từ đó, tôi và Trang chơi rất thân với nhau. Chúng tôi cùng nhau học tập, tôi học giỏi nên tôi sẽ dạy cho Trang những kiến thức mà tôi biết, và cho Trang mượn những cuốn sách tôi đã đọc xong rồi. Cuối tuần được nghỉ tôi thường sang nhà Trang chơi và giúp đỡ bà nội của Trang nhổ tóc sâu. Chúng tôi hợp nhau đến từng sở thích về món ăn, đọc sách và nghe nhạc nữa. Đối với tôi, Trang là một người bạn tốt và vô cùng đáng mến. Thực sự thì chưa bao giờ tôi cảm thấy tâm trạng mình lại thoải mái đến thế, tôi đã lắng nghe nhiều hơn và chia sẻ nhiều hơn. Từ ngày có Trang là bạn, tôi không còn ngồi một mình một góc nữa. Đến giờ ra chơi, chúng tôi ra sân chơi nhảy dây, kéo co với các bạn rất vui. Trang đã làm cho tôi thay đổi, bạn ấy nói với tôi rằng "dù cuộc sống có khó khăn đến mấy thì chúng ta vẫn luôn phải cười vui vẻ". Tôi đã thay đổi cách suy nghĩ từ khi chơi với Trang. Bạn ấy đã khiến cuộc sống của tôi thú vị hơn rất nhiều, tôi thấy mình sống thoải mái hơn và cười nhiều hơn. Cảm ơn Trang đã là bạn của tôi.

    Trong cuộc đời, ai cũng có những người bạn. Gặp được người bạn tốt là niềm hạnh phúc lớn lao. Tôi luôn trân trọng tình bạn giữa tôi và Trang, và chúng tôi sẽ cùng nhau cố gắng học tập và gìn giữ tình bạn luôn vui vẻ, bền vững.

Kể một kỉ niệm khó quên về tình bạn - Câu chuyện đêm trung thu

    Cho tới bây giờ, mỗi khi nhìn thấy hình ảnh các bạn nhỏ đang bán vé số hay đánh giày ngoài đường, tôi lại nghĩ về Minh Trang – cô bạn thân của mình. Là bạn thân, chúng tôi có không ít những kỉ niệm vui buồn cùng nhau. Kỉ niệm mà tôi nhớ nhất là về một cô bé bán vé số xảy ra nhiều năm về trước.

    Vào dịp trung thu năm lớp 2, trường tôi tổ chức “Đêm hội trăng rằm”. Khi ông trăng đã lên cao giữa vòm trời, chúng tôi được rước đèn, phá cỗ. Tiếng trống múa lân rộn vang tưng bừng. Đêm hội kết thúc, tôi và Minh Trang cùng đi ra cổng trường đợi bố mẹ đón về. Chúng tôi vô cùng thích thú với những món đồ chơi trung thu, nào đèn ông sao, nào vương miện còn có cả kẹo, bánh nữa. Ra tới cổng, chúng tôi thấy một cô bé đang nhìn vào bên trong khán đài. Cô bé chạc tuổi chúng tôi hoặc nhỏ tuổi hơn. Người gầy gò, khoác trên mình chiếc áo sơ mi hoa nhí đã sờn màu. Cô đeo một chiếc túi và trên tay cầm một tập giấy nhỏ. Bỗng, cô bé ấy nhìn hai đứa tôi. Gương mặt cô nhỏ nhắn, tái nhợt. Ánh mắt nhìn chằm chằm vào chiếc đèn ông sao mà tôi đang cầm trên tay. Tôi hỏi: “Sao cậu lại nhìn tớ?”. Cô bé hơi ngạc nhiên, mắt vẫn nhìn chiếc đèn và cất lời: “Cậu cho tớ mượn chiếc đèn ông sao một lúc được không?”. Tôi lập tức trợn mắt: “Tớ không cho cậu mượn được”. “ Tớ chỉ mượn một lúc thôi mà!” – Vừa nói, cô bé đưa tay cầm vào chiếc đèn. Thấy vậy, tôi liền giật lại.

    Minh Trang vỗ vào người tôi và bảo: “Ánh Dương ơi, cậu cho bạn ấy mượn đi, chỉ một lúc thôi mà.” Tôi nhìn cô bạn của mình tỏ vẻ khó hiểu: “Chúng ta không quen câu ấy? Cậu ấy vừa bẩn vừa hôi. Cậu không sợ người lạ sao? Nhất là những người mà không đi cùng bố mẹ.”. Cậu ấy mỉm cười: “Sao chúng ta phải sợ. Tớ và cậu có hai người, bạn ấy chỉ có một mình. Mà tớ biết bạn ấy không phải người xấu đâu.” Tôi nhìn cô bé kia, rồi nhìn Minh Trang, lòng chưa hết ngờ vực. Cô bạn tôi đưa cho cô bé kia chiếc đèn và một chiếc bánh, rồi tiếp lời: “Tặng cậu luôn nhé! Chúc cậu trung thu vui vẻ!”. Cô bé ấy hớn hở cảm ơn. Vừa lúc đó, mẹ tôi tới. Hai chúng tôi lên xe ra về. Trên xe, Trang bảo tôi rằng, cô bé lúc nãy là cô bé bán vé số. Thường những bạn nhỏ nào phải đi bán vé số thì họ rất đáng thương. Các bạn ấy nhiều khi còn mồ côi, không được đi học, phải tự mình kiếm sống. Ngay cả ngày lễ, các bạn vẫn phải làm việc, không được hát múa, cũng chẳng được phá cỗ. Tôi nghe cô bạn nói mới hiểu mình đã sai. Chúng ta không nên kì thị, hắt hủi những người có số phận kém may mắn, mà cần yêu thương và giúp đỡ họ. Tôi thật may mắn khi có một người bạn như vậy.

    Giờ đây, tôi với Minh Trang không còn học cùng nhau nữa. Tôi đã chuyển đến ngôi trường mới nhưng sẽ chẳng bao giờ quên cô bạn dễ thương và tốt bụng của mình. Đặc biệt, kỉ niệm đêm trung thu hôm đó.

Kể lại kỉ niệm đáng nhớ với thầy/ cô giáo của em (mẫu 1)

    Trong mấy năm đi học, em đã có rất nhiều kỉ niệm buồn vui dưới mái trường thân yêu. Nhưng kỉ niệm mà tôi sẽ chẳng bao giờ quên đó là kỉ niệm hồi lớp 1, khi em tập viết và cô giáo đã tận tình cầm tay tôi viết từng nét.

    Tròn 6 tuổi, em bước vào lớp một với tất cả sự háo hức. Em học đọc rất nhanh, chỉ nghe cô giáo đọc một lần, em có thể đọc theo vanh vách. Nhưng viết với em quả là một hành trình gian nan. Em thuận tay trái, từ nhỏ mẹ đã rèn cho em cầm bút tay phải. Nhưng cứ khi nào không có ai nhìn là em lại đổi tay. Cô giáo đầu tiên của em tên là Ngọc. Đúng như cái tên, cô xinh xắn và rạng rỡ, lại trìu mến, hiền dịu. Cô biết em thuận tay trái nên thường xuống bàn quan sát tôi viết. Bước vào học kì hai, chúng tôi tập viết chữ nhỏ, lại viết những bài chính tả dài hơn. Chữ em dần nguệch ngoạc. Trong giờ chính tả hôm đó, cô chép những dòng chữ tròn trịa lên bảng, chúng em chép vào vở của mình. Vì thấy cô không để ý, em lại đổi tay để viết.

    Đến cuối buổi học, cô Ngọc trả vở chính tả cho chúng em. Cô bắt đầu nhận xét. Bỗng, cô nhắc tới em: “Bạn Gia Bảo hôm nay viết có tiến bộ. Tuy nhiên, cô nghĩ là con đang quên một điều.” Em hoảng hốt cúi mặt xuống. Trong tà áo dài thướt tha, cô bước xuống bàn em và tiếp lời: “Cả lớp nhớ cô dặn khi viết, tay chúng ta cầm bút thế nào không?” Lớp tôi đồng thanh nhắc lại lời cô dặn. Cô lại nói: “Tuy vậy, bạn Gia Bảo vẫn quên. Cô phê bình Gia Bảo trong buổi học ngày hôm nay.” Rồi cô nhìn thẳng em và nói: “Cô hi vọng Gia Bảo sẽ nhớ lời cô dặn.” Một vài bạn cất tiếng cười chê bai. Nghe thấy vậy, khuôn mặt em nóng bừng, nước mắt ứa ra và bàn tay vò trang vở vừa viết. “Cô thấy hôm nay chữ con viết tròn, đều đúng khoảng cách. Con viết đẹp hơn rất nhiều bạn.” – Cô lại nhẹ nhàng nói. Cả lớp im phăng phắc. Em được cô khen lại thấy êm lòng nên trút bỏ được cơn tức giận của một cậu con trai hiếu thắng.

    Từ đó, em kiên trì rèn viết bằng tay phải. Lên lớp 2, tôi đã viết được những dòng chữ vô cùng sạch đẹp. Dù bây giờ, em không còn được học cô nữa, nhưng những bài học lí thú hay lời dạy ân cần của cô vẫn còn in đậm trong tâm trí em.

Kể lại kỉ niệm đáng nhớ với thầy/ cô giáo của em (mẫu 2)

    Trong cuộc sống mỗi người ai cũng có những kỷ niệm khó quên trong đời. Với em cũng vậy, gần bốn năm cắp sách đến trường em cũng có bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Và kỷ niệm đáng nhớ nhất trong em có lẽ là kỷ niệm về cô giáo chủ nhiệm năm em học lớp ba.

    Gia đình em vốn không mấy khá giả, nhà lại đông anh em. Bố mẹ em không phải công nhân viên chức mà chỉ quanh năm làm ruộng và làm thuê nên cuộc sống vất vả và đủ ăn là may măn rồi. Em là anh cả trong gia đình, sau em còn có ba người em nhỏ nữa. Năm em học lớp ba, đó cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất, bố em mắc bệnh nan y khó chữa, gia đình đã bán tài sản, vay mượn khắp nơi để chạy chữa, em đã quyết định nghỉ học vì đến kỳ nộp tiền học mà gia đình không có.

    Cô giáo chủ nhiệm em lúc đó tên Lan. Cô Lan là một cô giáo hiền lành, yêu nghề và rất quan tâm đến đời sống cũng như học tập của học sinh chúng em. Hai ngày liền không thấy em tới lớp, cô đã hỏi thăm bạn bè và tìm đến nhà em để thăm hỏi. Cô đã động viên gia đình rất nhiều và mong muốn em tiếp tục đến lớp. Cô nói em là một học sinh giỏi của lớp, nếu nghỉ học thì thật tiếc quá. Cô cũng nói mong muốn em học tập để có một tương lai tốt đẹp và có cơ hội để giúp đỡ gia đình. Lúc đó em chỉ nghĩ trước mắt nên vẫn nhất định nghỉ học. Rồi một tuần trôi qua cô lại tới nhà động viên. Cô nói đã thong báo trường hợp của em lên nhà trường và địa phương để xem xét cho em được đi học mà không phải đóng học phí. Em vui mừng lắm vì trước giờ em rất muốn đi học như các bạn cùng trang lứa. Và rồi sau hơn một tuần nghỉ học em lại được tiêp tục tới trường. Con đường tới trường dường như đẹp hơn mỗi ngày. Em tung tăng bước đi với niềm hân hoan vô cùng. Mỗi ngày sau buổi học, cô Lan lại dành them thời gian để giảng lại cho em những bài cũ mà em nghỉ tuần trước đó. Cô ân cần , nhiệt tình giảng dạy để em không bị mất kiến thức. Cuối năm đó em đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện và danh hiệu học sinh nghèo vượt khó. Em rất cảm động và hạnh phúc về những gì cô Lan đã dành cho em.

    Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất của em về thầy cô và có lẽ sẽ mãi mãi in đậm trong trái tim em với một lòng biết ơn sâu sắc. Em sẽ mãi nhớ về cô và luôn thầm hứa học tập tốt để trở thành một người giáo viên giỏi giang và tận tụy với nghề như cô.

Kể một việc làm góp phần xây dựng quê hương, đất nước

Dàn ý Kể một việc làm góp phần xây dựng quê hương, đất nước

1. Mở bài:

- Nêu hoàn cảnh, thời gian diễn ra sự việc.

2. Thân bài:

- Kể diễn biến sự việc:

+ Việc tốt đó là gì? Xảy ra ở đâu?

+ Suy nghĩ của em khi làm công việc đó.

+ Hành động cụ thể của em khi đó.

- Việc làm của em đã mang lại ích lợi như thế nào.

3. Kết bài:

- Cảm giác của em sau khi làm được một việc tốt.

Kể một việc làm góp phần xây dựng quê hương, đất nước - Quyên góp đồ dùng cho đồng bào vùng lũ

    Mùa thu, bầu trời quang đãng với một vài chòm mây trắng bồng bềnh và muôn tia nắng vàng dịu. Nhưng cũng không ít lần, bầu trời giận dữ với những trận mưa bão ầm ầm, xối xả. Mưa bão, vùng quê miền Trung lại chìm ngập trong nước lũ. Mùa màng bị lũ cuốn, nhà cửa lũ tràn nước, các bạn học sinh cũng chẳng có được một mùa tựu trường trọn vẹn. Trường Tiểu học của tôi đã phát động phong trào ủng hộ đồng bào nơi đó. Chúng tôi đều hào hứng để thực hiện hành động có ý nghĩa này.

    Thứ bảy, thầy trò trường tôi có mặt đầy đủ ở trường. Cô Tổng phụ trách lên tổ chức một vài hoạt động tập thể. Các bạn múa, hát những bài hát vui nhộn về quê hương đất nước. Lớp 5B còn diễn một vở kịch rất xúc động. Một lúc sau, thầy Hiệu trưởng lên đọc quyết định phát động phong trào ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai. Chúng tôi đã được các thầy cô phổ biến trước nên hôm nay đã chuẩn bị những thứ mình có thể ủng hộ. Ở góc sân, các thầy cô chia thành nhiều nhóm: nhóm nhận đồ dùng học tập, nhóm nhận đồ ăn, nhóm nhận đồ chơi, nhóm nhận tiền mặt,… Tối qua, khi thu dọn kho đồ chơi của mình. Tôi đã quyết định sẽ đem món đồ mà tôi yêu thích nhất để ủng hộ các bạn nhỏ vùng lũ lụt. Đó là chiếc máy bay trực thăng mini. Hồi mới mua về, nó có điều khiển để bay lên được. Nhưng do anh em tôi tranh dành nhau, nút điều khiển bị hỏng. Tuy vậy, chúng tôi vẫn thường xuyên lôi nó ra chơi. Tôi đã viết một bức thư nhỏ với dòng chữ “Chúc cậu sớm vượt qua những thiệt hại do lũ lụt gây ra! Một ngày nào đó, chiếc máy bay sẽ đưa cậu đi ngắm bầu trời xanh…” Tôi mở cánh cửa của chiếc máy bay, đưa vào bên trong. Tôi hi vọng một cậu bạn nào đó sẽ đọc được những dòng thư này. Các bạn học sinh trường tôi còn ủng hộ sách, vở, truyện, quần áo, giày dép,… Thầy Hiệu trưởng nói, nhà trường sẽ cùng với quận đem những đồ dùng đó trao tận tay bà con miền nước lũ.

    Thầy Hiệu trưởng đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thương tâm do lũ gây ra. Ai nấy nghe đều vô cùng xúc động. Chúng tôi đem những đồ dùng tới để ủng hộ với niềm mong mỏi các bạn miền Trung sẽ sớm nhận được và sớm vượt qua những khó khăn hiện tại.

Kể một việc làm góp phần xây dựng quê hương, đất nước - Vận động xây trường học cho trẻ em nghèo

   Không ai ở xã em mà không biết ông Tùng, dù đã ngoài 60 tuổi, vẫn ngày ngày miệt mài đạp xe cọc cạch đi khắp nơi để vận động mọi người xây trường học cho trẻ em nghèo trong xã.

   Từ giã chiến trường trở về quê hương, ông Tùng là một thương binh. Ông chứng kiến cảnh các bạn thiếu nhi nghèo trong xã không được đến trường, không được dạy dỗ tử tế nên nói tục, chửi bậy, lại có bạn sa vào trộm cắp ... Nghĩ đến bản thân mình ngày trước, ông càng thương các bạn và đi đến quyết định: “Phải giúp chúng thay đổi cuộc đời. Chỉ có cái chữ mới giúp lũ trẻ thoát nghèo!”.

   Từ đó, ông Tùng bắt tay vào việc vận động xây trường học cho xã. Ông đề nghị Ủy ban xã cho phép xây trường học và được ủng hộ nhiệt tình. Ông Tùng tự nguyện hiến mảnh vườn nhỏ của mình do ông bà để lại xây trường học. Đất xây trường có rồi, còn kinh phí đâu mà xây dựng? Ông mất ăn, mất ngủ, âm thầm suy nghĩ, trăn trở tìm mọi cách. Nhân dân trong xã biết vậy, mỗi người xin đóng góp một ít cùng ông xây trường. Nhưng quê ông còn nghèo, số tiền quyên góp của bà con chẳng thấm vào đâu. Đã vậy, bà con chỉ quyên góp một lần, hai lần, chứ nhiều cũng ... khổ cho họ. Nghe vậy, ông về nhà đốn tre, chia thành ngàn ống, đưa đến từng hộ dân trong xã. Ông kêu gọi mọi người, mỗi tháng bỏ vào ống hai lon gạo. Chỉ hai lon thôi nhưng cũng đóng được vài bộ bàn ghế, vài cái bảng đen...

   “Nhưng xã này còn nghèo quá, mà tiền xây dựng trường học bán từ gạo quyên góp thì như muối bỏ biển. Đã góp phần xây dựng quê hương thì phải nghĩ ra nhiều chuyện, phải có nhiều tiền mới xây được trường” - Ông cười ...

   Rồi ông bắt đầu đi ... xin. Lúc đầu, phạm vi của ông là những gia đình khá giả trong xã, trong huyện ... Dần dần, ông lên thành phố. Ông nhắm vào những người cùng làng, cùng xã nay làm ăn khấm khá ở các thành phố lớn, vậy mới có thể đủ tiền xây dựng trường. Chiếc xe đạp cọc cạch theo chân ông đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Nhiều người không hiểu, cười bảo ông làm chuyện bao đồng; cứ tỉnh, huyện rót kinh phí xuống bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, chứ đi xin kiểu ấy, vừa hành xác, vừa giống ... ăn mày. Nhưng ông Tùng quả quyết:

   - Mình ăn mày mà đem lại cho lũ trẻ nơi học hành tử tế, có được cái chữ để giúp thân thì chẳng đáng gì!

   Sau hai năm, bằng tấm lòng cùng sự chân thành, ông đã thu được kết quả ngoài mong đợi. Không những ông xây được ngôi trường hai tầng khang trang mà còn sửa lại đường xá, cầu cống cho các bạn đến trường thuận tiện.

   Nhìn bộ mặt của quê hương thay đổi, khuôn mặt ông Tùng càng thêm rạng rỡ. Tiếng đọc bài của các bạn vang lên hàng ngày làm ông Tùng mãn nguyện. Ông thấy mình như trẻ lại.

   Việc làm tốt đẹp của ông Tùng đã góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Đó là việc làm cao cả được mọi người khâm phục và kính trọng.

Kể lại một câu chuyện ca ngợi hòa bình

Kể lại một câu chuyện ca ngợi hòa bình (mẫu 1)

Mình xin kể cho các bạn nghe câu chuyện “Ước vọng hòa bình của tuổi thơ” mà mình đọc được trên báo “Khăn quàng đỏ”.

Chuyện kể rằng: ở lớp 5A trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, phường Phú Hải, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình có bạn tên là Trần Ngọc Kiên Giang, khi xem chương trình phát sóng trên kênh VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam, bạn thấy xuất hiện một cô bé có gương mặt thật dễ thương tên là Na-ka-mu-ra, tác giả của bức tranh “Tác hại của chất phóng xạ” từ hai quả bom nguyên tử mà Đế quốc Mỹ đã ném xuống đất nước Nhật trong thế Chiến thứ hai. Na-ka-mu-ra sinh ra đã bị tật nguyền. Hai chân của bạn không lành lặn như người bình thường. Được cái, trời phú cho bạn một năng khiếu đặc biệt: năng khiếu hội họa. Ngay từ khi vào học những lớp đầu cấp Tiểu học, bạn đã nổi tiếng với những bức tranh về “Màu xanh của em” được tuổi thơ của cả thế giới khâm phục.

Và bây giờ, Na-ka-mu-ra đang học lớp cuối cấp Tiểu học, nghe tin Mĩ phát động chiến tranh Iraq - một cuộc chiến tranh đẫm máu mà cả nhân loại đang lên án, hàng trăm hàng ngàn người dân vô tội đã bị bom đạn của Mỹ giết chết - Na-ka-mu-ra đã vẽ bức tranh "Tác hại của chất phóng xạ” nhằm phản đối chiến tranh. Một lần nữa, tuổi thơ của nhân loại lại hết sức khâm phục và ngưỡng vọng Na-ka-mu-ra. Bạn Trần Ngọc Kiên Giang đã viết một bức thư gửi cho Na-ka-mu-ra bày tỏ sự hâm mộ của mình.

Bức thư mà Kiên Giang viết có nội dung như sau: “Bức tranh của bạn mang một thông điệp thật lớn lao: Phản đối chiến tranh và thể hiện khát vọng của tuổi thơ được sống trong hòa bình, hạnh phúc. Mình rất thích môn vẽ Na-ka-mu-ra ạ! Bạn là một cô bé đã dũng cảm vượt lên trên số phận của mình đấy. Tác hại của chất phóng xạ đã làm cho đôi chân của bạn không bình thường như chúng mình, nhưng ý chí, nghị lực và ước mơ của bạn thật đáng cho trẻ em trên toàn thế giới khâm phục. Qua thư này, mình muốn bày tỏ sự cảm phục của mình đối với bạn và muốn làm quen với bạn. Từ nay chúng mình sẽ thường xuyên trò chuyện qua thư nhé! Mình xin dừng bút đây. Chúc bạn thành công trên con đường hội họa”.

Câu chuyện mà mình đọc được là thế đấy. Có lẽ sắp sửa tới đây, mình cùng như Kiên Giang sẽ cố gắng vẽ một bức tranh về ước vọng hòa bình của tuổi thơ chúng mình, góp cùng Na-ka-mu-ra chặn đứng chiến tranh, để trái đất chúng mình được sống trong hòa bình hạnh phúc.

Kể lại một câu chuyện ca ngợi hòa bình (mẫu 2)

Chiến tranh đã qua đi hàng chục năm nhưng những nỗi đau và những mất mát mà nó đã để lại thì không thể nào xóa nhòa. Giới trẻ ngày nay không phải sống trong chiến tranh nên không thể hiểu được những mất mát đau thương ấy. Tuy vậy nhưng những câu chuyện thời chiến vẫn luôn mang đến cho chúng ta những suy ngẫm sâu xa về tội ác của chiến tranh và niềm khao khát hòa bình. Ông ngoại đã từng kể cho em về người anh hùng Văn Ngọc Bé, người đã ngã xuống để giành lại nền độc lập, tự do.

Khi ấy, phía địch có kế hoạch tấn công doanh trại của quân ta, thế nhưng tình hình lại trở nên khá im ắng, không có động tĩnh gì. Chị cơ sở đi về báo tin không có địch càn. Mọi người thở phào tiếp tục bàn kế sách đánh địch. Nhóm bảo vệ chia làm hai canh gác hai đầu. Thế nhưng, thật bất ngờ, hai tốp thám báo giả dạng thường dân, súng ống đeo dọc thân người bỗng từ đâu xuất hiện ngay trên con đập trước nhà. Không kịp nữa rồi! Một loạt trung liên vang lên, khi đó đồng chí Bé bị đạn găm nát hai chân, người đầy thương tích. Mọi người nhanh chóng đáp trả địch bằng súng AK dập tắt ổ trung liên của đối thủ. Địch đột nhiên rút quân. Tình hình lúc bấy giờ vô cùng căng thẳng yêu cầu chúng phải lập tức rút quân để bảo toàn lực lượng. Đồng chí Văn Ngọc Bé đã có ý kiến làm cho những người có mặt hôm ấy đều nhói lòng: "Tôi nguyện hi sinh để đánh giặc, Tất cả súng đạn của tôi các đồng chí hãy mang đi. Hãy mở khuy hai quả đạn rồi móc vào tay tôi, nếu bọn chúng vào, tôi sẽ chết cùng chúng. Các đồng chí hãy nhanh chóng đi đi!".

Nghe đồng chí Bé nói vậy, mọi người đều không đồng ý. Nhưng địch đã nhanh chóng quay trở lại. Trước tình hình quá nguy cấp, nếu ở lại tất cả sẽ cùng chết. Cuối cùng tất cả làm theo lời đồng chí Bé. Trong ngôi nhà lá bé nhỏ, cạnh chiếc cối xay lúa là người đồng đội quyết tử. Xung quanh ngôi nhà chỉ có chuối và tre hóp bốn bề. Trước sân có một con mương chảy qua. Họ lội đi trong sình lầy, trong tre hóp, trên đầu máy bay OV10, "Rọ gáo" bay rà rà. Anh em rẽ hóp mà đi, lòng đau nhói…".

Và khi họ vừa đi khuất thì bọn thám báo quay trở lại. Hai chân nát bươm, máu chảy quá nhiều đến kiệt sức, đồng chí Văn Ngọc Bé đã không kịp làm điều mình ấp ủ là nổ tung hai quả lựu đạn trên tay cùng với quân thù. Anh nằm sấp, úp mặt xuống mảnh đất quê hương đau thương, trên lưng găm nhiều mảnh đạn thù. Liệt sĩ Văn Ngọc Bé đã cùng với nhiều cán bộ chiến sĩ khác của đơn vị đã dùng máu của mình góp phần viết nên bản tráng ca bất tử của lòng dũng cảm giành lại nền hòa bình cho dân tộc, nhân dân Việt Nam mãi mãi không bao giờ quên sự hy sinh cao cả của Anh hùng Văn Ngọc Bé.

Anh đã hi sinh một cách oai hùng. Không có anh, chúng ta sẽ không có được nền hòa bình như ngày hôm nay. Noi gương anh, chúng em sẽ cố gắng học tập thật tốt để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Kể câu chuyện về những người biết sống đẹp

Kể câu chuyện về những người biết sống đẹp, biết mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác (mẫu 1)

    Chắc ai trong chúng ta cũng đã từng nghe câu nói: “Cho đi là nhận lại”. Những nghĩa cử cao đẹp trao đi, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác thì chính ta cũng nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc ấy. Như người anh Albert trong câu chuyện “Đôi bàn tay cầu nguyện” đã lao động vất vả bốn năm để giúp người em của mình thực hiện giấc mơ.

    Vào thế kỷ thứ 15, tại một ngôi làng nhỏ bé thuộc vùng Nuremberg nước Đức, có một gia đình nghèo khó. Họ sinh được những mười tám người con. Để kiếm đủ thức ăn cho ngần ấy đứa con trong gia đình, người cha phải làm việc vất vả, cật lực đến gần hai chục tiếng mỗi ngày. Ông làm nghề thợ bạc và làm nhiều công việc lặt vặt khác. Mặc dù sống trong hoàn cảnh khó khăn như thế, nhưng hai anh em nhà Durer lại có một ước mơ cao đẹp. Cả hai anh em họ đều mong ước theo đuổi nghệ thuật. Tuy nhiên, họ hiểu rằng cha của họ chẳng thể nào có đủ tài chính để hỗ trợ họ học trong một trường nghệ thuật nào đó tại Nuremberg này.

    Một buổi tối nọ, sau khi bàn bạc với nhau trên chiếc giường ngủ chật hẹp, cả hai anh em đi đến một quyết định. Họ quyết định chơi trò tung đồng xu. Người thua cuộc sẽ đi đến làm việc tại khu mỏ kiếm tiền để người kia có thể đi học tại một trường nghệ thuật. Bốn năm sau khi học xong, người được đi học sẽ hỗ trợ tài chính cho người kia được đi học bằng cách bán các tác phẩm nghệ thuật của mình hoặc sẽ đi làm việc tại khu mỏ. Buổi sáng hôm sau, hai anh em bắt đầu tung đồng xu. Người em - Albrecht Durer là người thắng cuộc và được đến học tại một trường nghệ thuật tại Nuremberg. Albert đi xuống làm việc tại khu mỏ trong vùng, và liên tiếp trong bốn năm, anh dùng số tiền kiếm được đễ hỗ trợ việc học của người em.

    Trong lúc đó tại trường nghệ thuật, Albrecht tỏ ra là một nghệ sĩ xuất sắc. Vào thời điểm chuẩn bị tốt nghiệp, Albrecht bắt đầu có thể kiếm tiền từ những tác phẩm của mình. Khi người nghệ sĩ trẻ trở về làng mình, gia đình Durer tổ chức một buổi tiệc trong khu vườn trong nhà để chúc mừng sự thành công mỹ mãn của Albrecht trong việc theo đuổi nghệ thuật. Sau bữa ăn tối thật vui vẻ và đáng nhớ, Albrecht đứng dậy cảm ơn người anh yêu quý của mình về sự hi sinh lớn lao trong những năm qua để cho mình có thể học xong tại trường nghệ thuật. Sau đó, Albrecht nói:

    - "Và bây giờ anh Albert yêu quí của em, bây giờ thì đến lượt anh. Bây giờ anh có thể đi đến Nuremberg để theo đuổi giấc mơ của anh, em sẽ hỗ trợ anh trong việc học."

    Tất cả mọi người đều hướng mắt về một góc xa của chiếc bàn, nơi Albert đang ngồi. Những dòng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt xanh xao của Albert, vừa lắc đầu vừa khóc, Albert lập lại mãi "Không... không... không... không..." Rồi Albert đứng lên, quệt những dòng nước mắt trên má, anh ngước nhìn những gương măt thân thương lúc ấy đang chăm chú trìu mến nhìn anh. Chắp đôi bàn tay trước ngực, Albert từ từ cất tiếng nói với em mình rằng đôi tay anh lao động bao năm nay đã chẳng còn lành lặn, đã quá muộn để anh có thể thực hiện ước mơ ngày ấy.

    Để tỏ lòng kính trọng và biết ơn anh trai Albert, Albrecht Durer đã thực hiện một tác phẩm cẩn thận nhất trong đời: vẽ lại đôi bàn tay của anh trai mình, với lòng bàn tay hướng vào nhau và những ngón tay gầy guộc hướng lên trời. Ông chỉ gọi bức tranh của mình đơn giản là “Đôi tay”, nhưng cả thế giới đều đặt tên cho kiệt tác đó là “Đôi tay cầu nguyện”. Người anh Albert đã hi sinh cả giấc mơ của mình để chăm chút cho giấc mơ của người em. Sự hi sinh ấy thực lớn lao và cao đẹp.

Kể câu chuyện về những người biết sống đẹp, biết mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác (mẫu 2)

Như bao buổi tối khác, hôm đó khi đã học xong bài, em nằm trong vòng tay mẹ để nghe mẹ kể chuyện. Mỗi ngày mẹ đều kể chuyện cho em nghe trước khi đi ngủ. Hôm ấy, mẹ không kể chuyện cổ tích, ngụ ngôn hay truyện cười. Mẹ kể chuyện của mẹ – một người trung thực.

Năm em học lớp 2, để có tiền nuôi em và các chị đi học, ngoài việc đồng áng mẹ còn tranh thủ đi mua sắt vụn nữa. Những buổi trưa, khi chuẩn bị cho 3 chị em bữa ăn sau giờ học, dặn dò từng đứa công việc buổi chiều, mẹ lại đạp xe đi đến từng nhà để mua giấy, nhựa, sắt… tất cả những gì có thể bán được không kể nắng mưa.

Mẹ kể: Có những hôm may mắn, vào gia đình người ta vừa có tiệc, mẹ mua được rất nhiều thứ, mẹ vui lắm vì lại có được thêm tiền cho các con mua thêm sách, vở. Nhưng cũng có những hôm, mẹ đến khi người ta ngủ trưa, có người tỏ ra cáu gắt, mẹ luôn bình tĩnh, nói lời xin lỗi và đi ra. Từ khi có nghề tay trái, mặc dù là buôn bán nhưng mẹ chưa để ai mất lòng.

Mẹ nhắc lại lần mẹ nhớ nhất: Hôm đó, trời cũng nắng chang chang, mẹ đang đi, có tiếng gọi: Sắt vụn, vào đây nhặt ít đồ, mẹ quay xe và vào nhặt những vỏ lon, sách cũ. Người phụ nữ bán đồ cho mẹ đã đi vào nhà, để cho mẹ tự phân loại rồi cân. Đang miệt mài phân loại giấy viết, giấy in, báo thì mẹ phát hiện một chiếc phong bì đã mở, bên ngoài có dòng chữ: Gửi con gái. Mẹ thấy bên trong vẫn có thư và hai tờ 200 nghìn. Mẹ đã biết đó là thư bố gửi cho con gái khi ông đi làm xa cùng với tiền chắc là cũng cho con mua sách vở hoặc nộp tiền học như trách nhiệm của mẹ với các con mình. Mặc dù số tiền đó bằng cả tháng mẹ đi gom sắt vụn nhưng mẹ hiểu tấm lòng của những người cha cũng đoán rằng người con vẫn dành dụm nên mẹ gọi người phụ nữ ra và trao lại cho bà.

Người phụ nữ ra nhận trong sự vui mừng và ngạc nhiên: Con gái tôi học Đại học, mỗi lần viết thư về, bố nó vẫn cho tiền để đóng học. Chắc nó để dành, lần sau về lấy, cảm ơn chị quá! Chị thật tốt bụng, cảm ơn chị rất nhiều.

Mẹ em cũng vui vẻ nói chuyện, kể về chúng tôi rồi trả tiền cho bà mặc dù bà không lấy coi như lời cảm ơn. Trước khi mẹ đi tiếp chặng đường, người phụ nữ ấy vẫn nói với theo: Cảm ơn chị, lần sau chị lại đến nhé, có gì bán được tôi sẽ để phần chị.

Mẹ kể lại câu chuyện về nghề sắt vụn của mình trong niềm vui, mẹ không nói với em bài học nhưng em biết mẹ muốn khuyên rằng: Sống phải giữ cho mình tấm lòng trong sạch, sự trung thực, không tham lam, dối trá. Em cũng đã ghi lại câu chuyện ấy vào sổ nhật ký của mình. Em rất ngưỡng mộ mẹ em.

Kể về một việc làm tốt của bạn em

Kể về một việc làm tốt của bạn em - mẫu 1

DẮT NGƯỜI GIÀ ĐI SANG ĐƯỜNG

    Ở lớp, tôi thường chơi thân với Hoàng Bách. Đó là một cậu bạn vừa học giỏi, vừa tốt bụng. Hôm qua, cậu đã làm một việc tốt khiến tôi ngưỡng mộ và cần học tập.

    “Tùng tùng tùng!” Hồi trống quen thuộc vang lên, chúng tôi nhanh chóng chào cô và chạy ào ra cửa lớp. Tôi và Bách đi ra cổng 2. Thường ngày, tôi vẫn hẹn mẹ ở đó. Còn nhà của Bách ở ngay đối diện cổng trường nên hai đứa cùng đi ra cổng. Cổng trường lúc này tấp nập người. Bách tạm biệt tôi rồi tiến về phía đường. Từ xa, tôi đã quan sát thấy Bách đứng nói chuyện với một bà cụ. Nói vài câu, Hoàng Bách và bà cụ đi đến trước vạch trắng sang đường. Cậu bạn đưa bàn tay mũm mĩm của mình ra nắm lấy đôi tay nhăn nheo của bà cụ. Bách dắt bà cụ băng qua đường. Dù con đường lúc này xe cộ đi lại đông đúc, cậu bạn vẫn giơ cánh tay ra vẫy vẫy để xin đường. Sang đường, cụ già nắm hai tay Bách, tôi đoán chừng là cụ nói cảm ơn. Bách mỉm cười chia tay cụ và mở cổng vào nhà của mình.

    Sáng nay, tôi kể lại cho Bách sự việc hôm qua tôi nhìn thấy. Cậu bạn chỉ cười và bảo việc sang đường lúc đông xe cộ đã quen thuộc với cậu rồi. Tôi thật may mắn khi có một người bạn tốt bụng như vậy.

Kể về một việc làm tốt của bạn em - mẫu 2

Ai cũng có những người bạn tốt đáng trân trọng. Và em cũng vậy. Đó là Thanh Loan - cô bạn thân chơi với em từ nhỏ. Loan là một người bạn tốt, thường xuyên giúp đỡ mọi người xung quanh. Chúng em quen nhau bắt đầu từ một kỉ niệm đáng nhớ vào năm lớp hai.

Hôm đó, lớp em có giờ tập làm văn. Khi đến lớp, em mới phát hiện ra mình đã bỏ quên hộp bút ở nhà. Em cảm thấy vô cùng lo lắng, vì cô giáo yêu cầu mỗi bạn đều phải chuẩn bị bút mực đầy đủ. Em đã hỏi một vài bạn ngồi xung quanh xem ai có bút mực không, nhưng bạn nào cũng đều chỉ có một chiếc bút. Chỉ còn năm phút nữa là đến giờ học, em không biết phải làm sao. Bỗng nhiên, một giọng nói quen thuộc vang lên:

- Phương Anh ơi, có phải cậu muốn mượn bút mực không?

Thì ra đó là Thanh Loan. Em nhìn bạn rồi gật đầu. Thanh Loan liền mỉm cười rồi lôi từ hộp bút ra một chiếc bút mực vẫn còn khá mới:

- Mình cho bạn mượn chiếc bút của mình này!

Em lắc đầu, hỏi Loan:

- Nếu mình lấy chiếc bút này thì bạn sẽ dùng cái gì?

Loan khẽ mỉm cười nói với em:

- Không sao đâu, mình vẫn còn một chiếc bút nữa này.

Em cảm thấy thật cảm kích Loan, nhận lấy chiếc bút và nói với bạn:

- Cảm ơn Loan nhiều nhé!

Nhờ có sự giúp đỡ của Loan mà ngày hôm đó, em đã hoàn thành xuất sắc bài tập làm văn của mình. Em còn được cô giáo tuyên dương trước lớp vì bài văn hay.

Sau ngày hôm đó, em và Loan đã trở thành những người bạn vô cùng thân thiết của nhau. Cả hai đã cùng giúp đỡ nhau rất nhiều. Em rất yêu quý Thanh Loan.

Kể một kỉ niệm về thầy giáo hoặc cô giáo của em

Kể một kỉ niệm về thầy giáo hoặc cô giáo của em (mẫu 1)

    Suốt năm năm học, chắc ai cũng có những kỉ niệm buồn vui của riêng mình. Với riêng tôi, có những tháng ngày, những con người, những buồn vui mà cả đời này tôi sẽ chẳng thể quên. Đó là những ngày học lớp Một, là cô Lan, cùng hành trình nỗ lực của chính bản thân mình.

    Từ nhỏ, đôi bàn tay tôi đã có chút vấn đề về xương khớp. Đặc biệt, mỗi khi trời trở lạnh, đôi bàn tay của tôi lại buốt giá và cứng ngắc. Vì thế, mọi người trong gia đình càng cưng chiều, thương yêu tôi. Khi đi học, tôi vẫn cố gắng làm tốt nhất những gì mình có thể. Lên lớp Một, tôi phải tự tập viết: viết nét, viết từng chữ cái, viết số,… Khi chúng tôi phải viết những đoạn thơ, đoạn văn dài hơn cũng là lúc mùa đông dần về. Tiết trời miền Bắc rét mướt hơn bao giờ hết. Có lần, trong giờ chính tả, khi cô đang đọc bài cho cả lớp tập viết. Cô Lan đã đọc đến câu thơ thứ tư nhưng tôi vẫn đang cặm cụi viết dòng thứ nhất. Tức mình, tôi dùng cả bàn tay, cầm chiếc bút và rạch rách quyển vở. Đó là cách tôi trút cơn giận dữ. Nhật Minh- cậu bạn ngồi cạnh tôi đứng dậy thưa với cô. Cả lớp đổ dồn ánh mắt về gương mặt đang đỏ hoe, giàn giụa nước của tôi.

    - Thùy Dương! Con bị mệt đúng không? – Cô Lan vội xuống chỗ ngồi của tôi và hỏi.

    Tôi vẫn im bặt. Cô vỗ về tôi hồi lâu rồi đưa tôi xuống phòng y tế. Những ngày sau đó, cô quan tâm đến tôi nhiều hơn. Giờ chính tả, khi các bạn tập viết, cô rèn cho tôi cách cầm bút, cách đưa bút để tôi có thể viết nhanh như các bạn. Không ít lần, tôi nản lắm. Nhưng nghĩ đến sự nhiệt thành của cô, tôi lại dặn lòng cố gắng. Cuối cùng, tôi cũng thành công.

    Cuối năm học, tôi đã tự tay vẽ một bức tranh tặng cô. Một bức tranh phong cảnh rực rỡ sắc màu. Tôi là cô bé trầm tư, ít nói nên tranh phong cảnh luôn là đề tài mà tôi vẽ. Tôi vẽ những ngọn núi xa xa thoảng hiện trong mây mù, mấy ngôi nhà ngói đỏ ngự dưới lùm cây xanh mát. Ven con đường làng ngoằn ngoèo, tôi vẽ những khóm linh lan trắng muốt. Vẻ trắng trong tinh khiết của loài hoa này làm tôi nghĩ đến người cô giáo của mình. Sau giờ bế giảng, tôi bẽn lẽn chạy theo sau cô, ngập ngừng đưa bức tranh đã được đóng khung và gói ghém cẩn thận. Cô Linh Lan nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên. Tôi chỉ nói được là con tặng cô rồi vội chạy đi, trong lòng đầy nuối tiếc vì chưa thể nói lời cảm ơn.

    Năm học mới, cô Lan đã chuyển công tác đến một ngôi trường khác. Những điều tri ân mà tôi muốn nói với cô mãi mãi chẳng thể cất thành lời. Tôi chỉ hi vọng khi ngắm nhìn bức tranh tôi vẽ, cô sẽ hiểu sự biết ơn sâu sắc của tôi.

Kể một kỉ niệm về thầy giáo hoặc cô giáo của em (mẫu 2)

Trong tuổi thơ của mỗi người, ai cũng có những kỉ niệm đáng nhớ về thầy, cô giáo cũ của mình, những kĩ niệm đẹp xen lẫn nỗi buồn đều được khắc sâu trong trí nhớ của chúng ta. Riêng tôi có một kỉ niệm mà tôi không bao giờ quên, kỉ niệm sâu sắc về một người thầy đáng kính của tôi.

Năm ấy, khi tôi còn học lớp một, tôi có những kỉ niệm đẹp về thầy giáo chủ nghiệm của mình. Tôi đã bước sang lớp một, ngưỡng cữa của bậc tiểu học, có nhiều bạn mới, thầy cô mới.

Ngày trọng đại ấy, ngày tôi không bao giờ quên. Sau buổi lễ khai giảng, tất cả các học sinh đều bước vào lớp học của mình để học buổi học đầu tiên và gặp gỡ thầy cô giáo chủ nhiệm của mình và cũng là người sẽ gắn bó với tôi trong suốt thời gian học tiểu học.

Khi thầy bước vào, dáng người thầy thật nhanh nhẹn và thầy chào chúng tôi. Tôi trông thầy cũng đã đứng tuổi, tóc thầy cũng đã điểm bạc, khuôn mặt thầy gầy, bàn tay thầy có nhiều vết nhăn, chắc thầy đã có mấy chục năm lận đận với học sinh. Thầy bước lên bục giảng, thầy ra hiệu cho chúng tôi im lặng và thầy nói:chào các con, thầy tên là Hồ Viết Cảnh, thầy sẽ chủ nhiệm lớp các con trong suốt bậc tiểu học. Giọng thầy thật ấm áp, nhẹ nhàng, làm cho những suy nghĩ trong đầu tôi về một người thầy giáo chủ nhiệm thật dữ dằn và nghiêm khắc đều tan biến.

Sau khi ra mắt chúng tôi, thầy bắt đầu dạy cho chúng tôi những bài học đầu tiên mà cũng là những bài học đầu đời dạy tôi nên người. Thầy viết lên bảng những dòng chữ đầu tiên, tôi trông thấy bàn tay thầy run run khi viết, sau này tôi mới biết, thầy phải chịu đựng những cơn đau do tham gia cuộc chiến tranh kháng chiến chống mĩ để viết nên dòng chữ đẹp đó. Sau khi viết xong đề bài, thầy hỏi chúng tôi có thấy rõ không, một và bạn ngồi phía dưới do mắt kém nên không thấy liền được thầy chỗ khác cho phù hợp. Trong buổi học thầy đến tận chỗ của từng người để chỉ cho chúng tôi những chỗ không hiểu. Cuối giờ, thầy cho chúng tôi xếp hàng ra về, mọi người đi về rất thẳng hàng, tiếng cười đùa của một vài bạn đã làm xôn ao khắp sân trường. Buổi học đầu tiên đã kết thúc như vậy đó, thầy đã để lại cho tôi những suy nghĩ về một người thầy mẫu mực.

Những buổi học sau, thầy nghiêm khắc với những bạn lười học, khen thưởng những bạn ngoan. Giờ ra chơi, thầy đều ra chơi cùng chúng tôi, thầy chơi những rò chơi dân gian cùng với chúng tôi, nhìn khuôn mặt thầy lúc đấy thật đáng yêu, nhìn kĩ thầy, tôi có cảm giác khuôn mặt thầy rất giống khuôn mặt ông nội tôi. Ông tôi đã mất từ khi tôi còn nhỏ, những kỉ niệm đẹp của ôg và tôi đều được tôi khắc ghi. Nhìn thầy, tôi cảm thấy nhớ đến ông, nhớ đến cảnh chơi đùa của hai ông cháu, tôi liền chạy vào phòng học, ngồi trong góc khóc. Lúc đó có một bàn tay đặt lên vai tôi khẽ vỗ về, hình ảnh ông nội vỗ về tôi mỗi khi buồn hiện về, tôi bỗng khóc to lên, không sao có thể kiềm chế được. Thì ra đó chính là thầy, thầy khẽ nói với tôi:" Thành, sao con khóc, nói ra để thầy chia sẽ với con". Rồi thầy ôm tôi vào lòng, nhận được sự an ủi của thầy, tôi càng khóc to hơn. Sau hôm đó tôi cảm thấy được thầy quan tâm nhiều hơn. 

Vào một hôm, do tôi không học bài nên bị điễm kém, thầy liền mắng tôi, tôi liền chạy về chỗ ngồi, trong lòng tôi cảm thấy rất tức thầy. Vào giờ ra chơi thầy không ra chơi với các bạn như mọi khi, thầy xuống chỗ tôi. Thầy nói:"thầy xin lỗi em vì đã quá nặng lời, nhưng em là lớp trưởng nên phải gương mẩu cho các bạn noi theo…. thầy giảng lại cho tôi bài tôi chưa hiểu. Tôi nhìn thầy lúc đó mà trong lòng cảm thấy hối hận vô cùng, ân hận vì đã làm thầy buồn. tôi tự hứa sẽ cố gắng phấn đấu tốt hơn.

Vậy đấy, thầy đã để lại cho tôi những kỉ niệm không bao giờ phai mờ về một người thầy giản dị mà thân thương. Tôi hứa sẽ cố gắng học tập để trở thành công dân tốt, có ích cho đất nước và xã hội. Công ơn thầy sẽ mãi được khắc ghi như câu danh ngôn:

"Ngọc không mài không sáng, người không học không tài."

Để xem chi tiết các bài văn kể chuyện lớp 5 hay khác, mời bạn vào tên bài văn.

Xem thêm những bài văn mẫu lớp 5 hay khác:

Xem thêm các bài Để học tốt môn Tiếng Việt 5 hay khác:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, BÀI TẬP CUỐI TUẦN,GÓI THI ONLINE DÀNH CHO KHỐI TIỂU HỌC

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và bài tập cuối tuần, gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 5 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 5Những bài văn hay đạt điểm cao lớp 5.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.




Tài liệu giáo viên