Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em (hay, ngắn gọn)
Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em hay nhất, ngắn gọn với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em (mẫu 1)
- Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em (mẫu 2)
- Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em (mẫu 3)
- Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em (mẫu 4)
- Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em (mẫu 5)
- Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em (mẫu 6)
- Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em (mẫu 7)
- Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em (mẫu 8)
- Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em (mẫu 9)
- Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em (các mẫu khác)
Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em (hay, ngắn gọn)
Đề bài: Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em
Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em - mẫu 1
Có một loại quả gắn liền với tuổi thơ tôi một cách kì lạ. Tôi chơi bắn bi, tôi dùng quả ấy. Tôi chơi chuyền, tôi cũng dùng quả ấy. Đến cả những buổi chiều đá bóng cùng bè bạn, chúng tôi vẫn dùng loại quả ấy. Các bạn có đoán ra được là quả gì không? Đó là quả bưởi – loại quả mà ở địa phương tôi trồng rất nhiều.
Bưởi là một loại cây thuộc chi cam chanh. Cây thân gỗ, rễ cọc. Cây bưởi có thể cao đến 10m nhưng do nhu cầu trồng cây lấy quả nên người dân thường để cây cao khoảng 4 đến 5 m. Cây bưởi có loại có gai hoặc không. Lá cây dẹt, hình bầu dục hoặc có thêm một nhánh ở phía cuống lá.
Bưởi thường ra hoa vào mùa xuân. Hoa bưởi có 5 cánh. Hoa có màu trắng, nhụy màu vàng được mọc thành chùm. Nhà nào có cây bưởi, mỗi mùa hoa bưởi nở cả gian nhà ngập trong hương thơm dịu nhẹ của hoa bưởi nhờ gió đưa vào. Hương thơm thoang thoảng nhưng lại làm người ta say đến nao lòng.
Quả bưởi hình cầu, ban đầu chỉ bé bằng hạt đậu đến khi trưởng thành có thể lớn bằng trái bóng đường kính khoảng 30 cm. Da bưởi có màu vàng hoặc xanh tùy theo giống. Cùi bưởi dày, màu trắng ăn hơi ngăm đắng. Bóc lớp cùi trắng ra, ta sẽ thấy các múi bưởi nằm cạnh nhau xếp thành hình cầu. Trong múi bưởi lại có vô số các tép bưởi mọng nước nằm chồng lên nhau. Có loại tép chua tê tê, có loại tép ngọt tùy theo giống cây trồng.
Mọi thứ trên cây bưởi đều có thể sử dụng. Lá bưởi dùng để nấu nước tắm, gội đầu sẽ rất thơm. Có một phong tục trước khi đi lễ bái, thắp hương người ta phải tắm nước lá bưởi để gột rửa sạch thân thể. Hoa bưởi thơm dùng để ướp trà. Trà hoa bưởi mang hương thơm nhẹ nhàng của hoa bưởi giúp giảm đầy hơi, đau dạ dày, ợ chua,…
Vỏ quả bưởi cũng mang không đến không ít lợi ích. Bạn đã từng thấy vỏ bưởi khô được quấn thành từng vòng trên quai siêu chưa? Ngày xưa, khi chưa xuất hiện nhiều loại ghẻ lót như bây giờ, vỏ bưởi khô có giúp ta có thể cầm siêu nước dễ dàng mà không bị nóng. Ngoài ra, vỏ bưởi còn có thể làm tinh dầu bưởi hoặc làm thuốc chữa bệnh. Cùi bưởi cũng không bỏ đi, sau khi được chế biến ta sẽ có món chè cùi bưởi thơm ngon. Tép bưởi có thể ăn trực tiếp hoặc nấu chè bưởi, làm gỏi, say sinh tố,…
Bưởi gắn liền với rất nhiều ký ức tuổi thơ. Những chiếc lá bưởi dùng làm tiền trong trò chơi bán đồ hàng. Những quả bưởi non bị rụng dùng làm bi để lũ trẻ ngắm bắn cả buổi chiều. Quả bưởi lớn hơn một chút, vừa lòng bàn tay lại là quả để chơi chuyền, chơi mốt. Đến khi gần trưởng thành mà lỡ có cơn bão, cơn gió lớn nào làm bưởi rụng, lũ trẻ sẽ háo hức nhặt những quả bưởi đó đem làm bóng đá đến mướt mải mồ hôi.
Quả bưởi với nhiều công dụng đã gắn bó rất thân thuộc với chúng ta. Chính vì vậy, quả bưởi cũng đã được đi vào trong thơ ca.
Bao giờ cho tới mùa thu
Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm.
(Trích “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” – Nguyễn Duy)
Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em - mẫu 2
Mỗi chúng ta khi trưởng thành đều mang theo bên mình hành trang từ quê hương thân yêu. Đó là gia đình, là những kỉ niệm ấu thơ, là những hình ảnh in sâu trong tâm trí. Và còn là hương vị của quê hương, hương vị thuộc về loại quả đặc trưng quê mình. Loại quả đặc trưng của quê hương tôi là quả vải.
Dù không phải những địa danh nổi tiếng như Thanh Hà (Hải Dương), Hưng Yên, Lục Ngạn (Bắc Giang) nhưng quả vải ở quê hương tôi lại khiến mỗi người con xa quê luôn da diết nhớ về.
Vải là loại cây ăn quả thân gỗ vùng nhiệt đới, có nguồn gốc từ miền nam đất nước Trung Quốc. Quả vải xuất hiện ở Việt Nam vào khoàng thế kỉ thứ 8 tại Hồng Châu (Hải Dương). Sau này Hải Dương đã trở thành xứ sở của quả vải. Giống vải được ưa chuộng nhất ở Việt Nam cũng là vải thiều Thanh Hà – Hải Dương. Tuy nhiên, vải được trồng nhiều nhất say này lại ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Có một giống vải khác chín sớm hơn, có tên gọi dân gian là "vải tu hú” nguyên nhân có lẽ là do trùng thời gian chim tu hú di cư về.
Quả vải có nhiều loại khác nhau nhưng nổi tiếng nhất là vải Thiều. Quả vải mọc ra từ những cành của cây thân gỗ cao hàng chục mét, gốc cây to, màu nâu, da sần sùi. Thân cây vải to khoảng một vòng tay ôm. Lá cây gần như hình thoi, màu xanh đậm. Hoa ra từng chùm màu trắng, cơn mưa xuân qua đi hoa vải đã bắt đầu kết trái. Từ mỗi chùm hoa trắng mọc ra những chùm quả be bé. Quả vải hình cầu hoặc hình trứng, vỏ sần sùi như có gai trên bề mặt, sờ tay vào có cảm giác thô ráp. Ban đầu, quả vải màu xanh non, lớn hơn màu xanh sẫm. Rồi một ngày tháng 6, tháng 7, tu hú kêu tha thiết bồi hồi trên đồng quê, quả vải rủ nhau cùng chín rộ. Khi vải chín, những cái gai đỡ nhọn hơn, và màu cũng đỏ sậm hơn. Lúc ấy, nhìn từ xa, cây vải như một mâm xôi gấc đầy. Bóc lớp vỏ ra, bên trong quả vải là lớp cùi màu trắng đục, mọng nước bao bọc lấy hạt vải nhỏ màu đen hoặc ánh nâu. Hương vị quả vải ngọt lijmhoajwc cũng có loại ngọt ngọt, chua chua, mùi thơm rất quyến rũ.
Để có được những quả vải ngọt thơm, mát lành, người ta phải bỏ công chăm sóc, vun trồng rất vất vả. Cây vải trồng xuống đất khoảng hơn một năm trở nên mới ra quả. Lúc đầu sẽ ít và không đều, cây vải trên 10 tuổi ra quả đều hơn. Quả vải không ưa thời tiết nóng ẩm nên khi hái về phải bảo quản hoặc dùng luôn, chế biến thành dạng có thể giữ lâu.
Quả vải có vai trò và giá trị rất lớn. Quả vải là một trong những loại hoa quả của nước ta được xuất khẩu nhiều ra nước ngoài và được bạn bè quốc tế yêu thích. Đó là nguồn thu nhập chính của rất nhiều gia đình ở Hải Dương, Bắc Giang. Trong quả vải chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, vitamin có lới cho sức khỏe con người. Quả vải cũng được dùng chữa các bệnh đau răng, đau bụng. Mỗi mùa hè, trong tiết trời nóng nực, những thịt quả vải mát lạnh, ngọt lịm chính là thứ nước giải khát ngon nhất. Không những thế, ngày nay người ta còn chế biến vải để làm kẹo, làm kem, hay sấy khô làm vải hộp vừa ngon lại có giá trị kinh tế cao. Đó là món quà mà rất nhiều người lựa chọn để gửi tặng người thân, bạn bè. Thời xa xưa, vải là loại quả quý được đem tiến vua. Quả vải đi vào trong cả thi ca như tác phẩm “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng, tượng trung cho hương vị của dân tộc Việt.
Quả vải chỉ là một trong số rất nhiều loại quả của quê hương Việt Nam. Nhưng nó mang một hương vị riêng, đó là hương vị thân thương của quê nhà – nơi tôi sinh ra và lớn lên. Mai sau, khi xa quê, hương vải chín mỗi mùa tu hú gọi bầy có lẽ chính là hương vị tôi lưu luyến nhất.
Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em - mẫu 3
Quê em ở vùng Tân Triều, một miệt vườn trù phú ở tỉnh Đồng Nai. Điều đáng nói là ở miệt vườn quê em có một loại bưởi ngon và rất nổi tiếng, thường gọi là bưởi Tân Triều.
Người dân quê em kể rằng Tân Triều thuở xưa là một vùng hoang vu, một nơi “khỉ ho cò gáy” nằm phía tả ngạn sông Đồng Nai, cách tinh lị Biên Iloà (cũ) khoảng 10 ki-lô-mét. Dân cư Tân Triều lúc đó còn thưa thớt. Năm 1868, nhà thờ Tân Triều được xây dựng. Một vị cha xứ trụ trì nhà thờ đã xin hai cây bưởi đem về trồng trước sân nhà thờ. Cây hợp đất, lớn nhanh, vài năm sau liên tục cho trái sum suê. Điều đáng quý là trái bưởi nào cũng lớn, da láng bóng... múi to, rất ngọt và nhiều nước. Thấy vậy, người dân ở đây xin chiết về trồng. Và cứ thế nhân rộng ra cùng với một số giống bưởi khác... Không ngờ, hơn một thế kỉ sau, Tân Triều trở thành một làng bưởi nổi tiếng.
Với hương vị ngọt ngào, nhiều nước và “tốt mã”, bưởi Tân Triều nổi tiếng và đem lại tiếng thơm lây cho đất Biên Hòa mệnh danh là xứ bưởi.
Hàng năm có nhiều khách mua bưởi là người lạ ở vùng khác đến. Khách vãng lai qua thường mua bưởi về nhà làm quà... Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và một số nơi ngoài tỉnh khác đã xuất hiện nhiều sạp bán bưởi dọc theo các tuyến đường có khách du lịch đi qua như chợ Long Thành, ngã ba Tân Vạn, ngã ba Vũng Tàu... Ngoài ra còn nhiều người bán bưởi dạo nữa. Bưởi có nhiều loại, nhưng được bán nhiều là bưởi đường lá cam, bưởi đường cao núm, bưởi thanh da láng..., nhưng khách chỉ ưa chuộng hai loại bưởi là bưởi đường lá cam, và bưởi đường cao núm. Bưởi đường lá cam lá nhỏ nhưng rất ngọt và nhiều nước. Còn bưởi đường cao núm tuy chất lượng không bằng bưởi đường lá cam nhưng mà đẹp, trái to cân đối, để chưng, cúng kiếng rất đẹp.
Hằng năm cứ vào độ tháng tư, tháng năm âm lịch, bưởi bắt đầu ra hoa. Vào thời gian này, nếu có dịp đến Tân Triều bạn sẽ thấy hoa bưởi nở trắng vườn, tỏa ngát hương thơm. Làng bưởi Tân Triều chỉ cách trung tâm thành phố Biên Hòa và khu du lịch Bửu Long không xa, du khách có thể đến tham quan bằng hai tuyến: đường bộ hoặc đường sông. Loại hình “du lịch vườn” hiện nay đang có sức hấp dẫn du khách và mang lại hiệu quả cao. Có rất nhiều tua-du lịch miệt vườn như du lịch vườn trái cây Long Thành, vườn trái cây Lái Thiêu. Từ tháng 10 đến tháng 12 là vào mùa bưởi. Thời gian này không khí ở Tân Triều rộn ràng hẳn lên. Có nhiều mối lái từ miền Tây, miền Đông, miền Trung, Sài Gòn,... đổ về, đi “ruồng” trong các vườn bưởi để mua rồi đem bưởi đi bán ở các vùng xa.
Nếu có dịp qua tỉnh Đồng Nai, mời du khách hãy qua Tân Triều quê em để được chiêm ngưỡng những vườn bưởi và thưởng thức vị ngọt không thể nào quên của trái bưởi Tân Triều quê em.
Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em - mẫu 4
Trên khắp mọi miền của đất nước Việt Nam thân yêu, nơi đâu cũng ngập tràn hoa thơm trái ngọt. Mỗi vùng miền lại có những loại quả đặc trưng khác nhau, mang hương vị khác nhau. Ổi cũng là một trong những loại quả được nhiều người yêu thích nhất. Cây ổi là loại cây ăn quả phổ biến ở nước ta.
Cây ổi từ lâu đã trở nên quen thuộc trong đời sống của người dân Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng nông thôn giản dị, thanh bình. Là một thành viên thuộc dòng họ Sim, cây ổi là loài cây ăn quả thường xanh lâu năm. Nó có nguồn gốc từ Brasil và những miền nhiệt đới châu Mỹ, rồi lan tới những vùng nhiệt đới châu Á. Không ai rõ thời điểm cây ổi xuất hiện ở Việt Nam chính xác là bao giờ, chỉ biết rằng từ rất lâu trước kia, cây ổi đã mọc hoang dại ở nhiều vùng rừng núi hoặc được đem trồng trong vườn, xung quanh nhà ở để lấy quả ăn.
Nhà ổi có rất nhiều anh em, không chỉ có những giống ổi phổ biến như ổi găng, ổi thóc mà còn có cả ổi trâu, ổi bo, ổi đào, ổi mỡ, ổi nghệ…những cái tên rất thú vị và có vẻ kỳ lạ. Đặc biệt là ổi đào, ổi nghệ tuy quả không to như ổi trâu, ổi bo…nhưng rất ngọt và thơm.
Xét về hình thể cùng anh em nhà vải và nhãn, xoài, cây ổi nhỏ bé hơn. Chiều cao trung bình chỉ hoảng 6 – 7 m, có cây cao nhất sẽ lên tới 10 m, đường kính thân tối đa chỉ khoảng 30cm. Những giống ổi mới còn nhỏ và lùn hơn thế nữa. Cây ổi ra cành và nhánh sớm nên thân nó chắc khỏe và ngắn, bù lại thân cây ấy nhẵn nhụi, chẳng mấy khi bị sâu đục rỗng như nhãn, vải…Khi vỏ già rồi tróc ra bên dưới còn có một lớp vỏ mới cũng nhẵn, màu xám xám xanh xanh rất đẹp. Rễ cây mọc thành chùm, bám vào nhau đâm sâu xuống lòng đất để hút chất dinh dưỡng nuôi cây. Cây ổi có rất nhiều cành, trên cành đầy những lá xanh hình bầu dục, nhỏ bằng khoảng nửa bàn tay. Trên mỗi chiếc lá lại có những đường gân xếp đều tăm tắp, nhẹ tay sờ vào cũng thấy ram ráp. Lá ổi có mùi thơm dịu nhẹ rất dễ chịu.
Ổi cũng ra hoa rồi mới kết trái như những cây ăn quả thông thường khác. Hoa ổi màu trắng, moc thành từng chùm khoảng 2 – 3 bông, thường mọc ở nách lá mà không phải đầu cành. Hoa có 5 cánh trắng bao bọc lấy nhụy vàng bên trong với nhiều hạt phấn nhỏ. Mùa ổi ra hoa là vào tháng 3 – tháng 4 cuối xuân đầu hạ. Nhưng đến thời điểm giao mùa thu độ tháng 8 – tháng 9 thì mới đến mùa quả. Qủa ổi là loại quả trông mọng, hình dáng không cố định mà thay đổi theo từng giống, hình cầu, hình trứng hoặc hình quả lê đều có, rất đa dạng, bắt mắt. Qủa ổi lớn hay nhỏ cũng phụ thuộc vào giống, như giống ổi thóc nhỏ bé chỉ bằng một nửa ổi găng, ổi đào lại to hơn, có giống ổi còn to như quả lê. Trên đầu mỗi quả luôn có một vết sẹo do cuống ổi, vỏ quả ổi mỏng, mịn, thịt quả bên trong dày màu trắng, hồng, vàng… Ổi là giống quả có khá nhiều hạt, sau này người ta nghiên cứu thêm mới cho ra đời những giống quả không hạt. Vị quả ngọt thanh thanh, thêm thịt cùi giòn, kết hợp với nhau tạo ra hương vị đặc biệt chỉ có ở quả ổi.
Không phải tự nhiên mà cây ổi trở nên thân thuộc trong đời sống của con người Việt Nam. Nó không chỉ đem đến những giá trị từ quả ổi với vai trò của một cây ăn trái mà còn có nhiều giá trị khác. Qủa ổi có hương vị ngọt thơm, là loại trái cây mà nhiều người yêu thích. Thậm chí được đưa đến các thị trường thế giới và nhận được sư phản hồi tích cực. Ổi hái từ trên cây xuống có thể thưởng thức ngay hay chế biến thành những miếng mứt ngọt ngọt thơm thơm, ép ra thành nước ổi đóng hộp, làm kẹo…Các bộ phận trên cây như búp non, lá non, quả, vỏ thân hoặc rễ đều có công dụng chữa bệnh, dùng làm các vị thuốc lành tính, an toàn. Trong y dược cổ truyền của dân tộc, lá ổi có thể giải độc, quả ổi vừa ngon, vừa đẹp da lại có tác dụng tiêu thực. Dân gian xưa còn dùng lá non và búp ổi để chữa đau bụng, dùng lá tươi cho những vết thương bầm dập, chảy máu… Và rất nhiều công dụng khác.
Ngày nay, khoa học kĩ thuật phát triển, có rất nhiều loại cây ăn quả ra đời nhưng người ta vẫn dành tình cảm đặc biệt cho cây ổi. Mỗi dịp Tết Nguyên Đán, tết Trung Thu trên mâm hoa quả chẳng bao giờ thiếu bóng dáng loại quả xanh và ngọt này. Cây ổi vì lẽ đó chính là một phần trong cuộc sống của nhân dân ta, cần được trân trọng, giữ gìn.
Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em - mẫu 5
Nhắc đến Việt Nam là nhắc đến quê hương của những loài cây ăn quả phong phú và độc đáo. Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa tạo điều kiện thuận lợi cho những loài cây này phát triển nhanh chóng. Một trong số những loài cây dễ trồng và nhanh cho thu trái là cây chuối.
Chuối ở Việt Nam hiện nay được biến đến là một loại cây tương đối phổ biến gồm một số loại thông dụng như chuối tiêu, chuối tây, chuối ngự, chuối hột hay chuối lùn,…, ngoài ra còn một số loại chuối rừng…Là một loại cây dễ sống, chuối thích hợp khi được trồng ở những nơi có khí hậu ẩm ướt. Về đặc điểm sinh trưởng, chuối có thể tự sinh trưởng trong môi trường tự nhiên. Chuối thường mọc theo bụi, tuy nhiên để chuối có sự phát triển đầy đủ nhất, người ta thường trồng chuối thành những bụi từ một cho tới bốn cây. Nếu như một bụi chuối quá nhiều, thông thường, người trồng chuối sẽ đánh ra những bụi khác nhau.
Chuối là một loại cây thuộc dạng rễ chùm, chính bởi vậy, người ta sẽ thấy rễ của chuối không ăn quá sâu vào lòng đất nhưng những loại cây ăn quả có rễ cọc khác. Tuy nhiên với đặc điểm rễ mọc thành từng chùm nên chuối vẫn có thể sinh trưởng tốt từ các chất dinh dưỡng và muối khoáng mà các nhánh rễ thu nhận được.
Thân chuối có dạng hình trụ thẳng đứng. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, đây chỉ được gọi là thân giả. Chiếc thân giả này sẽ tùy từng loại cây mà có chiều cao khác nhau, thông thường khoảng từ 1,5 cho tới 2,5 m. Từ mỗi chiếc thân này, có thể mọc ra một một buồng chuối trước khi nó được thay thế bởi một chiếc thân giả khác. Đặc điểm tiêu biểu của thân chuối là bề mặt nhẵn mịn và bóng từ ghép lại thành các lớp chồng lên nhau. Thân chuối có nhiều công dụng, trước hết thân chuối có thể được dùng làm thức ăn cho gia súc gia cầm để bổ sung nước và chất xơ.. ngoài ra thân chuối non còn được sử dụng thái lát mỏng thành một món rau sống ưa thích của con người.
Lá chuối rộng bản và to, có màu xanh non đẹp mắt. Một thân chuối sẽ có nhiều lá chuối mọc xòe ra xung quanh và bên trên ngọn. Hai mặt của lá chuối sẽ có hai màu khác nhau. Mặt bên trên được đón nhận nhiều ánh nắng mặt trời nên sẽ có màu xanh thẫm, mặt bên dưới, do nhận được ít ánh sáng mặt trời hơn nên sẽ có màu xanh nhạt và kèm theo phấn trắng. Lá chuối cũng có rất nhiều công dụng đối với đời sống con người. Người ta sẽ thường sử dụng lá chuối để gói các loại thức ăn như xôi, cốm,... vì rất sạch và thân thiện với môi trường. Đặc biệt hơn, lá chuối khi nhai dập có thể cầm máu. Ngoài ra, lá chuối khô sẽ thường dùng để gói các loại bánh như bánh gai,…. Phần cuống của lá chuối khô rất chắc và dai, vì vậy, những người dân thường sẽ dùng để bó rau. Lá chuối khô cũng có thể dùng làm chất đốt,...
Không thể bỏ qua một bộ phận quan trọng khi nói đến cây chuối, đó là hoa chuối hay còn gọi là bắp chuối. Bắp chuối có màu đỏ thẫm và trông giống như một giọt nước khổng lồ treo ngược. Bắp chuối ở những miền đồng bằng khác bắp chuối rừng về màu sắc, thông thường những hoa chuối ở đồng bằng sẽ có màu màu tím chứ không đỏ tươi như bắp chuối rừng. Hoa chuối ngon sẽ là hoa chuối khi cầm chắc và nặng tay. Hoa chuối thường được sử dụng làm món ăn kèm với các loại bún nước, làm gỏi, hay nộm cũng rất ngon. Đó đều là những món ăn thanh mát rất được người dân Việt Nam ưa chuộng.
Chuối mọc thành từng buồng. Buồng chuối là tập hợp của nhiều nải chuối. Tùy từng giống chuối khác nhau mà mỗi buồng chuối sẽ có số lượng nải chuối không giống nhau. Có những buồng chuối chỉ có vài nải, nhưng cũng có những buồng chuối có số lượng nải lên đến hàng trăm. Để chuối phát triển tốt, quả đều và đẹp, thông thường người trồng chỉ để lại từ mười cho tới mười hai nải trên một buồng.
Tùy từng loại khác nhau mà quả chuối cũng sẽ có hình dạng và vị khác nhau. Quả chuối thường có màu xanh lúc còn non và màu vàng khi chínvới hình dạng cong như lưỡi liềm. Thông thường mỗi nải chuối sẽ có từ mười hai cho tới hơn hai chục quả. Quả của những cây chuối rừng sẽ thường có hột lớn hơn và cứng hơn những loại chuối được trồng tại các hộ gia đình. Chuối là một loại quả mang lại giá trị kinh tế cho con người, trong những trang trại lớn người ta trồng chuối nhằm mục đích xuất khẩu. Tuy nhiên có nhiều hộ gia đình cũng trồng chuối với mục đích để tráng miệng hoặc thắp hương mỗi ngày tết ngày rằm. Chuối chín có vị rất ngọt và có mùi rất thơm, người người ta có thể sử dụng để ăn trực tiếp hoặc dùng làm nguyên liệu cho những món ăn mùa hè rất thơm ngon như kem chuối hay chè chuối,...Chuối xanh cũng có thể được sử dụng để làm thành các món như chuối nấu ốc, chuối om đậu hay dùng xắt lát ăn kèm với những món thịt.
Trong đời sống văn hóa của con người, chuối là một loại cây gắn bó với làng quê. Ở đâu ta cũng thấy những cây chuối mọc thành từng bụi xanh tốt. Cây chuối là một loài cây mộc mạc và giản dị, nó cũng tượng trưng cho sự sống của con người dù môi trường khắc nghiệt như thế nào cũng mạnh mẽ vươn lên. Đó là một loại cây có giá trị kinh tế và nhiều công dụng đối với đời sống con người, bởi vậy mỗi người cần yêu quý và trân trọng loài cây hữu ích này.
Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em - mẫu 6
"Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu
Dang tay đón gió gật đầu gọi trăng"
Có lẽ hình ảnh cây dừa đã trở thành một hình ảnh quen thuộc đối với tất cả mọi người. Ai mà chẳng có lần được thưởng thức vị nước dừa thơm ngon cơ chứ. Ở Việt Nam, dừa thường có nhiều ở những vùng ven biển và đặc biệt là dừa thường tập trung từ Quãng Ngãi đến Cà Mau nhưng nhiều nhất là ở Bình Định và Bến Tre.
Có rất nhiều ý kiến tranh cãi về việc cây dừa xuất hiện lần đầu ở đâu trong đó một số học giả cho rằng nó có nguồn gốc ở khu vực đông nam châu Á trong khi những người khác cho rằng nó có nguồn gốc ở miền tây bắc Nam Mỹ. Dù có ở đâu thì đây cũng là loại quả vô cùng được ưa chuộng đối với mọi người. Dừa thường sống ở nơi có khí hậu nhiệt đới, phát triển trên đất pha cát và có khả năng chống chịu tốt. Đặc biệt những quả dừa sẽ có thể phát triển một cách tối ưu nếu nơi đó có độ ẩm cao( khoảng 70-80%). Có lẽ vì vậy mà người ta thường trồng nhiều dừa ở ven biển để nó có thể phát triển một cách tốt nhất. Dừa được chia làm nhiều loại nào dừa xiêm( loại dừa này nhỏ hơn so với trái dừa bình thường nhưng nước lại rất ngọt), dừa nếp (trái vàng xanh mơn mởn), dừa lửa( lá đỏ quả vàng hơi hồng)… dù là loại dừa nào thì cũng đều có vẻ đẹp riêng.
Cây dừa cao lắm, có thể cao bằng cả một tòa nhà cao tầng ở nơi đây vươn ra đón nắng đón gió. Rễ cây dừa không to mà tỏa ra thàng nhiều sợi rễ nhỏ, cắm sâu vào lòng đất cần cù lấy chất dinh dưỡng nuôi cây. Thân dừa không to, vừa đủ bằng một vòng tay của em nhưng cao lắm. Thân cây sần sùi màu nâu và ở trên thân thường có những vòng tròn nhỏ đều tăm tắp và cách đều từ gốc lên tới ngọn cây. Từ thân cây sẽ tỏa ra những tàu lá to và dài. Từ bên dưới nhìn lên, những tàu lá xanh như vươn dài ra tận trời xanh như những cánh tay bảo vệ cây khỏi gió bão nơi biển cả. Ở mỗi tàu lá đều có những chiếc lá nhỏ và dài xếp thẳng tắp dọc theo tàu lá và nhỏ dần về phía ngọn. Đặc biệt ẩn bên dưới những tàu lá ấy là từng chùm quả dừa màu xanh to và tròn trông rất thích mắt. Qủa dừa to và nặng lắm nhìn từ xa trông như một quả bóng. Quả có vỏ cứng và dày màu xanh nhạt và ẩn bên trong lớp vỏ ấy là một lớp cùi trắng trông rất hấp dẫn bao bọc xung quang như bảo vệ phần nước dừa bên trong. Nước dừa không ngọt quá như những loại cây ăn quả khác mà nó chỉ ngọt thanh thanh, khi uống đem lại cảm giác rất sảng khoái và dễ chịu.
Cây dừa đem lại rất nhiều công dụng cho mọi người. Như đã nói ở trên, nước dừa được coi là một loại nước giải khát vô cùng được ưa thích trong những ngày hè nóng nực. Ngoài ra nước dừa còn được dùng để làm nước chấm, kho cá kho thịt… Cùi dừa có thể được dùng để làm mứt, làm nước cốt dừa hay dầu dừa rất tốt và giàu chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó phần vỏ cứng của vỏ dừa còn có thể được sử dụng để làm than hoạt tính hay chất đốt. Không chỉ mỗi trái dừa có giá trị mà những bộ phận khác của cây cũng được dùng trong rất nhiều việc hữu ích như thân dừa chắc nên có thể làm cột, làm cầu; lá dừa to có thể dùng để lợp mái nhà….
Như vậy có thể thấy cây dừa không chỉ góp phần làm cho cảnh quan đất nước thêm tươi đẹp mà còn được dùng để sử dụng trong rất nhiều việc. Cây dừa hữu ích như vậy nên mỗi người chúng ta cũng cần phải chăm sóc, bảo vệ nó cẩn thận để cây có thể phát triển một cách tốt nhất.
Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em - mẫu 7
Hạ vừa là mùa của nắng của gió lại vừa là mùa nở rộ của biết bao nhiêu loại trái cây thơm ngon. Là xoài vàng ươm chín ngọt, là sấu xanh chua chua, là mít thơm lừng ngọt sắc, và còn là nhãn dịu nhẹ mà thơm giòn. Nhãn là loài cây, là thức trái quen thuộc và gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ.
Ở nước ta nổi tiếng nhất là nhãn lồng Hưng Yên, mùa vụ của loại nhãn này thường từ cuối tháng tám đến cuối tháng chín. Còn với nhãn nói chung thì mùa vụ là khoảng tháng bảy, đến tháng tám là thời điểm nhãn chín rộ. Nhãn là cây thân gỗ, cao từ năm đến mười mét, vững chắc. Từ thân, cây mọc ra nhiều cành cây như những cánh tay với những tầng lá rậm rạp.Cũng giống như phượng, lá nhãn là loại kép hình lông chim, các lá mọc so le hai bên gân chính, mỗi lá kép thường có năm đến chín lá đơn. Trên nền xanh của lá còn điểm xuyết sắc vàng nhàn nhạt của hoa nhãn. Hoa nhãn nhỏ xíu như sao nhưng vẫn dễ dàng được nhìn thấy cũng như ngôi sao luôn tỏa sáng trên bầu trời xanh mát, thường mọc thành chùm ở đầu cành hoặc xen vào các kẽ lá. Có hoa thì sẽ có quả, khi hoa nhãn già rồi rụng xuống thì quả nhãn bắt đầu đâm trổ thành những quả bé xíu như chỉ có vỏ với hạt. Vỏ nhãn màu nâu nhạt hoặc vàng xám, nhẵn. Hạt nhãn đen nhánh. Trong phiên âm từ tiếng Trung ra tiếng Hán Việt, nhãn được gọi là “long nhãn”, nghĩa là “mắt rồng” cũng chính bởi màu đen của hạt trồng và hình dáng tròn trông như mắt rồng. Nằm giữa lớp vỏ mỏng bao bên ngoài và hạt là lớp cùi nhãn có màu trắng ngà, hơi trong.
Nhãn cũng có nhiều loại, các loại nhãn thường có sự khác biệt ở quả, đặc biệt là phần cùi nhãn. Nhãn xuồng cơm vàng là giống nhãn có gốc ở Vũng Tàu nước ta, cùi dày và có màu vàng trong, ít nước, vị ngọt và giòn sần sật. Nhãn tiêu da bò thì có nguồn gốc ở Huế, quả nhỏ. Nhãn lồng Hưng Yên thì quả to, vỏ không nhẵn mà hơi gai, dày và màu vàng sậm đặc trưng. Cùi nhãn dày, khô, mọng nước và hạt nhãn nhỏ. Loại nhãn này có vị ngọt của đường phèn. Đây là loại nhãn có giá thành khá đắt nhưng bởi những lợi thế về quả và hương vị thơm ngọt nên rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, đây cũng là loại nhãn bị “làm giả” nhiều nhất khi có nhiều thương lái dùng loại nhãn Trung Quốc hay nhãn Thái Lan và lừa gạt người mua hàng rằng đó là nhãn lông Hưng Yên, gây nhiều thiệt hại về tiền bạc và lòng tin của người mua.
Là cây cho quả nên quả nhãn là loại thực phẩm, được ăn trực tiếp mà không phải qua chế biến. Bên cạnh đó thì nhãn cũng được nấu thành chè, làm nhãn sấy khô để sử dụng quanh năm do nhãn chỉ có một mùa vụ trong một năm, là nguyên liệu làm bánh nhãn, … Nhãn cũng là một loại thuốc đông y hỗ trợ trong việc điều trị các bệnh như bệnh hay quên, thần kinh kém, suy nhược, khó ngủ,…Nhãn là loại quả chứa nhiều vitamin C giúp chống các bệnh cao huyết áp, bệnh tim hoặc các bệnh về xương khớp. Vì tác dụng và chất dinh dưỡng nó bao chứa nên nhãn được nhiều người yêu thích.
“Đêm. Hương nhãn đặc lại
Thơm ngoài sân trong nhà
Mẹ em nằm thao thức
Nhớ anh đang đi xa...”
(“Hương nhãn” Trần Đăng Khoa)
Cây nhãn là một hình ảnh quen thuộc của làng quê với những vườn nhãn xanh mướt quanh năm, với những chùm quả lúc lắc trên cành vào mùa nhãn chín. Mùa hè nóng nực mà được thưởng thức những trái nhãn ngọt sắc lịm với hương thơm dễ chịu, cảm nhận những cùi nhãn dày mọng nước thì còn gì bằng.
Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em - mẫu 8
Trong vô số các loài cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao và có ý nghĩa quan trọng với đời sống con người, cây táo được biết đến rộng rãi và yêu thích khắp nơi trên thế giới. Với những đặc tính nổi bật về mặt sinh học, cũng như giá trị dinh dưỡng cao của quả, cây táo đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền nông nghiệp và văn hóa của nhiều quốc gia.
Cây táo (tên khoa học là Malus domestica) thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae), bắt nguồn từ khu vực Trung Á, nay là Kazakhstan, và đã được con người thuần hóa từ hàng nghìn năm trước. Ngày nay, cây táo đã được trồng rộng rãi khắp các châu lục nhờ khả năng thích nghi cao với nhiều điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau.
Về mặt hình thái, cây táo có thể cao tới 3-12 mét tùy thuộc vào giống và điều kiện trồng. Thân cây thẳng, vỏ ngoài thường có màu nâu xám, cành cây phân nhánh nhiều. Lá cây táo mọc so le, hình bầu dục hoặc elip, mép lá có răng cưa nhỏ, mặt trên lá màu xanh đậm bóng và mặt dưới có màu xanh nhạt hơn. Hoa táo thường nở vào mùa xuân, mỗi bông hoa có 5 cánh màu trắng pha hồng, tỏa ra hương thơm dịu nhẹ và rất được ong bướm ưa thích.
Quả táo, thành phẩm chính của cây, có hình dáng, màu sắc và kích thước đa dạng tùy theo giống. Quả có thể có màu xanh, đỏ, vàng hoặc các sắc thái pha trộn. Phần thịt quả giòn và ngọt, chứa nhiều nước và vitamin, đặc biệt là vitamin C và một số loại vitamin B. Ngoài ra, táo còn chứa một lượng lớn chất xơ, kali và một số khoáng chất thiết yếu khác, rất tốt cho sức khỏe tim mạch và hệ tiêu hóa.
Ngoài giá trị dinh dưỡng, cây táo còn có ý nghĩa kinh tế to lớn. Quả táo không chỉ được tiêu thụ tươi, mà còn được chế biến thành nhiều sản phẩm khác như nước ép táo, rượu táo (cider), táo sấy khô, và thậm chí là giấm táo. Những sản phẩm này không chỉ phổ biến ở các thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới, góp phần không nhỏ vào ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống.
Văn hóa liên quan đến cây táo cũng phong phú và đa dạng. Trong nhiều nền văn hóa, táo tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển và sức khỏe. Câu chuyện về Quả táo của Newton cũng đã biến loại quả này trở thành biểu tượng của tri thức và khoa học.
Tóm lại, cây táo không chỉ mang lại lợi ích kinh tế thông qua những sản phẩm chế biến từ quả, mà còn đóng góp vào sức khỏe con người với nhiều giá trị dinh dưỡng. Đồng thời, cây táo cũng là biểu tượng văn hóa quan trọng trong nhiều truyền thống khác nhau trên thế giới. Việc trồng và bảo tồn các giống táo đa dạng không chỉ giúp đảm bảo nguồn gen quý mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp toàn cầu.
Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em - mẫu 9
Trong làn gió êm đềm của quê hương, những dòng lá mát rợp bóng màu xanh ngọc của cây bưởi như một bức tranh sống động vẽ nên vẻ đẹp tự nhiên, thanh bình. Cây bưởi không chỉ là một loài cây trồng phổ biến, mà còn là biểu tượng của sự giàu có, thịnh vượng và sức khỏe trong tâm trí của người dân Việt Nam.
Bóng dáng cao vút của cây bưởi thường xuất hiện trong các vườn nhà, nhấp nhô giữa những góc sân và đôi khi cả trên những con đường quê nhỏ. Thân cây thẳng, vẻ uy nghiêm của cành lá khiến người ta không khỏi ngẩn ngơ ngắm nhìn. Lá cây mơn man, nhưng dày dặn sức sống, tỏa ra hương thơm dịu dàng mỗi khi gió nhẹ thổi qua. Đến mùa xuân, cây bưởi mở ra những bông hoa trắng tinh khôi, tạo nên một cảnh vật đẹp mê hồn, thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh.
Nhưng đỉnh cao của vẻ đẹp cây bưởi chính là quả bưởi - một phần tinh túy của cây, mang trong đó toàn bộ hương vị và giá trị dinh dưỡng. Quả bưởi có vỏ ngoài màu xanh đậm, vàng tươi hoặc đỏ rực, tùy thuộc vào giống cây và độ chín. Bên trong, những múi quả trắng ngà, mọng nước, ngọt lịm làm say đắm bất kỳ ai thưởng thức. Không chỉ là một loại trái cây ngon miệng, quả bưởi còn chứa đựng nhiều dưỡng chất quan trọng, giúp cơ thể khỏe mạnh và sảng khoái.
Ngoài giá trị sinh học, cây bưởi còn có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Trong nền văn hóa Việt Nam, quả bưởi thường xuất hiện trong các dịp lễ hội và ngày Tết, làm mâm ngũ quả, tượng trưng cho sự may mắn, phú quý và thịnh vượng. Cây bưởi còn được trồng nhiều tại các ngôi đền, chùa, là nơi linh thiêng, nơi người ta cầu mong sự bình an và hạnh phúc.
Với tất cả những ý nghĩa sâu sắc và vẻ đẹp tự nhiên của mình, cây bưởi không chỉ là một phần của cảnh quan xanh mát mà còn là biểu tượng của văn hóa và truyền thống dân tộc. Nó là minh chứng cho sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên, là nguồn cảm hứng vô tận cho cuộc sống và tâm hồn của chúng ta.
Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em - mẫu 10
Trong thế giới của nông trại và vườn cây, cây chanh mang đến một loạt giá trị không chỉ là thực phẩm, mà còn là nguồn cảm hứng và ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa và y học. Hãy cùng nhau khám phá vẻ đẹp và ý nghĩa của cây chanh - biểu tượng của sức khỏe và sự tươi mới.
Cây chanh, còn được gọi là Citrus limon, là một loại cây thân gỗ thuộc họ cam chanh (Rutaceae). Cây có thân gỗ nhỏ, lá mọc cụm, màu xanh bóng, có hình bầu dục hoặc hình lá tròn. Hoa chanh thường mọc thành từng cụm hoa nhỏ, màu trắng tinh khôi, toả ra một hương thơm dịu nhẹ, thu hút sự chú ý của côn trùng hòa hợp.
Quả chanh là thành phẩm chính của cây chanh, với hương vị chua chua, ngọt ngọt và hương thơm đặc trưng. Chanh không chỉ là một loại trái cây giàu vitamin C mà còn là nguồn cung cấp axit citric, chất chống oxy hóa và khoáng chất quý giá. Nước chanh được sử dụng rộng rãi trong nấu ăn, làm nước giải khát và pha chế đồ uống. Ngoài ra, lá và vỏ cây chanh cũng được sử dụng trong y học dân gian để chữa trị nhiều bệnh lý khác nhau, từ cảm lạnh đến viêm họng và tiêu chảy.
Cây chanh không chỉ có giá trị dinh dưỡng mà còn là biểu tượng của sự tươi mới và sức sống. Trong văn hóa dân gian, hương thơm của quả chanh thường được sử dụng để làm sạch và tạo cảm giác sảng khoái. Ngoài ra, cây chanh cũng thường xuất hiện trong các nghi lễ và lễ hội, thể hiện sự tươi mới và may mắn.
Tóm lại, cây chanh không chỉ là một loại cây trồng phổ biến mà còn là biểu tượng của sức khỏe và sự tươi mới. Với giá trị dinh dưỡng và ý nghĩa văn hóa sâu sắc, cây chanh đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế và văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới.
Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em - mẫu 11
Trong thế giới của nông trại và vườn trồng, cây nho tỏa sáng như một ngôi sao lấp lánh, không chỉ bởi vẻ đẹp tinh tế của nó mà còn bởi giá trị kinh tế vô cùng quan trọng mà nó mang lại. Hãy cùng nhau khám phá những bí mật vàng của cây nho - một biểu tượng của sức sống và thịnh vượng.
Cây nho, hay còn gọi là Vitis vinifera, thuộc họ nho (Vitaceae), là một trong những loài cây trồng phổ biến trên khắp thế giới. Thân cây nho thường có hình dạng thanh mảnh, thẳng đứng hoặc leo lên giàn treo. Lá cây hình trái tim, màu xanh bóng, tạo nên một cảnh quan xanh mát và dễ chịu. Hoa nho nhỏ bé, mọc thành từng chùm dày đặc, toả ra hương thơm dịu ngọt, thu hút sự quan tâm của cả con người và các loài côn trùng.
Quả nho là thành phẩm chính của cây nho, với nhiều loại với màu sắc và hương vị đa dạng. Quả nho không chỉ là một loại trái cây ngon miệng mà còn là nguyên liệu quý giá cho nhiều loại sản phẩm thực phẩm và đồ uống. Rượu vang, được sản xuất từ quả nho, là một trong những loại đồ uống quý hiếm và được ưa chuộng nhất trên thế giới. Ngoài ra, quả nho cũng được sử dụng để chế biến thành nước ép, mứt và các loại bánh ngọt hấp dẫn.
Trong nhiều nền văn hóa, cây nho được xem như biểu tượng của sự giàu có, thịnh vượng và hạnh phúc. Trong nghệ thuật và văn hóa dân gian, cây nho thường được sử dụng để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và tinh tế. Ngoài ra, cây nho còn là một phần không thể thiếu trong các lễ hội và nghi lễ truyền thống, thể hiện lòng biết ơn và tôn kính của con người đối với thiên nhiên và văn hóa.
Tóm lại, cây nho không chỉ là một loại cây trồng phổ biến mà còn là biểu tượng của sự phồn thịnh và sức sống. Với giá trị kinh tế và ý nghĩa văn hóa sâu sắc, cây nho đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế và văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới.
Thuyết minh về một loại quả ở địa phương em - mẫu 12
Việt Nam muôn nghìn cây trái khác nhau, loài cây nào cũng mang đến những lợi ích riêng đối với đời sống con người. Có những loại cây trồng đem lại nguồn gỗ quý cũng có những loại cây đen lại giá trị kinh tế cao, nhiều loại cây khác thì được dùng làm thuốc. Trong số đó, có thể kể đến một loài cây thu trái có giá trị xuất khẩu- cây xoài.
Xoài là một loại cây có vị ngọt thuộc chi xoài. Cây được biết đến có nguồn gốc từ Nam Á và Đông Nam Á. Vì đây là một loại cây tương đối được ưa chuộng, nên cây được trồng trên toàn thế giới hiện nay. Xoài là giống cây quen thuộc của làng quê, sinh trưởng và phát triển tốt ở những nơi có khí hậu nhiệt đới ẩm, nhiệt độ sinh trưởng tốt nhất của xoài là từ 24 cho tới 27 độ. Cây không kén đất nên thích hợp trồng ở nhiều loại đất khác nhau.
Xoài là một loại cây thân gỗ, rễ thuộc loại rễ cọc, có thể ăn sâu xuống dưới đất 2m. Tùy từng loại khác nhau mà cây có độ cao khác nhau, độ cao trung bình của cây là từ 1,5 cho tới 2,5 m. Chiều cao của cây sẽ tỉ lệ thuận với độ dinh dưỡng của đất. Nếu như cây được trồng ở những vùng khí hậu thuận lợi, trong một khoảng đất thích hợp, cây phát triển càng cao. Tán cây rộng, hình vòm. Tùy theo từng giống xoài khác nhau mà tán cây có thể có độ rộng khác nhau. Lá xoài có màu xanh, mọc so le với nhau trên cành và thuôn dài. Mặt dưới của lá do không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ít nên có màu xanh nhạt hơn. Lá có gân giữa và các nhánh gân nhỏ nhỏ mọc ra hai bên như hình xương cá. Hoa xoài không nở từng bông riêng biệt mà mọc thành từng chùm với nhiều bông hoa nhỏ, mỗi chùm hoa bao gồm cả hoa đực lẫn hoa cái. Hoa xoài thường có màu trắng. Trên cây xoài, quả xoài mang lại giá trị cao nhất. Đây là một loại quả có hột, quả xoài thuôn dài và phình to hơn ở đầu, khi còn non, quả xoài có màu xanh. Khi chín, vỏ xoài chuyển sang màu vàng. Phần thịt xoài dày và có màu cam đẹp mắt, khi ăn xoài có vị chua chua ngọt ngọt thanh mát rất được nhiều người ưa thích.
Mặc dù xoài không phải là một cây cảnh đẹp, tuy nhiên tại các quán cà phê hay tại các hộ gia đình người ta vẫn trồng cây xoài với tác dụng làm bóng mát và mang lại không khí trong lành. Phần thân cây và cành cây, lá cây khi khô có thể được sử dụng làm chất đốt. Qủa xoài là một loại quả có mùi vị thơm ngon, thích hợp để làm các món tráng miệng, hoa quả ăn trực tiếp, ngoài ra xoài chín còn là nguyên liệu để chế biến cho nhiều món ăn khác nhau như làm sinh tố làm kem bánh kẹo. Đặc biệt tại Thái Lan, xoài còn là nguyên liệu chính cho một món xôi rất nổi tiếng- xôi xoài. Quả xoài còn xanh có thể làm nguyên liệu cho món xoài dầm hay nộm tôm xoài rất ngon. Đối với Việt Nam, xoài có giá trị xuất khẩu mang đến lợi ích kinh tế cao đối với các hội gia đình.
Xoài không phải là một loại cây khó trồng và chăm sóc, tuy nhiên để cây phát triển tốt nhất người trồng cần lưu ý phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho cây, làm cỏ dưới gốc cây để cây có thể phát triển một cách tốt nhất. Ngoài ra việc quan trọng đối với người trồng xoài đó là cần có biện pháp bảo vệ các loại hoa và các loại quả non. Xoài cũng là một loại cây ưa ánh sáng vì vậy người trồng nên tránh trồng xoài với một mật độ quá dày để đảm bảo cho cây luôn xanh tốt nhất. Việc bón phân cho xoài cũng nên theo chu kỳ đều đặn.
Xoài một loại cây ăn quả quen thuộc và gần gũi. Cây gắn bó với tuổi thơ của mỗi con người. Đối với người dân Việt Nam, nhắc đến xoài không phải là chỉ nhắc đến một loài cây có quả ngon mà còn là nhắc đến một người bạn tâm tình. Hiểu được điều đó để chúng ta càng thêm yêu quý trân trọng.
Xem thêm các bài văn mẫu lớp 9 hay khác:
- Thuyết minh về loài hoa em yêu thích nhất
- Thuyết minh (Giới thiệu) về chợ nổi miền Tây
- Thuyết minh về cây chuối
- Thành công chỉ đến khi chúng ta cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân mình
- Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa
Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:
- Mục lục Văn thuyết minh
- Mục lục Văn tự sự
- Mục lục Văn nghị luận xã hội
- Mục lục Văn nghị luận văn học Tập 1
- Mục lục Văn nghị luận văn học Tập 2
Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 9 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 9 và Những bài văn hay lớp 9 đạt điểm cao.
Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Giải Tiếng Anh 9 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Friends plus
- Lớp 9 Kết nối tri thức
- Soạn văn 9 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 9 - KNTT
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 9 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 9 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - KNTT
- Giải sgk Tin học 9 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 9 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 9 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - KNTT
- Lớp 9 Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 9 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 9 - CTST
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 9 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 9 - CTST
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - CTST
- Giải sgk Tin học 9 - CTST
- Giải sgk Công nghệ 9 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 9 - CTST
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - CTST
- Lớp 9 Cánh diều
- Soạn văn 9 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 9 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 9 - Cánh diều
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 9 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 9 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 9 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 9 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 9 - Cánh diều
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - Cánh diều