Kiến thức trọng tâm Địa Lí 12 Bài 10: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa (tiếp theo)



Kiến thức trọng tâm Địa Lí 12 Bài 10: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa (tiếp theo)

Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức môn Địa Lí lớp 12 để chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia năm 2021, VietJack biên soạn Địa Lí 12 Bài 10: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa (tiếp theo) theo bài học đầy đủ, chi tiết nội dung lý thuyết, câu hỏi trắc nghiệm và giải các bài tập trong sgk Địa Lí 12.

A. Lý thuyết bài học

2. Các thành phần tụ nhiên khác

a) Địa hình:

- Xâm thực mạnh ở miền đồi núi.

Địa Lí 12 Bài 10: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa (tiếp theo)

   + Trên các sườn dốc, bề mặt địa hình bị cắt xé, đất bị xói mòn, rửa trôi, nhiều nơi chỉ còn trơ sỏi đá; bên cạnh đó là hiện tượng đất trượt, đá lở.

   + Ở vùng núi đá vôi hình thành địa hình cacxtơ với các hang động, suối cạn.

   + Các vùng thềm phù sa cổ: bị chia cắt thành các đồi thấp xen thung lũng rộng.

- Bồi tụ nhanh ở đồng bằng hạ lưu sông

Ở rìa phía nam đồng bằng châu thổ sông Hồng và phía tây nam đồng bằng sông Cửu Long hàng năm lấn ra biển từ vài chục đến gần trăm mét.

b) Sông ngòi

- Mạng lưới sông ngòi dày đặc:

   + Trên toàn lãnh thổ có 2360 con sông có chiều dài trên 10km. Dọc bờ biển: cứ 20km gặp một cửa sông.

   + Sông ngòi nước ta nhiều, nhưng phần lớn là sông nhỏ.

- Sông ngòi nhiều nước, giàu phù sa.

   + Tổng lượng nước 839 tỉ m3/ năm (trong đó có 60% lượng nước nhận từ ngoài lãnh thổ).

   + Tổng lượng phù sa hàng năm do sông ngòi ở nước ta là 200 triệu tấn.

- Chế độ nước theo mùa:

   + Mùa lũ tương ứng với mùa mưa, mùa cạn tương ứng với mùa khô. Chế độ mưa thất thường làm cho chế độ dòng chảy cũng thất thường.

c) Đất:

- Feralit là loại đất chính ở Việt Nam.

- Quá trình feralit là quá trính hình thành đất đặc trưng cho khí hậu nhiệt đới ẩm. Trong điều kiện nhiệt ẩm cao, quá trình phong hóa diễn ra với cường độ mạnh, tạo nên một lớp đất dày. Mưa nhiều rửa trôi các chất badơ dễ tan (Ca2+, Mg2+, K+), làm đất chua, đồng thời có sự tích tụ ôxi sắt (Fe2O3) và ôxit nhôm (Al2O3) tạo ra màu đỏ vàng. Vì thế loại đất này gọi là đất feralit (Fe-Al) đỏ vàng.

d) Sinh vật:

- Hệ sinh thái rừng nguyên sinh đặc trưng là rừng rậm nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh, còn lại rất ít.

- Hiện nay phổ biến lá rừng thứ sinh với các hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa biến dạng khác nhau: rừng gió mùa thường xanh, rừng gió mùa nửa rụng lá, rừng thưa khô rụng lá tới xavan, bụi gai hạn nhiệt đới.

- Thành phần các loài nhiệt đới chiếm ưu thế.

- Hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm gió mùa phát triển trên đất feralit là cảnh quan tiêu biểu cho thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa ở nước ta.

B. Câu hỏi trắc nghiệm

Câu 1: Hệ quả của quá trình xâm thực, bào mòn mạnh mẽ bề mặt địa hình ở miền đồi núi là:

A. sự bồi tụ mở mang các đồng bằng hạ lưu sông.

B. sự hình thành các đồng bằng giữa núi.

C. sự hình thành các vùng đồi núi thấp.

D. sự hình thành các bán bình nguyên xen đồi.

Đáp án: Dòng chảy sông ngòi vận chuyển các vật liệu bào mòn ở miền đồi núi ⇒  bồi đắp chúng, hình thành nên các đồng bằng hạ lưu sông.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 2: Căn cứ vào atlat địa lí Việt Nam trang 10, hệ thống sông lớn duy nhất ở nước ta có dòng chảy đổ sang Trung Quốc là

A. Sông Hồng

B. Sông Kì Cùng- Bằng Giang

C. Sông Mê Công

D. Sông Thái Bình

Đáp án: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 10:

B1. Xác định được ranh giới lãnh thổ giữa nước ta với Trung Quốc.

B2. Quan sát để nhận biết con sông nào ỏ nước ta có dòng chảy đổ sang Trung Quốc (chảy về phía Bắc)

⇒ xác định được sông Kì Cùng – Bằng Giang với hướng chảy Nam – Bắc → dòng chảy đổ sang Trung Quốc.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 3: Loại đất chiếm diện tích lớn nhất ở vùng đồi núi nước ta là

A. đất phù sa cổ.

B. đất phù sa mới.

C. đất feralit.

D. đất mùn alit.

Đáp án: Quá trình feralit diễn ra mạnh ở vùng đồi núi thấp trên đá mẹ axit ⇒ đất feralit là loại đất chủ yếu ở đồi núi nước ta.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 4: Nơi diễn ra sự bào mòn, rửa trôi đất đai mạnh nhất là ở

A. đồng bằng.

B. trung du.

C. miền núi.

D. ven biển.

Đáp án: Vùng đồi núi có địa hình dốc, quá trình phong hóa đất diễn ra mạnh mẽ kết hợp mưa lớn nên sự bào mòn, rửa trôi đất đai mạnh nhất.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 5: Căn cứ vào Atalat Địa lí Việt Nam trang 10, hãy cho biết sông nào sau đây không thuộc chín hệ thống sông lớn của nước ta?

A. Sông Hồng.

B. Sông Mã.

C. Sông Thu Bồn.

D. Sông Gianh.

Đáp án: Căn cứ vào Atlat ĐLVN trang 10:

B1. Quan sát bảng chú giải để nhận biết tên của 9 hệ thống sông lớn.

B2. Xác định được:

- Các hệ thống sông lớn là sông Hồng, sông Mã, sông Thu Bồn.

⇒ Loại đáp án A, B, C

- Sông nhỏ là: sông Gianh

Đáp án cần chọn là: D

Câu 6: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 11, hãy cho biết loại đất nào sau đây chiếm diện tích lớn nhất ở nước ta?

A. Đất feralit trên đá badan.

B. Đất fealit trên các loại đá khác.

C. Đất phù sa sông.

D. Đất phèn.

Đáp án: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 11:

B1. Nhận biết kí hiệu các nhóm đất ở bảng chú giải.

B2. Quan sát thấy kí hiệu của nhóm đất feralit trên các loại đá khác được thể hiện phổ biến nhất

⇒ Loại đất chiếm diện tích lớn nhất là: đất feralit trên các loại đá khác.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 7: Hệ sinh thái rừng đặc trưng cho khí hậu nóng ẩm là:

A. rừng nhiệt đới ẩm gió mùa thường xanh.

B. rừng rậm nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh.

C. rừng nhiệt đới gió mùa nửa rụng lá.

D. rừng thưa nhiệt đới khô.

Đáp án: Hệ sinh thái rừng nguyên sinh đặc trưng cho khí hậu nóng ẩm là rừng rậm nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 8: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa của nước ta ảnh hưởng trực tiếp và rõ rệt nhất đến hoạt động sản xuất

A. công nghiệp.

B. nông nghiệp.

C. du lịch.

D. giao thông vận tải.

Đáp án: Hoạt động kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào điều kiện tự nhiên (đặc biệt khí hậu) là nông nghiệp.

⇒ Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa của nước ta ảnh hưởng trực tiếp và rõ rệt nhất đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 9: Hoạt động ngoại lực đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và biến đổi địa hình Việt Nam hiện tại là

A. xâm thực - mài mòn.

B. xâm thực - bồi tụ.

C. xói mòn - rửa trôi.

D. mài mòn - bồi tụ.

Đáp án: Quá trinh xâm thực – bồi tụ là quá trình chính trong sự hình thành và biến đổi địa hình Việt Nam hiện tại.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 10: Feralit là loại đất chính ở Việt Nam vì, nước ta

A. có địa hình chủ yếu là đồi núi, chiếm tới 3/4 diện tích lãnh thổ.

B. có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa và địa hình chủ yếu là đồi núi thấp.

C. có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, mưa lớn theo mùa

D. trong năm có hai mùa mưa, khô rõ rệt

Đáp án: - Quá trình feralit là quá trình hình thành đất đặc trưng cho vùng khí hậu nhiệt đới ẩm.

- Đất feralit tập trung chủ yếu ở các vùng đồi núi, quá trình feralit diễn ra mạnh ở vùng đồi núi thấp

Nước ta có:

- Khí hậu nước ta là khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa.

- Địa hình 3/4 là đồi núi trong đó chủ yếu là đồi núi thấp (chiếm khoảng 65%)

⇒ Vì vậy, đất feralit chiếm diện tích nhiều nhất và là loại đất chính ở vùng đồi núi nước ta

Đáp án cần chọn là: B

Câu 11: Chế độ nước của sông ngòi nước ta theo mùa, do:

A. trong năm có hai mùa mưa và khô.

B. độ dốc địa hình lớn, mưa nhiều.

C. mưa nhiều trên địa hình đồi núi chiếm diện tích lớn.

D. đồi núi bị cắt xẻ, độ dốc lớn và mưa nhiều.

Đáp án: Nhịp điệu dòng chảy theo sát nhịp điệu mưa: mùa lũ trùng mùa mưa, mùa cạn tương ứng mùa khô.

⇒ nước ta có sự phân hóa mùa mưa – khô sâu sắc, đặc biệt khu vực Nam Bộ

⇒ Chế đố nước sông ngòi theo mùa.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 12: Khó khăn lớn nhất của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đối với sản xuất nông nghiệp là:

A. tính thất thường của các yếu tố thời tiết và khí hậu.

B. sự khác nhau về đặc điểm khí hậu giữa các vùng.

C. khí hậu có một mùa mưa và một mùa khô.

D. sự phân hóa khí hậu theo chiều bắc nam.

Đáp án: Tính thất thường của các yếu tố thời tiết và khí hậu gây khó khăn cho hoạt động canh tác, cơ cấu cây trồng, phòng chống thiên tai, sâu bệnh trong sản xuất nông nghiệp.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 13: Hệ thống cây trồng của nước ta phong phú, đa dạng là do ảnh hưởng quyết định của nhân tố

A. địa hình.

B. đất.

C. khí hậu.

D. nguồn nước.

Đáp án: - Nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với nhiệt độ và độ ẩm cao, lượng mưa lớn ⇒ sinh vật phát triển phong phú.

- Khí hậu phân hóa theo độ cao và bắc nam, đông tây ⇒ tạo nên tính đa dạng trong thành phần loài sinh vật (nhiệt đới, cận nhiệt, ôn đới).

Đáp án cần chọn là: C

Câu 14: Quá trình phong hóa hóa học tham gia vào việc  làm biến đổi bề mặt địa hình hiện tại được biểu hiện:

A. hiện tượng xâm thực.

B. thành tạo địa hình cácxtơ.

C. hiện tượng bào mòn, rửa trôi đất.

D. đất trượt, đá lở ở sườn dốc.

Đáp án: Phong hóa hóa học là quá trình làm biến đổi các thành phần của vật chất, xảy ra do các phản ứng hóa học.

⇒ Sự thành tạo địa hình cácxtơ là do nước mưa hòa tan đá vôi (CaC03)

⇒ B đúng

Đáp án cần chọn là: B

Câu 15: Tính chất mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp của nước ta là do ảnh hưởng của yếu tố

A. sự phân hoá theo mùa của khí hậu.

B. nhu cầu đa dạng của thị trường trong và ngoài nước.

C. lao động theo mùa vụ ở các vùng nông thôn.

D. thiên nhiên nước ta mang tính chất nhiệt đới ẩm.

Đáp án: Tính mùa vụ là nét đặc trưng trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta.

Mỗi loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu khác nhau, dẫn đến những mùa vụ khác nhau ⇒ mùa nào thức ấy. Mùa đông miền Bắc có rau màu vụ đông (bắp cải, xu hào, đào,lê, táo), mùa hè có hoa quả nhiệt đới: nhãn, vải, sầu riêng, chôm chôm....

Đáp án cần chọn là: A

Câu 16: Yếu tố ảnh hưởng trực tiếp làm cho sông ngòi nước ta nhỏ, ngắn, dốc là

A. hình dáng và lãnh thổ địa hình.

B. khí hậu và địa hình.

C. hình dáng và khí hậu.

D. địa hình và sinh vật, thổ nhưỡng.

Đáp án: - Lãnh thổ nước ta kéo dài, hẹp ngang.

⇒ sông ngòi nước ta chủ yếu là sông nhỏ, ngắn.

-  Địa hình: phía Tây là dải đồi núi cao và trung bình, phía Đông là dải đồng bằng nhỏ hẹp ven biển.

⇒ sông ngòi ngắn, dốc.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 17: Khu vực có chế độ nước sông chênh lệch rất lớn giữa mùa lũ và mùa cạn ở nước ta là

A. Tây Bắc.

B. Bắc Trung Bộ.

C. cực Nam Trung Bộ.                                              

D. Tây Nguyên.

Đáp án: Vùng Tây Nguyên có sự phân hóa mưa – khô sâu sắc

⇒ Chế độ nước sông chênh lệch rất lớn giữa mùa lũ và cạn.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 18: Biện pháp nào không thích hợp để hạn chế tính thất thường của khí hậu tới sản xuất nông nghiệp ở nước ta?

A. Đẩy mạnh thâm canh tăng vụ.

B. Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ hợp lí.

C. Làm tốt công tác dự báo thời tiết.

D. Tích cực làm công tác thuỷ lợi, trồng rừng.

Đáp án: Tính thất thường của các yếu tố thời tiết khí hậu gây nên các khó khăn như thiên tai hạn hán, bão lũ, sâu bệnh, dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động canh tác, cơ cấu cây trồng, kế hoạch thời vụ, công tác phòng chống thiên tai…

⇒ Các biện pháp: chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, công tác dự báo thời tiết,  phát triển thủy lợi và trồng rừng sẽ giúp khắc phục những khó khăn trên.

+ Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ với các giống cây ngắn ngày, chịu được sâu bệnh và có thể thu hoạch trước mùa bão lũ, hạn hán.

+ Dự báo thời tiết giúp nông dân chủ động có các biện pháp ứng phó với thời tiết (như phủ kín che chắn cho cây khỏi ảnh hưởng của sương muối và giá rét).

+ Phát triển thủy lợi và trồng rừng góp phần hạn chế bão lũ gây ngâp úng mùa màng, xói mòn sạt lở đất....

⇒ Loại đáp án B,C, D

- Đẩy mạnh thâm canh tăng vụ chủ yếu nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, biện pháp này không thích hợp để hạn chế tính thất thường của thời tiết khí hậu.

⇒ Chọn đáp án A

Đáp án cần chọn là: A

Câu 19: Ngành nào sau đây ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa?

A. Lâm nghiệp.

B. Thủy sản.

C. Giao thông vận tải.

D. Công nghiệp chế biến.

Đáp án: - Các ngành: lâm nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên như: rừng, biển, nguồn lợi tôm cá, sông ngòi, địa hình….

⇒ Loại đáp án A, B, C

- Công nghiệp chế biến thuộc ngành công nghiệp, ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa hơn.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 20: Nguyên nhân làm cho đất đai nước ta dễ bị suy thoái là

A. Khí hậu nhiệt ẩm cao, mưa theo mùa, địa hình nhiều đồi núi thấp.

B. Địa hình nhiều đồi núi, mưa lớn và tập trung một mùa.

C. Mưa theo mùa, xói mòn nhiều, địa hình nhiều đồi núi.

D. Khí hậu nhiệt ẩm cao, mưa theo mùa, địa hình nhiều đồi núi.

Đáp án: Biểu hiện của suy thoái đất đai rất đa dạng, bao gồm: xói  mòn, rửa trôi, hoang mạc hóa, khô hạn, nhiễm mặn, nhiễm phèn, ngập úng, lầy hóa…

⇒  Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhiệt ẩm dồi dào +   mưa nhiều +  địa hình đồi núi có độ dốc lớn  ⇒  quá trình phong hóa diễn ra mạnh, đất đai dễ bị rửa trôi, xói mòn; đối với vùng thấp trũng ngập nước đất bị lầy hóa, ngập úng,…

⇒ Nhận xét

Các đáp án A, B, C đều chưa đầy đủ

Ý A: địa hình đồi núi thấp chưa chính xác, vì trên địa hình độ dốc cao đất đai dễ bị rửa trôi hơn.

Ý B, C: chỉ đề cập tới địa hình đồi núi và tính chất mưa của khí hậu

⇒ Loại A, B, C

Ý D đúng và đẩy đủ nhất vì khí hậu nhiệt ẩm thúc đẩy quá trình phong hóa đất đai + địa hình đồi núi làm tăng cường xói mòn, rửa trôi đất; mưa theo mùa, mùa mưa nhiều đất đai dễ bị rửa trôi, mùa khô đất đai dễ bị hoang hóa, mặn hóa, phèn hóa...

Đáp án cần chọn là: D

C. Giải bài tập sgk

Xem thêm các bài học Địa Lí lớp 12 đầy đủ, chi tiết khác:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 12

Bộ giáo án, đề thi, bài giảng powerpoint, khóa học dành cho các thầy cô và học sinh lớp 12, đẩy đủ các bộ sách cánh diều, kết nối tri thức, chân trời sáng tạo tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official




Các loạt bài lớp 12 khác
Tài liệu giáo viên