(Siêu ngắn) Soạn bài Viết báo cáo kết quả nghiên cứu có sử dụng trích dẫn, cước chú và phương tiện hỗ trợ - Chân trời sáng tạo

Bài viết soạn bài Viết báo cáo kết quả nghiên cứu có sử dụng trích dẫn, cước chú và phương tiện hỗ trợ trang 95, 96, 97, 98, 99, 100, 101, 102 siêu ngắn gọn sách Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo giúp học sinh lớp 10 dễ dàng soạn văn 10.

(Siêu ngắn) Soạn bài Viết báo cáo kết quả nghiên cứu có sử dụng trích dẫn, cước chú và phương tiện hỗ trợ - Chân trời sáng tạo

Quảng cáo

* Tri thức về kiểu bài

Kiểu bài:

Bài viết báo cáo kết quả nghiên cứu là kiểu bài trình bày quy trình, phương pháp, các dữ liệu và kết quả của một quá trình nghiên cứu.

Yêu cầu đối với kiểu bài:

• Nội dung trình bày chính xác, đầy đủ, hợp lí các kết quả nghiên cứu.

• Ngôn ngữ chính xác, khách quan.

• Sử dụng hợp lí cước chú và các phương tiện phi ngôn ngữ như số liệu, hình ảnh, bảng biểu, sơ đồ.

• Trích dẫn và lập danh mục tài liệu tham khảo đúng quy cách.

• Bố cục bài viết đảm bảo các phần:

Nhan đề: khái quát được đề tài nghiên cứu.

Tóm tắt: nêu bối cảnh nghiên cứu, câu hỏi và phương pháp nghiên cứu.

Cơ sở lí thuyết: nêu khái niệm, lí thuyết nền tảng để triển khai đề tài.

Quảng cáo

Kết quả nghiên cứu: trình bày các kết quả nghiên cứu với các lí lẽ và bằng chứng thích hợp.

Kết luận: khái quát những ý chính từ kết quả nghiên cứu, đề xuất giải pháp, hướng phát triển của đề tài.

Tài liệu tham khảo: sắp xếp tài liệu liên quan đến đề tài theo tên tác giả (trình tự alphabet), tên tài liệu, năm xuất bản, nhà xuất bản (trình tự alphabet).

* Đọc ngữ liệu tham khảo:

Văn bản: Nghiên cứu mức độ quan tâm của học sinh khối 10 trường D.K. với hò Nam Bộ.

Câu 1 (trang 99 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Bài viết trên có đáp ứng nhu cầu về bố cục của kiểu bài báo cáo kết quả nghiên cứu không?

Trả lời:

Bài viết trên đã đáp ứng đủ yêu cầu.

Quảng cáo

Câu 2 (trang 99 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Nhan đề và phần Tóm tắt của bài báo cáo có đặc điểm gì?

Trả lời:

Nhan đề và phần Tóm tắt của bài khá ngắn gọn, nhằm nêu lên những ý chính về đề tài nghiên cứu trong bài.

Câu 3 (trang 99 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Xác định những câu hỏi cho thấy vấn đề nghiên cứu.

Trả lời:

- Các câu hỏi cho thấy vấn đề nghiên cứu của văn bản là:

+ Liệu các bạn học sinh có nghe đến điệu hò Nam Bộ chưa?

+ Bạn có ý định tìm hiểu về Nam Bộ không?

Câu 4 (trang 99 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Để tìm hiểu vấn đề mức độ quan tâm của các bạn học sinh khối 10 trường Đ.K với hò Nam Bộ, các tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu khoa học nào?

Quảng cáo

Trả lời:

+ Điều tra.

+ Phỏng vấn

Câu 5 (trang 99 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Phần trích dẫn và cước chú trong bài viết có chức năng gì? Cần chú ý điều gì khi trình bày trích dẫn và cước chú?

Trả lời:

- Tăng độ tin cậy, rõ ràng của các kết quả nghiên cứu.

- Khi trình bày trích dẫn và cước chú cần tuân thủ đúng theo yêu cầu (như trong phần Tri thức về kiểu bài).

Câu 6 (trang 99 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Trong bài viết, các tác giả đã sử dụng những phương tiện hỗ trợ nào để trình bày kết quả nghiên cứu? Từ đó, bạn rút ra được bài học gì khi dùng các phương tiện hỗ trợ trong bài báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học?

Trả lời:

- Sử dụng bảng và biểu đồ thống kê.

- Khi dùng các phương tiện này, cần phải chuẩn bị được số liệu cụ thể, phương tiện hỗ trợ.

Câu 7 (trang 99 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Ở phần kết luận, các tác giả đã đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo phát triển từ bài báo cáo khoa học này. Hướng nghiên cứu ấy là gì?

Trả lời:

Nghiên cứu về hiệu quả của các giải pháp đứa điệu hò Nam Bộ đến gần hơn với giới trẻ.

* Thực hành viết theo quy trình

Đề bài (trang 26 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1):

Đề 1: Trường bạn tổ chức cuộc thi Tìm hiểu và bảo tồn bản sắc văn hóa của mỗi miền đất nước (Nam Bộ, Trung Bộ, Bắc Bộ). Bạn hãy thành lập nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu để tham gia cuộc thi và viết báo cáo trình bày kết quả nghiên cứu của nhóm mình.

Đề 2: Nhóm học tập của bạn được ban biên tập đặc san của trường đặt viết cho chuyên mục Tôi tập làm nhà nghiên cứu một báo cáo về đặc điểm nội dung, nghệ thuật của một số thể loại văn học dân gian đã học. Sau khi thực hiện đề tài, bạn hãy viết một báo cáo về kết quả nghiên cứu của nhóm mình.

Bước 1: Chuẩn bị viết

Xác định đề tài

Đề tài của bài viết chính là vấn đề được lựa chọn để nghiên cứu. Khi tiến hành nghiên cứu, bạn nên chọn vấn đề mới hoặc cách nhìn mới về vấn đề có tính thiết thực, khơi gợi được ở người đọc mối quan tâm, hứng thú.

Xác định mục đích viết, đối tượng người đọc

Bạn cần trả lời các câu hỏi: Bản báo cáo này được viết với mục đích gì? Người đọc bản báo cáo này là ai? Từ đó, xác định nội dung, cách viết phù hợp.

Thu thập tư liệu:

Để trả lời câu hỏi nghiên cứu, bạn cần tiến hành thu thập các tài liệu liên quan đến đề tài như báo chí, sách biên khảo, bài phỏng vấn chuyên gia, các công trình nghiên cứu khoa học... Bạn có thể đánh giá mức độ tin cậy của tài liệu bằng cách trả lời những câu hỏi: Tài liệu được công bố khi nào? Ai là tác giả? Đơn vị công bố...

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

Tìm ý

Bạn đã xử lí các tư liệu thu thập được và phác thảo các ý tưởng để trả lời cho câu hỏi nghiên cứu, dự tính những trích dẫn, cước chú và phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng.

Lập dàn ý:

Từ các ý đã tìm được, bạn sắp xếp các ý đảm bảo các phần trong bố cục bài báo cáo. Các đề mục cần được diễn đạt rõ ràng-loogic. Liên kết cùng hướng về làm sáng tỏ câu hỏi nghiên cứu.

Bước 3: Viết bài:

Bước 4: Xem và chỉnh sửa.

Đề bài: Trường bạn tổ chức cuộc thi Tìm hiểu và bảo tồn bản sắc văn hóa của mỗi miền đất nước (Nam Bộ, Trung Bộ, Bắc Bộ). Bạn hãy thành lập nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu để tham gia cuộc thi và viết báo cáo trình bày kết quả nghiên cứu của nhóm mình.

Bài viết tham khảo

ĐỀ 1:

GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC MƯỜNG Ở TỈNH HÒA BÌNH HIỆN NAY

Tóm tắt:

Quá trình hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với một quốc gia đa dân tộc như Việt Nam. Trước sự tác động của kinh tế thị trường, của hội nhập quốc tế sâu rộng và giao lưu văn hóa hiện nay, nhiều giá trị văn hóa dân tộc đang dần bị mai một, pha trộn, lai căng không còn giữa được bản sắc. Do vậy, việc khẳng định giá trị văn hóa của các dân tộc là vấn đề cấp bách.

I. Một số vấn đề về bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Để hiểu được khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc, trước tiên chúng ta phải tìm hiểu khái niệm văn hóa là gì? Theo Lênin, “Nền văn hóa vô sản không phải từ trên trời rơi xuống, nó không phải do những người tự cho mình là chuyên gia về văn hóa vô sản bịa đặt ra. Văn hóa vô sản phải là sự phát triển hợp quy luật của vốn kiến thức mà loài người đã tạo ra dưới ách áp bức của xã hội tư bản, địa chủ và của xã hội quan liêu”.

Theo định nghĩa của UNESCO: “Văn hóa là tổng thể những nét đặc thù về tinh thần và vật chất, về trí tuệ và xúc cảm quy định tính cách của một xã hội hay một nhóm xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản (tồn tại – being) người, những hệ thống giá trị, những truyền thống và tín ngưỡng”.

Theo Đào Duy Anh trong sách Việt Nam văn hóa sử cương: “Văn háo tức là sinh hoạt”.

Qua một số nghiên cứu vừa tìm hiểu ở trên, chúng ta có thể đưa ra định nghĩa: “Bản sắc văn hóa dân tộc là tổng thể những giá trị bền vững, những tinh hoa văn hóa vật chất và tinh thần làm nên sắc thái riêng của một dân tộc trong lịch sử trong phát triển mà qua đó chúng ta biết được dân tộc này với dân tộc khác trong đời sống cộng đồng”.

Hòa Bình là một tỉnh miền núi nằm trong vùng Tây Bắc Việt Nam, chính nơi đây các nhà khảo cổ học đã tìm ra những chứng tích của một nền văn hóa. Ngưởi Mường còn có những tên gọi khác nhau Mol, Mual, Mon. Bản sắc văn hóa Mường là những nét riêng độc đáo biểu hiện trong các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mà cộng đồng người Mường đã sáng tạo và tích lũy trong lịch sử của mình, những giá trị này được kế thừa và phát triển qua nhiều thế hệ, và cũng được vận động biến đổi cùng với sự vận động biến đổi của văn hóa tộc người gắn liền với sự phát triển chung của văn hóa dân tộc.

II. Thực trạng của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở Hòa Bình hiện nay

Hòa Bình đã tổ chức những công tác hữu hiệu trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở Hòa Bình như Công tác xây dựng đời sống văn hóa; Tổ chức tốt các cuộc vận động xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, bản, khối văn hóa”, “Cơ quan văn hóa”; Công tác tổ chức các hoạt động văn hóa, giao lưu văn hóa.

Kết quả đạt được trong năm 2013 có 1400/1364 làng bản đạt tiêu chuẩn văn hóa, đạt 102,6%; 155000/146838 gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt 105,05%; 570/548 cơ quan đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt 104%.

III. Tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở nước ta

Nói đến con người Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam hoàn toàn không có nghĩa là nói đến một cái gì đó có tính chất khuôn mẫu, cố định. Đây là một khái niệm động, nó không ngừng vận động, phát triển để tự hoàn thiên và nâng cao. Từ đó, mang đến một cái nhìn toàn diện, sáng tạo, bất ngờ cho truyền thống.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là giữ gìn tất cả những mặt tích cực trong bản sắc văn hóa dân tộc; khắc phục, loại bỏ những hủ tục; phát huy những yếu tố tích cực, tốt đẹp. Vì vậy, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có dân tộc Mường là một việc vô cùng quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Đối với dân tộc Mường nói riêng, việc giữ gìn bản sắc văn hóa nhằm củng cố và phát triển ý thức dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; góp phần tạo nền tảng cho hội nhập hợp tác phát triển bền vững; thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

III. Kết luận

Vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở tỉnh thị trường trong nền kinh tế thị trường hiện nay đòi hỏi nhiều giải pháp tích cực, liên quan đến đời sống văn hóa của nhân dân và dân tộc. Trong đó, vai trò của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ người Mường hãy tiếp nối, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp đó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh (2001), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.13.

2. Vương Anh (2003), Tiếp cận với văn hóa bản Mường, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

3. Huy Cận (1994), Suy nghĩ về bản sắc văn hóa dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

 

ĐỀ 2:

Sau khi thực hiện đề tài, bạn hãy viết một báo cáo về kết quả nghiên cứu của nhóm mình

1. Về thuật ngữ:

Cách gọi “Thần thoại Việt Nam” nhằm để giới hạn một biên giới hành chính của một quốc gia hiện đại để trình bày – có tính hồi cố – kho tàng thần thoại của nhiều dân tộc khác nhau ở Việt Nam (54 dân tộc và người Việt chiếm 90%) mà ở đó chưa thật sự có sự đồng nhất về hình thái kinh tế xã hội. Tuy nhiên, các dân tộc đã tồn tại khá ổn định trong chiều dài lịch sử, có nhiều mối quan hệ tiếp xúc về văn hóa và cội nguồn.

“Thần thoại Việt Nam” với thời kỳ phồn thịnh của nó đã một đi không trở lại Việc dựng được bức tranh chân thực, chính xác một cách tuyệt đối của thần thoại Việt Nam là một việc làm không thể. Tuy nhiên bằng sự nổ lực cùng tình yêu và lòng tự hào về vốn quý văn hóa dân gian Việt Nam nói chung và thần thoại Việt Nam nói riêng, các nhà nghiên cứu đã ít nhiều phác họa được Kho tàng thần thoại Việt Nam. Và để làm được điều này, một công việc tốn rất nhiều thời gian và tâm sức, các nhà nghiên cứu đã dựng lại từ nhiều nguồn tài liệu về dân tộc học và các loại hình nghệ thuật dân gian khác.

2. Nội dung của thần thoại Việt Nam:

2.1. Phản ảnh quan niệm và sự nhận thức về thế giới của người Việt cổ:

a. Hình dung về vũ trụ:

Do chưa có đủ điều kiện để nhận thức được đúng đắn, đầy đủ và chính xác về tự nhiên, về vũ trụ, người Việt cổ cũng như các dân tộc khác trên thế giới, trong thời kỳ thơ ấu, đã sùng bái tự nhiên, coi tự nhiên như một thế lực siêu nhiên mà ở đó thế giới thần linh tồn tại, chi phối và điều khiển mọi thứ (Thần Trụ trời, Thần Mưa, Thần Gió…). Bản chất các thần đều là những hiện tượng, những sức mạnh có thực trong thế giới tự nhiên được thần linh hóa một cách vô ý thức theo quan niệm của người nguyên thủy. Vì thế, chức năng của các vị thần trong thần thoại luôn phù hợp và tương ứng với các hiện tượng tự nhiên tồn tại trong vũ trụ. Từ đó, người Việt cổ quan niệm về không gian vũ trụ gồm nhiều tầng cạnh nhau, đan xen lẫn nhau. Có lẽ từ sự quan sát mặt đất, sông ngòi, rừng núi, biển cả, bầu trời…cộng với những sự tưởng tượng về những cái chưa biết tạo ra một sự hình dung khác lạ và độc đáo về vũ trụ như đã nói.

b. Hình dung về con người, loài người:

Tư duy nguyên hợp thần thoại là dùng con người để nhận thức tự nhiên và ngược lại, dùng tự nhiên để nhận thức mình. Điều này có liên quan đến các quan niệm thời nguyên thủy (như đã nêu ở phần trên), đặc biệt là vật tổ Tôtem. Lý giải nguồn gốc của con người theo tín ngưỡng Tôtem, motip quả bầu mẹ hoặc trứng thiêng sinh ra loài người hiện nay là một minh chứng tiêu biểu.

Trong đó, motip về Quả bầu mẹ là một bước phát triển cao hơn (Ở Việt Nam có hàng trăm dị bản về truyện Quả bầu từ Tây Bắc xuống Trung bộ)

2.2. Cuộc đấu tranh chinh phục tự nhiên và sáng tạo văn hóa, thể hiện ước mơ khát vọng của con người:

Khác với sự hiểu biết còn nhiều hạn chế, khát vọng ước mơ chinh phục tự nhiên của người xưa rất lớn lao, rất mãnh liệt và táo bạo. Cho dù nhận thức về tự nhiên của họ còn sơ sài, cách lý giải còn đơn giản và không ít sai lầm nhưng ít ra ta cũng nhận ra rằng người thời cổ rất quan tâm đến tự nhiên với bao nhiêu khao khát, băn khoăn, thắc mắc cần được giải tỏa. Trí tưởng tượng phong phú nhưng vô ý thức đã giúp họ thực hiện điều ấy một cách kỳ diệu. Một thế giới thần thoại được sáng tạo trong một niềm tin chân thành và tuyệt đối của người thời cổ. Và nói một cách nào đó, quá trình vươn lên tìm hiểu tự nhiên – đối tượng tác động trực tiếp và liên tục đến sự sinh tồn của họ – cũng đồng thời chính là quá trình đấu tranh chinh phục tự nhiên và tiếp theo là sáng tạo văn hóa. Vì thế, cái được phản ánh là hiện thực khách quan vẫn còn mờ nhạt nhưng những khát vọng, ước mơ chủ quan của con người thì rất thực, rất rõ ràng.

Truyện Thần Trụ trời giải thích về sự hình thành trời đất, vũ trụ – và tất nhiên là bằng sự tưởng tượng sai lầm, cái thế giới hỗn mang hiện ra rồi thay đổi dưới sự tác động của Thần Trụ trời, cũng có sông, có núi, có biển cả mênh mông, có ruộng đồng bát ngát…mà qua đó ta thấy rất rõ rằng người xưa đã sống, đã quan sát, tìm hiểu, để rồi lý giải theo cách riêng của mình với một khao khát hiểu biết mạnh mẽ, khoẻ khoắn.

Truyện Lúa Thần phản ánh ước mơ của cư dân trồng lúa nước, muốn có giống “lúa thần” cho năng suất phi thường và khi chín tự động bò về nhà cho người trồng đỡ phần vất vả. Phi thường nhưng giản dị, kỳ ảo mà hồn nhiên, đó là đặc điểm chung của sự thể hiện ước mơ và trí tưởng tượng của con người trong thần thoại.

3. Đặc điểm thi pháp:

Trước hết, ở phương thức phản ánh, thần thoại dùng phương thức tự sự. Ở thời kỳ nguyên thủy, khi mà người thời cổ chưa hề có ý thức làm nghệ thuật (nghệ thuật tự phát), thì thần thoại đã ra đời để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá và chinh phục thế giới tự nhiên. Vì vậy, không tránh khỏi so với các thể loại ra đời sau thần thoại như truyền thuyết, cổ tích… thì trình độ tự sự của thần thoại vẫn con thô sơ, đơn giản, non nớt. Tuy nhiên, bằng cách tiếp cận của thi pháp văn học dân gian, ta vẫn có thể thấy được một số đặc điểm thi pháp tiêu biểu của thần thoại, nhằm phân biệt với các thể loại khác, đặc biệt là truyền thuyết.

a. Cốt truyện:

Cốt truyện của thể loại thần thoại vẫn còn rất sơ sài đơn giản. Tuy gọi là “truyện” nhưng thật ra đến nay, đó chỉ là những “mẩu” có kết cấu lỏng lẽo mà qui mô và dung lượng còn rất nhỏ bé. Ví dụ các truyện Thần Mưa, Thần Gió, Thần Biển, Nữ Thần Mặt Trăng, Nữ Thần Mặt Trời…. Tất cả những truyện vừa nêu chỉ nhằm để giới thiệu nhân vật chính là thần Mưa, thần Gió, thần Biển….

về hình dáng, về công việc và những sai sót mà vì nó các vị thần đã vô tình gây ra thiên tai dưới trần gian. Đó cũng là cách để người xưa giải thích những hiện tượng tự nhiên này. Vì thế, truyện vẫn chưa có “truyện”. Truyện chỉ là những lời giới thiệu đơn thuần mà hầu như không hề có xung đột, mâu thuẫn, mối quan hệ với những nhân vật khác. Đơn giản bởi khi dân gian chỉ nhằm mục đích giải thích một cách vô cùng ngây thơ, chất phát các hiện tượng tự nhiên, họ không hề cố ý làm nghệ thuật để có ý định xây dựng một cốt truyện hoàn chỉnh. Niềm tin chân thành gởi vào những lời giải thích ấy chỉ dừng lại khi mục đích giải thích đã được làm thỏa mãn, bất kể có ảnh hưởng đến kết cấu hoàn chỉnh của một cốt truyện hay không. Và hiện tượng cốt truyện sơ sài đã trở nên phổ biến – đặc biệt là ở nhóm thần thoại suy nguyên.

Vì vậy có thể kết luận rằng, bản thân thần thoại, ra đời từ thời xa xưa nguyên thuỷ, chưa mang hình thức hoàn chỉnh của một cốt truyện. Ý thức xây dựng cốt truyện chưa có, người nguyên thủy chỉ nhằm mục đích giải thích và giải thích một cách rất đơn giản về tự nhiên mà thôi.

b. Nhân vật:

Như đã nêu trong phần khái niệm thần thoại, đơn vị cơ bản trong thần thoại là hình tượng “thần”. Thế giới của thần thoại là thế giới các vị thần. Và đương nhiên, nhân vật chính trong thần thoại là “ thần”.

Thực ra, nói cho chính xác hơn, nhân vật chính trong thần thoại chủ yếu là các hiện tượng, các sự vật trong tự nhiên được hình tượng hóa, nhân cách hóa và thần thánh hóa theo trí tưởng tượng của người nguyên thuỷ. Tên gọi của các thần hầu hết là tên của các sự vật hiện tượng ấy (Ví dụ: Mưa, gió, sấm, sét, mặt trăng, mặt trời…)

Có một điểm chung nổi bật trong khi nói đến các nhân vật chính trong thần thoại. Hình dáng của các thần hoặc không được miêu tả rõ ràng, hoặc chỉ có những nét thô phác. Nhưng tựu trung lại, nếu có, là dáng vẻ đồ sộ, kỳ vĩ tương xứng với các lực lượng siêu nhiên. Thần Trụ Trời thì “khổng lồ…chân thần dài không thể tả xiết” Thần Mưa “có thể giãn người dài ra hàng nghìn trượng”, Thần Biển có “thân hình rất to lớn, to lớn không thể nào ước lượng được”, Thần Sét thì mặt mũi rất đanh ác, tiếng quát tháo rất dữ dội…

Về tâm lý và tính cách phần lớn các nhân vật đều không có hoặc không rõ nội tâm. Thần chỉ được miêu tả và khai thác ở “chức năng” nhất định nào đó. Các biểu hiện, các trạng thái tâm lý như vui, buồn, hờn, giận… nếu có, cũng chỉ để giải thích các hiện tượng khách quan như là qui luật tự nhiên. Chẳng hạn trạng thái tâm lý hay nhầm lẫn của thần Mưa. Không hút nước ở sông, biển lại hút nơi đồng ruộng cửa nhà làm hư hỏng, thiệt hại rất nhiều. Có lúc thần Mưa chỉ đi lo tưới nước cho những vùng hẻo lánh cách xa đại dương hàng vạn dặm mà quên hẳn các vùng đồng bằng ở sát ngay bờ biển. Tính cách ấy chỉ để nhằm lý giải các hiện tượng thiên tai mà thôi. Hay tính tình nóng nảy của thần Sét. Thần hay nổi cơn thịnh nộ và đã không ít lần vì thái độ nóng giận ấy mà đã có nhiều sinh mạng con người vô tội đã phải hy sinh….

c. Thời gian – không gian nghệ thuật:

Trong thần thoại, ý niệm về thời gian tuy đã có nhưng chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu. Thời gian thần thoại chưa thật cụ thể, rõ ràng và chưa có tính xác định. Khảo sát thi pháp thời gian thần thoại, ta thấy phổ biến yếu tố thời gian vĩnh hằng, bất tử (Kiếu như “Thuở ấy chưa có thế gian, cũng chưa có muôn vật và loài người” “không biết là bao lâu”…)

Tương tự, không gian trong thần thoại là không gian vô tận. Các thần hoạt động đi lại trên không trung một cách tự do, không có nơi nào cố định (Thần Trụ trời có thể bước từ vùng này qua vùng nọ; Thần Mưa thường xuống hạ giới rồi bay đi, có thể rất xa, phun nước cho cả thế gian ăn uống…)

Người kể lẫn người nghe thần thoại đều không có nhu cầu biết đến thời gian và không gian cụ thể xác định vì đó không phải là điều mà họ quan tâm. Cái họ quan tâm khi nghe chuyện là những hiện tượng tự nhiên, sự có mặt của muôn loài có nguồn gốc xuất phát từ đâu, nó được kiến giải như thế nào qua lăng kính của trí tưởng tượng phong phú và cách giải thích nào tạo nên sức thuyết phục cao nhất. Sự quan tâm này trong quá trình diễn xướng và lưu truyền đã làm nên sự khác biệt rất cơ bản giữa thần thoại và truyền thuyết.

d. Yếu tố tưởng tượng trong thần thoại:

Yếu tố tưởng tượng là nét nổi bật trong thần thoại và là điều kiện để thần thoại tồn tại và có giá trị vĩnh hằng mặc cho sự khắc nghiệt của dòng chảy thời gian. Các Mác đã nói “ Thần thoại nào cũng chinh phục, chi phối, nhào nặn những sức mạnh tự nhiên trong trí tưởng tượng và bằng trí tưởng tượng. Thần thoại sẽ không còn nữa khi người ta đã thống trị được những sức mạnh ấy” (dẫn theo Hoàng Tiến Tựu – giáo trình CĐSP)

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là thần thoại chỉ đơn thuần là những câu chuyện kể hoang đường, không có thực. Thật ra, trí tưởng tượng của người xưa hoàn toàn dựa trên cơ sở hiện thực. Đọc thần thoại bằng một đôi mắt khác, ta sẽ nhận ra cuộc sống hiện thực của một thời xa xưa trong lịch sử loài người. Và bên cạnh việc phản ảnh hiện thực bằng trí tưởng tượng, thần thoại còn thể hiện yếu tố lãng mạn. Đó là khát vọng táo bạo muốn chinh phục tự nhiên bằng những khả năng kỳ diệu để hướng tới cuộc sống một cách tốt hơn. Và điều này là cơ sở cho sự tưởng tượng của nhân dân để tạo nên những hình tượng kỳ vĩ trong thần thoại.

(Nguồn tham khảo: Trần Tùng Chinh, Giáo trình văn học dân gian Việt Nam)

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa

- Sau khi viết xong, em đọc bài viết của mình và chỉnh sửa hoàn thiện.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 Chân trời sáng tạo siêu ngắn, hay khác:

Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):

Săn shopee giá ưu đãi :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 10

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 10 Chân trời sáng tạo khác
Tài liệu giáo viên