Soạn văn 8 VNEN Bài 28: Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục

Soạn văn 8 VNEN Bài 28: Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục

A. Hoạt động khởi động

(trang 81, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Trao đổi trong nhóm để trả lời câu hỏi sau: Theo em, thế nào là hài kịch?

Trả lời:

      Hài kịch là thể loại kịch, trong đó tính cách, tình huống và hành động được thể hiện dưới dạng buồn cười hoặc ẩn chứa cái hài nhằm giễu cợt, phê phán cái xấu, cái lố bịch, cái lỗi thời để tống tiễn nó một cách vui vẻ ra khỏi đời sống xã hội.

Nó là thể loại đối lập với bi kịch. Hài kịch kết thúc nhất thiết phải có hậu, vui vẻ.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. (trang 81, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Đọc văn bản Ông Giuốc – đanh mặc lễ phục

2. (trang 84, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Tìm hiểu văn bản

a, Lớp kịch gồm mấy cảnh? Hãy tóm tắt nội dung của từng cảnh

b) Chỉ ra những sự việc, chi tiết bộc lộ tính cách của các nhân vật trong từng cảnh.

c) Qua việc khắc họa những tính cách đó, Mô – li – e muốn bày tỏ quan điểm, thái độ gì?

d) Tính cách của ông Giuốc – đanh được khắc họa ở mỗi cảnh có sự phát triển như thế nào? Ông đã bị lợi dụng ra sao?

e) Những lí do nào khiến cho càng về sau lớp kịch càng trở nên sôi động và lôi cuốn? Hãy chọn phương án đúng.

(1) Số lượng nhân vật đông hơn

(2) Các nhân vật thực hiện nhiều động tác dồn dập.

(3) Âm thanh nhộn nhịp tưng bừng.

(4) Cách nịnh nọt ông Giuốc – đanh của các thợ phụ.

(5) Các chú thợ phụ hò reo, nhảy múa.


Trả lời:

a. Lớp kịch được chia thành hai cảnh:

       + Cảnh 1: Lời thoại của ông Giuốc- đanh và bác phó may.

       + Cảnh sau: Đối thoại giữa ông Giuốc- đanh và tay thợ phụ.

- Số lượng nhân vật xuất hiện trong từng cảnh:

       + Cảnh 1: Sân khấu xuất hiện bốn nhân vật: ông Giuốc- đanh, bác phó may, gia nhân, thợ phụ mang lễ phục.

       + Cảnh 2: Ông Giuốc- đanh, thợ phụ, bốn tên thợ phụ giúp ông Giuốc đanh mặc lễ phục.

- Không khí kịch càng về sau càng sôi động, đến cuối cảnh thì không khí hài kịch thực sự náo nhiệt.


b. Tính cách học đòi làm sang của ông Giuốc đanh thể hiện qua đoạn đối thoại với bác phó may:

       + Chuyện về đôi bít tất, chuyện bộ tóc giả, lông đính mũ rồi tới bộ lễ phục mới với bông hoa ngược.

       + Ông Giuốc- đanh phát hiện ra lỗi trên bộ lễ phục nhưng bác phó may lại lấp liếm chuyện đó: " người quý phái đều mặc như thế này".

       + Vì muốn học làm sang nên ông Giuốc đanh thấy hoàn toàn hợp lý trước ý kiến của bác phó may.

       + Bác phó may xin may hoa xuôi thì bị ông Giuốc đanh từ chối vì sợ làm tuột lỡ cơ hội làm sang.

       + Ông Giuốc đanh phát hiện ra phó may ăn bớt vải nhưng bác thợ phụ hướng đông Giuốc đanh tới bộ lễ phục là ông quên ngay.

       + Bác phó may lại quá tự tin khi mặc đúng cái áo bằng vải ăn bớt của ông Giuốc đanh đến nhà ông.

→ Tham vọng muốn bước chân vào giới thượng lưu, công thêm sự ngu dốt thiếu hiểu biết của ông Giuốc đanh đã đẩy ông tới chỗ bị lừa bịp và trở thành trò cười.


c. Vở kịch gây cười ở sự mất cân bằng đối xứng giữa hình thức với nội dung, giữa cái biểu hiện bên ngoài với cái bên trong.

       + Tác giả xây dựng hình tượng nhân vật hài kịch bất hủ khi tạo ra sự khập khiễng bất hòa giữa cái ngu dốt, ngớ ngẩn với giấc mộng học đòi làm sang.

       + Hàng loạt chi tiết gây cười: bộ lễ phục với bông hoa ngược, tiền thưởng cho những tiếng tung hô, nịnh bợ, vẻ vênh vác rởm hợm của ông Giuốc đanh khi mặc lễ phục.

       + Giấc mơ bước chân vào giới thượng lưu khi không có kiến thức, hiểu biết liên tục đẩy ông Giuốc đanh trở thành người lố bịch.

→ Mô-li-e tài tình trong việc khắc họa tính cách lố lăng của một tay trưởng giả muốn học đòi học làm sang, gây nên tiếng cười sảng khoái cho khán giả.


d. Sang cảnh sau tính cách trưởng giả học đòi làm sang của ông Giuốc đanh tiếp tục được bộc lộ dần.

       + Thợ phụ gọi Giuốc đanh là ông lớn, đúng lúc ông đang mặc lễ phục say sưa và có cảm giác trở thành quý phái.

       + Thợ phụ liên tục gọi ông Giuốc đanh là "ông lớn", "cụ lớn" đều được thưởng tiền.

       + Tay thợ phụ liên tiếp tung ra những câu nịnh nọt để moi tiền, và y đạt được mục đích của mình.

→ Giấc mộng mù quáng muốn bước chân vào giới thượng lưu lớn hơn cả sự tiếc tiền. Tính học đòi làm sang của ông không gì cản được.


e. Đáp án đúng: (1) (2) (3) (4).

C. Hoạt động luyện tập

1. (trang 85, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Sau khi học xong lớp kịch “Ông Giuốc – đanh mặc lễ phục”, có ý kiến cho rằng đặt trong hoàn cảnh xã hội Pháp lúc bấy giờ và điều kiện của gia đình Giuốc – đanh, chúng ta cũng nên có một chút cảm thông đối với nhân vật. Ý kiến của em về vấn đề này như thế nào?

Trả lời:

      Sau khi học xong lớp kịch “Ông Giuốc – đanh mặc lễ phục”, có ý kiến cho rằng đặt trong hoàn cảnh xã hội Pháp lúc bấy giờ và điều kiện của gia đình Giuốc – đanh, chúng ta cũng nên có một chút cảm thông đối với nhân vật. Đó là 1 ý kiến rất đáng để xem xét.

       + Trong xã hội Pháp lúc bấy giờ xuất hiện những kẻ lắm tiền – những gã tư sản lắm tiền nhưng dốt nát, học đòi và trở nên lố bịch, kệch cỡm mà ông Giuốc – đanh là một trong những kẻ đó.

       + Bản chất của ông Giuốc – đanh là nhờ bố mẹ ngày trước làm nghề buôn dạ. Ông tìm mọi cách để len chân vào xã hội thượng lưu.

       + Tuy nhiên, vì dốt nát và kệch cỡm, ông không tránh khỏi trào lưu học đòi làm quý tộc của giới tư sản lúc bấy giờ.

⇒ Có thể nói ông cũng là một “sản phẩm” của hoàn cảnh xã hội nên ta nên cảm thông phần nào đối với thói trưởng giả học làm sang của ông.


2. (trang 85, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Luyện tập đưa các yếu tố tự sự và miêu tả vào bài văn nghị luận

a) Tham khảo một số đề bài sau:

(1) Trang phục và văn hóa

(2) Vai trò của ước mơ

(3) Sức mạnh của lời động viên

(4) Lỗi lầm và sự tha thứ.


b) Lớp chia thành các nhóm, mỗi nhóm chọn một đề tài và thực hiện các yêu cầu sau:

(1) Xác định yêu cầu của đề bài

(2) Xác định các luận điểm cần có để triển khai bài viết.

(3) Xác định những yếu tố tự sự, miêu tả có thể đưa vào bài viết.

c) Lựa chọn một trong số những luận điểm mà nhóm đã xác lập để triển khai viết một đoạn văn trong đó có sử dụng yếu tố tự sự và miêu tả.


Trả lời:

Thực hiện đề 1:

1. Thực hiện các bước

- Định hướng làm bài

      Trang phục và văn hóa là đề tài mở, có nhiều hướng phát triển. Tuy nhiên cần phải có sự chọn lọc, sắp xếp luận điểm, nếu không bài văn sẽ rơi vào tình trạng lan man, dàn trải.

- Xác lập luận điểm.

       + Nên đưa vào bài viết những luận điểm sau:

       ● Luận điểm 1: Gần đây cách ăn mặc của một số bạn có nhiều thay đổi, không còn lành mạnh như trước nữa.

       ● Luận điểm 2: Các bạn lầm tưởng ăn mặc như vậy sẽ làm cho mình trở thành người "văn minh", "sành điệu".

       ● Luận điểm 3: Việc chạy theo các "mốt" ăn mặc ấy có nhiều tác hại.

              - Làm mất thời gian của các bạn.

              - Gây tốn kém cho cha mẹ.

       ● Luận điểm 4: Việc ăn mặc phải phù hợp với thời đại nhưng cũng phải lành mạnh, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, lứa tuổi, hoàn cảnh sống.

- Vận dụng các yếu tố tự sự và miêu tả

       + Yếu tố tự sự: Có thể kể, dẫn ra câu chuyện về việc ăn mặc chạy theo "mốt" gây ra nhiều tác hại.

       + Yếu tố miêu tả: Miêu tả các cách ăn mặc lành mạnh, phù hợp với truyền thống trong thế đối sánh với hình ảnh của những người ăn mặc lố lăng, đua đòi.


2. Bài văn tham khảo (Trang phục học đường)

Tục ngữ có câu “Cái răng, cái tóc là gốc con người”. Đầu tóc, vẻ bề ngoài, trang phục thể hiện được tính cách, văn hóa của một người. Chính vì vậy, việc lựa chọn trang phục đối với mỗi người là rất quan trọng, đặc biệt là trang phục của học sinh ngày nay.

      Trang phục bao gồm quần áo, giày dép, túi xách và những phụ kiện đi kèm như vòng tay, vòng cổ,… Trang phục của học sinh là bộ quần áo đồng phục khi đi học; là những bộ quần áo đơn giản, hợp lứa tuổi khi ở nhà, đi chơi. Khi đến trường, học sinh mặc những tấm áo trắng với phù hiệu của trường, mặc quần âu tím than, gợi một vẻ trong sáng hay học sinh khoác trên mình bộ áo dài duyên dáng, cũng có trường đồng phục là những chiếc váy xếp, quần tây. Tuy không quá rực rỡ, nổ bật nhưng quần áo đồng phục vẫn rất đẹp. Còn khi ở nhà, đi chơi, những chiếc quần ngố, áo phông, sơ mi lại rất phù hợp. Trang phục không cầu kì mà vẫn đẹp.

      Nhưng ngày nay, rất nhiều học sinh ăn mặc lố lăng, không phù hợp với lứa tuổi. Những bộ đồng phục giúp những học sinh dù giàu hay nghèo cũng trở nên bình đẳng. Thế nhưng, nhiều học sinh dù giàu hay nghèo vẫn muốn “chơi trội”, khi đến trường thì làm cho những bộ đồng phục trở nên “biến dị”. Những chiếc quần đồng phục được cắt sửa, bó sát vào cơ thể, những chiếc váy đồng phục thì được cắt cho thật ngắn. Rồi trên mặt những học sinh nào ấy nào là phấn son, tóc để xõa, lòa xòa, nhuộm xanh, nhuộm đỏ. Con trai thì vuốt tóc dựng ngược, trông như những cái đinh. Con gái đi giày cao gót, con trai đi dép tông, trông thật lố lăng, không giống như đang trong trường học,mà như một sàn diễn “thời trang”. Còn khi ở nhà, đi chơi, những bộ trang phục càng trở nên lố lăng hơn. Những nữ sinh “thùy mị” thì mặc những cái quần bó gấu, rách, hay những chiếc quần soóc siêu ngắn, những chiếc áo dây hở hang, trên mặt thì trang điểm thật đậm, chân đi những đôi guốc siêu cao. Còn nam sinh thì mặc những chiếc quần mài, rách, đôi khi còn có cả vết săm trên người. Chắc hẳn, nhìn những người như vậy, ít ai nghĩ họ là học sinh, là lứa tuổi trong sáng.

      Nguyên nhân của hiện tượng này thì có rất nhiều, công nghệ thông tin phát triển đồng nghĩa với việc con người tiếp xúc nhiều hơn với mạng thông tin. Học sinh cũng vậy, tiếp xúc với những điều tốt và cả xấu. Điều đó cũng ảnh hưởng không hề nhỏ tới cách ăn mặc của học sinh ngày nay. Có những cô cậu học trò muốn thể hiện mình đẹp, giỏi và muốn thể hiện “đẳng cấp”, họ đã đua đòi, học thói hư, tật xấu, ăn mặc sao cho thật mốt, sành điệu để trở thành “công chúa, hoàng tử” xinh đẹp. Họ không hiểu rằng ăn mặc như vậy tuy mốt nhưng rất lố lăng, không phù hợp với lứa tuổi. Có những người bị bạn bè lôi kéo, rủ rê nên đánh mất bản thân vào ăn chơi, lúc nào cũng đua đòi làm đẹp, sành điệu. Cách ăn mặc tưởng chừng là “đẹp” ấy lại đem lại rất nhiều tác hại… Trang phục phản ánh văn hóa, nhân cách của mỗi người. Đánh giá một người là học sinh ngoan giỏi đâu phải là đánh giá học lực mà đạo đức còn vô cùng quan trọng. Khi đến trường, mặc đồng phục chỉnh tề, trang nghiêm, đầu tóc gọn gàng; ở nhà, đi chơi ăn mặc đơn giản thì hẳn ai nhìn cũng thấy mến ta, có thiện cảm với ta, dù ta học lực chưa giỏi. Nhưng có người tuy học giỏi nhưng ăn mặc lố lăng, lôi thôi thì chẳng ai thấy thiện cảm, chỉ muốn tránh xa. Mình tưởng ăn mặc “hợp mốt” là người bị người ta chê, cảm thấy các cảm, không muốn giao lưu, tiếp xúc vơi mình. Vậy tại sao phải thật mốt? Nhìn học sinh như vậy, người ta sẽ đánh giá là kẻ có chữ nhưng không có văn hóa, hiểu thế nào. Hơn nữa, việc chạy theo mốt còn kém. Hết chạy theo mốt này, rồi mốt kia, biết bao nhiêu tiền cho vừa. Rồi việc chạy theo mốt khiến cho kinh tế gia đình tốn kém, tốn nhiều thời gian, không còn thời gian để học tập, việc học hành lơ là, giảm sút, vừa ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của bản thân, vừa khiến bố mẹ lo lắng, đau lòng. Là học sinh, hành động đó không thể chấp nhận được. Có những người khi đã xinh đẹp và sành điệu rồi thì trở nên kiêu kì, lúc nào cũng coi thường, chê bai người khác, nhiều khi nói những lời khiến mình trở thành kẻ hợm hĩnh, khiến người khác tổn thương, tránh xa mình. Thậm chí khi hết tiền mua đồ họ lại nghĩ đến việc trộm cắp tiền. Là học sinh, hành động đó là không thể chấp nhận được.

      Mỗi chúng ta, là học sinh, đã có ý thức, suy nghĩ hiểu biết, phải luôn biết cách chọn trang phục. Trang phục phải phù hợp với lứa tuổi, thể hiện sự trong sáng của tuổi học trò và phải phù hợp với kinh tế gia đình. Mỗi người phải biết suy xét thật kĩ trước khi lựa chọn, mua trang phục. Học sinh không nên đua đòi, chạy theo mốt này, mốt nọ, phải có suy nghĩ đúng đắn về trang phục. Hơn nữa, nhà trường cần phải nghiêm ngặt hơn trong việc quản lí học sinh về trang phục, nhân cách. Gia đình cũng cần quan tâm hơn về cách ăn mặc của con cái. Hãy ăn mặc thật đơn giản, phù hợp mà lại thật đẹp, các bạn nhé!

      Mặc trang phục là để cho người khác ngắm, nhưng với cách ăn mặc lố lăng thì không ai muốn ngắm, đặc biệt là ở lứa tuổi học đường ngày nay. Tự tin, trong sáng và văn hóa là những gì ta nhận được khi ta ăn mặc thật đẹp, phù hợp với lứa tuổi. Hơn nữa, còn được mọi người yêu mến, ngắm nhìn. Chính vì vậy, mỗi học sinh chúng ta hãy luôn mặc thật phù hợp với mình, không nên đua đòi, chạy theo mốt mới.


3. (trang 85, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Luyện tập về lựa chọn trật tự từ trong câu

a) Trật tự các từ, các cụm từ in đậm dưới đây thể hiện mối quan hệ gì giữa chúng?

(1) Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trương bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Những cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.

(Hồ Chí Minh, Tinh thần yêu nước của nhân dân ta)

2) Gần đến ngày giỗ đầu thầy tôi, mẹ tôi ở Thanh Hoá vẫn chưa về. Trong đó nghe đâu mẹ tôi đi bán bóng đèn và những phiên chợ chính còn bán cả vàng hương nữa.

(Nguyên Hồng, Những ngày thơ ấu)


b) Những cụm từ in đậm trong các câu sau có tác dụng gì?

(1) Cùng lắm, nó có giở quẻ, hắn cũng chỉ đến đi ở tù. Ở tù thì hắn coi là thường.

(Nam Cao, Chí Phèo)

(2) Nguyễn Tuân có một kho từ vựng hết sức phong phú mà ông đã cần cù tích luỹ. Vốn từ vựng ấy, trước Cách mạng tháng Tám, ông thường dùng để chơi ngông với đời.

(Theo Nguyễn Đăng Mạnh, Nhà văn Việt Nam hiện đại – Chân dung và phong cách)

(3)Việc đến tai em bé con nhà thợ cày, em liền bảo cha:

- Chả mấy khi được lộc vua ban, cha cứ thưa với làng giết thịt hai con trâu và đồ hai thúng gạo nếp để mọi người ăn một bữa cho sướng miệng. Còn một con trâu và một thúng gạo, ta sẽ xin làng làm phí tổn cho cha con ta trẩy kinh lo liệu việc đó.

(Em bé thông minh)


c) Phân tích hiệu quả diễn đạt của trật tự từ trong những câu thơ sau:

Lom khom dưới núi, tiều vài chú,

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.

Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc.

Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.

      (Bà Huyện Thanh Quan, Qua Đèo Ngang)

d) Hãy viết một đoạn văn, trong đó có khoảng 2- 3 câu mà trật tự từ được sắp xếp theo mục đích sau: liên kết câu; nhấn mạnh hình ảnh, đặc điểm của sự vật, hiện tượng.


Trả lời:

a. Trật tự từ trong các câu:

(1) Thể hiện thứ tự trước sau của các khâu trong công tác vận động quần chúng:

- Đầu tiên là giải thích cho quần chúng hiểu

- Sau đó là tuyên truyền cho quần chúng hưởng ứng.

- Tổ chức cho quần chúng làm.

- Lãnh đạo để làm cho đúng.

- Kết quả là làm cho tinh thần yêu nước của quần chúng được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.

(2) Trật từ từ của các hoạt động trong đoạn văn này lại được sắp xếp theo trật tự chính – phụ của công việc hàng ngày mà mẹ chú bé Hồng làm: đi bán bóng đèn (chính), những phiên chợ chính còn bán cả vàng hương nữa (phụ).


b. Những cụm từ in đậm: Trong tất cả những câu trên, cụm từ in đậm được đặt ngay ở đầu câu là để liên kết với những câu trước đó (liên kết bằng cách lặp).


c. Phân tích hiệu quả diễn đạt của trật tự từ trong các câu thơ:

      Lom khom dưới núi, tiều vài chú,

      Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.

⇒ Nghệ thuật đảo ngữ nhấn mạnh vào dáng “lom khom” của những chú tiều, cái “lác đác” của mấy ngôi nhà ven sông kết hợp các từ chỉ số lượng ít ỏi “vài”, “mấy” khiến cho hình bóng con người đã nhỏ lại càng nhỏ hơn, cuộc sống đã hiu quạnh lại càng hiu quạnh hơn. Bức tranh về một thế giới cô liêu hiện lên rõ hơn bao giờ hết. Nhìn lại cả hai câu thơ ta thấy chúng có đầy đủ các yếu tố của một bức tranh sơn thủy, hữu tình: núi, sông, tiều phu, chợ. Thế nhưng những yếu tố ấy khi hợp lại với nhau và khúc xạ qua cảm nhận của nhà thơ lại gợi lên một miền sơn cước hiu quạnh, heo hút.

      Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc.

      Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.

⇒ Hai chữ nhớ nước, thương nhà được tác giả đảo lên đầu câu càng nhấn mạnh và làm nổi bật nỗi niềm của bà.

(Ngoài ra: học sinh có thể phân tích thêm về 2 câu thơ sau, để bài làm được đầy đủ:

      Những âm thanh của cuốc kêu cũng chính là nỗi lòng của Bà Huyện Thanh Quan. Tài dùng chữ của bà đã đạt đến độ điêu luyện: chữ quốc là nước đồng âm với chữ cuốc tức con chim, chữ gia là nhà gần âm với từ chữ đa là chim đa đa. Chữ vừa ghi âm thanh nhưng đồng thời còn bộc lộ tâm trạng, ý tứ của tác giả, qua đó làm nổi bật tâm trạng, nỗi niềm của nữ sĩ. Vì phải xa quê hương, vào miền đất mới nhận chức nên bà nhớ nhà, nhớ gia đình. Còn nhớ nước tức là bà đang nhớ về quá khứ huy hoàng của triều đại cũ. )

D. Hoạt động vận dụng

1. (trang 86, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Trong cuộc sống, chúng ta vẫn gặp những người có tính cách giống đám thợ phụ. Theo em, cần ứng xử với những người này như thế nào?


Trả lời:

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn gặp những người có tính cách giống đám thợ phụ: ranh mãnh và tham lam, dùng mánh khóe nịnh hót để moi tiền.

Khi gặp những kẻ có tính cách như vậy, chúng ta cần phải lên án, đả kích, không nên hùa theo.


2. (trang 86, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Cho tình huống sau: Một người bạn thân của em học giỏi nhưng gia đình rất khó khăn. Bạn ấy muốn bỏ học và tìm công việc nào đó để giúp đỡ bố mẹ.

Em hãy viết một bức thư thuyết phục bạn ấy không nên nghỉ học (lời thuyết phục có sử dụng yếu tố tự sự và miêu tả để tăng tính hiệu quả).


Trả lời:

Bài làm tham khảo:

      Hà Nội, ngày … tháng … năm …

Thu thân mến!

      Mấy hôm rồi cậu không đến lớp, tớ nhớ và thương cậu nhiều! Không biết sức khỏe của mẹ cậu đã tốt lên chưa?

      Tớ đã được nghe cô giáo kể về bệnh tình của mẹ cậu, và cũng biết được hoàn cảnh gia đình cậu, nên viết thư này để động viên cậu, Thu ạ!

      Trong cuộc sống của chúng ta, ai cũng sẽ gặp phải những khó khăn. Và thật đáng quý biết bao, nếu như mọi người có thể vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống để vươn lên trong cuộc sống. Tớ mong cậu cũng sẽ làm được điều đó. Nhất là, cậu sẽ không bỏ học nhé!

      Có thể hoàn cảnh của gia đình cậu lúc này đang rất khó khăn, điều kiện kinh tế không đủ để cho cậu đi học. Nhưng cậu đừng lo, cô chủ nhiệm có nói về chương trình khuyến học, dành cho những bạn gặp khó khăn nhưng biết vươn lên, đạt kết quả tốt trong học tập đấy. Cô sẽ sớm báo với cậu về chương trình này thôi!

      Thu à, tuổi của chúng ta còn nhỏ. Với một đứa trẻ 14 tuổi như chúng ta, việc phải đi lao động, phụ kinh tế gia đình là khá vất vả. Tớ rất mong cậu sẽ cố gắng để học tập nhiều hơn. Việc học khi còn trẻ là rất cần thiết cậu ạ. Hãy học tập từ khi còn trẻ, nếu không học tập thì lớn lên, chúng ta sẽ không làm được việc gì có ích. Khi còn trẻ, đầu óc còn thông minh, còn sáng rõ, còn đang phát triển có thể tiếp thu được nhiều kiến thức. Sống ở trên đời thì ai cũng cần có kiến thức, cần phải học tập. Từ già đến trẻ, từ xưa đến nay, học tập vẫn cần được tiếp tục và phát triển nâng cao lên. Bởi không hiểu biết sẽ dẫn đến sự ngu dốt điều khiển mình đi theo con đường mòn, làm cho mình không tiếp cận được với khoa học công nghệ tiên tiến và tự đào thải mình ra ngoài xã hội. (yếu tố nghị luận)

      Trời Hà Nội giờ đang cuối xuân, không khí ẩm. Cậu nhớ giữ sức khỏe nhé! Mấy hôm này, nhìn các bạn ra chơi vui đùa, các bạn nam vui vẻ từng đội đá cầu trên sân trường, còn các bạn nữ thì ngồi ôn bài, gương mặt vui vẻ với những mái đầu nghiêng nghiêng trên trang sách, tớ lại rất nhớ cậu. (yếu tố miêu tả)

Mong cậu sớm trở lại lớp học!

      Bạn thân của cậu

      Ngọc Anh

      (Kí tên)


3. (trang 86, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Trong tình huống thầy (cô) giáo kiểm tra bài tập về nhà nhưng một bạn học sinh vì nhầm thời khóa biểu nên chưa làm, bạn đó có thể nói:

a) Thưa thầy (cô) em chưa làm bài tập vì soạn nhầm thời khóa biểu ạ.

b) Thưa thầy (cô), vì soạn nhầm thời khóa biểu nên em chưa làm bài tập ạ!

Nếu là em, em sẽ chọn:

- Cách nói trong câu a). Lí do…

- Cách nói trong câu b). Lí do…

- Một trong hai cách nói đều được. Lí do:…

- Cách nói khác. Lí do…


Trả lời:

Bạn học sinh đó nên nói theo cách b) Thưa thầy (cô), vì soạn nhầm thời khóa biểu nên em chưa làm bài tập ạ!. Vì lí do nhầm thời khóa biểu nên được ưu tiên hơn, nhấn mạnh hơn để người nghe (thầy cô/ giáo) có thể hiểu và thông cảm cho kết quả phía sau: nên em chưa làm bài tập.



Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 chương trình VNEN hay khác:

Xem thêm các loạt bài Để học tốt Ngữ văn 8 hay khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 8

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Soạn văn 8 mới (hay nhất & ngắn nhất) của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sách mới Ngữ văn 8 Tập 1, Tập 2.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên