Top 30 Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ Mùa xuân chín

Tổng hợp trên 30 bài văn Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ Mùa xuân chín hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 30 Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ Mùa xuân chín (hay nhất)

Quảng cáo

Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ Mùa xuân chín - mẫu 1

Em chào cô và các bạn. Em xin tự giới thiệu, em tên là …. Sau đây, em xin trình bày những ý kiến của mình về bài nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật "Mùa xuân chín".

Các bạn ơi, chắc hẳn mỗi người chúng ta đã từng đọc hoặc học về một bài thơ viết về mùa xuân đúng không nào? Mình nhớ chúng ta đã từng học đoạn trích "Cảnh ngày xuân" (trích "Truyện Kiều" - Nguyễn Du) và bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ Thanh Hải. Hôm nay, mình sẽ giới thiệu tới các bạn một bài thơ cũng viết về mùa xuân, nằm trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 - Kết nối tri thức với cuộc sống. Đó là bài thơ "Mùa xuân chín" của tác giả Hàn Mặc Tử.

Đọc nhan đề bài thơ, mình thấy sự kết hợp tinh tế giữa danh từ "mùa xuân" với động từ chỉ trạng thái "chín". Nhan đề ấy đã khiến mình hình dung về khung cảnh mùa xuân tươi đẹp và tràn đầy sức sống. Mạch cảm xúc bài thơ đi từ ngoại cảnh đến tâm cảnh. Mạch cảm xúc ấy được khắc họa rõ nét qua các hình ảnh thơ và ngôn ngữ tinh tế.

Quảng cáo

Đầu tiên, ở khổ thơ thứ nhất, hình ảnh thơ "làn nắng ửng", "khói mờ tan", "bóng xuân sang" đã gợi ra khung cảnh mùa xuân ấm áp. Biện pháp nhân hóa "gió trêu tà áo biếc" kết hợp với từ láy "sột soạt" và phép đảo ngữ "Sột soạt gió trêu tà áo biếc" cho thấy những tinh tế trong quan sát của nhà thơ khi xuân đến. Ngọn gió không còn là vật vô tri vô giác mà trở nên sống động với âm thanh tình tứ, đang trêu đùa tà áo biếc. Ngoài ra, biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác "bóng xuân sang" còn góp phần miêu tả dáng điệu nhẹ nhàng của mùa xuân.

Trên nền thiên nhiên mùa xuân căng tràn sức sống còn xuất hiện hình ảnh con người "Bao cô thôn nữ hát trên đồi". Lắng nghe tiếng hát ấy, nhân vật trữ tình càng thêm tiếc nuối trước độ xuân thì của người con gái "- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,/ Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc cuộc chơi". Biện pháp ẩn dụ "xuân xanh" kết hợp cùng các từ láy "hổn hển", "vắt vẻo" và biện pháp nhân hóa "tiếng ca vắt vẻo", so sánh "hổn hển như lời nước mây" đã mang đến cho người đọc vẻ duyên dáng của người con gái. Vẻ đẹp ấy hòa trong tiếng hát trầm bổng, thiết tha như tô đậm khung cảnh thiên nhiên căng tràn sức sống.

Quảng cáo

Đặc biệt, trong khổ thơ cuối, mình cảm nhận được tâm trạng chùng xuống của nhân vật trữ tình - "khách xa". Từ láy "bâng khuâng" gợi ra cảm xúc lâng lâng, xen chút buồn tiếc nuối trong lòng. Nhưng rồi, nhân vật trữ tình lại có sự chuyển biến đột ngột trong cảm xúc khi "sực" nhớ làng và "- Chị ấy, năm nay còn gánh thóc/ Dọc theo bờ sông trắng nắng chang chang?". Câu hỏi cuối bài thơ cùng đại từ nhân xưng không cụ thể "chị ấy" đã phác họa nỗi niềm cô đơn, hụt hẫng cùng tấm lòng nhớ quê hương của nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Qua bài thơ "Mùa xuân chín", mình thấy được nét độc đáo trong hình thức nghệ thuật như cách tổ chức ngôn ngữ và hình ảnh thơ độc đáo, kết hợp với nhiều biện pháp nhân hóa, cách gieo vần chân ("vàng-sang, "trời-chơi",...). Bên cạnh đó, bài thơ đã vẽ nên bức tranh mùa xuân từ những chất liệu như âm thanh, hình ảnh, màu sắc sống động của thiên nhiên và con người. Đọc bài thơ, chúng ta không khỏi rung động trước tình yêu thiên nhiên tha thiết cùng khát khao giao cảm với đời, với người của nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Bài trình bày của em đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.

Quảng cáo

Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ Mùa xuân chín - mẫu 2

Kính chào cô và các bạn, sau đây, em xin trình bày bài nói: "Giới thiệu, đánh giá về giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm "Mùa xuân chín" của Hàn Mặc Tử.

Mùa xuân trong thơ là một đề tài không còn xa lạ với tất cả chúng ta. Trong tất cả các bài thơ viết về mùa xuân, bạn thích bài thơ nào nhất? Với mình, bài thơ "Mùa xuân chín" là bài thơ mình cảm thấy ấn tượng nhất. Hiện lên trên tác phẩm là bức tranh thiên nhiên mùa xuân căng tràn sức sống, thể hiện tình yêu thiên nhiên, khát khao giao cảm với đời, với người của nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Thưa cô vào các bạn, sự kết hợp giữa động từ trạng thái "chín" với danh từ "mùa xuân" đã gợi ra trong nhan đề liên tưởng về mùa xuân đang vào giai đoạn tràn đầy sức sống nhất. Đồng thời, thể hiện sự tiếc nuối của thi nhân trước cảnh đẹp đang dần trôi qua, không thể tồn tại vĩnh viễn. Mạch cảm xúc của bài thơ đi từ ngoại cảnh đến tâm cảnh.

Khi tìm hiểu bài thơ em nhận thấy hệ thống hình ảnh, các biện pháp tu từ, sự phối hợp nhịp và vần trong toàn bộ bài thơ đã góp phần thể hiện mạch thơ.

Thứ nhất, hình ảnh thơ giàu sức gợi: "làn nắng ửng", "khói mơ tan", "bóng xuân sang", "sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời" đã khắc họa khung cảnh mùa xuân. Biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác "bóng xuân sang" được sử dụng để nhấn mạnh vào dấu ấn của mùa xuân. Từ láy "sột soạt" kết hợp với đảo ngữ "Sột soạt gió trêu tà áo biếc"với có tác dụng miêu tả âm thanh của gió thổi tình tứ, trêu đùa tà áo biếc. Nhịp thơ 2/2/3 được chuyển sang nhịp 4/3 và cách gieo vần "vàng" - "sang", "trời" - "chơi" cho thấy được không gian rộng lớn.

Thứ hai, thông qua các từ ngữ khơi gợi: "bao cô thôn nữ", "đám xuân xanh", "tiếng ca vắt vẻo", "hổn hển", "thầm thì", "ngồi dưới trúc", "khách xa", "chị ấy" ta thấy được sự xuất hiện của hình ảnh con người. Sự thay đổi về cách ngắt nhịp từ 2/2/3 sang 4/3 khiến cảm xúc bị chùng xuống trong câu thơ " - Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,/ Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi". Dấu gạch ngang đầu câu khiến cho câu thơ giống như một lời nói nhằm bộc lộ sắc thái tiếc nuối tuổi xuân thì của người con gái ngay khi đang ở trong mùa xuân. Vẻ đẹp và sự ngân vang của tiếng hát đang lan tỏa, hòa mình cùng với thiên nhiên mùa xuân qua biện pháp nhân hóa "tiếng ca" "vắt vẻo" "hổn hển" và được so sánh với "lời của nước mây". Từ láy "vắt vẻo", "hổn hển", "thầm thĩ" tạo ra âm thanh trầm bổng khác nhau, lúc thì nhỏ nhẹ, thiết tha, lúc thì dồn dập, gấp gáp. Trong khung cảnh mùa xuân, con người hiện lên với tiếng ca trong trẻo, ngây thơ.

Thứ ba, khổ thơ cuối đã thể hiện rõ nét tâm trạng của nhân vật trữ tình - "khách xa". Cảm xúc lâng lâng buồn xen lẫn chút tiếc nuối ngẩn ngơ được diễn tả thông qua từ "bâng khuâng". Từ "sực" đem đến sự bất chợt, ngay tức khắc ở thời điểm đó cho thấy sự biến chuyển đột ngột trong cảm xúc. Nỗi nhớ làng dâng trào, tràn ngập trong suy nghĩ, tâm tưởng của thi nhân. Câu thơ " - Chị ấy, năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?" là câu hỏi nhưng có cần người trả lời đâu. Nó cho thấy sự bâng khuâng trong tâm trạng và nỗi niềm nhớ làng, nhớ quê hương của "khách xa".

Hình ảnh trong thơ Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử đều gắn liền với các hình ảnh vùng quê. Nếu như "Mùa xuân xanh" của Nguyễn Bính thể hiện một bức tranh thiên nhiên tươi tắn, hồn hậu, làm toát lên sức sống phơi phới của vạn vật lúc xuân về và cả nét chất phác "chân quê" để bày tỏ tình cảm với người con gái thì "Mùa xuân chín" của Hàn Mặc Tử lại diễn tả bức tranh mùa xuân ngập tràn sức sống, tròn đầy, rực rỡ nhất từ đó thể hiện tiếc nuối và mặc cảm thân phận của tâm hồn thi nhân trước cuộc sống. Cách sử dụng ngôn ngữ giàu sức gợi, khắc họa nên một bức tranh xuân sống động, ở độ "chín", tràn đầy sức sống nhất đã tạo nên khác biệt cho bài thơ.

Như vậy, bằng cách tổ chức ngôn từ độc đáo Hàn Mặc Tử đã vẽ nên bức tranh sống động với đầy đủ màu sắc, đường nét, âm thanh của thiên nhiên, con người trong mùa xuân và khát khao được giao cảm với đời, với người của một hồn thơ sâu sắc.

Trên đây là phần giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm "Mùa xuân chín"! Em cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe

Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ Mùa xuân chín - mẫu 3

Trong buổi luyện tập nói và nghe ngày hôm nay, em xin phép được trình bày: "Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm thơ "Mùa xuân chín".

Thưa cô và các bạn, bài thơ "Mùa xuân chín" là bài thơ chứa đựng những nét đặc sắc cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Nổi bật trong tác phẩm là bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp, căng tràn sức sống. Từ đó thể hiện tình yêu thiên nhiên, niềm say mê cuộc sống, con người của nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Ngay từ nhan đề, danh từ "mùa xuân" kết hợp với động từ trạng thái "chín" đã cho ta hình dung về một mùa xuân vào giai đoạn đẹp và nở rộ nhất. Mạch cảm xúc của bài thơ được triển khai theo trình tự từ cảm xúc trước bức tranh mùa xuân đến cảm xúc của nhân vật trữ tình.

Đầu tiên, khi đọc tác phẩm, điều khiến em đặc biệt ấn tượng là hình ảnh thơ giàu sức gợi: "làn nắng ửng", "khói mơ tan", "bóng xuân sang", "sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời". Hệ thống hình ảnh này đã cho em những hình dung và ý niệm về mùa xuân. Dấu ấn của mùa xuân được hữu hình hóa thông qua biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác "bóng xuân sang". Từ láy "sột soạt" kết hợp với đảo ngữ "Sột soạt gió trêu tà áo biếc"với có tác dụng miêu tả âm thanh của gió thổi tình tứ, trêu đùa tà áo biếc. Cách gieo vần "vàng" - "sang", "trời" - "chơi" và sự thay đổi trong nhịp thơ từ 2/2/3 sang 4/3 gợi mở ra một không gian rộng lớn.

Sự xuất hiện của con người được khắc họa thông qua các từ ngữ khơi gợi: "bao cô thôn nữ", "đám xuân xanh", "tiếng ca vắt vẻo", "hổn hển", "thầm thì", "ngồi dưới trúc", "khách xa", "chị ấy". Tương tự với câu thơ trên, câu thơ: "- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,/ Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi" giống như một lời nói thể hiện sự tiếc nuối tuổi xuân của người con gái ngay khi đang ở trong mùa xuân. Biện pháp nhân hóa "Tiếng ca" được nhân hóa với"vắt vẻo" "hổn hển" và được so sánh với "lời của nước mây" tạo ra sự lan tỏa, hòa mình vào thiên nhiên mùa xuân của tiếng hát. m thanh trầm bổng, lúc thì nhỏ nhẹ, thiết tha, lúc thì dồn dập, gấp gáp được tạo ra từ một loạt các từ láy như "vắt vẻo", "hổn hển", "thầm thĩ".

Trong quá trình đọc văn bản, em nhận thấy khổ thơ cuối đã thể hiện rõ nét tâm trạng của nhân vật trữ tình - "khách xa". Từ "bâng khuâng" gợi cho chúng ta cảm xúc lâng lâng buồn xen lẫn chút tiếc nuối ngẩn ngơ. Gặp cảnh mùa xuân chín, nhà thơ "sực nhớ làng". Từ "sực" tạo ra sự biến chuyển đột ngột trong cảm xúc của nhân vật trữ tình. Nỗi nhớ làng dâng trào, tràn ngập trong suy nghĩ, tâm tưởng của thi nhân. Câu hỏi tu từ"- Chị ấy, năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?" như một câu hỏi tác giả tự đặt ra cho chính mình. Nó cho thấy sự bâng khuâng trong tâm trạng và nỗi niềm nhớ làng, nhớ quê hương của "khách xa".

Hình ảnh trong thơ Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử đều gắn liền với các hình ảnh vùng quê. So với bài thơ "Mùa xuân xanh" của Nguyễn Bính, "Mùa xuân chín" của Hàn Mặc Tử lại diễn tả bức tranh mùa xuân ngập tràn sức sống, tròn đầy, rực rỡ nhất từ đó thể hiện tiếc nuối và mặc cảm thân phận của tâm hồn thi nhân trước cuộc sống.

Cách sử dụng ngôn ngữ giàu sức gợi, khắc họa nên một bức tranh xuân sống động, ở độ "chín" đã thể hiện khát khao được giao cảm với đời, với người của một hồn thơ sâu sắc.

Trên đây là phần giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm "Mùa xuân chín"! Em cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.

Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ Mùa xuân chín - mẫu 4

 Không biết mùa xuân có tự bao giờ và thơ xuân có tự bao giờ, chỉ biết người ta sinh ra đã có mùa xuân đẹp đầy sức sống và thổi vào các hồn thơ, sống trong cuộc đời, nếu thiếu đi mùa xuân, thiếu đi những câu thơ xuân thì thật buồn. Mùa xuân mỗi khoảnh khắc một vẻ, lúc là "mùa xuân nho nhỏ", lúc là "mùa xuân xanh"... và đây Mùa xuân chín nghe vừa mới, vừa sôi nổi, vừa có một sức sống dồn nén đang thầm nảy nở giống như cái mới, cái lãng mạn và khao khát trong tâm hồn Hàn Mặc Tử.

     Mỗi dòng thơ đều phảng phất hơi xuân, đều thấm đượm cái đẹp của tâm hồn thi sĩ. Mùa xuân bắt đầu từ cái nắng mới lạ thường:

Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

 Sột soạt gió trêu tà áo biếc

Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang

     Mở đầu bài thơ cái cái nắng mùa xuân, chẳng phải tia nắng, hạt nắng, cũng chẳng phải giọt nắng mà là "làn nắng". Chữ "làn" như gợi một hơi thở nhẹ nhàng, nắng như mỏng tang, mềm mại trải đều trong thơ và trong không gian. Làn nắng lại "ửng" lên trong "khói mơ tan", cảnh sắc nhẹ nhàng, đẹp dân dã mà huyền diệu. Sương khói quyện với nắng; cái "ửng" của nắng được tôn lên trong làn khói mơ màng đang "tan" ấy. Trong câu thơ này, ngòi bút thi sĩ đã hướng đến một nét thơ truyền thống, cổ điển, miêu tả cái nắng xuân vừa như có hồn, vừa như có tình chan chứa.

     Khung cảnh ấy rất giản dị, chỉ có "đôi mái nhà tranh" hiện lên trong "làn nắng ửng" nhưng nó vẫn gợi lên một sức sống dân dã bình yên hết sức thân thuộc với mọi người. Nắng như đang rắc lên "đôi mái nhà tranh" chút sắc xuân và hương xuân: "Sột soạt gió trêu tà áo biếc". Cái âm thanh của gió "trêu" tà áo và cái gam màu "biếc" của lá, chính là cái tình xuân. Một chữ "trêu" đáng yêu quá, thân thương quá, như có gì đó mang hương sắc đồng quê từ những câu ca dao, hát ghẹo tình tứ thuở nào cứ ngân nga mãi trong lòng ta. Gió cũng biết kén chọn, không phải áo nào cũng "trêu", mà phải chọn áo biếc mới thật thơ, thật đẹp.

     Tác giả miêu tả từ cái cụ thể, từ làn nắng, từ mái nhà tranh, từ gió rồi mới đến cái khái quát: "Trên giàn thiên lý / Bóng xuân sang". Câu thơ có một sự ngưng đọng, ngập ngừng cảm xúc nhẹ nhàng, bâng khuâng, lại mang nỗi vấn vương khi đón “bóng xuân sang". Cảm xúc ngưng tụ như nín thở ấy ẩn mình vào dấu chấm giữa dòng thơ. Bên giàn thiên lí, mùa xuân đã sang. Mùa xuân nhẹ nhàng bước đi như có thể cầm được, có thể ngắm được ngay trước mắt mỗi chúng ta. Mùa xuân hiện ra trong mắt Hàn Mặc Tử nó nhẹ nhàng, dịu dàng như thế đấy!

     Sau cái ngưng tụ và run rẩy như dây đàn căng lên trong tâm hồn nhà thơ thì ở những câu sau, mùa xuân lại ào đến:

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,

 Bao cô thôn nữ hát trên đồi.

- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,

 Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi

     Hình ảnh ẩn dụ "sóng cỏ" và ba chữ "gợn tới trời" đã gợi tả làn cỏ xanh dập dờn trong làn gió xuân nhè nhẹ thổi. Cỏ như xanh mãi, tươi mãi trong không gian mênh mông, bao la ấy. Gam màu "xanh tươi" đầy sức sống yên bình trong thơ Hàn Mặc Tử cứ “gợn tới trời", nó trải dài mãi như không dứt, trải mãi, trải mãi và rồi ngâm vào hồn thơ. Trong sắc xuân ấy, cây cỏ cứ xanh mãi nhưng thứ tình cảm con người đã đến độ chín rồi. "Đám xuân xanh ấy" là hình ảnh ẩn dụ chỉ các cô thôn nữ đang hát, đang "thầm thì với ai ngồi dưới trúc" kia, sẽ chín cùng mùa xuân và sẽ "theo chồng bỏ cuộc chơi”. Những cô thôn nữ dần lớn, dần “chín” và đến độ tuổi lấy chồng, theo chồng. Thiên nhiên và lòng người như quyến luyến mùa xuân dần trôi qua, tuổi xuân hồn nhiên dần trôi qua. Hàn Mặc Tử như chợt thấy buồn, thấy hẫng hụt, bâng khuâng, như mất mát đi một cái gì trong lòng khi mùa xuân đang chín...

     Mùa xuân chỉ thực sự "chín" khi có con người và có dư âm tiếng hát:

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,

Hổn hển như lời của nước mây

Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,

Nghe ra ý vị và thơ ngây

     Tiếng hát giữa mùa xuân thân quen quá, yêu thương quá. Tiếng hát "vắt vẻo" và "thơ ngây" của những nàng xuân, của bao cô thôn nữ chính là một nét đẹp truyền thống của dân tộc, đẹp như ca dao, dân ca, như lễ hội mùa xuân muôn thuở của cái xứ sở này. Câu thơ gợi lên cái "chín" trong tâm hồn bao cô thôn nữ qua âm thanh “vắt vẻo", trong trẻo, tươi mát của câu hát giao duyên, của trai gái nơi đồng quê, mộc mạc mà tình tứ. Tâm hồn nhạy cảm, yêu cuộc sống thiết tha của thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng đã bắt vào lời hát ấy nhiều xao xuyến. Hai câu thơ vừa tả cảnh vừa tả người, trong cái mùa xuân khi mà vạn vật nở hoa, xanh tươi thì con người đã đến tuổi chín rồi.

     Âm thanh đọng lại trong từng tiếng thơ, độ ngân rung, "vắt vẻo" hòa nhịp với âm trầm "hổn hển" thể hiện một sự chuyển đổi cảm giác rất tinh tế, tài tình. Tâm hồn thi sĩ đã hòa nhập hẳn vào cái thế giới âm thanh mùa xuân ấy. Tiếng ca như vút lên cao, như ngập ngừng, như lưu luyến giữa "lưng chừng núi". Dư âm tiếng hát dường như rung lên “vắt vẻo" gợi lên nhiều xao xuyến bâng khuâng trong lòng nhà thơ. Tiếng hát "hổn hển" được so sánh "với lời của nước mây", lời của thiên nhiên. Hai tiếng "hổn hển" như nhịp thở gấp gáp, vội vàng đầy hương xuân, tình xuân, cảm xúc vừa thực vừa mơ đến lạ kì. Lời hát của các cô thôn nữ sao mà đáng yêu thế, như hút hồn người, như tràn ngập cả không gian, góp phần làm nên một "mùa xuân chín". "Vắt vẻo”, "hổn hển", "thầm thì" là ba cung bậc của ba âm thanh mùa xuân đang chín, thấm sâu vào hồn người đến nhẹ nhàng lắng dịu, chan chứa thương yêu. Sự phong phú về giai điệu và phức điệu của khúc hát đồng quê, làm say mê mọi người, để rồi cùng nhà thơ bâng khuâng cảm nhận: "Nghe ra ý vị và thơ ngây...".

     Gặp lúc mùa xuân chín ấy mà thổn thức:

Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng

- Chị ấy, năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

     Hình ảnh của kí ức hiện lên một thoáng buồn đẹp và trải rộng mênh mông xa vắng. Nhà thơ nhớ đến con người như khao khát một tình người, một tình quê; mỗi một nỗi nhớ đều rất bâng khuâng, xao xuyến. Nhà thơ nhớ từng chi tiết, nhớ một công việc cụ thể: "gánh thóc" trong một không gian cụ thể: "Dọc bờ sông trắng nắng chang chang". Những chỉ có "chị ấy" là người đọc không thể biết đó là ai, chỉ có tác giả mới biết để mà "sực nhớ", mà thầm hỏi, mà man mác sợ "mùa xuân chín" ấy sẽ trôi qua. Hình như đó là nét thơ của Hàn Mặc Tử, là tâm hồn Hàn Mặc Tử luôn khao khát giao cảm với đời, luôn có một nỗi niềm cô đơn, trống vắng, hẫng hụt như thế.

      Mùa xuân chín là một bài thơ xuân rất hay, là một bức tranh xuân mới nhất, trong sáng, rạo rực, say mê, thơ mộng mà thoáng buồn nhất. Hàn Mặc Tử với cảm hứng thiên nhiên trữ tình, màu sắc cổ điển hài hòa kết hợp với chất dân dã, trẻ trung bình dị đã làm hiện lên một bức tranh xuân tươi tắn thơ mộng. Mùa xuân đẹp với con người trẻ trung, hồn nhiên, đáng yêu. Yêu mùa xuân chín cũng là yêu đồng quê, yêu làn nắng ửng, yêu mái nhà tranh, yêu giàn thiên lí, yêu tiếng hát vắt vẻo của những nàng xuân trên "sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”.

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 10 hay khác:

Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 10

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 10 Kết nối tri thức khác
Tài liệu giáo viên