Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau lớp 12 (10 mẫu hay nhất)
Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau lớp 12 hay nhất, ngắn gọn chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh lớp 12 trên cả nước.
- Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau (mẫu 1)
- Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau (mẫu 2)
- Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau (mẫu 3)
- Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau (mẫu 4)
- Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau (mẫu 5)
- Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau (mẫu 6)
- Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau (mẫu 7)
- Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau (mẫu 8)
Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau lớp 12 (10 mẫu hay nhất)
Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau - mẫu 1
- Chủ tọa: Trong buổi học ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng bàn luận về vấn đề “Liệu có nên cho học sinh sử dụng điện thoại có kết nối mạng như một phương tiện học tập trong giờ học hay không?”
- Bên đồng tình: Theo tôi, đây là một điều hoàn toàn hợp lý vì nó đưa đến nhiều lợi ích:
+ Thứ nhất, điện thoại có kết nối mạng giúp học sinh tiếp nhận thông tin và các kiến thức phục vụ học tập, là công cụ đắc lực trong việc tìm kiếm và tra cứu tư liệu học tập để mở rộng kiến thức.
+ Thứ hai, điện thoại có kết nối mạng giúp học sinh có thể lưu trữ và sắp xếp thông tin ngay trong giờ học dưới những hình ảnh trực quan như: sơ đồ, bảng biểu, hình vẽ, âm thanh,…, giúp các em có ấn tượng mạnh mẽ để khắc sâu hơn kiến thức.
+ Thứ ba, cho phép học sinh có cơ hội được đánh giá mức độ hiểu biết kiến thức mới ngay trong lớp học thông quá việc tham gia các ứng dụng đánh giá mà giáo viên hướng dẫn.
- Bên phản đối: Tôi thừa nhận những lợi ích của việc học sinh được sử dụng điện thoại có kết nối mạng trong giờ học. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo những hệ lụy không hề nhỏ.
+ Thứ nhất, việc cho học sinh kết nối mạng trong giờ học để tìm kiếm thông tin cũng đặt ra vấn đề về hiện tượng hỗn loạn thông tin hay sai lệch kiến thức. Bởi nguồn thông tin to lớn và có nhiều thông tin không được kiểm duyệt chặt chẽ, dẫn đến sự sai lầm trong nhận thức.
+ Thứ hai, điện thoại có kết nối mạng là một cám dỗ to lớn vì nó bao chứa theo những tiện ích giải trí khác nhau. Vì vậy, học sinh dễ sử dụng điện thoại ngoài mục đích phục vụ học tập.
+ Thứ ba, việc đánh giá học sinh trên điện thoại đưa đến sự tiện lợi và sinh động, kích thích tư duy, tuy nhiên, giáo viên có thể tìm kiếm nguồn thay thế như: bài kiểm tra, bảng biểu,…
- Bên đồng tình: Trước những tiêu cực trong việc sử dụng điện thoại kết nối mạng trong giờ học, tôi xin đưa ra một số giải pháp như sau:
+ Đầu tiên, về vấn đề hỗn loạn thông tin và sai lệch kiến thức. Trước khi sử dụng điện thoại kết nối mạng, chúng ta có thể hướng dẫn học sinh cách chọn lọc
thông tin và tìm nguồn tra cứu phù hợp.
+ Thứ hai, tránh tình trạng học sinh sử dụng điện thoại vì mục đích riêng, về phía nhà trường, cung cấp mạng di động cho học sinh chỉ cho phép đăng nhập vào một số website giáo dục nhất định và điện thoại của học sinh chỉ được phép cài đặt một số ứng dụng nhất định. Trong lớp học, giáo viên chỉ cho phép học sinh sử dụng điện thoại ở khung thời gian nhất định như lúc làm bài tập hay lúc cần trả lời câu hỏi.
- Bên phản đối: Tôi đồng tình với những biện pháp nêu trên. Sử dụng điện thoại kết nối mạng mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên cần phải quản lý chặt chẽ và hướng dẫn học sinh sử dụng điện thoại kết nối mạng một cách đúng đắn.
- Chủ tọa: Như vậy, sau cuộc tranh luận giữa hai bên, chúng ta đều nhận ra lợi ích của việc cho học sinh sử dụng điện thoại có kết nối mạng như một phương tiện học tập trong giờ học. Tuy nhiên, song song với đó, chúng ta cần có sự quán triệt hợp lý và quản lý chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng học sinh sử dụng điện thoại vào việc cá nhân và thu thập những thông tin không chính xác.
Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau - mẫu 2
Chào thầy/ cô và các bạn. Chúng ta thấy rằng trong xã hội có vô vàn chủ đề có ý kiến trái ngược nhau, nổi bật trong đó là vấn đề: Có nên lạm dụng thuốc kháng sinh?
Ngày nay, khi mà y học đang có từng bước phát triển mới nhưng thuốc kháng sinh vẫn là một loại thuốc giúp con người có thể điều trị dứt điểm một số vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại việc mọi người có thói quen tự bắt bệnh và sử dụng thuốc và lạm dụng việc sử dụng kháng sinh khi bị bệnh một cách tuỳ tiện để lại nhiều hệ quả sau này. Đặc biệt nguy hiểm hơn, việc này sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh khiến loại thuốc này sẽ mất đi công dụng chống lại bệnh tật của cơ thể.
Nói đến thuốc kháng sinh, chúng ta đều biết rằng đang nhắc tới những loại thuốc có công dụng điều trị để tiêu diệt đi các loại vi khuẩn gây ra các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm trùng hay được kết hợp với các loại thuốc khác trong phác đồ điều trị để nhằm giúp bệnh nhân nhanh chóng khỏi bệnh. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh là cách sử dụng loại thuốc này một cách bừa bãi, bất kể có bị bệnh gì, ốm sốt do cảm cúm, thay đổi thời tiết... cũng sử dụng thuốc kháng sinh và không đúng liều lượng cần thiết và gây ra hiện tượng kháng kháng sinh. Chúng ta cần biết một điều đó là thuốc kháng sinh chỉ có thể tiêu diệt vi khuẩn nhưng sẽ không có hiệu quả trên vi rút nên không thể sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh cúm mùa hay ho sốt thông thường do các loại vi rút gây ra.
Bên cạnh trường hợp sử dụng thuốc kháng sinh một cách bừa bãi thì còn có những người khi bị ốm phải điều trị bằng kháng sinh nhưng lại tự ý giảm liều lượng và thời gian điều trị. Khi sử dụng thuốc được vài ngày, thấy các hiện tượng bệnh đã thuyên giảm thì sẽ ngừng thuốc bởi họ cho rằng nạp nhiều thuốc kháng sinh vào cơ thể sẽ hại người, gây ra những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống. Trường hợp khác, bệnh nhân được kê một loại kháng sinh này nhưng sử dụng vài ngày không có hiệu quả lại tự ý đổi sang loại kháng sinh khác hoặc tự ý kéo dài hơn liệu trình với tâm lý đã mất công điều trị thì uống thêm vài ngày cho chắc chắn. Thế nhưng thực thế thì kháng sinh là một loại thuốc được sử dụng với mục đích tiêu diệt hoặc ức chế các loại vi khuẩn hay vi nấm gây bệnh. Thuốc kháng sinh sẽ chỉ được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhiễm khuẩn và chống lại những bệnh đó. Việc sử dụng thuốc kháng sinh cần phải tuân theo đúng đơn thuốc của bác sĩ bởi mỗi loại kháng sinh sẽ có tác dụng với một loại vi khuẩn nhất định và sẽ có hiệu quả tốt nhất với từng loại bệnh khác nhau, không phải mọi kháng sinh sẽ chữa được mọi loại bệnh liên quan đến vi khuẩn, nhiễm trùng...
Sử dụng thuốc kháng sinh một cách bừa bãi, lạm dụng sẽ gây ra rất nhiều những hậu quả khó lường. Hậu quả đầu tiên mà chúng ta nhận thấy rõ nhất là sự tốn kém về kinh tế. Khi bệnh nhân chỉ thấy những triệu chứng ho, sốt... mà chưa biết các triệu chứng đó là do vi rút hay nhiễm khuẩn gây ra đã đi mua kháng sinh về điều trị sẽ gây sự lãng phí vô ích bởi nếu là bệnh do vi rút gây ra thì cho dù là các loại kháng sinh mạnh đắt tiền cũng không thể chữa được. Hậu quả tiếp theo của việc lạm dụng kháng sinh hoặc tự ý dùng thuốc kháng sinh để chữa bệnh bởi nhìn thấy người khác có triệu chứng gần giống như mình chữa bằng kháng sinh nên khỏi... sẽ khiến cho việc chữa trị khó khăn hơn, kéo dài và tốn kém hơn rất nhiều. Có rất nhiều những bệnh nhân dùng kháng sinh trong thời gian dài nhưng bệnh không khỏi, khi tới bệnh viện bác sĩ rất khó để chẩn đoán chính xác bệnh tình bởi quá trình dùng kháng sinh kéo dài ấy đã khiến cho những triệu chứng đặc thù bị suy giảm hay mất đi.
Thuốc kháng sinh nói riêng và các loại thuốc trị bệnh nói chung giống như một con dao hai lưỡi. Khi sử dụng thuốc để chữa bệnh, bên cạnh việc điều trị khỏi cũng sẽ gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Đặc biệt với kháng sinh, khi tuỳ tiện sử dụng nó không những bệnh mắc phải chẳng được chữa khỏi mà còn gây ra nhiều loại bệnh khác nữa. Việc sử dụng thuốc kháng sinh một cách bừa bãi không chỉ giết chết những vi khuẩn gây bệnh mà còn tiêu diệt đi cả những vi khuẩn có lợi trong cơ thể. Bởi vậy, khi dùng thuốc kháng sinh, bệnh nhân thường có những hiện tượng như đau bụng, tiêu chảy... Ngoài ra, sử dụng kháng sinh cũng có thể khiến cho người bệnh gặp phải một số triệu chứng như dị ứng, nổi mề đay, ban đỏ, nặng hơn có thể gây ngộ độc hay dẫn tới sốc phản vệ gây ra nguy hiểm cho tính mạng. Không chỉ vậy, việc sử dụng thuốc kháng sinh quá nhiều còn dẫn tới việc cơ thể sẽ sản sinh ra những loại vi khuẩn kháng kháng sinh và tạo ra những chủng loại vi khuẩn có thể kháng lại cả những loại kháng sinh mạnh nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc khi mắc bệnh nhiễm khuẩn nặng sẽ không có loại kháng sinh nào có thể điều trị hoặc thậm chí dẫn tới tử vong ngay cả do mắc những loại nhiễm khuẩn thông thường.
Nói tóm lại, để tránh những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra cũng như để đảm bảo an toàn cho bản thân mỗi chúng ta nên cẩn thận trong việc sử dụng thuốc chữa bệnh, đặc biệt là các loại kháng sinh. Nếu như mắc bệnh chúng ta nên đi đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn một liệu trình điều trị phù hợp. Mỗi chúng ta hãy tự nâng cao nhận thức của bản thân ngay từ những việc nhỏ nhất như thói quen tuân thủ theo đơn thuốc, phác đồ điều trị của bác sĩ, không được tự ý sử dụng bất kể loại kháng sinh nào khi chưa được sự đồng ý từ bác sĩ điều trị. Chỉ những hành động nhỏ như vậy dần dần sẽ thay đổi được thói quen sử dụng thuốc chữa bệnh nói chung và sử dụng các loại thuốc kháng sinh trong cuộc sống nói riêng.
Trên đây là toàn bộ bài thuyết trình của tôi, cảm ơn thầy/ cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi mong nhận được góp ý của thầy cô và các bạn về bài trình bày của mình. Tôi xin cảm ơn ạ
Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau - mẫu 3
Chào thầy/ cô và các bạn. Hôm nay, tôi xin trình bày chủ đề: Tuổi trẻ và những góc nhìn xã hội. Chúng ta thấy rằng trong xã hội có vô vàn chủ đề có ý kiến trái ngược nhau, nổi bật trong đó là vấn đề: Hút thuốc lá điện tử trong học đường.
Thói quen hút thuốc lá cũng đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết trong xã hội hiện nay. Mặc dù hiểu rõ về tác hại của thuốc lá tuy nhiên đại bộ phận đa số là nam giới lại khó lòng mà từ bỏ được thói quen hút thuốc này. Trong vài năm trở lại đây việc hút thuốc lá bị xã hội xem như một vấn nạn bởi vì nó xảy ra ở mọi lúc mọi nơi từ những nơi đông đúc như đường phố, khu mua sắm, cho đến cả nơi riêng tư như là trong nhà. Đặc biệt, hiện nay không chỉ có người đàn ông mới hút thuốc mà ngay cả phụ nữ hay thanh niên số người hút thuốc cũng đang tăng lên. Họ hút thuốc chủ yếu là để giải toả stress hay căng thẳng trong công việc tuy nhiên cũng có nhiều bạn thanh niên hút chỉ vì thích thể hiện mình sành điệu và chịu chơi.
Hiện nay, tình trạng hút thuốc lá đang diễn ra phổ biến và lan tràn trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là đối với giới trẻ nói riêng. Thật không quá khó để bắt gặp hình ảnh các cô cậu vẫn còn đang ở lứa tuổi teen nhưng trên tay và miệng ngậm tẩu thuốc, thậm chí có nhiều bé trai chưa đầy mười tuổi cũng đã biết hút thuốc. Trên các phương tiện thông tin đại chúng hay mạng xã hội đôi khi cũng xuất hiện những video quay lại hình ảnh những cậu bé mới lớn đang hút thuốc với mục đích chứng tỏ bản thân. Khói thuốc thực sự đã xâm nhập và len lỏi vào lớp học - nơi vốn dĩ là thế giới của kiến thức và những con chữ. Trong làn khói thuốc độc hại là những gương mặt thơ ngây, hồn nhiên và không hề hay biết rằng bản thân đã mở toang ra cánh cửa để bệnh tật xâm nhập vào cuộc đời mình. Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến thực trạng đáng lo ngại trên? Thực trạng hút thuốc lá đang lan truyền rộng rãi trong giới trẻ hiện nay là từ ý thức của bản thân nhiều bạn học sinh. Với quan niệm lệch lạc cho rằng hút thuốc là một cách chứng tỏ sự chững chạc, trưởng thành và thể hiện được cá tính của bản thân nên nhiều bạn đã tập tành việc hút thuốc rồi dần dần hình thành thói quen sử dụng thuốc lá. Bên cạnh đó, không hiếm bạn hút thuốc do tâm lý bắt chước và nghe theo bạn bè và cũng có nhiều bạn tìm đến thuốc lá như một giải pháp giúp giảm đi stress, căng thẳng. Vô hình trung, các bạn còn chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ về tác hại của thuốc lá. Hút thuốc lá có tác hại rất nghiêm trọng cho chính người sử dụng cũng như những người xung quanh. Trong thuốc lá có chứa thành phần Nicotin là một chất gây nghiện. Vậy nên nhiều người lúc ban đầu chỉ hút nháp, hút thử rồi sau đó đã trở thành thói quen không thể bỏ. Trong thuốc lá có một số thành phần như ammoniac, chất DDT là tác nhân chủ yếu gây nên những căn bệnh về tim mạch, phổi và đường hô hấp. Nếu hút thuốc trong thời gian dài và thường xuyên có thể dẫn tới mắc bệnh ung thư phổi hoặc ung thư vòm họng. Theo nghiên cứu hiện nay, hút thuốc cũng là nguyên nhân giảm tuổi thọ của chúng ta. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đối với người hút, khói thuốc cũng tác động gián tiếp tới nhiều người xung quanh. Người ta gọi đó là hút thuốc lá gián tiếp. Những người xung quanh, tuy không trực tiếp hút thuốc nhưng có thể gián tiếp hít khói thuốc, việc ảnh hưởng gián tiếp đó cũng gây nên các hậu quả tương tự như đối với người trực tiếp hút thuốc vậy. Hiện nay, có rất nhiều hình thức được đưa ra để hạn chế số lượng người hút thuốc lá. Trên nhiều phương tiện thông tin tuyên truyền của Việt Nam, người ta đã quá quen thuộc với câu nói "Buy now, pay later". Có ý nghĩa rằng nếu bạn mua thuốc lá hôm nay thì sau này bạn sẽ phải trả giá cho hành vi của mình và chính sức khoẻ của bạn. Ở Việt Nam, trên mỗi gói thuốc lá cũng có ghi những hàng chữ cảnh báo: "Hút thuốc lá có hại đến sức khoẻ" kèm theo đó là các thông tin như người mắc ung thư phổi, mất răng, suy dinh dưỡng vì hút thuốc lá. Nhằm cảnh báo người mua tác hại nguy hiểm của thuốc lá từ đó hạn chế người hút thuốc lá. Những hành động thiết thực đó đã đem đến nhiều kết quả khả quan, khi hiện nay có khoảng 70% người nghiện thuốc lá đang hy vọng có thể bỏ hẳn thuốc lá. Mặc dù việc bỏ thuốc lá là vô cùng khó khăn. Bởi khi mới bỏ thuốc cảm giác trong người sẽ rất khó chịu, bồn chồn không yên, miệng đắng. Nhưng với sự kiên trì và quyết tâm bỏ thuốc của bản thân, người nghiện thuốc có thể ngậm một chiếc kẹo cao su hoặc tự làm những việc mình yêu thích như chơi tennis, nghe nhạc, đi dạo cho vơi đi cảm giác thèm thuốc.
Chính vì những điều đó, chúng ta cần có những biện pháp kịp thời để hạn chế tối đa tình trạng này xảy ra ở giới trẻ. Gia đình và nhà trường cần có cách giáo dục, nâng cao nhận thức cũng như có cách xử lý phù hợp cho con em mình về việc hút thuốc lá. Mỗi người hãy là một tấm gương tốt, nói không với thuốc lá để trẻ học theo. Cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhân thức của toàn dân về tác hại của thuốc lá bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức phong trào tập huấn, truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Vì một xã hội lành mạnh, vì sức khoẻ cho cộng đồng, mỗi người chúng ta cùng chung tay góp sức nói không với thuốc lá. Cùng nhau tuyên truyền, cùng nhau nhắc nhở khuyên bảo nhau nói không với thuốc lá điều đó sẽ làm cho người thân và mội người xung quanh có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trên đây là toàn bộ bài thuyết trình của tôi, cảm ơn thầy/ cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi mong nhận được góp ý của thầy cô và các bạn về bài trình bày của mình. Tôi xin cảm ơn ạ
Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau - mẫu 4
Chào thầy/ cô và các bạn. Hôm nay, tôi xin trình bày chủ đề: Tuổi trẻ và những góc nhìn xã hội. Chúng ta thấy rằng trong xã hội có vô vàn chủ đề có ý kiến trái ngược nhau, nổi bật trong đó là vấn đề: Có nên đưa Lịch sử thành môn thi tốt nghiệp bắt buộc không?
Từ trước tới nay, môn Lịch sử luôn được coi là một trong những môn học quan trọng và bắt buộc của chương trình giảng dạy từ bậc Tiểu học cho đến bậc THPT.
Tuy nhiên, năm 2022, chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu được triển khai, trong đó các môn học như Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học,... sẽ trở thành môn học lựa chọn. Sự thay đổi này đã gây ra nhiều tranh cãi cũng như sự lo lắng trong xã hội, đặc biệt trong bối cảnh các bạn học sinh ngày nay không có niềm yêu thích và đam mê với môn học Lịch sử.
không thích học môn Lịch sử vì môn học này không đem lại cho em cảm giác hứng thú."
Về vấn đề này, bạn Lê Phương Linh, học sinh lớp 11 trường THPT Yên Hòa cũng bày tỏ rõ quan điểm: "Em không phủ nhận học sử sẽ giúp em có thể hiểu hơn về lịch sử hào hùng của đất nước với những chiến công mà thế hệ trước đã để lại. Nhưng em học sử với mục đích làm gia tăng vốn hiểu biết chứ không xác định môn học này sẽ gắn với tương lai của mình. Em cũng nhận thấy kiến thức lịch sử em học thường chỉ dùng để đi thi rồi sau đó sẽ dễ dàng bị quên. Nên em cảm thấy không có hứng thú với môn học này và không cảm thấy lịch sử hợp với em".
Qua đó, có thể thấy phần lớn lý do các bạn học sinh hiện nay không muốn học Lịch sử là vì lượng kiến thức và nội dung bài học dài, gây trở ngại trong việc ghi nhớ các sự kiện lịch sử, khó khăn trong việc ôn thi; hay do cách giảng dạy môn Lịch sử vẫn còn nhàm chán, không đủ sự thu hút; hoặc các bạn cảm thấy kiến thức của môn học không thật sự giúp ích cho mình.
Mặc dù vậy, vẫn có một bộ phận không nhỏ các em học sinh có niềm yêu thích đối với môn Lịch sử. Bạn Nguyễn Hoàng Giang, học sinh lớp 12 trường THPT Khoa học Giáo dục nói rằng: "Em rất thích học môn Lịch sử vì môn học này giúp em có thêm hiểu biết về quá khứ chống giặc của cha ông ta, từ đó em càng thêm trân trọng và biết ơn sự hy sinh của thế hệ đi trước."
Có rất nhiều những ý kiến trái chiều được đưa ra từ các em học sinh về môn Lịch sử, có người yêu thích, có người không thích, tuy nhiên, trước thông tin Lịch sử trở thành môn học lựa chọn, phần lớn các em học sinh đều chia sẻ ý kiến rằng môn học này vẫn nên được đưa vào chương trình giảng dạy bắt buộc.
Bạn Nguyễn Thị Hạnh Thục, học sinh lớp 10 trường THPT Marie Curie cho rằng: "Việc tìm hiểu về lịch sử hình thành của dân tộc ta là điều vô cùng cần thiết. Nếu Lịch sử trở thành môn học lựa chọn thì các bạn không chọn học sẽ dễ lãng quên những ý nghĩa và cột mốc lịch sử quan trọng." Bên cạnh đó, bạn Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ: "Dù Lịch sử có trở thành môn học lựa chọn thì em vẫn sẽ chọn học môn học này."
Thông qua ý kiến của các bạn học sinh, có thể nhận thấy rằng mặc dù có bạn yêu thích môn Lịch sử, có bạn không cảm thấy hứng thú với môn học này nhưng đa số các bạn đều nhận thấy tầm quan trọng của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục.
Từ đó, để gia tăng sức hút của môn Lịch sử với các em học sinh, các giáo viên nên có những đổi mới trong cách giảng dạy, làm cho các tiết học Lịch sử trở nên thu hút hơn; đồng thời chương trình học cũng nên được phân bổ phù hợp để tránh tâm lý lo lắng, "ngại học" môn Lịch sử của học sinh.
Trên đây là toàn bộ bài thuyết trình của tôi, cảm ơn thầy/ cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi mong nhận được góp ý của thầy cô và các bạn về bài trình bày của mình. Tôi xin cảm ơn ạ
Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau - mẫu 5
Chào thầy/ cô và các bạn. Hôm nay, tôi xin trình bày chủ đề: Tuổi trẻ và những góc nhìn xã hội. Chúng ta thấy rằng trong xã hội có vô vàn chủ đề có ý kiến trái ngược nhau, nổi bật trong đó là vấn đề: Học sinh nữ có nên trang điểm khi đi học?
Thời kì những năm 80, 90, hình ảnh những nữ sinh với mái tóc đen mượt và tà áo dài trắng đã đi vào biết bao vần thơ, khúc hát và tâm trí con người Việt Nam. Còn ngày nay – thế kỉ 21 trẻ trung, năng động – các nữ sinh THPT và thậm chí là THCS lại tô điểm cho bộ mặt non nớt của mình bằng những màu son đậm như đỏ trầm, cam cháy,… hay những đôi lens với đủ các loại màu, những hàng chân mày được kẻ sắc lẹm,… Vậy nguyên nhân nào cho trào lưu trang điểm ấy ?
Độ tuổi “ô mai” là độ tuổi rất dễ nảy sinh những vấn đề tâm lí như mặc cảm, tự ti. Nhiều bạn nữ luôn cảm thấy mình thua kém so với các bạn học về nhan sắc, ngoại hình ; nhiều bạn lại ngại ngùng vì những khuyết điểm trên gương mắt như đôi mắt một mí hay đôi môi nhợt nhạt, … Sự tự ti về ngoại hình là một trong những lí do khiến các bạn học sinh trang điểm, bởi sự “phù phép” của các loại mỹ phẩm sẽ khiến các bạn trở nên xinh đẹp và tự tin hơn về vẻ bề ngoài của mình.
Tâm lí thích được nổi bật, trở thành tâm điểm xuất hiện ở khá nhiều học sinh. Muốn trở nên nổi bật thì cần có sự hoàn thiện về cả tâm hồn lẫn vẻ bề ngoài. Vì lẽ ấy, nhiều bạn học sinh trang điểm để có gương mặt xinh xắn, hoàn thiện nét đẹp bản thân.
Mười sáu, mười bảy là độ tuổi rất dễ “cảm nắng”, rung rinh trước một cô, cậu bạn nào đó. Vì muốn được “crush” chú ý và quan tâm, nhiều nữ sinh học cách trang điểm để luôn có một diện mạo đáng yêu trong mắt đối phương.
Suy cho cùng, việc các nữ sinh THPT trang điểm khi tới trường chỉ vì một lí do lớn nhất : Được hoàn thiện vẻ đẹp của bản thân, họ muốn được xinh đẹp và rạng rỡ – Lí do ấy thật đáng quý, đáng được trân trọng.
Dù vì bất cứ nguyên do nào thì việc trang điểm cũng thật ý nghĩa và tuyệt vời. Nó giúp các bạn nữ xinh đẹp, năng động và tự tin hơn, dám khẳng định mình. Trang điểm còn là cách khiến tâm trạng vui hơn, là cách để phái nữ yêu thương bản thân.
Tuy vậy, trang điểm gây hại rất nhiều, nhất là khi trang điểm ở độ tuổi học sinh.
Trang điểm thường xuyên sẽ gây viêm da, khiến da bị bào mỏng, làm to lỗ chân lông, nổi mụn, gây lão hóa da sớm và thậm chí làm rối loạn nội tiết tố. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng : Người dưới 20 tuổi nếu trang điểm thường xuyên sẽ làm mất độ ẩm tự nhiên của da, khiến da mỏng hơn và dễ bị kích ứng. Đặc biệt, đối với người có làn da nhạy cảm nay sẽ càng trở nên yếu ớt hơn nữa khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, dẫn đến sự xuất hiện những vết thâm nám, tàn nhang, lão hóa sớm…
Trang điểm chốn học đường tồn tại nhiều sai lầm báo động : Nhiều nữ sinh trang điểm trên làn da mụn, cố gắng che đi các vết mụn bằng các loại che khuyết điểm nhưng làm vậy khiến tình trạng của mụn trởt nên sưng tấy, có nguy cơ nhiễm trùng. Có nhiều bạn học sinh lại liều lĩnh sử dụng các loại mỹ phẩm giả giá rẻ để rồi nhận lại hậu quả trên chính gương mặt của mình.
Bên cạnh đó, trang điểm kĩ khi đi học tốn “kha khá” thời gian và tiền bạc – hai thứ mà học sinh chưa thật sự có đủ.
Vậy làm thế nào để một học sinh trang điểm nhã nhặn, lịch sự, tôn lên vẻ trong sáng tuổi trăng tròn và tránh lạm dụng mỹ phẩm quá đà ?
“Cô nghĩ rằng nét đẹp của học sinh là nét đẹp tự nhiên, trong sáng chứ không phải nét đẹp của trang điểm. Cô hi vọng các bạn nữ luôn giữ cho mình vẻ hồn nhiên, xinh xắn phù hợp lứa tuổi thay vì nhờ đến sự can thiệp của mĩ phẩm.” – Cô Phạm Thúy Hằng – Phó Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ cho hay.
Trang điểm khiến chúng ta tự tin và tăng vẻ đẹp bản thân, vẻ đẹp cuộc sống. Các nữ sinh hãy chọn cho mình cách trang điểm nhẹ nhàng, tinh tế để tô điểm cho nét đẹp trong sáng, hồn nhiên và tỏa sáng như Mặt trời trên chính bầu trời thanh xuân của mình.
Trên đây là toàn bộ bài thuyết trình của tôi, cảm ơn thầy/ cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi mong nhận được góp ý của thầy cô và các bạn về bài trình bày của mình. Tôi xin cảm ơn ạ.
Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau - mẫu 6
Chào thầy/ cô và các bạn. Hôm nay, tôi xin trình bày về một vấn đề có ý kiến trái ngược nhau, đó là vấn đề học sinh sử dụng điện thoại có kết nối mạng như một phương tiện trong giờ học.
Phía ủng hộ:
Việc sử dụng điện thoại có kết nối mạng trong giờ học mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho học sinh và quá trình giảng dạy. Thứ nhất, điện thoại là một công cụ tiện lợi giúp học sinh truy cập nhanh chóng đến tài liệu học tập và các nguồn thông tin phong phú trên internet. Nhờ vào điện thoại, học sinh có thể dễ dàng tra cứu thông tin, tìm kiếm hình ảnh, video giảng dạy hay các bài giải mẫu để hỗ trợ quá trình học tập của mình.
Thứ hai, sử dụng điện thoại trong giờ học giúp tăng cường sự tương tác và thảo luận giữa học sinh với nhau cũng như với giáo viên. Các ứng dụng như Zoom, Google Meet hay Microsoft Teams cho phép tổ chức các buổi học trực tuyến hiệu quả, giúp giảng viên dễ dàng trình bày nội dung và học sinh có thể tham gia vào các hoạt động nhóm, thảo luận bài tập một cách trực quan và sinh động.
Thứ ba, việc sử dụng điện thoại trong giờ học giúp phát triển kỹ năng sống cho học sinh, như kỹ năng tìm kiếm thông tin, phân tích và đánh giá độ tin cậy của nguồn thông tin trên internet. Điều này không chỉ hỗ trợ trong học tập mà còn chuẩn bị cho học sinh về mặt kỹ năng và sự chuẩn bị cho tương lai.
Phía phản đối:
Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại có kết nối mạng trong giờ học cũng đồng nghĩa với một số rủi ro và thách thức. Thứ nhất, sự phân tâm có thể xảy ra khi học sinh sử dụng điện thoại để lướt web, chơi game hay nhắn tin trong lúc giảng dạy diễn ra. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự tập trung và hiệu quả học tập của các em.
Thứ hai, một số học sinh có thể lạm dụng việc sử dụng điện thoại để truy cập vào các nội dung không phù hợp hoặc gây phân biệt trong lớp học. Việc này không chỉ làm giảm chất lượng của quá trình giảng dạy mà còn ảnh hưởng đến môi trường học tập tích cực và lành mạnh.
Thứ ba, việc sử dụng điện thoại trong giờ học cũng gây ra một số vấn đề liên quan đến quản lý lớp học và an ninh thông tin. Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của học sinh và tránh mất trật tự trong quá trình học tập trực tuyến là điều cần được quan tâm và giải quyết một cách cẩn thận.
Tổng hợp lại, việc sử dụng điện thoại có kết nối mạng trong giờ học mang lại nhiều lợi ích cho học sinh nhưng cũng đi kèm với những thách thức và rủi ro. Để tối ưu hóa lợi ích từ việc này, các nhà trường cần phải có các chính sách và biện pháp quản lý hợp lý, đảm bảo sự tập trung và hiệu quả học tập của học sinh trong khi vẫn đảm bảo an toàn và bảo vệ thông tin cá nhân. Quan trọng hơn hết, sự hợp tác và sự thấu hiểu giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh là yếu tố quan trọng để đưa ra những quyết định thích hợp và mang lại lợi ích lâu dài cho học tập của học sinh.
Trên đây là toàn bộ bài thuyết trình của tôi, cảm ơn thầy/ cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi mong nhận được góp ý của thầy cô và các bạn về bài trình bày của mình. Tôi xin cảm ơn ạ
Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau - mẫu 7
Chào thầy/ cô và các bạn. Hôm nay, tôi xin trình bày về một vấn đề có ý kiến trái ngược nhau, đó là vấn đề học sinh sử dụng điện thoại có kết nối mạng như một phương tiện trong giờ học.
Việc học sinh sử dụng điện thoại có kết nối mạng trong giờ học là một vấn đề đang gây tranh cãi và cần phải được thảo luận một cách cân nhắc. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tranh luận về những lợi ích và những thách thức mà việc này mang lại.
Một số người cho rằng việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học có thể mang lại nhiều lợi ích. Đầu tiên, điện thoại là một công cụ linh hoạt và tiện lợi giúp học sinh dễ dàng truy cập vào các nguồn tài liệu trực tuyến, từ sách điện tử đến các trang web học tập. Việc này có thể giúp bổ sung thêm kiến thức và thúc đẩy quá trình học tập của học sinh.
Thứ hai, việc sử dụng điện thoại có thể khuyến khích sự tương tác và hợp tác giữa các học sinh. Bằng cách sử dụng các ứng dụng nhắn tin nhóm, học sinh có thể dễ dàng chia sẻ thông tin, thảo luận bài học và hỗ trợ nhau trong quá trình học tập.
Tuy nhiên, việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại cũng đặt ra nhiều thách thức và mối lo ngại. Một trong những vấn đề chính là sự phân tâm trong giờ học. Việc điện thoại có thể dễ dàng làm mất tập trung của học sinh khi họ bị cuốn vào các hoạt động giải trí trên mạng xã hội, chơi game hoặc nhắn tin cá nhân.
Thứ hai, điện thoại cũng có thể gây mất cân bằng về sự công bằng trong lớp học. Những học sinh có điện thoại tốt và kết nối mạnh có thể được hưởng lợi nhiều hơn so với những học sinh khó khăn về điều kiện vật chất.
Một vấn đề nữa là an toàn và bảo mật. Việc sử dụng mạng internet có thể khiến học sinh dễ tiếp cận các nội dung không phù hợp hoặc nguy hiểm trên mạng.
Do đó, để giải quyết vấn đề này, có thể đưa ra một số giải pháp. Đầu tiên, trường có thể thiết lập các quy định rõ ràng về việc sử dụng điện thoại trong giờ học và thiết kế các hoạt động giáo dục phù hợp để học sinh có thể tận dụng công cụ này một cách hiệu quả. Thứ hai, cần có sự giám sát chặt chẽ và hỗ trợ từ phía giáo viên và phụ huynh để đảm bảo việc sử dụng điện thoại không ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.
Tóm lại, việc sử dụng điện thoại có kết nối mạng trong giờ học là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự cân nhắc và quản lý hợp lý từ các nhà trường, giáo viên và phụ huynh để tận dụng được lợi ích của công nghệ mà không gặp phải những rủi ro tiềm ẩn.
Trên đây là toàn bộ bài thuyết trình của tôi, cảm ơn thầy/ cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi mong nhận được góp ý của thầy cô và các bạn về bài trình bày của mình. Tôi xin cảm ơn ạ.
Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau - mẫu 8
Chào thầy/ cô và các bạn. Hôm nay, tôi xin trình bày về một vấn đề có ý kiến trái ngược nhau, đó là vấn đề học sinh sử dụng điện thoại có kết nối mạng như một phương tiện trong giờ học.
Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, việc học sinh sử dụng điện thoại có kết nối mạng trong giờ học đã trở thành một vấn đề được quan tâm và tranh luận sôi nổi. Tôi xin đưa ra một số luận điểm để thảo luận về vấn đề này.
Thuận lợi và hiệu quả của việc sử dụng điện thoại trong giờ học:
1. Tiện lợi và linh hoạt: Điện thoại thông minh mang lại sự tiện lợi và linh hoạt cho học sinh trong quá trình học tập. Chúng có thể được sử dụng để truy cập vào các tài liệu, sách điện tử, và nguồn thông tin trực tuyến từ khắp nơi trên thế giới.
2. Học tập trực tuyến: Điện thoại kết nối mạng cho phép học sinh tham gia các buổi học trực tuyến, tham gia các lớp học từ xa mà không cần phải có mặt vật lý tại lớp học.
3. Tích hợp công nghệ vào giáo dục: Sử dụng điện thoại trong giờ học có thể giúp giáo viên tích hợp công nghệ vào phương pháp giảng dạy, làm cho quá trình học tập trở nên hấp dẫn hơn với học sinh.
Những thách thức và vấn đề cần cân nhắc:
1. Phân tâm và gián đoạn: Việc sử dụng điện thoại trong giờ học có thể dễ dàng làm phân tâm học sinh, làm giảm tập trung và hiệu quả của buổi học.
2. Nguy cơ sử dụng không đúng mục đích: Học sinh có thể lạm dụng điện thoại để lướt web, chơi game hoặc thực hiện các hoạt động không liên quan đến học tập, làm giảm chất lượng và hiệu quả của quá trình giảng dạy.
3. Vấn đề an ninh mạng: Sử dụng điện thoại kết nối mạng trong giờ học có thể mang đến những vấn đề về an ninh mạng như lộ thông tin cá nhân, bị tấn công mạng, hoặc tiếp cận các nội dung không phù hợp với tuổi tác của học sinh.
Đề xuất giải pháp và hướng đi:
1. Chính sách rõ ràng và quản lý nghiêm ngặt: Trường học cần thiết lập các chính sách rõ ràng về việc sử dụng điện thoại trong giờ học, đảm bảo học sinh chỉ sử dụng điện thoại cho các mục đích học tập được phê duyệt.
2. Giáo dục về sử dụng có trách nhiệm: Giáo viên cần giảng dạy và giáo dục học sinh về cách sử dụng điện thoại một cách có trách nhiệm và hiệu quả, tránh những lạm dụng và hành vi không đúng mục đích.
3. Sự hỗ trợ từ phía gia đình: Phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và hỗ trợ học sinh sử dụng điện thoại kết nối mạng một cách hợp lý và an toàn.
Trên cơ sở các luận điểm và đề xuất trên đây, chúng ta có thể đưa ra những quyết định và hành động phù hợp để tận dụng lợi ích của công nghệ trong giáo dục mà vẫn đảm bảo được sự tập trung và hiệu quả trong quá trình học tập của học sinh.
Trên đây là toàn bộ bài thuyết trình của tôi, cảm ơn thầy/ cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi mong nhận được góp ý của thầy cô và các bạn về bài trình bày của mình. Tôi xin cảm ơn ạ
Xem thêm các bài văn mẫu 12 Cánh diều hay khác:
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 12 hay khác:
- Soạn văn 12 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 12 Cánh diều (ngắn nhất)
- Soạn Chuyên đề Văn 12 Cánh diều
- Giải lớp 12 Cánh diều (các môn học)
- Giải lớp 12 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 12 Chân trời sáng tạo (các môn học)
Sách VietJack thi THPT quốc gia 2025 cho học sinh 2k7:
- Soạn văn 12 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 12 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 12 Cánh diều
- Giải Tiếng Anh 12 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Friends Global
- Giải sgk Vật Lí 12 - Cánh diều
- Giải sgk Hóa học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Sinh học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 12 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 12 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 12 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 12 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 12 - Cánh diều