Đề cương ôn tập Văn 10 Học kì 1 năm 2024

Với mục đích giúp học sinh có kế hoạch ôn tập hiệu quả từ đó đạt điểm cao trong các bài thi, bài kiểm tra môn Văn 10, VietJack biên soạn loạt bài đề cương ôn tập Văn 10 Học kì 1 sách mới Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạo, Cánh diều. Đề cương sẽ tóm tắt các nội dung chính, quan trọng cần ôn tập cũng như đưa ra các bài tập chọn lọc, điển hình giúp bạn ôn tập môn Văn 10 hiệu quả.

Đề cương ôn tập Văn 10 Học kì 1 năm 2024




Lưu trữ: Đề cương ôn tập Văn 10 Học kì 1 (sách cũ)

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC KÌ 1 MÔN VĂN LỚP 10

A. Kiến thức

Phần I: Văn bản

Nắm được nội dung, ý nghĩa, bài học, các chi tiết đặc sắc và nghệ thuật nổi bật của các văn bản:

1. Tổng quan văn học Việt Nam

2. Khái quát văn học dân gian Việt Nam

3. Chiến thắng Mtao Mxây

4. Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy

5. Tấm Cám

6. Tam đại con gà

7. Nhưng nó phải bằng hai mày

8. Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa

9. Ca dao hài hước

10. Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX

11. Tỏ lòng (Phạm Ngũ Lão)

12. Cảnh ngày hè (Nguyễn Trãi)

13. Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

14. Đọc Tiểu Thanh kí (Nguyễn Du)

Phần II: Tiếng Việt

Nhận diện và thực hành:

1. Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ

2. Đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết

3. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt

4. Thực hành phép tu từ ẩn dụ và hoán dụ

Phần III: Tập làm văn

1. Văn bản

2. Lập dàn ý bài văn tự sự

3. Chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự

4. Miêu tả, biểu cảm trong bài văn tự sự

5. Luyện tập viết đoạn văn tự sự

6. Tóm tắt văn bản tự sự theo nhân vật chính

B. Cấu trúc đề thi

Đề gồm có hai phần:

- Phần 1: Đọc - hiểu (3,0 – 4,0 điểm) liên quan đến nội dung trong đoạn ngữ liệu phần đọc hiểu.

- Phần 2: Nghị luận văn học (7,0 – 6,0 điểm) xoay quanh các tác phẩm học trong giới hạn đề ra.

C. Đề thi minh họa

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) 

Mẹ! 

Có nghĩa là duy nhất 

Một bầu trời 

Một mặt đất 

Một vầng trăng 

Mẹ không sống đủ trăm năm 

Nhưng đã cho con dư dả nụ cười tiếng hát […] (1)

Mẹ! 

Có nghĩa là ánh sáng 

Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim […]

Mẹ! 

Có nghĩa là mãi mãi 

Là cho - đi - không - đòi lại - bao giờ […] (2) 

(Trích Ngày xưa có mẹ - Thanh Nguyên) 

Câu 1 (1,0 điểm): Xác định phong cách ngôn ngữ và phương thức biểu đạt của đoạn trích trên.

Câu 2 (1,0 điểm): Nêu tác dụng của biện pháp tu từ chính sử dụng trong khổ (1) của đoạn trích.

Câu 3 (1,0 điểm): Viết một đoạn văn (khoảng 5-7 dòng) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu thơ:  

Mẹ!

Có nghĩa là ánh sáng

Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim

II. LÀM VĂN (7,0 điểm) 

Đề bài: Cảm nhận của anh/chị về hào khí Đông A được thể hiện trong bài thơ Thuật hoài (Tỏ lòng) của Phạm Ngũ Lão.

ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT

A. Kiến thức

Phần I: Văn bản

1. Tổng quan văn học Việt Nam

- Những kiến thức chung nhất, tổng quát nhất về hai bộ phận của văn học Việt Nam (văn học dân gian và văn học viết) và quá trình phát triển của văn học viết Việt Nam (văn học trung đại và văn học hiện đại).  

- Các thể loại văn học. 

- Con người Việt Nam qua văn học: con người Việt Nam trong quan hệ với thế giới tự nhiên, trong quan hệ quốc gia dân tộc, trong quan hệ xã hội, ý thức về bản thân. 

2. Khái quát văn học dân gian Việt Nam

- Những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian Việt Nam: 

+ Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật truyền miệng. 

+ Văn học dân gian là sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể. 

+ Văn học dân gian gắn bó mật thiết với các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.

- Hệ thống thể loại của văn học dân gian Việt Nam (gồm 12 thể loại): thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đối, ca dao, vè, truyện thơ, chèo. 

- Những giá trị cơ bản của văn học dân gian Việt Nam: 

+ Văn học dân gian là kho tri thức vô cùng phong phú về đời sống các dân tộc. 

+ Văn học dân gian có giá trị giáo dục sâu sắc về đạo lí làm người. 

+ Văn học dân gian có giá trị thẩm mĩ to lớn, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc riêng cho nền văn học dân tộc. 

3. Chiến thắng Mtao Mxây

- Thể loại: 

+ Sử thi là thuật ngữ văn học dùng để chỉ những tác phẩm theo thể tự sự, có nội dung hàm chứa những bức tranh rộng và hoàn chỉnh về đời sống nhân dân với nhân vật trung tâm là những anh hùng, dũng sĩ đại diện cho một thế giới nào đó.

+ Sử thi anh hùng là những câu chuyện kể về cuộc đời và những chiến công hiển hách của người anh hùng – người đại diện cao nhất cho sự giàu có, quyền lực, sức mạnh và ước mơ của cộng đồng người thời cổ đại. 

- Tóm tắt nội dung sử thi Đăm Săn: Sau khi về làm chồng hai chị em tù trưởng Hơ Nhị và Hơ Bhị, Đam Săn trở nên một tù trưởng giàu có và uy danh lừng lẫy. Các tù trưởng Kên Kên (Mtao Grứ) và tù trưởng Sắt (Mtao Mxây) lừa lúc Đăm Săn cùng các nô lệ lên rẫy, ra sông lao động sản xuất đã kéo người tới cướp phá buôn làng của chàng và bắt Hơ Nhị về làm vợ. Cả hai lần ấy Đăm Săn đều tổ chức đánh trả và chiến thắng, vừa cứu được vợ lại vừa sáp nhập được đất đai, của cải của kẻ địch khiến cho oai danh của chàng càng lừng lẫy, bộ tộc càng giàu có và đông đúc hơn.

- Phân tích được:  

+ Cảnh trận đánh giữa hai tù trưởng. 

  • Thái độ trước khi giao chiến: Đam Săn đến nhà Mtao Mxây khiêu chiến nhưng Mtao Mxây còn bỡn cợt chàng mà chưa chịu giao chiến ngay.
  • Bước vào cuộc chiến:
    • Hiệp đấu thứ nhất: Hai bên lần lượt múa khiên. Mtao Mxây múa trước, tỏ ra yếu ớt và kém cỏi. Đăm Săn múa khiên, tỏ ra mạnh mẽ, tài giỏi hơn. Kết quả hiệp đấu: Mtao Mxây chạy khắp nơi để tránh đường khiên Đăm Săn múa.
    • Hiệp đấu thứ hai: Đăm Săn múa khiên: sức mạnh như gió bão. Cây giáo đâm liên tiếp Mtao Mxây nhưng không thủng. Kết quả: Đam Săn nhờ sự giúp đỡ của Ông Trời đã cắt được đầu của Mtao Mxây. Dân làng Mtao Mxây nhất loạt theo Đam Săn về ngôi làng mới.

+ Cảnh Đăm Săn cùng nô lệ ra về sau chiến thắng: Cuộc đối thoại giữa Đăm Săn và nô lệ đã đối đáp với nhau 3 lần và mỗi lần ấy đều có sự khác nhau. Qua đó, thể hiện lòng mến phục, sự hưởng ứng tuyệt đối và lòng trung thành của mọi người dành cho Đăm Săn.

+ Cảnh ăn mừng chiến thắng:

  • Lời ra lệnh mở tiệc: sự tự hào, tự tin vì sức mạnh và sự giàu có của thị tộc mình
  • Ra lệnh đánh nhiều cồng chiêng: thể hiện niềm vui chiến thắng và sự giàu có, sung túc, trang trọng cùng vẻ đẹp tinh thần, vật chất của tù trưởng và của cả thị tộc.
  • Quang cảnh nhà Đăm Săn: mở tiệc to, khách đông nghịt, tôi tớ chật ních cả nhà. Tác giả dân gian sử dụng nghệ thuật phóng đại, qua đó thể hiện sự tự hào về một bộ tộc giàu mạnh và sự đồng tâm, thống nhất của cả cộng đồng
  • Hình ảnh Đăm Săn: Nằm trên võng, tóc thả trên, uống không biết say, ăn không biết no, chuyện trò không biết chán, đôi mắt long lanh, bắp chân to bằng xà ngang…

ð Qua đó, thấy được lẽ sống và niềm vui của người anh hùng chỉ có trong cuộc chiến đấu vì danh dự, vì hạnh phúc và sự thịnh vượng của cộng đồng. 

4. Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy

- Đặc điểm của thể loại truyền thuyết: lịch sử được kể lại trong truyền thuyết đã được khúc xạ qua những hình tượng nghệ thuật đậm màu sắc thần kì làm nên sức hấp dẫn của truyện.

- Tóm tắt: Sau khi giúp An Dương Vương xây dựng xong Loa Thành, trước khi ra về, thần Kim Quy còn tặng cho chiếc vuốt để làm lẫy nỏ thần. Nhờ có nỏ thần, An Dương Vương đánh bại quân Triệu Đà khi chúng sang xâm lược. Triệu Đà cầu hôn Mị Châu cho Trọng Thuỷ, vua vô tình đồng ý. Trọng Thuỷ dỗ Mị Châu cho xem trộm nỏ thần rồi ngầm đổi mất lẫy thần mang về phương Bắc. Sau đó, Triệu Đà phát binh đánh Âu Lạc. Không còn nỏ thần, An Dương Vương thua trận, cùng Mị Châu chạy về phương Nam. Thần Kim Quy hiện lên kết tội Mị Châu, vua chém chết con rồi đi xuống biển. Mị Châu chết, máu chảy xuống biển thành ngọc trai. Trọng Thuỷ mang xác vợ về chôn ở Loa Thành, xác liền biến thành ngọc thạch. Vì quá tiếc thương Mị Châu, Trọng Thuỷ lao đầu xuống giếng mà chết. Người đời sau mò được ngọc trai, rửa bằng nước giếng ấy thì ngọc trong sáng thêm.

- Phân tích được nhân vật: 

*An Dương Vương 

a. An Dương Vương trong sự nghiệp dựng đất và giữ nước:

- Nhân vật lịch sử An Dương Vương: Tên thật Thục Phán, là vị vua lập nên và cai trị duy nhất của nhà nước Âu Lạc. Thời gian trị vì 50 năm (257 TCN- 208TCN). Ông có quyết định dời đô từ vùng núi Nghĩa Lĩnh về đồng bằng (thành Cổ Loa) để phát triển và mở rộng lưu thông.

g Ban đầu, có thể nhân định An Dương Vương là vị vua sáng suốt, bản lĩnh vững vàng, tầm nhìn xa rộng.

- Quá trình xây thành:

+ Thành đắp tới đâu lở tới đó.

+ Lập bàn thờ, giữ mình trong sạch, cầu bách thần.

+ Nhờ cụ già mách bảo, sứ Thanh Giang, tức Rùa Vàng giúp nhà vua xây thành công Loa Thành.

+ Thành rộng ngàn trượng, xoắn như hình trôn ốc

g Thành Cổ Loa là căn cứ phòng thủ vững chắc, là sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ

ð An Dương Vương có lòng kiên trì quyết tâm, có ý thức đề cao cảnh giác

- Việc chế nỏ:

+ Nỗi băn khoăn: “Nhờ ơn của thần, thành đã được xây xong. Nay nếu có giặc ngoài biết lấy gì mà chống?”

+ Được Rùa Vàng tặng móng vuốt làm lẫy nỏ thần

ð An Dương Vương được giúp đỡ vì có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ đất nước, hình ảnh nỏ thần cũng khẳng định niềm tự hào của cha ông về trình độ sản xuất vũ khí

- Sự xuất hiện của chi tiết kì ảo: cụ già bí ẩn, rùa vàng, nỏ thần đã khẳng định việc làm của An Dương Vương là chính nghĩa, hợp lòng trời, được lòng dân.

- Chiến thắng Triệu Đà:

+ Nhờ thành ốc kiên cố

+ Nhờ nỏ thần lợi hại

+ Nhờ có ý thức đề cao cảnh giác

g Nêu cao bài học cảnh giác, tinh thần trách nhiệm và sự sáng suốt của An Dương Vương.

ð An Dương Vương mang phẩm chất của vị vua anh hùng, tầm nhìn xa trông rộng, có ý thức đề cao cảnh giác, bản lĩnh vững vàng, biết trọng người tài, có lòng yêu nước sâu sắc, có công lao với dân tộc, được thần và dân đồng lòng. Nhân dân ca ngợi nhà vua, tự hào về những thành quả và chiến công của dân tộc

b. Bi kịch nước mất - nhà tan

- Nguyên nhân thất bại:

+ Nhận lời cầu hòa, gả con gái cho con trai kẻ thù, cho Trọng Thủy ở rể ngay trong Loa Thành g không nhận thấy bản chất ngoan cố và âm mưu thâm độc của kẻ thù.

+ Khi giặc đến chân thành: vẫn mãi lo chơi cờ, cười nhạo kẻ thù g chủ quan, ỷ lại vào vũ khí hiện đại mà không lo phòng bị, xem thường địch.

ð An Dương Vương tự chuốc lấy thất bại do tự phạm nhiều điều sai.

- Kết cục: thất bại, bỏ chạy, giết con, sự nghiệp tiêu vong -> Vua có trách nhiệm với đất nước nhưng mát cảnh giác nên rơi vào bi kịch.

c. Ý nghĩa các chi tiết hư cấu:

- Nhờ tiếng thét của Rùa Vàng, An Dương Vương tỉnh ngộ, tự tay chém đầu con gái:

+ Hành động quyết liệt, dứt khoát đứng về phía công lí và quyền lợi của dân tộc.

+ Sự thức tỉnh muộn màng của nhà vua.

+ Sự thảm khóc của chiến tranh.

g Chi tiết mang tính bi kịch.

- An Dương Vương cầm sừng tê bảy tấc rồi theo gót Rùa vàng xuống biển:

+ Thể hiện sự ngưỡng mộ đối với vị anh hùng dân tộc.

+ Niềm thương tiếc khi huyền thoại hoá, bất tử hoá người anh hùng.

ð Những chi tiết hư cấu thể hiện quan điểm và thái độ kính trọng, mến phục của nhân dân; đồng thời giúp xoa dịu nỗi đau mất nước. Tuy mất cảnh giác để mất nước nhưng trong tâm thức người dân, An Dương Vương mãi là nhà vua yêu nước, có công với nước.

*Mị Châu

- Sai lầm:

+ Vô tình tiết lộ bí mật về nỏ thần, tạo điều kiện cho Trọng Thủy đánh tráo nỏ thần g ngây thơ, cả tin, mất cảnh giác làm lộ bí mật quốc gia.

+ Nghe lời chồng: rắc lông ngỗng đánh dấu, giúp kẻ thù truy đuổi theo hai cha con g bị tình cảm làm cho lu mờ lí trí, đặt tình cảm vợ chồng lên trên lợi ích quốc gia.

ð Mị Châu đã thuận theo tình cảm vợ chồng mà quên đi nghĩa vụ đối với đất nước.

- Kết cục: Bị Rùa Vàng kết tội là giặc và bị vua cha chém đầu g Mị Châu phải trả giá cho sự cả tin đến mù quáng của mình g Nhân dân muốn phê phán Mị Châu bằng bản án tử hình vì những lỗi lầm gây tổn hại cho đất nước g Xuất phát từ truyền thống yêu nước, thiết tha đối với độc lập, tự do của dân ta.

- Mị Châu được minh oan:

+ Lời nguyền trước khi chết: “nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha…nhục thù” g minh chứng cho tấm lòng trung hiếu, giãi bày cho nỗi oan bị lừa dối.

+ Hóa thân kiểu phân thân: máu biến thành ngọc trai g lời nguyền linh ứng.

ð Sự bao dung, cảm thông của nhân dân đối với sự trong trắng, thơ ngây của Mị Châu khi phạm tội một cách vô tình.

ð Bài học lịch sử: phải đặt đúng đắn mối quan hệ giữa cái chung với cái riêng, giữa tình nhà với nợ nước.

*Chi tiết ngọc trai – giếng nước

- Trọng Thủy là thủ phạm trực tiếp gây ra bi kịch của nước Âu Lạc và cái chết của hai cha con Mị Châu. Vừa là con, vừa là bề tôi, Trọng Thủy đã tuân thủ tuyệt đối theo mệnh lệnh của Triệu Đà. Nhìn ở khía cạnh này, Trọng Thủy đúng là một kẻ thù của dân tộc.

- Chi tiết ngọc trai – giếng nước là kết thúc hợp lý cho số phận của Mị Châu – Trọng Thủy. Ngọc trai là sự ứng nghiệm với lời cầu khấn của Mị Châu. Nó chứng minh cho sự trong trắng của nàng, chi tiết giếng nước có hồn của Trọng Thủy hòa cùng nỗi hối hận vô hạn là sự thể hiện mong muốn được hóa giải tội lỗi của Trọng Thủy. Và việc, khi đem ngọc trai rửa ở giếng ấy, ngọc lại sáng đẹp hơn thể hiện tính nhân đạo trong tâm thức người Việt. Trọng Thủy là một gián điệp chính trị, lợi dụng cả tin của Mị Châu để thực hiện mưu đồ chính trị, nhưng cuối cùng đã chọn cái chết để chuộc lỗi lầm.

- Hình ảnh ngọc trai - giếng nước với việc ngọc trai kia đem rửa trong nước giếng này lại càng sáng đẹp hơn còn nói lên rằng Trọng Thủy đã tìm được lời hóa giải trong tình cảm của Mị Châu ở thế giới bên kia. Nhìn ở khía cạnh này Trọng Thuỷ lại là một kẻ si tình thật đáng thương.

- Ý nghĩa của truyện: từ bi kịch mất nước của cha con An Dương Vương và bi kịch tình yêu của Mị Châu – Trọng Thuỷ, nhân dân muốn rút và trao truyền lại cho thế hệ sau bài học lịch sử về ý thức đề cao cảnh giác với âm mưu của kẻ thù xâm lược trong công cuộc giữ nước.

5. Tấm Cám

- Phân loại truyện cổ tích: gồm ba loại: cổ tích về loài vật, cổ tích thần kì, cổ tích sinh hoạt.  

- Đặc trưng của truyện cổ tích thần kì: có sự tham gia của nhiều yếu tố thần kì vào tiến trình phát triển của truyện. 

- Tóm tắt được cốt truyện: Truyện kể về Tấm là cô gái hiền lành, chăm chỉ, mẹ mất sớm cha đi bước nữa, rồi khi cha mất Tấm phải ở với mẹ con dì ghẻ. Tấm bị Cám – người em cùng cha khác mẹ lừa lấy hết giỏ tép. Bụt hiện lên cho Tấm cá bống làm bạn, nhưng mẹ con Cám cũng lừa ăn thịt mất Bống. Bụt giúp Tấm tìm và chôn xương bống. Ngày hội, mẹ con Cám bắt Tấm nhặt thóc gạo, không cho đi dự. Bụt hiện lên giúp và chỉ cho Tấm cách có quần áo đẹp đi dự hội. Tấm đánh rơi chiếc giày, vua nhặt được và nhờ đó cô được chọn làm hoàng hậu. Ngày giỗ cha, Tấm về trèo hái cau, bị dì ghẻ chặt cây, Tấm ngã xuống ao chết đuối, biến thành chim vàng anh. Cám thế chân chị trong cung vua. Chim vàng anh quấn quuýt bên vua, bị Cám giết thịt, lông chim lại biến thành cây xoan đào che mát cho vua. Cám chặt xoan đào, đóng khung cửi, bị khung cửi mắng, liền đốt khung, vứt tro ven đường. Từ đống tro tàn, một cây thị mọc lên, thị chín, rơi vào bị của bà lão hàng nước. Hàng ngày, tấm chui ra từ quả thị, giúp bà hàng nước dọn dẹp nhà cửa và nấu cơm nước. Bà cụ xé vỏ thị, Tấm trở lại làm người sống cùng bà lão. Nhà vua đi qua, nghỉ chân tại hàng nước, nhận ra miếng trầu têm cánh phượng của Tấm. Tấm được đón trở lại cung làm hoàng hậu. Cám bị Tấm trừng trị, dì ghẻ cũng lăn ra chết theo con. Từ đó, Tấm được sống hạnh phúc.

- Diễn biến mâu thuẫn xung đột giữa Tấm và mẹ con Cám khi ở trong gia đình và ngoài xã hội.

*Con đường đi tới hạnh phúc của Tấm:

+ Đi bắt tép: Tấm chăm chỉ xúc đầy giỏ, Cám lừa Tấm trút hết giỏ cá và nhận phần thưởng. Tấm khóc, Bụt hiện lên và cho Tấm cá bống.

+ Mẹ con Cám gạt Tấm đi chăn trâu ở đồng xa, giết cá bống để ăn thịt. Tấm khóc. Bụt hiện lên bảo Tấm cho xương cá đựng vào bốn chiếc lọ chôn ở bốn chân giường.

+ Đi trẩy hội, Dì ghẻ trộn thóc lẫn gạo, bắt Tấm nhặt không cho đi trẩy hội. Tấm khóc. Bụt hiện lên, sai một đàn chim sẻ xuống nhặt giúp.

+ Tấm không có quần áo đẹp mặc đi hội. Tấm tủi thân khóc. Bụt hiện lên cho Tấm quần áo, khăn, giày, xe ngựa. Tấm đến gặp vua, đánh rơi chiếc hài và may mắn trở thành hoàng hậu.

→ Mâu thuẫn chủ yếu xoay quanh hơn thua về vật chất và tinh thần. Tấm bị mẹ con Cám cướp đoạt trắng trợn công sức lao động, phần thưởng, niềm vui tinh thần. Tấm luôn thụ động, không tự giải quyết được mâu thuẫn mà phải nhờ vào Bụt.

ð Tấm nhờ chăm chỉ, lương thiện mà được Bụt giúp đỡ, từ cô gái mồ côi nghèo trở thành hoàng hậu. Con đường tìm đến hạnh phúc của Tấm dù có nhiều khó khăn, trắc trở nhưng cuối cùng, Tấm đã tìm được hạnh phúc cho bản thân mình. Đó cũng là con đường đến với hạnh phúc của các nhân vật lương thiện trong truyện cổ tích Việt Nam nói chung, truyện cổ tích thế giới nói riêng.

*Con đường đấu tranh giành lấy hạnh phúc của Tấm 

+ Ngày giỗ bố, Tấm về nhà trèo lên cây cau, gì ghẻ chặt gốc cây, Tấm chết hóa thành chim vàng anh. Cám được đưa vào cung thay Tấm.

+ Chim vàng anh bay vào cung, báo hiệu sự có mặt của mình bằng lời cảnh cáo đanh thép: “Giặt áo chồng tao/ thì giặt cho sạch/ phơi áo chồng tao/ phơi lao phơi sào/ chớ phơi bờ rào/ rách áo chồng tao”, hai mẹ con Cám bắt chim vàng anh, ăn thịt.

+ Tấm tiếp tục hóa thân vào cây xoan đào, rồi bị chặt làm thành khung cửi và tuyên chiến trực tiếp với hai mẹ con Cám: “Kẽo cà kẽo kẹt/ lấy tranh chồng chị/ chị khoét mắt ra”. Hai mẹ con Cám đốt khung cửi.

+ Từ đống tro tàn, Tấm tiếp tục hóa thân vào quả thị, Tấm trở lại với cuộc đời.

+ Tấm hóa thành quả thị, ngày ngày chui ra quét dọn, nấu cơm cho bà hàng nước, sau đó gặp lại nhà vua và trở về làm hoàng hậu. Mẹ con Cám ngỡ ngàng và chết một cách thảm khốc

 → Mâu thuẫn xung đột ngày càng quyết liệt, dữ dội. Tấm luôn trong thế chủ động, đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt. Tấm không còn khóc, không còn Bụt giúp đỡ, những lần hóa thân của Tấm cho thấy sự chiến đấu không khoan nhượng, sức sống mãnh liệt không thể tiêu diệt của cái thiện.

ð Tấm từ một cô gái nhu mì, thụ động ngày càng trở nên chủ động đấu tranh để giữ hạnh phúc của mình. Sự chiến thắng của Tấm là sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác.

- Ý nghĩa của quá trình biến hoá của Tấm (từ kiếp người hoá kiếp liên tiếp thành con vật, cây, đồ vật trở về kiếp người): thể hiện sức sống, sức trỗi dậy mãnh liệt của con người trước sự vùi dập của kẻ ác. Đây là sức mạnh của thiện thắng ác. 

- Đặc sắc nghệ thuật: thể hiện ở sự chuyển biến của Tấm: từ yếu đuối, thụ động đến kiên quyết đấu tranh giành lại sự sống và hạnh phúc cho mình.

6. Tam đại con gà

- Đặc trưng truyện cười: 

+ Yếu tố gây cười: những mâu thuẫn trái tự nhiên 

+ Kết cấu: vào truyện tự nhiên, kết truyện bất ngờ, ít nhân vật, ngắn gọn 

- Phân loại: 

Truyện khôi hài: nhằm mục đích giải trí, mua vui ít nhiều có tính giáo dục.  

Truyện trào phúng: mục đích châm biếm, đả kích 

- Ý nghĩa: Phê phán thói giấu dốt. Ngoài ra còn ngầm khuyên răn mọi người không nên giấu dốt mà hãy mạnh dạn học hỏi không ngừng. 

7. Nhưng nó phải bằng hai mày

- Ý nghĩa: Phê phán thói tham nhũng của lí trưởng trong việc xử kiện. Qua đó thấy được tình cảnh bi hài của người lao động lâm vào việc kiện tụng.

8. Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa

- Những đặc trưng cơ bản của ca dao trữ tình: 

+ Nội dung: phản ánh tâm tư, tình cảm của người bình dân, là tiếng lòng của nhân dân lao động trong cuộc sống cơ cực vẫn lạc quan, yêu đời… 

+ Nghệ thuật: 

  • Kết cấu: ngăn gọn, hàm súc.
  • Thể thơ: lục bát, lục bát biến thể, song thất lục bát, thể vãn bốn, vãn năm… 

*Bài 1 và 2:

- Nội dung: lời than của người phụ nữ về thân phận nhỏ bé, đắng cay, tội nghiệp. 

- Nghệ thuật: so sánh, ẩn dụ.  

*Bài 3:

- Nội dung: lời than đầy chua xót, đắng cay của người bị lỡ duyên xa cách. Dầu vậy ta vẫn nhận thấy tình cảm thuỷ chung sắt son của con người bình dân Việt Nam xưa. 

- Nghệ thuật: so sánh, ẩn dụ, lối đưa đẩy gợi cảm hứng.

*Bài 4:

- Nội dung: thể hiện nỗi nhớ thương da diết của cô gái đối với người yêu. Đồng thời đó còn là niềm lo âu về hạnh phúc lứa đôi. 

- Nghệ thuật: các hình ảnh biểu tượng (khăn, đèn, mắt), lặp cú pháp…  

*Bài 5:

- Nội dung: thể hiện tình yêu cùng khao khát yêu thương của người con gái. 

- Nghệ thuật: hình ảnh biểu tượng độc đáo - cầu dải yếm.  

*Bài 6:

- Nội dung: khẳng định sự gắn bó thuỷ chung của con người. 

- Nghệ thuật: hình ảnh biểu tượng: gừng cay - muối mặn

9. Ca dao hài hước

- Đặc trưng ca dao hài hước: Đối tượng thẩm mỹ chủ yếu của ca dao hài hước là cái hài. Cái hài được phản ánh, thể hiện trong nhiều lĩnh vực VHDG khác nhau. Đôi khi, nó thể hiện nỗi niềm chua xót đắng cay và cả tiếng cười lạc quan, thông minh, hóm hỉnh; song cũng đầy sự châm biếm, đả kích sâu cay.

*Bài 1: 

- Nội dung: lời dẫn cưới và thách cưới của chàng trai, cô gái. 

- Nghệ thuật: lối nói khoa trương, phóng đại; lối nói giảm dần; cách nói đối lập. 

- Ý nghĩa: là tiếng cười tự trào của người bình dân trong cảnh nghèo, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người lao động dù trong cảnh nghèo vẫn luôn lạc quan, yêu đời, ham sống. 

*Bài 2, 3:

- Nội dung: phê phán, chế giễu những chàng trai không có chí khí, những chàng trai siêng ăn nhác làm. 

- Nghệ thuật: phóng đại, đối lập.

*Bài 4:  

- Nội dung: chế giễu loại phụ nữ không biết chăm sóc bản thân. 

- Nghệ thuật: phóng đại, đối lập. 

10. Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX

- Các thành phần và các giai đoạn phát triển. 

- Những đặc điểm lớn về nội dung: chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo và cảm hứng thế sự. 

- Những đặc điểm lớn về nghệ thuật: 

+ Tính quy phạm và sự phá vỡ tính quy phạm. 

+ Khuynh hướng trang nhã và xu hướng bình dị. 

+ Tiếp thu và dân tộc hoá tinh hoa văn học nước ngoài. 

11. Tỏ lòng (Phạm Ngũ Lão)

*Tác giả: Phạm Ngũ Lão (1255 - 1320) 

- Người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên).  

- Là người văn võ toàn tài; có nhiều công lớn trong kháng chiến chống quân Mông – Nguyên; được phong chức Điện suý, tước Quan nội hầu.  

- Tác phẩm hiện còn: Tỏ lòng (Thuật hoài) và Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương (Vãn Tượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương). 

*Tác phẩm:

- Hoàn cảnh sáng tác: năm 1284, thời nhà Trần.

- Nhan đề: Thuật hoài - bày tỏ khát vọng và hoài bão trong lòng.

- Đề tài: Thơ tỏ chí - chí làm trai với lí tưởng trung quân ái quốc.

*Nội dung:

- Vẻ đẹp con người và thời đại nhà Trần:

+ Hình ảnh tráng sĩ: hiện lên qua tư thế cầm ngang ngọn giáo (hoành sóc) giữ non sông. Đó là tư thế hiên ngang với vẻ đẹp kì vĩ mang tầm vóc vũ trụ.  

+ Hình ảnh ba quân: hiện lên với sức mạnh của đội quân đang sôi sục khí thế quyết chiến quyết thắng.  

+ Hình ảnh tráng sĩ lồng trong hình ảnh ba quân mang ý nghĩa khái quát, gợi ra hào khí dân tộc thời Trần - hào khí Đông A

- Khát vọng cao đẹp của Phạm Ngũ Lão: Khát vọng lập công danh để thoả chí nam nhi, cũng là khát vọng được đem tài trí tận trung báo quốc - thể hiện lẽ sống lớn của con người thời đại Đông A.

*Nghệ thuật:

- Hình ảnh thơ hoành tráng, thích hợp với việc tái hiện khí thế hào hùng của thời đại và tầm vóc, chí hướng của người anh hùng.

- Ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, có sự dồn nén cao độ về cảm xúc.

*Ý nghĩa văn bản: Tác phẩm thể hiện lí tưởng cao cả của vị danh tướng Phạm Ngũ Lão, khắc ghi dấu ấn đáng tự hào về một thời kì oanh liệt, hào hùng của lịch sử dân tộc.

12. Cảnh ngày hè (Nguyễn Trãi)

*Tác giả: Nguyễn Trãi (1380 - 1442)

- Hiệu là Ức Trai, quê gốc ở làng Chi Ngại (Chí Linh - Hải Dương), sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây).

- Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và văn hóa, văn học.  

- Nguyễn Trãi là nhà yêu nước, người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. 

*Tác phẩm: Xuất xứ là bài thơ số 43 thuộc mục Bảo kính cảnh giới, phần Vô đề trong Quốc âm thi tập.

*Nội dung:

- Vẻ đẹp rực rỡ của bức tranh thiên nhiên. 

+ Mọi hình ảnh đều sống động: hoè lục đùn đùn, rợp mát như giương ô che rợp; thạch lựu phun trào sắc đỏ, sen hồng đang độ nức ngát mùi hương.

+ Mọi màu sắc đều đậm đà: hoè lục, lựu đỏ, sen hồng.  

- Vẻ đẹp thanh bình của bức tranh đời sống con người: nơi chợ cá dân dã thì lao xao, tấp nập; chốn lầu gác thì dắng dỏi tiếng ve như một bản đàn.

- Cả thiên nhiên và cuộc sống con người đều tràn đầy sức sống. Điều đó cho thấy một tâm hồn khát sống, yêu đời mãnh liệt và tinh tế giàu chất nghệ sĩ của tác giả.  

- Niềm khát khao cao đẹp:

+ Đắm mình trong cảnh ngày hè, nhà thơ ước có cây đàn của vua Thuấn, gãy khúc Nam phong cầu mưa thuận gió hoà để Dân giàu đủ khắp đòi phương.  

+ Lấy Nghiêu, Thuấn làm gương báu răn mình, Nguyễn Trãi đã bộc lộ chí hướng cao cả: luôn khát khao đem tài trí để thực hành tư tưởng nhân nghĩa yêu nước thương dân.  

*Nghệ thuật:

- Hệ thống ngôn từ giản dị, tinh tế xen lẫn từ Hán Việt và điển tích.  

- Sử dụng từ láy độc đáo: đùn đùn, lao xao, dắng dỏi

- Hình ảnh thơ gần gũi, bình dị. 

- Sử dụng những câu thơ lục ngôn dồn nén cảm xúc.  

*Ý nghĩa văn bản: Tư tưởng lớn xuyên suốt sự nghiệp trước tác của Nguyễn Trãi - tư tưởng nhân nghĩa yêu nước thương dân - được thể hiện qua những rung động trữ tình dạt dào trước cảnh thiên nhiên ngày hè. 

13. Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

*Tác giả: 

- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), tên huý là Văn Đạt, hiệu là Bạch Vân Cư Sĩ. 

- Quê quán: làng Trung Am, nay thuộc xã Lí Học, Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng. - Con người: 

+ Thẳng thắn, cương trực. 

+ Là người thầy có học vấn uyên thâm, hiểu lí số, được học trò suy tôn là Tuyết Giang Phu Tử (người thầy sông Tuyết).                      

+ Có tấm lòng ưu thời mẫn thế, yêu nước, thương dân. 

- Các tác phẩm:  

+ Bạch Vân am thi tập – gồm 700 bài thơ chữ Hán. 

+ Bạch Vân quốc ngữ thi – khoảng trên 170 bài thơ chữ Nôm. 

*Tác phẩm: Bài thơ Nhàn trích ở tập thơ Nôm Bạch Vân quốc ngữ thi tập.

*Vẻ đẹp cuộc sống ở am Bạch Vân của Nguyễn Bỉnh Khiêm: 

- Câu 1 – 2:

+ Cuộc sống thuần hậu, giản dị giữa thôn quê: mai, cuốc, cần câu, những vật dụng lao động nhà nông. Cuộc sống chất phác, nguyên sơ của thời tự cung tự cấp, có chút ngông ngạo so với thói đời nhưng ko ngang tàng. 

+ Đại từ phiếm chỉ ai: người đời, những kẻ bon chen trong vòng danh lợi. Dầu ai tạo ý đối lập giữa ta – người, vừa là khẳng định một thái độ mặc kệ lựa chọn của người, vừa khẳng định lối sống thanh nhàn của tác giả. 

- Câu 5 – 6: Cuộc sống đạm bạc mà thanh cao của tác giả: mùa nào thức ấy (măng trúc, giá đỗ); mùa nào cảnh sống ấy (hồ sen, tắm ao) 

+ Nhịp thơ: 1/3/1/2 g gợi bức tranh tứ bình về cảnh sinh hoạt với 4 mùa, có hương sắc, mùi vị giản dị mà thanh cao. Con người tận hưởng thiên nhiên giàu có, phong phú, sẵn có trong tự nhiên.  

*Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Bỉnh Khiêm: 

- Câu 3 - 4: Cách nói đối lập, ngược nghĩa:

Ta >< người

dại >< khôn

nơi vắng vẻ >< chốn lao xao

+ Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện một thái độ xuất – xử trong cách chọn lẽ sống, việc dùng từ dại, khôn không mang nghĩa gốc từ điển (dại – trí tuệ thấp kém; khôn – trí tuệ mẫn tiệp) g Cách nói ngược nghĩa, hàm ý mỉa mai, thâm trầm, sâu sắc; cách nói của những bậc đại trí.

+ Nơi vắng vẻ: Là nơi tĩnh lặng, hoà hợp với thiên nhiên trong sạch, tâm hồn con người thư thái. Là hình ảnh ẩn dụ chỉ lối sống thanh bạch, ko màng danh lợi, hòa hợp với tự nhiên. 

+ Chốn lao xao: Là nơi có cuộc sống sang trọng, quyền thế, con người sống bon chen, đua danh đoạt lợi, thủ đoạn hiểm độc. 

- Câu 7 - 8: 

+ Điển tích về Thuần Vu Phần g phú quý chỉ là một giấc chiêm bao. Gợi nên hình ảnh đẹp: tiên ông, túi thơ, bầu rượu, vui cảnh sống nhàn, thần tiên trong cảm thức nhàn, khẳng định lẽ sống đẹp của mình. 

+ Quan niệm sống: phủ nhận phú quý, danh lợi, khẳng định cái tồn tại vĩnh hằng là thiên nhiên và nhân cách con người. 

*Ý nghĩa:

Sống hòa hợp với tự nhiên, giữ cốt cách thanh cao. 

Vẻ đẹp cuộc sống: đạm bạc, giản dị mà thanh cao. 

Vẻ đẹp nhân cách: vượt lên trên danh lợi, coi trọng lối sống thanh bạch, hòa hợp với tự nhiên.

14. Đọc Tiểu Thanh kí (Nguyễn Du)

*Tác phẩm:

- Nhan đề: 

+ Đọc tập thơ của Tiểu Thanh. 

+ Đọc Tiểu Thanh truyện. 

- Hoàn cảnh sáng tác: được viết trên đường Nguyễn Du đi sứ g đưa vào tập Bắc hành tạp lục.                 

*Hai câu đề:

Vườn hoa bên Tây Hồ g Gò hoang 

g Sự đối nghịch giữa quá khứ và hiện tại gợi lẽ đời dâu bể, sự hủy diệt của thời gian với cái đẹp. Chứa đựng sự xót xa, thương cảm cho cái đẹp bị tàn phá, vùi dập. 

ð Triết lý về cái đẹp mong manh, dễ hư mất. Cảm thương cho một kiếp tài hoa, bạc mệnh. Đề tài của thơ ND. 

- Độc điếu: Một mình viếng thương nàng qua một tập sách viết về cuộc đời nàng đọc trước cửa sổ.

g Câu thơ không chỉ thể hiện sự đồng cảm, đó còn là cái tình tri kỉ, tri âm của những người tài hoa, nghệ sĩ.  

ð Hai câu thơ đề là cảm xúc, là tình đồng điệu của những tâm hồn nghệ sĩ rung động trước cuộc đời. 

*Hai câu thực:

- Biện pháp: ẩn dụ tượng trưng. 

+ Son phấn g sắc đẹp. 

+ Văn chương g tài năng.

- Tất cả đều có hồn, có thần g Cảm hứng khẳng định sự quý giá, vĩnh hằng của cái đẹp và tài năng con người. 

- Điểm gặp gỡ của hai cách cắt nghĩa ý thơ (SGK chọn cách 1): Tấm lòng tri âm, thương cảm sâu sắc của Nguyễn Du trước cuộc đời, số phận oan trái của người sắc tài kì nữ khiến trời đất ghen. 

ð ND khái quát những giá trị nghệ thuật, sắc đẹp ưu việt có sự tồn tại riêng, bất chấp quy luật sinh – diệt của cuộc đời, của người thường. 

*Hai câu luận: 

- Những mối hận cổ kim: những mối hận của người xưa và nay. 

- Thiên nan vấn: khó hỏi trời được g Một câu hỏi lớn không lời đáp - hỏi trời lời giải đáp mối hận vì sự phi lí của cuộc đời: hồng nhan đa truân, bạc mệnh, tài tử đa cùng. 

→ Tiếng nói phê phán vào những định kiến, quy củ phong kiến chà đạp quyền sống và hạnh phúc của người phụ nữ. Tiếng nói nhân đạo xót xa. 

ð Sự vận động của cảm xúc trong 6 câu đầu: Từ xúc cảm xót thương cho Tiểu Thanh g thương cho những kiếp người tài hoa bạc mệnh nói chung g tự thương mình “ngã”. 

*Hai câu kết:

- Nguyễn Du lo lắng, băn khoăn không biết ai là người trong hậu thế thấu hiểu, thương cảm ông như ông đã đồng cảm, khóc thương nàng Tiểu Thanh. Từ đó, nhà thơ bộc bạch nỗi cô đơn, không tìm được người tri âm, tri kỉ. 

g Cảm hứng tự thương: dấu hiệu của cái tôi cá nhân. 

- Tấm lòng nhân đạo lớn lao, con mắt trông thấu sáu cõi và tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời của Nguyễn Du. Bởi ông không những khóc thương cho Tiểu Thanh, cho những kiếp hồng nhan bạc phận thuở trước, khóc thương cho những kiếp tài hoa bạc mệnh đương thời, trong đó có cả chính ông mà còn khóc cho người đời sau phải khóc mình.  

*Ý nghĩa:

- Bài thơ là tiếng khóc xót thương cho số phận của một con người bất hạnh (Tiểu Thanh) và cũng là tiếng khóc tự thương cho chính cuộc đời mình (Nguyễn Du) cũng như bao con người tài hoa trong xã hội từ xưa đến nay.

- Nỗi niềm trăn trở và cả khát vọng kiếm tìm tri âm của Nguyễn Du. 

- Nguyễn Du đã mở rộng nội dung của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại: không chỉ quan tâm đến những người dân khốn khổ đói cơm rách áo mà còn quan tâm đến những người làm ra giá trị văn hoá tinh thần cao đẹp nhưng bị xã hội đối xử bất công, tàn tệ, gián tiếp nêu vấn đề về sự cần thiết phải tôn vinh, trân trọng những người làm nên các giá trị văn hoá tinh thần. 

Phần II: Tiếng Việt

Nhận diện và thực hành:

1. Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ

- Khái niệm hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ: Hoạt động giao tiếp là hoạt động trao đổi thông tin của con người trong xã hội. Giao tiếp có ở mọi nơi, mọi lúc, có thể ở dạng lời nói nhưng cũng có khi tồn tại ở dạng viết. Giao tiếp cũng có thể được tiến hành bằng nhiều phương tiện ngôn ngữ. Nhờ ngôn ngữ và giao tiếp, con người trao đổi thông tin, bộc lộ tình cảm, thái độ, quan hệ… để tổ chức xã hội hoạt động.

- Hai quá trình hình thành hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ: 

+ Tạo lập văn bản: quá trình này do người nói hoặc người viết thực hiện.

+ Lĩnh hội văn bản: do người nghe hoặc người đọc thực hiện.

ð Hai quá trình của hoạt động giao tiếp luôn diễn ra trong quan hệ tương tác với nhau. Vai giao tiếp luôn luôn thay đổi. Chính vì vậy khi xem xét các quá trình giao tiếp, chúng ta phải đặc biệt chú ý tới các tình huống giao tiếp cụ thể khác nhau.

- Các nhân tố chi phối đến hoạt động giao tiếp: 

+ Nhân vật giao tiếp

+ Hoàn cảnh giao tiếp

+ Nội dung giao tiếp

+ Mục đích giao tiếp

+ Phương tiện và cách thức giao tiếp

2. Đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết

*Đặc điểm ngôn ngữ nói

- Ngôn ngữ nói là ngôn ngữ âm thanh, là lời nói dùng trong giao tiếp hàng ngày giữa con người với con người, trong đó hai người có thể thay phiên nhau đóng vai trò người nói hoặc người nghe. Do đó, trong giao tiếp bằng ngôn ngữ nói, người nghe có thể phản hồi để người nói có thể chỉnh, sửa. Mặt khác, do sự giao tiếp bằng ngôn ngữ diễn ra tức thời, nên người nói ít có điều kiện lựa chọn, gọt giũa các phương tiện ngôn ngữ.

- Ngôn ngữ nói cũng rất đa dạng về ngữ điệu: Giọng nói có thể cao hay thấp, nhanh hay chậm, mạnh hay yếu, liên tục hay ngắt quãng. Trong ngôn ngữ nói, ngữ điệu là yếu tố quan trọng góp phần bộc lộ và bổ sung thông tin. Trong ngôn nữ nói, ngoài sự kết hợp giữa âm thanh và giọng điệu như: nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ,… của người nói.

- Từ ngữ trong ngôn ngữ nói được sử dụng khá đa dạng, có một số từ ngữ mang những lớp từ mang tính khẩu ngữ, có những từ ngữ địa phương, các tiếng lóng, các biệt ngữ, các trợ từ, thán từ... Ngôn ngữ nói hay dùng những câu tỉnh lược nhưng cũng có khi câu nói rườm rà, có nhiều yếu tố dư, hoặc lặp đi lặp lại qua đó để nhấn mạnh hoặc để người nghe có điều kiện tiếp nhận, lĩnh hội, thấu đáo nội dung giao tiếp.

- Ta cần phải phân biệt rõ việc nói và đọc một văn bản. Đọc cũng là cách ta phát ra âm thanh để mọi người nghe, nhưng lệ thuộc vào văn bản từng dấu câu, cho nên đọc chỉ là hành động phát âm của một văn bản viết nhưng người đọc cố gắng tận dụng những ưu thế của ngôn ngữ nói để biểu đạt và diễn cảm.

*Đặc điểm của ngôn ngữ viết

- Ngôn ngữ viết được thể hiện qua chữ viết trong văn bản, ngôn ngữ viết được hình thành một cách có chọn lọc kĩ càng, có suy nghĩ và căn chỉnh một cách cẩn thận. Nhờ có sự ghi chép bằng chữ trong văn bản mà ngôn ngữ viết đến được với đông đảo người đọc trong phạm vi không gian rộng lớn và thời gian lâu dài.

- Ngôn ngữ viết có ưu điểm là được có sự hỗ trợ của hệ thống dấu câu, của các kí hiệu và văn  tự, của các hình ảnh minh hoạ, bảng biểu, sơ đồ. Điều đó giúp ngôn ngữ viết cũng trở nên phong phú.

- Ngôn ngữ viết được sản sinh một cách có chọn lọc, được suy nghĩ, nghiền ngẫm và gọt giũa.

- Từ ngữ trong ngôn ngữ viết có thể thay thế được lựa chọn hay nên có điều kiện đạt được độ chính xác cao. Đồng thời khi viết, tuỳ từng phong cách ngôn ngữ của văn bản mà người viết có sự lựa chọn hệ thống ngôn từ thích hợp cho từng trường hợp.

- Ngôn ngữ nói được ghi lại bằng chữ viết trong văn bản. Trong trường hợp này, văn bản viết nhằm mục đích thể hiện ngôn ngữ nói trong những biểu hiện sinh động, cụ thể và khai thác những ưu thế của nó.

- Ngôn ngữ viết trong văn bản đôi khi được trình bày lại bằng lời nói miệng.

3. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt

- Khái niệm: Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là lời ăn tiếng nói hàng ngày, đùng dể trao đổi thông tin, trao đổi ý nghĩ, tình cảm,... đáp ứng những nhu cầu trong cuộc sống.

- Dạng thể hiện của ngôn ngữ sinh hoạt:

+ Chủ yếu thể hiện ở dạng nói, nhưng cũng có thể ở dạng viết.

+ Trong văn bản văn học, lời thoại của nhân vật là dạng tái hiện, mô phỏng ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày.

- Dấu hiệu đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt:

+ Tính cụ thể: cụ thể về hoàn cảnh, về con người và về cách nói năng, từ ngữ diễn đạt.

+ Tính cảm xúc: Mỗi lời được nói ra bao giờ cũng gắn với cảm xúc của ng­ười nói. Cảm xúc ấy rất phong phú, sinh động nhưng cũng rất cụ thể.

+ Tính cá thể: Ngôn ngữ sinh hoạt gắn với những đặc điểm riêng của cá nhân nh­ư giọng nói, từ ngữ, cách nói quen dùng, tuổi tác, giới tính, địa ph­ương...

4. Thực hành phép tu từ ẩn dụ và hoán dụ

- Ẩn dụ là gọi tên sự vật hiện tượng này bằng tên của sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

- Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng bằng tên của một sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt.

Phần III: Tập làm văn

1. Văn bản

- Văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ gồm một hay nhiều câu, nhiều đoạn và có những đặc điểm cơ bản sau đây:

+ Mỗi văn bản tập trung thể hiện một chủ đề và triển khai chủ đề đó một cách trọn vẹn.

+ Các câu trong văn bản có sự kiên kết chặt chẽ, đồng thời câu văn được xây dựng theo một kết cấu mạch lạc.

+ Mỗi văn bản có dấu hiệu biểu hiện tính hoàn chỉnh về nội dung  (thường mở đầu bằng một nhan đề và kết thúc bằng hình thức thích hợp với từng loại văn bản).

+ Mỗi văn bản nhằm thực hiện một hoặc một số mục đích giao tiếp nhất định

- Theo lĩnh vực và mục đích giao tiếp, người ta phân biệt thành các loại văn bản sau:

+ Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt (thư, nhật kí)

+ Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật (thơ, truyện, tiểu thuyết…)

+ Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học (sách giáo khoa, tài liệu học tập, báo cáo khoa học…)

+ Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ hành chính (đơn, biên bản, nghị quyết)

+ Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận (bài bình luận, lời kêu gọi, bài hịch…)

+ Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ báo chí (bản tin, tin phóng sự, bài phỏng vấn…)

2. Lập dàn ý bài văn tự sự

- Lập dàn ý bài văn tự sự là nêu rõ những nội dung chính cho câu chuyện mà mình sẽ viết, sẽ kể.

- Dàn ý:

+ Mở bài: giới thiệu câu chuyện (hoàn cảnh, không gian, thời gian, nhân vật…).

+ Thân bài: những sự việc, chi tiết chỉnh theo diễn biến câu chuyện.

+ Kết bài: kết thúc câu chuyện (có thể nêu cảm nghĩ của nhân vật hoặc một chi tiết thật đặc sắc, ý nghĩa).

- Muốn lập dàn ý, cần dự kiến đề tài, xác định các nhân vật, chọn và sắp xếp các sự việ, chi tiết tiêu biểu một các hợp lí.

3. Chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự

- Sự việc tiêu biểu là những mốc sự việc quan trọng góp phần hình thành cốt truyện, bố cục, từng bước hoàn chỉnh văn bản.

- Mỗi sự việc tiêu biểu có thể có nhiều chi tiết đặc sắc. Chi tiết mang của tác phẩm có thể mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Chi tiết có thể là một lời nói, một cử chỉ, một hành động của nhân vật… Những chi tiết đặc sắc tập trung thể hiện rõ nét sự việc tiêu biểu.

- Các bước chọn được sự việc, chi tiết tiêu biểu:

+ Bước 1: Xác định đề tài, chủ đề câu chuyện.

+ Bước 2: Dự kiến cốt truyện (các sự việc tiêu biểu trong câu chuyện đó).

  • Cốt truyện truyền thống, thường gồm các phần: Trình bày, khai đoạn (thắt nút), phát triển, đỉnh điểm (cao trào) và kết thúc (mở nút).
  • Cốt truyện hiện đại: Là cốt truyện không theo logic kể trên, có thể đảo lộn hoặc thiếu một phần nào đó hoặc có loại tự sự mà không có… chuyện (chỉ miêu tả những dòng cảm xúc).

+ Bước 3: Triển khai các sự việc bằng các chi tiết chọn lọc, tiêu biểu.

4. Miêu tả, biểu cảm trong bài văn tự sự

- Miêu tả và biểu cảm là hai yếu tố quan trọng trong văn tự sự. Nhớ những yếu tố đó mà câu chuyện trở nên sinh động, hấp dẫn và có sự truyền cảm hức mạnh mẽ.

- Muốn miêu tả và biểu cảm thành công, người viết cần phải quan tâm, tìm hiểu cuộc sống của con người và bản thân, đồng thời chú ý quan sát liên tưởng, tưởng tượng và lắng nghe những lay động mà sự vật, sự việc khách quan gieo vào tâm trí của mình.

5. Luyện tập viết đoạn văn tự sự

- Đoạn (các đoạn) mớ bài giới thiệu câu chuyện; các đoạn thân bài kế lại diễn biến cúa các sự việc; đoạn (các đoạn) kết bài kết thúc câu chuyện, tạo ấn tượng đối với suy nghĩ, cảm xúc của người đọc, người nghe. 

- Để viết đoạn văn tự sự, cần hình dụng sự việc xáy ra như thế nào rồi lần lượt kể lại diễn biến của nó chú ý sứ dụng các phương tiện liên kết câu để đoạn văn được mạch lạc, chặt chẽ.

6. Tóm tắt văn bản tự sự theo nhân vật chính

- Tóm tắt văn bản tự sự dựa theo nhân vật chính là viết hoặc kể lại một cách ngắn gọn những sự việc cơ bán xáy ra với nhân vật đó. Bán tóm tắt phải trung thành với văn bản gốc.

- Khi tóm tắt, cần :

+ Đọc kĩ văn bán, xác định nhân vật chính.

+ Chọn các sự việc cơ bán xáy ra với nhân vật chính và diễn biến của các sự việc đó.

+ Tóm tắt các hành động, lời nói, tâm trạng cúa nhân vật theo diễn biến của các sự việc (một vài chỗ có thế kết hợp dẫn nguyên văn từ ngữ, câu văn trong văn bán gốc).

B. Cấu trúc đề thi

Đề gồm có hai phần:

- Phần 1: Đọc - hiểu (3,0 – 4,0 điểm) liên quan đến nội dung trong đoạn ngữ liệu phần đọc hiểu.

- Phần 2: Nghị luận văn học (7,0 – 6,0 điểm) xoay quanh các tác phẩm học trong giới hạn đề ra.

C. Đề thi minh họa

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) 

Mẹ! 

Có nghĩa là duy nhất 

Một bầu trời 

Một mặt đất 

Một vầng trăng 

Mẹ không sống đủ trăm năm 

Nhưng đã cho con dư dả nụ cười tiếng hát […] (1)

Mẹ! 

Có nghĩa là ánh sáng 

Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim […]

Mẹ! 

Có nghĩa là mãi mãi 

Là cho - đi - không - đòi lại - bao giờ […] (2) 

(Trích Ngày xưa có mẹ - Thanh Nguyên) 

Câu 1 (1,0 điểm): Xác định phong cách ngôn ngữ và phương thức biểu đạt của đoạn trích trên.

Câu 2 (1,0 điểm): Nêu tác dụng của biện pháp tu từ chính sử dụng trong khổ (1) của đoạn trích.

Câu 3 (1,0 điểm): Viết một đoạn văn (khoảng 5-7 dòng) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu thơ:  

Mẹ!

Có nghĩa là ánh sáng

Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim

II. LÀM VĂN (7,0 điểm) 

Đề bài: Cảm nhận của anh/chị về hào khí Đông A được thể hiện trong bài thơ Thuật hoài (Tỏ lòng) của Phạm Ngũ Lão.

GỢI Ý

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

- Phương thức biểu đạt biểu cảm.

Câu 2: 

- Biện pháp tu từ chính: Phép điệp/ Điệp từ. (mộtmẹcó nghĩa là)  

- Tác dụng: Khẳng định sự duy nhất và tầm quan trọng không thể thay thế của mẹ đối với cuộc đời con, cũng giống như trời đất, trăng sao – chỉ có một trên đời”. 

Câu 3:

- Mẹ mang cho con “ánh sáng”, đó là niềm tin, tình yêu thương dẫn lối cuộc đời con. 

- Mẹ thắp sáng đời con bằng “máu con tim”, bằng tấm lòng bao la và vĩnh cửu của người. Khẳng định: Tình mẹ bao giờ cũng cao cả, lớn lao, không gì đo đếm được.  

- Tiếng gọi “mẹ!” sẽ mãi mãi sống cùng năm tháng với con, sẽ không bao giờ tắt được trên thế gian khi tình cảm của con vẫn luôn dành cho mẹ với niềm kính trọng, yêu thương mãi mãi bất diệt với thời gian. 

Lưu ý: HS có thể trình bày theo cách của mình, chỉ cần hợp lý và thuyết phục thì chấm vẫn tối đa điểm.

II. LÀM VĂN

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận 

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 

Hào khí Đông A trong tác phẩm Thuật hoài (Tỏ lòng) của Phạm Ngũ Lão.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

- Giới thiệu tác giả Phạm Ngũ Lão và tác phẩm Tỏ lòng

- Hoàn cảnh sáng tác: Tương truyền bài thơ được sáng tác trước cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần 2, lúc đó Phạm Ngũ Lão cùng một số tướng lĩnh được cử đi trấn giữ biên cương. 

- Giải thích hào khí Đông A: Theo chữ Hán thì chữ Đông và chữ A ghép lại là chữ Trần; hào khí Đông A là hào khí thời Trần – khí thế mạnh mẽ, hùng dũng trong công cuộc chống giặc bảo vệ đất nước. 

- Cảm nhận hào khí Đông A thể hiện trong bài thơ “Tỏ lòng”: 

+ Hình ảnh tráng sĩ nhà Trần hiên ngang, uy vũ, sánh ngang tầm vũ trụ. + Niềm tự hào trước sức mạnh và khí thế hào hùng của quân đội nhà Trần. 

+ Khát vọng lập nhiều chiến công, cống hiến nhiều hơn cho đất nước. 

- Nghệ thuật: Giọng thơ hào hùng, mang cảm hứng tự hào, ngợi ca; bút pháp phóng đại; điển tích; đặt con người trong tương quan với vũ trụ… 

- Đánh giá: Hào khí Đông A làm nên chất anh hùng ca cho bài thơ Tỏ lòng, Phạm Ngũ Lão đã thể hiện rõ tấm lòng yêu nước và khát vọng chống giặc cứu nước.

d. Sáng tạo 

- Ý mới mẻ, sâu sắc, biết liên hệ, so sánh.

e. Diễn đạt 

- Chính tả, dùng từ, đặt câu.

Xem thêm đề cương ôn tập môn Văn 10 hay, chi tiết khác:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, KHÓA HỌC DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 6

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và khóa học dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài 500 Công thức, Định Lí, Định nghĩa Toán, Vật Lí, Hóa học, Sinh học được biên soạn bám sát nội dung chương trình học các cấp.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên