Kiến thức trọng tâm Địa Lí 10 Bài 26: Cơ cấu nền kinh tế



Kiến thức trọng tâm Địa Lí 10 Bài 26: Cơ cấu nền kinh tế

Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức môn Địa Lí lớp 10 năm 2021, VietJack biên soạn Địa Lí 10 Bài 26: Cơ cấu nền kinh tế theo bài học đầy đủ, chi tiết nội dung lý thuyết, câu hỏi trắc nghiệm và giải các bài tập trong sgk Địa Lí 10.

A. Lý thuyết bài học

I. Các nguồn lực phát triển kinh tế

1. Khái niệm

Nguồn lực là tổng thể vị trí địa lí, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hệ thống tài sản quốc gia, nguồn nhân lực, đường lối chính sách, vốn và thị trường... ở cả trong và ngoài nước có thể được khai thác nhằm phục vụ cho việc phát triển kinh tế của một lãnh thổ nhất định.

2. Các nguồn lực và vai trò đối với phát triển kinh tế

a. Căn cứ vào nguồn gốc:

Địa Lí 10 Bài 26: Cơ cấu nền kinh tế

b. Căn cứ vào phạm vi lãnh thổ

- Nguồn lực bên trong: Vị trí địa lí, tự nhiên, kinh tế - xã hội trong nước.

- Nguồn lực bên ngoài: Vốn, thị trường, khoa học và công nghệ, kinh nghiệm quản lí sản xuất, kinh doanh từ các nước khác.

3. Vai trò của nguồn lực đối với phát triển kinh tế

- Nguồn lực vị trí địa lí (tự nhiên, kinh tế, chính trị, giao thông...) tạo điều kiện thuận lợi hay khó khăn trong việc trao đổi, tiếp cận hay cùng phát triển giữa các vùng trong một nước, giữa các quốc gia với nhau.

- Nguồn lực tự nhiên (đất, khí hậu, nước, biển, sinh vật, khoáng sản):

   + Là cơ sở tự nhiên cho các quá trình sản xuất.

   + Là nguồn lực quan trọng, là điều kiện cần cho quá trình sản xuất.

- Kinh tế - xã hội (dân cư, thị trường, vốn, khoa học kĩ thuật, chính sách và xu thế phát triển...) có vai trò quan trọng để lựa chọn chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn.

II. Cơ cấu nền kinh tế

1. Khái niệm

- Khái niệm: Cơ cấu kinh tế là tổng thể các ngành, lĩnh vực, bộ phận kinh tế có quan hệ hữu cơ tương đối ổn định hợp thành.

- Nội dung chủ yếu của cơ cấu kinh tế:

   + Tổn thể các bộ phận hợp thành.

   + Các mối quan hệ hữu cơ tương đối ổn định theo một tương quan hay tỉ lệ nhất định.

2. Các bộ phận hợp thành cơ cấu nền kinh tế

Địa Lí 10 Bài 26: Cơ cấu nền kinh tế

a. Cơ cấu ngành kinh tế

- Một số khái niệm:

   + Cơ cấu kinh tế là tập hợp tất cả các ngành hình thành nên nền kinh tế và các mối quan hệ tương đối ổn định giữa chúng.

   + Cơ cấu ngành kinh tế là bộ phận cơ bản nhất của cơ cấu kinh tế.

- Cơ cấu kinh tế gồm 3 nhóm: Nông – lâm – ngư nghiệp (khu vực I), công nghiệp - Xây dựng (khu vực II) và dịch vụ (khu vực III).

Địa Lí 10 Bài 26: Cơ cấu nền kinh tế

b. Cơ cấu thành phần kinh tế

- Cơ sở hình thành: Hình thành trên cơ sở chế độ sở hữu bao gồm nhiều thành phần kinh tế có tác động qua lại với nhau.

- Phân loại: Kinh tế Nhà nước, kinh tế ngoài Nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

c. Cơ cấu lãnh thổ

- Bao gồm: toàn cầu, khu vực, quốc gia, vùng.

- Có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với cơ cấu ngành.

Kết luận: Cơ cấu kinh tế là sản phẩm của quá trình phân công lao động theo lãnh thổ, các bộ phận cấu thành chúng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy, cơ cấu hợp lí thì thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ngược lại.

B. Câu hỏi trắc nghiệm

Câu 1: Nguồn lực là

A. Tổng thể các yếu tố trong và ngoài nước có khả năng khai thác nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một lãnh thổ nhất định.

B. Các điều kiện tự nhiên nhưng không thể khai thác để phục vụ cho sự phát triển kinh tế của một lãnh thổ nhất định.

C. Các điều kiện kinh tế - xã hội ở dưới dạng tiềm năng.

D. Các tác động từ bên ngoài không có sức ảnh hưởng đến sự phát triển của một lãnh thổ nhất định.

Lời giải:

Nguồn lực là tổng thể các yếu tố trong và ngoài nước có khả năng khai thác nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một lãnh thổ nhất định.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 2: Trong xu thế mở cửa nền kinh tế, nguồn lực có vai trò tạo điều kiện thuận lợi hay khó khăn trong việc trao đổi, tiếp cận hay cùng phát triển giữa các vùng trong một nước, giữa các quốc gia với nhau là

A. tài nguyên thiên nhiên.

B. vốn.

C. thị trường.

D. vị trí địa lí.

Lời giải:

Nguồn lực vị trí địa lí (tự nhiên, kinh tế, chính trị, giao thông...) tạo điều kiện thuận lợi hay khó khăn trong việc trao đổi, tiếp cận hay cùng phát triển giữa các vùng trong một nước, giữa các quốc gia với nhau.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 3: Nguồn vốn, thị trường, khoa học và công nghệ, kinh nghiệm quản lí từ các nước khác ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của một nước, được gọi là

A. Nguồn lực tự nhiên.

B. Nguồn lực tự nhiên – xã hội.

C. Nguồn lực từ bên trong.

D. Nguồn lực từ bên ngoài.

Lời giải:

Nguồn lực bên ngoài gồm: vốn, thị trường, khoa học và công nghệ, kinh nghiệm quản lí sản xuất, kinh doanh từ các nước khác.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 4: Cơ cấu ngành kinh tế của các nước đang phát triển có đặc điểm là

A. Tỉ trọng ngành nông – lâm – ngư nghiệp rất cao.

B. Tỉ trọng ngành nông – lâm – ngư nghiệp có xu hướng tăng.

C. Tỉ trọng nông nghiệp còn chiếm tỉ lệ cao mặc dù tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ đã tăng.

D. Tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng có xu hướng giảm.

Lời giải:

Cơ cấu ngành kinh tế của các nước đang phát triển có đặc điểm là tỉ trọng nông nghiệp còn chiếm tỉ lệ cao mặc dù công nghiệp, dịch vụ đã tăng.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 5: Cơ cấu ngành kinh tế của các nước phát triển có đặc điểm là

A. Tỉ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ cao.

B. Tỉ trọng ngành nông - lâm – ngư nghiệp còn tương đối lớn.

C. Tỉ trọng các ngành tương đương nhau.

D. Tỉ trọng ngành công nghiệp – xây dựng cao nhất.

Lời giải:

Cơ cấu ngành kinh tế của các nước phát triển có đặc điểm là tỉ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ cao.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 6: Cơ cấu lãnh thổ là kết quả của

A. Sự phân hóa về điều kiện tự nhiên theo lãnh thổ.

B. Quá trình phân công lao động theo lãnh thổ.

C. Khả năng thu hút vốn đầu tư theo lãnh thổ.

D. Sự phân bố dân cư theo lãnh thổ.

Lời giải:

Cơ cấu lãnh thổ là kết quả của quá trình phân công lao động theo lãnh thổ.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 7: Sự phân chia thành các nguồn lực bên trong và bên ngoài là dựa vào:

A. Nguồn gốc

B. Tính chất tác động của nguồn lực

C. Phạm vi lãnh thổ

D. Chính sách và xu thế phát triển

Lời giải:

Căn cứ vào phạm vi lãnh thổ chia ra:

- Nguồn lực bên trong: Vị trí địa lí, tự nhiên, kinh tế - xã hội trong nước.

- Nguồn lực bên ngoài: Vốn, thị trường, khoa học và công nghệ, kinh nghiệm quản lí sản xuất, kinh doanh từ các nước khác.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 8: Ý nào không đúng về vai trò của nguồn lực tự nhiên ?

A. Là cơ sở tự nhiên của quá trình sản xuất.

B. Vừa phục vụ trực tiếp cho cuộc sống, vừa phục vụ phát triển kinh tế.

C. Là điều kiện quyết định sự phát triển nền sản xuất.

D. Sự giàu có và đa dạng về tài nguyên thiên nhiên tạo lợi thế quan trọng cho sự phát triển.

Lời giải:

- Nguồn lực tự nhiên (đất, khí hậu, nước, biển, sinh vật, khoáng sản) có vai trò:

+ Là cơ sở tự nhiên cho các quá trình sản xuất

+ Là nguồn lực quan trọng, là điều kiện cần cho quá trình sản xuất.

+ Các nguồn lợi tự nhiên (sinh vật) phục vụ trực tiếp cho đời sống con người (nhu cầu ăn uống) vừa là nguồn nguyên, nhiên liệu cho các ngành công nghiệp; nguyên liệu đa dạng tạo ra nhiều sản phẩm phong phú.

⇒ Loại đáp án A, B, D

- Nguồn lực kinh tế - xã hội (con người) là điều kiện quyết định sự phát triển nền sản xuất.

⇒ Nhận xét C không đúng

Đáp án cần chọn là: C

Câu 9: Đặc điểm nào dưới đây đúng với cơ cấu ngành kinh tế ?

A. Ổn định về tỉ trọng giữa các ngành.

B. Thay đổi phù hợp với trình độ phát triển sản xuất.

C. Giống nhau giữa các nước, nhóm nước.

D. Không phản ánh được trình độ phát triển của các quốc gia.

Lời giải:

Cơ cấu ngành kinh tế giữa các nhóm nước có sự thay đổi:

+ Các nước đang phát triển: Tỉ trọng nông nghiệp còn chiếm tỉ lệ cao mặc dù công nghiệp, dịch vụ đã tăng.

+ Các nước đang phát triển: Tỉ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ cao.

⇒ Nhận xét A: cơ cấu ngành kinh tế ổn định về tỉ trọng giữa các ngành không đúng.

- Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các ngành là quá trình thay đổi tích cực, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế của các quốc gia. Ví dụ ở Việt Nam quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa nền kinh tế.

⇒ Nhận xét B đúng

- Cơ cấu ngành kinh tế có sự khác nhau giữa các nước trên thế giới:

+ Các nước phát triển: dịch vụ, công nghiệp chiếm tỉ lệ cao.

+ Các nước đang phát triển: nông nghiệp còn chiếm tỉ lệ cao mặc dù công nghiệp, dịch vụ đã tăng

⇒ Nhận xét C sai.

- Cơ cấu kinh tế có đang có sự thay đổi theo hướng phù hợp với quá trình phát triển kinh tế: giảm tỉ trọng ngành nông –lâm-ngư nghiệp, tăng tỉ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ.

- Cơ cấu kinh tế giữa các ngành phản ánh trình độ phát triển của các nước: các nước có tỉ trọng ngành công nghiệp- xây dựng và dịch vụ rất cao chứng tỏ trình độ phát triển kinh tế cao; các nước có ngành nông – lâm – ngư nghiệp chiếm tỉ trọng cao thể hiện trình độ phát triển thấp, lạc hậu.

⇒ Nhận xét D sai

Đáp án cần chọn là: B

Câu 10: Nguồn lực kinh tế - xã hội quan trọng nhất, có tính quyết định đến sự phát triển kinh tế của một đất nước là

A. Khoa học – kĩ thuật và công nghệ.

B. Vốn.

C. Thì trường tiêu thụ.

D. Con người.

Lời giải:

- Con người được xem là lực lượng sản xuất của nền kinh tế: con người sử dụng khối óc chất xám để sáng tạo ra các công nghệ hiện đại, phát triển và ứng dụng nhiều thành tựu khoa học kĩ thuật vào quá trình sản xuất; đồng thời con người trực tiếp điều khiển, quản lý quá trình vận hành của phương tiện kĩ thuật, máy móc trong các khâu sản xuất để tạo ra sản phẩm cuối cùng.

- Con người vừa là lực lượng sản xuất, vừa là lực lượng tiêu thụ quan trọng nhất -> điều này thúc đẩy các quá trình sản xuất tiếp tục phát triển và không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu khách hàng.

⇒ Nguồn lực kinh tế - xã hội quan trọng nhất, có tính quyết định đến sự phát triển kinh tế của một đất nước là con người.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 11: Nguồn lực góp phần mở rộng khả năng khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác là:

A. Vốn

B. Dân cư và nguồn lao động

C. Đường lối chính sách

D. Khoa học và công nghệ

Lời giải:

- Tài nguyên thiên nhiên rất đa dạng và giàu có, nhưng phân bố ở nhiều dạng, ở những khu vực khác nhau. Khoa học và công nghệ phát triển, con người đã chế tạo ra nhiều phương tiện, công cụ sản xuất hiện đại, có thể khoan sâu hàng trăm mét dưới lòng đất để khai thác các bể dầu, khí; khai thác tài nguyên ở những nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất (sa mạc khô hạn, bắc cực lạnh giá quanh năm) -> góp phần mở rộng khả năng khai thác tài nguyên.

- Khoa học và công nghệ hiện đại cũng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt, tính năng vượt trội, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Ví dụ: khoa học công nghệ sử dụng các nguyên liệu kim loại, phi kim chế tạo ra các sản phẩm điện tử hiện đại, điện thoại thông minh, máy bay…; nguyên liệu tự nhiên từ ngành nông nghiệp được chế biến để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị như cà phê, nước giải khát, thực phẩm đóng gói, đồ hộp…

⇒ Như vậy, nguồn lực góp phần mở rộng khả năng khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác là khoa học và công nghệ.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 12: Sự phát triển nền kinh tế nước ta từ những năm đổi mới đến nay đã khẳng định vai trò của nguồn lực:

A. Vị trí địa lí

B. Dân cư và nguồn lao động

C. Vốn, thị trường

D. Chính sách, chiến lược phát triển kinh tế

Lời giải:

- Từ sau khi thống nhất, nước ta bước vào thời kì mới xây dựng phát triển kinh tế. Năm 1986, Nhà nước đã đề ra chính sách Đổi mới nền kinh tế. Chính sách Đổi mới được thực hiện toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong kinh tế là tiến hành mở cửa hội nhập, công nghiệp hóa – hiện đại hóa nền kinh tế, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế (đặc biệt là cơ cấu ngành kinh tế) phấn đấu đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp.

- Đến nay, chính sách Đổi mới kinh tế đã mang lại nhiều thành tựu to lớn cho nền kinh tế nước ta: nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng trì trệ, khắc phục hậu quả chiến tranh; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng lên; nước ta mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới (thông qua các tổ chức liên kết: WTO, APEC, ASEAN…)

⇒ Như vậy, Sự phát triển nền kinh tế nước ta từ những năm đổi mới đến nay đã khẳng định vai trò của nguồn lực: chính sách, chiến lược phát triển kinh tế

Đáp án cần chọn là: D

C. Giải bài tập sgk

Xem thêm các bài học Địa Lí lớp 10 đầy đủ, chi tiết khác:

Đã có lời giải bài tập lớp 10 sách mới:

Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 10

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.




Giải bài tập lớp 10 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên