Soạn văn 8 VNEN Bài 22: Hịch tướng sĩ

Soạn văn 8 VNEN Bài 22: Hịch tướng sĩ

A. Hoạt động khởi động

(trang 34, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Theo em, những bài hịch thường ra đời trong bối cảnh lịch sử nào và nhằm mục đích gì ?

Trả lời:

- Bối cảnh lịch sử của các bài hịch:

    + Trong hoàn cảnh đất nước lâm nguy, xảy ra chiến tranh

    + Thời điểm trước các cuộc kháng chiến

    + Có tai họa, mối đe dọa to lớn đối với cuộc sống của người dân.

- Mục đích viết hịch:

Cổ động, thuyết phục, khích lệ, cổ vũ mọi người cùng đứng lên đồng lòng đấu tranh chống lại tai ương, chống thù trong giặc ngoài.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. (trang 35, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Đọc hiểu văn bản Hịch tướng sĩ.

2. (trang 34, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Tìm hiểu văn bản.

a. Hoàn thiện bảng sau để nắm được bố cục, nội dung của bài Hịch tướng sĩ:

Bố cục Nội dung chính




b. Những chi tiết nào miêu tả sự ngang ngược và tội ác của giặc?


c. Lòng yêu nước, căm thù giặc của Trần Quốc Tuấn thể hiện qua những chi tiết nào? Nhận xét về tinh thần yêu nước của Trần Quốc Tuấn qua bài Hịch tướng sĩ.


d. Trần Quốc Tuấn phê phán những hành động sai trái gì của tướng sĩ, đồng thời khẳng định những việc đúng nên làm là gì?


e. Hoàn thành bảng theo gợi ý sau để thấy được những nét đặc sắc về giọng điệu của bài Hịch tướng sĩ:

Nội dung Giọng điệu Ví dụ
Ngợi ca Hào hùng, sảng khoái Cốt Đãi Ngột Lang … còn lưu tiếng tốt!
Tâm tình
Phê phán
Khuyên bảo

g. Ngoài nét đặc sắc về giọng điệu, Hịch tướng sĩ còn có những thành công nào khác về nghệ thuật? Chỉ rõ một số thành công đó (cách lập luận, sử dụng dẫn chứng, hình ảnh, từ ngữ,…)

Trả lời:

a. Hoàn thiện bảng:

Bố cục Nội dung chính
Phần 1: Từ đầu đến “ còn lưu tiếng tốt." Nêu những tấm gương anh hùng trong sử sách, để khích lệ tướng sĩ.
Phần 2: từ "Huống chi ta cùng các ngươi" đến "ta cũng vui lòng." Phơi bày bọ mặt xấu xa và tội ác của kẻ thù; đồng thời bày tỏ lòng căm thù giặc
Phần 3: Từ "Các ngươi ở cùng ta" đến "không muốn vui vẻ phỏng có được không ?" Phân tích phải trái, làm rõ đúng sai trong lối sống, trong hành động của các tướng sĩ.
Phần 4: Đoạn còn lại Nêu nhiệm vụ cụ thể, cấp bách và khích lệ tinh thần chiến đấu của tướng sĩ.

b. Những chi tiết miêu tả sự ngang ngược và tội ác của giặc:

- Bộ mặt của giặc được phơi bày bằng những việc trong thực tế:

    + Đi lại nghênh ngang, sỉ mắng triều đình.

    + Bắt nạt tể phụ, đòi lụa ngọc, thu vàng bạc, vét của kho.

→ Lột tả bộ mặt ngang ngược, thói tham lam, sự độc ác của những quân giặc, đồng thời bày tỏ sự căm phẫn, thái độ khinh bỉ cực độ của tác giả.

- Sử dụng lối nói so sánh, ẩn dụ:

    + So sánh quân giặc với thân dê chó, lưỡi cú diều.

    + Hình ảnh được đặt trong thế đối sánh để tỏ rõ sự căm thù, khinh bỉ cực độ: uốn lưỡi cũ diều- sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó- bắt nạt tể phụ.

→ Tố cáo tội ác của giặc, tác giả đã khơi gợi lòng tự tôn, tự trọng dân tộc, khơi gợi lòng tướng sĩ thái độ căm phẫn trước kẻ thù và trách nhiệm với đất nước.


c. Lòng yêu nước, căm thù giặc của Trần Quốc Tuấn thể hiện qua những chi tiết:

- Nỗi đau nước mất nhà tan được diễn tả thống thiết:

    + Quên ăn, mất ngủ, lòng đau như dao cắt, nước mắt đầm đìa.

- Uất hận lên tới đỉnh điểm khi tác giả bộc lộ thái độ căm phẫn, muốn tiêu diệt kẻ thù:

    + Căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù.

- Vị tướng nguyện một lòng xả thân vì sự nghiệp bảo vệ đất nước:

    + Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, … ta cũng vui lòng.

→ Nổi bật hình tượng người anh hùng yêu nước, khảng khái, sẵn sàng xả thân vì nước. Dốc hết những lời gan ruột để lay động quân sĩ tình yêu nước, thái độ căm thù giặc.


d. Trần Quốc Tuấn phê phán những hành động sai trái gì của tướng sĩ, đồng thời khẳng định những việc đúng nên làm là có dụng ý:

    + Trần Quốc Tuấn nghiêm khắc phê phán thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của tướng sĩ khi đất nước bị làm nhục.

    + Tập trung phê phán những thú vui tầm thường, hành động sai trái: thích rượu ngon, mê gái đẹp, ưa săn bắn.

    + Thức tỉnh sự tự ý thức, trách nhiệm, tự nhìn nhận

    + Chấn chỉnh suy nghĩ, hành động của tướng sĩ cho đúng đắn:

- Khi phê phán hoặc khẳng định tác giả đều tập trung vào vấn đề nêu cao tinh thần cảnh giác, chăm lo rèn luyện để chiến thắng kẻ thù xâm lược.

- Lời nói đanh thép như trách mắng tướng sĩ "không biết lo", "không biết thẹn", "không biết căm tức".

→ Khi chỉ ra những điều sai trái nghĩa quân, tướng sĩ phạm để thức tỉnh ý thức tự tôn dân tộc, qua đó vạch ra hướng đi đúng đắn, quyết tâm tiêu diệt kẻ thù là mục đích cốt yếu.


e. Hoàn thành bảng:

Nội dung Giọng điệu Ví dụ
Ngợi ca Hào hùng, sảng khoái Cốt Đãi Ngột Lang … còn lưu tiếng tốt!
Tâm tình Chân thành, xúc động Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền đã lâu ngày… lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười.
Phê phán Đanh thép, dứt khoát, nghiêm khắc Nay các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo…tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai.
Khuyên bảo Gần gũi, chân tình "Lúc bấy giờ, ta cùng các ngươi sẽ bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những …mà phần mộ cha mẹ các ngươi cũng bị quật lên...

g. Ngoài nét đặc sắc về giọng điệu, Hịch tướng sĩ còn có những thành công khác về nghệ thuật như sau:

- Thủ pháp so sánh tương phản : Làm nổi bật hình ảnh đau thương người dân mất nước >< hình ảnh ngang ngược, tàn bạo của giặc Nguyên- Mông.

- Thủ pháp trùng điệp- tăng tiến được kết hợp với thủ pháp so sánh- tương phản nhằm tạo giọng điệu hùng hồn, trùng điệp, khắc vào tâm trí người đọc.

- Lập luận chặt chẽ, sắc bén với lời văn đanh thép.

- Sử dụng các biện pháp tu từ: so sánh, điệp từ, điệp ngữ, điệp ý…

- Linh hoạt trong cách sử dụng giọng điệu trong văn bản.

→ Nghệ thuật lập luận sắc bén, linh hoạt kết hợp với các thủ pháp tiêu biểu, lời lẽ khi tha thiết, khi nghiêm nghị nhằm tạo ra áng văn chính luận đanh thép, có sức thuyết phục cao.


3. (trang 39, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Tìm hiểu về hành động nói

a. Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu:

Cái Tí chưa hiểu hết ý câu nói của mẹ, nó xám mặt lại và hỏi bằng giọng luống cuống:

- Vậy thì bữa sau con ăn ở đâu ?

Điểm thêm một “giây” nức nở, chị Dậu ngó con bằng cách xót xa:

- Con sẽ ăn ở nhà cụ Nghị thôn Đoài.

Cái Tí nghe nói giãy nảy, giống như sét đánh bên tai, nó liệng củ khoai vào rổ và oà lên khóc.

[…] Chừng như lúc nãy thấy bắt cả chó lớn, chó con, cái Tí vẫn tưởng những con vật ấy sẽ đi thế mạng cho mình, cho nên nó đã vững dạ ngồi im. Bây giờ nghe mẹ nó giục nó phải đi, nó lại nhếch nhác, mếu khóc:

- U nhất định bán con đấy ư ? U không cho con ở nhà nữa ư ? Khốn nạn thân con thế này! Trời ơi!…

      (Ngô Tất Tố, Tắt đèn)

(1) Liệt kê những câu nói của các nhân vật trong đoạn trích trên.

(2) Mỗi câu nói của nhân vật nhằm mục đích gì? (Gợi ý: trình bày, hỏi, bộc lộ cảm xúc, hứa hẹn, điều khiến,…)

(3) Chỉ ra mỗi kiểu câu tương ứng với mục đích nói đã xác định.


b. Điền các từ ngữ: lời nói, điều khiển, hỏi, trình bày vào chỗ trống để hoàn thiện bảng thông tin sau:

- Hành động nói là hành động được thực hiện bằng … nhằm mục đích nhất định.

- Người ta dựa theo mục đích của hành động nói mà đặt tên cho nó. Những kiểu hành động nói thường gặp là …….(báo tin, kể, tả, nêu ý kiến, dự đoán,…),…….(cầu khiến, đe dọa, thách thức,…), hứa hẹn, bộc lộ cảm xúc.


Trả lời:

a. Những câu nói của các nhân vật trong đoạn trích:

- Vậy thì bữa sau con ăn ở đâu ?

    + Mục đích: dùng để hỏi

    + Kiểu câu tương ứng: câu nghi vấn

- Con sẽ ăn ở nhà cụ Nghị thôn Đoài.

    + Mục đích: thông báo

    + Kiểu câu tương ứng: câu trần thuật

- U nhất định bán con đấy ư ? U không cho con ở nhà nữa ư ? Khốn nạn thân con thế này! Trời ơi!…

    + Mục đích: bộc lộ cảm xúc tuyệt vọng, xót xa

    + Kiểu câu tương ứng: câu cảm thán.


b. Hoàn thiện bảng thông tin:

- Hành động nói là hành động được thực hiện bằng lời nói nhằm mục đích nhất định.

- Người ta dựa theo mục đích của hành động nói mà đặt tên cho nó. Những kiểu hành động nói thường gặp là hỏi, trình bày (báo tin, kể, tả, nêu ý kiến, dự đoán,…), điều khiển (cầu khiến, đe dọa, thách thức,…), hứa hẹn, bộc lộ cảm xúc.

C. Hoạt động luyện tập

1. (trang 34, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Viết đoạn văn khoảng 4 – 5 câu trình bày suy nghĩ của em về một vấn đề mà em tâm đắc nhất trong Hịch tướng sĩ.

Trả lời:

(Vấn đề: lòng yêu nước, căm thù giặc của Trần Quốc Tuấn)

   Qua bài hịch, Trần Quốc Tuấn không chỉ thể hiện lòng căm thù sục sôi quân cướp nước mà còn thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, quyết xả thân cho độc lập dân tộc. Ông vạch ra hai con đường chính - tà cũng là một con đường sống chết để thuyết phục tướng sĩ. Trần Quốc Tuấn biểu lộ một thái độ dứt khoát: hoặc là địch hoặc là ta, không có vị trí chông chênh cho những kẻ bàng quan trước thời cuộc. "Giặc với ta là kẻ thù không đội trời chung, các ngươi cứ điềm nhiên không biết rửa nhục, không lo trừ hung, không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà chịu đầu hàng, giơ tay mà không chịu thua giặc. Nếu vậy rồi đây sau khi giặc đã dẹp yên, muôn đời để thẹn, há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa?", đó là lời động viên tới mức cao nhất ý chí và quyết tâm chiến đấu của mọi người.


2. (trang 40, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Xác định mục đích nói của những câu sau:

a. Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa xẻ thịt lột da, nuốt gan uổng máu quân thù. [1] Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng [2].


b. Nay ta bảo thật các ngươi: nên lấy việc "đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ" làm nguy; nên lấy điều "kiềng canh nóng mà thổi rau nguội" làm sợ. [1] Phải huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên; khiến cho ai nấy đều giỏi như Bàng Mông, mọi người đều tài như Hậu Nghệ; có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai.[2]


c. Giặc với ta là kẻ thù không đội trời chung, các ngươi cứ điềm nhiên không biết rửa nhục, không lo trừ hung, lại không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc.


Trả lời:

Xác định mục đích nói của những câu:

a.

[1] bộc lộ cảm xúc

[2] hứa hẹn

b.

[1] nêu ý kiến

[2] cầu khiến

c. dự đoán


3. (trang 41, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Nối câu ở cột A với hành động nói phù hợp ở cột B

A B
(1) Thứ bảy này con có đi học không? a) Bộc lộ cảm xúc
(2) Con được nghỉ học để các anh chị lớp 9 thi nghề mẹ ạ. b) Hỏi
(3) Vậy, con sang dọn dẹp nhà cửa giúp ông bà nhé! c) Dự đoán
(4) Chắc hôm đó thì cậu An cũng về rồi, thế nào cậu chả nhớ mua cho con mấy quyển truyện mà con thích. d) Cầu khiến
(5) Thật là tuyệt, thảo nào cậu bảo sẽ cho con một sự bất ngờ! e) Trình bày
g) Hứa hẹn

Trả lời:

Nối : (1) – b,    (2) – e,    (3) – d,    (4) – c,    (5) – a


4. (trang 41, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Tạo lập một đoạn hội thoại (chủ đề tự chọn) có khoảng 4 – 5 hành động nói. Xác định mục đích nói của mỗi hành động nói.

Trả lời:

(Hoàn cảnh: Bạn A đi học về, trò chuyện với mẹ)

A: Con chào mẹ! (chào)

Mẹ: Con đi học về rồi đấy à? (chào)

A: Hôm nay con được điểm 10 môn Toán đấy mẹ ạ. (Trình bày)

Mẹ: Ôi, con mẹ giỏi quá! (Cảm thán/khen ngợi) Con mời bố vào ăn cơm đi. (Cầu khiến)

D. Hoạt động vận dụng

1. (trang 41, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Khái quát những nét chính về nội dung và nghệ thuật của bài Hịch tướng sĩ bằng sơ đồ tư duy.

Trả lời:

Soạn văn 8 VNEN Bài 22: Hịch tướng sĩ | Hay nhất Soạn văn lớp 8 VNEN

2. (trang 41, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Ghi lại một đoạn hội thoại ngắn (khoảng 3- 4 hành động nói) giữa một người bán hàng và một người mua hàng. Xác định mục đích nói của các nhân vật. Người nói đã thực hiện hành động nói nào để đạt được mục đích của mình?

Trả lời:

Người mua: - Cô ơi, cái bút bi xanh này bao nhiêu tiền? (hỏi)

Người bán: - 5 ngàn cháu nhé! (thông báo)

Người mua: - Dạ vâng! (đáp) Cô cho cháu mua 2 cái với ạ! (cầu khiến)

E. Hoạt động tìm tòi mở rộng

(trang 41, Ngữ Văn 8 VNEN, Tập 2) Sưu tầm một số bài viết về tác giả Trần Quốc Tuấn và bài Hịch tướng sĩ. Ghi lại nội dung chính của những bài viết đó.

Trả lời:

Bài báo: “Vị tướng kiệt xuất Trần Quốc Tuấn và bài học cho người trẻ”

Nội dung:

- Tổng hợp về cuộc đời Trần Quốc Tuấn, một trong những tướng soái kiệt xuất trong lịch sử nhân loại.

- Tấm lòng rộng lớn của ông.

- Lời nhắc nhở về lối sống hưởng thụ còn giá trị cho cả thế hệ trẻ ngày nay.



Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 chương trình VNEN hay khác:

Xem thêm các loạt bài Để học tốt Ngữ văn 8 hay khác:

Săn shopee siêu SALE :

CHỈ CÒN 250K 1 KHÓA HỌC BẤT KÌ, VIETJACK HỖ TRỢ DỊCH COVID

Tổng hợp các video dạy học từ các giáo viên giỏi nhất - CHỈ TỪ 499K tại khoahoc.vietjack.com

Tổng đài hỗ trợ đăng ký khóa học: 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Soạn văn 8 mới (hay nhất & ngắn nhất) của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sách mới Ngữ văn 8 Tập 1, Tập 2.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên