Top 20 Phân tích giá trị văn hoá hoặc triết lí nhân sinh trong một tác phẩm văn xuôi

Tổng hợp các bài văn Phân tích giá trị văn hoá hoặc triết lí nhân sinh trong một tác phẩm văn xuôi hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 20 Phân tích giá trị văn hoá hoặc triết lí nhân sinh trong một tác phẩm văn xuôi

Quảng cáo

Đề bài: Phân tích giá trị văn hoá hoặc triết lí nhân sinh trong một tác phẩm văn xuôi đã học ở Bài 5 và Bài 7 trong sách “Ngữ văn 11”, tập hai.

Phân tích giá trị văn hoá hoặc triết lí nhân sinh trong một tác phẩm văn xuôi - mẫu 1

          Mác-xim Go-rơ-ki là nhà văn nổi tiếng đến từ Nga. Từ nhỏ ông là người rất đam mê đọc sách và cùng với những gian khó tuổi thơ đã thắp sáng và nảy sinh khát vọng sáng tác của ông. Truyện “Trái tim Đan-kô” là một trong những truyện ngắn xuất sắc của ông, được trích ở phần cuối “Tuyển tập truyện ngắn Mác-xim Go-rơ-ki”. Tác phẩm kể về sự hy sinh cao cả, tấm lòng vị tha yêu thương của người anh hùng Đan-kô.

Quảng cáo

Mở đầu là bức tranh thiên nhiên ở thảo nguyên u ám, với cảnh vật đáng sợ. Rồi lại có sự xuất hiện của ánh lửa xanh kỳ dị, gợi đến những câu chuyện hoang đường. Chính ánh lửa này xuất phát từ câu chuyện của một người anh hùng với trái tim vĩ đại và tràn đầy yêu thương. Một đoàn người trên thảo nguyên đang bị bủa vây trong bóng tối của khu rừng, cành lá thì dày đặc và ánh sáng mặt trời thì không chiếu đến. Họ không có con đường nào có thể thoát ra, ngày một tuyệt vọng và buông xuôi tất cả. Nhưng một vị anh hùng, một chàng trai đã xuất hiện để cứu lấy cuộc sống của họ. Đan-kô đã tìm cách để dẫn dắt mọi người vượt qua khu rừng đáng sợ và tràn ngập bóng tối này. Nhưng khi đứng trước một khu rừng rậm rạp, con người mỗi lúc một kiệt sức thì con người lại lộ ra bộ mặt yếu hèn và nhút nhát của mình. Trước đó thì họ xin anh dẫn họ đi, bây giờ họ lại bắt đầu đổ lỗi cho Đan-kô. Họ mắng mỏ, họ bảo anh phải chết đi. Mặc dù Đan-kô rất phẫn nộ trước hành động ấy nhưng anh lại nhận ra rằng “Anh yêu họ và nghĩ rằng không có anh, có lẽ họ chết mất”. Một chàng trai có tấm lòng vị tha và yêu thương con người mặc cho bị đối xử tệ bạc nhưng vẫn quyết định cứu mọi người. Ý nghĩa muốn cứu mọi người quá mãnh liệt nhưng lại không được tin tưởng đến mức phải gào to lên như sấm. Và anh đã có một hành động xé toang lồng ngực của mình và dơ cao lên. 

Quảng cáo

Ngọn lửa trong trái tim Đan-kô đã xua tan đi mây mù và anh đã dẫn mọi người chạy ra khỏi khu rừng tối tăm này. Anh đã đưa được mọi người ra ngoài và sau đó gục xuống chết. Bằng cách đổi lấy sinh mạng của mình, anh ấy đã mang trái tim ấm áp, một lòng tốt của một trái tim dũng cảm soi sáng dẫn đường cho đoàn người. Nhưng rồi có ai nhớ đến sự hy sinh cao cả của anh? Họ vui sướng tràn đầy hy vọng vì được cứu sống rồi họ lại lập tức quên luôn người đã cứu mình. Đan-kô là hiện thân cho hình ảnh một con người xả thân cứu người mà không đòi hỏi được đền đáp. Go-rơ-ki đã dùng những từ ngữ chân thành và tốt đẹp nhất để ca ngợi, để trân trọng trước cái chết của Đan-kô. Đó còn là bức tranh gợi cho ta suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống. Phải chăng khi con người đứng trước những khó khăn, nghịch cảnh của cuộc sống thì họ sẽ quên mất mình là ai, sống một cách ích kỷ và tham lam. Nhưng vẫn sẽ có những con người giống như Đan-kô xuất hiện. Đứng trước vực tối cuộc sống, vẫn giữ trong mình trái tim yêu thương, một lòng tốt chân thành mà không cần đền đáp.

Một bức tranh thiên nhiên, một sự đấu tranh sự sống của con người đã hiện lên thật đặc sắc trong tác phẩm “Trái tim của Đan-kô” của Go-rơ-ki. Câu chuyện khiến cho người đọc phải suy nghĩ về những giá trị sống và mối quan hệ giữa con người trong hiện thực thực cuộc sống.

Quảng cáo

Phân tích giá trị văn hoá hoặc triết lí nhân sinh trong một tác phẩm văn xuôi - mẫu 2

Nguyễn Khải là nhà văn hiện đại xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Những tác phẩm của ông chủ yếu viết về đề tài nông thôn trong quá trình xây dựng cuộc sống mới. Ông để lại cho nền văn học nước nhà một khối lượng tác phẩm đồ sộ, trong đó chủ yếu là truyện ngắn và tiểu thuyết. Truyện ngắn của Nguyễn Khải được đặc trưng bởi lối viết truyện ngắn không có cốt truyện, Một người Hà Nội là truyện ngắn đi theo hướng ấy, hướng của một truyện ngắn không có cốt truyện và nhân vật không hẳn là hình thành trong những tình huống hay xung đột nội tâm. Cô Hiền được coi là một nhân vật chính của truyện ngắn này, khi bàn về nhân vật có ý kiến cho rằng: “Qua nhân vật cô Hiền nhà văn Nguyễn Khải đã khẳng định sức sống bền bỉ của các giá trị văn hóa mang nét đẹp Hà Nội”.

Truyện ngắn “Một người Hà Nội” là truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Khải phát hiện vẻ đẹp trong chiều sâu tâm hồn, tính cách con người Việt Nam qua bao biến động, thăng trầm của đất nước. Khi xây dựng truyện ngắn này, phải chẳng nhà văn muốn định hình một phong cách sống, một thứ nền nếp, gia phong của người Hà Nội cũng là một sự sàng lọc của thời gian để cái còn lại là những tinh chất, những phẩm chất vượt trội, “Những hạt bụi vàng” để rồi cả Hà Nội. cả đất kinh kỳ “chói sáng những ánh vàng” như một niềm tự hào hãnh diện về dân tộc Việt Nam? Cô Hiền là một nhân vật được xây dựng để hoàn thành sứ mệnh cao cả ấy. Đó là một người phụ nữ với phong cách đạo lí vừa triết lý một tính cách vừa thiết thực cũng lại rất đỗi hào hoa xoay quanh những mối quan hệ của nhân vật về gia đình, người thân, đất nước, bạn bè,……ở nhiều thời điểm cả quá khứ, hiện tại, và tương lai.

Cô Hiền sinh ra trong một gia đình lương thiện, khá giả, được dạy dỗ đàng hoàng, từ nhỏ cô đã là một người con gái xinh đẹp, lớn lên cô trở thành một thiếu nữ Hà Thành, vẫn đầy đủ những nét xinh xắn và vẻ thông minh, sâu sắc của người thiếu nữ ngày nào. Cô là con người trí thức, hiểu biết rộng và còn tự mình mở được một salon văn chương, thế giới mà cô tiếp xúc cũng chính là toàn bộ những con người thuộc thế giới thượng lưu, văn nghệ sĩ Hà Thành.

Qua mỗi thời kỳ, cô Hiền đều có cho mình những thái độ, cách hành xử phù hợp và thể hiện được những nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Hà Nội.

Sau năm 1954 hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhân vật “ Tôi” từ chiến trường trở về, Hà Nội nhỏ và vắng hơn trước, bởi rằng, những người vốn sống ở Hà Nội trước đây thì giờ đều chuyển đi những vùng đất mới để làm ăn sinh sống và lập nghiệp. Nhưng, cô Hiền thì lại khác cô vẫn không rời xa Hà Nội, không sinh cơ lập nghiệp ở vùng khác. Phải chăng đây chính là sự gắn bó máu thịt của một con người với vùng đất chôn rau cắt rốn của họ? Sợi dây gắn kết ấy phải có lẽ được tạo ra bởi chính tình yêu của cô đối với Hà Nội.

Mỗi khi nhân vật “ tôi” về thăm Hà Nội, cô luôn băn khoăn hỏi “Anh ra Hà Nội lần này thấy phố xá như thế nào, dân tình thế nào ?”. Câu hỏi ấy tưởng như một câu hỏi xã giao đơn thuần, nhưng thực chất thì lại không phải thế! Ngay trong câu hỏi đã ẩn chứa một nỗi niềm đau đáu, phấp phỏng và tràn đầy hy vọng của một người phụ nữ về vùng đất mà mình yêu mến.

Cô Hiền mang vẻ đẹp thanh lịch, nhã nhặn của người Hà Nội, một vẻ đẹp mà nhân vật ấy không ngừng xây đắp và luôn luôn có ý thức đề cao. Người xưa đã có câu:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Vẻ đẹp thanh lịch đó thể hiện qua cách cô hiền dạy dỗ và uốn nắn những đứa con của mình. Trong ăn uống, từ cách cầm bát đũa, cách lấy canh, nói chuyện trong bữa ăn, ….đều được cô hướng dẫn tỉ mỉ cẩn thận. Cách ăn uống của gia đình cô Hiền được đặt trong sự đối sánh với cách ăn uống của gia đình nhân vật “tôi” đó là “Cứ việc sục muôi, sục đũa vào, vừa ăn vừa quát mắng con cái, nhồm nhoàm, hả hê, không phải theo một quy tắc nào cả”. Cách ăn uống ấy chính là biểu hiện của một trong những nét đẹp văn hóa của người Hà Nội, những giá trị văn hóa được lưu giữ và phát triển cho tới ngày hôm nay.

Bên cạnh cách ăn uống, còn là cách đi đứng, nói năng sao cho chuẩn mực, không tùy tiện buông tuồng và đặc biệt là “ Biết lòng tự trọng, biết xấu hổ.” Sự thanh lịch, những thói quen lịch lãm như dòng máu luôn chảy trong người cô, dù cho giữa nhịp sống xô bồ nhộn nhịp thì những thói quen ấy vẫn luôn giữ cho tốt tất cả những điều này.

Ngoài những nét thanh lịch, ở cô Hiền còn toát lên vẻ đẹp của bản lĩnh cá nhân, bản lĩnh sống của người Hà Nội, cô có cho mình hiểu biết nhận thức rất thực tế về cuộc sống. Là người phụ nữ nhưng cô luôn khẳng định được vai trò “nội tướng” của mình, luôn chủ động, tự tin, mạnh mẽ, dám làm dám là chính mình. Việc cô Hiền lấy chồng là một ông giáo tiểu học, hiền lành chăm chỉ, sự kiện ấy khiến cả Hà Thành kinh ngạc. Chuyện sinh con đẻ cái cũng vậy, cô tính toán chuyện sinh con sao cho hợp lí và có thể nuôi dạy chúng cho tốt đến khi chúng trưởng thành. So sánh với thời kì phong kiến, hoặc không ít những người phụ nữ ngay trong thời đại của cô, họ là phái yếu luôn bị xã hội khinh rẻ, coi thường thì cô Hiền lại luôn thể hiện ngược lại. Người phụ nữ ấy quyết định nhiều việc trong gia đình, ngay cả vấn đề kinh tế cũng vậy, khi chồng bà định mua máy in, cô đã phân tích cho ông hiểu và thuyết phục thành công người chồng của mình. Như vậy người ta nhìn thấy được ở cô Hiền còn chính là cái nhìn bao quát và toàn diện, sự sâu sắc và thấu đáo trong tất cả những vấn đề của cuộc sống.

Cô Hiền còn là một người phụ nữ đầy bản lĩnh, tính tình thẳng thắn. Cô đưa ra quan điểm của mình về việc Chính phủ can thiệp quá sâu vào đời sống của người dân, “Chính phủ can thiệp quá nhiều vào việc của dân quá, nào là phải tập thể dục mỗi sáng, sinh hoạt văn nghệ mỗi tối”. Sự thẳng thật với chế độ với thời đại, chính là thái độ thẳng thắn, trung thực của con người Hà Nội.

Lòng tự trọng, nhân cách cao thượng của cô Hiền thể hiện rõ qua việc cô cho những đứa con của mình đi bộ đội. Khi đứa con trai đầu – “ Dũng” xin đi bộ đội vào Nam chiến đấu bà nói với nhân vật “tôi” : “Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”. Đến lượt thằng con thứ hai lên đường cô cũng nói “Tao không khuyến khích cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm con đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó”. Đó chính là một lối sống cao thượng, không thấp hèn, bám vào sự hi sinh của người khác, sống hổ thẹn với lương tâm. Ở đây cô còn hiện lên vẻ đẹp của người mẹ thời chiến có ý thức trách nhiệm với đất nước với dân tộc, biết sẻ chia trước đau thương mất mát của biết bao người mẹ khác. Lòng tự trọng giúp con người ta sống có trách nhiệm với cộng đồng. Ở cô Hiền, lòng tự trọng của cá nhân đã hòa vào lòng tự trọng của dân tộc. Đây là một cách ứng xử rất nhân bản.

Đặc biệt, cô Hiền luôn luôn tin tưởng vào những giá trị văn hóa bền vững của con người Hà Nội. Mỗi thời đại, mỗi vẻ đẹp riêng, đều có những nét đẹp không bao giờ đổi thay. Hình ảnh cây si cổ thụ xuất hiện ở cuối truyện đã khẳng định rằng, niềm tin và tình yêu, những giá trị tinh thần chính là liều thuốc quan trọng để lưu giữ và làm sống dậy những gì tưởng chừng như đã mất. Sự sống lại của cây cổ thụ là niềm lạc quan tin tưởng của tác giả vào sự phục hồi của những giá trị văn hóa truyền thống Hà Nội. Những giá trị văn hóa bền vững sẽ không mất đi, nhà văn ao ước những giá trị ấy sẽ hóa thân vào hiện tại “Một người như cô phải chết đi thật tiếc, một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ…”

                                Qua nhân vật cô Hiền nhà văn Nguyễn Khải đã khẳng định sức sống bền bỉ của các giá trị văn hóa mang nét đẹp Hà Nội. Nhận định như một lời nhận xét chính xác và đầy đủ nhất về vẻ đẹp của con người Hà Nội trong mọi thời đại, thời nào cũng vậy, con người nơi đây luôn lưu giữ, duy trì và phát huy những giá trị tốt đẹp. Cô Hiền – nhân vật chính của thiên truyện chính là một người như thế, một con người sắc sảo đến khôn ngoan, trải đời đến già dặn, nhưng cô cũng là một người bộc trực vô tư. Đối với đất nước và cách mạng, cô có quan niệm khá rạch ròi, với cuộc sống bản thân và gia đình, người phụ nữ ấy cũng nuôi dưỡng cho mình những quan niệm rất độc đáo và thông minh

Xem thêm các bài Soạn văn 11 Cánh diều hay nhất, ngắn gọn khác:

Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):

Săn shopee siêu SALE :

CHỈ CÒN 250K 1 KHÓA HỌC BẤT KÌ, VIETJACK HỖ TRỢ DỊCH COVID

Đăng ký khóa học tốt 11 dành cho teen 2k4 tại khoahoc.vietjack.com

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên