Soạn bài Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học - Kết nối tri thức

Với soạn bài Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học trang 21, 22, 23, 24, 25, 26 Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 11.

Soạn bài Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học - Kết nối tri thức

Quảng cáo

* Yêu cầu:

- Giới thiệu được tác phẩm cần thuyết minh (nhan đề, tên tác giả, đánh giá chung).

- Giới thiệu khái quát về tác giả.

- Nêu được hoàn cảnh sáng tác, đặc điểm thể loại; tóm tắt được nội dung tác phẩm.

- Nêu thông tin cơ bản về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

- Khẳng định vị trí, đóng góp của tác phẩm đối với đời sống văn học.

- Có lồng ghép các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.

* Phân tích bài viết tham khảo:

Văn bản: Truyện Kiều – kiệt tác của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.

1. Giới thiệu chung về tác phẩm

Truyện Kiều là kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du và của nền văn học Việt Nam. Tác phẩm có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của người Việt.

2. Giới thiệu khái quát về tác giả

Sống trong một thời đại đầy biến động dữ dội nên cuộc đời Nguyễn Du nếm trải nhiều thăng trầm. Ông có kiến thức uyên bác, trái tim nhân hậu và tài năng văn học bẩm sinh. Nguyễn Du để lại 250 bài thơ chữ Hán và một số tác phẩm viết bằng chữ Nôm, trong đó nổi bật nhất là Truyện Kiều.

3. Nêu hoàn cảnh sáng tác, đặc điểm thể loại

- Truyện Kiều được dựa theo tiểu thuyết “Kim Vân Kiểu truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Quốc. Có thuyết nói rằng Nguyễn Du viết truyện Kiểu sau khi đi sứ Trung Quốc (1814-1820).

- Tác phẩm gồm 3254 câu thơ lực bát, dựa trên cốt truyện cuốn tiểu thuyết chương hồi: Kim Vân Kiều truyện.

Quảng cáo

4. Tóm tắt nội dung, tác phẩm

- Cốt truyện “Truyện Kiều” được tổ chức theo mô hình cơ bản của truyện thơ Nôm với ba phần: Gặp gỡ, đính ước - Tai biến, chia li - Đoàn tụ.

- Nội dung cốt truyện: kể về cuôc đời 15 năm lưu lạc của Vương Thúy Kiều, người con gái tài sắc, đức hạnh, vẹn toàn.

5. Sự kết hợp của các yếu tố tự sự, miêu tả

Truyện Kiều là tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc. Về tư tưởng, Truyện Kiều có giá trị hiện thực và giá trị nhân văn sâu sắc. Tác phẩm ngợi ca, trân trọng những giá trị của con người, đặc biệt là người phụ nữ với những phẩm chất như thông minh, thủy chung, hiếu thuận, nhân hậu, tự trọng... Cùng với thái độ ngưỡng mộ, trân trọng ấy là niềm cảm thương, đau đớn trước những số phận bi kịch; là tiếng nói đồng tình với khát vọng tự do sống, tự do yêu đương cũng như khát vọng công lí. Những khát vọng nhân bản ấy được đặt lên hàng đầu, nhiều khi vượt lên trên kiêm tòa của lễ giáo, thậm chí có khi đối nghịch với quy chuẩn đạo đức phong kiến, có được sự đồng của người đọc hiện đại.

6. Giá trị nội dung, tư tưởng

- Ca ngợi, trân trọng giá trị con người, người phụ nữ.

- Niềm cảm thương, đau đớn trước số phận.

- Tiếng nói khát vọng sống, khát vọng tự do.

7. Giá trị nghệ thuật

Kết tinh nhiều thành tựu văn học dân tộc: cốt truyện, ngôn ngữ, xây dựng nhân vật, thủ pháp ước lệ,...

8. Khẳng định vị trí của tác phẩm

Truyện Kiều là một kiệt tác của nền văn học, đóng góp to lớn đã được ghi nhận và tiếp tục khám phá.

Trả lời câu hỏi:

Câu 1 (trang 24 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Bài thuyết minh Truyện Kiều - kiệt tác của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du gồm những nội dung gì? Nội dung nào được xác định là trọng tâm?

Trả lời:

Quảng cáo

Bài thuyết minh Truyện Kiều - kiệt tác của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du gồm những nội dung: 

Giới thiệu tác phẩm 

Giới thiệu khái quát về tác giả 

Hoàn cảnh sáng tác, đặc điểm thể loại, tóm tắt tác phẩm  

Giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm  

Vị trí, đóng góp của tác phẩm đối với đời sống văn học 

Các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.

Câu 2 (trang 24 sgk Ngữ văn 11 Tập 2):

Chỉ ra sự kết hợp của một số yếu tố như tự sự, miêu tả, biểu cảm hoặc nghị luận được sử dụng trong bài thuyết minh.

Trả lời:

Một số yếu tố:

- Tự sự: kể lại một số sự kiện như là: Kim – Kiều gặp mặt trong buổi du xuân, Kim Trọng phải về quê chịu tang chú, Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha, trao duyên cho Thúy Vân...

- Nghị luận: “Những khát vọng nhân bản ấy được đặt lên hàng đầu, nhiều khi vượt lên trên kiềm tòa của lễ giáo, thậm chí có khi đối nghịch với quy chuẩn đạo đức phong kiến, có được sự đồng cảm của người đọc hiện đại”,...

Quảng cáo

* Thực hành viết

1. Chuẩn bị viết

Chọn thuyết minh một số tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 hoặc một số tác phẩm tự chọn khác.

2. Tìm ý, lập dàn ý

Tìm ý

Đề bài: Thuyết minh về tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” (Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi).

Để tìm ý cho bài thuyết minh, có thể dựa vào một số câu hỏi gợi ý sau:

- Vì sao chọn thuyết minh về tác phẩm này.

- Tác giả và tác phẩm được chọn có vị trí như thế nào?

- Tác phẩm được sáng tác trong hoàn cảnh nào, bằng thể loại gì?

- Nội dung cơ bản và đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm là gì?

- Tác phẩm đã được đánh giá như thế nào trên các phương tiện giá trị tư tửog và giá trị nghệ thuật.

- Tác phẩm có đóng góp gì cho đời sống văn học.

Lập dàn ý

Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.

Thân bài:

- Giới thiệu ngắn gọn về quê quán, gia đình, con người, sự nghiệp văn chương.

- Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác, thể loại của tác phẩm.

- Trình bày giá trị tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm.

Kết bài: Khẳng định đóng góp của tác phẩm cho nền văn học hoặc cho đời sống văn hóa đất nước và thế giới.

Dàn ý cho đề bài: Thuyết minh về tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” (Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi).

a. Mở bài

Khái quát và tóm tắt đôi nét nổi bật về tác giả và tác phẩm, giá trị và ý nghĩa của bài Bình Ngô đại cáo.

Dẫn dắt vào vấn đề cần làm sáng tỏ: thuyết minh về Bình Ngô đại cáo.

b. Thân bài 

- Tóm tắt đôi nét và thuyết minh về Nguyễn Trãi.

- Thuyết minh về Bình Ngô đại cáo qua hoàn cảnh sáng tác, thể loại và nhan đề của tác phẩm.

- Thuyết minh về Bình Ngô đại cáo qua giá trị mà tác phẩm mang lại.

+ Luận đề chính nghĩa.

+ Cáo trạng về tội ác của kẻ thù.

+ Cuộc chiến đấu anh dũng và hào hùng.

+ Tuyên bố nền độc lập.

- Sử dụng nghệ thuật độc đáo, điêu luyện.

c. Kết bài

- Nhấn mạnh ý nghĩa mà bài Đại cáo Bình Ngô mang lại.

- Thể hiện đôi nét suy nghĩ của bản thân về “áng thiên cổ hùng văn” của dân tộc.

3. Viết

- Khi viết cần chú ý trọng tâm của bài thuyết minh.

- Nên kết hợp thuyết minh với một số yếu tố khác (miêu tả, tự sự, biểu cảm,...)

- Văn phong cần khoa học, ngắn gọn, chính xác, phù hợp với đối tượng thuyết minh.

Bài viết mẫu tham khảo:

Nằm trong số những tác phẩm văn học được viết nên để ca ngợi truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi được xem là một tác phẩm bất hủ cùng thời gian. Tác phẩm được đánh giá là áng “thiên cổ hùng văn”, là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai có giá trị trường tồn.

Nguyễn Trãi (sinh năm 1380 – mất năm 1442) hiệu là Ức Trai, quê ông ở Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương) sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây). Gia đình Nguyễn Trãi là một gia đình nhà nho nghèo nhưng lại giàu truyền thống yêu nước và có sự quan tâm đặc biệt với văn hóa, văn học nước nhà. Nguyễn Trãi có cha và ông ngoại đều là những người học rộng tài cao và có nhiều đóng góp cho triều đình. Cha ông là Thái học sinh Nguyễn Phi Khanh còn ông ngoại của ông là Tư đồ Trần Nguyên Đán.

Noi gương thế hệ đi trước, Nguyễn Trãi cũng ra sức dùi mài kinh sử và năm 1400, ông cũng đỗ Thái học sinh và ra làm quan cho triều nhà Hồ. Đến năm 1407, giặc Minh sang xâm lược nước ta nhưng nhà Hồ không có đủ khả năng chống trả, thế nên đất nước rơi vào tay giặc, cha ông bị bắt sang Trung Quốc còn ông thì quyết định tham gia vào nghĩa quân Lam Sơn để cứu nước báo thù nhà.

Với sự lãnh đạo tài tình và sự giúp sức từ những người cộng sự nhiệt thành, tài năng như Nguyễn Trãi, Lê Lợi cùng với nghĩa quân Lam Sơn đã giành được thắng lợi to lớn trước quân Minh. Nguyễn Trãi nhận được sự tin tưởng rất lớn từ Lê Lợi – lúc này đã trở thành vị vua đứng đầu của Đại Việt. Tuy nhiên sau đó triều đình lại lục đục, gian thần nhiễu nhương, Nguyễn Trãi quyết định về quê lánh đục tìm trong.

Thế nhưng, mong muốn ở ẩn rời xa thế sự của Nguyễn Trãi lại không trở thành hiện thực vì ông lại bị vướng vào vụ án oan giết vua tại Lệ Chi Viên vào năm 1442, kết quả nhận án tru di tam tộc. Nỗi oan thiên cổ của ông kéo dài đến tận năm 1464 thì mới được vua Lê Thánh Tông minh oan.

Khi thuyết minh về Bình ngô đại cáo, ta thấy tác phẩm “Đại cáo bình Ngô” ra đời gắn với hoàn cảnh đất nước ta vừa hoàn thành cuộc chiến đấu nhiều năm gian khổ chống giặc Minh xâm lược. Sau chiến thắng đó, Nguyễn Trãi chính là người thay mặt cho Lê Lợi viết nên tác phẩm nhằm mục đích tuyên bố với nhân dân cả nước về quyền độc lập dân tộc. “Đại cáo bình Ngô” được công bố vào năm 1428, đây là một bản báo cáo đã tổng kết quá trình kháng chiến giành thắng lợi và đồng thời cũng là một bản tuyên cáo trong việc thành lập triều đại mới của đất nước – triều nhà Lê.

Tác phẩm được viết bằng một thể loại đặc biệt – thể cáo. Đây vốn là thể văn nghị luận từ thời cổ ở Trung Quốc và thường được vua chúa, những người thủ lĩnh sử dụng để trình bày một chủ trương, sự nghiệp hay tuyên ngôn những sự kiện trọng đại để mọi người cùng biết. Thể loại cáo thường được trình bày dưới hình thức của văn vần, văn xuôi nhưng phổ biến là văn biền ngẫu – thể văn lấy sự đối ý làm nguyên tắc cơ bản, tạo cho lời văn sự nhịp nhàng cân đối. Cáo sử dụng lời lẽ đanh thép, lý luận sắc bén và đặc điểm quan trọng nhất là có kết cấu chặt chẽ, mạch lạc.

Để khẳng định nền độc lập, mở đầu tác phẩm, Nguyễn Trãi đã nêu lên luận đề chính nghĩa có ý nghĩa tất yếu:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân.

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”

Luận đề được nêu lên cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa dân, nước và sự nhân nghĩa. Nhân nghĩa vốn là một quan niệm trong đạo Nho nói lên cách đối nhân xử thế tốt đẹp dựa trên tình thương và đạo giữa người với người trong cuộc sống. Thế nhưng trong thời buổi có giặc xâm lược, tác giả đã cụ thể hóa biểu hiện của một người biết sống nhân nghĩa là hành động “trừ bạo” để “yên dân”. Đó chính là chân lí khách quan phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước. Con dân đất Việt xông pha ra chiến trường diệt giặc là điều tất yếu vì nước Việt là của người Việt, có chủ quyền độc lập riêng. Điều này đã được khẳng định chắc chắn qua lịch sử, phong tục:

“Như nước Đại Việt ta từ trước.

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Núi sông bờ cõi đã chia.

Phong tục Bắc Nam cũng khác.”

Qua các triều đại và cả sự hiện diện của những anh hùng hào kiệt mỗi thời:

“Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập.

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau.

Song hào kiệt đời nào cũng có.”

Khi thuyết minh về Bình ngô đại cáo, ta nhận thấy bên cạnh việc khẳng định nền chủ quyền, độc lập dân tộc, “Đại cáo bình Ngô” còn là một bản cáo trạng đanh thép đối với những tội ác mà kẻ thù đã gây ra cho nhân dân ta suốt hai mươi năm dài xâm lược. Trong những ngày đầu đặt chân lên đất nước vì muốn đô hộ ta, chúng đã tỏ rõ là những kẻ xảo trá, bịp bợm:

“Nhân họ Hồ chính sự phiền hà

Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa.”

Chúng ra sức bóc lột, đẩy nhân dân ta vào chỗ hiểm nguy:

“Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập, thuồng luồng.

Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu, nước độc.”

Tàn ác hơn, thâm độc hơn, chúng còn sẵn sàng hủy diệt sinh mệnh của con người bằng những cách hung bạo:

“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.”

Giặc hiện lên quá với những hình ảnh ghê rợn:

“Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán”

Thật sự những tội ác chất chồng mà chúng gây ra không thể nào đếm hết:

“Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,

Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.”

Khi nói về tội ác của giặc, tác giả đã chọn cái vô hạn, khôn cùng của “trúc Nam Sơn”, của “nước Đông Hải” cũng để nói về cái vô hạn, khôn cùng là tội ác và sự nhơ bẩn của kẻ thù. Trong bản cáo trạng ấy, ta có thể thấy tác giả gửi gắm vào đó lúc là sự sục sôi, căm phẫn, khi lại uất hận, nghẹn ngào. Tác giả đau đớn, cất tiếng kêu oán thán: “Lẽ nào trười đất dung tha” – “Ai bảo thần nhân chịu được?” và điều đó cũng chính là biểu hiện của tấm lòng luôn hướng đến quyền sống của người dân, luôn lo cùng nỗi lo và đau cùng nỗi đau với nhân dân.

Với tội ác của giặc, quân dân ta đã nhất tề đồng lòng đứng lên chống lại giặc ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập. Những người anh hùng cứu nước, và đặc biệt là vị minh soái tài ba Lê Lợi dù có xuất thân bình thường:

“Ta đây:

Núi Lam Sơn dấy nghĩa,

Chốn hoang dã nương mình”

Khi chiến đấu với kẻ thù lại trải qua muôn vàn khó khăn:

“Tuấn kiệt như sao buổi sớm,

Nhân tài như lá mùa thu.”

Có lúc phải đối diện với rất nhiều sự thiếu thốn về lương thực và cả lực lượng:

“Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,

Khi Khôi Huyện quân không một đội.”

Nhưng với tinh thần “Gươm mài đá, đá núi cũng mòn; voi uống nước, nước sông phải cạn”, với niềm tin “Trời thử lòng trao cho mệnh lớn”, quân ta đã đồng lòng “gắng chí khắc phục gian nan”. Cuối cùng sau nhiều năm tháng người chủ tướng phải“đau lòng nhức óc”, “quên ăn vì giận”, “trằn trọc trong cơn mộng mị”, “băn khoăn một nỗi đồ hồi”…, quân dân ta đã đánh kẻ thù đến nỗi “sạch không kình ngạc”, “tan tác chim muông”. Ta giành được độc lập, giặc thất bại ê chề là kết cục không thể khác hơn cho cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa mà chúng gây ra. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là mặc dù giặc độc ác, tàn nhẫn như thế vậy mà sau biết bao đau đớn, căm hờn, ta vẫn lấy tấm lòng hiếu sinh để mở đường sống cho chúng. Như vậy, đến cuối cùng ta đã dùng tấm lòng nhân đạo để hóa giải hận thù. Thế mới thấy lúc này cách hành xử với tội ác của giặc đã khiến cho tinh thần nhân nghĩa của ta vươn lên một tầm cao mới.

Cuối cùng nền độc lập, tự do được xác lập lại cho đất nước sau rất nhiều đau thương chính là kết quả tốt đẹp cho một dân tộc chiến đấu anh hùng và biết sống nhân nghĩa. Thuyết minh về Bình ngô đại cáo không thể quên khi Nguyễn Trãi thay Lê Lợi bố cáo rộng rãi cho quần chúng nhân dân:

“Xã tắc từ đây vững bền,

Giang sơn từ đây đổi mới.

Kiền khôn bĩ rồi lại thái,

Nhật nguyệt hối rồi lại minh.

Muôn thuở nền thái bình vững chắc,

Ngàn thu vết nhục sạch làu.”

Lời tuyên bố cho thấy một niềm tin mãnh liệt của tác giả về nền thái bình vững chắc, lâu bền của dân tộc. Sau những ngày tháng sống cảnh áp bức, bóc lột tối tăm, mờ mịt, quân dân ta đã tìm lại được ánh sáng cho sự sống của chính đất nước mình. Hai câu kết của bài cáo vang lên cũng chính là sự khép lại của thời kì chiến đấu oanh liệt và sự mở ra của một giai đoạn tươi sáng, phát triển:

“Một cố nhung y chiến thắng, nên công oanh liệt ngàn năm;

Bốn phương biển cả thanh bình, ban chiếu duy tân khắp chốn.”

Viết tác phẩm, Nguyễn Trãi đã sử dụng lối viết có sự kết hợp uyển chuyển giữa văn chương và chính luận. Ngoài ra, khi viết tác phẩm, Nguyễn Trãi còn sử dụng giọng văn có sự biến đổi linh hoạt vô cùng, hình ảnh sử dụng trong bài cáo lại sinh động và vô cùng hoành tráng.

Bên cạnh đó, Nguyễn Trãi còn sử dụng lối liệt kê hình tượng phong phú, đa dạng, thể hiện sự tương phản trong kháng chiến giữa ta và địch. Đoạn viết về cuộc khởi nghĩa của ta có thể xem là một trong những đoạn thơ đặc sắc về nghệ thuật của “Đại cáo bình Ngô”. Nói như vậy là vì nhà thơ đã rất thành công trong việc thể hiện những phương thức nghệ thuật về liệt kê hình ảnh và thủ pháp tương phản đối lập. Ta thì “điều binh thủ hiểm”, “chặt mũi tiên phong”, “sai tướng chẹn đường”, “tuyệt nguồn lương thực”, “bốn mặt vây thành”; địch thì “động binh không ngừng”, “đem dầu chữa cháy”. Lực lượng của ta thì “sĩ tốt kén người hùng hổ, bề tôi chọn kẻ vuốt nanh” còn nhìn quân giặc thì chúng lại xuất hiện trong hình ảnh “thất thế”, “cụt đầu”, “đại bại tử vong”, “cùng kế tự vẫn”…

Có thể thấy, với những giá trị trên đây, “Đại cáo bình Ngô” xứng đáng là một tác phẩm lưu danh sử sách đến muôn đời. Bài cáo không chỉ khẳng định hùng hồn nền độc lập, chủ quyền của đất nước mà còn góp phần thể hiện cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất và tấm lòng nhân đạo, tinh thần nhân nghĩa của dân tộc ta…

4. Chỉnh sửa, hoàn thiện

Đọc lại bài viết, đối chiếu với các yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập để chỉnh sửa, hoàn thiện. Chú ý các tiêu chí sau:

- Bài viết đã cung cấp cho người đọc thông tin cơ bản về tác phẩm: tác giả, nội dung chính, giá trị tư tưởng và nghệ thuật,...

- Các nội dung thuyết minh được sắp xếp hợp lí, cân đối, có trọng tâm.

- Bài viết có sự lồng ghép giữa thuyết minh với một hoặc nhiều yếu tố bổ trợ như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận...

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 11 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 11 hay khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 11

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 11 Kết nối tri thức khác
Tài liệu giáo viên